Bài 96: Cánh chung luận theo Tin mừng Lu-ca

Bài 96 : Cánh chung luận theo Tin Mừng Lu-ca

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Chúng ta sắp bước vào Năm Phụng Vụ mới bằng Chúa nhật I Mùa Vọng năm C, với các trích đoạn Tin Mừng theo thánh Lu-ca. Những tuần đầu Mùa Vọng, chúng ta thường nghe đọc các đoạn Tin Mừng về ngày cách chung với lời mời gọi hãy tỉnh thức để đón chờ Chúa đến.

Trong bài học hỏi hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu qua về cách trình bày về cánh chung trong Tin Mừng Lu-ca.

Những sự kiện, biến cố của thời cùng tận, còn gọi là thời cánh chung, được đề cập đến ở nhiều chỗ khác nhau trong Tin Mừng Lu-ca, nhất là ở các chương 12, 17, và 21. Khi bàn về cánh chung luận, thánh Lu-ca dùng những hạn từ hay kiểu nói để diễn đạt như : sắp đếnđến gầnxét xửCon Người đếnsự tận cùng.

Bản văn chính yếu nói về cánh chung là Lc 21,5-36, được đọc trong Chúa Nhật I Mùa Vọng năm C này, tiên báo biến cố quang lâm và sự xét xử cuối cùng. Thánh Lu-ca không nói về thời gian khi nào ngày cùng tận sẽ đến, nhưng đưa ra lời mời gọi hãy tỉnh thức : “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36). Như vậy, tác giả Lu-ca cho thấy chủ đích của mình là : nối kết cánh chung luận với lối sống đúng đắn của mỗi người. Đối với Lu-ca, biết cách sống thì quan trọng hơn là biết thời gian xảy ra cuộc quang lâm.

Để hiểu về cánh chung luận theo Tin Mừng Lu-ca, chúng ta lần lượt tìm hiểu ba đoạn văn tiêu biểu sau đây : Lc 12,1–13,9 ; Lc 17 ; và Lc 21.

I. Lu-ca 12,1–13,9

Trong đoạn văn này, chúng ta thấy nổi lên một đề tài chính yếu, đó là Đức Giê-su dạy các môn đệ và đám đông phải biết sẵn sàng chào đón ngày xét xử của Đức Ki-tô đang đến. Đề tài được nói rõ ngay trong câu mở đầu chương 12 là : “Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết (Lc 12,2). Vào ngày xét xử, lối sống đích thực của từng người sẽ được phơi bày. Lối sống giả hình, sai trái được ví như bóng tối, và lối sống ngay thật và đúng đắn được ví như ánh sáng, tất cả đều hiển lộ (12,3).

Qua những câu nói về việc phải tỉnh thức và sẵn sàng (12,35.40), thánh Lu-ca cho thấy thời gian Đức Giê-su ngự đến để xét xử thì bất chợt (12,39) và không ngờ (12,40), không thể biết trước. Vì vậy, toàn bộ đời sống người Ki-tô hữu phải luôn trong tư thế sống canh thức, chờ đợi, bất kể Chúa đến sớm hay muộn (12,45). Đó là cách tỉnh thức và sẵn sàng đúng đắn nhất.

Tin Mừng Lu-ca cho rằng ngày Chúa quang lâm để xét xử vẫn chưa xảy ra, nhằm cho thấy việc chờ đợi và cách thức chờ đợi của Thiên Chúa đối với tội nhân và con người là vì tình thương của Người. Thiên Chúa vì yêu thương đã chờ đợi tội nhân và ban cho con người cơ hội và thời gian để sám hối và quay về với Thiên Chúa : “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (12,43 ; x. 12,45) ; hoặc như lời của người làm vườn thưa với chủ mình rằng : “Thưa ông chủ, xin cứ để nó (cây vả) lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó, may ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi” (13,8-9). Trước ân huệ chờ đợi của Thiên Chúa, mỗi người phải sống có trách nhiệm tôn giáo trong một thời đại mà người ta dễ dàng né tránh các bổn phận luân lý, nhưng lại cầu mong sự tha thứ dễ dàng.

