Bảy Chìa Khóa Để Hiểu Bí Tích Hôn Phối

print

Bảy Chìa Khóa Để Hiểu Bí Tích Hôn Phối

 

  1. Hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa

Hôn nhân giữa người nam và người nữ là thánh ý của Thiên Chúa Tạo Hóa trong chương trình tạo dựng, chứ không thuần túy là sự kết ước theo kiểu cảm tính giữa hai người nam và nữ[1]. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định nguồn gốc hôn nhân: “Gia đình có nguồn gốc trong chính tình yêu của Đấng Tạo Hóa dành cho thế giới được Ngài sáng tạo như đã nói từ nguyên thủy trong sách Sáng thế”[2]. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo cũng dạy: “Chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo Hôn nhân và đã khắc ghi ơn gọi Hôn nhân vào trong bản tính của con người khi tạo dựng nên họ có nam có nữ.”[3]

Thiên Chúa Tình Yêu đã đặt hôn nhân và gia đình trong chương trình cứu chuộc. Từ Cựu Ước, hôn nhân được xem như một giao ước giữa người nam và người nữ. Giao ước hôn nhân được ví như Giao Ước giữa Thiên Chúa và loài người. Thế nhưng, tội lỗi đã làm tổn hại giao ước giữa Thiên Chúa và con người, đồng thời cũng làm tổn thương tương quan giữa người nam và người nữ. Mãi đến Tân Ước, sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người được hàn gắn lại cách vĩnh viễn nơi Đức Giêsu Kitô. Hôn nhân của hai người nam nữ đã chịu phép rửa tội được nâng lên thành Bí Tích khi giao ước của họ được ký kết trong máu Đức Kitô[4]. Giao ước hôn nhân của họ phải rập theo Giao Ước giữa Đức Giêsu – Hôn Phu yêu thương và hiến thân vì Hội Thánh – Hiền Thê của Người (x. Ep 2,5).

Hội Thánh nhìn phép lạ hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana như xác nhận của Chúa về sự thiện hảo của hôn nhân và hôn nhân công giáo là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Kitô và phép lành của Người. Trong giáo huấn, Đức Giêsu cũng không đồng ý với lập trường cho phép ly dị. Người dạy “lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly […] Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.” (Mc 10,1-12).

Thánh Phao-lô đề cập đến sự chung thủy vợ chồng, nhưng trong một vài hoàn cảnh, ngài cũng cho phép ly dị. Theo ngài, một mặt, như Đức Giêsu, Phao-lô dạy “vợ không được bỏ chồng – nếu bỏ chồng thì bà vẫn phải sống một mình – chồng cũng không có quyền đuổi vợ” (1Cr 7,10-11; Rm 7, 2-3). Tuy nhiên, mặt khác, ngài cũng thấy các cuộc hôn nhân giữa người tín hữu Ki-tô với người ngoài đầy những bấp bênh, nguy hiểm về mặt thiêng liêng, nên ngài dạy là nếu một anh – chị Ki-tô hữu kết hôn với một người không tin mà người này muốn ly dị, thì cứ ly dị, và đương nhiên sẽ được lập gia đình lần nữa (x.1Cr 7,12-16; 2Cr 6, 14-18). Dù sao đi nữa, cách lý tưởng là vợ – chồng Ki-tô hữu phải là nguồn ơn cứu độ cho người phối ngẫu của mình, và đây có lẽ là việc không phải lúc nào cũng làm được !

Thánh Phêrô cũng khuyên “chị em là những người vợ, chị em hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào.” (1Pr 3, 1).

