Abraham, Cha Chúng Ta Trong Đức Tin: Bài 1-4

print

Abraham, Cha Chúng Ta Trong Đức Tin

Carlo Maria Martini

http://www.gplongxuyen.org/

Dẫn nhập

Trong các bài suy niệm về Abraham, chúng ta học nơi tổ phụ một niềm tin vững chắc, sắt đá vào Thiên Chúa và chương trình của Ngài. Abraham đã trải qua cả cuộc đời trong thử thách đức tin, và tổ phụ vẫn phó thác, tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa. Những dấu chỉ Chúa tỏ lộ, dù rất nhỏ bé đã đủ cho tổ phụ đặt trọn niềm tin.

Hành trình đức tin của Abraham cũng là hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Ước gì trên hành trình đức tin đó, chúng ta luôn được soi sáng và củng cố bởi tấm gương đức tin của tổ phụ, và nhờ vậy, chúng ta sẽ luôn kiên vững trong đức tin dù phải trải qua thử thách, gian nan đến đâu đi nữa.

Trong những trang sách về Abraham, Đức Hồng Y Martini cũng cho chúng ta những hướng dẫn rất quí giá về linh thao. Hi vọng điều đó sẽ giúp chúng ta suy niệm hoặc sống tuần tĩnh tâm đạt kết quả tốt đẹp.

    Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

Bài Một:Vài suy tư về các ghi chú trong sách Linh Thao của thánh I-nha-xi-ô.

Bài Hai: Abraham Là Ai?

Bài 3: Chỉ Dẫn Thứ Nhất.

Bài Bốn: Abraham sợ hãi

Bài Một:Vài suy tư về các ghi chú trong sách Linh Thao của thánh I-nha-xi-ô.

Đầu đề sách Linh Thao

Đầu đề sách Linh thao là: “Linh Thao để chiến thắng chính mình và sắp xếp đời sống cho có trật tự, mà không quyết định bởi một cảm xúc lệch lạc nào” (số 21). Câu thứ nhất “chiến thắng chính mình” xem ra hơi lạ. Câu kế đó có vẻ rõ ràng hơn: “sắp xếp đời sống cho có trật tự”, vì khi lấy Linh Thao như một khung để chọn lựa bậc sống, chúng ta tạo lập trật tự cho đời sống mình, bằng cách chọn lựa điều Thiên Chúa linh ứng; hoặc để làm sáng tỏ và đào sâu sự chọn lựa này nơi chính mình. Câu thứ ba xem ra cũng khá rõ: “mà không quyết định bởi một cảm xúc lệch lạc nào”, nghĩa là linh thao nhắm đến hoạt động làm sáng tỏ những chọn lựa cá nhân và gỡ bỏ tất cả những gì có thể làm mờ tối những chọn lựa đó.

Đầu đề này gồm 3 yếu tố: 1/ chiến thắng chính mình; 2/ sắp xếp đời sống cho có trật tự; 3/ chiến thắng những dính bén lệch lạc. Cố gắng hiểu ý nghĩa chính xác của những yếu tố này sẽ làm chúng ta nhớ đến ba yếu tố ở cuối số 20.

Cũng xin nhắc lại, trong các suy tư về linh thao hoặc về Kinh Thánh, chúng ta không tìm chú giải bản văn theo nghĩa đen. Trong cả hai lãnh vực đều có những bậc thầy nhiều khả năng hơn chúng ta. Chúng ta đi từ chú giải theo nghĩa đen đến chú giải có thể được gọi là “cấu trúc” (structurale) thoáng hơn: tìm cách khám phá điều mà các bản văn của thánh Inhaxiô và Kinh Thánh nói với tôi trong mọi hoàn cảnh sống của người kitô hữu. Tôi lắng nghe lời Chúa trong bối cảnh của nó, tôi đặt nó trong mối tương quan với những bối cảnh khác, cố gắng khám phá diễn tả lời đó thế nào trong đời sống kitô hữu. Vì thế, chúng ta so sánh ba yếu tố trong số 21 với ba yếu tố khác trong số 20: sự cô độc – tách rời – bỏ những lo lắng gò bó chúng ta; hoặc ít ra tìm cách bỏ chúng và tách rời chúng. Đó là ba yếu tố rất đáng quan tâm vì thánh Inhaxiô nói:

1/ Khi tách rời vô số công việc không được trật tự, xua đuổi các dịp đưa ta đến những dính bén lệch lạc và tất cả những gì không thích hợp.

2/ Khi tinh thần không bị phân tán bởi vô số sự việc khác nhau, chúng ta sẽ dùng hết sức mình tìm điều chúng ta ao ước, nghĩa là sắp xếp đời sống cho có trật tự và chọn lựa bậc sống đúng.

3/ Và đây là điểm quan trọng nhất: khi linh hồn ở một mình và tách rời mọi sự, thì nó có khả năng tốt hơn để đến gần Đấng Tạo Hoá và Chúa của nó, “đụng chạm” Ngài và đạt tới Ngài; bởi đó, linh hồn càng thấy Chúa và đạt tới Chúa thì nó càng sẵn sàng đón nhận ân huệ của Ngài.

Ba mức độ kinh nghiệm của Linh Thao

Ba yếu tố nói trên tương đương với ba cột mốc kế tiếp nhau của kinh nghiệm Linh thao.

Trước hết, là giai đoạn luân lý đơn giản, tách rời khỏi những dính bén lệch lạc, nghĩa là những gì không rõ ràng nơi chúng ta. Đó là xác định rõ tất cả những gì không thích hợp trong đời sống kitô hữu, trong đời sống cộng đoàn; tất cả những gì tiêu cực trong các hoạt động, việc làm; và những dấn thân của chúng ta; tất cả những gì cầm giữ chúng ta, làm chúng ta chậm trễ, và ra nặng nề. Đó là kết quả thứ nhất của Linh Thao ở mức độ luân lý.

Giai đoạn thứ hai là chọn lựa. Đó là thấy điều gì trong đời sống tôi thích hợp hơn; không chỉ gạt những bụi bậm làm tôi ra nặng nề, mà còn tìm kiếm những gì thích hợp hơn. Điều gì tốt hơn cho tôi? Trong đời sống tôi, đâu là cách thế tốt nhất để phục vụ Thiên Chúa? Bây giờ tôi phải quyết định gì? Tôi phải từ bỏ gì để phục vụ tốt hơn? Đó là mức độ lựa chọn.

Giai đoạn thứ ba tạm gọi là siêu việt. Nó liên quan đến những gì không thấy, không đụng chạm được, nhưng lại là gốc rễ của tất cả. Đó là giai đoạn đạt tới Thiên Chúa, biết Ngài, đụng chạm Ngài, cảm thấy Ngài, nắm bắt Ngài, một cách mầu nhiệm và thực sự mở lòng ra với Ngài. Mức độ siêu việt này, không có nghĩa là tối cao bởi vì nó đến vào giai đoạn cuối cùng; đây là mức độ nền tảng, trên hết và cũng là tối hậu – sự kết hợp thần bí, nghĩa là ở tuần thứ tư của Linh thao – và sự kết hợp thần bí đó đem đến ý nghĩa đúng cho sự “chiến thắng chính mình”“Chiến thắng chính mình” là gì? Chúng ta thắng cái gì khi chúng ta là những người luôn bị phân chia? Kinh Thánh nói gì, khía cạnh tiêu cực nào chúng ta phải bỏ đi? Khía cạnh tiêu cực nền tảng trong chúng ta đối nghịch với chiều kích tích cực, là “nhút nhát” (timidité): thái độ này là thái độ không tin, không hi vọng, không sẵn sàng để tin vào Thiên Chúa, vào tha nhân, vào sự sống. Bởi vậy, “Chiến thắng chính mình” nghĩa là: tin, hi vọng, tín nhiệm. Con người mở ra với Thiên Chúa và Thiên Chúa mở ra với con người, và trong sự mở ra của cả hai phía, chúng ta lại tìm thấy hai mức độ khác: mức độ kinh nghiệm về chọn lựa cũng như mức độ luân lý.

Nhưng cột trụ siêu việt vượt trên tất cả. Nó là nguồn cội, là khởi đầu. Nó là điểm cuối cùng, nó là môi trường trong đó, diễn ra tất cả những gì Linh Thao cho phép. Chiến thắng chính mình là chế ngự sợ hãi, cái chết, ảo tưởng, tất cả những gì trong chúng ta là hoài nghi, khép kín và cay đắng. Nó chính là mở ra với Thiên Chúa cách trọn vẹn, để Thiên Chúa làm đầy bằng chân lý của Ngài, giữa lòng đời sống luân lý của chúng ta, trong việc chuẩn bị chọn lựa, trong mối quan tâm phục vụ tốt hơn cho vinh quang vĩ đại của Thiên Chúa.

Điểm ghi chú 20

Những điểm trên đây là sự kết hợp điểm ghi chú 20 với đầu đề Linh Thao, ba bước đi, ba hoa trái của Linh Thao. Mỗi người phải tự xem xét để cảm thấy Chúa khơi gợi đào sâu lãnh vực nào, đời sống luân lý và hi sinh, hoặc những chọn lựa cần làm để đạt những điều tốt hơn, chứ không chỉ hài lòng với những điều tốt đã dễ dàng thực hiện trong Giáo Hội, những điều tốt không đem đến một lợi điểm hơn mà Thiên Chúa đòi hỏi; hoặc trong lãnh vực này, còn có một điều chúng ta không đánh giá nổi, đó là sức mạnh của đức tin; nếu tin vào Thiên Chúa tận cõi thẳm sâu của hữu thể nơi mà đức tin dừng lại.

Xác minh về kinh nghiệm luân lý hay chọn lựa thì có thể làm được; nhưng mức độ thứ ba là cột trụ nền tảng, không có nó, chúng ta chẳng có gì. Mọi biểu tượng, mọi điều chúng ta hoàn thành, mọi sự chúng ta sống trong thời gian linh thao, dẫn chúng ta tới sự đụng chạm không ngừng đến địa hạt sâu xa hơn này của một đức tin trần trụi trong chúng ta, đức tin của người đứng trước Thiên Chúa. Đó là lãnh vực chiến thắng chính mình, chiến thắng sợ hãi, cái chết, chiến thắng sự hoài nghi, để chúng ta mở lòng ra với Lời Chúa kêu gọi chúng ta.

Những điều vừa nói có thể qui chiếu về câu người Do Thái hỏi Chúa Giêsu: “Chúng tôi phải làm gì để làm công việc của Thiên Chúa?” (Ga 6, 28). Câu tương đương của chúng ta là: “Chúng tôi phải làm gì trong thời gian Linh Thao để hoàn thành điều này, điều nọ, để cải thiện ở đây và ở kia?” Câu Chúa Giêsu trả lời dẫn chúng ta trực tiếp đến mức độ viêu việt: “Công việc của Thiên Chúa là các ông hãy tin vào Đấng Người đã sai đến”. Từ suy tư trên, chúng ta rút ra chất liệu để suy niệm bằng cách lấy khách hành hương Abraham là người bạn đồng hành. Tìm kiếm Thiên Chúa, đụng chạm tới Người có ý nghĩa gì, làm thế nào có thể kiểm chứng điều đó nơi chúng ta? Bởi vậy, đầu đề cho Linh thao là: “Abraham, cha chúng ta trong đức tin”.

Abraham, cha chúng ta trong đức tin

Xin đưa ra một vài giải thích rõ hơn. Đức tin của Abraham ở đây được hiểu là một hành trình. Abraham đã bắt đầu tiến bước trong đức tin, ông tìm kiếm để biết Thiên Chúa mà ông nghĩ là mình biết bằng những bước dò dẫm, nhưng trong thực tế, ông biết Thiên Chúa đó quá ít. Chúng ta cũng vậy, chúng ta được kêu gọi bước đi trong đức tin.

Làm sao để chiến thắng chính mình? Làm sao để vượt khỏi sự thiếu lòng tin triệt để làm chúng ta khép kín trước Thiên Chúa và tha nhân và trước tất cả những gì là mới, là thật? Thiếu lòng tin đóng kín chúng ta trong ngục tù của thói quen, của những an toàn đã có. Làm sao để chiến thắng tất cả những điều đó? Nhờ Lời Chúa. Chính Lời Chúa sẽ giúp chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến của đức tin. Ở đây, xin nhắc lại điểm ghi chú thứ hai: “Chúng ta phải để cho Lời Chúa thâm nhập lòng chúng ta”. Người hướng dẫn Linh Thao không được nói theo ý mình, cũng không tìm cách thuyết phục, mà phải trình bày lịch sử, “thuật lại lịch sử cách trung thực để chiêm ngắm”. Chúng ta phải suy gẫm lịch sử đó cách chăm chú, đọc bản văn và tự hỏi bản văn nói gì với tôi? Nói gì với chúng ta? Rồi mỗi người hãy để Lời Chúa lắng đọng trong tâm tư và hướng dẫn mình. Chúng ta sẽ đọc Sáng Thế chương 12 đến 25 cùng những đoạn kinh thánh khác rút ra từ Tân Ước nói đặc biệt về Abraham như thư Rô-ma 4, Ga-lát 3, Do thái 11 theo cách trên.

Ở đây, chúng ta trở lại điểm ghi chú 20 nói về tĩnh tâm, sự lìa xa, sự tách rời chính mình; cách riêng điểm sau đây: Chúng ta rút ra khỏi những cái gì? Chúng ta tách rời khỏi biết bao nhiêu thực tại, khởi đầu bằng những tư tưởng làm lòng ta bất an.

Trước hết, lắng nghe Lời Chúa

Có một người tĩnh tâm trình bày với linh mục hướng dẫn: “Không biết tại sao mỗi khi con bắt đầu linh thao, thì luôn có những tư tưởng xâm chiếm làm con quan tâm và suy nghĩ tìm cách giải quyết”. Vị hướng dẫn trả lời: “Điều đó xảy đến thường lắm. Mỗi khi chúng ta bắt đầu linh thao là có những điều xâm chiếm chúng ta, những vấn đề nằm sẵn đâu đó trong chúng ta và chúng ta nghĩ có thể tìm ra cách giải quyết dưới ánh sáng Chúa soi dẫn. Thực ra, không phải vậy. Trước hết, điều quan trọng là để cho ánh sáng Chúa thâm nhập vào lòng chúng ta. Vấn đề xâm chiếm chúng ta nói trên không phải là vấn đề, mà là chướng ngại. Nó làm suy giảm sự chú tâm lắng nghe và đón nhận Lời Chúa chúng ta cần có. Chúng ta không những phải tách rời những công việc thường ngày, mà cả những mối bận tâm được coi là quan trọng, nhưng rồi sự phân định sau đó sẽ giúp nhận ra rằng chúng chỉ là thứ yếu thôi. Chúng cản trở chúng ta mở lòng mình ra với Lời Chúa. Thay vì lắng nghe Lời Chúa trọn vẹn thì chúng ta lại lo áp dụng Lời Chúa để giải quyết vấn đề đó thế nào. Như vậy, Lời Chúa không nắm bắt chúng ta mà là vấn đề chúng ta đang lo âu”.

Điều đó cho thấy chúng ta được mời gọi tách rời một số thực tại, loại bỏ chúng dù bề ngoài xem ra chúng là những vấn đề tốt. Chúng ta phải tách rời điều gì? Xác định điều đó rất quan trọng. Thánh Inhaxiô đề cập đến điều này trong ghi chú 20 khi ngài nhắc lại phải giúp cho người Linh Thao tham dự Phụng vụ giờ kinh và thánh lễ. Điều đó có nghĩa là người Linh Thao cần tiếp xúc chặt chẽ với Lời Chúa. Thời gian linh thao không phải là thời gian cô độc, mà là thời gian lắng nghe. Chúng ta không bỏ Lời Chúa đi, cũng không tách rời Giáo Hội. Chúng ta ở trong Giáo Hội, trải nghiệm Giáo Hội qua những người hiện diện với chúng ta. Do đó, thay vì xa rời kinh nghiệm cộng đoàn, chúng ta lại sống kinh nghiệm đó cách sâu xa hơn.