Tóm lại, chương 12 cho chúng ta thấy cánh chung luận được diễn tả qua các yếu tố sau :

1. Tác nhân xét xử : là chính Đức Giê-su đến với tư cách là “Con Người”, hình ảnh này lấy lại của Đn 7,13 nói về “Con Người” đến trong “quyền năng” (exousia) và “vinh quang” (doxa), nhưng được Lu-ca đổi lại thành kiểu nói Con Người đến trong “sức mạnh” (dynamis) và “vinh quang đầy tràn” (doxa pollê), cho thấy như xưa Đức Chúa đến với Mô-sê trong sức mạnh và vinh quang lớn lao để tiêu diệt Pha-ra-ô và quân Ai-cập thế nào, thì Đức Giê-su là Con Người cũng xuất hiện vào ngày chung thẩm để xét xử người lành kẻ dữ như thế ;

2. Thời gian xét xử : bất chợt và không ngờ. Thiên Chúa cho tội nhân cơ hội và thời gian sám hối, là vì tình thương chờ đợi của Người ;

3. Đối tượng chịu xét xử : mọi người, cả người lành lẫn kẻ dữ ;

4. Thái độ trước ngày cánh chung : canh thức và sẵn sàng, nghĩa là tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa, loại trừ lối sống giả hình, biết quản lý của cải cách trung tín, vâng phục và tuân giữ những giá trị của vương quốc Thiên Chúa, và một đời sống cầu nguyện liên lỉ.

II. Lu-ca 17

Trong chương này, Lu-ca cho thấy sự khác biệt giữa Nước Thiên Chúa với Đấng là Con Người : Nước Thiên Chúa thì đến rồi (“ở giữa họ”) (17,21), nhưng chưa nói lên thời cùng tận, còn Con Người (Đức Giê-su) thì chưa đến, nhưng đến thì bất ngờ và không hay biết (17,24), để cho thấy thời cùng tận.

Kiểu nói nổi bật về cánh chung luận trong chương này là : “những ngày của Con Người” (hêmerai tou huiou tou anthrôpou) (17,22). Kiểu nói này gợi lại kiểu nói “ngày của Đức Chúa” (yôm yhwh) (đọc : yôm ʾāḏōnāy) trong Cựu Ước (Is 13,6 ; Am 5,18 ; Ed 30,1-4 ; Ge 1,15 ; 2,1 ; Xp 1,14-16 ; Dcr 14,1). “Ngày của Đức Chúa thì gần” trong Cựu Ước chỉ ngày Đức Chúa xuất hiện để tiêu diệt kẻ thù và cứu dân. Còn “những ngày của Con Người” trong Lu-ca, không được nói cho các người Pha-ri-sêu, mà cho các môn đệ, nhằm cho các ông thấy sự căng thẳng giữa “mong ước được thấy” và “sẽ không được thấy” (17,22), cho các ông có thời gian chờ đợi, tức khoảng thời gian từ giữa việc Nước Thiên Chúa đã đang ở giữa họ và việc Nước Thiên Chúa được tỏ hiện viên mãn vào lúc Con Người được mc khải (17,30), và cho các môn đệ sống thân phận phải trải qua đau khổ. Kiểu nói “ngày ấy” nhắm đến “đau khổ” mà các môn đệ phải chịu đang khi chờ đợi Con Người xuất hiện.

Điều này cho thấy, cánh chung luận của Lu-ca không nhấn mạnh về thời gian, mà nhấn mạnh về sự hiện hữu : mọi người đối diện với ngày cánh chung, ngày xét xử, thì không cần quan trọng thời gian khi nào việc đó xảy ra, mà điều quan trọng là phải sống cho xứng với cuộc đời của mình, bằng việc sống “thập giá” và “tin”. Con Người xuất hiện thì không kiểm chứng được bằng chuyện này chuyện kia xảy ra (17,23), nhưng bằng hành động đón nhận “thử thách, đau khổ, bách hại, và tin”.

Tóm lại, cánh chung luận trong chương 17 cho thấy :

1. sự đan xen giữa việc Nước Thiên Chúa đang ở giữa nhân loại và việc Đức Ki-tô chưa ngự đến để xét xử, cho thấy sự giằng co giữa việc sống chờ đợi không dựa vào những điều kiểm chứng được, nhưng bằng niềm tin ;

2. vấn đề cánh chung được nói riêng cho các môn đệ để các ông sống kinh nghiệm đức tin trong khi chờ đợi Con Người xuất hiện ;

3. thái độ sống : đứng trước lời loan báo việc Con Người sẽ đến xét xử, điều quan trong cần chú tâm là sống “những ngày”, tức là sống trong sự vững tin, và sự bách hại, đau khổ như Con Người đã từng sống (x. 17,25). Cánh chung luận của chương này cho thấy những ưu tiên sống mà người ta phải nhận ra và những quyết định người ta phải thực hiện, đồng thời nó đem lại cho họ sự can đảm để sống những giây phút hiện tại của cuộc sống cách trọn vẹn ;

4. thời gian xét xử : xảy ra đột ngột và chấm dứt mọi hoạt động sống thường ngày của con người, và không ai có thể trốn thoát được (17,26-29) ;

5. tác nhân xét xử : Đấng là Con Người vinh quang ngự đến không gì khác hơn là chính Con Người đã chịu đau khổ và chết trên thập giá. Nói cách khác, trước khi Con Người ngự đến vinh quang, thì Con Người “phải” chịu chết ô nhục. Đây là mẫu thức sống chiều kích cánh chung cho người môn đệ Đức Giê-su ;

6. mục đích xét xử : kiểu nói “phải” (17,25) cho thấy cuộc thương khó và chết thập giá của Đức Giê-su là một phần trong toàn bộ công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Đức Giê-su ngự đến xét xử là để cứu chuộc những ai biết sống thập giá và vững tin như Người.

