Một Ngày Tưởng Nhớ Đến Các Thần Dữ

Một Ngày Tưởng Nhớ Đến Các Thần Dữ

 (Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 216

Hôm nay, là ngày cuối cùng của tháng 10 dương lịch, cũng là ngày chuẩn bị bước vào lễ trọng, mừng kính các thánh nam nữ trên trời, ngày 1 tháng 11, những người Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng của Mỹ, đã tổ chức một ngày lễ hội, để tưởng nhớ đến các thần dữ.

Người ta gọi lễ đó là Halloween, nghĩa là vọng lễ các thánh.

Có lẽ, đây là  những gì còn rơi rớt lại, của một ngày lễ ngoại giáo, có nguồn gốc từ những người Celtic, thời trước Công nguyên, một ngày lễ mang màu sắc ảm đạm và ma quái.

Trong ngày Halloween này, các cửa tiệm, các hàng hóa, đều trưng bày khắp nơi những hình ảnh rùng rợn, quái dị, rất ấn tượng, tạo nên một bầu khí và một khung cảnh thật kỳ quái:

Nào là những hình nộm, với những bộ mặt được tô vẽ màu sắc giống như những thần chết.

Rồi những màng nhện trắng xóa, được giăng bủa mắc khắp nơi trong thành phố.

Còn những đồ chơi trẻ em được bày bán, cũng được khoác lên màu sắc, và những đường nét kinh hãi, rất quái dị. 

Trên các màn ảnh nhỏ trên truyền hình, cũng như trong các rạp chiếu bóng, đa số các phim ảnh được trình chiếu, đều mang nội dung thật quái đản, thật kinh dị. 

Rồi vào buổi tối ngày Halloween, các thanh niên thiếu nữ, thường tập họp thành nhóm, cải trang thành những ma quái, rồi để đến từng nhà, để ca hát, để xin kẹo, và để kể cho nhau nghe những chuyện ma quái.

***

Bạn thân mến,

Sự kiện mỗi năm, người ta dành riêng ra một ngày, để nhắc nhở về sự hiện hữu, và sự tác oai tác quái của các thần dữ, đã tạo nên cho chúng ta nhiều suy nghĩ. 

Trước hết, liệu ngày nay, khi tổ chức lễ Halloween như vậy, con người ta có thật sự ý thức về sự hiện diện của tội lỗi và của ma quỉ hay không?

Nhất là người ta có thật sự ý thức về những hoạt dộng đều khắp của ma quỉ nơi trần gian này không?

Ngày nay, với những khám phá mới trong ngành tâm lý học, cũng như bệnh lý học, người ta cho rằng, tất cả những vụ quỷ ám mà Kinh thánh nói tới, chỉ là những hiện tượng tâm lý bệnh hoạn, mà ngày nay khoa học có thể tìm ra nguyên nhân.

Những khẳng định này đã làm cho nhiều người thở phào nhẹ nhõm hết sợ hãi, sẽ giúp cho nhiều người an tâm và vui sống thật thoải mái, bởi ma quỉ thật sự không có để mà sợ.

Nhưng ta nên nhớ:

Thế giới tâm linh, thế giới thần thiêng, thế giới tôn giáo, là thuộc một phạm vi khác, thuộc một lãnh vực khác. Nó không phải là đối tượng, để cho người ta có thể đem lên bàn mổ để mà mổ xẻ, hay là đưa vào ống kính hiển vi để phân tích, mà thấy được, mà biết được, mà hiểu được.

Do đó, cho dù người ta có khẳng định cỡ nào, có chối bỏ cỡ nào, thì sự hiện hữu của ma quỉ vẫn luôn là một sự hiện hữu có thật. Không thể phủ nhận.

Khi cảm nhận được điều này, một thi sĩ người Pháp, có tên là Baudelaire, đã nói được một câu rất hay, liên quan đến đời sống tu đức.

Ông nói: “Sự thành công của ma quỷ, là nó cố thuyết phục cho người ta tin rằng, nó không có hiện hữu”.

Có lẽ ngày nay, người ta ít có dịp chứng kiến những vụ quỷ ám như Thánh kinh đã ghi lại.

Tuy nhiên, dù muốn dù không, không ai có thể chối cãi được sự hiện diện và sức mạnh của ma quỉ trong thế gian.

Nó luôn dày xéo tâm hồn con người, luôn lôi kéo con người đến chỗ tự hủy và hủy diệt lẫn nhau. 

Cho nên, câu nói của thánh Phaolô, vẫn luôn đúng cho mọi người, ở mọi nơi và mọi thời đại.

Ngài nói:

“Điều thiện tôi muốn làm, thì tôi lại không làm.

Còn điều ác tôi không muốn làm, thì tôi lại làm”.

Nghĩa là, lúc nào cũng có những sức mạnh vô hình, luôn lôi kéo con người vào sự dữ, vào đều xấu, vào tội ác.

Kinh Thánh nói: Chúa Giêsu đã nhiều lần bị ma quỉ cám dỗ;

Và có lần, Ngài đã nói: “Này Satan, hãy lui ra khỏi mặt Ta”. 

Còn thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng đầu tiên, trong lá thư thứ nhất Ngài gửi cho các tín hữu, đã nhắn nhủ như sau:

“Anh chị em hãy luôn tỉnh thức, bởi ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi để cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong Đức Tin mà chống cự”.

Ước gì lời lời cảnh báo của thánh Phêrô luôn là những lời nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống, để nhờ đó, chúng ta không bao giờ chủ quan, mà để rơi vào cạm bẫy của ma quỉ.

Nhưng chúng ta cũng không quá hãi sợ bởi, bởi chúng ta không chiến đấu một mình, mà chúng ta sẽ chiến đấu cùng với Chúa Giêsu, và bằng chính sức mạnh của Chúa Giêsu, như Chúa đã nói :

“Các con hãy an tâm, chính Thầy đây, Đừng sợ” (Mt 14,27), bởi vì “Thầy đã thắng thế gian” (Gioan 16,33).

Lạy Chúa, “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”. Amen.

print