Bài 26: Góp Ý Để Việc Tìm Hiểu Tông Huấn Verbum Domini

Bài 26:

GÓP Ý ĐỂ VIỆC TÌM HIỂU TÔNG HUẤN VERBUM DOMINI

 

I. NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY

Dịp tĩnh tâm hằng năm của linh mục Cần Thơ, tôi không thể tham dự vì bệnh tật, Đức Cha Phêrô Khảm giảng phòng có ghé thăm tôi và đem cho tôi báo Hiệp Thông, bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong đó một nửa số bài trình bày về Tông Huấn Verbum Domini (viết tắt là VD). Tôi đã dành tuần đó để đọc những gì báo Hiệp Thông nói về VD, lúc đó tôi chưa có bản văn của VD. Mấy tháng sau tôi mới nhận bản văn Tông Huấn VD cùng với tập Tìm hiểu Tông Huấn VD của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI về Lời Thiên Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội do giáo phận soạn. Tôi rất vui mừng được hướng dẫn tìm hiểu học về Lời Chúa, vì đây là một trong hai nguồn lương thực chính cho đời sống tâm linh của Kitô hữu : Thánh Thể và Lời Chúa. Tôi đọc tập Tìm hiểu tới phần nói về mục đích của Tông Huấn thì thấý trích nguyên văn của VD rằng :” Thượng Hội Đồng muốn đào sâu hơn nữa chủ đề Lời Thiên Chúa, để vừa thẩm định việc thực hiện các chỉ dẫn của Công đồng, vừa đương đầu với những thách đố mới trong thời đại hôm nay đang đặt ra cho tín hữu Kitô giáo” (VD số 3). Mục đích cũng như đề tài thật là hấp dẫn, làm nổi lên cho tôi mấy câu hỏi :

– Đào sâu chủ đề Lời Thiên Chúa trong phạm vi nào ?

– Thẩm định việc thực hiện các chỉ dẫn ra sao ?

– Đương đầu những thách đố nào và đương đầu thế nào ?

Thế nhưng , khi tìm đọc trong tập Tìm hiểu thì chỉ thấy trích lại nguyên văn từ VD, khiến cho tôi cảm thấy :

 

“Tôi bước đi,

không thấy phố,

không thấy nhà.

Chỉ thấy mưa sa

trên màu cờ đỏ”

                              (Thơ của Trần Dần).

May thay có Cha Micae Nha là trưởng nhóm bồi dưỡng tháng 7, vẫn ăn cơm hằng ngày trong nhà hưu, tôi bèn xin cha cho biết đã nghe nói Tông Huấn VD thẩm định việc thi hành Hiến Chế Dei Verbum (viết tắt DV) thế nào, và đã nêu ra những thách đố nào, thì Cha Nha chỉ cười. Hôm sau cha đã đánh máy câu hỏi của tôi cho cha thư ký nhóm bồi dưỡng. Cha thư ký nhóm đã đưa tin tức trên Web GPCT (gpcantho.com) như sau :

 

ADVERTISEMENT

REPORT THIS AD

 “ Chúng tôi học hỏi Tông huấn VD”.

VD gồm 3 phần chính :

  1. Lời Chúa
  2. Lời Chúa trong Giáo hội

III. Lời Chúa cho thế giới

    Và ba vấn đề cụ thể :

  1. Linh mục và việc giảng dạy Lời Chúa.
  2. Phụng vụ và Lời Chúa.
  3. Lời Chúa cho thế giới

Đang khi học hỏi chúng tôi được Cha Antôn Nguyễn Mạnh Đồng từ nhà hưu linh mục gửi cho chúng tôi một câu hỏi như sau :”Thượng Hội Đồng đã thấy những thách đố mới nào ? đã đương đầu như thế nào ?”. Vấn đề thật quá lớn và cũng không còn thời giờ để trao đổi ….

