Bài Học Nào Cho Gia Đình?

print

Bài Học Nào Cho Gia Đình?

Lm. JB Nguyễn Minh Hùng

Như bao gia đình, Thánh Gia không thiếu ngày ấm áp đan xen ngày bão tố. Chắc chắn trong gia đình ấy đơm đầy khoảnh khắc an vui, ngọt bù, nhưng cũng chẳng thiếu lo âu, khổ đau, nước mắt và thách thức…

Từ khởi đầu, Thánh gia phải chứng kiến toàn khổ đau. Hiểu lầm nhau vì bào thai lớn dần trong dạ Maria; sinh con giữa đồng không mông quạnh; ngay trong đêm bồng con vượt khỏi biên giới quê nhà khi con còn đỏ hỏn…

Tin Mừng hôm nay còn cho thấy khổ đau của gia đình Thánh không chỉ quá khứ hay hiện tại, mà còn hứa hẹn tương lai: “Trẻ này… là mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”.

Năm 12 tuổi, Chúa Giêsu cùng cha mẹ hành hương Đền thờ. Với người Do thái, 12 tuổi là tuổi trưởng thành. Sau khi dự lễ, Chúa Giêsu ở lại Đền thờ tranh luận với các tiến sĩ luật. Chúa bộc lộ sự khôn ngoan của mình.

Nhưng chính thời gian dài đến ba ngày tìm Chúa là thời gian mà lòng Đức Mẹ và thánh Giuse như bị nung đốt. Đến lúc gặp Chúa, họ lại được nghe những lời dễ chạnh lòng, nếu cho rằng đó là lời xúc phạm: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo việc nhà Cha con sao?”.

Ngay trong mầu nhiệm Giáng Sinh và Ẩn Dật, chúng ta đã có thể nhận ra cây thánh giá của Chúa Giêsu, của Đức Mẹ và của thánh Giuse.

Nếu tra tiếp những trang Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy cây thánh giá ngày càng lộ dần, nặng nề hơn, khủng khiếp hơn, đau đớn hơn. Kết thúc của hành trình thánh giá cuộc đời Chúa Giêsu là bao nhiêu tang thương, bao nhiêu sỉ nhục, bao nhiêu thách thức tưởng chừng quá sức người, tiếp tục diễn ra. Chúa Giêsu cùng Đức Mẹ sẽ đi đến cùng của cuộc đổ máu và chết chóc trước những tàn bạo đến mức không còn nhân tính của loài người.

Vậy giữa trùng trùng lớp lớp những thách thức vây bũa, Thánh Gia đã làm gì? Bài học nào cho chúng ta từ cuộc sống của Thánh Gia?

1. Bài học cầu nguyện và can đảm vâng phục thánh ý Chúa.

Hình ảnh thánh Giuse mau mắn thi hành những “giấc chiêm bao thánh”, Đức Maria không phàn nàn khi đối diện nghịch cảnh, Chúa Giêsu tuân hành thánh ý Thiên Chúa nhập thể và sống kiếp người là những bằng chứng dữ dội về một gia đình thánh luôn đặt Thiên Chúa làm trung tâm đời sống.

Như Thánh Gia, mỗi gia đình Kitô giáo nếu biết đặt lời Chúa dạy, thánh ý Chúa và chính hình ảnh Chúa làm đường hướng sống, kim chỉ nam cho đời sống của từng thành viên, chắc chắn gia đình sẽ đơm đầy hoa thơm, trái ngọt bởi tình yêu toát ra từ từng thành viên trong gia đình ấy.

Dù phải đối diện với bất trắc, khổ đau đến đâu, tình yêu phát xuất từ một lòng quyết yêu nhau, đùm bọc nhau trong tinh thần đức tin và trong ý thức cao độ, quyết đặt Chúa ngự trị trong tâm hồn của từng thành viên, gia đình sẽ dễ dàng vượt qua.

Hãy nhớ, Thiên Chúa chính là người điều khiển gia đình. Như gia đình Thánh Gia, biết luôn ý thức và chấp nhận sự điều khiển của Chúa, dù cuộc sống đang phẳng lặng hay giông bão, gia đình vẫn giữ được hạnh phúc.

Có Chúa trong tim và trong đời sống, từng thành viên của gia đình sẽ nghĩ về nhau, nghĩ cho nhau, đặt mình vào vị trí nhau, từ đó dễ chung vai đấu cật sát cánh đối đầu cùng đêm dài, thậm chí đêm dài chìm trong buốt giá.

Hiến chế Ánh sáng muôn dân cho biết: “Gia đình như một Hội Thánh nhỏ” (số 11). Thánh Gioan Phaolô II cũng định nghĩa: “Gia đình là Hội Thánh tại gia” (Tông huấn Đời sống gia đình – số 11).

Nói đến Hội Thánh là nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Có nơi nào, có tổ chức nào, có quyền lực nào trên thế gian có được sự hiện diện và tình yêu lan tràn của Thiên Chúa như trong cộng đoàn Hội Thánh!

Vì thế, một khi gia đình “là Hội Thánh”, nghĩa là gia đình được phủ đầy sự hiện diện của Thiên Chúa.

Để giữ mãi Chúa trong gia đình, giữ mãi tình yêu của Chúa làm trung tâm gia đình, các gia đình phải bắt chước thánh Giuse, Đức Mẹ Maria, Chúa Giêsu, luôn nối kết với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện không ngơi nghỉ, cầu nguyện mọi nơi mọi lúc, cầu nguyện trong vô vàn khoảnh khắc riêng tư lẫn những lúc gia đình quy tụ cùng nhau để có được giờ tôn thờ dành cho Chúa trong lúc ở cạnh bên nhau.

