Tản Mạn Chuyện Cha Giuse Cao Phương Kỷ
1.Thần Phụ Giáo Sư Giuse Cao Phương Kỷ, (1929-2018), là bậc Thầy của nhiều Linh mục, tu sĩ, giáo nhơn và thường dân khắp Bắc Trung Nam Việt Nam, cũng như nhiều nơi trên thế giới hơn 70 năm qua. Trong đó có Giám Mục Tri Bửu Thiên Cần Thơ, Giám Mục Nguyễn Văn Khảm Mỹ Tho và Linh mục Giáo Sư Giám Đốc Hồ Bặc Xái của Đại Chủng Viện Thánh Quý. Ngài là một trong những viên gạch gốc tường của Chủng Viện Á Thánh Phêrô Đoàn Công Quý giai đoạn sơ khai cuối thập niên 1950 từ thể kỷ trước
2.Trên thực tế, cậu bé Phương Kỷ chào đời ngày 06/03/1929 trong gia đình họ Trương tại Hà Nam đất Bắc, nhưng trên giấy tờ mang họ Cao. Lớn lên chọn đời tu hành. Học Đại Chủng Viện Xuân Bích Hà Nội. Nhập Giáo Phận Cần Thơ cuối phương Nam sau nửa thập niên 1950. Mình may mắn là một học trò giúp Lễ Tiến Chức Giúp Lễ hay Phó Tế của Ngài tại Nhà Thờ Chính Tòa Cần Thơ.
3.Thụ phong Linh Mục 06/06/1959.
Được Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình bổ nhiệm làm giáo Sư Tiểu Chủng Viện Á Thánh Phêrô Đoàn Công Quý tại Sóc Trăng, Ba Xuyên, vì đang cần một Thầy Đồ chính danh mà trước kia và mãi sau nầy chưa từng có, để giúp chủng sinh vùng Hậu Giang hiểu rõ ngọn ngành mà làm giàu thêm cho tiếng mẹ, theo chương trình của Bộ Quốc Gia Giáo Dục thời đó, trong khi anh em chủng sinh Sài Gòn đã được cố Linh Mục Giáo Sư Vũ Đình Trác giúp học Hán Văn trước đó rồi.
Theo chủng Viện lên Cái Răng Lễ Chúa Giáng Sinh 1961 .
1959-1965 dạy Chữ Hán/Hán Việt cho lớp Đệ Thất B và Đệ Thất A.
1959-1967 chuyên dạy Việt Văn từ Đệ Lục – Đệ Tứ. Phụ trách sinh hoạt học đường và văn nghệ cho toàn trường, nhờ có kinh nghiệm sinh hoạt lâu dài trong Phong Trào Hùng Tâm Dũng Chí truớc kia khi còn là chú tiểu.
1967 Rời Cái Răng – Cần Thơ, nhập Tu Hội Xuân Bích. Tu nghiệp tại nhà Mẹ Saint Sulpice, Paris- France. Giáo Sư Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế và chủng viện Sao Biển Nha Trang.
1975 Giúp mục vụ cho Giáo Xứ Honolulu, Giáo Phận Hawaii, Hoa Kỳ.
1983-1992, (theo tài liệu của liendoanconggiao.net), Ngài dạy học (Triết Học Đông Phương & Hán Văn) tại Chủng viện St. Joseph’s College Seminary, Thành Phố Moutain View, Giáo Phận San Jose, CA, Hoa Kỳ. Nhiều LM. học trò của Ngài hiện nay đang phục vụ tại Tổng Giáo Phận và Giáo Phận Bang California: Oakland, San Jose, San Francisco, Santa Rosa, Sacramento, Orange, Los Angeles, San Diego …
Thành viên của Nhóm Nghiên Cứu trực thuộc Hội Đồng Giáo Mục Hoa Kỳ thập niên 1980, về Tâm Lý & Sinh Hoạt của người Công Giáo Việt Nam trong nước và khi ra hải ngoại.
1992-2018 Hưu trí tại Trụ Sở Dòng Đồng Công Carthage, Missouri, Hoa Kỳ.Cố Vấn cho nhóm/Hội Gia Đình Thánh Quý Hải Ngoại từ đầu những năm 1980
Tiếp tục đi đó đây, khi sức khỏe cho phép, thăm viếng, ủy lạo, phụ giúp mục vụ cho cộng đồng người Việt nhiều nơi tại Hoa kỳ.
Được Chúa “viếng nhà” ngày 30/12/2018. Hưởng thọ 89 tuổi, 59 năm Linh Mục .
