Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 32

Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 32

 

Thứ Hai :

Thứ Ba :

Thứ Tư :

Thứ Năm :

Thứ Sáu :

Thứ Bảy :

Thứ Hai :

Lc 17,1-6

A. Hạt giống…

Trong đoạn Tin Mừng này, Thánh Luca gom chung 3 lời dạy của Chúa Giêsu. Tất cả đều rất thực tế cho cuộc sống chung trong tập thể :

  1. Cớ vấp ngã : Cớ vấp ngã là một câu nói, một thái độ hay một hành động nào đó, tự bản chất có lẽ không xấu, nhưng do nó ở trong một hoàn cảnh không thích hợp nên nó gây ảnh hưởng tai hại. Cũng như một tảng đá, tự nó không có gì xấu, nhưng nếu nó nằm giữa đường thì sẽ khiến người ta vấp vào mà bị ngã. Sống trong một tập thể nhiều người, tất nhiên không thề không có cớ vấp ngã, nhưng mỗi người hãy đề phòng đừng trở thành cớ vấp ngã cho người khác.
  2. Việc sửa lỗi anh em : Trong tập thể thì đương nhiên cũng có nhiều khi một người nào đó xúc phạm tới mình. Khi đó ta hãy nói thẳng với người đó. Nếu người đó hối hận thì ta phải tha thứ. Cho dù sau đó người ấy lại lỗi phạm nữa thì cũng vẫn phải tha thứ nữa.
  3. Đức tin : Những người trong tập thể Giáo Hội hãy cố gắng củng cố lòng tin của mình. Nếu có lòng tin thì sẽ làm được nhiều điều phi thường.

B…. nẩy mầm.

  1. Được làm và nên làm : Có những việc tôi có thể làm, nhưng tôi không nên làm, bởi vì làm trong hoàn cảnh cụ thể nào đó và làm trước hạng người nào đó thì việc đó sẽ trở thành một cớ vấp phạm. Bởi đó tuy được làm nhưng tôi không nên làm.
  2. Nếp sống của ta sẽ gây ảnh hưởng trên người khác, dù ta cố ý hay không. Ảnh hưởng về phạm vi thể lý lẫn tinh thần : ‘Hữu xạ tự nhiên hương’, ‘Gần mực thì đen gần đèn thì sáng’. Đây là vấn đề trách nhiệm đối với tha nhân trong cuộc sống. Do đó cần lưu tâm tới những ảnh hưởng tốt xấu ta gây nên trong cộng đoàn.
  3. Tha thứ là gì ? Là mùi thơm mà bông hoa tỏa ra khi nó bị giẫm nát.
  4. Kiên trì chấp nhận nhau và liên tục tha thứ : đây cũng là một hình thức căn bản của nếp sống bác ái cộng đoàn. ‘Giới hạn của tha thứ là thứ tha vô giới hạn’.
  5. Sau đây là cuộc đối thoại ngắn giữa một Linh mục với một người nọ :

– Anh hãy tha thứ cho bà ta đi.

– Vâng, lần này con tha. Nhưng nếu bà ta tái phạm lần nữa thì đừng hòng.

– Vậy anh có muốn Chúa cũng nói với anh như thế khi anh đi xưng tội không ?

-……..

  1. Đức tin : một đức tin nhỏ sẽ đưa linh hồn bạn vào thiên đàng ; một đức tin lớn sẽ đưa thiên đàng vào linh hồn bạn (H. Spurgeon).
  2. “Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng không có không có những cớ làm cho người ta vấp ngã, nhưng khốn cho những kẻ làm cho người ta vấp ngã”. (Lc 17,1)

Nghe tin thằng “Hiền bụi đời” sắp về lại cái xóm nhỏ này sau thời gian khá dài trong trại giam, thỉnh thoảng người ta lại nghe tiếng búa, tiếng đục, cưa của một nhà nào đó đang sửa lại cửa nẻo. Hôm ấy hắn trở về với khuôn mặt rạng rỡ của kẻ chuẩn bị bước vào một cuộc sống mới tốt đẹp. Dường như mọi thứ đều thay đổi trong mắt hắn. Vui vui, hắn tiến về phía Dì Năm bán hủ tiếu, nơi đang diễn ra câu chuyện sôi nổi. Nhưng rồi nụ cười của hắn chưa kịp nở đã vội tắt ngấm. Mọi người im bắt khi hắn tới. Những ánh mắt dè chừng, những nụ cười gượng gạo, cáo lui. Không lâu sau đó, hắn lại bí bắt vì một vụ cướp của. Trong khẩu cung, hắn khai : “… Vì muốn trả thù đời”.