Lý tưởng để sống kinh nghiệm này là sự dấn thân vào việc chúng ta muốn làm. Ví dụ, chọn ngồi ở hàng ghế thứ hai hoặc thứ ba, hoặc không muốn ngồi vào vòng tròn, là dấu chỉ tự nhiên cho thấy chúng ta không muốn dấn thân nhiều; ngược lại, nếu sẵn sàng ngồi hàng đầu là dấu chỉ cho thấy chúng ta dấn thân hết mình trước mặt anh chị em và cùng với anh chị em linh thao chung. Đó là dấu chỉ đơn giản để hiểu dấn thân là gì. Chúng ta tham dự nhưng đừng quá giả tạo. Sự dấn thân được diễn tả qua cầu nguyện, phụng vụ, qua những lời cầu tự phát, nài xin, chia sẻ Tin Mừng, qua những suy tư quan trọng đối với chúng ta cũng như với người khác. Đó là những cách thế khiêm tốn diễn tả sự dấn thân thực sự và có giá trị của chúng ta. Tất cả những điều đó làm thành một kinh nghiệm cộng đoàn ngày một sâu xa hơn.

[1] Chuyển ý từ “Abraham, notre père dans la foi”, Carlo M. Martini, Éd. Saint Augustin-Saint Maurice, Suisse, 1994.

Bài Hai: Abraham Là Ai?

Trong bài này, trước hết, chúng ta giải thích đề tài của tuần tĩnh tâm: “Abraham, cha chúng ta trong đức tin”; kế đó, trình bày cái nhìn thoáng qua về các nguồn cho chúng ta biết về Abraham. Cuối cùng là chính sự suy niệm dựa vào những câu hỏi: Đâu là khởi điểm đức tin của Abraham; từ sự nhận biết Thiên Chúa thế nào mà ông đã ra đi?

Lời Chúa:

ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi.  Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.”

Ông Áp-ram ra đi, như ĐỨC CHÚA đã phán với ông.  Ông Áp-ram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời Kha-ran. Ông Áp-ram đem theo vợ là bà Xa-rai, cháu là ông Lót, và mọi tài sản họ đã gầy dựng được, cùng với gia nhân họ đã có tại Kha-ran. Họ ra đi về phía đất Ca-na-an và đã tới đất đó. (St 12, 1-5)

  1. Abraham là cha chúng ta trong đức tin.

Về điểm thứ nhất: đề tài tĩnh tâm, chúng ta sẽ đề cập đến những điểm sau:

Abraham là một “khuôn mẫu” đối với chúng ta.

Abraham là ai? Ông là nhân vật có thực hay không? Chúng ta có thể tranh luận về lịch sử tính của Abraham. Nhưng điều chúng ta quan tâm không phải là khuôn mặt lịch sử của ông, một nhân vật nửa du mục, nửa định cư, hoặc những gì Thiên Chúa đã hoàn thành nơi ông, hoặc những gì ông để lại cho chúng ta; nhưng là những gì mà Abraham đại diện dưới con mắt của tất cả những ai coi mình có liên quan đến ông. Bởi vì, Abraham không chỉ là một khuôn mặt cá nhân, mà còn là một “khuôn mẫu”. Ông đại diện cho dân Israel tìm kiếm Thiên Chúa. Abraham là người tìm kiếm Thiên Chúa, ông là số đông, là tất cả những ai kiếm tìm Thiên Chúa; ông cũng là mỗi người trong chúng ta đi tìm Thiên Chúa để sống theo Lời Ngài. Vì thế, chúng ta không dừng lại ở một nhân vật lịch sử, cá nhân; mà là một “khuôn mẫu” cho tất cả mọi người.

Abraham là cha của tất cả những ai kiếm tìm Thiên Chúa.

Abraham, cha của chúng ta, “của chúng ta” ở đây có nghĩa gì? Khi nói “của chúng ta” chúng ta muốn ám chỉ đến cộng đoàn nào? Dĩ nhiên là tất cả các cộng đoàn ki-tô hữu. Tuy nhiên, “của chúng ta” còn mở rộng tới tất cả cộng đoàn Do Thái, mà chúng ta có tương quan trong việc tìm kiếm cội nguồn nơi Abraham; tới cộng đoàn Hồi giáo, một cộng đoàn coi khuôn mặt Abraham hết sức quan trọng. Bởi vậy, “của chúng ta” ám chỉ tất cả những người tìm kiếm Thiên Chúa, tất cả cộng đoàn nhân loại tìm kiếm Thiên Chúa.

Đó là ý nghĩa từ “của chúng ta”. Ở đây và lúc này, chúng ta hiệp thông với tất cả những ai tìm kiếm Thiên Chúa: nam nữ, già trẻ, người hấp hối, kẻ bệnh tật; người hạnh phúc hay kẻ bất hạnh, người thất vọng hay kẻ tràn trề hi vọng, người công chính hay kẻ tội lỗi. Abraham trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa đại diện cho tất cả.

Abraham là người cha dạy chúng ta con đường đưa đến sự sống

Abraham là cha chúng ta theo nghĩa nào? Theo nghĩa trong chương 1 Tin Mừng Mát-thêu: “Abraham sinh Isaac, Isaac sinh Gia-cóp …” cho đến Gia-cóp sinh Giuse, hôn phu của Maria. Bà sinh ra Chúa Giêsu được gọi là Ki-tô; mà từ Người, tất cả chúng ta được sinh ra. Đó là mối liên hệ cha con của chúng ta đối với Abraham: ông là cha của Đức Giê-su Ki-tô, từ nơi Người tất cả chúng ta được sinh ra. Theo nghĩa này, Abraham là cha chúng ta trong đức tin. Thực vậy, chúng ta là con cái của Abraham theo mức độ chúng ta sống đời sống ki-tô hữu, và theo mức độ chúng ta tháp nhập vào thân thể Đức Ki-tô.

Nhưng cái kết nối chúng ta với Abraham không chỉ là tương quan phả hệ, mà còn là gương mẫu. Thực vậy, khi phụng vụ nói về “cha chúng ta trong đức tin” là muốn nói rằng Abraham đi trước chúng ta như một người cha thực sự, khi dạy chúng ta con đường sự sống, khi trao lại truyền thống, khi làm sáng tỏ những cách sống và thái độ cư xử cho chúng ta. Như vậy, những thăng trầm, sợ hãi, cô đơn, ân huệ của Abraham tượng trưng cho những thăng trầm, sợ hãi, cô đơn, ân huệ của con người nói chung và của mỗi người chúng ta nói riêng, dưới ánh mắt của Thiên Chúa. Vì Abraham là kiểu mẫu người cha của chúng ta nên ông giúp chúng ta có khả năng suy gẫm về đức tin, vì số phận của chúng ta diễn ra nơi số phận của ông và vì ông là hình tượng mẫu về số phận của chúng ta trước Thiên Chúa và Lời Ngài.

Abraham cũng là cha chúng ta trong hành trình đức tin.

Những từ cuối cùng của đề tài là ‘cha chúng ta trong đức tin’. Chắc chắn, Abraham là cha chúng ta trong đức tin, không những bởi hành vi đức tin tuyệt đối vào Thiên Chúa của ông, mà còn trong sự sẵn sàng đón nhận đức tin và trong đức tin mở ra với hi vọng.

Không chỉ là cha chúng ta về đức tin và lòng đạo đức, Abraham còn là cha chúng ta trên con đường đức tin. Ông đã tiến triển trong đức tin và đời sống ông là một hành trình đức tin. Ông khởi đi từ một điểm, rảo qua một số giai đoạn và tiến tới đích. Còn tĩnh tâm cũng là con đường, là hành trình, đi từ một khởi điểm, đạt đến một đích điểm bằng cách trải qua những bài suy gẫm, những giờ cầu nguyện, đọc và lắng nghe Lời Chúa như các giai đoạn khác nhau trên hành trình đó.

Đọc 13 chương sách Sáng Thế nói về Abraham, chúng ta sẽ thấy các chương này được trình bày như một duy nhất, như một hành trình, như một lịch sử với những tiến triển, với những giai đoạn.

  1. Chúng ta biết gì về Abraham.

Chúng ta dùng nguồn nào để suy gẫm về Abraham? Chúng ta đã đề cập tới những nguồn chính: Sáng Thế từ chương 12 đến 25, và trong Tân Ước, nhất là Roma 4, Galata 3, Do Thái 11. Tuy nhiên, có một cái nhìn rộng hơn về các nguồn Kinh Thánh là điều tốt, nhất là khi chúng ta có nhiều giờ trong những ngày tĩnh tâm, và mỗi người có thể tự tổ chức giờ đọc Kinh Thánh và các giờ suy gẫm nhiều hơn. Thực vậy, có nhiều nguồn trong Kinh Thánh nói tới Abraham. Đó là những nguồn hết sức phong phú, ở đấy, chúng ta có thể kín múc một số dữ kiện đây đó. Trước hết là các nguồn Kinh Thánh, không chỉ có Sáng Thế chương 12-25, mà còn trong những đoạn sách thánh khác trong Cựu và Tân Ước.

Trong Cựu ước, chúng ta gặp tên tổ phụ là Abram 60 lần, là Abraham 174 lần, tổng cộng hơn 230 lần; trong Tân ước, tên tổ phụ được nói tới 72 lần. Như vậy, cả trong Cựu và Tân ước là khoảng 300 lần. Nhưng, Cựu ước nói tới Abraham ít hơn là chúng ta tưởng. Chúng ta có thể nói, chỉ từ thời Lưu Đày, khuôn mặt Abraham mới mặc lấy tầm quan trọng trong Kinh thánh.

Tân ước đề cập tới Abraham 72 lần, – trong kinh Coran chúng ta gặp tên ông 69 lần -; còn Môsê được Tân ước nói tới 80 lần. Abraham và Môsê là hai nhân vật được trích dẫn nhiều nhất trong Tân ước.

Trong số những lần Tân ước đề cập tới Abraham, có hai lần dường như quan trọng, đó là trong bài ca ngợi khen Magnificat của Mẹ Maria; và trong bài ca ngợi Benedictus của Giacaria. Hai lần đề cập đó quan trọng vì chúng ta nhớ tới Abraham mỗi ngày khi đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Đó là các nguồn Kinh thánh chúng ta có về Abraham. Chúng ta có thể tự đọc để lắng nghe và suy gẫm.

Ngoài ra, còn có các giáo phụ và các suy tư đạo đức về Abraham: trong phụng vụ, trong nghệ thuật kitô giáo, trong tranh ảnh, trong tiểu thuyết hoặc trong những trình bày hiện đại.

Còn một nguồn cuối cùng, đó là nguồn suy tư cá nhân. Tôi là Abraham: tôi đọc lại nơi tôi cuộc hành trình của ông thế nào? Điều này mang một tầm quan trọng đặc biệt vì mỗi người chúng ta đã, sẽ và đang trải qua kinh nghiệm của Abraham; vì thế, nên đọc những trang về Abraham bằng cách qui chiếu về kinh nghiệm cá nhân của mình.

  

  1. Từ hiểu biết nào về Thiên Chúa, Abraham đã ra đi?

Đề tài suy gẫm ở đây là làm rõ, từ hiểu biết nào về Thiên Chúa mà Abraham đã ra đi. Có thể thêm vào đây một đề tài phụ: đâu là những giá trị và những giới hạn của kinh nghiệm tôn giáo đầu tiên của chúng ta? Cũng như Abraham, đời sống tôn giáo chúng ta có một khởi điểm. Chúng ta suy gẫm về nguồn gốc tôn giáo của Abraham để hướng về nguồn gốc tôn giáo của chúng ta, về cuộc hành trình đi về với Thiên Chúa của chúng ta.

Abraham biết Thiên Chúa khi nào và cách nào? Ba giả thuyết

Các nguồn rabbi đưa ra ba giả thuyết được Robert Martin-Achard tóm lược trong cuốn Actualité d’Abraham (tính thời sự của Abraham): theo một số rabbi, Abraham biết Thiên Chúa ngay từ những năm đầu đời của ông[2], nhờ một ân huệ đặc biệt Chúa ban; một số khác lại cho rằng ông biết Thiên Chúa vào lúc 14 tuổi khi ông được truyền thống gia đình dạy trong tôn giáo của Seth và No-e; cuối cùng, một số khác lại nói ông chỉ biết Thiên Chúa ở tuổi 48 sau một thời gian dài đi từ lầm lạc này sang lầm lạc khác.

Các rabbi không đặt câu hỏi khi nào mà là cách nào. Khi nói ở tuổi đầu tiên, Abraham nhận được một mặc khải khác thường, để biết Thiên Chúa, thì đây là một đặc ân Thiên Chúa ban, không cần nói gì thêm.

Còn nếu ở tuổi lớn hơn, thì giáo dục gia đình hay suy tư cá nhân có thể xen vào. Trong Do thái giáo, các rabbi nghĩ rằng nhờ chiêm ngắm tinh tú, Abraham khám phá ra một Đấng Độc Nhất, nguồn cội của tất cả. Ông hiểu rằng thay vì tôn thờ các tinh tú thì phải tôn thờ Người Chủ làm ra các tinh tú. Đó là kinh nghiệm tôn giáo có tính cách tự nhiên, là trực giác ông có về siêu việt, về ngẫu nhiên của vạn vật, giúp ông hiểu biết về Thiên Chúa độc nhất.

Còn về giả thuyết thứ ba, ông biết Chúa ở tuổi 48, thì có thể Abraham sống trong bầu khí tôn thờ ngẫu tượng một cách thường tình, với một hiểu biết mơ hồ về Thiên Chúa, nhưng lời Chúa đã làm ông hoán cải. Như vậy, ông biết Chúa thực sự khi ông được kêu gọi; nghĩa là ơn gọi và sự hoán cải xảy ra cùng lúc.

Những kinh nghiệm tôn giáo đầu tiên của chúng ta

Từ những gợi ý của các rabbi, chúng ta suy nghĩ về kinh nghiệm đức tin của mình: “khi nào?” Lúc 1 tuổi, 14 tuổi, 48 tuổi? và “cách nào?”, trong gia đình? Đối nghịch với gia đinh và môi trường xã hội như Abraham theo một số rabbi[3]? hay nhờ một kinh nghiệm tôn giáo sâu xa? Hoặc nhờ Lời Chúa, nhờ một loan báo?

Ở đây, mỗi người chúng ta đụng chạm tới những giá trị và những giới hạn trong kinh nghiệm đức tin mà Abraham đã trải qua. Điều quan trọng là chúng ta xem xét lại chúng trong những kinh nghiệm tôn giáo đầu tiên, trong cách thế đầu tiên gần gũi Thiên Chúa nơi chúng ta, cách thế đó đã trải dài qua bao năm tháng. Phải suy gẫm về những kinh nghiệm tôn giáo đó dưới ánh sáng Lời Chúa chúng ta mới hiều rõ về tình trạng đức tin của mình: sống động, sâu xa, vững mạnh hay vẫn còn nông cạn, hời hợt, trì trệ.

Ba khả năng

Ba lứa tuổi các rabbi đề nghị có ý nghĩa tượng trưng:    1 năm, 14 năm, 48 năm.

Một năm là gì? Đó là thời gian đầu tiên: Thiên Chúa mặc khải trực tiếp cho linh hồn, rõ ràng và trọn vẹn, ngay từ lúc đầu; đó là đặc ân Thiên Chúa đã ban cho Mẹ Maria, hoặc cho một vài người trong chúng ta. Đó là một hiểu biết thiên phú về Thiên Chúa, thực sự sâu xa, đâm rễ nơi sâu thẳm nhất của hữu thể, một ân huệ bao la, hiếm hoi và trong sáng.

14 năm là gì? Đó là thời gian gia đình bắt đầu khai tâm cho chúng ta về cầu nguyện, về danh Thiên Chúa, làm quen với những biểu tượng tôn giáo, dấu thánh giá, cây thánh giá. Giáo dục gia đình về tôn giáo là giáo dục đa số trong chúng ta lãnh nhận. Ngồi cạnh mẹ trong nhà thờ, biết cách làm dấu thánh giá, quen thuộc với đời sống cộng đoàn giáo xứ, đọc kinh gia đình, rước lễ lần đầu, thêm sức. Như vậy, một hành trình tôn giáo sâu xa thực sự bắt đầu.

Nhưng 48 năm nghĩa là gì? Nó tượng trưng cho một hành trình gian khổ, đầy những khó khăn, thử thách, trải qua hàng ngàn những lệch lạc về tư tưởng, lạc hướng, lúc tìm bên phải, lúc bên trái, như thánh Au-gus-ti-nô xưa kia. Tạ ơn Chúa đã ban một kinh nghiệm đức tin chín mùi trong gia đình. Dù vậy, chúng ta cũng tự hỏi, có cần phải đợi đến 48 năm để gặp gỡ Thiên Chúa thực sự không? Nếu xét kỹ, thì ở một mức độ nào đó của đức tin, rất có thể đến năm “48 tuổi”, chúng ta mới gặp được Thiên Chúa.