An nghỉ tại Đất Thánh Dòng Đồng Công Carthage, Missouri, bên cạnh cố Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, Linh Mục Lương Kim Định, cha Nguyễn Văn Lý …
4.Một số kỷ niệm chung đáng nhớ của học trò cũ:
Xin trích email của Nhân Viên Xã Hội Nguyễn Khắc Lại (laiknguyen@hotmail.com – Fri 1/4/2019, 1:55 A , Lớp Teresa):
Tôi vào chủng viện Niên Khoá 1963-1964, đệ thất B. Lúc ấy cha giáo Kỷ dạy Hán văn. Ngài viết chữ Nho đẹp thì khỏi nói. Ngài viết chữ Việt cũng như “rồng bay phụng múa”.
Cha giáo Kỷ có vài đặc điểm mà tôi, cũng như một số Anh Em đã từng học với ngài, khó có thể quên:
Ngài giảng lễ Chúa Nhật [Cho Nhà Ta thôi] thì rất ư reglo [Nếu không dám nói là buồn ngủ!] “Xin mở Phúc Âm….Nhân Danh Cha và Con….” Xong! Nhưng khi có quan khách, cả những người ngoại giáo vào Chủng Viện tham dự, thì lối giảng của ngài xoay ngược…180 độ. Văn chương, bay bướm, giọng nói hùng biện nữa..: Ngài là giáo sư Việt văn.
Thẳng tính và Thiên thần tính: Một lần ngài đến lớp tôi, thấy bàn ghế giáo sư không được sạch sẽ tươm tất, ngài sờ sờ lên bàn, xong lấy tay vung một cái gì đó rơi xuống đất và quát “Chúng mày vô lễ phép, tao không dạy nữa!” Xong ngài cuốn gói đi thẳng. Cả lớp xanh mặt! Năm ấy Phước Lùn là trưởng lớp. Anh em bàn với nhau lau chùi bàn giáo sư thật sạch sẽ, gọn gàng, xong cho Phước Lùn lên xin lỗi và mời ngài trở lại. 1/2 giờ sau ngài đến lớp như không có sự gì xẩy ra!!! ((=: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen)
Lối xưng hô của ngài, đôi lúc như thế {mày tao} mà hầu như không có cha giáo nào xưng hô với học trò trước cả lớp. Riêng sau này tôi làm việc với cha giáo Chu Quang Minh thì ngài vẫn Mày Tao với tôi như cơm bữa!]
Khi qua Mỹ mùa Thu 1991, cha giáo Kỷ là người cho tôi những thông tin về hội CCS (cựu chủng sinh) bên này. Tôi dùng cơm tối với cha giáo Kỷ, theo lời mời của anh Lê Quang Trọng (Bác Sĩ). Ba thầy trò ngồi ăn tối, nói chuyện về Y 2K (Năm 2000). Một lần khác tôi gặp ngài tại Radio Saigon Houston, khi hai thầy trò có 2 shows kế tiếp giờ với nhau…
Panta Rei. Không ai tắm 2 lần trên cùng một giòng sông. Cha giáo Kỷ sẽ không còn đứng giảng cho chúng ta nghe nữa. Nhưng cái dư âm xưa của cha Kỷ, của những người thầy cũ năm xưa vẫn vang vọng trong đáy lòng chúng ta, tạo thành những nối tiếp, nối tiếp cho thế hệ mai sau….Amen.Nguyện xin cha Giuse Cao Phương Kỷ yên nghỉ trong Tình Yêu Chúa. Requiescat in Amore Dei
Xin trích thêm cảm tưởng của một học trò cũ khác, Luật Sư Giã Hoàng Nhựt, SG. (Joseph Gia – josnhutls@gmail.com – Fri 1/4/2019, 7:37 AM)
Kính chào các anh.
Em được gặp Cha Giuse tại nhà hưu của Dòng Đồng Công ngày 22/10/2018, có lẽ em là học trò của gia đình ATQ (Á Thánh Quý) được gặp Cha lần đầu và cũng là lần cuối của em. Qua các thông tin của các anh về Cha, em càng quý mến Cha nhiều hơn. Cả nhà em ở Mỹ đều rất quý mến Cha, em gái của em ở Oklahoma sẽ đi viếng Cha lần cuối.
Kính mến!
***
Cha Kỷ làm cố vấn cho Lớp Giuse của kẻ nầy năm Đệ Ngũ 1964-65. Cha chỉ xuất hiện năm mười phút mỗi lần họp lớp, rồi để anh em tự do, tự lo, tự biên, tự diễn, tập làm người lớn.