Mỗi ngày của tôi cũng có không ít những cái liếc mắt, bỉu môi trước niềm vui khám phá của người bạn, những cái cười mỉa mai, không phục…

Lạy Chúa, xin giúp con ý thức điều con đang làm. (Hosanna)

Thứ Ba :

Lc 17,7-10

 

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu dạy bài học phục vụ. Muốn phục vụ, trước hết hãy khiêm tốn, khiêm tốn đến mức tự coi mình là đầy tớ. Khi ta đã tự coi mình là đầy tớ rồi thì ta sẽ không ngại phục vụ người khác, hơn nữa ta sẽ coi tất cả những gì ta làm cho người khác ta đều là bổn phận.

B…. nẩy mầm.

  1. 1Cr 4,7 : “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh ?” Nếu xét cho kỹ thì tất cả những gì ta cho là tài ba hay công lao “của mình” đều không phải là của mình thực :

– Trí óc ta thông minh ư ? Đó là nhờ Chúa sinh ra ta như thế. Nhiều người khác mới sinh ra đã đần độn.

– Sức khoẻ ta dồi dào ư ? Cũng nhờ Chúa sinh ta ra sẵn như vậy. Nhiều kẻ sinh ra đã sẵn èo ọt.

– Ta có nhiều năng khiếu ư ? Cũng do Chúa sinh ra ta như vậy.

– Ta đẹp ư ? : cũng thế.

– Ta làm nhiều việc thành công ư ? Đó là nhờ ta có sẵn thông minh, sức khoẻ, năng khiếu.

Bởi vậy dù ta làm được gì thì ta cũng là đầy tớ vô dụng thôi.

  1. Trong một tập thể, nếu ai cũng coi mình là đầy tớ của người khác thì việc chung sẽ chạy đều. Còn nếu ai cũng muốn làm kẻ chỉ huy thì sẽ thế nào ?
  2. Quan niệm ‘sống đạo để lập công’ : quan niệm của Pharisêu, của người con cả trong dụ ngôn Người cha nhân hậu và đứa con hoang đàng. Đây là kiểu sống không có tình ; chỉ có tính thương mại. ‘Mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi mẹ con kể từng ngày’.
  3. Ta sống tốt chỉ có giá trị nhằm gợi lên lòng thương xót và sự nhân hậu của Chúa, ta không có quyền đòi hỏi gì ; hoặc nếu có đòi, thì hãy đòi trong tâm tình của đứa con nhỏ vòi vĩnh trong tình thương. – Thân phận ta, về một khía cạnh nào đó, có thể ví như thân phận người đang chờ án tử hình, nay vì tin vào lòng nhân hậu Chúa, ta làm tốt để cố vớt vát lấy lòng Chúa và cố đền bù những thiệt hại tan hoang mình đã gây ra.
  4. Người ta hỏi Thánh Phanxicô Assisi nhờ đâu và bằng cách nào mà ngài làm được nhiều việc như thế. Thánh nhân đáp :

– Thiên Chúa ở trên Thiên đàng nhìn xuống dưới đất. Ngài tự hỏi : “Tìm đâu ra một người yếu đuối nhất, nhỏ bé nhất và hèn hạ nhất đây ?” Thế rồi Thiên Chúa tìm thấy tôi. Ngài lại tự nhủ : “Ta đã tìm được nó rồi. Qua nó, Ta sẽ làm những việc Ta muốn. Nó sẽ không tự phụ được với những việc đó, bởi vì nó biết rằng Ta xử dụng nó chỉ vì sự yếu đuối, nhỏ bé và hèn hạ của nó thôi” (Christian Herald).