  1. Lược sử Nghi thức cử hành hôn nhân

Những thập niên sau khi sách Tân Ước được viết, không có tài liệu nào viết về tập tục cưới hỏi Ki-tô giáo. Hầu hết các Ki-tô hữu đều xuất thân từ Do Thái giáo hoặc các tôn giáo khác trở lại, và như thế, nhiều người, trước khi được thánh tẩy, đã kết hôn theo tập tục riêng. Tuy nhiên, vẫn có người trở lại Ki-tô giáo trước khi kết hôn. Do đó, khoảng năm 110, thánh Ignatiô thành Antiôkia, trong một lá thư, ngài viết “những ai lập gia đình nên có sự đồng ý của giám mục để bảo đảm rằng họ đã lập gia đình theo ý Chúa, chứ không phải để thỏa mãn nhục dục. Đến đầu thế kỷ thứ III, Tertulianô viết “làm sao ta có thể mô tả được niềm hạnh phúc của cuộc hôn nhân được Hội Thánh nâng đỡ, một cuộc hôn nhân được bí tích Thánh Thể củng cố, và một cuộc hôn nhân được đóng ấn bằng phép lành của Chúa? Một cuộc hôn nhân như thế được các thiên thần công bố và Cha trên trời chứng nhận” (To his wife 2,9). Tuy nhiên, thời này, hôn nhân Ki-tô giáo là việc của cá nhân và gia đình, là một cam kết riêng tư. Vẫn chưa có nghi lễ hôn phối chính thức trong Hội Thánh.

Bên Đông Phương, vào cuối thế kỷ IV, người ta xin linh mục hoặc giám mục chúc lành cho đôi tân hôn trong lễ cưới hoặc những ngày trước đó. Tại Hy Lạp và Tiểu Á, vào đầu thế kỷ thứ V, các giáo sĩ chứng kiến việc kết hôn và chúc lành cho sự hiệp nhất của họ. Thế nhưng, cử chỉ này chưa phải là nghi lễ phụng vụ. Mãi đến hết thế kỷ thứ VII, các Ki-tô hữu vẫn kết hôn theo nghi lễ thuần thế tục. Vào thế kỷ thứ VIII, nghi lễ phụng vụ hôn phối đã trở nên phổ biến, lễ cưới được cử hành tại nhà thờ chứ không còn tại tư gia như trước nữa.

Bên Châu Âu, khi Hội Thánh không còn bị bách hại, các giám mục, linh mục thường hiện diện cùng với các người chứng khác trong lễ cưới. Các ngài cũng chúc lành và đặt tay cầu nguyện cho đôi tân hôn. Tuy nhiên, mãi đến thế kỷ thứ VIII, lễ hôn phối và các lời chúc hôn mới bắt đầu hình thành. Tác nhân chính của bí tích hôn phối là hai bên phối ngẫu, được luật đời thiết định. Hội Thánh chỉ đón nhận và chúc lành cho họ. Mãi đến thế kỷ thứ XII, nghi thức hôn phối đã thống nhất trong Hội Thánh. Lễ cưới được cử hành trong nhà thờ do linh mục chủ sự. Khi đôi hôn phối tiến vào nhà thờ, linh mục chủ sự sẽ hỏi họ về sự tự do ưng thuận và đồng ý lấy nhau không ? Sau đó, linh mục làm phép nhẫn và đôi hôn phối trao cho nhau. Sau cùng là lời chúc hôn của linh mục.

Như vậy, theo dòng thời gian, nghi thức bí tích hôn phối đã xuất hiện trong Hội Thánh. Từ việc kết hôn dân sự và hoàn toàn thế tục, dần dần người tín hữu Ki-tô cần phép lành của người đại diện Hội Thánh là giám mục và các linh mục. Các ngài là người làm chứng, nhận lời cam kết và sự tự do ưng thuận giữa hai người nam – nữ muốn kết hôn với nhau. Cuối cùng, nhân danh Hội Thánh, linh mục chúc lành cho đôi hôn nhân.

