Các Bài Suy Niệm Lễ Truyền Tin

print

Các Bài Suy Niệm Lễ Truyền Tin

MỤC LỤC

  1. Lễ Truyền Tin, LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP. 1
  2. Một Đời Xin Vâng – Lm Giuse Đinh lập Liễm.. 6
  3. Suy Niệm Của Đức Cha JB. Bùi Tuần. 11
  4. Suy niệm của lm. Giu-se Lê Quang Uy, Dcct 14
  5. Suy niệm của sr. Tâm năng. 16
  6. Sống Lời Chúa – Xin Vâng. 18
  7. Lễ Truyền Tin. 19
  8. Xin Vâng. 21
  9. Suy Niệm của Lm. Don Bosco Trần Đức Quý. 23
  10. Suy Niệm của Đan Quang Tâm.. 25
  11. Bông Hoa Hé Nở. 28
  12. Khiêm Nhường Để Đón Nhận Ý Chúa (Is 7, 10-14. 8,10; Dt 10, 4-10; Lc 1, 26-38) 30
  13. Ơn Cứu Chuộc Ngang Qua Sự Vâng Phục 32
  14. Theo Chân Mẹ Cất Tiếng Xin Vâng. 35

1.     Lễ Truyền Tin, LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Bài đọc: Is 7:10-14; Heb 10:4-10; Lk 1:26-38.

1/ Bài đọc I:

10 Một lần nữa ĐỨC CHÚA phán với vua A-khát rằng: 11 “Ngươi cứ xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.”

12 Vua A-khát trả lời: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ĐỨC CHÚA.”

13 Ông I-sai-a bèn nói: “Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao,

mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa?

14 Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en.

2/ Bài đọc II:

4 Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi.

5 Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. 6 Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội.

7 Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con. 8 Trước hết, Đức Ki-tô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. 9 Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. 10 Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.

3/ Phúc Âm:

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”

29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.

31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.

36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.

37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự vâng phục mang lại ơn cứu độ cho con người.

Con người được Thiên Chúa ban cho có tự do để làm quyết định; nhưng khi con người quyết định chọn điều gì, là con người phải lãnh nhận hậu quả do quyết định ấy mang lại. Thói quen của con người là không muốn phải vâng lời ai, muốn tự mình có thể quyết định mọi sự. Trong cuộc cám dỗ đầu tiên tại Vườn Địa Đàng, con rắn gian manh biết Bà Evà không muốn vâng phục Thiên Chúa, nên cám dỗ Bà ăn trái cây “biết lành biết ác” mà Thiên Chúa đã cấm không được ăn. Hậu quả của cuộc bất tuân là ông bà mất nghĩa cùng Thiên Chúa, và truyền nọc độc của tội Tổ Tông cho con cháu.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc tuân phục hay bất tuân lời Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, mặc dù đã được tiên-tri Isaiah truyền chỉ tuân phục một mình Thiên Chúa, vua Ahaz của Judah vẫn bất tuân sang cầu viện Ai-cập. Hậu quả là nước mất nhà tan, từ vua đến dân bị lưu đày qua Babylon. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái so sánh các hy lễ đền tội của Cựu Ước với sự vâng phục của Đức Kitô, và đưa đến kết luận: Thiên Chúa trân quí sự vâng phục của Đức Kitô hơn ngàn vạn chiên cừu, và cái chết của Ngài trên Thập Giá có sức mạnh xóa sạch tội và mang lại ơn cứu độ cho con người. Trong Phúc Âm, lời thưa “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria trong biến cố Truyền Tin đã bắt đầu kỷ nguyên cứu độ: Chúa Thánh Thần đã rợp bóng trên Mẹ, và hài nhi Giêsu, Con Một của Thiên Chúa, đã hình thành trong lòng Mẹ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Vua Ahaz bất tuân lời Thiên Chúa.

1.1/ Vua Ahaz nghi ngờ Thiên Chúa: Rezin là vua sau cùng của Damascus. Năm 732 BC, vua Assyrian, Tiglath-pileser III phá hủy Damascus và giết vua Rezin. Sự liên hiệp giữa Assyria và Israel làm vua Judah khủng hỏang, vua sợ liên hiệp này sẽ đem quân thôn tính Judah. Liên hiệp hai nước phác họa kế họach truất phế vua Ahaz, và thay thế ông với hòang tử của Bet Tabel, một lãnh thổ của Aram, miến Bắc của khu vực Transjordan. Hoàng tử này có lẽ là người Judah, con trai của Jotham hoặc Uzziah với công chúa của Tabel.

(1) Sự bất trung của vua Ahaz: Tiên-tri Isaiah được Thiên Chúa sai đến với vua Ahaz để khuyên nhà vua tin tưởng vững mạnh vào Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài mới có thể bảo tòan lãnh thổ của nhà Judah. Vua Ahaz không tin tưởng vào sự can thiệp của Thiên Chúa, và vào lời khuyên của tiên tri Isaiah; ông cầu viện với vua Ai-cập để xin sự bảo vệ. Hậu quả là Chúa để cho vương quốc của ông rơi vào tay vua Babylon.

1.2/ Tiên tri Isaiah được Thiên Chúa sai đến với vua Ahaz lần thứ hai.

(1) Hãy xin một dấu lạ để Thiên Chúa làm cho: “Một lần nữa Đức Chúa phán với vua Ahaz rằng: “Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.” Vua Ahaz trả lời: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa.” Vua không xin một dấu từ Thiên Chúa vì vua ngoan cố, không muốn nghe những lời khuyên của tiên-tri Isaiah.

(2) Dấu lạ Đấng Cứu Thế: Tiên-tri Isaiah bèn nói: “Nghe đây, hỡi nhà David! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel.”

– Isaiah không dùng chữ đặc biệt để chỉ trinh nữ (betula), nhưng dùng chữ (alma) để chỉ một phụ nữ trẻ tới tuổi thành hôn, có thể là trinh nữ kay không. Lời tuyên sấm này được loan báo trước hòang gia, có thể mang ý nghĩa giòng dõi của David sẽ bị tận diệt. Nếu điều ấy xảy ra, lời hứa của Thiên Chúa đã làm với giòng dõi David sẽ bị chấm dứt (2 Sam 7:12-16).

– Con trẻ sắp sinh ra có thể là trẻ Hezekiah, mà Judah đang hy vọng sẽ tiếp tục sự hiện diện của Chúa giữa dân Ngài, và là một canh tân của lời hứa đã được ký kết với vua David.

– Dẫu vậy, sự nghiêm trọng của lời tuyên sấm và tên con trẻ tương lai “Emmanuel” cho chúng ta thấy lời của tiên-tri Isaiah không chỉ dừng lại với sự sinh ra của Hezekiah; nhưng chỉ thẳng tới vị vua lý tưởng của giòng tộc David, mà qua vị vua này, Thiên Chúa mới thực sự ở với con người.

– Thánh sử Mathhew và Giáo Hội đã nhìn sự sinh ra của Đấng Cứu Thế bởi Trinh-Nữ Maria là sự hòan tất của lời tiên tri này.

2/ Bài đọc II: Thi hành ý muốn của Thiên Chúa cao trọng hơn các hy lễ tòan thiêu và hiến tế chiên bò.

2.1/ Máu thú vật không thể xóa bỏ tội lỗi con người: Trong Cựu Ước, mỗi khi con người muốn được Thiên Chúa tha tội, họ lên Đền Thờ, sát tế thú vật, và dâng cho Thiên Chúa như trong ngày lễ Day-at-onement. Nhưng những hy lễ này chỉ có thể tha những tội vô tình họ xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân; còn những tội cố tình, không một hy lễ nào có thể xóa được; đó là lý do tại sao tác giả Thư Do-thái nói: “Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi.” Vì thế, con người cần một cách khác để được tha tội; và Thiên Chúa đã chuẩn bị một cách thức hiệu quả để tha tội cho con người: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể.” Tạo cho Chúa Giêsu một thân thể để Ngài có tai để lắng nghe và vâng lời; có trí óc để hiểu và có ý chí để làm theo những gì Thiên Chúa muốn; và có một thân xác để có thể hy sinh, chịu đựng đau khổ, để đền tội thay cho con người.

2.2/ Đức Kitô thi hành thánh ý Thiên Chúa để mang lại ơn cứu độ cho con người: Tác giả trưng dẫn Thánh Vịnh 40:6-9: “Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.”

– Trước hết, Đức Kitô nói: “Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền.” Điều này hiển nhiên vì tất cả những điều này thuộc về Thiên Chúa. Con người có dâng tiến những lễ vật này cũng là lấy những của Thiên Chúa ban để dâng lại cho Ngài. Đó là chưa kể đến tội mà các tiên tri đã tố cáo con người nhiều lần: dâng của dư thừa, dâng cho qua lần chiếu lệ, dâng lễ vật mà vẫn đang toan tính phạm tội, dâng lễ vật mà lòng xa Thiên Chúa vạn dặm …

– Rồi Người nói: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.” Sự vâng phục của Chúa Giêsu là lễ hiến tế duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa, và máu của Người đổ ra chỉ một lần là đủ để Thiên Chúa tha thứ tất cả cho con người.

– Nếu chúng ta muốn thiết lập mối giao hòa với Thiên Chúa, vâng lời làm theo thánh ý Ngài là cách thức duy nhất. Thiên Chúa muốn con người tin và tuân phục những gì Đức Kitô đã mặc khải và dạy dỗ con người.

3/ Phúc Âm: Lời thưa “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria bắt đầu Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa.

3.1/ Biến cố Truyền Tin: Khi Bà Elisabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilee, gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David. Trinh nữ ấy tên là Maria.

– Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Thông thường, con người dễ hãnh diện khi được người khác khen mình; nhưng Mẹ là người rất khiêm nhường, Mẹ biết mình không xứng đáng với lời chào này; nên bối rối, băn khoăn về lời chào ấy.

– Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Jacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Mẹ đã khấn giữ mình đồng trinh để lo việc của Thiên Chúa. Điều khó hiểu ở đây là thánh Luca đã đề cập tới việc Mẹ đã đính hôn với Giuse ở đầu trình thuật. Tại sao đã khấn giữ mình đồng trinh, lại còn đính hôn với Giuse? Điều này chỉ có thể giải nghĩa hoặc Luca lầm lẫn hoặc bản văn bị sắp xếp lẫn lộn thứ tự giữa 2 biến cố: truyền tin và đính hôn.

– Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.”

3.2/ Không điều gì là không thể đối với Thiên Chúa: Chúng ta không chắc Mẹ Maria có thể hiểu thế nào là sinh ra bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần; nhưng Mẹ tin những gì thiên thần Gabriel nói vì hai lý do:

(1) Không điều gì là không thể đối với Thiên Chúa: Nếu Ngài có thể làm cho bà Elisabeth, người họ hàng với Mẹ, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai; còn việc gì Thiên Chúa không làm được?

(2) Niềm tin của Mẹ vào Thiên Chúa: Mẹ biết Thiên Chúa là ai, và Mẹ biết mình là ai. Mẹ tuy không hiểu những gì Thiên Chúa nói, nhưng sự khôn ngoan dạy Mẹ cứ mau mắn vâng lời; vì tất cả những gì Thiên Chúa muốn đều tốt đẹp. Vì thế, Mẹ thưa với thiên thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải tuân phục Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa biết chắc các điều tốt đẹp cho con người. Bất tuân Thiên Chúa là cách dễ dàng nhất gây ra đau khổ cho con người.

– Vâng lời Thiên Chúa không lấy đi sự tự do của con người, nhưng chứng tỏ sự khôn ngoan. Giống như một con trẻ chưa đủ khôn ngoan để làm quyết định cho mình, em phải vâng lời cha mẹ là những người khôn ngoan hơn. Chúng ta cũng thế, khi chưa hiểu kế họach của Thiên Chúa cho cuộc đời, chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu và Đức Mẹ: xin vâng làm theo ý Thiên Chúa.

– Mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa. Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ những gì Thiên Chúa hứa ban cho tới khi thành sự thật.

2.     Một Đời Xin Vâng – Lm Giuse Đinh lập Liễm

  1. NGÀY LỄ TRUYỀN TIN
  2. Việc chọn ngày lễ

Lễ Truyền Tin được kính vào ngày 25 tháng 3, tức là 9 tháng trước lễ Giáng Sinh, là khoảng thời gian Đức Mẹ cưu mang Chúa Giêsu.