  1. “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi chỉ làm việc theo bổn phận ấy thôi” (Lc 17,10b)

Một nhân viên gác cầu quay có nhiệm vụ quay cây cầu lên cao mỗi khi có tàu thuỷ qua lại phía dưới. Một ngày kia, cậu con trai ông đi qua phía cầu để chơi và xem cha mình làm việc. Thình lình cậu bé trượt chân té. Thầy con bị té, người cha hốt hoảng định kéo con lên. Nhưng ngay lúc đó một chuyến tàu chở đầy hành khách đang lao tới trong tiếng còi văng vẳng từ xa vọng lại. Ông phải nâng cầu lên cho con tàu đi qua và như vậy con trai yêu quý của ông sẽ chết. Tâm trí bấn loạn… nhưng ông cũng đã hoàn tất nhiệm vụ, để rồi phải nhìn chiếc tàu đi qua với những hành khách nhộn nhịp cười nói mà lòng quặn đau…

Trong cuộc đời, có lần nào tôi đã dám hy sinh vì anh em mà không tính toán, dám phục vụ mà không nghĩ thiệt hơn ?

Lạy Chúa, xin cho con biết phục vụ một cách vô vị lợi, vì đó là bổn phận của con. (Hosanna)

Thứ Tư :

Lc 17,11-19

A. Hạt giống…

  1. Thái độ của 10 người cùi trong đoạn Tin Mừng này : biết phận mình nên khi thấy Chúa Giêsu thì “dừng lại đàng xa” và kêu xin.
  2. Khi của Chúa Giêsu bảo họ “Hãy đi trình diện với các tư tế”, Chúa Giêsu vừa thử đức tin của họ vừa mời họ tin tuyệt đối vào Ngài :

            – Thử thách đức tin : vì Ngài không chữa bệnh ngay

            – Mời gọi đức tin : nếu họ đi là chứng tỏ họ tin Ngài chữa họ.

  1. 9 người cùi do thái không trở lại tạ ơn vì họ đã quen được ơn Chúa nên coi đó là việc bình thường. Một người cùi xứ Samari trở lại tạ ơn vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được ơn, thế mà lại được.

B…. nẩy mầm.

  1. Cám ơn là gì ? Điểm đáng chú ý là Thánh Luca không ghi lại lời cám ơn của Người Samari cho nên chúng ta không biết anh ta đã nói gì. Nhưng Thánh Luca ghi khá tỉ mỉ thái độ của anh ta : anh “thấy mình được khỏi, liền quay trở lại, lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài”. Thực ra nói cám ơn Chúa thì chúng ta đã nói nhiều. Nhưng lòng biết ơn thực còn xuất phát từ sự nhận thấy tình thương Chúa, thức đẩy ta quay trở lại với Chúa, thôi thúc ta tôn vinh Chúa và sấp mình thờ lạy Chúa nữa.
  2. Hai tiếng “Cám ơn” giúp ích rất nhiều chẳng những cho ta mà còn cho người được nghe nó nữa :

– Khi ta cám ơn ai, người đó sẽ hài lòng, và lần sau họ sẽ sẵn sàng giúp ta nữa.

– Nghe ta nói cám ơn, lòng người ta vui, mặt người ta sáng, người ta sẽ làm việc vui vẻ hơn.

Hai tiếng “cám ơn” khi được thốt ra bởi những người lớn hơn thì càng sinh hiệu quả nhiều hơn. Chẳng hạn cha mẹ cám ơn con cái, thầy cô cám ơn học trò, chủ cám ơn tớ…

Nhưng tại sao người ta thường cám ơn “người dưng” hơn là cám ơn “người nhà” ? (Frank Mihalic).

  1. Tâm lý chung :

– Ta quen nghĩ đến mình và quên nghĩ tới người, nhất là trong những lúc quá mừng, quá lo  (những ngày đại tiệc, dễ quên cám ơn những người phục vụ bếp núc đã vất vả cho buổi lễ của ta).

– Ta dễ vụ lợi, ích kỷ, vô ơn : ‘Hữu sự vái tứ phương, vô sự đồng hương không mất’, ‘Vòng chưa thoát khỏi đã cong đuôi’.

  1. Người Á đông chúng ta có thói quen trọng sự biết ơn : Biết ơn ông bà tổ tiên, Đạo ông bà… Nhưng cũng nên đề phòng thái độ biết ơn chỉ ngừng lại ở phạm vi công bằng, biết điều, ‘Ơn đền ; oán trả’, và đi đến chỗ phải mau lo đền ơn để rũ nợ cho sớm.
  2. Một cậu bé ngồi hàng ghế đầu trên xe buýt. Thấy một cụ già lên xe, cậu nhường ghế cho cụ. Ông cụ ung dung ngồi xuống, không nói tiếng nào. Cậu bé hỏi :

– Thưa ông, ông vừa nói gì thế ?