Thực sự, chúng ta có thể sống một kinh nghiệm tôn giáo mơ hồ lâu năm, không nắm được ý nghĩa sâu xa, vẫn như kẻ xa lạ với Chúa, không đâm rễ sâu vào tâm hồn. Đó không phải là điều xấu, mà là một thực tế cho thấy Thiên Chúa luôn kêu gọi và chờ đợi chúng ta. Đúng vậy, vô số những cách thế đạt đến một kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa, nhờ sự thanh luyện những kinh nghiệm đã có. Không thể xác định thời gian để đạt được điều đó. Nó có thể kéo dài rất nhiều năm.

Thực vậy, chúng ta chỉ có thể đạt được một kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa nhờ Lời Chúa soi sáng và thanh luyện không ngừng. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Những thanh luyện chúng ta đã trải qua là những thanh luyện nào? Chúng xảy ra khi nào và ở đâu trong hành trình đức tin của chúng ta? Phải xác định những giờ phút, những năm tháng, những thời kỳ; phải xem xét những khó khăn kéo dài ra sao, phải nhìn thấy những bóng tối và ánh sáng kế tiếp nhau như những thử thách, những đau buồn, những vắng mặt của Thiên Chúa: Chúa không có đấy rồi tất cả lại bắt đầu. Chúng ta nên suy nghĩ về thời kỳ này và trình bày với Chúa, bằng cách liên tưởng tới kinh nghiệm khởi đầu của Abraham.

Kinh nghiệm đức tin đến với chúng ta cách nào?

Bây giờ, chúng ta suy nghĩ về “cách nào”. Trước hết, nên nhớ cách thế chúng ta đạt đến một kinh nghiệm đức tin luôn có mặt tích cực và tiêu cực; tích cực vì giúp chúng ta tiến xa hơn trên hành trình đức tin, tiêu cực vì rất có thể lại cản trở và làm chúng ta trệch đường. Vì thế, như đã nói ở trên, những kinh nghiệm về Thiên Chúa dù đạt đến mức độ nào, cũng luôn cần được thanh luyện.

Dựa vào những trình bày ở trên, bây giờ, chúng ta cùng xem xét những kinh nghiệm về Thiên Chúa đến với chúng ta cách nào. Có thể nói tới ba kinh nghiệm sau đây:

Kinh nghiệm thứ nhất: kinh nghiệm về Thiên Chúa đầu tiên xuất phát từ gia đình, đó là một truyền thống lâu đời. Chúng ta đều biết giá trị bao la của loại giáo dục tôn giáo gia đình này. Ki-tô giáo cũng là một truyền thống; chúng ta thuộc về một truyền thống sống động. Thật là một ân huệ lạ lùng khi được sinh ra, được giáo dục trong truyền thống ki-tô giáo. Dù vậy, chúng ta cũng không thoát khỏi những giới hạn của truyền thống đó: bao nhiêu điều đã lãnh nhận trở nên tầm thường, quá rõ ràng, tự nhiên, không có gì nổi bật, đáng lưu tâm.

Có những người sống truyền thống ki-tô giáo mà không có một cảm nhận gì, không có ý thức rõ ràng về Thiên Chúa, cho đến lúc Chúa soi sáng, mở lòng và đón nhận như một ánh sáng mới rực rỡ, tác động sâu xa mạnh mẽ trong tâm hồn. Có thể do một biến cố đặc biệt nào đó xảy ra trong đời sống; có thể nhờ những giây phút cầu nguyện, chiêm niệm trong những ngày tĩnh tâm; có thể do một gặp gỡ đặc biệt nào đó, … Điều đó xảy ra lúc nào? Có thể đến 48 tuổi mà cũng có thể hơn.

Kinh nghiệm thứ hai: như Abraham rời xa gia đình, chúng ta cũng cần ra khỏi bầu khí tôn giáo tầm thường, xám xịt, bất lợi, dửng dưng, không nhận thức; bầu khí đó không trợ giúp gì cho đức tin của chúng ta. Nhờ tách rời khỏi bầu khí tôn giáo quen thuộc đó, chúng ta đạt tới một kinh nghiệm về Thiên Chúa rõ ràng hơn, sống động và sâu xa hơn. (Ví dụ 2 trường hợp với những hệ quả khác nhau: 1/ Đức tin hình như sống động vững mạnh khi còn ở Việt Nam, nhưng khi đi học ở Pháp, đến phục vụ tại một giáo xứ Pháp, đức tin đó bị lung lay, bị đặt dấu hỏi vì thấy người Pháp không còn tin Chúa nữa. Họ rất ít đi lễ, có lẽ chỉ khoảng 5% còn đi lễ mỗi tháng được một lần; hầu như không còn ai xin xưng tội, xin xức dầu. Không những dửng dưng với tôn giáo, người Pháp còn thù nghịch với Giáo Hội nữa. Tuy nhiên, nhờ trải qua những thử thách đó, đức tin truyền thống được thanh luyện. Đức tin đó giờ đây mạnh mẽ hơn, có tính cá nhân hơn: chính tôi tin Chúa, chứ không còn bị lệ thuộc vào tính tập thể của thói quen, của truyền thống nữa: chúng tôi tin Chúa. 2/ Ngược lại, đức tin cũng có thể bị mất đi. Chúng ta có thể nói đến tình trạng khô khan, bỏ đạo của những người công giáo di dân kinh tế. Khi họ rời bỏ giáo xứ hầu như toàn tòng, đến ở những nơi ở xa nhà thờ, chung quanh là người ngoại, họ không còn giữ đạo sốt sắng như xưa nữa.)

Kinh nghiệm này có một lợi điểm đáng chú ý: sự biểu lộ nhân cách rõ ràng hơn, lớn hơn. Nhưng cũng có một giới hạn, một bất lợi. Giới hạn đó là chúng ta nghĩ sự hoán cải là kết quả do công lao chúng ta, là cố gắng của chúng ta, là lý tưởng mà cuối cùng chúng ta cũng đạt tới. Từ đó, một số người hoán cải trở nên ngoan cố, bướng bỉnh, cuồng tín, xa rời cộng đoàn, làm cho tôn giáo trở thành việc hết sức cá nhân.

Như vậy, lợi điểm cũng đồng thời là điểm bất lợi vì từ đó, phát xuất sự hàm hồ; tôn giáo trở nên công việc của cá nhân tôi. Tôn giáo mạnh mẽ, nhưng giới hạn. Những người này hiểu một ý tưởng, nhưng ý tưởng đó trở thành toàn trị, thành một ý thức hệ, muốn thôn tính tất cả. Với sự có mặt của họ, chúng ta phải kiên nhẫn, phải chịu đựng đau khổ vì họ muốn áp đặt quan điểm của mình. Ai trong loại người này cũng muốn thuyết phục kẻ khác đi theo ý thức hệ của mình, vì đó là một cuộc chinh phục, một sự thiện, một kho tàng quí giá họ muốn áp đặt trên mọi người. Có thể tóm lại một thành công lớn lại kết thúc bằng một thất bại lạ lùng.

Vì đức tin của chúng ta là sự trộn lẫn phức tạp giữa những kinh nghiệm sâu xa, cá nhân, và những biến dạng cản trở và làm trệch hướng, nên đức tin đó luôn cần được Lời Chúa hoán cải, thanh luyện thoát khỏi tối tăm và sai lạc.

Lời Chúa

Và bây giờ đến kinh nghiệm thứ ba: đây là kinh nghiệm có giá trị đích thực. Abraham đã hoán cải nhờ Lời Chúa. Ông trải nghiệm một Thiên Chúa Tuyệt Đối, Toàn Biệt, Toả Sáng, Cuốn Hút; Ngài nói và hành động hoàn toàn như Ngài muốn. Đó không phải là Thiên Chúa mà vũ trụ có thể đo lường được, nhưng là một Thiên Chúa tỏ lộ một cách bất ngờ, không thể hiểu thấu. Ngài là Đấng vượt xa mọi hiểu biết của ông. Do đó, trong lòng Abraham sục sôi một cảm nhận mới.

Abraham khởi đi từ El qua Giavê. El là Thiên Chúa vĩ đại của bầu trời, một Thiên Chúa an hoà thống trị mọi sự; chúng ta phải sống thích ứng với Ngài, đồng thời Ngài cũng thích ứng với chúng ta là những người chăn chiên, nhà nông. Đó là niềm tin tôn giáo đơn giản và tự nhiên. Còn Giavê, Ngài rời khỏi núi non với sức mạnh; Ngài gây ra đấu tranh và các đổi thay; Ngài đòi hỏi; nhưng đồng thời Ngài cũng là một mầu nhiệm, là Đấng Tối Cao, Đấng Tuyệt Đối. 

Sự chuyển từ El qua Giavê sẽ ảnh hưởng trên toàn bộ nhịp sống của Abraham, ông không ngừng chạm trán với Ngài. Nhưng nó cũng ghi nhận sự mở ra với Lời bất ngờ, không thể hiểu được của Thiên Chúa bởi vì chúng ta chưa từng bao giờ nhìn thấy Ngài, chúng ta không biết Ngài là ai. Tuy nhiên, chúng ta nhận ra Ngài hành động trong chúng ta, chúng ta tin tưởng phó thác cho Ngài, dấn thân theo Ngài mà không biết Ngài thực sự thế nào. Đó là kinh nghiệm về sự hoán cải và ơn gọi của Abraham, vào một lúc nào đó trong cuộc đời ông, nhưng ông không ngừng sống lại giờ phút đó và đào sâu nó.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã trải qua kinh nghiệm như Abraham? Khi nào? Và nó có không ngừng được đổi mới không? Nghĩa là khởi đi từ El như một Thiên Chúa an hoà, êm đềm, nhưng không có gì nổi bật, ghi dấu ấn sâu đậm nơi chúng ta, đến với Giavê như một Thiên Chúa mời gọi và đòi hỏi, nên chúng ta phải hết sức lắng nghe và nỗ lực không ngừng để đáp lại. Nhờ đó, kinh nghiệm về Ngài ngày một rõ ràng hơn. Ngài tác động mạnh mẽ nơi chúng ta. Kinh nghiệm đó bây giờ thế nào? Có thể có nhiều câu trả lời khác nhau: nhận biết, từ chối, coi thường, gắn bó mơ hồ hoặc luôn luôn rõ ràng. Chúng ta có thể tìm thấy tất cả những thái độ đó trong đời sống đạo của chúng ta. Chúng xuất hiện bởi vì Thiên Chúa trở thành người cùng chia sẻ với ta trong hiện hữu và vì thế mà có đấu tranh với Ngài.

Điều quan trọng là chúng ta nhận ra nơi mình hành trình đức tin mà Abraham đã trải qua. Hãy tự hỏi: tôi đã trải qua những đấu tranh, thử thách nào để vững tin vào Thiên Chúa của lời hứa? Chúng ta hãy gợi lại cuộc tìm kiếm Thiên Chúa mà Abraham đã trải nghiệm bằng cách đọc những câu thánh vịnh sau:

Lạy Chúa, con tìm Ngài,

Con đợi chờ lời Ngài

Con ước mong biết Ngài,

Xin Chúa cho con biết Chúa,

Xin hãy mở ra cho con chân lý của Ngài. (Tv 119)

Câu hỏi gợi ý:

  1. Đâu là những dấu vết của sự khởi đầu hành trình đức tin nơi tôi? Những dấu vết đó bây giờ ra sao: mờ nhạt, sâu đậm? Nếu vẫn rất mơ hồ thì tại sao?
  1. Kinh nghiệm đức tin của tôi thế nào? Tôi đã trải qua những giờ phút hoán cải nào về đức tin? Nhờ đâu và lúc nào? Đức tin đó có được nội tâm hoá ngày một tiến triển và sâu xa nơi tôi không?
  1. Kinh nghiệm đức tin của tôi có được Lời Chúa hướng dẫn và tác động sâu xa không? Trong các hoạt động tông đồ, người khác có thể “thấy”, “cảm nhận” được đức tin của tôi không? Tôi có thấy, có cảm nghiệm mình truyền đạt một đức tin sống động cho người khác nhờ đã thực sự gặp gỡ và sống mật thiết với Chúa không?
  1. Tôi cần phải làm gì để đời sống đức tin của tôi, ngày một sâu xa, trở thành nguồn lực cho mọi hoạt động tông đồ, truyền giáo của tôi?

Lưu ý: Mỗi người chúng ta sẽ cố gắng đọc Sáng Thế chương 12 đến 25 cùng những đoạn kinh thánh khác rút ra từ Tân Ước nói đặc biệt về Abraham như thư Rô-ma 4, Ga-lát 3, Do thái 11 theo cách trên. Chúng ta phải chăm chú, đọc bản văn và tự hỏi bản văn nói gì với tôi? Rồi hãy để Lời Chúa lắng đọng trong tâm tư và hướng dẫn mình.

[1] Chuyển ý từ “Abraham, notre père dans la foi”, Carlo M. Martini, Éd. Saint Augustin-Saint Maurice, Suisse, 1994.

[2] Trong bản văn chính, nói là 1 tuổi và 3 tuổi, thay vì nói những năm đầu đời và năm 14 tuổi.

[3] Sách các năm đại xá (Livre des Jubilés) cho chúng ta những chỉ dẫn khác. Vào năm 14 tuổi, ông khám phá ra sự suy đồi của con người nên xa rời cha ông để không phải tôn thờ các thần giả hiệu; ông tìm mọi cách thuyết phục cha ông đừng thờ các ngẫu tượng, nhưng vô ích, vì vậy, ông quyết định đốt các tượng thần; em ông thấy vậy nhào vô lửa để cứu, thì bị chết cháy. Ý tưởng về lửa xuất phát từ Kinh thánh vì có lần Thiên Chúa nói với Abraham: “Chính Ta là Thiên Chúa đã cứu ngươi khỏi ngọn lửa của người Can-đê”. Các rabbi tự hỏi lửa đây là gì, có phải là một trận cháy lớn mà ông suýt chết? hay ám chỉ sự suy đồi của người Can-đê mà Thiên Chúa đã cứu ông thoát khỏi? Abraham cầu xin Chúa cứu ông đừng để ông rơi vào lầm lạc; giúp ông nhìn thấy tất cả những gì ông phải làm; và Thiên Chúa đã đáp lại lời ông xin. Như vậy, Abraham phải có một tương quan với Thiên Chúa, một hiểu biết về Thiên Chúa là Đấng cho phép ông hướng về Ngài và nghe tiếng Ngài. Vì thế, một số rabbi nghĩ rằng ông biết Thiên Chúa là nhờ gia đình và giáo dục của gia đình; người khác lại cho rằng đó là do ông chống lại người cha quá tôn thờ thuật chiêm tinh.

Bài 3: Chỉ Dẫn Thứ Nhất

Năng động của Lời Chúa

Chỉ dẫn về “năng động của Lời Chúa” được gợi ra từ cuốn Linh Thao của thánh I-nha-xi-ô: bài suy gẫm thứ hai của tuần thứ nhất, mà ngài gọi là “sự tiếp theo của tội lỗi” (số 56). Đây là sự nhìn lại đời sống cá nhân chúng ta, khởi đi từ Abraham; không phải là sự nhìn lại có tính cách luân lý (theo một trong ba hoa trái, thứ nhất hoặc thứ ba, của ghi chú 20), cũng không phải có tính cách khổ chế (chọn điều tốt nhất). Đây là sự nhìn lại về kinh nghiệm thiêng liêng, cách thế sống thực tại Thiên Chúa chính yếu nhất, với tất cả những mặt thay đổi nhau: bóng tối và ánh sáng, vắng mặt và có mặt.

Về vấn đề này, xin được áp dụng sơ đồ của suy gẫm theo I-nha-xi-ô (số 55-61), cách riêng về “tiếng kêu thán phục” của Abraham. Nếu đến cuối đời, sau khi trải qua bao kinh nghiệm về Thiên Chúa, “tiếng kêu thán phục” của ông giống tiếng kêu của thánh Au-gus-ti-nô: Con biết Chúa quá trễ! Nói cách khác, tôi tin rằng tôi biết Chúa nhiều, nhưng thực ra, tôi biết Chúa quá ít. Tôi tưởng là tôi biết Chúa rõ lắm, nhưng bây giờ tôi mới nhận ra tôi biết Ngài quá ít. Theo một nghĩa khác, Thiên Chúa luôn là một mầu nhiệm, không thể hiểu thấu được.

