Bài 23: Học Hỏi Về Giáo Hội: Mầu Nhiệm, Hiệp Thông, Sứ Vụ, Để Đối Thoại Với Thế Giới.

Bài 23:

Học Hỏi Về Giáo Hội:

Mầu Nhiệm, Hiệp Thông, Sứ Vụ, Để Đối Thoại Với Thế Giới.

  1. Sau khi chia sẻ với anh em bạn đọc qua bài “Tại sao học hỏi về Giáo Hội như mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ” có bạn đọc vui mừng như đã nắm được câu trả lời, đó là nhằm mục đích để giúp mọi người hiểu biết sâu xa về Giáo Hội ngay tận chính bản chất của Giáo Hội, vì bản chất của Giáo Hội là mầu nhiệm, là hiệp thông, là sứ vụ. Ba chiều hướng hay ba khía cạnh này của bản chất Giáo Hội đan quyện vào nhau thành một tổng hợp hữu cơ, hiểu theo nghĩa là một tổng hợp bao gồm nhiều thành phần có quan hệ chặt chẽ với nhau làm thành một tổng thể không tách rời nhau để tồn tại hoặc hoạt động. Nói cách khác: bản chất của Giáo Hội là mầu nhiệm vì Giáo Hội được hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau, và việc hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau làm nên Giáo Hội mầu nhiệm, đồng thời cũng là khả năng và sức mạnh để Giáo Hội thi hành sứ vụ truyền giáo, mà sứ vụ truyền giáo cho mọi người là nhằm mục đích dẫn đưa họ về hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau trong Giáo Hội. Từ sự hiểu biết tổng hợp và hữu cơ về bản chất sâu xa của Giáo Hội, mà các thành phần trong Giáo Hội: giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ nhận ra được vị trí, phẩm giá, căn tính hay bản chất của mình, nhờ đó mỗi thành phần rút ra hệ luận để sống sao cho đúng với căn tính, phẩm giá của mình là thành phần của Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ. Sống cho đúng phẩm giá, căn tính, hay bản chất của mình đó là sống thánh thiện đạo đức, bằng cách luôn hiệp thông với Chúa Kitô và với nhau qua các bí tích, đồng thời cũng ý thức sứ vụ của mình là truyền giáo cho những người chưa được hiệp thông với Thiên Chúa và với mình. Tuy nhiên, câu trả lời đó vì muốn ngắn gọn và súc tích, nên có độc giả thấy chưa đầy đủ, và chính tôi cũng cảm thấy như vậy. Thực sự, theo Ð?c H?ng y Garrone, ngay lúc đầu Giáo Hội muốn tự tìm hiểu bản chất của mình không những để củng cố nội bộ của mình, mà còn muốn để có thể đối thoại với thế giới nữa (Giáo Hội ad intra và ad extra).

 

  1. Trong bài “Tại sao học hỏi về Giáo Hội …” tôi có trích một câu vắn tắt là: các nghị phụ Cộng Đồng Vatican II đã “đảo ngược viễn tượng có tính cách cơ bản, làm người ta phải nhìn Giáo Hội như một toàn bộ trước khi nhìn Giáo Hội trong chi tiết của các yếu tố cấu thành”. Thực vậy, theo bài Nhập đề của Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, cha J. De Diego S.J. cho biết rằng trước Cộng Đồng, có hai khuynh hướng xuất hiện trong các cuộc thảo luận: khuynh hướng thứ nhất ủng hộ quan niệm về Giáo Hội có bản chất là như một sự hiệp thông với mầu nhiệm đời sống Ba Ngôi, Giáo Hội phải là cộng đoàn thánh thiêng, là hiệp thông và là mầu nhiệm; còn khuynh hướng thứ hai coi Giáo Hội như một thể chế, một xã hội hoàn hảo giữa lòng thế giới, có những bổn phận và quyền lợi riêng … khuynh hướng này bị chỉ trích là đầy vẻ phô trương thanh thế (trình bày Giáo Hội như một thế lực đi từ chiến thắng này tới chiến thắng khác), quá thiên về giáo sĩ (giản lược đời sống Giáo Hội vào hoạt động của giáo phẩm mà gạt giáo dân ra ngoài), có tính pháp lý (quá nhấn mạnh những yếu tố pháp lý, vì dù có cần thiết và chính yếu thật, chúng không phải là những yếu tố duy nhất trong Giáo Hội)[1]. Ngoài hai khuynh hướng trên, đa số các nghị phụ đều muốn Cộng Đồng phải có tầm mức mục vụ, và phải quan tâm hơn đến thế giới, thế giới mà Chúa Kitô đã lãnh nhận sứ vụ phải cứu độ, và Giáo Hội Chúa Kitô phải trở nên dấu chỉ và dụng cụ của ơn cứu độ cho thế giới đó. Và các nghị phụ đã nhận xét thấy thế giới đó hôm nay là một thế giới đang biến đổi khác trước, đang thế tục hoá. Thế tục hoá là biến cái gì đó thành thế tục. Theo từ điển Công giáo, thế tục là những gì thuộc về đời này, ngược với thánh thiêng là những gì thuộc về đời sau. Như vậy thế tục là thuộc về hạ giới, chứ không phải thượng giới, là của con người chứ không phải của Thiên Chúa, là cái được tạo ra chứ không phải tự mình mà có, là nằm trong thời gian chứ không phải là vĩnh cửu, là hữu hình chứ không phải là thiêng liêng, là hợp lý và có thể giải thích được chứ không phải là mầu nhiệm và khôn tả, là tương đối và bởi đó thay đổi theo thời gian, nơi chốn và hoàn cảnh, chứ không phải là tuyệt đối … Chính vì thế mà hai chương đầu của Hiến chế đã dành riêng trình bày về mầu nhiệm Giáo Hội. Giáo Hội là mầu nhiệm vì:

 

  • vừa là xã hội phẩm trật, vừa là nhiệm thể Chúa Kitô,
  • vừa là công hội hữu hình, vừa là cộng đoàn thiêng liêng,
  • vừa là Giáo Hội ở trần gian, vừa được tô điểm bằng hồng ân thiên quốc,
  • vừa bao gồm yếu tố nhân loại vừa bao gồm yếu tố thần linh mà chỉ có thể nhận ra bằng con mắt đức tin[2].

        Giáo Hội phải có bản chất thánh thiêng nghĩa là hiệp thông chặt chẽ với Thiên Chúa và với mọi người, mới có thể đối thoại và hoán cải được thế giới thế tục hoá này. Cho nên khuynh hướng chọn Giáo Hội như mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ đã thắng thế. Theo báo cáo của Đức Hồng y Garrone, Giáo Hội đã lựa chọn từ bỏ sự đối nghịch, đối đầu, hay đối lập với thế giới, để Giáo Hội bắt đầu cuộc đối thoại, trao đổi với thế giới, mà Hiến chế Vui mừng và Hy vọng là “khởi điểm cuộc đối thoại”. Đức Hồng y coi đó “như là linh hồn của Cộng Đồng và đường hướng của Cộng Đồng”. Và trong Nhập đề của Hiến chế Mục vụ các nghị phụ đã đề cập ngay đến thực trạng của thế giới lúc đó là: “số người lìa xa Thiên Chúa trong cách sống ngày càng đông … sự chối từ hoặc tránh né đề cập tới Thiên Chúa hay tôn giáo không còn là hành vi dị thường và có tính cách cá nhân nữa, vì ngày nay biết bao người coi đó như một đòi hỏi của tiến bộ khoa học, hay của nhân bản mới”[3]. Trong số 9 và 10 của Hiến chế Mục vụ còn tóm tắt ý nghĩa đại khái của những hình thức nhân bản chủ nghĩa khác nhau: nhân bản dân chủ mong ước giải thoát con người khỏi mọi trạng thái hỗn độn nhờ giáo dục, kỹ thuật, quyền tự do … không cần đến Thiên Chúa, tôn giáo, và chủ trương tự sức mình con người sẽ đạt tới hạnh phúc … Nhân bản khoa học, một cách tương tự, chủ trương con người tìm được tất cả các câu trả lời nơi khoa học, và không cần biết đến thực tại về tội lỗi và nguồn gốc tội lỗi nơi con người, thực tại về công cuộc cứu chuộc của Đấng Cứu Thế v.v. Nhân bản Mac xít đánh giá lao động như giá trị duy nhất của con người. Nhờ Đảng điều khiển, con người sẽ xây dựng thế giới và xã hội mới, loại trừ mọi bất công. Tôn giáo là một dụng cụ của các chế độ tư bản dĩ nhiên sẽ biến mất[4]… Tuy lưu ý đến khuynh hướng tục hoá trong thế giới, Hiến chế Mục vụ vẫn công nhận “quyền tự chủ đúng mức của các thực tại trần thế, vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra”. Nhưng Hiến chế quả quyết rằng “coi tạo vật không lệ thuộc Thiên Chúa và coi con người có thể sử dụng chúng mà không cần quy hướng về Đấng Tạo hoá là một lập trường hết sức sai lầm”. (xem HCMV số 36). Trước bối cảnh một thế giới thế tục hoá như vậy, các nghị phụ đã kêu gọi đối thoại giữa mọi người, và trước hết là đối thoại ngay trong lòng Giáo Hội, để chủ chăn và các Kitô hữu “quí mến, tôn trọng và hoà thuận với nhau bằng sự chấp nhận mọi dị biệt chính đáng”, để “các phần tử của một Dân Chúa duy nhất … hiệp nhất trong những gì chính yếu, tự do trong những gì nghi ngờ, bác ái trong hết mọi sự”[5]. Sau là đối thoại cởi mở với mọi người, không loại trừ một ai hết, để Giáo Hội, không bị một tham vọng trần thế nào thúc đẩy, mà chỉ nhắm một điều là “tiếp tục công cuộc của chính Chúa Kitô, Đấng đã đến thế gian để làm chứng nhân cho sự thật, để cứu rỗi chứ không trừng phạt, để phục vụ chứ không để được hầu hạ”[6]