– Tôi có nói gì đâu.

– Vậy mà cháu tưởng ông nói “cám ơn” chứ. (Quote)

  1. Các tâm tình tạ ơn gương mẫu : – Magnificat – Benedictus – Nunc dimmittis – Thánh Lễ (Eucharistie).
  2. “Một người trong bọn thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 17,15)

Chúa cho con đôi mắt, con nhìn bao kỳ công

Chúa cho con đôi tai, con nghe đủ âm thanh

Chúa cho con đôi môi, con hé mở nụ cười

Chúa cho con hai tay, bưng chén cơm, cầm bút

Chúa cho con đôi chân, dẫn con khắp nẻo đường

Chúa cho con khối óc, phân biệt điều thực hư…

Những điều con có đó, tưởng tầm thường nhưng thật vĩ đại, thật cao cả.

Mà đã lần nào con nhớ đến những thứ ấy để cám ơn Chúa.

Chắc đợi đến khi mắt mù, tai điếc, chân què, con mới nhận ra những thứ ấy thật quý giá.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con nhiều điều. Nhưng xin ban cho chúng con một điều nữa là cho chúng con luôn biết nhận ra những ân huệ Chúa mà không ngừng cảm tạ tri ân. Amen. (Hosanna)

Thứ Năm :

Lc 17,20-25

 

A. Hạt giống…

Đoạn này gồm 2 ý :

  1. Triều đại Thiên Chúa : Người do thái rất quan tâm đến Ngày mà Thiên Chúa thiết lập triều đại của Ngài. Họ nghĩ rằng đó là một biến cố trọng đại, đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và cho dân tộc họ. Họ rất mong ngày đó mau đến, nhất là khi họ đang phải sống tủi nhục dưới ách đô hộ của Rôma. Họ muốn biết khi nào và ở đâu ngày ấy xảy ra. Bởi thế hôm nay người pharisêu hỏi Chúa Giêsu : “Khi nào thì Triều đại Thiên Chúa đến ?” Thực ra Triều đại Thiên Chúa tuy cũng là một biến cố trọng đại như người do thái nghĩ, nhưng không phải trọng đại nhìn theo cặp mắt loài người (vinh quang, chiến thắng v.v.). Với sự xuất hiện của Chúa Giêsu thì Triều đại Thiên Chúa đã đến trên cơ bản, và triều đại ấy sẽ dần dần đến trong tâm hồn những kẻ tin theo Ngài. Bởi đó Chúa Giêsu nói “Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta không thể nói “Ở đây” hay “ở kia”, vì này Triều đại Thiên Chúa ở giữa các ông”. Nói cách khác, vấn đề không phải là xác định nơi chốn và thời gian để tìm đến, mà là Tin và theo Chúa Giêsu.
  2. Ngày của Con Người : Ngày của Con Người tức là lúc Chúa Giêsu quang lâm, khi đó Triều đại Thiên Chúa sẽ hoàn thành trọn vẹn. Cũng như bao người khác, các môn đệ cũng mong ngóng Ngày đó. Nhưng Chúa Giêsu cảnh cáo : đừng quan tâm nghiên cứu về địa điểm và thời gian của ngày đó. Vô ích thôi, vì đặc tính của Ngày ấy là đến một cách nhanh chóng và bất ngờ.

B…. nẩy mầm.

  1. “Nước Thiên Chúa ở giữa anh em”. “Ở giữa” có nghĩa là ở ngay trong lòng mỗi người. Cho nên muốn xây dựng Nước Chúa thì phải xây dựng ngay trong lòng mình. “Ở giữa” cũng có nghĩa là một người âm thầm phục vụ giữa một tập thể nhiều người. Chính bởi vì Nước Thiên Chúa “ở giữa anh em” như thế nên Chúa Giêsu nói “Nước Thiên Chúa không đến như một điều gì có thể quan sát được”.
  2. “Vào thời Nga hoàng, một thanh niên vì chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng của đại văn hào Tolstoi và nhất là giáo huấn của Chúa Giêsu, nên đã từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự. Ra trước tòa, anh đã trình bày niềm xác tín là anh không thể cầm khí giới giết người. Sau khi nghe người thanh niên biện hộ, quan tòa mới phát biểu như sau : “Tốt lắm, tôi đã hiểu được lý tưởng của anh. Nhưng anh còn phải thực tế. Lý tưởng anh đề ra là lý tưởng của Nước Trời, mà Nước Trời thì chưa đến”. Nghe thế người thanh niên dõng dạc trả lời : “Thưa ông tôi nhìn nhận là Nước ấy chưa đến cho ông… nhưng Nước ấy đã đến cho tôi. Tôi không thể sống như Nước ấy chưa đến, để tiếp tục chém giết và gieo rắc hận thù” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
  3. Con người sống không tương lai là con người thiển cận khô héo, nhưng con người chỉ sống với tương lai là con người hão huyền.