Lễ này trước kia được mừng kính ở Giáo hội Đông phương với tước hiệu lễ “Ngôi Lời nhập thể” từ khoảng năm 550. Giáo hội Rôma mãi đến thế kỷ thứ 7 mới chấp nhận thánh lễ này.

Ngày nay, Lịch Phụng vụ Rôma lấy lại danh xưng “Lễ Truyền Tin” vì có lý do chính đáng, nhưng trước sau vẫn là lễ chung của Đức Kitô và Đức Trinh Nữ : Lễ của Ngôi Lời làm “con Đức Trinh nữ” và lễ Đức trinh nữ là “Mẹ Thiên Chúa”.

Ngay từ đời đời, Thiên Chúa đã có ý định tái lập tất cả những gì đã hư mất bởi tội lỗi, và phác họa một công trình cứu chuộc mà Chúa Kitô là trung tâm, với sự cộng tác cần thiết của một người nữ thánh thiện. Cả hai sẽ là Adong và Evà mới thay thế cho Adong và Evà cũ đã phạm tội.

Người nữ ấy không ai khác hơn là Mẹ Maria, Đấng đầy ân phúc, trổi vượt hơn mọi phụ nữ. Mẹ đã được tiên báo qua lời hứa tại vườn Địa đàng xưa :”Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ. Người sẽ đạp nát đầu mi, còn mi sẽ rình cắn gót chân Người”(St 3,15). Mẹ đã được chọn làm Evà mới thực hiện lời hứa xưa kia tại vườn Địa Đàng.

  1. Quang cảnh Truyền tin

Trong toàn bộ Thánh Kinh, chỉ có Tin mừng theo thánh Luca (1,26-38) ghi lại biến cố truyền tin. Sứ thần Gabriel đến với một thiếu nữ đã đính hôn tên là Maria tại làng Nazareth để loan báo tin vui về việc hạ sinh Đấng Được Xức Dầu được đợi trông từng bao đời. Sứ thần loan tin cho thiếu nữ : “Này đây, bà sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai, và bà sẽ đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”.

Tin báo này làm Đức Maria ngỡ ngàng, vì Ngài đã quyết chí giữ đức khiết tịnh. Sứ thần đã giải thích về cách thức Thiên Chúa sẽ làm cho sự kiện mang thai lạ lùng xẩy ra :”Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không có thể”.

Mặc dù đã có lời trấn an của sứ thần, nhưng chắc chắn Đức Maria cũng hoảng hốt vì Ngài không biết đến việc vợ chồng. Tuy nhiên, Maria đã can đảm và suy phục thánh ý Chúa nên đã thưa với sứ thần :”Này tôi là nữ tỳ Thiên Chúa, xin hãy làm trọn nơi tôi điều sứ thần truyền”.

Sau câu trả lời dứt khoát của Maria, Ngôi Lời đã nhập thể làm người và Maria đã trở thành Mẹ Thiên Chúa.

Truyện : Thị kiến của thánh Catarina Emmerrich

Một hôm, Chúa cho bà thánh Catarina Emmerrich được xem thấy quang cảnh ngày lễ Truyền Tin.

Theo bà thuật lại : Ngày 23 tháng 3, tôi thấy Đức Mẹ quỳ ngay ở chỗ phòng tôi, đầu và mặt phủ một khăn trắng mỏng, hai tay búp măng chắp trước ngực, đôi mắt đăm đăm nhìn về phía góc trời, rồi tôi thấy một luồng ánh sáng đổ xuống bên tay hữu Đức Mẹ; và trong luồng sáng trong tốt đó, tôi thấy Thiên thần Gabriel, y phục trắng toát, tóc hoe hoe và phất phới. Đoạn một tiếng chào của Thiên thần làm tan làn không khí im lặng.

Nghe tiếng chào mình, Đức Mẹ có vẻ sợ sệt, hơi nghiêng về phía tả, song con mắt vẫn đăm đăm nhìn về góc trời, chứ không quay hẳn về phía tiếng chào, và cầm trí nghe lời thiên thần – mỗi lời thiên thần nói như nhả ra từng dòng chữ lửa.

Sau khi đã hiểu ý câu truyện, Đức Mẹ xoay mình lại, mở hé khăn trùm, khiêm tốn trả lời rằng :”Này tôi là nữ tỳ Thiên Chúa, xin hãy làm trọn nơi tôi điều sứ thần truyền”.

Quang cảnh tới đây hạ màn.

  1. VÀI SUY TƯ TỪ LỄ TRUYỀN TIN
  2. Thiên Chúa là Đấng toàn năng.

Trước việc sinh con mà vẫn còn đồng trinh, Maria thắc mắc và hỏi lại sứ thần :”Việc ấy xẩy ra cách nào được, vì…”? Sứ thần liền đáp :”Đối với Thiên Chúa, không có gì là không có thể” (Lc 1,37).

Câu trả lời của sứ thần nói lên quyền năng của Thiên Chúa, Ngài sáng tạo muôn vật từ hư vô, quyền năng Ngài không giới hạn. Quyền năng của Thiên Chúa cũng đồng nghĩa với yêu thương, nên trong lịch sử cứu độ, Ngài luôn đi bước trước trong sáng kiến yêu thương con người. Chỉ với bài Tin mừng hôm nay thôi cũng đủ thấy sáng kiến táo bạo của Ngài.

Thiên Chúa lại muốn trở thành một con người, đó là sang kiến táo bạo thứ nhất. Hơn thế nữa, không muốn đột nhiên xuất hiện cách phi thường mà lại muốn làm người con bình thường sinh ra bởi một người nữ như bao nhiêu người khác. Đây chẳng phải là sáng kiến táo bạo thứ hai sao ?

Táo bạo và kỳ diệu hơn nữa đã làm phát sinh sáng kiến thứ ba thật tuyệt vời và mầu nhiệm, đó là : người phụ nữ ấy lại đồng trinh trước và sau khi sinh con. Thực ra, không có gì Thiên Chúa không làm được. Một Vị Thiên Chúa mà còn làm con người được, thì chuyện bảo vệ sự đdồng trinh cho Đức Maria trước và sau khi sinh thì có nghĩa lý gì đâu ?

Cũng vậy, nếu sau khi phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra cho các Tông đồ trong lúc cửa vẫn đóng kín, thì việc Ngài hạ sinh mà tấm lòng băng trinh của Mẹ Maria vẫn còn nguyên vẹn lại không được chấp nhận sao ? Quả thật, không có gì Thiên Chúa không làm được. Điều đó mời gọi chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng Thiên Chúa.

Thiên Chúa cũng có thể có thể làm nơi mỗi người chúng ta những việc trọng đại, miễn là chúng ta sẵn sàng để Ngài hoạt động nơi chúng ta.

  1. Thiên Chúa cần con người cộng tác

Nhưng có một điều mà “Thiên Chúa không làm được”, đó là “Thiên Chúa không thể cứu độ con người nếu con người không cộng tác với Ngài”. Lời quả quyết này có vẻ nghịch thường, nhưng nội dung bàiTin mừng hôm nay là như thế. Thiên Chúa không làm được không phải vì quyền năng Ngài bị giới hạn, nhưng vì yêu thương, tôn trọng tự do của con người nên Ngài không làm được những điều mà con người không cộng tác.

Mặc dù Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do, nhưng Thiên Chúa vẫn có thể ép buộc Maria phải làm theo ý định của Ngài vì Ngài có khả năng làm như vậy. Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn. Điều Ngài muốn là thấy Maria tự nguyện đáp lại ý muốn của Ngài vì Thiên Chúa yêu thích những ai cho một cách vui lòng.

Ôi ! Thiên Chúa nhân từ dườg nào ! Một Thiên Chúa quyền năng tuyệt đối mà lại phải đi hỏi ý kiến của một thiếu nữ nhỏ bé, quê mùa, và lo lắng chờ đợi trước quyết định của cô, dù nó là một đặc ân cao cả, mà nếu chấp nhận thì sẽ có lợi cho toàn thể nhân loại và riêng cho thiếu nữ nữa.

Truyện : Chiếc đồng hồ báo thức

Một thanh niên kia có thói quen ngủ rất say, luôn cần có mẹ gọi mới thức dậy được. Sau khi tốt nghiệp, anh đi làm một chỗ ở xa nhà. Mẹ anh mua cho anh một chiếc đồng hồ báo thức. Ngày đầu tiên anh quên vặn đồng hồ trước khi ngủ nên đến sở làm trễ. Ngày thứ hai, anh nhớ vặn đồng hồ, nhưng sáng sớm khi nó reo thì anh đưa tay tắt bỏ, nên lại đi làm trễ. Và anh bị đuổi việc. Khi anh trở về gia đình, mẹ anh hỏi về chiếc đồng hồ. Anh đáp :

– Chiếc đồng hố ấy hoàn toàn vô dụng đối với con.

– Nó vô dụng là vì con không dùng nó. Mẹ anh đáp.

Qua câu truyện trên, chúng ta thấy rằng trong cuộc đời chúng ta, Thiên Chúa ban cho chúng ta muôn vàn ơn, nếu chúng ta không biết sử dụng thì nó cũng trở nên vô dụng đối với chúng ta.

  1. Lời Fiat của Đức Maria

Bấy giờ bà Maria nói :”Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

Bình luận về câu trả lời trên, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong bài giảng tại Vương cung Thánh đường Mexicô City đã nói :”Virgo fidelis : Đức Nữ trung tín thật thà. Đức trung tín của của Maria nghĩa là gì ? Trung tín bao gồm chiều kích gì ?

– Chiều kích thứ nhất là tìm kiếm. Trước hết, Maria tỏ ra trung tín khi Ngài bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa sâu xa của chương trình Thiên Chúa nơi mình và cho thế giới. Quomodo fiet ? Sự việc xẩy ra như thế nào ? Ngài hỏi sứ thần Truyên Tin ( … ).

– Chiều kích thứ hai của trung tín gọi là tiếp nhận, chấp nhận. Lời Quomodo fiet ? trên môi Maria chuyển thành một lời fiat : Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền, tôi sẵn sàng, tôi chấp nhận. Đây là giờ phút hệ trọng của đức trung tín, giờ phút mà con người cảm thấy mình sẽ không bao giờ hiểu thấu được từ “như thế nào”; trong kế hoạch của Thiên Chúa có các khu vực mang tính nhiệm mầu nhiều hơn là tính sáng sủa rõ ràng; cho dù có ra sức phấn đấu đến đâu chăng nữa thì cũng chẳng tài nào lĩnh hội đầy đủ sự việc ( … )

– Chiều kích thứ ba của đức trung tín là sự kiên định, kiên trì sống theo nhừng điều mình tin tưởng, sẵn sàng điều chỉnh cuộc đời mình cho phù hợp với mục tiêu mình theo đuổi. Sẵn sàng chấp nhận bị hiểu lầm, bắt bớ còn hơn là ngôn hành bất nhất, tin một đàng mà làm thì một nẻo, điều này gọi là tính kiên định.

– Tuy nhiên mọi sự trung tín đều phải trải qua cuộc thử thách khốc liệt nhất : sự thử thách của thời gian. Do đó, chiều kích thứ tư là tính thủy chung như nhất. Kiên trì ngày một ngày hai thì dễ. Kiên trì trong suốt cuộc đời thì khó và đây mới là điều quan trong. Kiên trì đang khi hào hứng, hồ hởi phấn khởi thì dễ, còn vẫn giữ được sự kiên trì trong cơn thử thách khốn quẫn mới khó. Và chỉ có sự kiên trì kéo dài cho đến suốt đời mới là tín trung.. Lời thưa “Fiat” : xin vâng của Đức Maria trong buổi truyền tin trở nên viên mãn trong tiếng fiat xin vâng âm thầm mà Mẹ lặp lại dưới chân Thập giá (Đức Gioan Phaolô II, Bài giảng tại Vương cung Thánh đường Mexico City, 26 tháng 01 năm 1979).

Đức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thế và sự nghiệp của Con Ngài, và nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con Ngài. Bởi vậy, các thánh Giáo phụ đã nghĩ rất đúng rằng : Thiên Chúa đã không thu dụng Đức Maria một cách thụ động, nhưng đã để ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại.

Truyện : Tờ giấy và cây viết

Nhắc đến ông Leonard de Vinci, chúng ta thường nghĩ ngay đến những phát minh khoa học và những bức họa tuyệt diệu của ông. Nhưng để giải trí, ông còn sưu tầm những truyện cổ tích, hay đặt ra những truyện mới, như câu truyện sau đây về cuộc đối đáp tưởng tượng của tờ giấy trắng và cây viết.