  1. Thế rồi, 20 năm sau Cộng Đồng, Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt năm 1985 khi khai triển đề tài “Mầu nhiệm Giáo Hội” thì trước hết cũng nêu lên hiện tượng tục hoá thuyết, và giải thích rằng: “Tục hoá thuyết là một quan niệm chủ trương tự chủ của con người và của thế giới; chiều kích mầu nhiệm không được nói tới, không được đếm xỉa tới hay bị chối bỏ luôn”. Tuy nhiên, các nghị phụ cũng nhận thấy những dấu hiệu có một sự quay trở lại với linh thánh, đói khát cái gì là siêu việt và thần linh. Cho nên các ngài nghĩ rằng Giáo Hội phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc trở lại với linh thánh đó, phải khai thông các đường vào chiều kích thần linh hay mầu nhiệm, và cống hiến cho thời đại này những tiền đề của đức tin, giúp khắc phục được hậu quả tai hại của tục hoá thuyết. Giáo Hội phải lo sao cho Chúa Kitô là Ánh sáng muôn dân được phản chiếu trên chính khuôn mặt mình, làm chứng cho điều mình giảng dạy bằng chính đời sống thánh thiện của mình, phải làm cho mình trở nên dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Cuối cùng các ngài đã có những gợi ý:

        “Ngày hôm nay hơn bao giờ hết, các chủ chiên trong Giáo Hội phải nêu cao chứng tá của sự thánh thiện. Trong các chủng viện và tu viện phải cho các ứng sinh một sự huấn luyện không những về mặt trí tuệ mà còn về mặt thiêng liêng. Một cách nghiêm chỉnh, họ phải được tập sống đời sống thiêng liêng mỗi ngày (cầu nguyện, suy gẫm, đọc sách thiêng liêng, năng lãnh các bí tích hoà giải và Thánh Thể) … Phải khuyến khích và giúp đỡ các tu hội tận hiến để đạt được một cuộc canh tân đích thực … phải khuyến khích linh đạo riêng của giáo dân dựa trên Bí tích Thánh Tẩy, khuyến khích linh đạo của những người sống trong bậc vợ chồng, dựa trên bí tích hôn nhân”[7].