  1. Thừa tác viên của bí tích hôn phối ?

Hôn nhân công giáo thường được cử hành trong thánh lễ, vì các bí tích đều liên hệ với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô[5]. Thánh lễ cử hành lễ tưởng niệm Giao Ước Mới, trong đó Đức Ki-tô kết hiệp vĩnh viễn với Hội Thánh là Hiền Thê mà Người yêu mến[6]. Do đó, bí tích Hôn Phối được cử hành trong thánh lễ mang ý nghĩa đặc biệt : đôi hôn phối bày tỏ sự ưng thuận hiến thân cho nhau bằng việc liên kết với Đức Ki-tô hiến thân cho Hội Thánh, đều được hiện tại hoá trong thánh lễ, và nhờ kết hợp với Mình và Máu Đức Ki-tô, họ “trở thành một thân thể” trong Người (x. 1Cr 10,17).[7]

Đôi nam nữ được coi là thừa tác viên ân sủng của Chúa Kitô, họ ban bí tích cho nhau và nhận bí tích của nhau khi tỏ bày sự ưng thuận kết hôn trước vị chứng hôn hợp pháp của Hội Thánh. Linh mục không phải là người ban bí tích Hôn Phối, nhưng chỉ là người chứng hôn của Hội Thánh. Chứng hôn vừa là bổn phận vừa là quyền lợi của linh mục quản xứ đối với những người thuộc quyền mình. Bổn phận vì ngài phải điều tra hôn phối và không được từ chối khi không mắc ngăn trở. Quyền lợi thiêng liêng vì chính ngài chứng hôn và được ủy quyền chứng hôn hoặc cho phép những người cử hành Hôn Phối trong thuộc địa ngài cai quản, dù đôi bạn đó không phải là người thuộc quyền mình.

  1. Mục đích của hôn nhân

Giáo luật điều 1055 xác định mục đích của hôn nhân: “tự bản chất, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái”.

Ngay từ thuở ban đầu tạo dựng, mục đích của hôn nhân đã nằm trong ý định của Thiên Chúa Tạo Hóa. Hai đoạn Sách Sáng Thế sau đây đã xác định: 

Sáng Thế 1, 26-30: “Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.”

 Sáng Thế 2, 18-23: “Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.”

Như vậy, mục đích của hôn nhân được Thiên Chúa ấn định : vợ chồng trọn đời yêu thương nhau (St 2, 24) và sinh sản đầy mặt đất (St 1, 28).

  1. Hai đặc tính của hôn nhân công giáo: đơn hôn và vĩnh hôn.

Đơn hôn là hôn nhân giữa chỉ một người nam và một người nữ. Hôn nhân Công giáo là duy nhất, trung tín, không chia sẻ. Đơn hôn – nhất phu nhất phụ, trong hôn nhân công giáo loại trừ mọi hình thức đa thê.

Vĩnh hônBất khả phân ly – là khi hai người nam – nữ đã kết hôn thành sự cách hợp pháp và hoàn hợp, họ phải chung thủy với nhau trọn đời, chỉ cái chết mới đứt dây hôn phối. Hôn phối thành sự cách hơp pháp (conclu) là khi đôi bạn đã làm hôn thú, đã lãnh bí tích. Hôn phối hoàn hợp là sau ngày cưới, đôi bạn đã giao hợp với nhau. Do đó, không ai có thể tháo cởi cuộc hôn nhân đã thành sự, cho dù hai vợ chồng đồng tình chia tay, dù luật dân sự cho phép ly dị, giao ước hôn nhân (lương – giáo) cũng không thể tháo gỡ.[8] Lời Chúa xác định rõ: Điều gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly (Mc 10,9). Đặc tính vĩnh hôn loại trừ ly dị.

