Giáo Huấn 20: Lòng Đạo Đức Bình Dân

print

Giáo Huấn 20

Lòng Đạo Đức Bình Dân

 

H. “Lòng đạo đức bình dân” là gì ?

T. “Lòng đạo đức bình dân” là những thực hành đạo đức của cộng đoàn hay cá nhân, phát xuất từ niềm tin và lòng đạo đức Kitô giáo, mà không phải là nghi thức phụng vụ chính thức của Hội Thánh.

Giải thích

Ngoài những nghi thức phụng vụ chính thức của Hội Thánh như phụng vụ các bí tích, Thánh lễ, các giờ kinh phụng vụ, nghi thức an táng và các phép lành… thì còn nhiều việc đạo đức khác, được các tín hữu thực hành nhằm biểu lộ niềm tin, được gọi là những thực hành “lòng đạo đức bình dân”. Các thực hành này mang những sắc thái đặc thù của một số dân tộc, là kho tàng đức tin đích thực của dân Chúa, biểu lộ một sự khát khao Thiên Chúa, mà chỉ có những người đơn sơ và khó nghèo mới có thể hiểu được. Các thực hành đạo đức này giúp nuôi dưỡng đức tin công giáo, giúp người giáo dân sống quảng đại và sẵn hy sinh vì đức tin.

Các việc “đạo đức bình dân”, như lần Chuỗi Mân côi, chuỗi Lòng Chúa Thương Xót, đi Đàng Thánh Giá, ngắm Thương Khó, rước kiệu, đi hành hương, làm tuần cửu nhật, kinh nguyện gia đình, cầu lễ cho người qua đời, dâng hoa kính Đức Mẹ… Dù không thuộc Phụng vụ, nhưng vẫn hài hòa với phụng vụ, lấy cảm hứng từ Phụng vụ, và dẫn đưa dân Chúa đến phụng vụ. Các thực hành này được hướng dẫn của Tòa Thánh hoặc của Giám mục địa phương, nên luôn phù hợp với Lời Chúa và những truyền thống phụng tự của Hội Thánh địa phương, của các dòng tu, được Đấng Bản Quyền cho phép thực hành.

Trong thực hành, việc đạo đức bình dân còn có các kinh nguyện, bài ca, phù hiệu, đeo ảnh các thánh…nhằm khơi dậy đức tin của người tín hữu vào Chúa Ba Ngôi, vào Mẹ Maria, hoặc các Thánh… Những thực hành “tín ngưỡng bình dân” này là tuỳ vào lòng tin của mỗi người, miễn sao, qua những thực hành đạo đức này giúp họ gắn bó hơn với Chúa Kitô, hoặc với các thánh là những Chi thể vinh hiển của Người, nhằm nhắc nhớ, khơi lên niềm tín thác vào Chúa và hiệp thông với các thánh trong cuộc sống lữ hành.