  1. Ba năm sau, Tông huấn Kitô hữu giáo dân (THKTHGD) năm 1988 đã dựa theo mô hình Giáo Hội như mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ, để trình bày về ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong Giáo Hội và thế giới. Ngay trong phần nhập đề, Tông huấn cũng đã đề cập đến khuynh hướng duy thế tục. Theo từ điển Công giáo duy thế tục là một thuyết triết học cho rằng có thể giải thích sự hiện hữu và định mệnh của con người bằng chính những thực tại của thế giới này, không cần qui chiếu về thế giới vĩnh cửu. Về mặt xã hội, thuyết này cổ võ việc thăng tiến nhân loại ngay trong cuộc đời này, đồng thời kết án Kitô giáo là vô tâm trước cảnh nghèo đói và đau khổ của con người, vì Kitô giáo bị cho là chỉ bận tâm tới Thiên Chúa và cuộc sống mai sau. Tông huấn coi đây là “một hiện tượng rất trầm trọng: nó không chỉ tác động tới cá nhân, nhưng một cách nào đó còn tác động tới nhiều cộng đồng”. Tông huấn cho biết rằng hiện nay đang phổ biến một thái độ dửng dưng với tôn giáo, và thuyết vô thần dưới nhiều hình thức rất khác nhau, đặc biệt dưới hình thức có lẽ đang phổ biến nhất hiện nay là khuynh hướng duy thế tục. Say sưa vì những cuộc chinh phục kỳ diệu của một sự phát triển khoa học kỹ thuật … và nhất là bị mê hoặc bởi cám dỗ muốn bằng Thiên Chúa[8], con người tự chặt đứt cội rễ tôn giáo sâu xa nhất của họ … họ nghĩ rằng Thiên Chúa chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc sống của họ[9]. Trước thực trạng của thế giới tục hoá này, Tông huấn muốn Kitô hữu giáo dân ý thức phẩm giá và căn tính cao quý của mình trong Giáo Hội mầu nhiệm. Giáo Hội như mầu nhiệm là do tình yêu và sự sống của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là ân huệ hoàn toàn được tặng không cho tất cả những ai sinh bởi nước và Thánh Thần, họ được kêu gọi sống chính sự hiệp thông với Thiên Chúa, và tỏ bày cũng như thông truyền sự hiệp thông đó trong thế giới. Giáo dân được ở trong Giáo Hội mầu nhiệm, được tham gia chức vụ tư tế qua mọi hoạt động, kinh nguyện, việc tông đồ, đời sống hôn nhân gia đình, công ăn việc làm; được tham gia chức vụ ngôn sứ qua việc đón nhận Tin Mừng, và dùng lời nói việc làm loan báo Tin Mừng, tố giác sự dữ; được tham dự chức vụ vương giả qua việc tiêu diệt tội lỗi và phục vụ Chúa Kitô hiện diện nơi anh em mình, để xây dựng Thân thể Chúa Kitô và thi hành sứ vụ cứu độ thế giới. Cho nên phẩm giá và căn tính của giáo dân cốt tại chỗ họ được Chúa Cha ban cho ơn gọi đầu tiên và căn bản đó là ơn gọi nên thánh, ơn gọi đạt tới đức ái trọn hảo. Đây không phải chỉ là lời khuyên luân lý, nhưng là một đòi hỏi không thể tránh né trong Giáo Hội mầu nhiệm[10]. Ơn gọi nên thánh là một yếu tố cấu tạo nên phẩm giá và căn tính của giáo dân, nó phát sinh từ sự hiệp thông với Giáo Hội và liên hệ mật thiết với sứ vụ truyền giáo trong Giáo Hội và trong thế giới. Nhờ đó giáo dân hiệp thông với Chúa Kitô như cành nho gắn liền với cây nho để sinh hoa trái trong việc tông đồ và truyền giáo. Và việc tông đồ, truyền giáo lại nhằm mục đích đem mọi người về hiệp thông trong Giáo Hội. Tông huấn kết luận rằng: “Hiệp thông và truyền giáo liên kết mật thiết với nhau cả hai thâm nhập và bao hàm nhau đến độ sự hiệp thông vừa là nguồn mạch vừa là kết quả của truyền giáo: hiệp thông để truyền giáo, và truyền giáo để hiệp thông”[11]. Có hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau mới có thể cùng nhau đối thoại, trao đổi với thế giới ngày nay được.