Chính tinh thần cầu nguyện sẽ là sức mạnh để sống và vâng phục thánh ý Chúa mọi nơi, mọi lúc, dù khi khỏe mạnh hay khi ốm đau, dù khi thịnh vượng hay lúc gian nan, điều mà chính vợ chồng đã thề hứa với nhau, trước mặt Thiên Chúa, trước mặt thừa tác viên, trước cộng đoàn Hội Thánh.

2. Bài học biến gia đình của chính mình thành mái ấm.

Trong tông huấn về gia đình, thánh Gioan Phaolô II nhắc nhở: Thiên Chúa “khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Ngài và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như cả khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông” (số 11).

Để càng ngày càng phát sinh yêu thương trong cùng một mái nhà, người ta không thể sống riêng rẽ, mỗi người một tính toán, mỗi người một đường lối, mỗi người một bí mật, mỗi người là những thực thể không liên quan gì nhau.

Gia đình nào để xảy ra tình trạng như trên, gia đình ấy không chỉ không còn là mái ấm mà sẽ là nhà tù giam nhau, thậm chí là địa ngục đọa đày nhau.

Chúng ta dễ dàng học bài học yêu thương và hiệp thông nơi gia đình Thánh Gia. Bởi từng thành viên trong gia đình Thánh ấy, vừa hết sức tôn trọng nhau nhưng cũng luôn thông cảm và thông chia cho nhau những tâm tư, những vui buồn, những liên hệ cần thiết để giúp nhau hoàn thành bổn phận trong vị trí của mình nơi chính gia đình mà mình đang hiện diện và sống.

Giả sử nếu cái đêm được thánh Giuse thông báo phải đem Hài Nhi vượt biên giới lập tức, lại bị Đức Mẹ xem thường và bỏ qua, thì tính mạng của Chúa Giêsu sẽ nguy hiểm thế nào?

Nếu cả hai thánh Giuse và Đức Mẹ không cảm thông, không chia sẻ tâm tư của Chúa Giêsu khi Chúa thông báo: “Con phải làm việc của Cha con”, thì phản ứng của cả hai, sau nhiều ngày tìm con, nhiều ngày đau khổ, nhiều ngày lo âu, nhiều ngày đầy vất vả…, sẽ như thế nào, khó có ai mường tượng hết…

Nhưng tình yêu và sự hiệp thông, không chỉ trao tặng các ngài sự vững vàng, sự thấu hiểu, sự tôn trọng dành cho nhau, mà còn khiến các ngài nhìn thấy cả thực tại thánh thiêng phía sau mọi hành động của Chúa Con.

Cả thánh Giuse và Đức Mẹ khi gặp lại Chúa Con đều phản ứng trong chiều kích tin tưởng, tín thác và cậy trông vào Thiên Chúa.

Bắt chước gia đình Thánh Gia, các thành viên trong từng gia đình hãy dành cho nhau vị trí số một trong trái tim và trong suy nghĩ của mình. Chỉ có tình yêu thực sự, yêu không vụ lợi nhưng luôn trao chính mình cho người bên cạnh, muốn cho người bên cạnh mọi điều tốt lành, mới có thể mang lại sự hiệp thông bền vững trong gia đình.

Nhờ tình yêu và sự hiệp thông, niềm vui, sự bình an mới có cơ may triển nở. Tạo được niềm vui, tạo được bình an trong trái tim mình, người ta mới có thể làm lan tỏa sự sống tích cực đến với người xung quanh.

Dưới bất cứ mái nhà nào mà niềm vui và bình an ngự trị, mái nhà đó là thiên đàng, là nơi đáng sống, nơi Thiên Chúa ngự trị và ấp ủ. Thiên Chúa sẽ chúc lành ai biết tạo tình yêu, niềm bình an khi họ được sống cạnh nhau.

Để kết luận, xin anh chị em nghe Đức Phanxicô, luôn đặt Chúa Giêsu làm trung tâm, để gia đình là nơi nghỉ ngơi, nơi chúng ta quay về, nơi ham thích sống, nơi trao dâng tình yêu và nhận lãnh tình yêu.

Đức Thánh Cha mời gọi: “Chúa Giêsu nói: ‘Hãy đến cùng Thầy, hỡi tất cả những ai vất vả và bị đè nén’! Chúa biết những cơ cực của anh chị em, những gánh nặng trong cuộc sống chúng ta. Nhưng Ngài cũng biết ước muốn sâu xa của chúng ta mong tìm được niềm vui được bồi dưỡng! Anh chị em có nhớ Chúa Giêsu đã nói: ‘Ước gì niềm vui của các con hôm nay được tràn đầy’ (Ga 15,11). Ngài nói điều đó với các tông đồ và hôm nay, Ngài lập lại điều đó với chúng ta. Vì vậy đây là điều đầu tiên mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em, và đó là một câu của Chúa Giêsu: ‘Hãy đến cùng Thầy, hỡi các gia đình trên toàn thế giới, và Thầy sẽ bồi dưỡng cho các con, để niềm vui của các con được tràn đầy’ (Bài nói chuyện dịp hành hương của các gia đình tại Roma, thứ bảy 26.10.2013).