Các Bài Suy Niệm Lễ Thánh Giuse Thợ

print

Các Bài Suy Niệm Lễ Thánh Giuse Thợ

SUY NIỆM 1: Đức Giêsu về quê. 1

SUY NIỆM 2: Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn. 3

SUY NIỆM 3: Thánh Giuse: người lao động. 4

SUY NIỆM 4: Thánh Giuse Thợ. 4

SUY NIỆM 5: Thánh Giuse. 5

SUY NIỆM 6: Thánh Giuse Thợ. 7

SUY NIỆM 7: Thánh Giuse. 8

SUY NIỆM 8: Lễ thánh Giuse thợ. 9

SUY NIỆM 9: Lao động biểu lộ vinh quang của Chúa Giêsu phục sinh. 10

SUY NIỆM 10: Lễ thánh Giuse thợ: bổn mạng các người cha gia đình. 13

SUY NIỆM 11: Lao động như phụng tự. 14

SUY NIỆM 12: Thánh Giuse Lao động. 15

SUY NIỆM 13: Thánh Giuse là mẫu mực các kẻ làm ăn. 18

SUY NIỆM 14: Suy niệm ngắn về thánh Giuse thợ (01/5) 20

SUY NIỆM 15: Thánh Giuse Thợ (Mt 13-54-58) 21

 

Lời Chúa: Mt 13, 54-58

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường, họ bỡ ngỡ và nói rằng: “Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc ư? Mẹ ông không phải là bà Maria? và Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa không phải là anh em của ông sao? Và tất cả chị em của ông không phải ở nơi chúng ta đó sao? Vậy bởi đâu ông được mọi điều ấy như thế?” Và họ lấy làm gai chướng về Người.

Nhưng Chúa Giêsu nói với họ: “Không có tiên tri nào được vinh dự nơi quê hương và nơi nhà mình”.

Và Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ cứng lòng tin.

 

 

SUY NIỆM 1: Đức Giêsu về quê

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Suy niệm:

Sau khi đã chịu phép Rửa, vào hoang địa để cầu nguyện, ăn chay,

có một ngày nào đó, Đức Giêsu chia tay Đức Mẹ để lên đường.

Lên đường là bỏ lại ngôi làng Nazareth dấu yêu với bao kỷ niệm.

Chính tại đây Ngài đã sống hơn ba mươi năm trong bầu khí gia đình.

Chính tại nơi này, Ngài đã lớn lên quân bình về thân xác, trí tuệ, tâm linh.

Nazareth như một ngôi trường lớn, chuẩn bị cho Ngài chững chạc đi sứ vụ.

Tại đây, Đức Giêsu đã là con bác thợ Giuse (c. 55),

và đã trở thành thợ theo truyền thống cha truyền con nối.

Ngài đã được dạy nghề và hành nghề để kiếm sống cho bản thân và gia đình.

Đức Giêsu là một người thợ tại Nazareth, phục vụ cho nhu cầu dân làng.

Ngài biết đến cái vất vả của công việc chân tay nặng nhọc.

Đức Giêsu không thuộc giới trí thức, thượng lưu, quyền quý.

Lao động làm Ngài gần với người nghèo và thấy sự đơn sơ của tâm hồn họ.

Cũng tại Nazareth, đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu được nuôi dưỡng.

Ngài học được lối cầu nguyện một mình ở nơi vắng vẻ.

Đức Giêsu có khả năng thấy sự hiện diện yêu thương của Cha nơi mọi sự,

nơi một bông hoa, nơi chim trời, nơi ánh nắng và cơn mưa.

Tình thân của Con đối với Cha ngày càng trở nên sâu đậm.

Ngài tìm ý Cha mỗi lúc và để Cha chi phối trọn vẹn đời mình.

Hôm nay Đức Giêsu trở về làng cũ sau một thời gian đi sứ vụ.

Ngài vào lại hội đường quen thuộc, gặp lại những khuôn mặt đồng hương.

Không rõ trước đây có lần nào bác thợ Giêsu được mời giảng ở đây chưa.

Nhưng lần này, khi trở về với tiếng tăm từ những phép lạ làm ở nơi khác,

Đức Giêsu đã khiến dân làng sửng sốt vì sự khôn ngoan trong lời giảng dạy.

Hai lần họ đặt câu hỏi: Bởi đâu ông ta được như thế? (cc. 54. 56).

Một câu hỏi rất hay, nếu được tìm hiểu một cách nghiêm túc.

Câu hỏi này có thể đưa họ đi rất xa, để gặp được căn tính của Đức Giêsu.

Tiếc thay, dân làng Nazareth lại không quên được nghề nghiệp của cha Ngài.

Họ nhớ rất rõ họ hàng gần xa của Ngài là mẹ và các anh chị.

Họ có thể kể tên từng anh chị em của Ngài, vì đều là bà con lối xóm (c. 55).

Đức Giêsu là người mà họ biết quá rõ từ thuở ấu thơ.

Làm sao con người bình thường, ít học đó lại có thể là một vị ngôn sứ?

Làm sao từ ngôi làng Nazareth vô danh này lại xuất hiện ngôn sứ được?

Và họ vấp ngã vì Đức Giêsu, nghĩa là họ đã không tin vào Ngài.

Cái biết gần gũi của họ về Ngài lại trở nên thành kiến

khiến họ không thể tiến sâu hơn vào mầu nhiệm con người Đức Giêsu.

Người đồng hương của Ngài đã không trả lời được câu hỏi: Bởi đâu…?

Mỗi con người là một mầu nhiệm mà ta phải khám phá mãi.

Có những mầu nhiệm lớn ẩn trong lớp áo tầm thường.

Dân làng Nazareth đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng.

Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi,

để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nazareth đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

 

SUY NIỆM 2: Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn

(‘Lẽ Sống’ – Radio Veritas Asia)

“Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn…”

Có lẽ không một người công giáo Việt Nam nào mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse… Tác giả đã sáng tác ca khúc trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40 – 50 và cũng như thánh Giuse, đã ra đi âm thầm trong một cái chết vô cùng bí ẩn sau ngày thay đổi chế độ.

Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam. Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết. Với khẩu hiệu lao động là vinh quang… dường như sau năm 1975, người Việt Nam nào cũng đã hơn một lầm mồ hôi nhễ nhại với cây cuốc, cái cày hoặc còng lưng trên chiếc xích lô đạp…

Trong cảnh sống đó, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách…

Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực…

Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.

Hôm nay là ngày lao động Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trồi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao…

Ðối với người Kitô, ngày Quốc tế lao động này gắn liền với con người của Thánh cả Giuse, quan thầy và gương mẫu của giới cần lao. Do đó ngày hôm nay đối với chúng ta phải là một ngày của suy tư và cầu nguyện. Suy tư về ý nghĩa và giá trị những công việc hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện cho mọi người biết nhận ra sự hiện diện và tác động và lời kêu mời của Chúa trong cuộc sống…

 

SUY NIỆM 3: Thánh Giuse: người lao động.

“Con bác thợ mộc”! Lời phát biểu này không có gì là khinh chê, chỉ tỏ vẻ ngạc nhiên, người ta không thể tưởng tượng được cậu con trai tầm thường, mà mọi người trong làng Nadarét đều biết con của Giuse sống trong tối tăm. Thế mà mọi người đều thấy cậu khôn ngoan, đầy quyền lực làm phép lạ. Luca đã dẫn hai câu châm ngôn ngắn gọn: Ngôn sứ không ở quê nhà! thầy thuốc không thiêng cho bà con! để giải thích hoàn cảnh này, họ còn đi xa hơn nữa biến đổi sự ngạc nhiên ra sự xúc phạm: họ dận dữ và quyết định giết đi cho khuất mắt. Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều có nói: Đức Giê-su không muốn và cũng không thể làm được phép lạ vì họ cứng lòng tin… Những Phúc Âm hoang đường đã viết, Người đã làm nhiều điều kỳ diệu để tỏ cho họ biết Người là vị anh hùng vĩ đại, chỉ giản dị với danh hiệu: “Con bác thợ mộc”. Bác thợ mộc không có một ngôn sứ, không biết ăn nói, Giêsu chỉ là con ông Giuse thinh lặng thôi…

Giuse, Ngài đã nhận những lệnh của trời không qua cuộc đàm thoại như Ma-ri-a và Giacaria, nhưng qua giấc mơ, Ngài không thể nói gì, chỉ biết tỉnh dậy vâng lời; Giuse chỉ nói một tiếng như thiên sứ bảo; đặt tên con trẻ sinh ra bởi Ma-ri-a là Giêsu (có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ như Giosuê). Ngài đã nhận lệnh đặt tên, để biểu lộ Ngài được những đặc quyền thuộc dòng dõi David. Đó là dấu chỉ ân phúc cho Ngài như thiên sứ nói để giải tỏa nỗi âu lo của Ngài trước sự mang thai của Ma-ri-a: Giuse con dòng David… đó là vai trò thừa kế, không phải bằng đời sống huyết nhục, nhưng bằng sự nghiệp phong phú của lịch sữ Israel để thực hiện lời hứa với David. Nơi người con nuôi duy nhất của mình… vâng, Giuse chỉ nói một tiếng Giêsu, nhưng tiếng nói này quyết định cho lịch sử cứu độ. Rồi Ngài lại đi vào thinh lặng.