  1. Chuẩn bị cử hành thánh lễ và diễn tiến lễ hôn phối

Thông thường, bí tích hôn phối phải được cử hành trong thánh lễ. Linh mục quản xứ cẩn thận chuẩn bị việc cử hành bí tích hôn nhân với sự cộng tác của những người sắp kết hôn. Ngài nên cùng với người sắp kết hôn chọn những bài đọc Lời Chúa sẽ được giảng trong thánh lễ; chọn hình thức bày tỏ sự ưng thuận; chọn công thức làm phép nhẫn, lời nguyện chung và các bài hát.[9]

Khi cử hành hôn nhân trong thánh lễ phải dùng phẩm phục màu trắng hay màu phụng vụ của ngày lễ và cử hành lễ có nghi thức riêng: lễ hôn phối. Nếu cử hành vào những ngày lễ bậc ưu tiên trong bảng xếp hạng của phụng vụ thì chỉ có thể đọc 1 bài đọc lời Chúa của lễ hôn phối, lời nguyện tín hữu và công thức ban phép lành cuối lành cuối lễ cho lễ hôn phối.[10]

Diễn tiến thánh lễ hôn phối:

Nghi lễ mở đầu: Linh mục đón trong phẩm phục phụng vụ tiến tới cửa nhà thờ tiếp đón những người sắp kết hôn, lịch sự chào hỏi, chia sẻ niềm vui với họ. Tiếp đến là rước họ vào nhà thờ cách long trọng với bài ca nhập lễ. Người mục tử cần lưu ý chiều kích mục vụ của phụng vụ, đây là một ngày vui, một bí tích của bậc sống.

Phụng vụ Lời Chúa: cần đề cao tầm quan trọng của hôn nhân Ki-tô giáo trong lịch sử cứu độ, cổ võ các bổn phận và nhiệm vụ thánh hóa vợ chồng và con cái.

Cử hành hôn phối: Vị chứng hôn hỏi và nhận sự tự do ưng thuận của hai người phối ngẫu, làm phép nhẫn và họ trao cho nhau.

Kinh Tin Kính (nếu có trong bậc lễ cử hành) và Lời nguyện chung.

Lời nguyện chúc hôn sau Kinh Lạy Cha. Linh mục dang tay trên đôi tân hôn đọc lời nguyện cách long trọng, nguyện xin Thiên Chúa ban phúc lành cho họ.

Rước Lễ: Tình yêu của đôi tân hôn được nuôi dưỡng và chính họ được nâng lên để hiệp thông với Chúa và tha nhân.  

Nghi lễ kết thúc: Sau lời nguyện hiệp lễ, linh mục dang tay trên dân chúng đọc lời chúc lành cho đôi tân hôn và cộng đoàn.

  1. Các thủ tục theo giáo luật và nghi lễ tôn giáo[11]

Các thủ tục theo giáo luật

Các thủ tục của Hội Thánh có mục đích bảo đảm những điều kiện trên, giúp đôi bạn cử hành Bí tích Hôn phối được thành sự.

Chuẩn bị: Khi có ý định tiến tới hôn nhân, hai bên nam nữ cần đến gặp cha xứ (thường là cha xứ bên nữ).

Cha xứ sẽ trao đổi và giúp anh chị làm tờ khai hôn phối, để biết anh chị có đúng là Kitô hữu không (đã Rửa tội, Rước lễ và Thêm sức chưa), có hiểu rõ ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo, có biết rõ nhiệm vụ của vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu không. Ngài sẽ giúp anh chị học hoặc ôn lại giáo lý hôn nhân cũng như cách sống đức tin trong đời sống hôn nhân và gia đình. Việc chuẩn bị này là điều rất quan trọng để lời cam kết của hai anh chị trở thành một hành vi tự do và có trách nhiệm, cũng như hôn ước của anh chị có được nền tảng tự nhiên và siêu nhiên, vững chắc và lâu dài.

Để giúp anh chị kết hôn thành sự và hợp pháp theo như luật của Hội Thánh quy định, ngài cũng cần phải biết chắc hai anh chị không bị mắc ngăn trở nào. Nếu có, ngài sẽ giúp anh chị giải quyết. Ngoài ra, anh chị cũng cần được hướng dẫn để hiểu rõ ý nghĩa các nghi thức khi cử hành bí tích Hôn phối.