Một lần lên lớp, vừa thấy ghế của Thày quay ngược hướng, Cha la rầy “chúng mầy” … ồn ào, làm học trò tưởng tượng như Quốc Sư/Giáo Phụ Cao Bá Quát (1809-1855) đang gỏ đầu trẻ.
Thật sự, có lẽ các lớp cả thảy chưa từng được nhắc bảo điều nầy. Quyển Người Lịch Sự của Phạm Cao Tùng được cha Giám Học Nguyễn Tấn Thinh cho đọc trong giờ cơm ít là hai lần trong 8 năm mình ở Cái Răng, cũng không chỗ nào dạy phải sắp xếp bàn ghế của thầy làm sao. Nhưng dễ thôi, Ngài chỉ dạy thì mình sửa. Học trò thời đó luôn tâm niệm: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Nên từ ngày đó tới nay, cứ mỗi lần thấy chiếc ghể của thầy sai trật tự, tôi liền xung phong ra tay chỉnh đốn lại cho đúng vị trí, mà lòng mỉm cười nhớ tới công ơn răn bảo của Cha Cao Phương Kỷ, vì con cháu đã thuộc lòng câu nói mà ông bà răn xưa dạy: “có kính Thầy mới được làm Thầy”
Riêng tôi tớ nầy may mắn học hai năm căn bản Hán Văn/Việt Nho với Vị Thầy Giuse Cao Kỷ 1962-1964, làm nền để lên trên sau nầy và cũng nhờ đó mà hiểu được nguồn gốc tiếng mẹ nhiều mặt. Mỗi lần viết đúng chữ thì thầy cho một vòng tròn to hình dáng zêrô gọi là “khuyên”. Còn viết sai thì bị “xổ” toẹt một nét thẳng. Việt Nho, theo nhiều nhà nghiên cứu, là phát minh của những sắc tộc Bách Việt định canh định cư chừng hơn 4000 năm trước, trong vùng “Tam Giác Văn Hóa” mà cạnh thứ nhất, kẻ từ Thượng Hải đến Côn Minh, cạnh hai Côn Minh tới đồng bằng Bắc Việt, cạnh ba Bắc Việt lên Thượng Hải. Hán Việt/Việt Nho cần cho người Việt y như dân Âu Mỹ cần biết gốc Latin & Hilạp mới mong khá hơn trong ngôn ngữ của họ.
Cũng nhờ ba năm Việt Văn căn bản với Thầy, tôi có thể nói và viết, diễn đạt bằng tiếng Việt trong nhiều mặt, nhiều thứ, nhiều cách mà trong đó Việt Nho – Ngôn Ngữ Bác Học – chiếm một phần lớn. Ngài dạy rõ ràng gẫy gọn, đâu ra đó, một bài làm phải ghi rõ tiêu đề: nhập đề, thân đề và kết luận, tả cảnh, tả người, viết thư, viết kịch, dùng mỹ từ pháp… Còn bình luận thì theo nguyên tắc 3 chữ: Công Phản Hòa. Công:nhận vấn đề đó có, nó là như vậy, rồi nhìn Phản ngược hay thấy thêm nhiều mặt khác, sau hết là dung Hoà để kết luận, đưa ra bài học thực hành cho hiện tại và tương lai.
Trước năm 1972, phụng vụ Thánh Thể được cử hành bằng tiếng Latin. Bản dịch Việt ngữ bài Phúc Âm của Sách Lễ Hiện Tại, được đọc tiếp sau bài Latin. Ít Là hai lần Cao Thần Phụ chủ tế thánh lễ Chúa Nhật, gặp Đoạn Phúc Âm Mt. 1, 18-25. “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: Maria, Mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse (thiếu …) Bà đã có thai do quyền năng của Chúa Thánh thần”…. Cha cầm bản Latin lên, so sánh và thêm “Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống”. 9 chữ mà bản dịch của sách lễ Hiện Tại thiếu. Cha dặn dò rất kỷ, mất mấy chữ quan trọng trên thì ý nghĩa thần học của bài phúc âm bị biến đổi thiên hình vạn trạng.
4.Những Tác phẩm của Đường Thi,
Đường Thi hay Đường Thi Trương Kỷ và Đường Thi Giuse Trương Đức Kỷ, là ba bút hiệu của Cha Cao Phương Kỷ. Hai từ đầu là hợp danh nhị vị Thánh Tổ Tử Đạo trong dòng họ của Ngài: Phêrô Trương Văn Đường và Phêrô Trương Văn Thi, Làng Ninh Phú, Sở Kiệm, Hà Nam. Trước khi kể ra bốn quyển sách quý giá của Đường Thi, cũng nên ghi thêm ít dòng, có vẻ lạc đề, nhưng giúp thêm rõ nguồn cơn .