 

  1. Bốn năm sau, vào năm 1992, trước sự thiếu hụt trầm trọng các linh mục, và trước cơn khủng hoảng về ơn gọi linh mục, Tông huấn đã chọn bàn đến việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh ngày nay. Mặc dầu sau Cộng Đồng Vatican II, đã có nhiều hội nghị khoáng đại (vào các năm 1967, 1971,1974) bàn đến việc canh tân các chủng viện, đến giáo thuyết về chức linh mục, nhưng lần này Tông hu?n nghĩ rằng: “phải gợi lại cách tổng hợp những gì có liên hệ đến nền tảng của bản chất và sứ vụ linh mục, bản chất và sứ vụ mà Giáo Hội hằng tin nhận suốt dọc lịch sử nhiều niên kỷ của mình, và Cộng Đồng Vatican II đã trình bày lại cho người thời nay”[12], nghĩa là phải tìm ra căn tính hay bản chất của linh mục dựa vào bản chất của Giáo Hội như mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ. Và trước khi đi vào vấn đề, Tông huấn đã quan tâm ngay đến bối cảnh văn hoá xã hội của thế giới, nơi mà linh mục sinh sống và thi hành chức vụ. Trong bối cảnh đó, có nhiều yếu tố tích cực như ý thức mãnh liệt hơn về nhân phẩm, khao khát công lý và hoà bình … nhưng cũng có nhiều yếu tố tiêu cực như chủ nghĩa duy lý muốn qui tất cả về khoa học; chủ nghĩa chủ quan đóng kín con người trong chủ nghĩa cá nhân, tìm khoái lạc, và trốn trách nhiệm; chủ nghĩa vô thần thực tiễn và hiện sinh, ăn khớp với ý niệm thế tục hoá đời sống và định mệnh con người … người ta không cần chống đối Thiên Chúa nữa, chỉ coi Người không có thôi (xem THĐTLM số 7). Trước bối cảnh đó, Giáo Hội phải tỏ ra và phải được hiểu biết như mầu nhiệm của Thiên Chúa, phải hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và với nhau mới có thể cứu độ thế giới. Và mọi căn tính Kitô hữu, do đó cả căn tính biệt loại của linh mục phải được biểu lộ trong Giáo Hội như mầu nhiệm, hiệp thông và truyền giáo[13]. Hơn nữa, linh mục nhờ được thánh hoá bởi bí tích Truyền chức thánh để có thể “hành động nhân danh và như hiện thân của Chúa Kitô”, để trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Đầu và chủ chăn, điều này làm cho linh mục cũng có thể góp phần đắc lực để cứu độ thế giới. Như vậy phẩm giá và căn tính linh mục đòi hỏi ngài bắt chước và làm sống lại Đức Ái Mục Tử của Chúa Kitô nơi bản thân mình[14]. Chính Đức Ái Mục Tử là nguyên lý nội tại thôi thúc và hướng dẫn đời sống linh mục, mà nội dung cơ bản của Đức Ái đó là hiến mình, là cống hiến tất cả bản thân cho Giáo Hội. Chính Đức Ái Mục Tử là động lực có thể thống nhất các hoạt động đa diện và khác nhau của linh mục như giảng huấn, cử hành bí tích, và phục vụ đức ái[15], cũng như sống những lời khuyên phúc âm: vâng lời (nhận biết yêu và phục vụ Giáo Hội trong cơ cấu giáo phận), sống trinh khiết hay độc thân (một cách tự nguyện vì Nước Trời), sống thanh bần (bằng cuộc sống giản dị, khắc khổ, đặt quyền lợi của Chúa và vương quốc Người lên trên tất cả lợi ích của mình). Cuối cùng Tông huấn trích lời khuyên của Đức Gioan Phaolô II: “Các bạn linh mục phải hiệp thông thân thiết với thần linh Đức Kitô … sự hiệp thông này cũng đòi hỏi phải diễn ra ngoài qua sự sốt sắng cầu nguyện, qua sự thống nhất đời sống, qua Đức Ái Mục Tử trong sứ vụ luôn hướng về phần rỗi anh em. Tắt một lời sự hiệp thông đòi hỏi thánh hoá bản thân”[16]. Có như thế linh mục mới cùng với Giáo Hội đối thoại, trao đổi với phong trào thế tục hoá đang lớn mạnh trong thế giới hôm nay.