Nếu anh hoặc chị thuộc một giáo xứ khác thì phải trình giấy chứng nhận Rửa tội và Thêm sức. Việc chịu phép Rửa tội là cần thiết để lãnh nhận thành sự bí tích Hôn phối. Còn đối với bí tích Thêm sức, luật Hội Thánh quy định: “Người Công giáo nếu chưa Thêm sức, phải lãnh nhận bí tích này trước khi kết hôn. Bí tích Thêm sức giúp củng cố và làm tăng trưởng đức tin trong đời sống vợ chồng và của con cái sau này. Riêng đối với bí tích Giao hoà và Thánh Thể, Hội Thánh khuyên: “Để lãnh nhận bí tích Hôn phối cho có kết quả, hết sức khuyên đôi vợ chồng lãnh nhận các bí tích Giao hoà và Thánh Thể.”

Rao hôn phối: Sau khi học hỏi giáo lý hôn nhân xong, nếu hai bên quyết định dứt khoát kết hôn, thì trình cho cha xứ bên gái biết. Ngài sẽ làm lời rao hôn phối và rao trong ba Chúa nhật ở giáo xứ của mỗi bên.

Việc rao hôn phối tại mỗi xứ nhằm để cho mọi người trong cộng đoàn biết, thêm lời cầu nguyện và xem xét có gì ngăn trở thì giải quyết trước hoặc trình báo với cha xứ, đồng thời cũng để ấn định lễ cưới.

Sau cùng, anh chị cũng cần nhớ: trước khi làm lễ cưới ở nhà thờ, anh chị phải hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn theo dân luật.

Cử hành bí tích Hôn phối:

Địa điểm: tại nhà thờ giáo xứ của bên nữ hoặc bên nam. Nếu cử hành tại một nhà thờ khác hay một nhà nguyện, cần có phép của cha xứ.

Nhân chứng: cần có 2 người làm chứng.

Chứng hôn: Người chứng hôn là người hiện diện để đòi hỏi hai bên kết ước bày tỏ sự ưng thuận lấy nhau và nhân danh Hội Thánh đón nhận sự bày tỏ ấy. Bình thường, cha xứ là người chứng hôn. Ngài có thể uỷ quyền cho các linh mục khác, hoặc phó tế chứng hôn. Nơi nào thiếu linh mục và phó tế, Đức Giám mục giáo phận có thể uỷ quyền chứng hôn cho một giáo dân xứng hợp.

Ghi sổ: Sau khi cử hành bí tích Hôn phối, đôi tân hôn, vị chứng hôn và hai người làm chứng ký tên vào Sổ Hôn phối. Cuối cùng là ghi việc kết hôn vào sổ rửa tội của đôi tân hôn.

Lm. Gs Lê Ngọc Ngà

[1] X. St 1, 26-27.

[2] Gioan Phaolô II, Tông Huấn Gia Đình, số 2.

[3] Giáo Lý Công Giáo (GLCG), số 1603.

[4] X. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Gia Đình, số 12.

[5] X. Hiến Chế Phụng Vụ, số 61.

[6] X. Hiến Chế Giáo Hội, số 6.

[7] X. Giáo Lý Công Giáo, số 1621.

[8] Giáo Luật điều 1141 quy định: “Hôn phối thành sự và hoàn hợp không thể bị tháo gỡ bởi một quyền bính nhân loại hay một nguyên do nào khác ngoại trừ sự chết.”

[9] X. Nghi Thức Cử Hành Hôn Nhân, “những điều cần biết trước”, số 28-32.

[10] X. Nghi Thức Cử Hành Hôn Nhân, “những điều cần biết trước” số 33-34.

[11] Trích, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGMVN, Giáo lý hôn nhân và gia đình, “Bài 5, 2. các thủ tục và nghi lễ”, nxb Tôn Giáo, 2004.