Antiokia, con tim của Kitô giáo Thổ Nhĩ Kỳ bị động đất

print

Antiokia, con tim của Kitô giáo Thổ Nhĩ Kỳ bị động đất

Cổ thành Antiokia, con tim của Kitô giáo Thổ Nhĩ Kỳ, bị thương tổn nặng nề vì động đất.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Thành Antiokia, nơi mà “lần đầu tiên các môn đệ [của Chúa Giêsu] được gọi là Kitô hữu” (Cv 11.26) được thành lập khoảng năm 300 trước Chúa Kitô, và là nơi thánh Phaolô tông đồ rao giảng nhiều lần, từ năm 47 đến 55. Nơi thánh Phêrô và Phaolô giảng ngày nay là một hang đá, theo truyền thống, các tín hữu tụ họp tại đó để cử hành thánh lễ. Về sau, Antiokia trở thành một trong 4 Tòa Thượng phụ đầu tiên, cùng với Constantinople, Alessandria và Roma. Trong thời đế quốc La Mã, thành này phồn thịnh cho đến thế kỷ thứ V và dân số lên tới nửa triệu người.

Ngày nay, Antiokia là thành Antakya ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp giới với Syria và có khoảng 34.000 dân cư, trong đó chỉ có gần 5.000 tín hữu Kitô và khoảng 20.000 người Hồi giáo.

Trong trận động đất dữ dội, sáng ngày 06 tháng Hai vừa qua, khu cổ thành bị tàn phá, nhiều dinh thự bị san bằng. Rất may nhà thờ thánh Phêrô và Phaolô, là một trong số ít dinh thự còn đứng nguyên, vì thấp và vững chắc. Hội đường Do thái gần nhà thờ Công giáo bị sụp đổ hoàn toàn. Cuốn Kinh thánh có từ 2.500 năm bị hỏa hoạn thiêu hủy cùng với 25 thế kỷ lịch sử của họ. Vị phụ trách Hội đường Do thái được đưa tới nhà thương ở một thành phố khác, vì bệnh viện tai Antiokia bị phá hủy vì động đất”.

Thành Antakya hiện nay hầu như bị cô lập, khiến cho các đồ cứu trợ rất khó được đưa tới đây, vì đường xá bị hư hại nặng nề. Một số đồ trợ giúp được mang tới bằng tay. Các ngân hàng cũng bị động đất phá hủy nên dân chúng không thể rút tiền được.

Cô Maria Grazia Zambon, một trinh nữ thánh hiến thuộc giáo phận Milano ở Ý, từ 20 năm nay phục vụ tại Thổ Nhĩ, Kỳ theo diện Fidei Donum, Hồng ân đức tin, nói với hãng tin Asia News rằng: “việc cung cấp lương thực và đồ cứu trợ từ bên ngoài thực là khó khăn. Caritas quốc gia đã tổ chức một vài xe chở nhu yếu phẩm, nhưng thiếu xăng dầu và người ta cố gắng làm cho các máy phát điện hoạt động”.

Cha Francis Dondu, cha sở giáo xứ thánh Phêrô và Phaolô ở Antiokia cho mở cửa nhà thờ để đón tiếp người di tản, các tín hữu Công giáo, Chính thống và Hồi giáo. Tại thành phố này thiếu thốn nhiều sự, thiếu điện, Internet, việc liên lạc bằng điện thoại rất khó khăn. Vấn đề hiện thời là làm sao tiến hành, vì hiện thời dân chúng ở giữa mùa đông giá lạnh, cần phải tìm nơi trú ngụ có sưởi.

Đức cha Paolo Bizzetti, Đại diện Tông tòa miền Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ đang phối hợp các công tác cứu trợ từ Ý, trong khi chờ đợi có thể trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

(Asia News 9-2-2023)