Năng động của Lời Chúa

Chúng ta còn nói tới nhận xét thứ hai của thánh I-nha-xi-ô. Xin tóm lại trong hai từ: năng động của Lời Chúa trong Linh Thao; xin bắt đầu bằng hai trích dẫn kinh thánh: thứ nhất, Luca 8, về dụ ngôn hạt giống Lời Chúa; và thứ hai, là Isaia 55,10 và tiếp theo về Lời Chúa hoàn tất hành trình: “Cũng như mưa và tuyết từ trời rơi xuống và không trở về nếu không tưới mặt đất, không làm cho nó mầu mỡ, cho hạt nảy mầm cung cấp hạt gieo cho người đi gieo và bánh ăn, lời thốt ra từ miệng Ta cũng vậy; lời đó không trở về với Ta mà không có kết quả, không hoàn thành điều Ta muốn, và thực hiện sứ mệnh của Ta”. Như vậy, trong dụ ngôn năng động đó, Lời Chúa rảo khắp: Lời Chúa đi, xuống, hành động và trở về.

Từ hai bản văn trên, chúng ta sẽ trình bày một vài khía cạnh tiêu biểu về sự năng động của Lời Chúa trong Linh thao.

Lắng nghe, suy gẫm, và chiêm niệm Lời Chúa trong thời gian suy gẫm chưa đủ, mà còn phải đem lại hoa trái trong trao đổi cầu nguyện (colloque de prière) . Đối thoại cầu nguyện phải kéo dài ra trong trao đổi cảm nhận (colloque de résonnance) với vị hướng dẫn linh thao hay với nhóm. Hội thảo đúp: cầu nguyện và cảm nghiệm, một lúc nào đó trở thành của lễ, sau khi suy gẫm về Nước Chúa (Règne). Của lễ này trở thành lời mời gọi chọn lựa, quyết định, và kiểm chứng trong đời sống, tái nhập lời trong dòng chảy đời sống thực tế.

Tiến trình năng động của Lời Chúa mà thánh Inhaxiô đề nghị trong quyển Linh Thao, giống với Isaia 55 và Luca 8, tại sao tiến trình này lại đặc biệt quan trọng như vậy? Lời Chúa là một hạt giống nhỏ bé, rất yếu ớt, sẽ bị ngạt, bị chết nếu không thể phát triển. Cố gắng suy gẫm, tĩnh tâm hết lần này đến lần khác mà vẫn ở giai đoạn thứ nhất của suy gẫm chiêm niệm, không sinh hoa trái trong cầu nguyện chia sẻ, tham dự, và không đưa đến những chọn lựa, quyết định, v.v. thì thật là vô ích.

Chính nhờ sự năng động này mà Thiên Chúa được nhận biết như Thiên Chúa, nghĩa là Lời Ngài chỉ được khám phá là Lời Chúa nếu Lời đó hoàn thành tiến trình của nó trong chính mình. Nếu không, nó sẽ chết ngạt và sự hiểu biết Thiên Chúa trở nên một hiểu biết trừu tượng, mơ hồ, và mang mọi hình thức tín ngưỡng lệch lạc mà chúng ta sẽ đề cập đến nhờ chỉ dẫn của Kinh thánh.

Ba qui luật

Chúng ta có thể nêu lên 7 điểm làm nên tiến trình năng động của Lời Chúa (có thể thêm những điểm khác: xưng tội, thống hối, …): suy gẫm-chiêm niệm, đối thoại cầu nguyện (colloque de prière), chia sẻ cảm nhận (colloque de résonnance), của lễ, chọn lựa, quyết định, kiểm chứng, chúng ta phải sống những giai đoạn này không nhiều thì ít. Ba qui luật sau phải bao trùm 7 điểm, hay 7 giai đoạn trên: Luật quân bình, luật nhịp điệu, luật chừng mực.

– Luật quân bình: có nghĩa là 7 điểm trên phải quân bình. Kinh nghiệm thiêng liêng sẽ bất thường nếu chỉ có chọn lựa, quyết định mà không có chiêm niệm, lắng nghe Lời Chúa và những cảm nghiệm; hoặc trái lại, chỉ có cảm nghiệm mà không có chọn lựa, quyết định được kiểm chứng cụ thể trong đời sống. Nếu không có sự quân bình trong tiến trình 7 giai đoạn trên, kinh nghiệm thiêng liêng sẽ bị thiệt hại.

– Không chỉ kinh nghiệm, mà cả nhịp điệu cũng bị tổn thương, vì các giai đoạn khác nhau phải lần lượt diễn ra. Phải biết khi nào đi từ chiêm niệm qua đối thoại, từ đối thoại qua cảm nhận, từ cảm nhận qua chọn lựa.

– Không chỉ tuân theo nhịp điệu của tiến trình, quan trọng hơn còn phải biết chừng mực. Ví dụ chúng ta không thể chỉ dừng lại trong cảm nhận, có những nhóm chỉ chia sẻ, họ không ngừng nói về Lời Chúa và kết thúc trong sự trống rỗng. Chúng ta còn có thể thiếu chừng mực khi mọi cố gắng đều đặt vào sự kiểm chứng, kiểm chứng xem điều gì đã đạt được, điều gì đã làm, mọi sự đều tập trung vào sự hữu hiệu. Chúng ta còn thiếu chừng mực khi để cho lý trí thống trị trong chiêm niệm Lời Chúa, trong phân tích bản văn, trong tái lập bối cảnh bản văn, trong cấu trức, và kết cục là bóp nghẹt Lời Chúa và để Lời Chúa tự diệt, chết đi.

Bởi vậy, thiếu quân bình, thiếu nhịp điệu, thiếu chừng mực sẽ cản trở Lời Chúa tiến triển, cánh cửa đưa đến sự hiểu biết Thiên Chúa bị đóng lại, và làm cho chúng ta đi tới một chủ nghĩa hữu thần thực hành, chúng ta nhìn nhận Thiên Chúa hiện hữu, nhưng điều đó không gây một ảnh hưởng cụ thể nào trên đời sống, vì tiến trình Lời Chúa không sinh hoa trái mà đã bị chết ngạt rồi.

Chúng ta có thể trích dẫn một bản văn quan trọng khác của Tân ước về sự năng động của Lời Chúa trong Linh Thao. Đó là Cô-lô-sê 3, 16 tt: “Chớ gì Lời Chúa cư ngụ dồi dào nơi anh em – nghĩa là Lời Chúa ở với anh em, trở nên quen thuộc với anh em. – Anh em hãy dạy dỗ nhau với tất cả sự khôn ngoan, bởi lòng biết ơn, hãy đem cả tâm hồn hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thánh Thần linh ứng. Và dù anh em nói gì, làm gì, hãy làm nhân danh Chúa Giêsu, nhờ Người mà tạ ơn Chúa Cha!” Ở đây, chúng ta cũng thấy một lộ trình Lời Chúa tuyệt vời: lời đến, lời cư ngụ, lời vang vọng, lời được hát lên, được nói lại, người ta loan báo lời đó cho nhau, lời đó được diễn tả qua các thánh thi và các công trình và tất cả đều nhằm để Thiên Chúa Cha được tôn vinh. Đó là kinh nghiệm về Thiên Chúa, một kinh nghiệm được cảm nhận nhờ tiến trình và sự năng động của Lời Chúa.

Nạn nhân của sự tha hoá tôn giáo

Bản văn thứ nhất là Cô-lô-sê 1, 21 tt, đây là bản văn giúp chúng ta suy gẫm thuận lợi về đề tài: Abraham từ đâu ra đi? Chúng ta từ đâu đến? Con người được ân sủng nhận biết Tin Mừng của Thiên Chúa từ đâu đến? Thánh Phaolô viết: “Ngày xưa, anh em trở nên khách lạ và kẻ thù, bởi tư tưởng và các việc làm xấu xa của anh em”. Những câu này đáng cho chúng ta suy nghĩ, nhất là câu: Ngày xưa, anh em là gì? Là khách lạ, sống một đời sống tôn giáo bị tha hoá. Người khách lạ đó nghĩ rằng mình biết Thiên Chúa, nhưng thực ra không biết. Trong sự nắm bắt Thiên Chúa, con người đó bị chia rẽ giữa sự thực người đó hiểu và tất cả những gì làm nó rối loạn, vì vậy, cuối cùng con người đó không hiểu gì nữa.

Từ hy lạp apellotriomenos dịch đúng là “nạn nhân của sự tha hoá tôn giáo”, và điểm từ đó Abraham đã trảy đi tượng trưng cho ý niệm này chính xác nhất.

Bản dịch Kinh thánh Giê-ru-sa-lem trích dẫn một bản văn song song Ê-phê-sô 4, 18: “Anh em đừng ăn ở theo dân ngoại, vì họ sống theo những xét đoán phù phiếm và những tư tưởng tăm tối: họ trở nên xa lạ với đời sống Thiên Chúa vì lòng chai dạ đá đã khiến họ trở nên dốt nát”. Đây là những lời rất mạnh mẽ. Sự nhận biết của dân ngoại được diễn tả ở đây là sự nhận biết tối tăm, sai lầm, lạc lối. Những lời này lạ lùng vì chúng ta biết dân ngoại rất tin Thượng Đế, họ không ngừng dâng hy lễ, tạ ơn, khẩn cầu, cầu nguyện. Có lẽ ở đây, thánh Phaolô muốn nói tới khuynh hướng sai lạc của chúng ta khi nỗ lực tìm kiếm Thiên Chúa.

Mối đe doạ cho kitô hữu chúng ta nữa

Những gì thánh Phaolô nói ở trên không chỉ là nói về dân ngoại, mà còn nói cho mọi người đang tìm kiếm Thiên Chúa bởi vì tất cả chúng ta cũng ra đi như Abraham từ một hoàn cảnh tha hoá, tội lỗi, mù quáng của thế giới lịch sử nơi chúng ta sống.

Tuy nhiên, giờ đây, mọi sự đã thay đổi, thánh Phaolô nói rõ điều đó trong Cô-lô-sê 1, 22: “Nhưng giờ đây anh em đã được hoà giải với Người … Anh em chỉ cần giữ vững đức tin … đừng nao núng mà lìa bỏ niềm hi vọng Phúc Âm anh em đã nhận khi nghe loan báo Tin Mừng.” Bản văn muốn nói gì? Bản văn có ý nói rằng nếu Tin Mừng không ở trong chúng ta với tất cả sự trong sáng, chúng ta sẽ lại rơi vào hoàn cảnh trước đây. Sự tha hoá tôn giáo: mù quáng, tối tăm, những khoảng tối trong hiểu biết Thiên Chúa luôn là một đe doạ. Mỗi khi chúng ta xa rời trung tâm, xa rời ngọn lửa toả sáng của ánh sáng Tin mừng, chúng ta lại rơi vào một thứ tôn giáo nệ luật, biệt phái, trọng hình thức, và tìm sự chính thống tôn giáo dựa trên những truyền thống và thái độ bên ngoài. Rất thường đó là tình thế lịch sử của chúng ta!

Từ các bản văn trên, chúng ta hiểu rằng mọi thái độ tôn giáo, kể cả kitô giáo, tự mình, đều chịu một lực trì trệ, một suy giảm nhiệt tâm, lôi kéo chúng ta về sự thờ phượng nệ luật, hình thức và kết cục, một lúc nào đó, che phủ sự hiểu biết chân thực về Thiên Chúa, mà chỉ còn giữ danh xưng, lễ nghi, sự thờ phượng trống rỗng. Tuần linh thao đầu tiên nên suy tư về chính thực trạng này hơn là để ý tới khía cạnh luân lý hoặc vô luân của nó. Tự bản chất, tình trạng đó không phải tội lỗi gì, nhưng là một hoàn cảnh thực tế, ở đó chúng ta trải nghiệm sự khó khăn về hiểu biết Thiên Chúa cách cụ thể. Đó cũng là con đường tìm kiếm Thiên Chúa đầy khó khăn của Abraham.

Thái độ tôn giáo của Chúa Giêsu thế nào?

Chúng ta có thể liên kết hai bản văn: Ê-phê-sô 4, 18 và Cô-lô-sê 1, 22, với Luca 6,1-5. Trong đoạn Luca này, Chúa Giêsu trách người Biệt phái thiếu tự do tinh thần, vì họ chỉ trích các môn đệ Chúa bứt lúa ăn trong ngày Sa-bát. Ở đây, hai loại hiểu biết Thiên Chúa đối lập nhau: sự hiểu biết Thiên Chúa của Chúa Giêsu là một hiểu biết đưa đến giải thoát, còn hiểu biết của Biệt phái thì rơi vào hình thức nệ luật, để nhân danh chính Thiên Chúa đối lập với sự hiểu biết Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Đó đích xác cũng là điểm đi và điểm đến: điểm đi là niềm tin tôn giáo chiêm tinh của Abraham dựa trên hình thức và điểm đến là niềm tin tôn giáo của Chúa Giêsu.

Chúng ta sẽ tiếp tục suy gẫm một chút về đề tài này, đi từ lãnh vực tôn giáo sang lãnh vực luân lý, và sẽ dừng lại ở đó một thời gian. Chúng ta sẽ tìm để thấy làm thế nào một hiểu biết Thiên Chúa không còn trong sáng, phản ánh qua thái độ hàm hồ. Abraham là một ví dụ giúp chúng ta nắm bắt vấn đề tốt hơn.

[1] Chuyển ý từ “Abraham, notre père dans la foi”, Carlo M. Martini, Éd. Saint Augustin-Saint Maurice, Suisse, 1994.

Bài Bốn: Abraham sợ hãi

Trên hành trình đức tin, không phải lúc nào Abraham cũng hoàn toàn tin tưởng, phó thác trọn vẹn cho Chúa. Ông cũng trải qua những thử thách làm đức tin mờ tối đi. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu làm thế nào một hiểu biết Thiên Chúa không còn trong sáng, rõ ràng đã làm cho Abraham lâm vào cảnh tối tăm, hàm hồ. Hoàn cảnh của Abraham cũng là hoàn cảnh của chúng ta trên con đường đức tin.

Trong số 15 giai thoại về Abraham, có những giai thoại lớn[2], đáng nhớ; có những giai thoại nhỏ ít được lưu ý. Ở đây, chúng ta suy gẫm về 3 giai thoại nhỏ: 1. Abraham với người Ai Cập (St 12, 10-20); 2. Abraham, và vua Gơra (St 20, 1-18); 2 giai thoại này nói lên cùng một nỗi sợ: Abraham sợ hãi những gì xảy ra quanh ông, và giai thoại thứ 3. Nỗi sợ không có người nối dõi trong vấn đề gia đình giữa Abraham, Sara và Haga (St 16, 1-16).

Lời Chúa: Giai thoại ở Ai Cập

“Một nạn đói xảy ra trong xứ ấy, và ông Áp-ram xuống trú ngụ ở Ai-cập, vì nạn đói hoành hành trong xứ. Vậy khi gần vào Ai-cập, ông nói với vợ là bà Xa-rai: “Bà coi, tôi biết bà là một người phụ nữ có nhan sắc. Khi người Ai-cập thấy bà, họ sẽ nói: “Vợ hắn đấy!”, họ sẽ giết tôi và để cho bà sống. Vậy xin bà cứ nói bà là em tôi, để vì bà, người ta xử tốt với tôi, và nhờ bà, tôi được sống.” Khi ông Áp-ram đến Ai-cập, người Ai-cập thấy vợ ông rất xinh đẹp. Quan lại của Pha-ra-ô thấy bà thì ca tụng bà trước mặt Pha-ra-ô, và bà bị đưa vào đền Pha-ra-ô. Vì bà, người ta xử tốt với ông Áp-ram; ông được chiên, dê, bò, lừa, tôi trai tớ gái, lừa cái, lạc đà. Tại vì bà Xa-rai, vợ ông Áp-ram, ĐỨC CHÚA giáng những tai ương lớn xuống Pha-ra-ô và gia đình vua. Pha-ra-ô bèn cho gọi ông Áp-ram đến và nói: “Ngươi làm gì ta thế? Tại sao ngươi đã không khai với ta rằng: nàng là vợ ngươi? Tại sao ngươi lại nói với ta: ‘Nàng là em tôi’, khiến ta đã lấy nàng làm vợ? Bây giờ, vợ ngươi đấy, hãy nhận lấy và đi đi!” Pha-ra-ô ra lệnh cho người của vua tống ông Áp-ram đi, cùng với vợ ông và tất cả những gì ông có.” (St 12, 10-20)

Abraham yếu đuối

Tuy Abraham được Chúa kêu gọi. Ông đã can đảm rời bỏ quê hương, đến miền đất Chúa hứa. Ông cũng đã nghe lời Chúa phán và hứa với ông qua những lần Chúa mặc khải kế tiếp nhau trong đời ông. Tuy nhiên, ông chỉ đón nhận Lời Chúa phần nào thôi. Ông chỉ hiểu Chúa phần nào thôi. Đôi khi những gì Chúa dạy không có sức sống nơi ông, vì thế ông sợ hãi.