– Hãy biết kết nối giữa tương lai và  hiện tại, giữa hy vọng và thực tế.

– Đừng chỉ hướng mắt về tương lai xa vời huyền ảo, hãy nhìn vào tờ lịch ngày hôm nay, nhìn vào đồng hồ với việc bổn phận của ta lúc này. Một nhà thiên văn vừa bước đi vừa dán mắt vào những ngôi sao thăm thẳm xa vời có thể sẽ rơi tọt xuống cái hố ở sát chân mình.

4.. Đừng mong chờ Trời mới Đất mới theo kiểu  ‘ngồi chờ sung rụng’, ‘ngồi mát ăn bát vàng’, nhưng hãy biết dấn thân, tham dự vào công cuộc đồng-sáng-tạo với Chúa.

  1. “Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,21)

– Sa mạc thật đẹp… Cái để tô điểm cho sa mạc – ông hoàng nói nhỏ – là nó ẩn dấu một cái giếng ở nơi nào đó (Hoàng tử bè. Antoine de Saint-Exupéry)

Và thế giới cũng đẹp bởi vì ở giữa mỗi con người ẩn chứ tình yêu của Thiên Chúa. Từ khi Cha đóng dấu ấn yêu thương bằng máu Con mình trên mặt đất, mỗi con người không còn là hạt cát khô rát úa rũ giữa sa mạc. Đấy, con nhìn thấy Thiên Chúa giữa anh em, trong thiên nhiên. Con thấy bàn tay Chúa giang rộng khắp địa cầu, xoa dịu khổ đau từng giây phút.

Lạy Cha, con hạnh phúc biết bao khi biết rằng Cha đang ở giữa chúng con cùng với triều đại của Ngài. Và con mãi mãi tạ ơn Cha về điều đo. (Hosanna)

Thứ Sáu :

Lc 17,26-37

 

A. Hạt giống…

Đoạn Tin Mừng hôm nay tiếp liền đoạn hôm qua về “Ngày của Con Người” tức là ngày quang lâm. Trong đoạn hôm qua, Chúa Giêsu đã bảo đừng mất công tìm hiểu xem khi nào và dấu nào cho biết Ngày ấy đến. Điều quan trọng phải làm là luôn sẵn sàng. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng nhiều hình ảnh để giải thích rõ hơn điều đó :

– Trước hết Ngài dùng 2 chuyện Cựu Ước về ông Nôê và ông Lót để khuyến cáo các môn đệ mình : người ta dễ bị cuốn hút trong những lo lắng cho cuộc sống vật chất (“ăn uống, cưới vợ lấy chồng”, “ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất”). Những lo lắng này không có gì là tội lỗi, nhưng có thể khiến người ta quên mất điều quan trọng đã nói ở trên là luôn luôn sống xứng đáng là môn đệ Chúa. Do đó khi Ngày ấy đến một cách nhanh chóng và bất ngờ, thì những kẻ không sẵn sàng sẽ phải hư mất.

– Tiếp theo là một số hình ảnh giúp dễ hiểu : a/ Người đang ở trên sân thượng thì đừng xuống nhà để lấy đồ đạc ; người đang ở ngoài ruộng cũng đừng trở về nhà (để lấy đồ đạc) : vì khi đó của cải vật chất không còn quan trọng nữa. Cái quan trọng lúc đó là “sự sống”. Trong câu này chữ “sự sống” có 2 nghĩa : sự sống dựa trên “đồ đạc” chỉ là một giá trị phù du, không đáng tiếc rẻ ; sự sống đáng trân trọng chính là sự sống với Chúa. Kẻ khôn ngoan là kẻ đám bỏ sự sống phù du kia để đổi lấy sự sống vĩnh cửu. b/ Có những người bề ngoài thì hoàn toàn giống nhau (hai người nằm chung một giường, hai người đàn bà cùng xay một cối bột, hai người đàn ông cùng làm ruộng ngoài đồng) nhưng số phận hoàn toàn khác nhau : kẻ có chuẩn bị sẵn sàng thì được đem đi (đem đi với Thiên Chúa), còn kẻ không chuẩn bị thì bị bỏ lại (bỏ lại trong hư vong).