Như Claude đã viết: “Khi những dụng cụ được xếp vào chỗ của chúng rồi thì công việc trong ngày đã xong. Khi con lạc đà ở sông Giócdan ở Israel ngủ trong cánh đồng lúa về ban đêm… thì Giuse đi vào trong cuộc nói chuyện của Thiên Chúa với những tiếng thở dài không dứt…”.

L.P

 

SUY NIỆM 4: Thánh Giuse Thợ

(tonggiaophanhanoi.org // Enzo Lodi )

  1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Lễ này đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập năm 1955 và được ấn định vào ngày 1 tháng 5 để mang lại cho lao động một chiều kích Kitô-giáo. Thật vậy, khuôn mặt thánh Giuse, người thợ mộc ở Nagiarét, đã kỳ diệu góp phần giúp chúng ta hiểu được giá trị và sự cao cả của giới lao động. Từ Hy-lạp Tectôn được dịch là “thợ mộc” gán cho Giuse có lẽ chỉ định người thợ mộc, thợ đá hoặc thợ kim loại và cũng có thể là thợ xây dựng nhà cửa.

Do truyền thống gia đình, chắc chắn Đức Giêsu đã được hướng dẫn để làm nghề này. Vì thế, chúng ta đọc trong Tin Mừng của Marcô: (Đức Giêsu) không phải là bác thợ, con Bà Maria sao? (Mc 6,3). Đối với người Do Thái thuộc thời soạn thảo Kinh thánh, công việc tay chân cũng thánh thiêng, đối với các Rabbi hay các tư tế cũng thế. Các Rabbi bình giảng sách Giảng viên cũng nói: “Con hãy lo cho mình có được một nghề nghiệp, song song với việc học hỏi lẽ khôn ngoan”. Thế rồi, không những hành nghề mà thôi, song còn phải truyền nghề cho con cái vì như sách Talmud đã chép: “Kẻ nào không dạy nghề tay chân cho con mình, kẻ đó như thể cướp mất sự nghiệp sinh tồn của con cái”. Sách này còn nhấn mạnh đến tính chất thánh thiêng và giá trị của công việc tay chân: “Người thợ, trong lúc lao động, không buộc đứng dậy tiếp bậc kinh sư cho dù là vị cao trọng nhất… Kẻ nào giúp ích cho người đồng loại bằng sức lao động của mình thì cao trọng hơn người học biết Thiên Chúa… Kẻ nào nuôi sống mình bằng sức lao động thì cao trọng hơn người vô công rỗi nghề, chỉ biết giam mình trong các tâm tình đạo đức…”

  1. Thông điệp và tính thời sự
  2. Lời nguyện trong Thánh lễ gợi cho chúng ta “Gương thánh Giuse”, được Tin mừng gọi là “người thợ mộc” (Mt 13,55). Truyền thống cho thấy ngài sống thân tình với Đức Maria, hôn thê của mình và với trẻ Giêsu, chính Người cũng được gọi là “bác thợ mộc” (Mc 6,3). Như thế cả ba vị đều tôn vinh Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ; Người muốn con người lao động để tôn vinh Người và tiếp tục công trình sáng tạo của Người (lời nguyện nhập lễ).
  3. Bài đọc – Kinh sách, trích Vaticanô II (Hội thánh trong thế giới ngày nay) làm nổi bật ý nghĩa Kitô giáo trong các sinh hoạt của con người. “Nổ lực này đáp ứng với ý định của Thiên Chúa… Điều ấy cũng bao gồm các sinh hoạt thông thường nhất. Vì con người, nam cũng như nữ, khi nuôi sống mình và gia đình, đều phải hoạt động phục vụ xã hội. Họ có quyền nghĩ rằng sức lao động của họ mở mang công cuộc của Đấng tạo hóa và mang lại hạnh phúc cho các anh chị em, cũng như khả năng riêng của mỗi người, cũng góp phần kiện toàn kế hoạch của Thiên Chúa trong lịch sử”. Nơi khác, cũng Hiến chế này ghi nhận: “Nhờ việc làm của mình dâng lên Thiên Chúa, con người cộng tác vào chính công cuộc cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã nâng cao giá trị của việc làm khi Người làm việc với chính hai bàn tay của mình tại Nagiarét. Do đó, mỗi người có bổn phận phải trung thành làm việc và cũng có quyền làm việc nữa” (Vaticanô II: LG 67,2).

 

SUY NIỆM 5: Thánh Giuse

(giaophanvinhlong.net)

Gương thánh nhân: Năm 1955, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII đã lập lễ thánh Giuse thợ. Mỗi năm kính nhớ vào ngày 1 tháng 5, ngày mà hầu hết các nước trên thế giới chọn làm ngày lễ lao động, tán dương khích lệ công lao con người đã dùng tài năng sức lực của mình để phục vụ đồng loại. Đức Giáo Hoàng đã nói rõ ý nghĩa ngày lễ thánh Giuse thợ như sau:

“Chắc chắn chúng ta phải hân hoan, vì người thợ vô danh ở Na-da-rét chẳng những là hiện thân cho giá trị chân tay trước mặt Chúa và Hội thánh mà còn là vị Giám hộ mẫn tiệp của mọi người và của các gia đình và các bạn lao động.”

Như chúng ta biết, thánh Giuse được Chúa chọn làm cha nuôi Chúa Giêsu, khi Người sinh ra làm người để cứu độ nhân loại. Thánh nhân là người công chính, luôn tuân hành thánh ý Chúa, sẵn sàng vâng nghe và làm theo lời Chúa dạy. Ngài tận tâm bảo vệ Đức Mẹ, nhiệt thành cộng tác với Mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc Chúa Giêsu. Để chu toàn sứ mệnh đó. Ngài làm nghề thợ mộc vất vả hằng ngày. Ngài lấy sức lao động của mình bảo đảm cuộc sống hằng ngày của Thánh gia.

Ngài là gương mẫu cho mọi người sống nghề lao động chân tay và cách riêng cho các Kitô hữu: lương thiện, cần mẫn, siêng năng làm việc lo cho gia đình. Chẳng những lo cho gia đình mà còn phát triển xã hội và tôn vinh Chúa, vì theo thánh công đồng Vaticanô II: “Đối với các tín hữu, chỉ có một điều chắc chắn là: hoạt động cá nhân cũng như tập thể của nhân loại, các nỗ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế kỷ là nhằm cải thiện hoàn cảnh sinh sống. Việc này tự nó phù hợp với ý định của Thiên Chúa.

Thật vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó. Họ phải cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện. Nhận diện Thiên Chúa là Đấng sáng tạo mọi loài, họ phải quy hướng cả bản thân mình cũng như muôn vật về Người: để khi con người chinh phục được tất cả, thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu.

Điều đó cũng ứng dụng cho những công việc rất thường nhật. Khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, những người đàn ông, đàn bà hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu, đều có lý để coi lao động của mình tiếp nối công trình của Đấng Tạo hóa, phục vụ đời sống của anh em và đóng góp công lao vào việc hoàn thành chương trình của Thiên Chúa trong lịch sử.” 1

Thánh Giuse là gương mẫu của người lao động. Ngài còn là vị Giám hộ của những người làm việc chân tay. Và Ngài là vị Giám hộ đắc lực nhất, như lời Đức Thánh Cha Pi-ô XII nói: “Không có vị Giám hộ nào có đủ khả năng linh nghiệm truyền thông Phúc Âm cho đời sống thợ thuyền bằng thánh Giuse thợ.”

Quyết tâm: Hằng ngày, tôi siêng năng làm việc, để giúp ích cho gia đình, xã hội, theo gương thánh Giuse, và chuyên cần kêu xin thánh nhân cầu thay nguyện giúp cho những người lao động nghèo khổ, bất hạnh.

Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa tạo thành trời đất, Chúa đã muốn cho con người lao động để tiếp tục công trình của Chúa.Xin nhận lời thánh cả Giuse chuyển cầu, mà cho chúng con biết noi gương người để lại, là chu toàn nhiệm vụ Chúa đã giao phó, hầu được hưởng niềm vui Chúa đã hứa cho tôi tớ trung thành.