 Thực ra đây chỉ là một nửa câu hỏi mà tôi muốn đưa ra thôi. Sở dĩ tôi hỏi là vì thấy giới thiệu mục đích của Tông Huấn ghi trọn câu là  đào sâu, là thẩm định, là gặp và đương đầu những thách đố mới hiện nay, nhưng  “đã không thấy phố, không thấy nhà”, chỉ thấy trích nguyên văn từ VD. Tôi mới điện thoại và báo tin cho cha phụ trách web GPCT  biết, tôi đã đọc qua về VD trong bản tin Hiệp Thông số 63, tôi thấy có nói đến đào sâu, thẩm định, và thách đố, cha thử coi lại xem có đúng không, chẳng lẽ mình không biết sao ? Hôm sau tôi mở trang web GPCT thì thấy có mục “Từ Hiến Chế Dei Verbum đến Tông huấn Verbum Domini”, trong đó nói rằng :”Để góp phần trả lời câu hỏi đã nêu  trên, chúng tôi xin trích một đoạn trong bài : “Từ Hiến Chế DV đến Tông huấn VD đăng trong bản tin Hiệp Thông số 63, để bạn đọc tham khảo” (Bài của Đức Cha Khảm).

 Như vậy câu hỏi về thách đố đã được trang Web GPCT trả lời, còn câu hỏi về đào sâu, thẩm định việc thực hiện và những thách đố, đối với tôi là quan trọng đáng tìm hiểu, nên tôi tìm đọc lại bài của Đức Cha Khảm thì thấy cho biết rằng :

“Công đồng Vatican II đã công bố Hiến Chế DV, một trong 4 Hiến Chế trụ cột của Công đồng và được coi là kim chỉ nam cho toàn thể đời sống Hội thánh. Tai sao bây giờ lại phải có thêm một Tông huấn về Lời Chúa ? Phải chăng Hiến Chế DV đã lỗi thời ? Phải chăng đã có quá nhiều thay đổi từ đó đến nay nên cần xem xét lại và bổ túc thêm ? Hay Hiến Chế chỉ cung cấp những định hướng cơ bản và cần đến một Tông huấn với những chỉ dẫn thực hành ?”.

Mấy câu hỏi trên mở đường dẫn đến những câu trả lời trình bày những thẩm định về việc thi hành Hiến Chế DV trong suốt 40 năm qua. Thực vậy, chỉ 20 năm sau Công đồng, Thương Hội Đồng Giám Mục đặc biệt năm 1985 đã có dịp thẩm định về việc thi hành chỉ dẫn của Công đồng rồi. Bài của Đức Cha Khảm cho biết :

“Hiến Chế DV đã đem lại cho việc tái khám phá Lời Chúa trong đời sống Hội thánh, việc suy tư thần học về mạc khải của Thiên Chúa, và việc nghiên cứu Thánh Kinh …nhưng vẫn còn nhiều khoảng tối … những khoảng tối này phát xuất từ bối cảnh chung là việc giải thích và áp dụng các văn kiện của Công đồng Vatican II. Văn bản đã có sẵn, nhưng cách đọc, cách giải thích và cách áp dụng lại không giống nhau …Chính vì thế mà chỉ 20 năm sau Công đồng, Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt đã phải đưa ra 6 nguyên tắc quan trọng nhằm giúp giải thích và áp dụng cách đúng đắn những văn kiện của Công đồng … kể cả DV. Tuy nhiên theo Ronald D. Witherup sau 40 năm, nhiều lãnh vực của DV vẫn chưa được làm sáng tỏ”. 

Và Đức Cha Khảm đã tóm lại trong 5 lãnh vực những thách đố nảy sinh khi giáo hội áp dụng chỉ dẫn của DV :

  1. Tương quan phức tạp giữa Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền.
  2. Phương pháp phê bình lịch sử và những phương pháp khác trong việc chú giải Thánh Kinh.
  3. Cách tiếp cận của Công Giáo trong việc nghiên cứu và chú giải Thánh Kinh.
  4. Vai trò của Ủy ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh.
  5. Những thách đố của phong trào duy văn tự Thánh Kinh dẫn đến nguy cơ hiểu sai ý nghĩa Lời Chúa.

     Trên đây, tôi đã nêu lên những điều trông thấy về Tông Huấn VD, không dám nói gì thêm để khỏi “múa rìu qua mắt thợ”, chỉ xin góp hai điều lý thú, đem lại thích thú, ích lợi và có ý nghĩa mà VD đã cống hiến.