Sự mỏng dòn tiềm ẩn đi liền với sự mơ hồ, không rõ, thường khó nhận ra hơn là những yếu đuối đưa đến tội nặng như giết người, trộm cướp. Vì thế, điều quan trọng là xin ơn nhận biết những gì bất ổn trong các hoạt động của chúng ta; những gì làm chúng ta bất an do thuận theo những sức ép, những thoả hiệp, những giả tạo bên ngoài, theo thói thế gian. Tất cả những bất an đó do cuộc sống chúng ta không hoàn toàn đặt dưới ánh sáng Lời Chúa soi dẫn, không đặt trọn niềm tin vào Chúa, không hoàn toàn dấn thân theo lời hứa khi chịu chức linh mục.

Nô lệ cho sự mơ hồ, không rõ

Để suy gẫm về nỗi sợ của Abraham, chúng ta nhờ lời Chúa trong thư Do Thái soi dẫn: “Như thế, vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giêsu đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2,14-15).

Chúng ta là nô lệ của sự mơ hồ, là nạn nhân của những quyền lực thế gian, của môi trường, dư luận, của những gì người khác mong chờ nơi ta, của tất cả những gì chúng ta sợ bị chê cười, bị chối bỏ, không được tôn trọng, không được đánh giá cao; sợ bị khinh miệt, sợ bị chia cắt, sợ bị thua thiệt, sợ bị mất mặt, bị cho ra rìa, bị cho là lỗi thời.

Theo thánh Phaolô, tất cả những nỗi sợ đó đều bắt nguồn từ nỗi sợ tiềm ẩn, nền tảng là sợ chết; vì sợ chết và muốn giành giật lấy sự sống, nên con người luôn lo âu, xao xuyến trong cuộc đấu tranh hàng ngày. Sợ chết là nguồn gốc mọi xung đột nơi con người vì họ cố gắng thắng nó, chống lại nó. Họ không muốn bị cho ra rìa, nên tranh đấu, thống trị người khác. Họ không muốn bị bất cứ cái gì làm cho họ bất ngờ, làm cho đời sống họ mất yên ổn. Sợ chết còn là nguồn cội mọi thái độ theo thế gian: tham lam, ham muốn chiếm hữu, mua sắm, muốn có tất cả và có ngay lập tức … Thái độ tiêu thụ tối đa đó đem lại cho chúng ta ảo tưởng mình làm chủ cái chết, nắm nó trong tay. Nỗi sợ dưới mọi hình thức như thế được diễn tả trong thư gởi các tín hữu Do Thái. Đó cũng là nỗi sợ của Abraham.

  1. Abraham sợ hãi những gì xảy ra quanh ông.

Câu chuyện xảy ra ở Ai Cập và ở Gơra giống nhau: Abraham che dấu không cho ai biết Sara là vợ ông, mà nói là em gái. Khi Kinh thánh nói đến cùng một sự kiện tới ba lần, thì phải có một tầm quan trọng nào đó, dù là sự kiện hình như chẳng có ý nghĩa gì. Ơn kêu gọi của thánh Phaolô cũng được nhắc tới ba lần trong Kinh thánh. Đức Giêsu cũng ba lần báo trước cuộc khổ nạn và cái chết. Có người giải thích hai giai thoại đó muốn nói đến sự đặc biệt của giòng giống được Thiên Chúa chọn: phụ nữ luôn xinh đẹp dù lớn tuổi, và luôn được người ngoại quốc ước muốn. Có người nói đó là một nét đặc biệt nơi dân du mục, không quyền lực, nên dùng thủ đoạn khéo léo để tránh hoàn cảnh tệ hại xảy ra. Thực ra, cách giải thích đúng nhất dường như câu chuyện trên mang một ý nghĩa luân lý. Giai thoại ở chương 12 tỏ lộ cho thấy Abraham chưa hoàn toàn hiểu hết ý nghĩa Lời Chúa hứa mà ông vừa đón nhận. Ông vẫn bị những nỗi sợ xa xưa ám ảnh, vẫn bị thế giới cũ chế ngự, một thế giới muốn tự cứu lấy mình, muốn tự mình xoay chuyển tình thế.

Giờ đây, chúng ta cùng phân tích bối cảnh và diễn tiến của bản văn Kinh thánh.

Abraham sợ hãi điều gì và mưu mô gian dối ra sao?

+ Giai thoại 1: ở Ai Cập (St 10, 10-20)

– Bối cảnh thế nào? Ngay trước đó, ở St 12,3, là lời hứa tuyệt vời về mọi sự: “Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ta sẽ lên án những ai nguyền rủa ngươi”. Abraham nghĩ có thể được yên ổn vì Thiên Chúa bênh vực ông. Ông vâng lệnh Chúa, lên đường với một viễn cảnh tương lai sán lạn, huy hoàng. Ông tin tưởng dựng một bàn thờ cầu khẩn và tế lễ Chúa. Mọi việc đều hoàn hảo. Nhưng rồi ngay sau đó, Abraham ở Ai Cập, một mình đơn độc, đối diện với những khó khăn, những vấn đề, nên ông tự tìm cách xoay xở. Đó là bối cảnh.

– Diễn tiến ra sao? Yếu tố thứ nhất: nạn đói kém, nguyên nhân bắt buộc Abraham sang Ai Cập. Đây cũng là nguyên nhân gia đình Giacóp sang Ai Cập thời ông Giuse. Đó là một trong những nguyên nhân thường xuyên của những cuộc di cư từ Palestine sang Ai Cập.

Yếu tố thứ hai (câu 11-13): sự sợ hãi. Abraham nói với Sara: “Khi người Ai Cập thấy em, họ sẽ nói: ‘đó là vợ hắn’ và họ sẽ giết anh”. Sợ chết nên ông nghĩ ra một mánh: “Anh xin em, em hãy nói em là em gái của anh, nhờ vậy, họ sẽ đối xử tốt với anh nhờ em, và họ để anh sống vì em”. Không những ông nghĩ mình được sống mà còn được lợi lộc vật chất nữa. Cũng cùng một nỗi sợ và cùng một mưu mô ở chương 20, 1-18. Abraham nói: “Tôi tự nhủ, chắc chắn ở đây không có ai kính sợ Thiên Chúa, người ta sẽ giết mình vì vợ mình”. Ở đây, nguyên do là tôn giáo, người ta sẽ giết ông vì họ không kính sợ Thiên Chúa. Phải tìm cách tự vệ thôi. Hơn nữa, ông còn không muốn bị mất mặt: “Mà đúng vậy, bà ấy thực sự là em mình, con của cha mình, nhưng không cùng một mẹ với mình, và bà ấy là vợ của mình”. Abraham tự biện hộ và cho rằng mình nói đúng sự thực: bà Sara là em gái của ông[3].

Yếu tố thứ ba: kết quả là gì? Sara được đưa vào đền Pharaô; còn Abraham thì được cơ man nào là bò chiên, lừa, lạc đà, nô lệ. Mưu mô của ông đã thành công. Chính Pharaô lại bị phạt dù vua không dính dáng gì tới mưu mô đó. Giai thoại kết thúc thế nào? Pharaô cho gọi Abraham và nói với ông: “Ngươi làm gì ta thế? Tại sao ngươi đã không khai với ta rằng: nàng là vợ ngươi? Tại sao ngươi lại nói với ta: ‘Nàng là em tôi’, khiến ta đã lấy nàng làm vợ? Bây giờ, vợ ngươi đấy, hãy nhận lấy và đi đi!” Pha-ra-ô ra lệnh cho người của vua tống ông Áp-ram đi, cùng với vợ ông và tất cả những gì ông có”. Pharaô đóng vai một người thành thật: tại sao anh lại hành động như vậy? Tại sao anh lại sợ hãi? Tại sao anh lại khiếp sợ, lo âu đến thế?

+ Giai thoại 2: ở Gơra (St 20, 1-18)

– Bối cảnh thế nào? Abraham và Sara đến trú ngụ ở Gơra. Ông sợ bị hại nên nói Sara là em gái. Abimelek, vua Gơra, sai người đến bắt Sara về làm vợ. Nhưng đêm hôm ấy, Thiên Chúa cảnh báo vua sẽ chết vì Sara là người đàn bà có chồng.

– Diễn tiến ra sao? Abimelek vua Gơra, chỗi dậy vào lúc sáng sớm sau khi đã nói chuyện với Thiên Chúa suốt đêm nhờ đó biết rõ mọi chuyện. Vua nói với Abraham: “Ông đã làm gì chúng tôi thế? Tôi mắc tội gì đối với ông, mà ông lại làm cho tôi và nước tôi phải vương vào một tội lớn như thế? Ông đã làm cho tôi những điều không nên làm!” Đây là một đánh giá tiêu cực về hành động của Abraham. Ông đã nói dối và vì đó phát sinh một tình thế sai lầm, gây cho người khác làm một điều họ không nên làm. Giai thoại có tính cách luân lý rõ ràng.

Bản năng sinh tồn mạnh mẽ

Abraham sợ gì? Ông làm gì? Bản văn cho biết rõ ràng: Abraham sợ người ta làm hại mình, vì ông bé nhỏ, không quyền lực, không bạn bè, sống xa quê hương, không có gì để tự vệ giữa một thế giới thù nghịch. Do đó, ông lo âu, sợ hãi là điều dễ hiểu. Ai sẽ bảo vệ ông đây? Abraham sợ chết, sợ lời Chúa hứa sẽ không được thực hiện. Phải tự bảo vệ lấy mình thôi. Đó là bản năng sinh tồn, tự bảo vệ mình. Mà để tự vệ, thì ông làm tất cả những gì có thể làm. Ông chọn lựa cách thế cho là tốt nhất vào lúc đó. Ông không còn cách nào khác. Ông đang tiến vào một thế giới tối tăm, mờ ám. Ông không tìm thấy lối thoát. Giữ được vợ thì mất mạng; mất vợ thì lâm vào cảnh tối tăm vì niềm tin vào Thiên Chúa mờ mịt. Bị bao vây, chèn ép mọi phía, ông tìm thấy lối thoát dễ nhất, và nhờ đó ông được lợi, nhưng lại nhắm mắt về phương diện luân lý, vì ông không biết làm cách nào khác.

Giavê thương xót con người khốn khổ đó

Giavê làm gì? Ngài bênh vực Abraham và phạt Pharaô. Ngài biết ông yếu đuối, sợ hãi, lo âu, nên không quở trách ông. Ngài phạt những người quyền thế để giải thoát cho Abraham, để ông lấy lại sự can đảm. Một bên, chúng ta thấy hành động gian dối do đức tin bị mờ tối của Abraham, bên kia là lòng khoan dung của Giavê. Ngài nhắm mắt không nhìn đến sự dối trá của ông. Ngài có những cách khác để chữa lành sự yếu đuối của Abraham hơn là trừng phạt nặng nề.

Bài học nào cho chúng ta? Con người chúng ta luôn sợ hãi tất cả những gì hạ thấp mình, làm mất địa vị chức tước, quyền lợi của mình, tổn hại đến sự sống, của cải, danh dự, an toàn của bản thân. Chúng ta lo sợ tất cả những gì có thể làm chúng ta gặp rắc rối, khó khăn. Do đó, chúng ta tìm mọi cách né tránh. Khi gặp những căng thẳng, những chống đối không ngừng gia tăng, bản năng sinh tồn tự nhiên thúc đẩy chúng ta tìm mọi cách để thoát ra, và thường là rơi vào sự giả dối: tôi chẳng giết chóc ai; tôi không làm hại đến ai, tôi không bất lương; tôi chỉ tìm một lối thoát thôi.

Phản ứng của con người và phản ứng của Thiên Chúa

Sự tăm tối của hoàn cảnh sống, sự lo âu, sợ bị hạ thấp giá trị, bị khinh miệt, bị tước đoạt, có thể liên quan đến biết bao nhiêu điều. Không chỉ liên quan đến của cải vật chất, sự giầu có; mà còn liên quan đến danh dự, địa vị của ta. Tôi phải giữ danh dự của một linh mục, một tu sĩ, nên tôi phải cấm đoán điều này điều nọ, dùng những cách thế, phương tiện tôi có. Chúng ta lo âu, sợ hãi và nói như viên quản lý bất lương trong Luca 16: tôi phải làm gì đây? Làm sao tôi thoát khỏi tình thế khó khăn này? Và rồi, hắn tìm ra những mưu mẹo khéo léo.

Còn Thiên Chúa, Ngài làm gì? Cũng giống như đối với Abraham, Thiên Chúa vô cùng cảm thương trước những dối trá và yếu đuối mà chúng ta làm theo bản năng. Chúng ta không muốn bị vấp ngã, nhưng hầu như thường vấp ngã. Những sức ép bên ngoài quá nặng, quá mạnh; ước muốn không phải chết, không bị khinh miệt, không bị hạ thấp, không làm người khác thất vọng quá lớn đển nỗi sự dối trá nặng nề lẻn vào cuộc sống. (Ví dụ: chúng ta gian dối khi không dám nhìn nhận sự thực về con người mình. Cũng có thể không phải vì chúng ta không dám, mà đúng ra, không còn nhận ra con người thực của mình, vì đã quá quen đeo một thứ mặt nạ vô hình của một con người hoàn hảo, đạo đức, không chỉ đeo mà còn hành xử như thật, đến nỗi chúng ta luôn coi mình là hoàn toàn đúng, hoàn toàn trong sạch, hoàn toàn tốt. Trong những trường hợp này, chỉ có Chúa mới có sức mạnh biến đổi chúng ta mà thôi.)

Một câu hỏi cuối cùng được đặt ra: Abraham có thể có một hiểu biết đích thực về Thiên Chúa trong hoàn cảnh khó khăn đó không?  Chắc chắn là không. Sự dối trá, sợ hãi, khiếp đảm luôn cản trở con người hiểu biết Thiên Chúa trọn vẹn vì Thiên Chúa chỉ mặc khải cho những ai tuyệt đối tin tưởng Ngài, gắn bó hoàn toàn với Ngài, từ bỏ mọi sợ hãi và âu lo. Abraham đã dừng bước, không tiến triển trên con đường nhận biết Thiên Chúa, trên con đường đức tin.

Rất có thể chúng ta cũng lâm vào hoàn cảnh như Abraham, khi những thử thách, những khiếp sợ, những gian dối làm mờ tối đức tin và sự hiểu biết Thiên Chúa, dù từ trước tới nay, chúng ta đã được biến đổi nhờ đức tin như thánh Phaolô nói trong thư gởi tín hữu Cô-lô-sê: “Nhưng giờ đây anh em đã được hoà giải với Người … Anh em chỉ cần giữ vững đức tin … đừng nao núng mà lìa bỏ niềm hi vọng Phúc Âm anh em đã nhận khi nghe loan báo Tin Mừng.” (Cô-lô-sê 1, 22). Bản văn muốn nói gì? Bản văn có ý nói rằng nếu Tin Mừng không ở trong chúng ta với tất cả sự trong sáng, chúng ta sẽ lại rơi vào hoàn cảnh tăm tối đưa đến tha hoá tôn giáoNhững khoảng tối trong hiểu biết Thiên Chúa luôn là một đe doạ. Mỗi khi chúng ta xa rời trung tâm, xa rời ngọn lửa toả sáng của ánh sáng Tin mừng, chúng ta lại rơi vào một thứ tôn giáo nệ luật, biệt phái, trọng hình thức, và tìm sự chính thống tôn giáo dựa trên những truyền thống và thái độ bên ngoài. Rất thường đó là tình trạng của chúng ta trong hoạt động mục vụ tại các giáo xứ! Dường như đó là luật bù trừ: trống vắng nội tâm, xa rời Chúa và ánh sáng Lời Chúa, chúng ta sẽ tìm cách bù lại bằng những hình thức bên ngoài như tổ chức hoành tráng, trật tự lớp lang, kỷ luật ngặt nghèo, gắt gao; giờ giấc chặt chẽ, cứng ngắc; v.v. và rồi chúng ta an tâm vì giáo xứ rất ổn định, có tổ chức, có kỷ luật, ai nấy răm rắp tuân theo. Nhưng nếu xét kỹ, lại thấy thiếu vắng lòng thương xót, sự quan tâm, đồng cảm, tinh thần phục vụ trong khiêm tốn, quên mình.