Suốt 30 năm qua, kẻ viết nầy có gặp Cha Kỷ chừng mười lần đó đây. Riêng đầu tháng 8/2006, mình may mắn gặp lại Thầy cũ khi Ngài tới Sacramento, Bang California, Hoa Kỳ để giúp Phép Hôn Phối cho một cô bổn đạo gốc Sóc Trăng, mà năm 1960 Cha đã làm lễ an táng và đưa tiển má Hồ Thi Ngọc của cô ra phần mộ.
Hai ngày gần Cha, Ngài vui vẻ chia sẻ nhiều thứ đạo & đời rằng: Linh Mục Lương Kim Định (1914-1997) trong những năm cuối đời, hưu trí tại Dòng Đồng Công Carthage, Bang Missouri. Vị Thầy thông thái nầy đã viết hơn 70 quyển sách về Triết lý An Vi, đề cao nền Minh Triết Á Đông mà nhiều học trò của Ngài rất trân trọng và còn cao rao trên Mạng Điện Não toàn cầu hiện nay. Nhưng chính Cha Kim Định và nhiều Linh Mục quen biết Ngài, cũng đồng ý rằng giá mà đã có một tác phẩm dựa trên kiến thức uyên bác văn hóa Á Đông của Ngài, làm thành nhịp cầu hướng tới lương dân, giúp họ dễ bề tìm gặp Chúa và đạo Thánh của Người, như Linh Mục Matêô Ricci SJ. (1552-1610) đã làm bên Trung Hoa, thì hay biết mấy.
Có lẽ với lăng kính mục đích và yêu cầu nầy mà Cha Giuse Trương Đức Kỷ đã dùng những năm tháng nghỉ hưu để nghiên cứu, sưu tầm, gom góp và biên soạn ra, có thể có nhiều hơn, nhưng tôi tớ đây chỉ biết và đang giữ trong tay 4 quyển sách sách quí của Vị Thầy. Ba quyển đầu, loại Tủ Sách Đàm Đạo Tôn Giáo, trình bày đạo Chúa dưới lăng kính Á Đông, trong tinh thần của Công Đồng Vatican II, kính trọng văn hóa các sắc tộc và nhìn nhận những giá trị tích cực trong Tôn Giáo khác:
Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo, 536 trang, xuất bản năm 2000.
Đạo Thiên Chúa, Dân Nước Việt, 475 trang, xuất bản 2005
Hội Thánh Công Giáo và Thời Kỳ Tam Vô, 638 trang, xuất bản 2014
Từ Vựng Học Chữ Hán Phương Pháp Lục Thư, 300 trang, Lưu Hành Nội Bộ 2009
Hi vọng khi có dịp, học trò sẽ tóm gọn và trình làng nội dung từng quyển.
Một tâm sự khác của Thầy cho trò: mấy anh em đã có thời gian ít là 7 tới 10 năm tiểu chủng viện, ăn ở cơ cực. Chính tôi – Cha Kỷ – cũng có những ngày tháng đó. Ngày còn là chú tiểu thì bị Ngài gọi là chúng mầy, bây giờ được đổi hệ thành anh em, nghe cũng khoan khoái đã lắm. Ngoài việc tu tâm dưỡng tánh, anh em còn được trao dồi nhiều mặt về Tâm Trí Thể với chiều hướng nhân bản và khai phóng. Uốn cây uốn thuở còn non. Coi như không vô ích đâu. Bây giờ, sau 1975, Tiểu Chủng Viện không còn.
Theo nhiều và riêng Vị Thầy Cao Cả, gốc miền cuối Việt, để bù cho thời gian của Tiểu Chủng viện, cần phải có ít là hai năm, ngày 8 tiếng, chỉ ăn và học
Theo nhiều và riêng Vị Thầy Cao Cả, gốc miền cuối Việt, để bù cho thời gian của Tiểu Chủng viện, cần phải có ít là hai năm, ngày 8 tiếng, chỉ ăn và học nói thật vì “sự thật giải phóng chúng ta” (Ga 8, 32; Thư 3 Ga). Nói cách khác Tiểu Chủng Viện rất cần cho cái thời mà đa số con người rất kém thành thật từ trong nhà ra ngoài ngõ. Sau đó ứng sinh mới được nhận vào nhà tu, để tập tành đạo đức cùng học nhiều lẽ tinh thông. Cho nên anh em (cựu Á Thánh Quý) đừng có suy nghĩ, so đo hay buồn phiền chi hết. Mỗi thời mỗi việc đều có giá trị và trả giá riêng.