 

II. HAI ĐIỀU LÝ THÚ

 1.Điều lý thú thứ nhất :

   DV là một hiến chế, còn VD là một Tông Huấn. Hiến Chế đưa ra những quy tắc có giọng pháp lý; còn Tông Huấn góp những kinh nghiệm và khuyên dạy phải thực hành. VD đã thực hiện đúng mục đích của mình sau 40 năm DV ra đời, để bổ sung cho DV, nghĩa là đưa ra những chỉ dẫn giúp Dân Chúa đọc, giải thích và hiểu Lời Chúa cho thật đúng với sự thật theo lịch sử, và đúng với sự thật theo Thần học, theo Đức tin được Chúa Thánh Thần linh ứng trong Giáo hội. Đây là đóng góp quan trọng của VD. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nhận xét trong bài Tựa cuốn “Đức Giêsu Thành Nazaret” của Ngài rằng :

 “Những phát triển của phương pháp phê bình lịch sử đã đưa đến những phân biệt ngày càng tinh tế giữa các tầng lớp truyền thống trong các Sách Tin Mừng. Đối tượng thực sự của lòng tin là dung mạo Đức Giêsu, càng ngày càng bị che khuất và trở nên lu mờ dưới các lớp truyền thống này… Với cái nhìn này, Đức Giêsu là một nhà cách mạng chống Đế quốc Roma, hoạt động nhằm lật đổ các quyền lực hiện hành, mặc dầu cuối cùng thất bại. Với cái nhìn khác, Người lại là một thầy dạy luân lý khiêm tốn chuẩn y mọi thứ và cuối cùng cũng gặp phải hoạn nạn không sao giải thích được”.

 Vì thế, Đức Biển Đức XVI quả quyết rằng

“không thể nào bỏ qua phương pháp phê bình lịch sử vì nó giúp nhận ra Đức Giêsu lịch sử, nhưng phải chấp nhận nó có những giới hạn vì hoạt động của nó thuộc phạm vi loài người, và nó cần nhờ các phương pháp khác nữa ( như phương pháp thần học, đức tin…) để những giá trị ẩn kín cao siêu hơn, hàm chứa trong Lời Chúa được linh hứng, vượt lên trên cả văn tự, mới được khám phá giúp có thể đạt tới Đức Giêsu của Đức Tin, đạt tới Đức Giêsu toàn vẹn hơn” (Xem Bài tựa cuốn I “Đức Giêsu thành Nadarét). 

Tóm lại, điều lý thú thứ nhất là VD giúp cho Linh mục, tu sĩ, giáo dân cố gắng theo chỉ dẫn của Giáo hội để học hỏi Thánh Kinh theo phương pháp lịch sử và phương pháp thần học, theo đòi hỏi của Đức tin, để biết đánh giá và loại trừ những bài viết, nhật ký, bài giảng, lời nói,…về Đức Giêsu, được hiểu theo lối duy lý, duy nghiệm, duy cảm tính lập dị, hoặc theo thuyết bảo thủ không dùng lý trí khoa học, không đếm xỉa đến tính cách lịch sử, coi Cựu Ước đối kháng với Tân Ước, có mùi trần tục hóa và làm sai lệch dung mạo đích thực của Đức Giêsu…

Như vậy, điều lý thú thứ nhất VD đem lại là đọc và giải thích Lời Chủa đúng theo các phương pháp lịch sử phối hợp với phương pháp thần học, lý thú là cái gì đem lại  thích thú và lợi ích; nó dẫn đến một lý thú thứ hai là “đổi mới niềm tin của Giáo Hội vào Lời Chúa”.

  1. Điều lý thú thứ hai :

Các Nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa 12 này nhắm mục tiêu trước tiên là “đổi mới niềm tin của Giáo Hội vào Lời Thiên Chúa”(số 27).

Và Tông Huấn VD đã ngay lập tức đề cao Đức Maria như một gương mẫu cho Giáo hội, Đấng đã “hoàn tất tương giao hỗ tương giữa Lời Thiên Chúa và Đức tin…bằng tiếng “xin vâng” đối với Lời Giao Ước và sứ mạng của mình, đã làm trọn cách hoàn hảo ơn gọi thần linh của nhân loại” (VD số 27).

Và khi giới thiệu VD, Đức Hồng y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám Mục đã nói rằng : “Dung mạo của Đức Trinh nữ Maria, Đấng đã cộng tác vào Mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời, chính là khuôn mẫu không gì sánh được cho tương quan phong phú giữa Hội Thánh và Lời Thiên Chúa” (xem bản tin Hiệp thông số 63, trang 46).