Kết thúc bài nói chuyện là một câu hỏi ngớ ngẩn của các môn đệ : “Thưa Thầy, ở đâu vậy ?” Các ông vẫn còn lẩn quẩn trong những thắc mắc về thời gian và nơi chốn ! Do đó Chúa Giêsu trả lời như thể không trả lời “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó” : Nghĩa là khỏi cần thắc mắc, vô ích. Hãy lo lúc nào cũng sẵn sàng.

B…. nẩy mầm.

  1. Theo cách viết của Luca, những người thời ông Nôê chẳng làm điều gì có tội, chỉ làm những việc bình thường : “ăn uống, cưới vợ lấy chồng” (câu 26). Những người thời ông Lót cũng thế : “Ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất” (câu 28). Nhưng họ bị chết trong cơn nước lụt và cơn mưa diêm sinh. Không phải vì họ làm gì tội, mà vì họ không làm những việc phải làm. Họ làm rất nhiều việc cho cuộc sống thể xác, nhưng không làm việc gì cho cuộc sống linh hồn cả.
  2. “Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà thì đừng xuống lấy” (câu 31) : Tới ngày chết, tất cả mọi đồ đạc của cải đều vô dụng. Khi đó chỉ còn mỗi một điều quan trọng thôi là phần rỗi đời đời.
  3. “Hai người cùng nằm một giường… hai người cùng nhau xay bột… hai người đang ở ngoài đồng, thì một người được đem đi, còn người kia bị bỏ lại” (các câu 34-36) : những người bề ngoài hoàn toàn giống nhau, nhưng số phận đời đời khác hẳn nhau. Cái khác biệt là có chuẩn bị cho đời sau hay không.
  4. ‘Hãy mài sắc cảnh giác’ : (một kiểu nói mà xã hội thường dùng tới). Sự cảnh giác phải thường xuyên mài giũa, nếu không nó sẽ tự động cùn nhụt đi. Giống như trường hợp một con dao bén bằng sắt, nếu ta đem cất đi, chỉ một thời gian sau dù ta không làm điều gì sai quấy, con dao vẫn tự động lụt đi do tác động của không khí làm rỉ sét. Việc trông chờ nước Chúa cũng vậy, cần mài sắc hoài.
  5. Tính trì-trệ (inertie) (còn gọi là ỳ-tính, noạ-tính) của vạn vật. Một đồ vật ta để trong phòng nó sẽ cứ nằm ỳ tại đó nếu không có ai đụng tới. Một hòn đá ta ném đi, sẽ tự động ghì lại và rơi xuống khi hết đà. Tinh thần con người cũng không tránh nổi sự trì trệ kiểu đó.

– Sự  nguội lạnh, phai lạt : Một ly nước nóng để trên bàn, dù ta không làm gì, nó vẫn từ  từ  bớt nóng, và trở  thành lạnh ngắt. Sự Nhiệt thành của ta đối với nước Trời cũng vậy.

– Sự cạn kiệt : Một chiếc xe Honda chạy mãi mà không được châm thêm, xăng sẽ vơi dần và cạn kiệt. Sự hăng say ban đầu  nếu không được bồi bổ thêm bằng ơn Chúa qua sự cầu nguyện…  cũng sẽ cạn dần. Người ta thường nói : ‘Quì lâu, chầu mỏi’.