 

  1. Cũng bốn năm sau, năm 1996, lại có “Tông huấn Về Đời Thánh hiến và sứ mệnh của đời Thánh hiến trong Giáo Hội và thế giới” (THĐTH). Tông huấn này không đề cập nhiều đến bối cảnh văn hoá xã hội của thế giới thế tục hoá, nhưng ngay từ đầu đã cho biết rằng Chúa Thánh Thần làm cho việc thực thi các lời khuyên Phúc âm rất phong phú đa dạng và làm cho mầu nhiệm Chúa Kitô luôn luôn hiện diện trong Giáo Hội và trong thế giới, trong thời gian cũng như không gian[17]. Do đó mà đời thánh hiến có rất nhiều hình thức khác nhau: có các dòng, các tu hội đời và hiệp hội tông đồ, hoặc chuyên lo chiêm niệm hay hoạt động, có thể đến với mọi hạng người trí thức hay bình dân, già hay trẻ, thuộâc mọi tình trạng xã hội và văn hoá, đặc biệt là những người nghèo khổ, bệnh tật, bị xã hội bỏ rơi … Đời thánh hiến góp phần đắc lực để Giáo Hội có mặt và đem tình yêu Chúa cho họ. Tuy nhiên, Tông huấn cũng muốn giúp Giáo Hội “đào sâu ý nghĩa và những phương hướng tương lai của đời thánh hiến, và thấu hiểu hồng ân vĩ đại của đời thánh hiến, nên Tông huấn đã tham chiếu mô hình về Giáo Hội như mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ, để trình bày đời thánh hiến trong ba chiều kích: thánh hiến, hiệp thông và sứ vụ” (xem THĐTH số 13).

 

       Tông huấn tìm ra ý nghĩa và vị trí của đời thánh hiến trong Giáo Hội như mầu nhiệm. Đời thánh hiến khấn giữ các lời khuyên Phúc âm, đó là gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội, nó như một thành phần cấu tạo không thể thay thế được, làm nên bản tính của Giáo Hội, trong Giáo Hội có nhiều bậc sống khác nhau: giáo dân có tính cách trần thế, giáo sĩ có bổn phận do chức vụ, tu sĩ có sự đồng hoá đặc biệt với Chúa Kitô khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục[18]. Như thế đời thánh hiến chiếm vị trí tuyệt hảo trong sứ mệnh biểu dương sự thánh thiện, vì nó loan báo và tiên báo thời kỳ phải đến là sự sung mãn của Nước Trời đang hiện diện trong mầm mống và trong mầu nhiệm[19].

         

       Đời thánh hiến có phẩm giá là dấu chỉ hiệp thông huynh đệ trong Giáo Hội. Các cộng đồng sống đời thánh hiến, ở giữa những xã hội trần gian mà thường trải qua đủ mọi thứ xung đột vì lợi lộc, họ sẽ trở thành chứng tá loan báo giá trị của tình hiệp thông huynh đệ Kitô giáo[20]; họ sẽ trở thành một sức mạnh thu hút và dẫn đưa tới việc cảm mến và tin nhận Chúa Kitô. Bằng cách này hiệp thông hướng đến truyền giáo, hay nói cách khác hiệp thông làm phát sinh hiệp thông[21].

      

       Đời thánh hiến sống tình hiệp thông huynh đệ với Chúa Kitô và với nhau cốt để biểu hiện tình yêu Thiên Chúa giữa lòng thế giới, bằng việc phục vụ cụ thể và quảng đại, đó là dấu chỉ đặc biệt của đời thánh hiến[22]. Người thánh hiến với tình yêu hiến dâng sẵn sàng đến bất cứ nơi nào để phục vụ nhất là ưu tiên dành cho người nghèo, bất hạnh, và cùng khổ nhất[23]. Họ cũng tham gia đặc biệt vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô để trở thành phát ngôn viên của Thiên Chúa, chống lại sự dữ và tội lỗi, tố giác những gì trái ngược với ý Chúa[24]. Sau cùng Tông huấn khuyên nhủ mọi người rằng đời thánh hiến không phải là một thứ lãng phí nghị lực của con người nhưng là sử dụng cuộc đời theo những tiêu chuẩn có hiệu quả vì một lợi ích lớn lao cho nhân loại và cho Giáo Hội, vì đây là dấu chỉ một cuộc đời hiến dâng để phục vụ cách nhưng không, vượt ra ngoài mọi tính toán vụ lợi (xem THĐTH số 104).

 

Để Kết. Trước trực trạng một thế giới đang muốn thế tục hoá và giải trừ thánh thiêng, loại bỏ những gì là mầu nhiệm, linh thánh, Cộng Đồng Vatican II muốn có cái nhìn toàn bộ và hữu cơ về Giáo Hội, nên đã chọn trình bày Giáo Hội như mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ, cả ba yếu tố này làm nên bản chất của Giáo Hội, cả ba có liên quan hữu cơ với nhau. Hiểu biết Giáo Hội như vậy, để các thành viên trong Giáo Hội: giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ phải rút ra từ bản chất đó phẩm giá và căn tính của mình, đó là hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau trong Chúa Kitô, nhằm mục đích làm cho bộ mặt Giáo Hội được đích thực là ánh sáng Chúa Kitô cho muôn dân, là muối cho đời.