Có tờ giấy trắng nọ nằm ù lì trên bàn viết với bao đồng bạn khác từ nhiều năm tháng qua. Nhưng rồi một hôm nó được chọn đem ra trước bàn chịu cảnh cây viết với mực đen vẽ lên nó không biết bao nhiêu là những dấu hiệu mà nó không hiểu gì cả. Tờ giấy phàn nàn với cây viết như sau : “Tại sao anh lại làm thế, anh vẽ trên mình tôi những dấu làm tôi mất đi sự trắng sạch ban đầu, anh làm nhục tôi thế này sao ? Anh làm hư cả cuộc đời tôi rồi”.

Nhưng cây viết trả lời :”Không, anh giấy hiểu lầm tôi rồi, tôi không làm dơ anh đâu, tôi vẽ lên anh những dấu hiệu, những dòng chữ và kể từ nay, anh không còn là tờ giấy vô dụng nữa, mà mang trên mình một sứ điệp, anh trở thành kẻ cộng tác với con người lưu giữ những tư tưởng cao siêu của con ngưởi, và vì thế sẽ được con người nâng niu bảo vệ; anh được sống mãi để trợ giúp con người”.

Tờ giấy chưa kịp trả lời cây viết, thì nó bỗng nhìn thấy một bàn tay con người quơ lấy những tờ giấy trắng đồng bạn của nó mà nay đã trở thành vàng đục, già cỗi và đầy bụi bặm mà quăng vào ngọn lửa bên cạnh. Bấy giờ tờ giấy trắng đầy chữ viết mới hiểu được hành động vừa rồi của cây viết và lấy làm sung sương vì được trở thành kẻ cộng tác và lưu giữ kho tàng trí khôn của con người.

Cuộc đời mỗi người chúng ta có thể được so sánh như tờ giấy trắng kia, nếu không chấp nhận để cho bàn tay Thiên Chúa viết vào đó những dòng chữ, những chương trình hành động, thì sẽ không được hạnh phúc trở thành người cộng tác với Thiên Chúa, trở thành kẻ lưu truyền sự khôn ngoan của Thiên Chúa, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tờ giấy không hiểu được những hành động của cây viết vẽ những dấu lạ trên mình nó, con người cũng chắc chắn không thể nào hiểu được ý định của Thiên Chúa là ý định khôn ngoan, hợp lý nhất để đưa con người đến hnạh phúc.

Thật vậy, Đức Maria đã tự nguyện trở thành tôi tớ của Thiên Chúa để cộng tác vào chương trình cứu chuộc nhân loại. Ngài đã trở nên một dụng cụ tuyệt vời của Thiên Chúa, hoàn toàn đặt mình dưới quyền sử dụng của Thiên Chúa như như một tờ giấy trắng trước cây viết.

Thánh Irênê nói :”Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại”. Và cùng với thánh Irênê còn có rất nhiều thánh Giáo phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng :”Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria. Điều mà Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Đức Maria đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với Evà, các ngài gọi Đức Maria là “Mẹ kẻ sống”, và thường quả quyết rằng :”Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống” (Lumen gentium, số 56).

3.     Suy Niệm Của Đức Cha JB. Bùi Tuần

LỜI “XIN VÂNG” TRONG LỄ TRUYỀN TIN

Trong ngày lễ Truyền Tin, Hội Thánh kính nhớ một biến cố quan trọng. Thiên thần báo tin cho Đức Mẹ rằng: Thiên Chúa muốn chọn Đức Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Tin đó quá bất ngờ, vượt mọi suy nghĩ, mọi tưởng tượng, mọi đợi chờ. Phản ứng của Đức Mẹ bắt đầu là bỡ ngỡ bàng hoàng lo sợ, nhưng tiếp đó là xin vâng (Lc 1, 38). Xin vâng là xin tuân phục ý Chúa. Xin vâng là xin cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa, với sự từ bỏ mình, với sự tuyệt đối phó thác đời mình trong tay Chúa. Lập tức sau lời “xin vâng” của Đức Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế nhập thể trong lòng Đức Mẹ. Tất cả đều diễn tiến một cách âm thầm, khiêm tốn. Từ đó “xin vâng” đã được coi như một giao ước mới, một bài ca mới, một con đường mới, của con người mới.

Khi nói xin vâng được coi như một giao ước mới, tôi nhớ lại việc Đức Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Ê-li-da-bét (Lc 1, 39 – 45). Đi thăm để chia sẻ, để phục vụ, để nâng đỡ khích lệ bà Ê-li-da-bét. Theo Đức Mẹ, thì mình được Chúa thương, là để mình biết thương người khác. Mình được Chúa chọn cộng tác với Chúa trong việc cứu độ, thì mình phải quyết tâm dấn thân góp phần cứu độ người khác. Mình nhận ơn Chúa ban, thì mình sẽ cố gắng chia sẻ ơn đó cho người khác.

Thiết tưởng đó là một giao ước mới về bác ái liên đới phát sinh từ lời xin vâng.

Khi nói xin vâng được coi như một bài ca mới, tôi nhớ lại tâm tình Đức Mẹ trong kinh Tạ Ơn “Linh hồn tôi tung hô Chúa” (Lc 1, 46 – 55). Tâm tình Đức Mẹ là lời nói chân thành của người con bé nhỏ, đầy khiêm tốn, ngỡ ngàng biết ơn và phó thác đối với Chúa. Tâm tình Đức Mẹ là khát vọng cứu độ tỏa ra sức nóng của tình yêu thương xót, nhưng lại khiêm nhường tế nhị đối với đồng bào, nhân loại. Tâm tình Đức Mẹ là cái nhìn tiên tri sâu sắc của trái tim khiêm nhường về tương lai dành cho những kẻ khiêm tốn.

Thiết tưởng đó là một bài ca mới về khiêm tốn khởi đi từ lời xin vâng.

Khi nói xin vâng được coi là một con đường mới, tôi nhớ lại biến cố Đức Mẹ sinh Chúa Giê-su tại hang đá Bê-lem (Lc 2, 1 – 7). Đang khi hầu hết mọi người đều coi giàu sang chức quyền danh vọng là những bậc thang giới thiệu gía trị con người, thì Đức Mẹ đã không nghĩ như vậy, đã không vận động chút nào để được như vậy. Trái lại, Đức Mẹ đã lặng lẽ đi vào con đường khó nghèo. Con đường đó đã khởi đi từ hang đá Bê-lem và kéo dài từng ngày, từng tháng, từng năm, suốt cả cuộc đời Đức Mẹ. Trên con đường đó, Đức Mẹ đã cầu nguyện, đã suy gẫm trong lòng, đã lắng nghe Chúa, đã thông hiệp với sự sống Chúa.

Thiết tưởng đó là một con đường mới về sự nghèo khó được vạch ra từ lời xin vâng. Con đường mới đó, bài ca mới đó, giao ước mới đó đều nói lên Đức Mẹ là con người mới. Mới về nhiều phương diện, nhưng nhất là về phương diện Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Mẹ, để đổi mới con người của Mẹ (Lc 1, 35).

Qua việc Ngôi Hai xuống thai trong lòng Đức Mẹ, Chúa Thánh Thần đã đưa tình yêu thương xót của Thiên Chúa vào nhân loại, đã mạc khải Thiên Chúa là tình yêu, đã khai mở một nguồn mạch ơn thánh cứu độ vô cùng phong phú cho mọi người thiện chí.

Do đó, Đức Mẹ là con người mới, là tác phẩm tuyệt vời của Chúa Thánh Linh. Với đặc điểm là Đức Mẹ có một trái tim giống trái tim Chúa Giêsu, trong sạch, hiền lành, khiêm nhường, cháy rực lửa tình yêu thương xót.

Những chia sẻ vắn tắt trên đây có thể giúp chúng ta phần nào, để chuẩn bị mừng Lễ Truyền Tin một cách sống động sát với thời sự.

Thời sự hiện nay, nếu nhìn về góc độ xin vâng ý Chúa, thì đó là cả một vấn đề đáng phải lo ngại. Bởi vì có những người coi trọng ý Chúa và xin vâng ý Chúa. Cũng có những người coi thường ý Chúa và chống lại ý Chúa. Có những người hiểu sai ý Chúa, vô tình hoặc cố tình. Có những người gán cho ý Chúa những ý riêng của mình. Có những người muốn ý Chúa hợp theo ý riêng mình, cho dù ý riêng mình là quái gở. Thời sự hôm nay là Ít-ra-en, quê hương của Đức Mẹ, đang là mảnh đất diễn ra vòng xoáy hận thù và đổ máu. Vòng xoáy kinh hoàng này càng ngày càng mở rộng trên đất, đồng thời càng xoáy sâu vào lòng dân. Từ mảnh đất này hằng ngày truyền đi khắp năm châu những tin đau đớn, gây nên băn khoăn nặng nề cho hoà bình thế giới. Thời sự này làm cho rất nhiều người phải khóc, phương chi Đức Mẹ.

Nhưng theo tôi, thời sự hiện nay quan trọng nhất chính là chuyện của bản thân ta. Ta có lắng nghe ý Chúa không ? Và ta có xin vâng ý Chúa thực không ? Đoạn Phúc Âm sau đây sẽ gợi ý cho ta thấy rõ ý Chúa về ta trong thời sự hôm nay:

“Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác, bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao ? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”. “Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-e đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ? Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy” (Lc 13, 1 – 5).

Suy gẫm đoạn Phúc Âm trên, tôi có cảm tưởng là Chúa muốn báo tin cho từng người chúng ta biết rõ ý Chúa. Đó là đừng quá bận tâm xét đoán người khác, nhưng hãy ưu tiên lo phần rỗi của mình. Lo bằng cách sám hối ăn năn, đổi mới chính mình. Cách đó là cách tốt nhất để góp phần vào việc cứu độ người khác.

Chúa báo tin cho chúng ta ý Chúa là như thế đó. Rất rõ ràng. Ở Fatima Đức Mẹ cũng báo cho chúng ta tin đó. Cũng rất rõ ràng. Chúng ta hãy đáp lại bằng lời xin vâng.

Xin vâng của chúng ta là một hành trình dài đi về với Chúa. Hãy bước đi với những bước nhỏ. Như hằng ngày cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng và chuỗi Mai Khôi. Như hằng ngày đến bên trái tim Đức Mẹ, để xin trái tim Đức Mẹ chia sẻ cho ta bầu khí thinh lặng, chiêm niệm, lửa bác ái nồng nàn và sức mạnh lạ lùng của khiêm nhường nghèo khó. Như hằng ngày thực hiện đôi ba việc bác ái, thương cảm liên đới với những người nghèo, bệnh tật, xa Tin Mừng, bị xã hội loại trừ. Như hằng ngày tập nói và làm những gì mang tính cách phục vụ hoà bình hiệp nhất trong yêu thương và tế nhị. Như hằng ngày dùng lòng tin mến biến những mệt mỏi khổ đau của mình thành của lễ đền tội tạ ơn, và xin ơn an bình cho gia đình quê hương và thế giới.

Nếu lời xin vâng của chúng ta được hiệp thông sâu sắc với lời xin vâng của Đức Mẹ, thì đây sẽ là một hy vọng mới cho tương lai bản thân ta, cho Hội Thánh ta, cho quê hương Việt Nam chúng ta, và cho tất cả nhân loại.

4.     Suy niệm của lm. Giu-se Lê Quang Uy, Dcct

Chúng ta có để cho Thiên Chúa “truyền tin” cho mình không ?

Trước tiên, qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy cô thiếu nữ Ma-ri-a không hề ngu ngơ khờ dại, nhắm mắt vâng lời một cách thiếu suy xét. Cô đã có một phản ứng tức thì khi nghe thiên sứ báo tin cô sẽ thụ thai, cô ngỡ ngàng thắc mắc: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !”

Xin lưu ý là: cô Ma-ri-a đã phản ứng ngỡ ngàng, chứ không phải là phản đối, phản kháng. Cô chỉ băn khoăn thắc mắc rằng: bằng cách nào mà Ngôi Hai Thiên Chúa sẽ nhập thể làm người , sẽ đầu thai để trở thành một bé trai sinh ra từ cung lòng mình ? Lý do thắc mắc ngỡ ngàng của cô thật quá rõ ràng: cô chỉ mới đính hôn với ông Giu-se cơ mà ?

Thiên sứ liền trấn an cô: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”. Thiên sứ còn quả quyết: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.