  1. Elena Frings là một thiếu nữ mới 20 tuổi nhưng đau tim nặng. Các bác sĩ cho biết cô chỉ còn sống được 6 tháng. Cô bỏ việc làm ở sở để đi làm việc xã hội trong một tổ chức thiện nguyện ở Nam Mỹ. Cô làm việc rất đắc lực và có hiệu quả đến nỗi cô được mời đến New York để thuyết trình. Tại New York cô may mắn gặp một bác sĩ giỏi. Ông này giải phẫu cho cô và chữa cô khỏi bệnh tim. Sau khi khỏi bệnh, cô không quay lại sở làm nhưng quay lại Nam Mỹ với những công việc hàng ngày phục vụ những người khốn khổ, bởi vì điều đã ban cho đời cô có ý nghĩa và đã định hướng cho đời cô không phải là cuộc giải phẫu mà là cảm nghiệm về cái chết gần kề (Christopher Notes).
  2. Mục sư King nổi tiếng với giải Nobel hoà bình năm 1964 nhờ tài lãnh đạo của ông đối với cuộc đấu tranh bất bạo động cho quyền bình đẳng của người da đen. Ông đã ấu tranh cho họ trên xe buýt, nơi trường học, tại thùng phiếu… Và chính trong cuộc đấu tranh ngày 4-4-1968, ông đã bị bắn chết tại Memphis tiểu bang Tennessi.

Sự hy sinh tính mạng vì tình thương của mục sư King đã mang lại nhiều quyền cho người da đen. Phần tôi, tôi đã làm gì cho những người anh em bên cạnh tôi, khi xung quanh tôi còn bao người khốn khổ, bao người cần sự bênh vực nâng đỡ ?

Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ tính ích kỷ và khép kín, khi còn chưa dám hy sinh tính mạng vì anh em con. (Hosanna)

Thứ Bảy :

Lc 18,1-8

 

A. Hạt giống…

Thánh Luca cho biết rõ ý nghĩa của dụ ngôn này là dạy “các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Dụ ngôn có hai vai :

– bà góa : trong xã hội do thái, các bà góa chịu nhiều thiệt thòi và không ai bênh vực. Bà góa này có lẽ bị người ta ức hiếp nhưng vì không ai bênh vực nên chỉ còn biết chạy đến kêu cứu với thẩm phán.

– thẩm phán : lẽ ra nhiệm vụ của ông là bênh vực những người bị ức hiếp. Nhưng ông thẩm phán này không bênh vực bà góa vì bà chẳng có lợi gì cho ông cả. Dù vậy, nhờ bà cứ kiên trì kêu xin nên cuối cùng ông cũng xử công bình cho bà.

* Bài học : một người bất công như viên thẩm phán mà còn phải chịu thua lòng kiên trì của bà góa. Huống chi Thiên Chúa tốt lành, Ngài sẽ mau chóng bênh vực kẻ kêu xin Ngài cách kiên trì.

Tuy nhiên, có nhiều kẻ không kiên trì nên đã mất lòng tin. Đó là ý nghĩa câu cuối cùng : “Nhưng khi Con Người ngự đến. liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?”.

B…. nẩy mầm.