Từ kinh nghiệm về tình trạng tối tăm đó, chúng ta hiểu rằng mọi thái độ tôn giáo, kể cả kitô giáo, tự mình, đều chịu một lực trì trệ, một nguội lạnh nhiệt tâm, lôi kéo chúng ta đến sự thờ phượng nệ luật, hình thức và kết cục, một lúc nào đó, che phủ sự hiểu biết chân thực về Thiên Chúa, mà chỉ còn giữ danh xưng, lễ nghi, sự thờ phượng trống rỗng[4]. Chúng ta nên suy tư về chính thực trạng này hơn là để ý tới khía cạnh luân lý của nó là có tội hay không. Tự bản chất, đó là một tình trạng hết sức tiêu cực, dễ làm đức tin của chúng ta lu mờ, thui chột thậm chí chết đi. Đây cũng là tình trạng thực tế cho chúng ta thấy hiểu biết Thiên Chúa là điều không dễ dàng, rất dễ sai lạc và mờ tối. Đó cũng là hành trình tìm kiếm Thiên Chúa đầy thử thách, chông gai Abraham đã trải qua và chắc chán chúng ta cũng đã hoặc sẽ trải qua.

  1. Abraham sợ hãi ngay trong gia đình ông.

+ Giai thoại 3: sợ không có con nối dõi (St 16, 1-16)

Bây giờ, chúng ta tìm hiểu giai thoại thứ ba: nỗi sợ của Abraham ngay trong gia đình ông, những mánh lới, mưu mẹo của ông. Chúng ta xem bối cảnh và diễn tiến của câu chuyện này ở chương 16 với việc Ismael được sinh ra.

– Bối cảnh thế nào?  Giống chương 12 vừa nói trên, ở đây chúng ta cũng gặp hai ý nghĩa tương phản: một sáng, một tối, vì chương 15 ngay trước chương 16, cho biết Giavê long trọng thề hứa và thiết lập giao ước với Abraham: “Và đây có lời ĐỨC CHÚA phán với ông rằng: “Kẻ đó (Êliede người Damas) sẽ không thừa kế ngươi, nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi.” Rồi Người đưa ông ra ngoài và phán: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không.” Người lại phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!” Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính” (St 15,3-6). Abraham hoàn toàn phó thác tin tưởng vào Thiên Chúa của lời hứa.

Nhưng chương 16 cho ta biết Xarai vợ Abraham không có con. “Bà Xa-rai, vợ ông Áp-ram, đã không sinh được cho ông một người con nào. Bà có một người nữ tỳ Ai-cập, tên là Ha-ga. Bà Xa-rai nói với ông Áp-ram: “Ông coi: ĐỨC CHÚA đã không cho phép tôi sinh con. Vậy xin ông đi lại với nữ tỳ của tôi; may ra nhờ nó mà tôi sẽ có con.” Ông Áp-ram nghe lời bà Xa-rai” (St 16,1-2). Lạ lùng thay! Abraham nghe lời Chúa ở chương 15, và ở chương 16, ông lại nghe lời vợ ông là bà Xarai. Đúng là sự sợ hãi, sự yếu đuối của “cha chúng ta trong đức tin”. Ông chẳng những nhận được lời Chúa hứa ở chương 12, chương 13, mà còn đón nhận giao ước long trọng ở chương 15 nữa. Thế mà, lập tức sau đó, ông sợ không có con nối giòng.

– Diễn tiến ra sao? Trước hết là sự sợ hãi của Xarai: “Ông coi: ĐỨC CHÚA đã không cho phép tôi sinh con. Vậy xin ông đi lại với nữ tỳ của tôi; may ra nhờ nó mà tôi sẽ có con.” Kế đó sự sợ hãi của Xarai lan sang Abraham, nên ông ăn ở với Haga. Cuối cùng, ta thấy, Abraham cũng khinh khi người nữ tỳ. Ông trao cô ta cho vợ là Xarai vì bà than phiền người nữ tỳ Ai Cập đã khinh dể bà khi có thai: “Ông Áp-ram nói với bà Xa-rai: “Nữ tỳ của bà ở trong tay bà đấy; đối với nó, cái gì tốt cho bà thì bà cứ làm!” (St 16,6). Abraham người thừa hưởng lời hứa đã bị sự sợ hãi chi phối. Sự nhận biết Thiên Chúa nơi ông mờ nhạt đi, như bị xoá nhoà. Ông không đạt đến mức độ sống tin tưởng, phó thác trọn vẹn. Ông không thể sống theo một Thiên Chúa của lời hứa, mà chưa phải là Thiên Chúa của thực tại. (*ghi chú: phải có thực mới tin. Thiên Chúa của lời hứa là Thiên Chúa của đức tin. Đức tin là tin vào lời hứa của Thiên Chúa, chứ chưa xảy ra thực sự, chưa là một thực tại mà chúng ta đã trải nghiệm sâu xa.)

Chúng ta thì sao? Cội rễ của những hỗn độn, mất trật tự trong đời sống chúng ta là gì?

Chúng ta thấy Abraham là một người vừa tự do vừa bị giam hãm. Từ tình trạng của ông, chúng ta có thể suy nghĩ và khám phá về bản thân, về sự bất ổn, không có trật tự trong đời sống chúng ta, nghĩa là những gì không được sắp xếp cách trật tự, những gì không đi theo đường nó phải đi. Cội rễ của sự bất ổn, mất trật tự đó nằm trong những gì ràng buộc chúng ta. Đây không nhất định phải là những lầm lỗi trầm trọng, thiếu đạo đức, nhưng đúng hơn là lựa chọn không đúng, những cách sống không xứng đáng, những quan hệ đáng ngờ hoặc vô tình hoặc hữu ý nhiều hay ít; nhờ ánh sáng Lời Chúa, chúng ta nhận ra chúng. Giống như Abraham, chúng ta hãy tự hỏi: tôi phải làm gì đây? Tôi có đồng tình với cách hành xử của Abraham không? Có hành động như ông không? Có cầu nguyện không? Có trốn chạy không? Có dám đối đầu với cái chết không? Có can đảm không?

Đó là những âm vang vọng lên trong ta khi suy nghĩ về giai thoại của Abraham. Nó giúp chúng ta khám phá những gì trói buộc mình, những tình thế tối tăm vẫn còn nằm ẩn chờ đó, và dù không gây trở ngại, vẫn để chúng ta tự do, nhưng chúng luôn tiềm ẩn nguy cơ làm chúng ta bị mờ tối trong cách sống và hành động mà không biết. Chúng ta hãy suy xét về điều đó. Abraham đã không thể cắt đứt những ràng buộc tiềm ẩn, và không thể giải thoát mình khỏi tình thế tối tăm, mờ ám. Chúng ta cũng vậy, không hơn gì Abraham đâu. Nhưng có một điều chúng ta phải tin tưởng chắc chắn, đó là Thiên Chúa không quở trách hay trừng phạt chúng ta, ngài không chấp nhất sự yếu đuối của chúng ta; nhưng Ngài đòi hỏi chúng ta nhận biết sự yếu đuối đó, để chúng ta có thể phó thác vào sức mạnh của Lời Chúa, và cầu xin với Ngài: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn Abraham làm gì? Chúa muốn chúng con làm gì?”

Hai ví dụ khác về sự hai mặt, sự chia rẽ nội tâm như Abraham

Xin gợi ý về hai bản văn Tân Ước có thể giúp chúng ta đào sâu đề tài suy gẫm. Bản văn thứ nhất là Mc 10, 17-22: chàng thanh niên giầu có. Anh có những hoài bão ước vọng lớn lao, nhưng anh cũng bị giam hãm, bị chia rẽ như Abraham. “Lạy Thầy, con phải làm gì, con muốn hiểu và sống theo lời Ngài đến cùng; nhưng con không thể”. Không thể bởi vì anh không thể thoát khỏi lối sống đã thành thói quen, không thể vượt ra khỏi địa vị và hoàn cảnh xã hội anh đang có. Anh rất thiện chí. Anh nghe lời Chúa, anh quì sụp dưới chân Chúa trước mặt mọi người, anh lớn tiếng nói lên niềm tin của anh, nhưng lập tức sau đó, anh nói: con không thể làm được. Giai thoại này giúp ta thấy rõ hơn sự chia rẽ nội tâm nơi Abraham và nơi chúng ta.

Bản văn thứ hai là Lc 19, 11-27: dụ ngôn những nén bạc. Điều chúng ta quan tâm đó là người đã đem nén bạc đi chôn dấu. Tại sao anh ta làm như vậy? Bởi vì anh ta sợ ông chủ. Vì không tìm biết Thiên Chúa đến nơi đến chốn, nên anh sợ hãi Ngài, không làm điều Ngài muốn là làm cho nén bạc sinh lợi khi đem nó đi chôn. Anh có cái nhìn hoàn toàn tiêu cực về Thiên Chúa là chủ của anh. Ở đây, chúng ta thấy người sợ hãi cũng có một nhận biết nào đó về Thiên Chúa, nhưng là một Thiên Chúa không rõ ràng. Người đó bị giam hãm trong sự sợ hãi Thiên Chúa như nô lệ sợ chủ. Lời Chúa không gây được tác động nào nơi người đó và không sinh hoa kết quả. Sự sợ hãi, không hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa làm Lời Chúa đóng băng nơi chúng ta.

Chúng ta có thể đọc và cầu nguyện với thánh vịnh 31, một thánh vịnh nói lên sự tin tưởng hoàn toàn vào Chúa giữa muôn vàn khó khăn, thử thách, đau khổ.

* Lưu ý cần thiết:

Khi suy niệm về các thử thách của Abraham, của Chúa Giêsu, có lẽ một số trong chúng ta tự hỏi, có cần thiết lúc nào cũng nghĩ tới những thử thách, những cám dỗ có vẻ bi quan, ảm đạm không? Tin Chúa, theo Chúa không phải là một niềm vui sao?

Trả lời:

– Thứ nhất, chúng ta tin vào Đức Giêsu Kitô và muốn kết hợp mật thiết với Ngài. Muốn được như vậy, chúng ta cần suy niệm những lời Ngài dạy, chiêm ngắm cuộc đời Ngài. Mọi giây phút, mọi hoạt động trong cuộc đời Chúa đều có giá trị cứu độ, nhưng biến cố khổ nạn và phục sinh là đình cao của công trình cứu độ đó. Vì thế, để tin Chúa, yêu mến Chúa và nên đồng hình đồng dạng với Chúa, không thể làm gì khác hơn là chiêm ngắm cuộc đời Ngài, nhất là chiêm ngắm cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài; cùng trải qua những lo âu, sợ hãi, đau đớn, cái chết tủi nhục cũng như phục sinh của Ngài.

– Thứ hai, nhờ chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu, nhất là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài, chúng ta cùng đồng hành, đồng cảm, và chia sẻ sâu xa với tất cả những ai đang lâm cảnh lo âu, sợ hãi, thất vọng, nhất là về đức tin; có nguy cơ đánh mất đức tin trong những thử thách nặng nề, nghiệt ngã. Những người như thế không phải là ít, lúc nào cũng có, ngay cả giờ phút này.

– Thứ ba, chính chúng ta cũng trải qua những thử thách, những lo âu, sợ hãi, buồn phiền, không nhiều thỉ ít, và có những lần chúng ta vượt qua được, nhưng cũng có khi gặp thất bại. Rất có thể chúng ta coi đó là chuyện thường tình có gì quan trọng đâu; cũng có thể chúng ta coi đó là những biến cố xui xẻo, buồn đau, thất bại nên quên đi thì tốt hơn. Tất cả những biến cố đó, những thử thách đó rất cần được nhìn lại để thấu hiểu thánh ý Thiên Chúa hơn, để trưởng thành trong đức tin và trong đời sống thiêng liêng hơn.

– Thứ tư, có qua đau khổ mới đạt tới niềm vui; có trải qua cuộc khổ nạn, cái chết đau thương mới tới phục sinh vinh quang. Niềm vui tin Chúa và theo Chúa cần phát xuất từ những kinh nghiệm, những cảm nghiệm sâu xa của khổ đau, lo âu, sợ hãi, thậm chí cả thất vọng nữa, mới là niềm vui đích thực và sâu xa. Vì thế, chiêm ngắm những thử thách, những lo âu, sợ hãi của Abraham, của Chúa Giêsu chính là để đạt được niềm vui vững bền, trong sáng và đích thực. Nếu không, chỉ sợ những niềm vui chúng ta đang tìm kiếm là những niềm vui mau qua, tạm bợ, có tính cách nhất thời.

Câu hỏi gợi ý:

  1. Trong cuộc đời của người kitô hữu, đâu là những nỗi sợ của tôi? Tại sao tôi sợ? Nỗi sợ đó có cho thấy đức tin của tôi bị suy yếu và sự nhận biết Thiên Chúa của tôi mờ nhạt không?
  2. Tôi đã hành động thế nào khi sợ hãi? Cố gắng che dấu? Tìm mọi cách để bảo vệ mình dù phải gian dối?
  3. Tôi có được Lời Chúa soi sáng để nhận ra sai lầm khi gian dối tìm cách che đậy, tìm một lối thoát trong hoàn cảnh khó khăn, sợ hãi không? Tôi có được Chúa thương xót và giúp tôi hoán cải không?
  4. Tôi có nhận ra mình đang bù trừ cho đời sống nội tâm trống vắng, đức tin non yếu của tôi bắng những hình thức bên ngoài không? Và đó là những hình thức nào? Và tôi cần phải làm gì để thoát khỏi tình trạng giả tạo này?

[1] Chuyển ý từ “Abraham, notre père dans la foi”, Carlo M. Martini, Éd. Saint Augustin-Saint Maurice, Suisse, 1994.

[2]5 giai thoại lớn: Lời kêu gọi, chương 12; Lời hứa và giao ước, chương 15; Giao ước mới và cắt bì của Abraham lúc 99 tuổi, chương 17; Câu chuyện thành Gômôra và lời cầu nguyện của Abraham, chương 18; Hi tế Isaac, chương 22

[3] Lưu ý: Theo văn hoá, phong tục, … của dân du mục thời đó, anh em trong dòng họ lấy nhau là bình thường. Họ cũng không đặt nặng vấn đề tiết tháo của người vợ như người Á Đông chúng ta.

[4] Có thể có một thái độ khác: sự trống vắng nội tâm, xa rời Chúa, không cầu nguyện khiến chúng ta lơ là với bổn phận phục vụ của linh mục, làm cho có lệ, làm tối thiểu. Đó là chưa nói tói một thái độ khác, thái độ mị dân, dễ dãi trong mọi sự để lấy lòng hầu che đậy đời sống bất xứng với chức linh mục. Còn rất nhiều hình thức bù trừ khác nữa như quyền hành, tiền bạc, v.v.

BÀI BỐN

Abraham sợ hãi

Trên hành trình đức tin, không phải lúc nào Abraham cũng hoàn toàn tin tưởng, phó thác trọn vẹn cho Chúa. Ông cũng trải qua những thử thách làm đức tin mờ tối đi. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu làm thế nào một hiểu biết Thiên Chúa không còn trong sáng, rõ ràng đã làm cho Abraham lâm vào cảnh tối tăm, hàm hồ. Hoàn cảnh của Abraham cũng là hoàn cảnh của chúng ta trên con đường đức tin.

Trong số 15 giai thoại về Abraham, có những giai thoại lớn[2], đáng nhớ; có những giai thoại nhỏ ít được lưu ý. Ở đây, chúng ta suy gẫm về 3 giai thoại nhỏ: 1. Abraham với người Ai Cập (St 12, 10-20); 2. Abraham, và vua Gơra (St 20, 1-18); 2 giai thoại này nói lên cùng một nỗi sợ: Abraham sợ hãi những gì xảy ra quanh ông, và giai thoại thứ 3. Nỗi sợ không có người nối dõi trong vấn đề gia đình giữa Abraham, Sara và Haga (St 16, 1-16).