III. Lu-ca 21

Về cánh chung luận trong chương 21, Lu-ca cho thấy trình tự các sự kiện xảy ra nối tiếp : trước tiên là các dấu lạ báo trước như chiến tranh, loạn lạc, các dân nước chống lại nhau, động đất, đói kém, ôn dịch, và đỉnh điểm là “hiện tượng kinh khủng và dấu lạ lớn lao từ trời xuất hiện” (21,8-11) ; tiếp đến là Con Người xuất hiện, với những dấu lạ trên mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, dưới đất thì “‘muôn dân’ (21,10.24.25) sẽ lo lắng, hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét”, hồn xiêu phách lạc, quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển (x. Kg 2,6.21 ; Is 34,4), để xét xử địa cầu (21,25-27).

Ở đây, Lu-ca cho thấy Con Người đến “với dynamis (sức mạnh) và doxa pollê (đầy vinh quang), cùng với đám mây. Cánh chung luận trong chương 21 này cho thấy hình ảnh Con Người đến xét xử với đỉnh điểm của những yếu tố kèm theo : sức mạnhđầy vinh quangđám mây. Những yếu tố này lấy từ Đa-ni-en 7,13, nhưng sửa lại hình ảnh Con Người, theo Đn 7,13 thì Người đến với “exousia (quyền năng) và doxa (vinh quang)”, còn trong Lu-ca thì Con Người đến trong sức mạnh và đầy vinh quang (dynamis kai doxa pollê), cho thấy theo Lu-ca, hình ảnh Con Người đến với cấp độ tăng dần từ việc “Con Người sẽ xấu hổ đối với những ai xấu hổ vì Con Người và lời của Con Người” (9,26) hoặc đón nhận ai biết tuyên bố đón nhận Con Người (x. 12,8), sẽ thành dấu lạ, tức là việc Người rao giảng và sống lại (11,30), đến xét xử cách bất ngờ (12,40 ; 17,22.24.26.30), với những yếu tố đỉnh điểm (sức mạnh¸ đầy quyền năngđám mây). Từ đây, cho thấy tính phổ quát của vương quyền Thiên Chúa nơi hình ảnh Con Người ngự đến như thế để xét xử. Điều này làm lộ ra sức mạnh – dynamis hết mức của Thiên Chúa, thắng vượt và tiêu diệt hoàn toàn sự dữ.

Tuy nhiên, việc Con Người đến xét xử với dáng vẻ oai phong, uy nghiêm, long trọng như thế không phải là gây hoang mang sợ hãi cho bằng là khơi lên cho mọi người một niềm can đảm và hy vọng : “đứng thẳng (anakuptô), ngẩng đầu (epairô tas kephalas)”, vì sự xuất hiện của Con Người là để đem “ơn cứu chuộc” (apolytrôsis) (21,28), tức là tiêu diệt sự ác và cứu chuộc kẻ tin.

Hiệu quả tích cực nhất của cánh chung luận ở đây là “ơn cứu chuộc” thế nào, thì cũng vậy, mọi người phải đáp trả cho cân xứng bằng cung cách sống không để “lòng mình ra nặng nề vì say sưa và lo lắng sự đời”, là những rào cản đầy mãnh lực và quyến rũ khiến xao lãng và làm vuột mất ơn cứu chuộc.

IV. Tóm kết

Dù diễn tả bằng nhiều cách thức về việc Con Người ngự đến để xét xử, Lu-ca vẫn cho thấy một nền thần học về cánh chung tập trung chủ yếu về cung cách sống tốt đẹp của mọi người, hơn là loay hoay, băn khoăn về thời gian khi nào việc Con Người đến xét xử. Cung cách sống quan trọng nhất là canh thức và cầu nguyện, đứng thẳng và ngẩng đầu, là những cách thế sống mạnh mẽ, hiên ngang, vững tin, không sợ sệt, để chờ ngày Con Người đến xét xử bất chợt, không ngờ, mà lãnh nhận được ân huệ quan trọng và cao cả nhất đời mình là ơn cứu chuộc.

print