  1. “Nhiều người có thói quen xưng thú một cách máy móc “Con có chia trí lo ra trong khi đọc kinh xem lễ”. Để việc xưng thú một cách ý thức hơn, có lẽ chúng ta nên nói “Con thiếu tin tưởng và kiên trì trong khi cầu nguyện”… Chúng ta cầu xin, nhưng không tin đủ rằng Thiên Chúa sẽ nhận lời chúng ta” (trích “Mỗi ngày một tin vui”).
  2. Chúng ta đã từng kinh nghiệm, có nhiều điều ta cầu xin mãi mà chẳng được như ý. Nhưng đừng vội kết luận rằng : Hễ lần nào xin mà  không được như  sở thích, là chứng tỏ Chúa không tốt với tôi. Thử suy nghĩ mà xem : – Ai cũng xin trúng số độc đắc ( độc đắc : chỉ một người duy nhất trúng) – Đứa trẻ nằng nặc đòi được ở nhà chơi không chịu đi học (thường không được như ý, còn bị thêm roi vọt). – Nước nào đang bị chiến tranh cũng quen cầu xin theo kiểu ‘Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam, trời u ám chiến tranh điêu tàn…’, nhưng ý Chúa quan phòng chưa muốn thế…
  3. Việt Nam ta có câu truyện truyền thuyết về ‘ông già Ba Tri’ kiên trì gan góc. Ông lặn lội tới tận triều đình Huế, gõ trống trước cung điện vua để kêu nài, và cuối cùng đã được nhận lời.
  4. Beppo Sala là một cậu bé 8 tuổi. Cha mẹ cậu rất nghèo mà phải nuôi tới 6 đứa con. Mẹ cậu lại sắp sinh thêm đứa thứ 7. Tuy còn nhỏ nhưng Beppo cũng biết khi đứa bé sinh ra thì nó phải thiếu thốn như thế nào. Cậu muốn làm một việc gì đó để giúp cha mẹ. Cậu nhịn ăn quà, dùng tiền mua một chiếc bong bóng bay. Cậu viết một bức thư ngắn cột vào bong bóng rồi thả cho bay lên trời. Bức thư viết “Chúa ơi, trong vài tuần nữa mẹ con sẽ sinh em bé. Nhưng gia đình chúng con nghèo quá. Xin Chúa giúp chúng con tìm được một chiếc chăn và vài bộ quần áo cho nó. Đồ cũ thôi cũng được. Con là Beppo Sala, nhà ở Arcorle”. Beppo về nhà hồi hộp chờ đợi. Chờ đã 3 ngày mà chẳng thấy gì cả. Đến ngày thứ tư, một nhân viên bưu điện mang tới nhà Beppo một thùng giấy lớn có ghi rõ “Người nhận : Beppo Sala, Arcorle. Người gởi : Rovingo”. Trong nhà chẳng ai có quen người nào tên Rovingo cả nên bảo nhân viên bưu điện trả về người gởi. Nhưng không có địa chỉ người gởi nên cậu bé đành mở thùng ra coi. Trong thùng toàn là quần áo trẻ con rất sạch và đẹp. Có cả một chiếc chăn nhỏ nữa. Thì ra một người nào đó tên Rovingo đã tình cờ nhặt được chiếc bong bóng và bức thư của cậu bé nên đã thay Chúa gởi quà cho em của cậu.

Nhiều khi Thiên Chúa đáp lời cầu nguyện của chúng ta bằng một cách thức và vào một thời điểm mà chúng ta không ngờ. (Pastor Paterno).

  1. Một người đưa tin phóng ngựa tới một ngôi nhà cửa đóng kín. Ông gõ cửa nhưng không ai mở cả. Ông biết trong nhà có người vì trước đó ông đã nhìn qua cửa sổ thấy họ. Bởi đó ông nổi cáu vừa la lớn tiếng vừa dùng hết sức mình đập vào cánh cửa. Sau khi ông đập cửa tới 30 lần thì một cái đầu mới thò ra qua một lỗ nhỏ trên cánh cửa, hỏi :

– Ông có muốn vào không ?

– Muốn vào không ư ? Tôi đã kêu cửa muốn khàn cả cổ rồi đây này.

– Xin ông thông cảm. Mỗi ngày rất nhiều đứa bé hàng xóm cứ đến gõ cửa để phá chơi rồi lại chạy trốn. Ban đầu chúng tôi tưởng ông cũng thế. Nhưng khi nghe thấy ông vẫn kiên trì kêu cửa, chúng tôi biết ông muốn vào thật nên mới mở cho ông. (Bruno Hagspiel).

  1. “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn ?” (Lc 18,7)

“Khi tạo dựng nên ta Thiên Chúa không cần hỏi ý ta, Người không thể cứu rỗi ta nếu ta không cộng tác với Người”.

Chuyện kể về thánh Vincent Ferrier sau khi gặp các tội nhân cứng lòng, khuyên bảo mấy cũng không chịu trở lại. Ngài đã gia tăng việc ăn chay, hãm mình, cầu nguyện.. Ngài than thở, năn nỉ cùng Chúa ban ơn để cứu các linh hồn ấy khỏi sa hoả ngục.

Nhưng Chúa ơi, được ích gì nếu lời cầu nguyện ấy không có sự cộng tác, đồng ý của đối tượng cần được cứu rỗi ?

Vâng, đã hơn một lần con đặt ra câu hỏi đó, vì nghi ngờ. Con đã đòi hỏi Chúa phải làm cho con điều này, thực hiện cho con điều nọ… Và con thất vọng khi không đạt được điều con muốn.

Lạy Chúa, xin cho con biết nhặt lên những mảnh vụn của mọi biến cố, mọi rủi ro, thất vọng mà trao lại cho Chúa Giêsu trong niềm tin, niềm xác tín, để con được cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trong suốt cuộc đời con. (Hosanna)

print