 

SUY NIỆM 6: Thánh Giuse Thợ

(Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT)

Viết về thánh Giuse, chúng ta như có một cái gì đó thật ngỡ ngàng về con người im lặng trầm lắng của Người. Nhưng, thánh Giuse lại là một Người đầy quyền thế trước mặt Chúa Giêsu đến nỗi thánh Têrêsa Avila đã cảm nghiệm sâu sắc về vai trò của thánh Giuse, Ngài viết: ”…Trên trời thánh Giuse truyền lệnh hơn là van xin”.

Hôm nay ngày 01/5, ngày Quốc Tế Lao Động, cũng là ngày thánh Giuse được tôn vinh làm Bổn Mạng giới lao động.

CON NGƯỜI CỦA THÁNH GIUSE: MỘT HUYỀN NHIỆM: Nói đến thánh Giuse, mọi người đều hiểu rằng thánh nhân là một con người hoàn toàn im lặng, hầu như không được các Tin Mừng ghi chép lại một lời nào do miệng Người thốt ra. Nhưng chính sự im lặng của thánh nhân giúp chúng ta nghiệm ra mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thánh Giuse sở dĩ im lặng là để giúp nhân loại nhận ra rằng Thiên Chúa nói đã đầy đủ, bao gồm tất cả và thánh nhân không cần phải thêm gì vào Lời của Thiên Chúa.Thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngắm mầu nhiệm Con Thiên Chúa. Suốt cuộc đời của Người ở làng quê Nagiarét, thánh nhân vẫn im lặng hơn là nói. Sự thinh lặng của thánh Giuse luôn mang ý nghĩa lớn lao về sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể nói về thánh Giuse mà không sợ quá lời, Ngài thinh lặng trong chiêm niệm để Chúa Thánh Thần dẫn đưa cuộc đời Ngài và để Ngài hoàn toàn tự do hành động theo ý của Thiên Chúa. Đây là một điều kỳ diệu, một huyền nhiệm cao siêu của cuộc đời thánh Giuse. Thánh Giuse đã thinh lặng để lắng nghe, để đón nhận và để cho trái tim mới của mình hướng dẫn và chỉ bảo con đường của Ngài theo ý của Thiên Chúa. Đúng là thánh Giuse đã biết lắng nghe, biết mở rộng tấm lòng để sống hiệp thông với Thiên Chúa.

THÁNH GIUSE LÀ MẪU GƯƠNG LAO ĐỘNG: Theo Tin Mừng, thánh Giuse sống ở Nagiarét, làm nghề thợ mộc để nuôi sống bản thân và gia đình. Thánh Giuse đã sống đời lao động theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Bởi vì, việc nhập thể của Chúa Giêsu làm người để sống với, sống vì, sống cho nhân loại, cho con người mở ra cho thấy thế giới được Thiên Chúa cứu độ. Thế giới nếu không có sự hiện diện của Thiên Chúa, thế giới sẽ thiếu vắng và không được cứu độ. Việc lao động của con người nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Con người với những suy nghĩ, với sự thiện chí của mình đã không chỉ nghĩ đến lợi nhuận, nghĩ đến làm giầu và tích lũy của cải, vật chất, nhưng có rất nhiều người,nhiều nhóm, nhiều phong trào đã đưa lao động càng lúc càng tiến gần đến kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Lao động sẽ không còn là đơn điệu, lập đi lập lại hàng ngày những công việc, những cách làm một cách máy móc, cho có lệ, qua loa để mau hết giờ để kiếm nhiều lợi ích, tiền của cho cá nhân, cho bản thân của mình, nhưng lao động theo mẫu của thánh Giuse là làm cho lao động mang một ý nghĩa cứu độ và phục vụ, lao động theo lời mời gọi của Thiên Chúa.

Thánh Giuse quả thực đã sống hoàn toàn theo tiếng gọi của Chúa và làm việc cũng theo tác động và lời mời gọi của Chúa. Do đó, ngày hôm nay, ngày Quốc Tế lao động chúng ta hãy cầu nguyện và noi gương bắt chước thánh Giuse sống, lao động theo đúng ý nghĩa lao động là góp tay làm vinh quang cho Thiên Chúa qua sự sáng tạo vũ trụ, con người và làm việc là để ơn cứu rỗi được chan hòa nơi thế giới này.

Lạy  Thiên Chúa tạo thành trời đất, Chúa đã muốn cho con người lao động để tiếp tục công trình của Chúa. Xin nhận lời thánh cả Giuse chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương Người để lại là chu toàn nhiệm vụ Chúa đã giao phó hầu được hưởng niềm vui, Chúa đã hứa cho tôi tớ trung thành 9 Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Giuse thợ ).

 

SUY NIỆM 7: Thánh Giuse.

(theovetchannguoi)

Ứng với việc tổ chức “Ngày Lao Ðộng” khắp nơi trên thế giới,  Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập ngày lễ Thánh Giuse Thợ vào năm 1955. Nhưng sự liên hệ giữa Thánh Giuse và ý nghĩa lao động đã có từ lâu trong lịch sử.

Trong nỗ lực cần thiết để nói lên nhân tính của Ðức Giêsu trong đời sống thường nhật, ngay từ ban đầu Giáo Hội đã hãnh diện nhấn mạnh rằng Ðức Giêsu là một người thợ mộc, hiển nhiên là được cha nuôi của Người huấn luyện, một cách thành thạo và khó nhọc trong công việc ấy. Nhân loại giống Thiên Chúa không chỉ trong tư tưởng và lòng yêu thương, mà còn trong sự sáng tạo. Dù chúng ta chế tạo một cái bàn hay một vương cung thánh đường, chúng ta được mời gọi để phát sinh kết quả từ bàn tay và tâm trí chúng ta, nhất là trong việc xây đắp Nhiệm Thể Ðức Kitô.

Lời Bàn

“Sau đó Thiên Chúa đưa người đàn ông vào sống trong vườn Êđen, để cầy cấy và chăm sóc khu vườn” (Sáng Thế 2:15). Thiên Chúa Cha đã tạo dựng nên mọi sự và muốn con người tiếp tục công trình tạo dựng ấy. Con người có phẩm giá là qua công việc, qua sự nuôi nấng gia đình, qua sự tham dự vào đời sống sáng tạo của Chúa Cha.

Thánh Giuse Thợ có thể giúp chúng ta tham dự một cách sâu xa vào mầu nhiệm tạo dựng ấy. Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã nhấn mạnh đến điều này khi nói, “Thần khí chan hòa trên bạn và mọi người phát xuất từ con tim của Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ðấng Cứu Ðộ trần gian, nhưng chắc chắn rằng, không người lao động nào được thấm nhuần thần khí ấy một cách trọn vẹn và sâu đậm cho bằng cha nuôi của Ðức Giêsu, là người sống với Ngài một cách mật thiết trong đời sống gia đình cũng như làm việc. Do đó, nếu bạn ao ước muốn đến gần Ðức Kitô, một lần nữa chúng tôi lập lại rằng, ‘Hãy đến cùng Thánh Giuse”” (xem Sáng Thế 41:44).

 

SUY NIỆM 8: Lễ thánh Giuse thợ

(Antôn Lương Văn Liêm)

Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Tay làm thì hàm nhai, tay quai thì miệng trễ”, với thánh Phaolô thì: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2Tx.3,10). Vâng! Đã mang lấy kiếp nhân sinh thì dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, quyền uy hay bần cùng, đời tu hay đời thường… ai cũng phải lao động vất vả mới có miếng ăn. “Lao động là vinh quang”, đây là câu nói khích lệ, trân trọng tất cả những ai đã và đang ngày đêm làm lụng vất vả trong việc mưu kế sinh nhai, trong việc giáo dục, chuyển giao luân lý, tri thức, khoa học, y học cho tầng lớp kế thừa…

Không vinh quang sao được! Vì làm việc, lao động tất cả đều khởi đi từ Thiên Chúa, Đấng hoạt động, làm việc không ngưng nghỉ như lời minh định của Đức Giêsu: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga.5,17). Thiên Chúa là Đấng lao động và thực hiện công việc của Ngài  với mục đích duy nhất là bầy tỏ và trao ban tình yêu.