Lời Chúa: Giai thoại ở Ai Cập

“Một nạn đói xảy ra trong xứ ấy, và ông Áp-ram xuống trú ngụ ở Ai-cập, vì nạn đói hoành hành trong xứ. Vậy khi gần vào Ai-cập, ông nói với vợ là bà Xa-rai: “Bà coi, tôi biết bà là một người phụ nữ có nhan sắc. Khi người Ai-cập thấy bà, họ sẽ nói: “Vợ hắn đấy!”, họ sẽ giết tôi và để cho bà sống. Vậy xin bà cứ nói bà là em tôi, để vì bà, người ta xử tốt với tôi, và nhờ bà, tôi được sống.” Khi ông Áp-ram đến Ai-cập, người Ai-cập thấy vợ ông rất xinh đẹp. Quan lại của Pha-ra-ô thấy bà thì ca tụng bà trước mặt Pha-ra-ô, và bà bị đưa vào đền Pha-ra-ô. Vì bà, người ta xử tốt với ông Áp-ram; ông được chiên, dê, bò, lừa, tôi trai tớ gái, lừa cái, lạc đà. Tại vì bà Xa-rai, vợ ông Áp-ram, ĐỨC CHÚA giáng những tai ương lớn xuống Pha-ra-ô và gia đình vua. Pha-ra-ô bèn cho gọi ông Áp-ram đến và nói: “Ngươi làm gì ta thế? Tại sao ngươi đã không khai với ta rằng: nàng là vợ ngươi? Tại sao ngươi lại nói với ta: ‘Nàng là em tôi’, khiến ta đã lấy nàng làm vợ? Bây giờ, vợ ngươi đấy, hãy nhận lấy và đi đi!” Pha-ra-ô ra lệnh cho người của vua tống ông Áp-ram đi, cùng với vợ ông và tất cả những gì ông có.” (St 12, 10-20)

Abraham yếu đuối

Tuy Abraham được Chúa kêu gọi. Ông đã can đảm rời bỏ quê hương, đến miền đất Chúa hứa. Ông cũng đã nghe lời Chúa phán và hứa với ông qua những lần Chúa mặc khải kế tiếp nhau trong đời ông. Tuy nhiên, ông chỉ đón nhận Lời Chúa phần nào thôi. Ông chỉ hiểu Chúa phần nào thôi. Đôi khi những gì Chúa dạy không có sức sống nơi ông, vì thế ông sợ hãi.

Sự mỏng dòn tiềm ẩn đi liền với sự mơ hồ, không rõ, thường khó nhận ra hơn là những yếu đuối đưa đến tội nặng như giết người, trộm cướp. Vì thế, điều quan trọng là xin ơn nhận biết những gì bất ổn trong các hoạt động của chúng ta; những gì làm chúng ta bất an do thuận theo những sức ép, những thoả hiệp, những giả tạo bên ngoài, theo thói thế gian. Tất cả những bất an đó do cuộc sống chúng ta không hoàn toàn đặt dưới ánh sáng Lời Chúa soi dẫn, không đặt trọn niềm tin vào Chúa, không hoàn toàn dấn thân theo lời hứa khi chịu chức linh mục.

Nô lệ cho sự mơ hồ, không rõ

Để suy gẫm về nỗi sợ của Abraham, chúng ta nhờ lời Chúa trong thư Do Thái soi dẫn: “Như thế, vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giêsu đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Dt 2,14-15).

Chúng ta là nô lệ của sự mơ hồ, là nạn nhân của những quyền lực thế gian, của môi trường, dư luận, của những gì người khác mong chờ nơi ta, của tất cả những gì chúng ta sợ bị chê cười, bị chối bỏ, không được tôn trọng, không được đánh giá cao; sợ bị khinh miệt, sợ bị chia cắt, sợ bị thua thiệt, sợ bị mất mặt, bị cho ra rìa, bị cho là lỗi thời.

Theo thánh Phaolô, tất cả những nỗi sợ đó đều bắt nguồn từ nỗi sợ tiềm ẩn, nền tảng là sợ chết; vì sợ chết và muốn giành giật lấy sự sống, nên con người luôn lo âu, xao xuyến trong cuộc đấu tranh hàng ngày. Sợ chết là nguồn gốc mọi xung đột nơi con người vì họ cố gắng thắng nó, chống lại nó. Họ không muốn bị cho ra rìa, nên tranh đấu, thống trị người khác. Họ không muốn bị bất cứ cái gì làm cho họ bất ngờ, làm cho đời sống họ mất yên ổn. Sợ chết còn là nguồn cội mọi thái độ theo thế gian: tham lam, ham muốn chiếm hữu, mua sắm, muốn có tất cả và có ngay lập tức … Thái độ tiêu thụ tối đa đó đem lại cho chúng ta ảo tưởng mình làm chủ cái chết, nắm nó trong tay. Nỗi sợ dưới mọi hình thức như thế được diễn tả trong thư gởi các tín hữu Do Thái. Đó cũng là nỗi sợ của Abraham.

  1. Abraham sợ hãi những gì xảy ra quanh ông.

Câu chuyện xảy ra ở Ai Cập và ở Gơra giống nhau: Abraham che dấu không cho ai biết Sara là vợ ông, mà nói là em gái. Khi Kinh thánh nói đến cùng một sự kiện tới ba lần, thì phải có một tầm quan trọng nào đó, dù là sự kiện hình như chẳng có ý nghĩa gì. Ơn kêu gọi của thánh Phaolô cũng được nhắc tới ba lần trong Kinh thánh. Đức Giêsu cũng ba lần báo trước cuộc khổ nạn và cái chết. Có người giải thích hai giai thoại đó muốn nói đến sự đặc biệt của giòng giống được Thiên Chúa chọn: phụ nữ luôn xinh đẹp dù lớn tuổi, và luôn được người ngoại quốc ước muốn. Có người nói đó là một nét đặc biệt nơi dân du mục, không quyền lực, nên dùng thủ đoạn khéo léo để tránh hoàn cảnh tệ hại xảy ra. Thực ra, cách giải thích đúng nhất dường như câu chuyện trên mang một ý nghĩa luân lý. Giai thoại ở chương 12 tỏ lộ cho thấy Abraham chưa hoàn toàn hiểu hết ý nghĩa Lời Chúa hứa mà ông vừa đón nhận. Ông vẫn bị những nỗi sợ xa xưa ám ảnh, vẫn bị thế giới cũ chế ngự, một thế giới muốn tự cứu lấy mình, muốn tự mình xoay chuyển tình thế.

Giờ đây, chúng ta cùng phân tích bối cảnh và diễn tiến của bản văn Kinh thánh.

Abraham sợ hãi điều gì và mưu mô gian dối ra sao?

+ Giai thoại 1: ở Ai Cập (St 10, 10-20)

– Bối cảnh thế nào? Ngay trước đó, ở St 12,3, là lời hứa tuyệt vời về mọi sự: “Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ta sẽ lên án những ai nguyền rủa ngươi”. Abraham nghĩ có thể được yên ổn vì Thiên Chúa bênh vực ông. Ông vâng lệnh Chúa, lên đường với một viễn cảnh tương lai sán lạn, huy hoàng. Ông tin tưởng dựng một bàn thờ cầu khẩn và tế lễ Chúa. Mọi việc đều hoàn hảo. Nhưng rồi ngay sau đó, Abraham ở Ai Cập, một mình đơn độc, đối diện với những khó khăn, những vấn đề, nên ông tự tìm cách xoay xở. Đó là bối cảnh.

– Diễn tiến ra sao? Yếu tố thứ nhất: nạn đói kém, nguyên nhân bắt buộc Abraham sang Ai Cập. Đây cũng là nguyên nhân gia đình Giacóp sang Ai Cập thời ông Giuse. Đó là một trong những nguyên nhân thường xuyên của những cuộc di cư từ Palestine sang Ai Cập.

Yếu tố thứ hai (câu 11-13): sự sợ hãi. Abraham nói với Sara: “Khi người Ai Cập thấy em, họ sẽ nói: ‘đó là vợ hắn’ và họ sẽ giết anh”. Sợ chết nên ông nghĩ ra một mánh: “Anh xin em, em hãy nói em là em gái của anh, nhờ vậy, họ sẽ đối xử tốt với anh nhờ em, và họ để anh sống vì em”. Không những ông nghĩ mình được sống mà còn được lợi lộc vật chất nữa. Cũng cùng một nỗi sợ và cùng một mưu mô ở chương 20, 1-18. Abraham nói: “Tôi tự nhủ, chắc chắn ở đây không có ai kính sợ Thiên Chúa, người ta sẽ giết mình vì vợ mình”. Ở đây, nguyên do là tôn giáo, người ta sẽ giết ông vì họ không kính sợ Thiên Chúa. Phải tìm cách tự vệ thôi. Hơn nữa, ông còn không muốn bị mất mặt: “Mà đúng vậy, bà ấy thực sự là em mình, con của cha mình, nhưng không cùng một mẹ với mình, và bà ấy là vợ của mình”. Abraham tự biện hộ và cho rằng mình nói đúng sự thực: bà Sara là em gái của ông[3].

Yếu tố thứ ba: kết quả là gì? Sara được đưa vào đền Pharaô; còn Abraham thì được cơ man nào là bò chiên, lừa, lạc đà, nô lệ. Mưu mô của ông đã thành công. Chính Pharaô lại bị phạt dù vua không dính dáng gì tới mưu mô đó. Giai thoại kết thúc thế nào? Pharaô cho gọi Abraham và nói với ông: “Ngươi làm gì ta thế? Tại sao ngươi đã không khai với ta rằng: nàng là vợ ngươi? Tại sao ngươi lại nói với ta: ‘Nàng là em tôi’, khiến ta đã lấy nàng làm vợ? Bây giờ, vợ ngươi đấy, hãy nhận lấy và đi đi!” Pha-ra-ô ra lệnh cho người của vua tống ông Áp-ram đi, cùng với vợ ông và tất cả những gì ông có”. Pharaô đóng vai một người thành thật: tại sao anh lại hành động như vậy? Tại sao anh lại sợ hãi? Tại sao anh lại khiếp sợ, lo âu đến thế?

+ Giai thoại 2: ở Gơra (St 20, 1-18)

– Bối cảnh thế nào? Abraham và Sara đến trú ngụ ở Gơra. Ông sợ bị hại nên nói Sara là em gái. Abimelek, vua Gơra, sai người đến bắt Sara về làm vợ. Nhưng đêm hôm ấy, Thiên Chúa cảnh báo vua sẽ chết vì Sara là người đàn bà có chồng.

– Diễn tiến ra sao? Abimelek vua Gơra, chỗi dậy vào lúc sáng sớm sau khi đã nói chuyện với Thiên Chúa suốt đêm nhờ đó biết rõ mọi chuyện. Vua nói với Abraham: “Ông đã làm gì chúng tôi thế? Tôi mắc tội gì đối với ông, mà ông lại làm cho tôi và nước tôi phải vương vào một tội lớn như thế? Ông đã làm cho tôi những điều không nên làm!” Đây là một đánh giá tiêu cực về hành động của Abraham. Ông đã nói dối và vì đó phát sinh một tình thế sai lầm, gây cho người khác làm một điều họ không nên làm. Giai thoại có tính cách luân lý rõ ràng.

Bản năng sinh tồn mạnh mẽ

Abraham sợ gì? Ông làm gì? Bản văn cho biết rõ ràng: Abraham sợ người ta làm hại mình, vì ông bé nhỏ, không quyền lực, không bạn bè, sống xa quê hương, không có gì để tự vệ giữa một thế giới thù nghịch. Do đó, ông lo âu, sợ hãi là điều dễ hiểu. Ai sẽ bảo vệ ông đây? Abraham sợ chết, sợ lời Chúa hứa sẽ không được thực hiện. Phải tự bảo vệ lấy mình thôi. Đó là bản năng sinh tồn, tự bảo vệ mình. Mà để tự vệ, thì ông làm tất cả những gì có thể làm. Ông chọn lựa cách thế cho là tốt nhất vào lúc đó. Ông không còn cách nào khác. Ông đang tiến vào một thế giới tối tăm, mờ ám. Ông không tìm thấy lối thoát. Giữ được vợ thì mất mạng; mất vợ thì lâm vào cảnh tối tăm vì niềm tin vào Thiên Chúa mờ mịt. Bị bao vây, chèn ép mọi phía, ông tìm thấy lối thoát dễ nhất, và nhờ đó ông được lợi, nhưng lại nhắm mắt về phương diện luân lý, vì ông không biết làm cách nào khác.

Giavê thương xót con người khốn khổ đó

Giavê làm gì? Ngài bênh vực Abraham và phạt Pharaô. Ngài biết ông yếu đuối, sợ hãi, lo âu, nên không quở trách ông. Ngài phạt những người quyền thế để giải thoát cho Abraham, để ông lấy lại sự can đảm. Một bên, chúng ta thấy hành động gian dối do đức tin bị mờ tối của Abraham, bên kia là lòng khoan dung của Giavê. Ngài nhắm mắt không nhìn đến sự dối trá của ông. Ngài có những cách khác để chữa lành sự yếu đuối của Abraham hơn là trừng phạt nặng nề.

Bài học nào cho chúng ta? Con người chúng ta luôn sợ hãi tất cả những gì hạ thấp mình, làm mất địa vị chức tước, quyền lợi của mình, tổn hại đến sự sống, của cải, danh dự, an toàn của bản thân. Chúng ta lo sợ tất cả những gì có thể làm chúng ta gặp rắc rối, khó khăn. Do đó, chúng ta tìm mọi cách né tránh. Khi gặp những căng thẳng, những chống đối không ngừng gia tăng, bản năng sinh tồn tự nhiên thúc đẩy chúng ta tìm mọi cách để thoát ra, và thường là rơi vào sự giả dối: tôi chẳng giết chóc ai; tôi không làm hại đến ai, tôi không bất lương; tôi chỉ tìm một lối thoát thôi.

Phản ứng của con người và phản ứng của Thiên Chúa

Sự tăm tối của hoàn cảnh sống, sự lo âu, sợ bị hạ thấp giá trị, bị khinh miệt, bị tước đoạt, có thể liên quan đến biết bao nhiêu điều. Không chỉ liên quan đến của cải vật chất, sự giầu có; mà còn liên quan đến danh dự, địa vị của ta. Tôi phải giữ danh dự của một linh mục, một tu sĩ, nên tôi phải cấm đoán điều này điều nọ, dùng những cách thế, phương tiện tôi có. Chúng ta lo âu, sợ hãi và nói như viên quản lý bất lương trong Luca 16: tôi phải làm gì đây? Làm sao tôi thoát khỏi tình thế khó khăn này? Và rồi, hắn tìm ra những mưu mẹo khéo léo.

Còn Thiên Chúa, Ngài làm gì? Cũng giống như đối với Abraham, Thiên Chúa vô cùng cảm thương trước những dối trá và yếu đuối mà chúng ta làm theo bản năng. Chúng ta không muốn bị vấp ngã, nhưng hầu như thường vấp ngã. Những sức ép bên ngoài quá nặng, quá mạnh; ước muốn không phải chết, không bị khinh miệt, không bị hạ thấp, không làm người khác thất vọng quá lớn đển nỗi sự dối trá nặng nề lẻn vào cuộc sống. (Ví dụ: chúng ta gian dối khi không dám nhìn nhận sự thực về con người mình. Cũng có thể không phải vì chúng ta không dám, mà đúng ra, không còn nhận ra con người thực của mình, vì đã quá quen đeo một thứ mặt nạ vô hình của một con người hoàn hảo, đạo đức, không chỉ đeo mà còn hành xử như thật, đến nỗi chúng ta luôn coi mình là hoàn toàn đúng, hoàn toàn trong sạch, hoàn toàn tốt. Trong những trường hợp này, chỉ có Chúa mới có sức mạnh biến đổi chúng ta mà thôi.)

Một câu hỏi cuối cùng được đặt ra: Abraham có thể có một hiểu biết đích thực về Thiên Chúa trong hoàn cảnh khó khăn đó không?  Chắc chắn là không. Sự dối trá, sợ hãi, khiếp đảm luôn cản trở con người hiểu biết Thiên Chúa trọn vẹn vì Thiên Chúa chỉ mặc khải cho những ai tuyệt đối tin tưởng Ngài, gắn bó hoàn toàn với Ngài, từ bỏ mọi sợ hãi và âu lo. Abraham đã dừng bước, không tiến triển trên con đường nhận biết Thiên Chúa, trên con đường đức tin.