Và cho dù 40 năm sau DV, Đức Hồng y nói tiếp rằng : “Lời Chúa đã tiến triển quan trọng, cách riêng nhờ những nghiên cứu Thánh Kinh, cải tổ phụng vụ, huấn giáo, đại kết, và phổ biến Lời Chúa rộng rãi hơn, nhưng vẫn còn đó một thiếu sót phải được lấp đầy, liên quan đến đời sống thiêng liêng của Dân Chúa. Dân Chúa có quyền được soi sáng và nuôi dưỡng nhiều hơn nhờ cách tiếp cận Thánh Kinh mang tinh thần cầu nguyện, và mang chiều kích Giáo Hội hơn” (xem Bản tin Hiệp Thông số 63, trang 47).

Công việc này Đức Maria và các Thánh trong Giáo Hội đã nêu gương và VD đã nói tới nhiều lần : về Đức Maria ba lần số 27-28, số 86-87, số 124; còn về các thánh số 48, 49. Tông Huấn đã ca ngợi

 “Đức Maria  là trinh nữ lắng nghe Lời, sống hoàn toàn hòa điệu với ý muốn Thiên Chúa, là Mẹ của Lời Nhập Thể, Người ghi giữ trong lòng mọi biến cố thuộc đời sống Con của Người” (xem số 27).

Kitô hữu noi gương Đức Mẹ đón tiếp vào lòng Ngôi Lời Thiên Chúa, để nhờ tác động của Chúa Thánh Thần đổi mới và làm tươi trẻ lại đức tin của chúng ta. Đức Maria là Mẹ Ngôi Lời Thiên Chúa và Mẹ của đức tin,

“Mẹ đã mở lòng ra với Thiên Chúa và tha nhân cho việc lắng nghe tích cực có khả năng nội tâm hóa và hấp thụ, trong đó Lời Thiên Chúa trở thành lòng Mẹ mang sự sống” (xem số 27).

Thượng Hội Đồng gọi việc đọc Thánh Kinh như vậy là đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện (Lectio divina) và VD giải thích rằng : đây là lối đọc có khả năng mở các kho tàng Lời Chúa ra cho các tín hữu, và như thế cùng tạo ra cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Lời Hằng Sống của Thiên Chúa.VD tóm tắt rất gọn gàng những bước căn bản của Lectio divina (xem số 87):

  1. Đọc bản văn để biết nội dung : bản văn Kinh thánh muốn nói gì ?
  2. Suy niệm : bản văn Kinh thánh muốn nói gì với chúng ta ?
  3. Cầu nguyện : ta phải nói gì với Chúa để đáp lại Lời Người ?
  4. Chiêm niệm : Chúa yêu cầu chúng ta phải hoán cải tinh thần, con tim và đời sống thế nào ?
  5. Hành động : lectio phải mở ra cho việc ta dâng hiến đời mình cho người khác trong bác ái.

Điều lý thú thứ hai này có vẻ khó và đòi hỏi, nhưng lại rất cần thiết nếu Kitô hữu thực sự muốn đổi mới. Tốt hơn hết là Kitô hữu tìm cách liên kết việc đọc Lời Chúa với Bí tích Thánh Thể, như Tông Huấn có nhắc tới biến cố hai môn đệ trên đường Emmau. Đức Giêsu đến đồng hành với hai ông, giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh, nhưng những lời này chưa làm cho các ông thỏa mãn, mắt họ còn bị ngăn cản, tuy lòng họ đã bừng cháy. Chỉ khi Đức Giêsu cầm lấy bánh tạ ơn, bẻ ra và trao cho họ, mắt họ mới mở ra và nhận ra Người (VD số 54).

 III. ĐỂ KẾT

Cầu chúc các linh mục, tu sĩ, giáo dân được dịp hàng ngày gặp gỡ Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể Chúa, có thể nếm được kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau. Có thể bắt đầu còn bị ngăn cản không nhận ra Chúa, nhưng khi nghe giải thích Thánh Kinh thì lòng bừng cháy lên, và khi được Chúa “trao bánh”, được hiệp thông với Thánh Thể thì mắt chúng ta mở ra và nhận ra Người, nhờ đó chúng ta có sức đổi mới đời sống, tiếp tục hăng say sống Giáo hội Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ, để phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Giáo hội và phục vụ thế giới, “dù cho vành môi se khô mấy cũng mỉm cười”.

Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Năm 2011

print