 

       Còn tại Việt Nam, Giáo Hội có đang gặp thực trạng thế tục hoá không? Chắc chắn trên thế gian này không đâu tránh khỏi. Tuy nhiên đây lại là chuyện phức tạp và nhạy cảm, nên chỉ xin nêu mấy câu hỏi để xem xét. Trước 1945 dưới thời Pháp thuộc, phong trào thế tục hoá như thế nào? Sau năm 1945, dưới chánh quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà do Đảng Cộng Sản lãnh đạo, phong trào đó thế nào? Sau năm 1954, ở hai miền Nam Bắc, phong trào đó thế nào? Sau năm 1975, Việt Nam là Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa do đảng Cộng sản lãnh đạo, phong trào đó như thế nào cho đến ngày nay? Chỉ tiếc là Đề cương để học hỏi của Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong chương I trình bày về thực tại Việt Nam, có nói chung đến nhiều thứ thế tục hoá như đạo tại tâm, đạo nào cũng tốt … và chỉ có mấy dòng này: “Giáo Hội tại Việt Nam biết mình đang đối diện với những thách đố lớn lao … lối sống loại trừ Thiên Chúa (chủ nghĩa duy vật và những hệ tư tưởng vô thần)” (xem Chương I số 3). Và Giáo Hội đã làm gì trước “thách đố lớn lao kia” không nói đến? May thay Tài liệu của Ban tổ chức Năm thánh có trích được 2 trang, nói chung về thế tục hoá và vô thần ở trên thế giới, trong Hiến chế Gaudium et Spes (GS), nhưng lại ghi lầm là LG[25]. Còn một Tài liệu nữa về Năm thánh của Uỷ ban Giáo lý Đức tin thì không nói đến thực trạng vô thần tại Việt Nam một tí nào. Mong sao Năm thánh 2010, Giáo Hội Việt Nam học hỏi kinh nghiệm của Giáo Hội toàn cầu, để hiểu biết sâu sắc hơn bản chất của Giáo Hội, để giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ nhận ra phẩm giá và căn tính đích thực của mình trong Giáo Hội là mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ, và để nhờ đó mọi người trong Giáo Hội đồng tâm nhất trí với nhau thực hiện đường hướng của Cộng Đồng là đối thoại, trao đổi với nhau và với thế giới ngày nay, bằng cách

      

          đem yêu thương vào nơi oán thù,

          đem thứ tha vào nơi lăng nhục,

          đem an hoà vào nơi tranh chấp,

          đem sự thật vào chốn sai lầm …

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Giáo phận Cần Thơ

[1] (xem Thánh Cộng Đồng chung Vaticanô II, Giáo hoàng học viện Piô X trang 151-152).

[2] (xem Toát yếu giáo lý công giáo câu 151).

[3] (Hiến chế Mục vụ, (HCMV) số 7).

[4] (xem Thánh Cộng Đồng chung Vatican II, Giáo hoàng học viện Piô X, chú thích 11, trang 852).

[5] (xem HCMV số 92).

[6] (xem HCMV số 3).

 

[7]  (xem phần báo cáo của Đức Hồng y Danneels).

 

[8] (xem St. 3,5)

[9] (xem THKTHGD số 4)

[10] (xem THKTHGD số 14,16)

[11] (xem THKTHGD số 32).

[12] (xem Tông huấn Đào tạo linh mục (THĐTLM) số 11)

[13] (xem THĐTLM số 12)

[14] (xem THĐTLM số 22)

[15] (xem THĐTLM số 23)

[16] (xem THĐTLM số 33)

[17] (xem THĐTH số 5)

[18] (xem THĐTH số 31)

[19] (xem THĐTH số 32)

[20] (xem THĐTH số 51)

[21] (xem THĐTH số 46)

[22] (xem THĐTH số 75)

[23] (xem THĐTH số 82)

[24] (xem THĐTH số 84)

[25] (xem Tài liệu trang 69-70)

 

 

print