Đến đây thì cô Ma-ri-a đã vui mừng và mạnh dạn thốt lên lời Xin Vâng tuyệt vời: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

Trong phút chốc, cô Ma-ri-a trở thành Mẹ của Đức Giê-su Ngôi Hai Thiên Chúa. Tất cả chỉ nhờ một lời ngắn gọn, một thái độ vâng phục chan chứa lòng Tin Cậy Mến. Có thể nói, Mẹ đã để cho Thiên Chúa hoàn toàn quyết định hướng đi cuộc đời Mẹ, hầu Mẹ được cộng tác với Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ chính cuộc đời của Mẹ, cuộc đời của mọi người, của toàn thể nhân loại.

Lời Xin Vâng của Mẹ trở thành một mẫu mực tuân phục Thiên Chúa cho chúng ta noi theo. Nói mạnh hơn, lời Xin Vâng ấy là một lời chất vấn, một thách đố hùng hồn trước thảm kịch bất tuân phục Thiên Chúa của con người trong thời đại của chúng ta.

Tự do ly dị, phá thai vô tội vạ, cướp bóc bạo lực, đua xe bạt mạng, nghiện ngập xì-ke ma túy, buôn gian bán lận, ăn chơi trác táng, cha mẹ độc đoán hoặc ghẻ lạnh với con cái, con cái nhục mạ hoặc thờ ơ bỏ rơi cha mẹ, học trò đánh đập thầy cô, vợ chồng xô sát với nhau và chiến tranh khủng bố bạo tàn khắp nơi trên thế giới… Hình như con người quá kiêu hãnh về mình, muốn gạt bỏ Ý Thiên Chúa để tự quyết lấy đời mình ! Phần chúng ta thì sao ? Chúng ta được gọi là Ki-tô hữu, tức là chúng ta thuộc về Đức Ki-tô, là môn đệ của Thầy Giê-su chí thánh, đã và luôn tin cậy phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Vậy chúng ta có mở ngỏ cuộc đời mình cho ý định yêu thương của Thiên Chúa không ?

Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng chính mình cũng đang được mời gọi: Hãy để cho Thiên Chúa “truyền tin” cho mình ngay giữa cái thế giới hôm nay đang bùng nổ về thông tin. Và Thiên Chúa sẽ gửi đến cho chúng ta một bản tin như thế nào ? Phải chăng đó chính là “Tin Mừng”, “Tin Vui”, “Tin Lành”, “Tin Tốt Đẹp”, “Tin Bình An”, “Tin Hy Vọng” cho mảnh đời đã có quá nhiều “tin buồn, quá nhiều “tin… tức” của chúng ta ? Và một khi nhận được một “Tin Mừng” như thế, chúng ta có sẵn sàng mau mắn thưa Xin Vâng trước mọi biến cố, nhất là những nghịch cảnh trong cuộc sống hôm nay được lồng vào trong, được ẩn dấu trong một nội dung Tin Mừng kỳ diệu của Sự Sống Yêu Thương chăng ?

Chúng ta hãy bắt chước Đức Ma-ri-a để luôn tìm đọc Lời Chúa, để nhẫn nại cầu nguyện trong niềm xác tín rằng: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.

Có một thiếu nữ người Pháp mà tôi đã lỡ quên mất tên sau khi đọc được câu truyện sau đây trên báo Echo de Lourdes cách đây khoảng 25 năm. Cô ấy bị mắc phải căn bệnh nhũn tủy làm cho bị liệt đôi chân. Cô đã hy vọng rất nhiều khi người ta đề nghị đưa cô tới Lộ-đức để xin ơn Mẹ làm phép lạ. Khi ra về, ai cũng lắc đầu thất vọng vì thấy cô gái không được lành bệnh. Thế nhưng, chính cô thì lại hân hoan tâm sự: “Tôi không hề được Mẹ chữa lành căn bệnh thể xác, chắc là Chúa Giê-su muốn tôi được chia nỗi đau đớn thân xác với Ngài, và tôi đã thưa Xin Vâng như Mẹ… Thế nhưng, Mẹ lại đã chữa lành căn bệnh tuyệt vọng bi quan của tâm hồn tôi… Từ nay, tôi xin được làm Tông Đồ của Chúa Giê-su, Con yêu dấu của Mẹ…”

Và quả thật, cô gái đã trở thành một Tông Đồ nằm trên giường bệnh của những người cũng đang đau khổ bất hạnh như cô đã từng đau khổ bất hạnh. Cô đã viết thư gửi đi để khích lệ niềm hy vọng của những em bé mồ côi, của những người già cô đơn trong Viện Dưỡng Lão, của những thiếu nữ lỡ lầm đang định phá thai, của những người khuyết tật khốn khổ…

Cho đến khi bị liệt cả hai tay, cô đọc người ta viết. Khi không nói được nữa, người ta soạn các lá thư rồi đọc lên cho cô nghe và gật đầu hoặc chớp mắt đồng ý. Và sau khi cô chết, người ta lấy những lá thư đã sao chép và lưu trữ để in thành hàng vạn lá thư khác…

Mới đây, khi tôi được đến giúp Tĩnh Tâm 3 ngày Mùa Chay cho Giáo Xứ Tử-đình ở Gò-vấp, tôi lại gặp được một bạn trẻ cũng bị căn bệnh Nhũn Tủy giống như cô gái nói trên. Đó là bạn sinh viên năm thứ hai Đại Học khoa Tin Học tên là Phạm Ngọc Quỳnh. Tôi đã mời cả gia đình Quỳnh cùng tôi cầu nguyện ngay bên giường bệnh của bạn ấy…

Và tôi đã nhìn vào đôi mắt bừng sáng đầy nghị lực quả cảm của bạn ấy. Và tôi đang cầu nguyện thật lòng xin Thánh Ý Thiên Chúa tỏ bày, để một hôm nào đó tôi sẽ mạnh dạn ngỏ lời đề nghị với bạn Quỳnh cũng chọn công việc Tông Đồ khiêm tốn mà hiệu quả tuyệt vời như cô gái người Pháp đã làm.

Nếu được, xin các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên hãy đến thăm bạn Quỳnh ở số nhà 2/16 đường Thống Nhất, tổ 75, phường 15, quận Gò-vấp, hoặc điện thoại số 9.961.554. Tôi hy vọng, cả tôi lẫn các bạn có thể sẽ là những “sứ giả”, những “thiên thần” được Thiên Chúa gửi đến cho Quỳnh và cho biết bao nhiêu bạn trẻ khác, cho biết bao nhiêu con người khốn khổ bất hạnh khác đang sống quanh chúng ta, ngay bên cạnh chúng ta…

Thế đấy, mỗi ngày, mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời chúng ta đều như văng vẳng một lời “Truyền Tin” của Thiên Chúa thông qua một “sứ giả”, một “thiên thần” nào đó ngay bên chúng ta. Có thể đó sẽ là một lời mời gọi chúng ta hãy cộng tác với một chương trình mầu nhiệm hoặc một kế hoạch kỳ diệu nào đó của Thiên Chúa như đã từng xảy đến cho Đức Ma-ri-a. Chúng ta chỉ cần khiêm tốn thưa Xin Vâng với Thiên Chúa. Còn mọi sự sau đó, hãy cứ tin rằng: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.

Được như vậy, thật sự chúng ta sẽ là những người có phúc, xứng đáng được chào bằng lời chào ngày xưa thiên thần đã kính chào đức Ma-ri-a: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”.

5.     Suy niệm của Sr. Tâm năng

“Xin Vâng”: Sứ Mạng Tông Đồ

Nếu tìm hiểu lịch sử Israel chúng ta sẽ thấy vua Achaz trong bài đọc 1 hôm nay không phải vì khiêm nhượng mà không dám xin Chúa một dấu lạ, nhưng vì ông đã hồ nghi Yahweh Thiên Chúa không đủ quyền năng để bảo toàn đất nước khi nghe quân ngoại bang vây đánh. Vì thế, thay vì cầu khấn cùng Yahweh, ông đã đi năn nỉ vua Assaria giúp đỡ. Bài đọc 2 cho chúng ta thấy các của lễ toàn thiêu không phải là điều Thiên Chúa hằng mong đợi nơi con người. Điều làm Thiên Chúa vui lòng nhất là thi hành ý Ngài. Và bài Phúc Âm hôm nay nêu lên một mẫu gương sống động của việc thi hành ý Chúa qua tiếng “Xin Vâng” của Mẹ Maria trong biến cố truyền tin mà chúng ta kính nhớ hôm nay.

Tiếng xin vâng của Đức Mẹ, thoạt nghe, chẳng có gì đặc biệt đáng chúng ta phải chú ý. Nhưng nếu để tâm suy nghĩ và cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy được tinh thần hy sinh, lòng bác ái, và đức tin sống động của Mẹ được gói gọn trong hai tiếng xin vâng đó.

Qua tiếng xin vâng, Mẹ Maria sẵn sàng gạt bỏ đi tất cả những gì Mẹ hằng ôm ấp cho riêng mình là sống đời đồng trinh, để chấp nhận cộng tác với Chúa trong việc sinh ra cho nhân loại Đấng Cứu Thế mà ai cũng trông chờ.

Chính vì điểm này mà Chúa đã ban cho Mẹ được cả hai, tức là vừa đồng trinh vừa làm Mẹ Thiên Chúa. Khi thưa lên tiếng xin vâng, Mẹ Maria hiểu được nhiệm vụ chính yếu của Mẹ là hiến mình làm dụng cụ đem Chúa đến cho nhân loại. Vì vậy, khi Ngôi Hai Thiên Chúa vừa đầu thai trong cung lòng Mẹ, Mẹ đã “vội vã” lên đường thăm viếng bà Isave. Không cần phải dài dòng, ai cũng hiểu được mục đích của cuộc viếng thăm này không phải là để Mẹ ca bài Magnificat cho bà Isave và cũng chẳng phải để nghe bà Isave tán tụng Mẹ là người có đức tin mạnh mẽ. Lý do chính yếu của cuộc viếng thăm này là để Mẹ đem Chúa đến cho gia đình ông Giacaria, đặc biệt là thánh Gioan Tiền Hô, khiến ngài phải nhảy mừng trong lòng bà Isave.

Tiếng xin vâng của Mẹ Maria còn nhắc nhớ chúng ta về đức tin sống động của Mẹ: luôn phó thác mình cho tác động của Chúa Thánh Thần. Nếu chỉ xin vâng một lần rồi thôi hoặc có thể rút lại được khi hết hứng thì rất dễ, nhưng tiếng xin vâng của Mẹ Maria là tiếng xin vâng liên tục và vĩnh viễn kể từ giây phút truyền tin. Do đó, nếu không có một đức tin mạnh mẽ và sống động thì Mẹ Maria không thể nào thưa lên được tiếng xin vâng cộng tác vào chương trình cứu chuộc. Và nếu đức tin đó không được tiếp tục nuôi dưỡng thì Mẹ Maria cũng chẳng tiếp tục sứ mạng cộng tác của Ngài cho đến ngày Mẹ được Chúa cất về trời. Vì cuộc đời tại thế của Mẹ cũng là một cuộc hành trình đức tin như mỗi người chúng ta ngày nay vậy. Và mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời là một bước Mẹ tiến cao hơn trong cuộc lữ hành đức tin. Mỗi một lần như vậy nó đòi buộc một sự tín thác cao độ hơn lần trước, vì như mọi người chúng ta, Mẹ cũng chẳng biết được tương lai ngày mai sẽ ra sao.

Như Mẹ đã cưu mang Chúa trong thân xác qua biến cố truyền tin, mỗi người chúng ta cũng cưu mang Chúa trong tâm hồn kể từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Vì thế, biến cố truyền tin mời gọi mỗi người chúng ta hãy xét lại xem cuộc sống Kitô hữu của chúng ta có rập theo khuôn mẫu của Mẹ Maria chưa: luôn tín thác mình cho tác động của Chúa Thánh Thần. Điều này đòi buộc mỗi người chúng ta phải luôn sẵn sàng để thưa lời xin vâng như Mẹ Maria trong mọi cảnh huống của cuộc sống hằng ngày. Bao lâu chúng ta chưa thi hành được như vậy thì bấy lâu chúng ta đừng trông mong đem Chúa đến cho người khác. Vì việc tông đồ đúng nghĩa phải là việc của Thiên Chúa. Mà bao lâu chúng ta chưa đồng tâm nhất trí với Chúa, chưa sẵn sàng đón nhận tác động của Chúa trong chúng ta thì bấy lâu Chúa và chúng ta không thể nào hoạt động giống nhau được.