5.Đôi điều suy nghĩ.
– Cám ơn Chúa đã chọn lựa, đưa dẫn tự do, có khi lại dí vào đường cụt chuyên chính tu sĩ – không lối thoát – như Tiên Tri Giôna, Giêrêmia… để có một số người được thông phần trong chức vụ Thầy Cả Thượng Tế Giêsu, mà phục vụ chúng sinh hồn xác nhiều mặt.
– Cha Giuse Cao Phương Kỷ, với lối dạy học có phần như cụ đồ Nho ngày trước, nhưng khi tiếp xúc thân gần, mới thấy con tim của bậc làm Thầy, rộng mở, hỉ xả, không màn chuyện cũ.
– Thẳng thắn, công bằng, bình đẳng. Không ai đứng trên qui luật. Vì chưng lời giáo huấn chữ Hán trong Minh Tâm Bửu Giám mà Cha đã dạy, đọc ra Việt Nho: “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Đây cũng chính là nguyên tắc tối thượng của Bao Công (999-1062) trong Kỳ Án Nhà Tống và Chu Nguyên Chương 1683 … xử Trọng Hình nhà MINH.
Số là vào một đêm nọ trong năm 1966, xảy ra cớ sự nầy, có ba chú tiểu tụ họp trong một chiếc mùng. Hai chú nằm trên chiếc giường bề ngang chỉ 80 cm, một chú ngồi. Trong 3 chú đó, 1 chú là cháu của Cha Cao Phương Kỷ. Qui luật thời đó, rất nghiêm khắc với sai phạm nầy. Nên trong phiên Họp Hội Đồng Giáo Sư tháng sau, chính cha Kỷ là người trước nhất, đề nghị đuổi đứa cháu ra khỏi chủng viện.
– Những ngày tháng hưu trí hơn 20 năm, Ngài đã bỏ công sức biên soạn 4 quyển sách trên, riêng ba quyển đầu, mà Ngài cho là rất quan trọng, tạo ra những nhịp cầu vừa tầm hướng tới lương dân, trong chiều kích đạt đạo tâm linh sâu thẩm của dòng giống Lạc Hồng, Lạc Việt, mà xây đền thờ của Chúa trên đó.
-Một thời gian trước, Cha Kỷ đã có dịp trở lại quê nhà Việt Nam, dẫm bước lại trên những con đường xưa kỷ niệm một thời mà Ngài đã kinh qua từ Bắc vào Nam. Nhờ chuyến đi nầy, Ngài cũng đã chuyện trò chia sẻ kinh nghiệm cũ mới xa gần lần cuối với nhiều người.
– Nhân vô thập toàn, tương tự như châm ngôn của người Roma: omnis homo fallax: mọi người sai lầm. Trừ Chúa. Cũng như câu nói của dân tộc Campuchia: không làm gì thì không có sai. Coi như càng làm nhiều thì xác xuất sai sót càng cao, dễ bị phê bình chỉ trích. Nên việc làm của con người mọi cấp, như Chúa dặn dò ta “là những đầy tớ vô tích sự”, khó tránh thiếu sót sai lầm. Nhưng chã lẽ đem chôn đồng bạc của Chúa trao cho, nên phải vâng lệnh Chúa mà sống để phục vụ nhau nhiều mặt, nhiều cách, luôn phải cộng tác vào chương trình sáng tạo của Chúa mọi nơi mọi thời. Và chính Chúa rộng lượng, sẽ cân đo đong đếm tuỳ chính TÂM chí thành của mỗi người, dù cho “trăm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
– Thấm thoát 89 năm cuộc đời dương thế sinh lão bệnh – tiểu đường hơn 30 năm – và sau hết, tử để biến đổi khỏi cái thân xác chết tiệt nầy, mà trở về với cội nguồn nguyên thủy là chính Thiên Chúa Tạo Thành, bất tử, đầy tràn yêu thương.
– Trong tinh thần nghĩa tử là nghĩa tận, với niềm tin vào Chúa Kitô hoa quả đầu mùa Phục Sinh, xin cùng cầu cho Linh Hồn Thần Phụ Giáo Sư Giuse Cao Phương Kỷ, mau bước vào chốn hoan hỉ.
học trò cũ