Vì yêu Thiên Chúa đã thực hiện việc tác dựng vũ trụ, vạn vật; vì yêu Thiên Chúa tác dựng và trao ban sự sống cho con người nhân loại, vì yêu mà Thiên Chúa thực hiện một công việc vĩ đại khi tự hạ bước xuống cõi trần mặc lấy thân xác con người yếu đuối, hữu hạn  để dạy dỗ và cứu độ con người nhân loại….Khi mặc lấy kiếp phàm nhân (ngoại trừ tội lỗi), Thiên Chúa qua con người của Đức Giêsu, Ngài cũng có một cái tên là Giêsu thành Na-ra-rét, được sinh ra và lớn lên trong mái ấm gia đình, có mẹ là Đức Trinh Nữ Maria và dưỡng phụ là Thánh Cả Giuse, điều mà những người Do Thái khi xưa đã nói về Đức Giêsu Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa: “Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ ông không phải là bà Maria sao?” (Mt.13,55); “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả”(Ga.6,42).

Thực trạng xã hội hôm nay, vì chạy theo lối sống “văn hóa thành công” đã và đang làm hình ảnh những người thợ trong mọi lĩnh vực, từ trong nhà đạo cho đến bình diện xã hội không còn mang những nét đẹp, cao thượng, mang những trái tim thịt mềm của Thiên Chúa. Nói theo cách của những anh em làm nghề xây dựng khi ta thán về cách nghĩ và hành động của công nhân: “Họ làm theo lương tuần, chứ không theo lương tâm”, nói như thế không có nghĩa là “vơ đũa cả nắm”, nhưng điều này đang là một đại dịch, là ung nhọt gây nhức nhối cho gia đình, Giáo Hội và xã hội. 

Trong ngày lễ kính Thánh Giuse Thợ, Đấng bảo trợ cho tất cả những ai đang ngày đêm làm việc, lao động. Trước tiên ta cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho ta sự sống, sức khỏe, tri thức để giúp ta lao động, làm việc, trước là tạo của ăn nuôi thân, giúp ích cho đời, Ngài mời gọi ta cùng cộng tác với Ngài trong chương trình sáng tạo và bảo tồn những gì mà Ngài đã tác dựng, ta cảm tạ Ngài vì Ngài đã và đang song hành, cùng làm việc với ta trong từng ngày sống.

Khi chiêm ngắm hình ảnh và gương sống của Thánh Cả Giuse, một người thợ, dẫu trong Kinh Thánh không nói nhiều về Ngài, không tường thuật một lời nào của Ngài, ngoại trừ lời giới thiệu của thánh sử Mát-thêu: “Ông Giuse, chồng bà là người công chính” (Mt.1,19). Vâng! Với niềm tin vào Thiên Chúa một cách đơn sơ, khiêm nhường, xin vâng theo Thánh ý Thiên Chúa một cách mau lẹ, không do dự; lòng quảng đại và từ bỏ ý riêng, ước mơ và sở thích của mình để thuận theo ý Chúa; chấp nhận và đón nhận những điều trái với ý riêng mình, đặc biệt là thấm nhuần Kinh Thánh và có một trái tim bao dung, yêu thương của Thiên Chúa. Tất cả những đức tính đó đã giúp cho Thánh Nhân lọt vào tầm ngắm của Thiên Chúa khi Ngài mời gọi và trao ban cho Thánh Nhân trách vụ trở thành người bạn đời của Đức Maria, trở thành dưỡng phụ của Đấng Cứu Thế.

Hướng về Thánh Cả Giuse, Ngài là một người thợ, người lao động, người chủ gia đình gương mẫu, thánh thiện, là cành huệ trắng luôn tỏa hương thơm ngát và không bao giờ tàn phai, ta nguyện xin Thánh Nhân giúp ta biết noi gương sống của Ngài, luôn tin tưởng và phó thác cuộc đời cho bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, giúp ta thực hiện mọi công việc từ lời nói tới hành động bằng một tình yêu, yêu Chúa và yêu người, ta xin Ngài cầu thay nguyện giúp cùng Thiên Chúa, nhất là với Thánh Tử Giêsu, để nhờ ơn Chúa giúp ta sáng suốt hơn, khôn ngoan hơn trong việc tìm kiếm kế sinh nhai, luôn chu toàn bổn phận của mình trong gia đình, cộng đoàn và ngoài xã hội, luôn là một người thợ chân chính. Cuối cùng ta nguyện xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Cả Giuse giúp ta và nhất là những vị lãnh đạo Giáo hội, những nhà truyền giáo luôn là những người thợ lành nghề trong cánh đồng truyền giáo còn bao la bát ngát giữa thế giới hôm nay.

Thánh nữ Têrêsa Avila đã quả quyết một cách mạnh mẽ khi Thánh Nhân cầu cùng Thánh Cả Giuse: “Chưa bao giờ tôi xin Thánh Giuse điều gì mà Ngài không nhận lời”

Để kết thúc xin mượn lời cầu của thánh nữ Têrêsa Avila: “Lạy Thánh Cả Giuse! Trong suốt cuộc đời, Cha là niềm hy vọng, khi sinh hạ Chúa Giêsu, khi trốn sang Ai Cập, khi sống những ngày tha hương. Cha đã tìm thấy sức mạnh trong sự tin tưởng sắt đá vào quyền năng và lòng Nhân Lành của Chúa.

Hôm nay! Chúng con hết lòng trông cậy, chạy đến cầu xin Ngài. Xin Ngài hiệp lời cầu với chúng con, để xin Con Ngài nâng đỡ chúng con trong cơn khốn khó, xin Ngài ban sức mạnh để chúng con tiến lên như Ngài đã đã vượt thắng. xin Ngài ban cho chúng con ơn trông cậy mà Ngài đã có như ánh sáng hướng dẫn mọi ngày trong đời chúng con. Amen.”

 

SUY NIỆM 9: Lao động biểu lộ vinh quang của Chúa Giêsu phục sinh

(Lm. Giuse Đinh Quang Thịnh)

Chúa Giêsu khi từ cõi chết sống lại, Ngài hiện ra với bà Maria Madalêna, Ngài không tỏ  vinh quang như trên núi Hiển Dung cho các môn đệ (x Mt 17), mà bà Maria Madalêna thấy Chúa Giêsu Phục Sinh tưởng đó là người làm vườn (x Ga 20,15). Chúa Giêsu Phục Sinh hữu ý mang dáng dấp người làm vườn là Ngài muốn nối tiếp sứ mệnh Thiên Chúa trao cho ông Adam phải canh tác vườn, nói lên quyền làm chủ vạn vật Thiên Chúa đã tạo dựng (x St 1,26 – 2,3.15), để Đức Giêsu trở nên mẫu người lao động cho cả loài người. Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Thiên Chúa làm người, cho con người được làm Thiên Chúa”. Nghĩa là nơi Đức Giêsu có hai bản tính: Bản tính loài người và bản tính Thiên Chúa. Do đó ai muốn trở nên giống Thiên Chúa trong bản tính loài người, thì phải lao động việc trần thế, và qua Bí tích Khai Tâm, con người đã được thông dự vào bản tính Thiên Chúa, thì còn phải lao động vào việc Nước Thiên Chúa.

  1. VỚI BẢN TÍNH LOÀI NGƯỜI, ĐỨC GIÊSU LAO ĐỘNG  VIỆC TRẦN THẾ.

Suốt ba mươi năm đầu cuộc đời Đức Giêsu, trong xưởng mộc với ông Giuse, cha Ngài tại Nazareth, thì người ta chỉ nhìn Ngài là “con bác thợ mộc” (x Mt 13,55), Ngài nói: “Con không thể làm gì tự mình, nhưng mọi sự đều vì đã trông thấy Cha làm, điều gì Người làm thì Con cũng làm như thế” (Ga 5,19).

Giáo huấn của Công Đồng Vat.II, dạy chúng ta biết về giá trị lao động trần thế: “Hoạt động của con người phát xuất từ con người, nên quy hướng về con người. Thật vậy, khi làm việc, con người không những biến đổi sự vật và xã hội, mà còn cải thiện chính mình. Bởi vì khi làm việc, con người học biết được nhiều điều, phát triển tài năng, cũng như thoát ra và vượt khỏi chính mình (*). Nếu được hiểu cho đúng thì, sự tăng triển này còn đáng gía hơn mọi của cải thu tích được. Giá trị của con người hệ tại ở “CÁI MÌNH LÀ” hơn là ở “CÁI MÌNH CÓ”. (x Hiến Chế Hội Thánh Trong Thế Giới Hôm Nay số 35).

 Như thế làm việc không nhất thiết phải đạt thành công trước mắt, nhưng đã trở nên nghĩa người hơn. Chính Đức Giêsu suốt đời làm việc không ngơi nghỉ giống Cha trên trời (x Ga 5,17), thế mà cuối đời xem ra thất bại, bị mọi người khai trừ! Nhưng chính lúc ấy, Tổng trấn ngồi xử án, lại chỉ riêng vào Đức Giêsu đang đứng trước một rừng người, và ông lớn tiếng tuyên bố: “Này là Người” (x Ga 19, 5).