Như Mẹ Maria xưa đã đồng ý để Chúa dùng Mẹ như một phương tiện đến với nhân loại thế nào thì nhiệm vụ chính yếu của mỗi người Kitô hữu ngày nay cũng chính là việc sẵn sàng hiến cho Chúa một cơ hội để Ngài tỏ mình ra cho những người chúng ta tiếp xúc trong cuộc sống hằng ngày: một nụ cười thân thiện, một ánh mắt thông cảm, một nghĩa cử bác ái, một sự nhịn nhục kẻ thù… tất cả sẽ là việc tông đồ nếu qua đó mà người ta nhận biết Chúa rõ ràng hơn, yêu mến Chúa sâu đậm hơn, và thương yêu tha nhân chân thật hơn.

Xin Mẹ Maria nâng đỡ phù trì để chúng ta ngày một tiến cao hơn trong cuộc lữ hành đức tin qua việc mở rộng tâm hồn sẵn sàng cộng tác với ơn soi động của Chúa Thánh Thần ngõ hầu Chúa Giêsu có cơ hội tiếp tục sinh xuống tâm hồn những ai chưa nhận biết Chúa.

6.     Sống Lời Chúa – Xin Vâng

Jean Guitton, một triết gia công giáo nổi tiếng và đạo đức, đã viết trong cuốn “la Vierge Marie”, Đức Trinh nữ Maria, về hoạt cảnh truyền tin, một cách vừa thâm trầm lại vừa ý vị, ngày đó Con Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người nơi cung lòng Đức Trinh nữ Maria. Tôi chỉ xin trích dẫn một vài đoạn nho nhỏ mà thôi.

Như chúng ta đã biết : trước lời chào kính của sứ thần Gabriel. Mẹ Maria đã thực sự bối rối bởi vì Mẹ đã khấn giữ mình đồng trinh. Nhưng rồi sứ thần đã tỏ lộ cho Mẹ biết ý định tuyệt vời của Thiên Chúa.

Và Jean Guitton đã diễn tả :

Mặc dù Phúc Âm không ghi lại, nhưng trong lúc đó, hẳn Mẹ đã thinh lặng. Giây phút thinh lặng ấy hẳn không lâu nhưng lại rất cần thiết. Giây phút của băn khoăn và suy nghĩ. Có lẽ dưới đất và ngay cả trên trời chưa bao giờ có được một giây phút quan trọng đến thế. Đây không phải là giây phút phân vân do dự, nhưng là giây phút tự do và chọn lựa. Giây phút của lời xin vâng.

Từ đời đời, Ba Ngôi Thiên Chúa đã mong chờ lời xin vâng ấy. Với lời xin vâng ấy, chiếc vòm của tòa nhà đã được hoàn tất. Bởi vì tất cả đều lệ thuộc vào giây phút trọng đại này.

Thiên Chúa chờ đợi để thực hiện chương trình cứu độ. Nhân loại chờ đợi để được giải thoát. Với lời xin vâng này, Ba Ngôi Thiên Chúa bắt đầu hoạt động. Chúa Cha biểu lộ quyền năng qua cuộc sáng tạo. Chúa Con được sinh ra trong thời gian và Chúa Thánh Thần tác động để Chúa Con được mặc lấy thân phận con người.

Lời xin vâng này chỉ diễn ra trong giây lát nhưng lại có giá trị đến muôn ngàn đời.

Đối với Thiên Chúa, nếu cần có một lời thì lời đó chưa được nói ra. Nếu cần có một giới luật thì giới luật đó chưa được công bố. Nếu cần có một hành động yêu thương, thì hành động đó chưa được thực hiện.

Còn về phía con người, thì chỉ có mình Mẹ Maria. Chúng ta không được biết đích xác những gì đã xảy ra trong tâm hồn Mẹ lúc bấy giờ, nhưng chắc chắn là Mẹ đã suy nghĩ nhiều lắm. Trước mặt Mẹ là hai ngành cây liên kết, không thể chia cắt, không thể phân ly. Một bên là niềm vui mừng và vinh dự. Còn một bên là đau khổ, và âu lo. Một khi đã chấp nhận vinh dự thì cũng phải chấp nhận bổn phận. Một khi đã chấp nhận vinh quang thì cũng phải chấp nhận gánh nặng.

Mẹ cảm thấy như mình được chọn bởi Đấng sẽ trở nên Con của mình. Đó là điều khác biệt giữa Đức Maria với những người mẹ trần gian. Và thời gian dường như ngừng đọng.

Với lời xin vâng, Mẹ nhận thấy hôm nay là vui mừng nhưng ngày mai sẽ là đau khổ. Với lời xin vâng Mẹ chấp nhận để cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện.

Sứ thần Gabriel rời bỏ căn nhà tại Nagiarét. Mọi sự trở về tình trạng như thường ngày. Cánh đồng cỏ vẫn mọc xanh và trên trời những cụm mây vẫn lững lờ bay. Thánh Giuse có lẽ đã đến viếng thăm Đức Maria, nhưng thánh nhân đâu có biết được biến cố trọng đại đã xảy ra giữ Thiên Chúa và con người.

Giờ đây ở trên trời, là Nữ vương trời đất, nhưng Mẹ vẫn không xa lìa chúng ta. Trái lại, bằng một tình thương bao la, Mẹ luôn bênh vực và cầu bầu cho chúng ta. Bởi đó chúng ta hãy tin tưởng và chạy đến với Mẹ để xin Mẹ nâng đỡ phù trợ. Bởi vì với quyền năng của một vị Nữ vương, Mẹ có thể thực hiện được những điều chúng ta van xin. Đồng thời với tình thương của một người me, Mẹ luôn sẵn sáng ra tay nâng đỡ.

7.     Lễ Truyền Tin

Kể từ khi cửa thiên đàng đóng lại do lỗi phạm của Adong Evà, con người khổ đau luôn ngước mắt nhìn lên trời. Rồi qua dòng thời gian, hàng ngàn năm về trước, dân Do thái, từ thế hệ này qua thế hệ khác, luôn mong đợi Thiên Chúa thực hiện lời đã phán hứa. Tận chốn trời cao, Thiên Chúa cũng trông chờ, bởi vì Ngài là Đấng trung thành, Ngài đã đặt niềm hy vọng của Ngài cũng như của chúng ta vào một trái tim bé nhỏ. Ngài đã âm thầm gìn giữ và trang điểm cho trái tim nhỏ bé ấy. Đó là trái tim của Maria, một thiếu nữ xứ Galilêa. Hàng ngày, nàng vẫn cầu nguyện, xin Thiên Chúa nhìn đến những nỗi thống khổ của con người. Rồi khi thời gian viên mãn, cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và nhân loại được thực hiện. Nhờ Maria mà nhân loại được tiến đến cùng Thiên Chúa và sẵn sàng đón nhận tình thương của Ngài. Câu chuyện được xảy ra dưới mái nhà Nagiareth. Sứ thần Gabriel được sai đến, có nhiệm vụ trình bày ý định tuyệt vời của Thiên Chúa cho Maria. Bởi vì Ngài luôn tôn trọng sự tự do của con người. Ngày xưa ma quỷ đã mong đợi sự đồng ý của Evà để đẩy con người vào vòng sự chết, thì hôm nay, Thiên Chúa và nhân loại đang trông chờ lời “Xin Vâng” của Maria để khởi đầu cho chương trình cứu độ. Tất cả đều lệ thuộc vào Maria, qua những lời Mẹ sẽ nói và qua những việc Mẹ sẽ làm. Vì thế, thánh Bernađô đã phải kêu lên : “Câu trả lời của Mẹ sẽ là ơn cứu độ của chúng con. Xin Mẹ hãy nói, hãy nói mau lên, bởi vì Adong và các vị tổ phụ, còn ngồi trong bóng tối sự chết đang kêu cầu Mẹ. Cả chúng con nữa, cũng đang quỳ gối nài van Mẹ”. Và sau cùng Mẹ đã trả lời… Một câu trả lời vừa đơn sơ, vừa ngắn gọn, vừa khiêm nhường lại vừa cương quyết : “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”. Mẹ đã nối kết ý riêng của mình vào với Thánh ý của Thiên Chúa. Với một đức tin tuyệt đối, không điều kiện, không so đo tính toán, Mẹ đã chấp nhận cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ trần gian. Kể từ giây phút đó, tình yêu của Thiên Chúa bắt đầu thực hiện những việc kỳ diệu.

Thực vậy, lời Xin Vâng của Mẹ đã làm cho Con Thiên Chúa trở nên con của Mẹ và Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Lời Xin Vâng của Mẹ là sự đáp trả sự từ khước Thánh ý Thiên Chúa của Adong Evà ngày xưa. Lời Xin Vâng của Mẹ chấm dứt vai trò của Cựu Ước và mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn của Tân Ước. Lời Xin Vâng của Mẹ là tiếng nói đầy thảo hiếu của một người con. Chương trình cứu độ chỉ có thể được thực hiện với hai tình yêu : tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu của nhân loại. Thiên Chúa trao ban Con Một của Ngài, còn nhân loại thì mở rộng cõi lòng để đón nhận Người Con ấy. Ngày xưa ma quỷ đã dùng phương tiện nào thì hôm nay Thiên Chúa cũng dùng phương tiện ấy. Đúng thế, ngày xưa ma quỷ đã dùng một người phụ nữ để làm cho nhân loại bị hư đi thì hôm nay Thiên Chúa cũng dùng một người phụ nữ để lật ngược thế cờ, mà làm cho nhân loại trở nên tốt lành. Ngày xưa Evà đã làm cho nhân loại phải chết thì hôm nay Maria sẽ làm cho nhân loại được sống. Ngày xưa Evà đã kiêu căng thì hôm nay Maria đã khiêm nhường. Ngày xưa Evà đã tin vào lời dụ dỗ của ma quỷ thì hôm nay Maria tin vào lời của sứ thần Thiên Chúa. Đó là những sự tương phản giữa cũ và mới, giữa ngày xưa và hôm nay, giữa Evà và Maria, để rồi chúng ta có thể nói lên như thánh Phaolô : “Ngày xưa bởi một người mà nhân loại phải chết thì hôm nay cũng bởi một người mà nhân loại được sống”.

Có một người mẹ đã hỏi đứa con nhỏ của mình như sau : Theo ý con, thì câu nào trong Kinh thánh đã làm cho con thích thú hơn cả. Đứa bé mở cuốn Kinh thánh và tình cờ lật phải ngay trang trình bày về khung cảnh Truyền tin. Với một ánh mắt long lanh, đứa bé đã nói với Mẹ : Thưa Mẹ, hai chữ Xin Vâng của Đức Maria là hai chữ đã làm cho con thích thú hơn cả. Đúng thế, không gì đẹp cho bằng hai chữ Xin Vâng trên cặp môi của Maria cho chương trình cứu độ được thực hiện. Đồng thời, cũng không gì đẹp cho bằng hai chữ Xin Vâng trên cặp môi của mỗi người chúng ta cho Thánh ý Thiên Chúa được chu toàn. Thánh ý ấy được biểu lộ qua tiếng nói lương tâm, qua mười điều răn, qua Tin mừng Phúc âm cũng như qua những lời giáo huấn của Hội thánh. Chẳng hạn, Chúa bảo chúng ta hãy thờ phượng và kính mến Ngài trên hết mọi sự, chúng ta sẽ thưa lên hai tiếng Xin Vâng, để rồi không một ngày nào qua đi mà không cầu nguyện và sống gắn bó mật thiết với Ngài. Như Mẹ Maria, chúng ta hãy thưa lên hai tiếng Xin Vâng và cố gắng thực hiện lời Xin Vâng ấy trong cuộc sống của chúng ta.

8.     Xin Vâng

Kể từ khi cửa thiên đàng đóng lại do lỗi phạm của Adong và Evà, con người khổ đau luôn ngước mắt nhìn lên trời. Rồi qua dòng thời gian, hàng ngàn năm về trước, dân Do thái, luôn mong đợi Thiên Chúa thực hiện lời đã phán hứa.

Tận chốn trời cao, Thiên Chúa cũng trông chờ, bởi vì Ngài là đấng trung thành. Ngài đã đặt niềm hy vọng của Ngài cũng như của chúng ta vào một trái tim nhỏ bé. Ngài đã âm thầm gìn giữ và trang điểm cho trái tim nhỏ bé ấy bằng muôn vàn ơn sủng. Trái tim nhỏ bé ấy chính là trái tim của Mẹ Maria, một thiếu nữ xứ Galilêa.