Rất có thể chúng ta cũng lâm vào hoàn cảnh như Abraham, khi những thử thách, những khiếp sợ, những gian dối làm mờ tối đức tin và sự hiểu biết Thiên Chúa, dù từ trước tới nay, chúng ta đã được biến đổi nhờ đức tin như thánh Phaolô nói trong thư gởi tín hữu Cô-lô-sê: “Nhưng giờ đây anh em đã được hoà giải với Người … Anh em chỉ cần giữ vững đức tin … đừng nao núng mà lìa bỏ niềm hi vọng Phúc Âm anh em đã nhận khi nghe loan báo Tin Mừng.” (Cô-lô-sê 1, 22). Bản văn muốn nói gì? Bản văn có ý nói rằng nếu Tin Mừng không ở trong chúng ta với tất cả sự trong sáng, chúng ta sẽ lại rơi vào hoàn cảnh tăm tối đưa đến tha hoá tôn giáoNhững khoảng tối trong hiểu biết Thiên Chúa luôn là một đe doạ. Mỗi khi chúng ta xa rời trung tâm, xa rời ngọn lửa toả sáng của ánh sáng Tin mừng, chúng ta lại rơi vào một thứ tôn giáo nệ luật, biệt phái, trọng hình thức, và tìm sự chính thống tôn giáo dựa trên những truyền thống và thái độ bên ngoài. Rất thường đó là tình trạng của chúng ta trong hoạt động mục vụ tại các giáo xứ! Dường như đó là luật bù trừ: trống vắng nội tâm, xa rời Chúa và ánh sáng Lời Chúa, chúng ta sẽ tìm cách bù lại bằng những hình thức bên ngoài như tổ chức hoành tráng, trật tự lớp lang, kỷ luật ngặt nghèo, gắt gao; giờ giấc chặt chẽ, cứng ngắc; v.v. và rồi chúng ta an tâm vì giáo xứ rất ổn định, có tổ chức, có kỷ luật, ai nấy răm rắp tuân theo. Nhưng nếu xét kỹ, lại thấy thiếu vắng lòng thương xót, sự quan tâm, đồng cảm, tinh thần phục vụ trong khiêm tốn, quên mình.

Từ kinh nghiệm về tình trạng tối tăm đó, chúng ta hiểu rằng mọi thái độ tôn giáo, kể cả kitô giáo, tự mình, đều chịu một lực trì trệ, một nguội lạnh nhiệt tâm, lôi kéo chúng ta đến sự thờ phượng nệ luật, hình thức và kết cục, một lúc nào đó, che phủ sự hiểu biết chân thực về Thiên Chúa, mà chỉ còn giữ danh xưng, lễ nghi, sự thờ phượng trống rỗng[4]. Chúng ta nên suy tư về chính thực trạng này hơn là để ý tới khía cạnh luân lý của nó là có tội hay không. Tự bản chất, đó là một tình trạng hết sức tiêu cực, dễ làm đức tin của chúng ta lu mờ, thui chột thậm chí chết đi. Đây cũng là tình trạng thực tế cho chúng ta thấy hiểu biết Thiên Chúa là điều không dễ dàng, rất dễ sai lạc và mờ tối. Đó cũng là hành trình tìm kiếm Thiên Chúa đầy thử thách, chông gai Abraham đã trải qua và chắc chán chúng ta cũng đã hoặc sẽ trải qua.

  1. Abraham sợ hãi ngay trong gia đình ông.

+ Giai thoại 3: sợ không có con nối dõi (St 16, 1-16)

Bây giờ, chúng ta tìm hiểu giai thoại thứ ba: nỗi sợ của Abraham ngay trong gia đình ông, những mánh lới, mưu mẹo của ông. Chúng ta xem bối cảnh và diễn tiến của câu chuyện này ở chương 16 với việc Ismael được sinh ra.

– Bối cảnh thế nào?  Giống chương 12 vừa nói trên, ở đây chúng ta cũng gặp hai ý nghĩa tương phản: một sáng, một tối, vì chương 15 ngay trước chương 16, cho biết Giavê long trọng thề hứa và thiết lập giao ước với Abraham: “Và đây có lời ĐỨC CHÚA phán với ông rằng: “Kẻ đó (Êliede người Damas) sẽ không thừa kế ngươi, nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi.” Rồi Người đưa ông ra ngoài và phán: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không.” Người lại phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!” Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính” (St 15,3-6). Abraham hoàn toàn phó thác tin tưởng vào Thiên Chúa của lời hứa.

Nhưng chương 16 cho ta biết Xarai vợ Abraham không có con. “Bà Xa-rai, vợ ông Áp-ram, đã không sinh được cho ông một người con nào. Bà có một người nữ tỳ Ai-cập, tên là Ha-ga. Bà Xa-rai nói với ông Áp-ram: “Ông coi: ĐỨC CHÚA đã không cho phép tôi sinh con. Vậy xin ông đi lại với nữ tỳ của tôi; may ra nhờ nó mà tôi sẽ có con.” Ông Áp-ram nghe lời bà Xa-rai” (St 16,1-2). Lạ lùng thay! Abraham nghe lời Chúa ở chương 15, và ở chương 16, ông lại nghe lời vợ ông là bà Xarai. Đúng là sự sợ hãi, sự yếu đuối của “cha chúng ta trong đức tin”. Ông chẳng những nhận được lời Chúa hứa ở chương 12, chương 13, mà còn đón nhận giao ước long trọng ở chương 15 nữa. Thế mà, lập tức sau đó, ông sợ không có con nối giòng.

– Diễn tiến ra sao? Trước hết là sự sợ hãi của Xarai: “Ông coi: ĐỨC CHÚA đã không cho phép tôi sinh con. Vậy xin ông đi lại với nữ tỳ của tôi; may ra nhờ nó mà tôi sẽ có con.” Kế đó sự sợ hãi của Xarai lan sang Abraham, nên ông ăn ở với Haga. Cuối cùng, ta thấy, Abraham cũng khinh khi người nữ tỳ. Ông trao cô ta cho vợ là Xarai vì bà than phiền người nữ tỳ Ai Cập đã khinh dể bà khi có thai: “Ông Áp-ram nói với bà Xa-rai: “Nữ tỳ của bà ở trong tay bà đấy; đối với nó, cái gì tốt cho bà thì bà cứ làm!” (St 16,6). Abraham người thừa hưởng lời hứa đã bị sự sợ hãi chi phối. Sự nhận biết Thiên Chúa nơi ông mờ nhạt đi, như bị xoá nhoà. Ông không đạt đến mức độ sống tin tưởng, phó thác trọn vẹn. Ông không thể sống theo một Thiên Chúa của lời hứa, mà chưa phải là Thiên Chúa của thực tại. (*ghi chú: phải có thực mới tin. Thiên Chúa của lời hứa là Thiên Chúa của đức tin. Đức tin là tin vào lời hứa của Thiên Chúa, chứ chưa xảy ra thực sự, chưa là một thực tại mà chúng ta đã trải nghiệm sâu xa.)

Chúng ta thì sao? Cội rễ của những hỗn độn, mất trật tự trong đời sống chúng ta là gì?

Chúng ta thấy Abraham là một người vừa tự do vừa bị giam hãm. Từ tình trạng của ông, chúng ta có thể suy nghĩ và khám phá về bản thân, về sự bất ổn, không có trật tự trong đời sống chúng ta, nghĩa là những gì không được sắp xếp cách trật tự, những gì không đi theo đường nó phải đi. Cội rễ của sự bất ổn, mất trật tự đó nằm trong những gì ràng buộc chúng ta. Đây không nhất định phải là những lầm lỗi trầm trọng, thiếu đạo đức, nhưng đúng hơn là lựa chọn không đúng, những cách sống không xứng đáng, những quan hệ đáng ngờ hoặc vô tình hoặc hữu ý nhiều hay ít; nhờ ánh sáng Lời Chúa, chúng ta nhận ra chúng. Giống như Abraham, chúng ta hãy tự hỏi: tôi phải làm gì đây? Tôi có đồng tình với cách hành xử của Abraham không? Có hành động như ông không? Có cầu nguyện không? Có trốn chạy không? Có dám đối đầu với cái chết không? Có can đảm không?

Đó là những âm vang vọng lên trong ta khi suy nghĩ về giai thoại của Abraham. Nó giúp chúng ta khám phá những gì trói buộc mình, những tình thế tối tăm vẫn còn nằm ẩn chờ đó, và dù không gây trở ngại, vẫn để chúng ta tự do, nhưng chúng luôn tiềm ẩn nguy cơ làm chúng ta bị mờ tối trong cách sống và hành động mà không biết. Chúng ta hãy suy xét về điều đó. Abraham đã không thể cắt đứt những ràng buộc tiềm ẩn, và không thể giải thoát mình khỏi tình thế tối tăm, mờ ám. Chúng ta cũng vậy, không hơn gì Abraham đâu. Nhưng có một điều chúng ta phải tin tưởng chắc chắn, đó là Thiên Chúa không quở trách hay trừng phạt chúng ta, ngài không chấp nhất sự yếu đuối của chúng ta; nhưng Ngài đòi hỏi chúng ta nhận biết sự yếu đuối đó, để chúng ta có thể phó thác vào sức mạnh của Lời Chúa, và cầu xin với Ngài: “Lạy Chúa, Chúa đã muốn Abraham làm gì? Chúa muốn chúng con làm gì?”

Hai ví dụ khác về sự hai mặt, sự chia rẽ nội tâm như Abraham

Xin gợi ý về hai bản văn Tân Ước có thể giúp chúng ta đào sâu đề tài suy gẫm. Bản văn thứ nhất là Mc 10, 17-22: chàng thanh niên giầu có. Anh có những hoài bão ước vọng lớn lao, nhưng anh cũng bị giam hãm, bị chia rẽ như Abraham. “Lạy Thầy, con phải làm gì, con muốn hiểu và sống theo lời Ngài đến cùng; nhưng con không thể”. Không thể bởi vì anh không thể thoát khỏi lối sống đã thành thói quen, không thể vượt ra khỏi địa vị và hoàn cảnh xã hội anh đang có. Anh rất thiện chí. Anh nghe lời Chúa, anh quì sụp dưới chân Chúa trước mặt mọi người, anh lớn tiếng nói lên niềm tin của anh, nhưng lập tức sau đó, anh nói: con không thể làm được. Giai thoại này giúp ta thấy rõ hơn sự chia rẽ nội tâm nơi Abraham và nơi chúng ta.

Bản văn thứ hai là Lc 19, 11-27: dụ ngôn những nén bạc. Điều chúng ta quan tâm đó là người đã đem nén bạc đi chôn dấu. Tại sao anh ta làm như vậy? Bởi vì anh ta sợ ông chủ. Vì không tìm biết Thiên Chúa đến nơi đến chốn, nên anh sợ hãi Ngài, không làm điều Ngài muốn là làm cho nén bạc sinh lợi khi đem nó đi chôn. Anh có cái nhìn hoàn toàn tiêu cực về Thiên Chúa là chủ của anh. Ở đây, chúng ta thấy người sợ hãi cũng có một nhận biết nào đó về Thiên Chúa, nhưng là một Thiên Chúa không rõ ràng. Người đó bị giam hãm trong sự sợ hãi Thiên Chúa như nô lệ sợ chủ. Lời Chúa không gây được tác động nào nơi người đó và không sinh hoa kết quả. Sự sợ hãi, không hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa làm Lời Chúa đóng băng nơi chúng ta.

Chúng ta có thể đọc và cầu nguyện với thánh vịnh 31, một thánh vịnh nói lên sự tin tưởng hoàn toàn vào Chúa giữa muôn vàn khó khăn, thử thách, đau khổ.

* Lưu ý cần thiết:

Khi suy niệm về các thử thách của Abraham, của Chúa Giêsu, có lẽ một số trong chúng ta tự hỏi, có cần thiết lúc nào cũng nghĩ tới những thử thách, những cám dỗ có vẻ bi quan, ảm đạm không? Tin Chúa, theo Chúa không phải là một niềm vui sao?

Trả lời:

– Thứ nhất, chúng ta tin vào Đức Giêsu Kitô và muốn kết hợp mật thiết với Ngài. Muốn được như vậy, chúng ta cần suy niệm những lời Ngài dạy, chiêm ngắm cuộc đời Ngài. Mọi giây phút, mọi hoạt động trong cuộc đời Chúa đều có giá trị cứu độ, nhưng biến cố khổ nạn và phục sinh là đình cao của công trình cứu độ đó. Vì thế, để tin Chúa, yêu mến Chúa và nên đồng hình đồng dạng với Chúa, không thể làm gì khác hơn là chiêm ngắm cuộc đời Ngài, nhất là chiêm ngắm cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài; cùng trải qua những lo âu, sợ hãi, đau đớn, cái chết tủi nhục cũng như phục sinh của Ngài.

– Thứ hai, nhờ chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu, nhất là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài, chúng ta cùng đồng hành, đồng cảm, và chia sẻ sâu xa với tất cả những ai đang lâm cảnh lo âu, sợ hãi, thất vọng, nhất là về đức tin; có nguy cơ đánh mất đức tin trong những thử thách nặng nề, nghiệt ngã. Những người như thế không phải là ít, lúc nào cũng có, ngay cả giờ phút này.

– Thứ ba, chính chúng ta cũng trải qua những thử thách, những lo âu, sợ hãi, buồn phiền, không nhiều thỉ ít, và có những lần chúng ta vượt qua được, nhưng cũng có khi gặp thất bại. Rất có thể chúng ta coi đó là chuyện thường tình có gì quan trọng đâu; cũng có thể chúng ta coi đó là những biến cố xui xẻo, buồn đau, thất bại nên quên đi thì tốt hơn. Tất cả những biến cố đó, những thử thách đó rất cần được nhìn lại để thấu hiểu thánh ý Thiên Chúa hơn, để trưởng thành trong đức tin và trong đời sống thiêng liêng hơn.

– Thứ tư, có qua đau khổ mới đạt tới niềm vui; có trải qua cuộc khổ nạn, cái chết đau thương mới tới phục sinh vinh quang. Niềm vui tin Chúa và theo Chúa cần phát xuất từ những kinh nghiệm, những cảm nghiệm sâu xa của khổ đau, lo âu, sợ hãi, thậm chí cả thất vọng nữa, mới là niềm vui đích thực và sâu xa. Vì thế, chiêm ngắm những thử thách, những lo âu, sợ hãi của Abraham, của Chúa Giêsu chính là để đạt được niềm vui vững bền, trong sáng và đích thực. Nếu không, chỉ sợ những niềm vui chúng ta đang tìm kiếm là những niềm vui mau qua, tạm bợ, có tính cách nhất thời.

Câu hỏi gợi ý:

  1. Trong cuộc đời của người kitô hữu, đâu là những nỗi sợ của tôi? Tại sao tôi sợ? Nỗi sợ đó có cho thấy đức tin của tôi bị suy yếu và sự nhận biết Thiên Chúa của tôi mờ nhạt không?
  2. Tôi đã hành động thế nào khi sợ hãi? Cố gắng che dấu? Tìm mọi cách để bảo vệ mình dù phải gian dối?
  3. Tôi có được Lời Chúa soi sáng để nhận ra sai lầm khi gian dối tìm cách che đậy, tìm một lối thoát trong hoàn cảnh khó khăn, sợ hãi không? Tôi có được Chúa thương xót và giúp tôi hoán cải không?
  4. Tôi có nhận ra mình đang bù trừ cho đời sống nội tâm trống vắng, đức tin non yếu của tôi bắng những hình thức bên ngoài không? Và đó là những hình thức nào? Và tôi cần phải làm gì để thoát khỏi tình trạng giả tạo này?

[1] Chuyển ý từ “Abraham, notre père dans la foi”, Carlo M. Martini, Éd. Saint Augustin-Saint Maurice, Suisse, 1994.

[2]5 giai thoại lớn: Lời kêu gọi, chương 12; Lời hứa và giao ước, chương 15; Giao ước mới và cắt bì của Abraham lúc 99 tuổi, chương 17; Câu chuyện thành Gômôra và lời cầu nguyện của Abraham, chương 18; Hi tế Isaac, chương 22

[3] Lưu ý: Theo văn hoá, phong tục, … của dân du mục thời đó, anh em trong dòng họ lấy nhau là bình thường. Họ cũng không đặt nặng vấn đề tiết tháo của người vợ như người Á Đông chúng ta.

[4] Có thể có một thái độ khác: sự trống vắng nội tâm, xa rời Chúa, không cầu nguyện khiến chúng ta lơ là với bổn phận phục vụ của linh mục, làm cho có lệ, làm tối thiểu. Đó là chưa nói tói một thái độ khác, thái độ mị dân, dễ dãi trong mọi sự để lấy lòng hầu che đậy đời sống bất xứng với chức linh mục. Còn rất nhiều hình thức bù trừ khác nữa như quyền hành, tiền bạc, v.v.

(còn tiếp)