Kinh thánh kết án kẻ lười: “Kẻ lười tệ kém hòn phân, ai mà đụng nó là tay phủi liền” (Hc 22,2).Ai không chu toàn bổn phận mình, nó là anh em với quân phá hoại (x Cn 18,9).

(*) Khi làm việc con người được THOÁT RA: tức là thoát ra khỏi kiếp loài vật, vì con vật ăn sẵn những gì Thiên Chúa hoặc con người tạo nên cho nó: như con sâu ăn lá cây, con gà ăn giun, con heo ăn cám… Trái lại, con người dùng thực phẩm do tay mình làm ra.

Khi làm việc con người VƯỢT KHỎI CHÍNH MÌNH, tức là nhờ làm việc, con người có thêm của cải để chia sẻ. Chính nhờ biết chia đi, mà con người được biểu lộ giống Chúa, vì Thiên Chúa làm mọi sự chỉ để ban tặng cho loài người.

  1. VỚI BẢN TÍNH THIÊN CHÚA, ĐỨC GIÊSU HẾT LÒNG LÀM VIỆC NHẰM THIẾT LẬP NƯỚC THIÊN CHÚA LÀ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO.

Tất cả những việc Đức Giêsu làm trong sách Tin Mừng ghi lại chỉ nhằm mục đích cho mọi người nhận biết Ngài là Thiên Chúa cứu độ duy nhất (x Cv 4,12), để dạy mọi người cách sống yêu. Đức Giêsu đã biểu lộ tình yêu của Ngài qua việc làm: Kẻ đói Ngài cho ăn, người bệnh tật Ngài chữa lành, nhất là Ngài hết lòng rao giảng Lời Chúa Cha nhằm cứu độ loài người,và huấn luyện các môn đệ để nối tiếp sứ mệnh của Ngài. Những việc làm ấy, chỉ có giảng Lời và huấn luyện môn đệ, dù người ta chống đối, loại trừ, nhưng vẫn còn tồn tại cho đến tận thế. Như vậy, giảng Lời và huấn luyện con người,tạo chất xám phục vụ Nước Thiên Chúa quan trọng nhất. Vì ngay khi Đức Giêsu còn trên dương thế, những ai chỉ muốn Ngài cho bánh ăn, hoặc được lành bệnh, thì Ngài trốn đi cầu nguyện! (x Lc 4).

Thánh Giuse trong Tin Mừng chỉ cho biết ông làm  nghề thợ mộc, công việc này để phụ giúp Đức Maria nuôi dưỡng Đức Giêsu. Nhưng ông khuất đi rất sớm, thì chắc chắn Đức Giêsu phải vất vả tiếp nối công việc của cha Giuse để phụ kinh tế trong gia đình với Mẹ Ngài. Thế thì việc lao động cơ bắp của ông Giuse không quan trọng lắm, mà quan trọng nhất là ông luôn tỉnh thức mau mắn làm theo Lời Chúa dạy, để đóng góp vào chương trình cứu độ loài người Con Thiên Chúa thực hiện.

Thực vậy, ông Matthêu ghi lại ba lần trong đêm tối ông Giuse mau mắn chỗi dậy thực thi Lệnh Chúa truyền:

– Lần I: Ban đêm Chúa ra lệnh cho ông Giuse phải chỗi dậy đón Maria, vợ ông về chung sống, để Maria sinh Con Đấng Tối Cao được an toàn, nếu không sẽ bị người đời ném đá, và ông còn có nhiệm vụ đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu, để Đức Giêsu được sinh ra làm ứng nghiệm lời Sách Thánh đã tiên báo Đấng Cứu Thế thuộc dòng vua Đavid, vì ông Giuse thuộc dòng này (x Mt 1,18t).

– Lần II: Ban đêm Chúa ra lệnh cho ông Giuse mau chỗi dậy để đưa Hài Nhi trốn sang Ai Cập, vì vua Hêrôđê đang lùng kiếm giết Hài Nhi (x Mt 2,13-18).

– Lần III: Đang đêm Chúa bảo ông Giuse chỗi dậy đưa Maria và Hài Nhi trở về Nazareth, vì Ngài có sứ mệnh giải phóng loài người thoát nô lệ Satan, hơn sứ mệnh của ông Môsê đưa dân Do Thái thoát nô lệ Ai Cập (x Mt 2,19-23).

Ba lần trong đêm ông Giuse chỗi dậy làm theo ý Chúa tiên báo về Đức Giêsu sau ba ngày từ cõi chết sống lại, để hoàn tất việc giải phóng loài người thoát tay tử thần.

Như thế, qua Kinh Thánh Chúa muốn mọi người xác tín: Phải chu toàn việc Nước Thiên Chúa trước khi chu toàn việc trần thế, thì cuộc đời con người mới hạnh phúc. Chính vì thế mà kẻ nào chỉ lo chạy đến cầu cứu Đức Giêsu cho của ăn vật chất, hoặc được lành bệnh, thì Ngài đã trốn họ. Nếu họ cứ tìm đến Ngài, Ngài phải lên tiếng nhắc nhở: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”. Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Đức Giêsu trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6,27-29).

Vậy mọi người muốn được Chúa chăm sóc, thì phải thực hành Lời Ngài dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

 “Tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước nhất”, cụ thể là mau mắn làm theo ý Chúa để chung tay phát triển Tin Mừng, xây dựng Hội Thánh, với tinh thần thánh Tông Đồ dạy: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha. Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời,vì biết rằng anh em sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban, là gia nghiệp dành cho dân Người. Đức Kitô là Chủ, anh em hãy phục vụ Người” (Cl 3,14.17,23-24: Bài đọc).

Muốn sống tinh thần lao động như Đức Giêsu, như thánh Giuse, ta phải cầu nguyện: “Lạy Chúa, việc tay chúng con làm xin Ngài củng cố” (Tv 90/89,). Để “ngày lại ngày, xin chúc tụng Chúa, Thiên Chúa cứu độ ta, Người đỡ nâng ta” (Tv 68/67,20).

Lễ thánh Giuse Lao Động được đặt vào đầu tháng năm, tháng Hoa kính Đức Mẹ. Hội Thánh muốn con cái mình hãy làm việc với tinh thần giống Chúa Giêsu và thánh Giuse, để trở thành những bông hoa tươi thắm dâng kính Mẹ Maria.

Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời,vì biết rằng anh em sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban, là gia nghiệp dành cho dân Người. Đức Kitô là Chủ, anh em hãy phục vụ Người (Cl 3,23-24).

 

SUY NIỆM 10: Lễ thánh Giuse thợ: bổn mạng các người cha gia đình

(https://gxkimlong.wordpress.com)

Việc Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người trong một gia đình lao động không phải là một cớ vấp phạm (như đối với những người đồng hương của Chúa Giêsu thời bấy giờ), nhưng mang lại một ý nghĩa cao cả cho sinh hoạt của con người nơi trần  thế. Đó là một “Tin Mừng về lao động”, khi Con Thiên Chúa đi vào đời thường của con người để giúp thánh hóa lao động, nâng cao phẩm giá lao động và mang lại ý nghĩa cho lao động.

Lao động không phải là một hậu quả của tội lỗi, bởi vì trước khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã đặt họ vào vườn Ê-đen “để canh tác và chăm sóc”. Lao động chỉ trở nên “vất vả và  cực nhọc” khi Adong và Evà phạm tội: “ngươi phải đổ mồ hôi mới có miếng ăn”.

Nhưng giờ đây, với sự hiện diện của Chúa Giêsu trong gia đình nhân loại, xuyên qua một gia đình lao động, Ngài đã trả lại cho lao động giá trị của nó và làm  tăng thêm ý nghĩa.

Vạch ra các ý nghĩa khác nhau của lao động, trước tiên nêu lên:

+ ý nghĩa căn bản đầu tiên, đó là kiếm sống, nuôi sống bản thân. Thánh Phaolô nói: “Ai không làm thì đừng có ăn”. ừ đó mỗi người con trong giáo xứ đừng vì lười biếng mà trở nên một gánh nặng cho người khác, ăn bám người khác. Nhưng mỗi người hãy ra sức làm việc để có miếng ăn nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở ý nghĩa này mà thôi, thì con người vẫn thấp lè tè, vì mỗi ngày con gà, con vịt vẫn kiếm ăn.

+ Chính vì thế phải nâng cao ý nghĩa lao động con người, không chỉ kiếm tiền, kiếm sống mà  thôi, nhưng là qua lao động để hoàn thiện bản thân. Hoàn thiện không chỉ về mặt kỹ thuật, kỹ năng, nhưng còn về con người, cần được trưởng thành hơn trong nhân cách, được nhân bản hóa, trau dồi các đức tính con người: trở nên người hơn.