Hằng ngày, Mẹ vẫn cầu nguyện, xin Thiên Chúa nhìn đến nỗi khổ đau của con người. Rồi khi thời gian viên mãn, cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và nhân loại được thực hiện. Nhờ Mẹ, nhân loại được tiến đến cùng Thiên Chúa và sẵn sàng đón nhận tình thương của Ngài. Câu chuyện xảy ra dưới mái nhà Nagiarét.

Sứ thần Gabriel được sai đến, có nhiệm vụ trình bày ý định tuyệt vời của Thiên Chúa cho Mẹ, bởi vì Ngài luôn tôn trọng sự tự do của con người. Ngày xưa ma quỉ đã mong đợi sự đồng ý của Evà để đẩy con người vào vòng sự chết, thì hôm nay, Thiên Chúa và nhân loại đang trông chờ lời xin vâng của Mẹ để khởi đầu cho chương trình cứu độ. Tất cả đều lệ thuộc vào Mẹ, qua những lời Mẹ sẽ nói và qua những việc Mẹ sẽ làm, vì thế, thánh Bernadô đã phải kêu lên : câu trả lời của Mẹ sẽ là ơn cứu độ của chúng con. Xin Mẹ hãy nói, hãy nói mau lên, bởi vì Adong và các tổ phụ, còn ngồi trong bóng tối sự chết đang kêu cầu Mẹ. Cả chúng con nữa, cũng đang quì gối nài van Mẹ. Và sau cùng Mẹ trả lời…

Một câu trả lời vừa đơn sơ, vừa ngắn gọn, vừa khiêm tốn lại vừa cương quyết :

-Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vân như lời sứ thần truyền.

Mẹ đã nối kết ý riêng của mình vào thánh ý của Thiên Chúa. Bằng một đức tin tuyệt đối, không điều kiện, không so đo tính toán, Mẹ đã chấp nhận cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc cứu độ trần gian. Kể từ giây phút đó, tình yêu của Thiên Chúa bắt đầu thực hiện những việc kỳ diệu.

Thực vậy, lời xin vâng của Mẹ đã làm cho con Thiên Chúa trở lên con của Mẹ, Ngôi lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Lời xin vâng của Mẹ là sự đáp trả sự khước từ thánh ý Thiên Chúa của Evà ngày xưa. Lời xin vâng của Mẹ đã chấm dứt vai trò của Cựu ước và mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn của Tân ước. Lời xin vâng của Mẹ là tiếng nói đầy hiếu thảo của một người con.

Chương trình cứu độ chỉ có thể được thực hiện với hai tình yêu : tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu của nhân loại. Thiên Chúa trao ban con một Ngài, còn nhân loại thì mở rộng cõi lòng để đón nhận người con ấy.

Ngày xưa ma quỉ đã dùng phương tiện nào thì hôm nay Thiên Chúa cũng dùng phương tiện ấy. Đúng thế, ngày xưa ma quỉ dùng một người phụ nữ để làm cho nhân loại bị hư đi thì hôm nay Thiên Chúa cũng dùng một người phụ nữ để lật ngược thế cờ, mà làm cho nhân loại được trở nên tốt lành.

Ngày xưa Evà đã làm cho nhân loại phải chết thì hôm nay Maria sẽ làm cho nhân loại được sống. Ngày xưa Evà đã kiêu căng, thì hôm nay Maria đã khiêm nhường. Ngày xưa Evà đã tin vào lời dụ dỗ của ma quỉ, thì hômnay Maria đã tin vào lời Thiên Chúa qua môi miệng của sứ thần Gabriel.

Đó là tất cảsự tương phản giữa cũ và mới, giữa ngày xưa và hôm nay, giữa Evà và Maria, để rồi chúng ta có thể nói như thánh Phaolô : Ngày xưa bởi một người mà nhân loại phải chết, thì hôm nay cũng bởi một người mà nhân loại được sống.

Có một bà mẹ đã hỏi đứa con nhỏ của mình như sau :

-Theo ý con, câu nào trong Kinh tháh đã làm cho con thích thú hơncả ?

Đứa bé mở cuốn Kinh thánh và tình cờ lật phải ngay trang nói về hoạt cảnh Truyền tin. Với ánh mắt long lanh, đứa bé đã nói với mẹ :

-Thưa má, hai tiếng xin vâng của Đức Maria là hai tiếng đã làm cho con thích thú hơn cả.

Đúng thế, không gì đẹp bằng hai chữ xin vâng trên cặp môi của Mẹ Maria cho chương trình cứu độ được thực hiện. Đồng thời, cũng không gì đẹp bằng hai tiếng xin vâng trên cặp môi mỗi người chúng ta cho thánh ý Thiên Chúa được chu toàn.

Thánh ý ấy được biểu lộ qua tiếng nói lương tâm, qua mười giới răn, qua Tin mừng phúc âm, cũng như qua những lời giáo huấn của Hội Thánh.

Chẳng hạn Chúa bảo chúng ta hãy thờ phượng và kính mến Ngài trên hết mọi sự, chúng ta sẽ thưa lên hai tiếng xin vâng, để rồi không một ngày nào qua đi mà không cầu nguyện, mà không sống gắn bó mật thiết với Chúa.

Như Mẹ Maria, chúng ta hãy thưa lên hai tiếng xin vâng và cố gắng thực hiện lời xin vâng ấy trong suốt cuộc sống chúng ta.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, mừng kính lễ Truyền tin hôm nay, xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết noi gương Mẹ Maria, luôn chu toàn thánh ý Chúa ở mọi nơi và trong mọi lúc, để cuộc đời chúng con sẽ là một lời xin vâng liên tục, nhờ đó chúng con sẽ trở nên những người con ngoan của Chúa.

9.     Suy Niệm của Lm. Don Bosco Trần Đức Quý

Mẹ thân yêu của con,

Con rất yêu thích đọc kinh Mai Khôi mà Mẹ đã dạy và hằng luôn nhắc nhở chúng con siêng năng nguyện gẫm. Nhưng Mẹ ơi, xưa nay con chỉ có quen đọc thôi, chứ không nhớ hoặc đôi khi không biết suy gẫm các mầu nhiệm Mai Khôi như thế nào. Thật là thiếu sót khi chỉ đọc mà không suy gẫm các mầu nhiệm, phải không Mẹ ? Hôm nay, con viết thư này cho Mẹ để xin Mẹ giúp con suy niệm các mầu nhiệm cho sốt sắng hơn, hầu thêm lòng mến yêu Mẹ và kính yêu Chúa nhiều hơn. Xin Mẹ giúp con. Con xin viết ra đây Năm Sự Vui để xin Mẹ dạy dỗ con thêm.

Thứ nhất thì ngắm: Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai, ta hãy xin cho được ở khiêm nhượng.

“Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc…” Khi lặp đi lặp lại lời kinh này, con muốn cùng với Thiên Thần Gáp-ri-en xưa kia kính mừng Mẹ “đầy ơn phúc” vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Hơn nữa, Mẹ thật sự “có phúc hơn mọi người phụ nữ” khi được Chúa chọn làm Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa. Mặc dù vậy, Mẹ đã hết sức khiêm tốn khi nói lên lời “Xin vâng” theo Thánh ý Chúa. Con cầu xin Mẹ giúp con sống đơn sơ khiêm nhượng, không được như Mẹ hoàn toàn, nhưng ít ra cũng giống như Mẹ một phần nào đó. “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời…”. Sau khi nghe Thiên Thần báo tin như vậy, thì Thánh Thần Chúa đã ngự xuống trong Mẹ tràn đầy, và bấy giờ Mẹ đã bắt đầu là Mẹ của Thiên Chúa Ngôi Hai. Vậy con xin Mẹ thương cầu cho chúng con là những kẻ tội lỗi “khi nay và trong giờ lâm tử” để chúng con luôn xứng đáng là con cái Chúa.

Thứ hai thì ngắm: Đức Bà đi viếng Bà Thánh Ê-li-sa-bét, ta hãy xin cho được lòng yêu người.

“Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc…” Con nhớ lại khi xưa Mẹ đã không quản đường xa khó nhọc để đi thăm Thánh Ê-li-sa-bét, người chị họ của mình. Lúc đó, Chúa Giê-su đã ở trong lòng Mẹ, nên con thật sự vui mừng khi kính chào Mẹ “đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Mẹ”. Và khi đọc “…Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giê-su con lòng Bà gồm phúc lạ”, con cũng không quên những lời của Thánh Nữ Ê-li-sa-bét đã nói với Mẹ khi Mẹ vừa bước vào nhà. Vì tình chị em, Mẹ đã tận tình giúp đỡ chị mình. Con xin Mẹ giúp con sống bác ái và yêu thương tha nhân, luôn biết xả kỷ giúp đỡ mọi người vì tình yêu. “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời…” Xin Mẹ cầu cho con là kẻ có tội, đặc biệt là các lỗi về đức bác ái. Nhiều khi con đã ích kỷ, chỉ bo bo suy tính cho mình mà không biết nghĩ cho người khác. Lại có lúc con thờ ơ không giúp đỡ người đang cần sự giúp đỡ của con. Xin Mẹ cầu cho chúng con !

Thứ ba thì ngắm: Đức Bà sinh Đức Chúa Giê-su nơi hang đá, ta hãy xin cho được lòng khó khăn.

“Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc…” Một đêm đông lạnh giá, trong một hang đá ở Bê-lem, Mẹ đã hạ sinh Chúa Giê-su. Hòa cùng niềm vui của Mẹ, và cùng với các Thiên Thần và các Thánh, con xin “kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc…”. Và chính lúc này, Mẹ là người có phúc hơn hết tất cả các người phụ nữ trên trần gian: Mẹ là người đầu tiên nhìn thấy Đức Ki-tô con của Mẹ, Đấng Cứu Độ của loài người. “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời…” Bên máng cỏ, nơi Hài Nhi Giê-su đang say giấc ngủ, xin Mẹ cầu cho chúng con là những kẻ tội lỗi. Vì tội lỗi chúng con, Chúa đã xuống thế làm người, một con người nghèo khó. Xin Mẹ giúp chúng con sống tinh thần nghèo khó như Chúa đã dạy, xin giúp chúng con sống thanh đạm để ngày càng trở nên giống Chúa nhiều hơn.

Thứ bốn thì ngắm: Đức Bà dâng Đức Chúa Giê-su vào Đền Thánh, ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.

“Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc…” Với Chúa Giê-su Hài Đồng ẵm trên tay, Mẹ thật sự đầy ơn phúc vì chính Đức Chúa Trời đang ở cùng Mẹ. Mẹ đã vâng theo ý Chúa, thể hiện qua việc tuân theo Luật Chúa dâng con vào Đền Thờ. Con còn nhớ lời tiên báo của Thánh Si-mê-on nói với Mẹ. Chắc lúc ấy, Mẹ cũng đã suy nghĩ, nhưng không nói ra mà chỉ suy gẫm trong lòng. Có thể Mẹ chưa thấy được những viễn cảnh mà Chúa Giê-su sẽ gặp phải sau này, nhưng chỉ nguyện trong lòng một điều là xin vâng theo thánh ý Chúa. Xin Mẹ giúp con luôn biết nói “Vâng” với Chúa, ngõ hầu mọi thánh ý của Ngài được thực hiện toàn vẹn nơi con.

“Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời…” Xin Mẹ cầu cho chúng con là những kẻ đã nhiều lần phạm tội bất phục tùng, không nghe theo tiếng Chúa mời gọi trong tâm hồn, không sống theo những gì Ngài đã dạy. Mẹ biết con yếu đuối, nên xin Mẹ, hãy giúp con dám can đảm sống “xin vâng” như Mẹ. Con không dám xin Chúa đừng gửi đến cho con những thử thách khó khăn, vì chính những thử thách mới giúp linh hồn con được tôi luyện, nhưng con chỉ xin Chúa, nhờ lời cầu bầu của Mẹ, ban cho con được thêm nhiều ơn thánh để con đủ nghị lực vượt qua mọi thử thách ấy và sống trung thành mến yếu Chúa suốt đời con.

Thứ năm thì ngắm: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giê-su trong Đền Thánh, ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.

“Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc…” Với mầu nhiệm này, con hân hoan kính mừng Mẹ vì Mẹ được Thiên Chúa ( cậu bé Giê-su của Mẹ ) ở cùng đã tròn 12 năm. Một lần, Mẹ đã để lạc mất Chúa Giê-su, Mẹ đã hết sức lo lắng đi tìm. Và khi tìm lại được Chúa rồi, Mẹ vui mừng xiết bao. Cùng mừng với Mẹ, con xin dâng lên những lời kinh Kính Mừng này. “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời…” Xin Mẹ cầu cho chúng con là những tội nhân, là những kẻ lắm lúc lầm đường lạc lối. Mẹ ơi, xin Mẹ giúp con đừng để con lạc mất Chúa bất kỳ giây phút nào trong cuộc đời đầy thử thách cám dỗ này. Con xin tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại Mẹ thư sau, con sẽ xin Mẹ chỉ dạy con suy niệm Năm Sự Thương Khó của Chúa Giê-su. Nhân Lễ Truyền Tin, con chúc mừng Mẹ vì ân sủng làm Mẹ Thiên Chúa mà Mẹ đã lãnh nhận; và cùng với Mẹ, con xin dâng lên Chúa tâm tình thành kính tạ ơn vì Chúa đã thương ban cho Mẹ ân sủng trọng đại này. Con của Mẹ.

10.  Suy Niệm của Đan Quang Tâm

MẦU NHIỆM VUI THỨ NHẤT :

THIÊN THẦN TRUYỀN TIN CHO ĐỨC BÀ MA-RI-A

Trong chương đầu Phúc Âm của mình, Thánh Lu-ca thuật lại biến cố Đức Ma-ri-a được truyền tin về sứ mạng của mình: “Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a” ( c. 26 – 27 ).

LỜI CHÀO CỦA THIÊN THẦN

“Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” ( c. 28 – 29 ). Ma-ri-a được sứ thần gọi bằng một tên mới. Đây là điều Chúa thường làm đối với những người Ngài gọi để lĩnh sứ mạng trọng yếu trong Chương Trình của Ngài ( x. St 17, 5.15; 32, 29; Mt 16, 18 ). Tên mới này của Ma-ri-a là “Đấng đầy ân sủng”, điều này cho thấy Ma-ri-a đã được Thiên Chúa chọn để lĩnh sứ vụ trọng yếu và được ban ân sủng cần thiết để hoàn thành sứ vụ. “Đức Chúa ở cùng bà” như vẳng lại lời chào của thiên thần cho Ghít-ôn khi ông được Chúa gọi trở thành vị thủ lãnh giải phóng dân Ít-ra-en khỏi ách thống trị của quân Ma-đi-an ( Tl 6, 11 – 18 ). Không chỉ là lời chào, “Đức Chúa ở cùng bà” còn là lời khẳng định một sự kiện có liên quan mật thiết đến mầu nhiệm Nhập Thể. Thánh Âu-tinh bình luận lời đó bằng cách đặt vào miệng thiên thần câu sau đây: “Ngài ở với bà còn nhiều hơn ở với tôi: Ngài ở trong tâm hồn bà, định hình và trở thành nhục thể trong người bà, Ngài tràn ngập linh hồn bà, Ngài ngự trong cung lòng bà” ( Sermo de Nativitate Domini, 4 ).

TIN MỪNG

Rồi thiên thần bèn nói cùng Ma-ri-a: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” ( c. 30 – 33 ). Tổng thiên thần Gáp-ri-en loan báo cho trinh nữ Ma-ri-a rằng trinh nữ sẽ trở nên Mẹ Thiên Chúa bằng cách lặp lại lời ngôn sứ I-sai-a loan báo từ xa xưa rằng Đấng Mê-si-a sẽ sinh bởi một người trinh nữ, lời tiên tri ấy nay được hoàn thành nơi Đức Ma-ri-a ( x. Mt. 1, 22 – 23; Is 7, 14 ). I-sai-a mô tả việc hoàn thành lời hứa ấy cho chúng ta thấy trong một đoạn văn có thể nói là diễm lệ nhất trong Kinh Thánh, mà chúng ta nghe đọc trong đêm Giáng Sinh: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm. Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an. Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa.

Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó” ( Is 9, 1 – 6 ). Đức Giêsu tuyên bố Ngài hoàn thành lời hứa này khi Ngài ban cho các môn đệ sứ vụ lớn lao: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 18 – 20 ).

QUYỀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA

Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” ( c. 34 – 37 ). Đối với Chúa thì không có gì mà không thể thực hiện được! Ngài tạo dựng trời đất và mọi cư dân ( St 1 ). Ngài có thể đem sự sống vào trong cung lòng người nữ đã có tuổi, có tiếng là son sẻ và cũng có thể gieo sự sống vào trong một cung lòng trinh trong. Ngài có thể hóa nước thành rượu ( Ga 2, 1 – 11 ). Ngài có thể lấy phần ăn của một em nhỏ mà nuôi những cả một đám đông quần chúng ( Mt 14, 15 – 21; 15, 32 – 39; Mc 6, 34 – 44; 8, 1 – 10; Lc 9, 10 – 17; Ga 6, 1 – 15 ). Ngài có thể chữa kẻ què đi được, người mù được sáng mắt. Ngài có thể biến đổi bánh và rượu trở thành mình và máu Ngài ( Mt 16,16 – 28; Mc 14, 22 – 23; Lc 22, 17 – 20 ) nhằm cung cấp cho chúng ta của ăn đem lại sự sống đời đời ( Ga 6, 35.48 – 58 ).

TIẾNG XIN VÂNG CỦA MA-RI-A

“Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi” ( c. 38 ). Bình luận về các câu trên, Đức Gio-an Phao-lô II nói: “Virgo fidelis, đức nữ trung tín thật thà. Đức trung tín của Ma-ri-a nghĩa là gì ? Trung tín bao gồm các chiều kích gì ? Chiều kích thứ nhất gọi là tìm kiếm. Trước hết, Ma-ri-a tỏ ra trung tín khi ngài bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa sâu xa của chương trình Thiên Chúa nơi mình và cho thế giới. Quomodo fiet ? Sự việc xảy ra như thế nào ? Ngài hỏi Sứ Thần Truyền Tin ( … ). Chiều kích thứ hai của trung tín gọi là tiếp nhận, chấp nhận. Lời Quomodo fiet ? trên môi Ma-ri-a chuyển thành một lời fiat: Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền, tôi sẵn sàng, tôi chấp nhận. Đây là giờ phút hệ trọng của đức trung tín, giờ phút mà con người cảm thấy mình sẽ không bao giờ hiểu thấu được từ “như thế nào”; trong kế hoạch của Thiên Chúa có các khu vực mang tính nhiệm mầu nhiều hơn là tính sáng sủa, rõ ràng; cho dù có ra sức phấn đấu đến đâu chăng nữa thì cũng chẳng tài nào lĩnh hội đầy đủ sự việc ( … ) Chiều kích thứ ba của đức trung tín là sự kiên định, kiên trì sống theo những điều mình tin tưởng, sẵn sàng điều chỉnh cuộc đời mình cho phù hợp với mục tiêu mình theo đuổi. Sẵn sàng chấp nhận bị hiểu lầm, bắt bớ còn hơn ngôn hành bất nhất, tin một đàng mà làm thì một nẻo; điều này gọi là tính kiên định ( … ) Tuy nhiên, mọi sự trung tín đều phải trải qua cuộc thử nghiệm khốc liệt nhất: sự thử thách của thời gian. Do đó, chiều kích thứ tư là tính thuỷ chung như nhất. Kiên trì ngày một ngày hai thì dễ. Kiên trì trong suốt cuộc đời thì khó và đây mới là điều quan trọng. Kiên trì đang khi hào hứng, hồ hởi phấn khởi thì dễ, còn vẫn giữ được sự kiên trì trong cơn thử thách khốn quẫn mới khó. Và chỉ có sự kiên trì kéo dài cho đến suốt đời mới là tín trung. Lời thưa ‘fiat’ xin vâng của Đức Ma-ri-a trong buổi Truyền Tin trở nên viên mãn trong tiếng ‘fiat’ xin vâng âm thầm mà Mẹ lập lại dưới chân Thập Giá” ( Đức Gio-an Phao-lô II, Bài giảng tại Vương Cung Thánh Đường Mexico City, 26 tháng 1 năm 1979 ).

KẾT LUẬN

Chúng ta vừa cung chiêm Đức Ma-ri-a tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc mới được thụ thai, Đức Trinh Nữ thành Na-da-rét được Thiên Thần vâng lệnh Thiên Chúa đến truyền tin và kính chào là “Đấng đầy ân phúc” ( x. Lc 1, 28 ). Và Trinh Nữ đã đáp lời sứ thần rằng: “Này tôi là Tôi Tá Chúa, xin hãy xảy ra cho tôi theo lời ngài” ( Lc 1, 38 ). Như thế, Đức Ma-ri-a, con cháu A-đam, vì chấp nhận lời cứu độ của Thiên Chúa, đã trở nên mẹ Chúa Giêsu. Hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, vì không một tội nào ngăn trở ngài. Đức Ma-ri-a đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thế và sự nghiệp của Con ngài, và nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con ngài. Bởi vậy, các Thánh Giáo Phụ đã nghĩ rất đúng rằng: Thiên Chúa đã không thu dụng Đức Ma-ri-a một cách thụ động, nhưng đã để ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của ngài. Thực vậy, Thánh I-ren-nê nói: “Chính ngài, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại”. Và cùng với Thánh I-ren-nê còn có rất nhiều Thánh Giáo Phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của E-và, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Ma-ri-a; điều mà E-và đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Đức Ma-ri-a đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với E-và, các ngài gọi Đức Ma-ri-a là “Mẹ kẻ sống”, và thường quả quyết rằng: “Bởi E-và đã có sự chết, thì nhờ Ma-ri-a lại được sống” ( Vatican II, Lumen gentium, 56 ). Truyền Tin cho Đức Ma-ri-a và Nhập Thể của Ngôi Lời là mầu nhiệm thâm sâu nhất về mối quan hệ giữa Thiên Chúa và loài người và là biến cố quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại: Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta mãi mãi. Ấy vậy mà khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống làm người, nhập thể trong cung lòng tinh khiết của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, thì biến cố lẽ ra phải long trời lở đất lại diễn ra trong âm thầm, không kèn không trống. Ta thấy rằng Thánh Lu-ca đã thuật câu truyện trên bằng một ngôn ngữ hết sức bình dị. Thái độ của ta trước đoạn Lời Chúa là hãy trân trọng và năng sử dụng những lời Phúc Âm này, chẳng hạn như ta có thể thực hành tập quán Ki-tô giáo đọc kinh Truyền Tin mỗi ngày và suy niệm năm mầu nhiệm vui của Kinh Mai Khôi.

Viết theo:

  1. A Scriptural Reflection on the Rosary: the First Joyful Mystery, Maryann Marshall, www.petersnet.net 2. The Navarre Bible St Luke, Nhà Xuất Bản Four Courts Press, Kill Lane, Blackrock, Co. Dublin, Ireland, 1997.