Bởi vì ý thức rằng một người thợ giỏi chưa phải là một con người tốt! Lao động là cơ hội con người khẳng định chính mình, như là một chủ thể lao động, với những quyền và nghĩa vụ.

+ Điều đó dẫn đến ý nghĩa thứ ba của lao động: lao động là phương tiện trao ban chính mình. Qua lao động, con người không chỉ ích kỷ nuôi sống bản thân, vơ vét cho chính mình, nhưng là trao ban và làm phong phú cho người khác: cho gia đình của mình và cho xã hội. Một người cha hay mẹ không đem tiền về nuôi sống gia đình và nuôi dưỡng con cái, nhưng đem tiêu xài, cờ bạc rượu chè, thì không phải là lao động đích thực. Và mỗi người chỉ góp phần xây dựng xã hội khi đóng góp xây dựng tích cực cho xã hội qua công ăn việc làm của mình.

Đó là tham gia vào công trình tạo dựng của Chúa bằng việc nhân bản hóa môi trường xã hội, bằng việc trao ban, như Thiên Chúa đã trao ban cho con người coi sóc và  canh tác vũ trụ, thì con người qua lao động cũng biết trao ban những gì mình làm  cho người khác.

+ ý nghĩa truyền giáo của lao động. Lao động là phương tiện để thánh hóa bản thân và thánh hóa đời sống xã hội. Nó góp phần vào việc loan báo Tin Mừng qua việc dấn thân xây dựng lòng tôn trọng phẩm giá con người, xây dựng công bằng và liên đới, không trở nên nô lệ cho công việc, cho đồng tiền (một Kitô hữu sửa xe mà gian dối thì không thể loan báo Tin Mừng được!).

Qua lao động, người Kitô hữu còn hướng đến chân trời vĩnh cửu là sự sống đời đời, chứ không chỉ hạn hẹp trong thế giới này, như Đức Bênêđíctô XVI đã nói: “Nếu không có tầm nhìn vào đời sống vĩnh cửu, sự phát triển con người sẽ thiếu sức sống trong thế giới này…” (Caritas in veritate, 11).

+ Sau cùng, đối với người Kitô hữu, lao động là họa lại hình ảnh của Chúa Kitô: không chỉ nhờ Chúa Kitô, cùng với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô thánh hóa lao động của mình, nhưng giờ đây, những làm lụng vất vả cực nhọc từ nay mặc lấy một ý nghĩa mới, chúng không còn là hậu quả của tội lỗi, nhưng là tham dự vào mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô. Qua lao động, con người cộng tác vào chương  trình cứu độ của Thiên Chúa.

Chính trong các ý nghĩa đó mà cha Quản xứ cầu chúc cho các người cha gia đình, trong ngày lễ bổn mạng của mình, không chỉ là những người xây dựng gia đình bằng làm lụng kiếm sống, nhưng còn là những con người biết tạo ra những giá trị và ý nghĩa trong gia đình của mình, những giá trị đức tin, luân lý và nhân bản. Đó là đỉnh cao của lao động, qua lao động con người là những chủ thể biết tạo nên các giá trị và ý nghĩa cho sinh hoạt của mình.

 

SUY NIỆM 11: Lao động như phụng tự

(http://giaoxuhungyen.org)

“Ông ấy không phải là con bác thợ sao?” (Mt 13,55)

Suy niệm: Khi Steve Jobs qua đời, nhiều người trên thế giới đã đặt nến và trái táo cắn dở trước các chi nhánh của tập đoàn Apple, bày tỏ lòng thương tiếc, tri ân một thiên tài đã làm thay đổi cuộc sống con người với các sản phẩm độc đáo như ipod, iphone và ipad.

Bên cạnh các tên tuổi lớn với những phát minh vĩ đại như ông, vẫn có đại đa số những con người vô danh không có một phát minh nào, nhưng lại đóng góp thật to lớn cho sự thiện hảo và hạnh phúc của con người.

Thánh Giu-se là một trong những người lao động thầm lặng ấy. Hội Thánh đặt ngài làm bổn mạng cho những người lao động âm thầm không chỉ để nói lên giá trị về các đóng góp cho hạnh phúc của gia đình và xã hội, mà còn để nêu cao mẫu gương sáng chói nhất của thánh nhân là: biến lao động thành một của lễ dâng để thờ phương Thiên Chúa.

Mời Bạn: Tựa như thánh Giu-se, công việc bạn làm không quan trọng, điều quan trọng trước mặt Chúa là cách bạn làm.

Ý hướng của bạn khi lao động và những đức tính cần thiết kèm theo khi lao động quyết định giá trị việc bạn làm trước cái nhìn của Thiên Chúa.

Sống Lời Chúa: Lao động là món quà yêu thương tôi gởi đến những người thân yêu mà tôi có nhiệm vụ chăm sóc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không giao phó việc giáo dục Đấng Cứu Thế cho một người cha nuôi là tiến sĩ luật hay một kinh sư, nhưng cho một bác thợ mộc.

Chúa muốn cho thấy giá trị cao cả trong lao động của con người, dù là những công việc thô sơ, đơn giản, thông thường. Xin cho chúng con có một cái nhìn mới về lao động, và sử dụng lao động như phương cách đẹp lòng Chúa.

 

SUY NIỆM 12: Thánh Giuse Lao động

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ kính Thánh Giuse Lao động.

Sở dĩ có Thánh lễ hôm nay là vì Giáo Hội muốn cho chúng ta ý thức được giá trị cao quí của lao động trong đời sống của mỗi người chúng ta.

Quả vậy, lao động có những giá trị to lớn nhưng nhiều khi chúng ta không nhìn ra.

Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” đã có những lời lẽ rất hay về vấn đề này: “Thực vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng mọi loài, họ qui hướng về Người chính bản thân mình cũng như muôn vật: Như thế, khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu. Những điều nhận định trên đây cũng ứng dụng được nơi những công việc hoàn toàn thường nhật. Thực vậy, trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình, họ tiếp nối công trình của Ðấng Tạo Hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử”.(Chương III số 34)

1. Lao động làm cho con người tìm được niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống mình.

Vào thời Trung cổ, có một tín hữu Kitô nọ muốn thực hiện một cuộc hành hương.

Sau vài ngày đi bộ, người đó bị lạc vào trong một khu rừng vắng. Tuy là khu rừng vắng nhưng hai bên đường, người ta cũng thấy có những người thợ đá đang cố gắng đục đẽo và vác trên vai từng tảng đá lớn đem về. Người khách hành hương mon men đến gần một người thợ, mồ hôi đang chảy ra nhễ nhãi và muốn gợi chuyện, nhưng người thợ đập đá ấy chỉ trả lời một cách nhát gừng:

– Ông không thấy tôi đang lao động một cách vất vả sao mà cứ hỏi hoài vậy?

Người khách hành hương tìm đến người thứ hai, người này còn có dáng vẻ nặng nhọc hơn. Được hỏi đang tham gia vào công trình xây dựng nào, người thợ này chỉ trả lời:

– Người ta thuê tôi làm việc, tôi chỉ biết rằng từ sáng sớm đến chiều tà, tôi đổ mồ hôi xôi con mắt ra là để kiếm cơm bánh cho vợ con tôi thôi, còn xây dựng gì thì tôi không cần biết.

Trong thinh lặng, người khách hành hương lại tiếp tục cuộc hành trình. Lên đến đỉnh đồi ông lại gặp một người thợ đập đá khác. Người này cũng có dáng vẻ mệt nhọc tiều tụy không kém 2 người trước, nhưng nhìn kỹ trong ánh mắt của người thợ đập đá này, người khách hành hương thấy toát lên một sự thanh thản và nhẫn nhục lạ thường. Đến gần người khách hành huơng lên tiến hỏi:

– Ông đang làm gì đó?

Người đàn ông mỉm cười và vui vẻ đáp:

– Ông không biết à, tôi đang góp công xây dựng một ngôi thánh đường

Và người thợ đập đá đưa tay chỉ xuống một thung lũng, nơi đó, người khách hành hương nhận ra một ngọn tháp cao và từng viên đá được xếp lại ngay ngắn để làm nên bốn bức tường của một ngôi thánh đường.

Vâng! Cùng một công việc nhưng người ta đã không có được một cái nhìn giống nhau về mục đích của nó. Và chính vì thế mà cuộc sống của con người khác nhau: Người thì được hạnh phúc, kẻ thì phải đau khổ. Hãy cố mà tìm ra cho cuộc đời của mình một ý nghĩa qua những công việc hằng ngày để từ đó chúng ta có thể có được thật nhiều niềm vui!

  1. Lao động còn giúp con người sống tình liên đới một cách tốt đẹp hơn.

Trong suốt mùa hè năm ấy, tôi có dịp quan sát một bé trai khoảng 12 tuổi, mỗi buổi sáng vào lúc 7 giờ, đến làng bên cạnh là địa phương chúng tôi để giao bánh mì. Đây là một em bé linh động, luôn vui vẻ và đúng giờ như một chiếc đồng hồ. Em dừng lại trước cửa những nhà giàu có muốn có bánh mì ăn sáng và sau đó lại vội vã đạp xe trở về nhà.

 Ngày nọ, tôi có một cuộc đối thoại lý thú với em bé này như sau:

– Mỗi buổi sáng em phải dậy sớm, vậy em tự mình dậy hay phải có ai thức em dậy?

– Má em! Má em đánh thức tất cả mọi người trong nhà, trước hết là em. Kế đó, má cho em ăn sáng và em ra đi. Sau đó, má đánh thức ba dậy, dọn xúp cho ba ăn trước khi ba đi làm. Rồi lại đến giờ đánh thức mấy đứa em của em dậy đi học. Xong xuôi tất cả thì má lo cho đứa út, cho nó uống sữa và cuối cùng mẹ tự dùng sáng.

Mỗi chuyến giao hàng buổi sáng em được người ta trả cho bao nhiêu?

– Mỗi tuần 20 quan. Em có 10 khách hàng.

– Thế ba em lãnh một ngày được bao nhiêu?

– 30 quan, em nghĩ vậy.

– Còn má em, má em nhận được bao nhiêu?

– Má em ư? – em bé nhìn tôi lộ vẻ kinh ngạc-. Nhưng má làm việc không vì gì cả cơ mà!

Vâng! Công việc làm là phương cách hữu hiệu nối kết con người lại với nhau trong tình tương thân tương ái và nhờ đó họ có thể cảm nghiệm được tình đoàn kết với nhau một cách cụ thể hơn.

Chúa đã tạo dựng nên mỗi người một cách độc đáo không ai giống ai. Chẳng có ai là hoàn toàn trên trần gian này. Chúa tạo dựng nên mỗi người trong hạn hẹp bất toàn như vậy là để cho con người biết quý trọng nhau, biết hợp tác với nhau để nhờ đó mà cuộc sống của con người được tốt đẹp hơn.

3. Lao động là con đường làm cho con người trở nên xứng đáng làm người hơn.

Sau khi tạo dựng nên con người trong vườn địa đàng, Thiên Chúa trao cho con người trách nhiệm trông coi công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã từng nói: “Cha Ta và Ta hằng làm việc và làm việc không ngừng” (Ga 5,17).

Thiên Chúa vẫn hằng làm việc. Như vậy khi ta làm việc là ta cộng tác với Thiên Chúa để làm cho trái đất này mỗi ngày mỗi đẹp hơn và cũng làm cho cuộc đời của ta giống Chúa hơn. “Cha ta và ta hằng làm việc và làm việc không ngừng”.

Thiền sư Trung Hoa Hyakyjo thường làm việc với các đệ tử, mặc dù ông đã 80 tuổi. Ông thường nhổ cỏ trong vườn, quét sân, hái củi. Các đệ tử của ông cảm thấy buồn vì ông thầy già của họ làm việc cực nhọc, không chịu nghỉ ngơi theo lời họ khuyên. Vì thế, một lần kia họ đem giấu hết dụng cụ làm việc của thầy Hyakyjo. Ngày hôm đó, thầy Hyakyjo không chịu dùng bữa. Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, ông thầy già cũng không ăn. Các đệ tử đoán: “Chắc bởi vì tụi mình dấu đồ làm việc của thầy chứ gì? Thôi, tốt hơn là đem trả lại chỗ cũ cho thầy”.

Thế rồi, ngày họ làm việc, ông thầy già cũng làm và dùng bữa như trước. Chiều đến, Hyakyjo dạy họ: “Không làm, không ăn!”.

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nazareth đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

 

SUY NIỆM 13: Thánh Giuse là mẫu mực các kẻ làm ăn.

(Lm. Jos. Nguyễn Văn Tuyên)

Ngày xưa, có một ông vua muốn thử xem thần dân của mình ra sao, ông bèn tổ chức một cuộc vi hành. Ông lén đặt một tảng đá thật to giữa một con đường nhiều người qua lại, không phải để bắt buộc người dân phải bê nó đi, mà muốn xem người dân sẽ phản ứng tự nhiên ra sao với những vật gây cản trở mà họ bất ngờ gặp trên đường.

Sau khi đặt tảng đá, ông nấp vào một chỗ gần đó để quan sát. Nhiều người trông rất giàu có và lịch sự, ăn mặc áo lượt quần là đi qua. Họ than phiền với nhau rằng tảng đá làm nghẽn đường đi, coi nó là một vât đáng ghét. Thậm chí còn xúc phạm Đức Vua đã không cho người giữ đường xá sạch sẽ. Nhưng có một điểm chung là: chẳng ai đoái hoài gì đến tảng đá đó, họ thà đi vòng chứ không chịu đẩy nó ra vệ đường.

Tình cờ một bác nông dân nghèo đi chợ về ngang với một giỏ đầy rau. Nhìn thấy tảng đá, bác đặt giỏ của mình xuống và cố đầy tảng đá đi. Nhiều người đi qua thấy vậy, cười giễu bác là nhiễu sự. Nhưng chẳng một ai dừng lại giúp đỡ bác.

Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng bác nông dân cũng thành công. Khi đẩy tảng đá đi được, bác mới phát hiện có một cái túi nằm trên mặt đường, ở chổ mà lúc nãy tảng đá nằm. Bác mở cái túi thì thấy có rất nhiều tiền. Lúc bấy giờ bác đã hiểu được một điều mà nhiều người khác không hiểu: Sau mỗi trở ngại, đều ẩn chứa những cơ hội cho mỗi con người.

***

Chúng ta biết rằng, vào năm 1955, ĐGH Piô XII đã long trọng đặt thánh Giuse là Đấng Bảo trợ cho những người lao động trên khắp thế giới.

Thông thường, người ta hay gán cho những người quyền thế một tước vị cao sang đi kèm theo… thế nhưng ở đây, ĐGH lại đặt Thánh Giuse làm đấng bảo trợ những người lao động chân tay – một tước vị xem ra, có vẻ bình thường, thế nhưng lại làm toát lên tất cả phẩm chất phi thường của con người “công chính” này.

Chúng ta biết, Thánh Kinh không dùng nhiều lời để nói về Thánh Giuse. Bản thân ngài cũng chẳng để lại một lời nào trong Kinh Thánh, nhưng qua việc làm của ngài, đã mang lại cho chúng ta những bài học quý giá.

Tự ban đầu, lao động vốn không phải là một hình phạt, nhưng là một lời mời gọi cộng tác với công trình tạo dựng của Thiên Chúa để làm cho đất đai, hoa màu sinh sôi, nảy nở. Lao động làm cho con người phát triển một cách toàn diện về sức vóc cũng như nhân cách. Chính Thiên Chúa cũng luôn luôn làm việc, như lời Đức Giêsu nói: “Cha Ta làm việc liên lỉ, và Ta cũng làm việc liên lỉ”. Thế nhưng, kể từ sau khi Nguyên Tổ phạm tội, thì đất đai trở nên gai góc. Lao động trở nên cực nhọc: Con người phải lao tác, đổ mồ hôi mới có miếng ăn.

Tuy là Cha nuôi Đức Giêsu – Con Thiên Chúa – nhưng thánh Giuse cũng mang thân phận con người như chúng ta, nên bản thân ngài cũng phải lao tâm khổ tứ để có thể nuôi sống gia đình Nadarét. Dù lao động vất vả cực nhọc, nhưng không ai thấy ngài có một lời phàn nàn, kêu trách. Ngài cũng không đòi cho mình được hưởng những quyền lợi mà đáng lý mình được hưởng, nhưng một lòng chấp nhận kiếp sống “Lấy bát mồ hôi đổi bát cơm”. Chắc hẳn, qua việc làm và đời sống của thánh nhân, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của Đức Giêsu.

Không chỉ làm việc cực nhọc vất vả, mà thánh Giuse còn luôn làm việc trong sự “lắng nghe tiếng Chúa”. Ngài mau mắn thi hành ý Chúa mà không một lời phản ứng hay hoài nghi. Ngài sẵn sàng đón nhận Đức Maria về nhà làm vợ mình theo lời Sứ thần yêu cầu, cho dù ngài chưa hiểu được việc Đức Maria mang thai là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Theo lời Sứ thần báo mộng, Ngài tức tốc đưa trẻ Giêsu và Mẹ Người trốn sang Ai cập đang lúc đêm khuya. Ở nơi đất khách quê người, để kiếm được miếng cơm manh áo nuôi sống một gia đình là điều không hể dễ dàng chút nào. Kinh nghiệm đó, có lẽ những anh chị em đã từng đi làm ăn xa là những người thấu hiểu hơn ai hết.

Rồi cũng chính ngài, theo lời Sứ Thần, lại đưa Đức Giêsu và Mẹ Người từ Ai Cập trở về sống tại miền quê nghèo Nazarét. Ở nơi đây, Ngài sống gần gũi và hòa đồng với mọi người đến nỗi, người làng Nadaret gọi Đức Giêsu là “con bác thợ mộc Giuse”.

***

Trong một xã hội mà đối với nhiều người, lao động đang trở thành một gánh nặng, thì mẫu gương lao động của Thánh Giuse là lời nhắc nhở chúng ta. Câu khẩu hiệu “Lao động là vinh quang” dường như ai ai cũng thuộc, thế nhưng, trong thực tế, không ít người lại tìm cách trốn tránh cái “vinh quang” đó. Trong khi, nhiều người xả thân ngày đêm lo lắng cho sự nghiệp chung, lo cho sự thăng tiến của cộng đồng, thì cũng có những người chỉ tìm cách vun vén cho lợi ích của bản thân mình. Trong khi nhiều người bôn ba xuôi ngược để kiếm bát cơm, manh áo, thì lại không thiếu những người chỉ muốn ăn trên ngồi chốc hoặc tìm cách làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người khác. Trong khi nhiều người làm ăn chân chính, thì cũng không thiếu những người dùng những thủ đoạn, mánh khóe, thậm chí dùng những phương thế tầm thường nhất để tiến thân.

Vậy làm sao để “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn?”, làm sao để sống và làm việc một cách ngay chính giữa cuộc đời vốn có quá nhiều nhiễu nhương này? Thiết tưởng, chúng ta hãy nhìn lên tấm gương của Thánh Giuse: Một con người vĩ đại nhưng cũng rất đỗi khiêm nhường.

Vĩ đại – bởi ngài là cha nuôi Chúa Cứu Thế đồng thời là bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria.

Nhưng cũng thật khiêm nhường – bởi ngài sống và làm việc một cách cần mẫn trong sự tin tưởng tuyệt đối vào tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa.

Mừng lễ Thánh Giuse công nhân hôm nay, chúng ta cùng cầu xin Chúa, qua lời chuyển cầu của thánh Giuse giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc lao động, để qua những công việc hằng ngày, dù vất vả nặng nhọc hay an nhàn thư thái, chúng ta vẫn luôn tìm được niềm vui, bởi biết được rằng: Trong và qua lao động, chúng ta đang tiếp nối công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Và nếu có gặp phải những trở ngại trên đường đời hay trong công việc làm ăn thì chúng ta cũng được an ủi, bởi vì chính thánh Giuse – đấng bảo trợ của chúng ta – cũng đã trải qua những giai đoạn khó khăn như vậy, nhưng chúng ta luôn tin tưởng rằng: Ở đằng sau mỗi trở ngại đều ẩn chứa những cơ hội cho mỗi con người.

Lạy Thánh Giuse là mẫu mực các kẻ làm ăn. Xin cầu cho chúng con!

 

SUY NIỆM 14: Suy niệm ngắn về thánh Giuse thợ (01/5)

(Gương Thánh Nhân) 

Vì muốn nâng cao tầm quan trọng của sức lao động của con người trong việc giữ gìn và phát triển thế giới, nên Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập ngày lễ Thánh Giuse Thợ vào năm 1955. Nhưng sự liên hệ giữa Thánh Giuse và ý nghĩa lao động đã có từ lâu trong lịch sử.

Trong nỗ lực cần thiết để nói lên nhân tính của Ðức Giêsu trong đời sống thường nhật, ngay từ ban đầu Giáo Hội đã hãnh diện nhấn mạnh rằng Ðức Giêsu là một người thợ mộc, hiển nhiên là được cha nuôi của Ngài huấn luyện, một cách thành thạo và khó nhọc trong công việc ấy. Nhân loại giống Thiên Chúa không chỉ trong tư tưởng và lòng yêu thương, mà còn trong sự sáng tạo. Dù chúng ta chế tạo một cái bàn hay một vương cung thánh đường, chúng ta được mời gọi để phát sinh kết quả từ bàn tay và tâm trí chúng ta, nhất là trong việc xây đắp Nhiệm Thể Ðức Kitô.

Lời Bàn

“Sau đó Thiên Chúa đưa người đàn ông vào sống trong vườn Eden, để cầy cấy và chăm sóc khu vườn” (Sáng Thế 2:15). Thiên Chúa Cha đã tạo dựng nên mọi sự và muốn con người tiếp tục công trình tạo dựng ấy. Con người có phẩm giá là qua công việc, qua sự nuôi nấng gia đình, qua sự tham dự vào đời sống sáng tạo của Thiên Chúa Cha. Thánh Giuse Thợ có thể giúp chúng ta tham dự một cách sâu xa vào mầu nhiệm tạo dựng ấy. Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã nhấn mạnh đến điều này khi nói: “Thần khí chan hòa trên bạn và mọi người phát xuất từ con tim của Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ðấng Cứu Ðộ trần gian, nhưng chắc chắn rằng, không người lao động nào được thấm nhuần thần khí ấy một cách trọn vẹn và sâu đậm cho bằng cha nuôi của Ðức Giêsu, là người sống với Ngài một cách mật thiết trong đời sống gia đình cũng như làm việc. Do đó, nếu bạn ao ước muốn đến gần Ðức Kitô, một lần nữa chúng tôi lập lại rằng, ‘Hãy đến cùng Thánh Giuse”” (xem Sáng Thế 41:44).

 

SUY NIỆM 15: Thánh Giuse Thợ (Mt 13-54-58)

(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

 “Không ai được tôn trọng ở quê hương của mình”. Đây chính là câu nói nổi tiếng của Chúa Giêsu và có tính cách tiên tri. Thật vậy, trải qua biết bao thế hệ, từ những bậc tiền nhân đến chúng ta, hẳn mọi người đều biết hay đã cảm nghiệm được tính tiên tri của Chúa Giêsu qua câu nói trên hoàn toàn ứng nghiệm.

Chúa Giêsu trở về quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Đền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận hoặc từ chối.

Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu về giảng tại quê hương của mình cũng làm dấy lên những thông tin trái chiều về Ngài. Những người đồng hương Nazareth có lẽ đã nghe đồn thổi về Ngài và càng ngạc nhiên hơn khi nghe chính Ngài phát biểu trong Hội đường của họ. Những thành tích về sự khôn ngoan và phép lạ Ngài làm đã dấy lên trong họ câu hỏi: “Phải chăng Ngài không phải là Đấng Cứu Tinh mà Thiên Chúa đã hứa cho dân tộc?” Và họ bắt đầu tra cứu với một phương pháp rất khoa học: họ mở Kinh thánh ra và thấy rằng Đấng Cứu Tinh xuất thân từ một nơi khác, chứ không phải từ ngôi làng nghèo nàn tăm tối như Nazareth. Họ điều tra về nguồn gốc Chúa Giêsu và thấy rằng: cha mẹ và anh em Ngài đều là những người nghèo hèn mà họ biết rõ ngọn nguồn. Với lối suy luận và lý luận rất khoa học ấy, những người đồng hương với Chúa Giêsu đã khước từ Ngài. Nguồn gốc tăm tối của Chúa Giêsu đã là mạng chắn khiến họ không tin nhận nơi Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

Thành kiến được định nghĩa là một suy nghĩ, một cái nhìn khó thay đổi về việc gì đó. Khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình “như đúng rồi” lại còn úp lên đó cái khung cứng nhắc của cảm tính, người thành kiến sẽ không thể nhìn người khác như họ là, mà trái lại sẽ đánh giá theo kiểu: “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”. Chẳng những thế, người thành kiến lại thích đeo cặp kính đen để chỉ nhìn thấy phương diện xấu xa, bi quan, tiêu cực của sự việc. Những người đồng hương đương thời với Đức Giêsu đã nhìn Người với đôi mắt thành kiến như thế. Đối với họ thì gà thì đẻ ra gà, chứ không thể đẻ ra công được. Với cái nhìn thành kiến, họ không thể nào nhận ra Đức Giêsu mà họ vẫn tưởng là con bác thợ mộc Giuse lại là Con Thiên Chúa được (5 phút Lời Chúa).