11.    Bông Hoa Hé Nở

Suy Niệm của Sr Marciana Chuẩn, CMR

Phúc Âm thánh Luca đề cập đến đoạn kinh thánh tuyệt vời về cuộc truyền tin, đó là mẫu gương sáng ngời về Đức Maria người nữ của niềmtin. Lời thiên sứ kính chào Mẹ đã trở thành lời kinh”Ave Maria” được dùng trong toàn thể Giáo Hội: “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà.” Các nghệ sĩ, họa sĩ và các nhà nghệ thuật trong mọi thời đại đã cố gắng miêu tả Đức Maria trong trạng thái cầu nguyện, chính trong giây phút này đã làm thay đổi toàn thể lịch sử nhân loại. Mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể cho chúng ta cái nhìn trong bốn khía cạnh của mầu nhiệm. Mầu nhiệm thứ nhất Thiên Chúa mong mỏi tha thiết để thông đạt chính mình cho thụ tạo của Người là chúng ta qua Người Con yêu dấu là Đức Kitô. Phúc âm thánh Gioan đã diễn tả tóm tắt lòng nhân hậu yêu thương nhân loại torng đoạn Kinh thánh như sau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời.” Mầu nhiệm thứ hai là tình yêu vĩnh cửu vô biên Chúa Kitô không chỉ dâng lên Thiên Chúa Cha mà thôi mà còn cho mỗi cá nhân chúng ta. Tình yêu đó được thể hiện trong cuộc tự hiến của Ngài. Thánh Phaolô nói: “Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân.” (P1 2,7). Chính Chúa Kitô cũng xác quyết với ta rằng: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13) Vì thế, tình yêu đã thúc bách Ngài mau mắn thưa với Cha: “.. Này con đây, con xin đến để thi hành thánh ý Cha.” (Dt 10,7) Chúa Kitô còn quả quyết với những người theo Ngài: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga 4,34). Mầu nhiệm thứ ba bao quanh biến cố truyền tin. Thánh Phaolô viết: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người nữ.” (Gl 4,4). Người Nữ này có một chỗ thật “đặc biệt” trong chương trình của Thiên Chúa. “Chúa Thánh Thần sẽ xuống trên bà và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ bao phủ bà.” (Lk 1.35) Maria đã cưu mang hòm bia giao ước trong dạ Mẹ. Mẹ chỉ đặt một câu hỏi duy nhất với Thiên Sứ: “Làm sao có thể xảy ra được?” (Lk 1, 34) hay “làm sao hòm bia giao ước của Thiên Chúa đến với tôi được?” (II Sam 6,9) hoặc làm sao tôi có thể thực hiện công trình vĩ đại siêu phàm đó được? Câu hỏi không phải của sự nghi ngờ tránh né, nhưng là làm sáng tỏ. Qua sự vâng phục khiên nhường của Mẹ: “Này tôi là nữ tì của Chúa, tôi xin vâng như lời Ngài truyền.” (Lk 1,38) và “lời Chúa đã được thực hiện” (Lk 1,45). Sau này trong đời công khai Chúa Kitô khen tặng Mẹ “Mẹ Ta và anh em Ta là những người nghe lời Chúa và đem ra thi hành” (Lk 8,21). Maria trở nên hiện thân đích thực lời hứa của Thiên Chúa, Mẹ thụ thai cùng cưu mang lời hứa và lời hứa ấy sẽ được gọi là “Con Đấng Tối Cao” (Lk 1,35). Maria đã nên gương sáng cho các tín hữu trong lòng tin và sự phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, mặc dù khó khắn và đắt giá trong một tương lai xa xăm mịt mờ. Niềm tin của Mẹ không mù quáng nhưng rất am tường thánh ý Chúa “con thích làm theo thánh ý và ấp ủ luật Chúa trong lòng.” (Tv 40,9) Mầu nhiệm thứ bốn bao quanh đời sống chúng ta. Trong cương vị của người môn đệ, Chúa Kitô sửa soạn cho chúng ta vào mầu nhiệm này: “Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình hằng ngày mà theo. Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lk 9,23-24) Chúa kêu gọi chúng ta phải từ bỏ và chết cho mình cách liên tục như: lòng yêu mình, ích kỷ, tham danh vọng… phải bỏ hết vì lòng yêu mến Cha trên Trời mà thánh Phaolô gọi là sự điên rồ của thập giá. Giống như Me, đời sống người Kitô hữu phải luôn luôn là hành động đức tin trong mọi giây phút. Nhiều nghịch cảnh trong cuộc đời xẩy đến chúng ta không hiểu, như phải đối diện với những nỗi hoang mang sợ hãi như: hoàn cảnh bấp bênh không có tương lai, nỗi kinh hoàng nếu chiến tranh nguyên tử xẩy đến, sợ đói kém hạn hán đưa tới, sự đối xử bất công trong xã hội… thế giới thách thức chúng ta. Như Maria, chúng ta phải tin và phó thác vào tình yêu tuyệt đối Cha trên trời. Mẹ đã dâng lên Chúa lời xin vâng vô điều kiện, chính lời thưa này dẫn Mẹ tới sự thô sơ nghèo nàn của hang Bêlem, sự cô đơn lưu đầy sang Ai Cập, cái kiếp nghèo cùng khốn tại Nagiarét và một nỗi đau khổ tột độ trên đồi thánh Cavariô. Lòng tin tưởng và phó thác của Mẹ đã không suy giảm vì Mẹ yêu Chúa nhiều. Đừng sợ, Mẹ sẽ dẫn đưa chúng ta đến niềm hy vọng ngày mai, niềm hy vọng ấy không làm chúng ta thất vọng. Hãy dâng cho Chúa tất cả con người chúng ta. Chắc chắn rằng niềm tion và sự phó thác của Mẹ sẽ kiên vững lòng tin của ta. Mẹ là Mẹ chúng ta, Mẹ “sẽ không từ chối những ai chạy đến Mẹ xin bầu chữa cứu giúp.” Đây là thông điệp Mẹ nhắc cho mỗi người tín hữu: “HÃY LÀM TẤT CẢ NHỮNG GÌ NGÀI BẢO.”

12.   Khiêm Nhường Để Đón Nhận Ý Chúa
(Is 7, 10-14. 8,10; Dt 10, 4-10; Lc 1, 26-38)
 

Trong cuộc sống, chúng ta thấy nhiều ông chủ thường chọn cho mình một trợ lý để hỗ trợ mình trong công việc. Tiêu chuẩn để được trở thành trợ lý xứng đáng, đó chính là sự khiêm nhường. Nếu khiêm nhường thì sẽ dễ dàng đón nhận ý chủ và thi hành cách trung thực. Ngược lại, nếu tự kiêu tự đại, người trợ lý rất khó chấp nhận ý chủ và sẵn sàng đưa ý mình thay ý chủ. Như vậy, công việc của ông chủ sẽ bị người trợ lý phá hoại nếu hắn không tuân thủ mệnh lệnh trong sự khiêm tốn, và lẽ tất yếu, rất khó trung thành!
Hôm nay, Lễ Truyền Tin Thiên Chúa nhập thể, chúng ta thấy toát lên hai nhân vật chính: một là sứ thần, hai là Mẹ Maria. Sứ Thần là người truyền tải sứ điệp của Thiên Chúa cho Mẹ Maria, còn Mẹ Maria là người đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa qua sứ thần.

  1. Khiêm nhường để đón nhận Ý Chúa

Nội dung sứ điệp rất đặc biệt. Người đón nhận đóng vai trò rất quan trọng. Bởi vì khi đón nhận, ngay tức khắc, Mẹ Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa khi sẵn sàng để Con Thiên Chúa là Đức Giêsu xuống thế và nhập thế nơi cung lòng mình.
Đây là một tin vừa gây shock, vừa hãnh diện nơi Mẹ. Shock là vì Mẹ đã khấn giữ mình đồng trinh, ấy vậy mà giờ Thiên Chúa lại thách đố Mẹ khi truyền cho mình phải mang thai, cưu mang và hạ sinh Con Thiên Chúa. Hãnh diện vì trong muôn ngàn phụ nữ, Thiên Chúa đã chọn mình. Tuy nhiên, dù shock hay hãnh diện, Mẹ đã khiêm tốn để xin vâng trong lòng mến.
Từ thái độ khiêm nhường để đón nhận lời xin vâng, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã được thành hiện thực. Cũng kể từ khi lời xin vâng đầy xác tín và khiêm nhường ấy, mà: “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta, và chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Người” (Ga 1, 14). Đức Maria vâng lời Chúa qua trung gian của thiên thần, đây là giây phút Mẹ biểu lộ nhân đức khiêm nhường tuyệt vời mà Mẹ đã được hấp thụ bởi cha mẹ của mình.
Vâng phục Chúa, qua lời thiên thần truyền, Mẹ nhận mình là một người tôi tớ. Rõ ràng trong sự vâng phục, qua tiếng xin vâng của Mẹ, Mẹ đã tin tưởng, phó thác cả đời sống cho Đấng đã tuyển chọn mình.
Cũng chính lời xin vâng của Mẹ như thế, mà từ nay, Mẹ trở thành Evà mới thay thế cho Evà cũ đã bất tuân. Từ nay mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại.
Trở thành Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đóng vai trò Nữ Hoàng và cũng là Nữ Tỳ của Thiên Chúa. Trở thành Mẹ nhân loại, Mẹ đóng vai trò Từ Mẫu và là Đấng Bầu Chữa cho con cái của mình. Nhưng dù trong vai trò nào, Mẹ luôn luôn chuyển cầu lòng thương xót của Thiên Chúa xuống cho nhân loại. Đây là niềm vui và tự hào nơi Mẹ. Chính trong tâm tình này mà Mẹ đã cất cao lời ngợi khen Đấng Giàu Lòng Xót Thương đã đoái nhìn đến thân phận hèn yếu nơi Mẹ. Vì thế, mẹ đã mượn lời của bài ca Manifiat mà trong lịch sử cứu độ, những người hèn mọn đã cất lên để ca ngợi kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho mình và dòng tộc mình..
Qua lời kinh này, đức khiêm nhường lại càng đậm nét hơn nơi Mẹ, vì thế, Mẹ đã dâng lại cho Chúa tất cả vinh dự mà Người ban tặng cho Mẹ.
2. Sứ điệp Ngày Lễ
Mỗi khi mừng lễ Thiên Chúa Nhập Thể, hay còn gọi là lễ Truyền Tin, Giáo Hội mong muốn con cái của mình khám phá ra sứ điệp nền tảng của ngày lễ:
Trước tiên, đó chính là noi gương Thiên Chúa. Người đã yêu thương thế gian và Người yêu đến cùng, bằng việc trao ban chính Con Một của mình để biểu lộ lòng xót thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Thứ đến, việc nhập thế của Đức Giêsu lộ hiện rõ đức khiêm nhường. Thật thế, Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã chấp nhận từ bỏ vinh quang, mang lấy kiếp phàm nhân, sống như người trần thế để cứu chuộc con người.
Cuối cùng, học nơi Mẹ Maria bài học vâng phục thẳm sâu. Sự vâng phục nơi Mẹ được khởi đi từ đức khiên nhường, nên khi được sứ thần giải thích, Mẹ đã sẵn sàng đón nhận trong sự tín thác.
Có thể nói: nhân đức khiêm nhường chính là điểm nổi bật nơi Mẹ Maria. Vì khiêm nhường, nên Mẹ Maria mới sẵn sàng vâng lời tuyệt đối để trở thành nữ tỳ của Thiên Chúa. Cũng chính nhờ nhân đức này mà Mẹ được thuộc trọn về Chúa là Đấng hằng yêu quý những tâm hồn khiêm tốn.
3.         Sống sứ điệp ngày lễ
Ngày hôm nay, sống đức khiêm nhường quả là một thách đố đối với mọi thành phần. Chúng ta nói về đức khiêm nhường thì rất hay và “kêu”, nhưng khi đòi hỏi phải sống đặc tính của đức khiêm nhường thì lại là một “miếng xương” khó nuốt.
Thật vậy, nhiều người vẫn xin Chúa ban cho mình ơn khiêm nhường, nhưng khi Chúa gửi thử thách đến, nhất là những thử thách đụng đến lòng tự trọng, danh dự, thế là ta sẵn sàng nổi khùng và phàn nàn, trách móc nếu không muốn nói là khẳng khái khước từ!
Cũng vẫn có nhiều người sẵn sàng từ bỏ nhiều thứ như: tiền, tình, quyền… để đi theo Chúa, nhưng cái tôi thì không chấp nhận bỏ. Những người đó, họ đâu biết rằng: bỏ mọi sự, nhưng cái tôi không bỏ thì kể như chưa bỏ gì cả!
Mừng lễ Truyền Tin Thiên Chúa Nhập Thể, xin cho chúng ta biết noi gương Thiên Chúa để xót thương mọi người như Chúa đã xót thương đến nhân loại tội lỗi. Biết noi gương Đức Giêsu, Ngài là Thiên Chúa – người, chấp nhận tất cả để cho người khác được hạnh phục và được cứu độ. Noi gương Mẹ Maria, sẵn sàng khiêm nhường và phó thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa, để thánh ý Thiên Chúa được nên trọn.
Chúng ta cần hiểu rằng: đức khiêm nhường là nhân đức nền tảng, từ đó mới có thể xây dựng lâu đài các nhân đức khác. Khi có được nhân đức này, chúng ta mới hy vọng thuộc về Chúa cách trọn vẹn nhờ loại bỏ được những thói xấu như: ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ…
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con. Chúng con tạ ơn Chúa đã mạc khải cho chúng con về tình thương cao vời của Thiên Chúa ngang qua biến cố Nhập Thể của Đức Giêsu. Xin Chúa ban cho chúng con học được bài học khiêm nhường thẳm sâu nơi Mẹ Maria. Ước gì qua sự khiêm nhường của mỗi người chúng con, kế hoạch và thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện trong cuộc đời mỗi chúng con. Amen.
 Jos. Vinc. Ngọc Biển

13.   Ơn Cứu Chuộc Ngang Qua Sự Vâng Phục

(Is 6, 10-14; Dt 10, 4-10; Lc 1, 26-38)

 
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội hân hoan mừng trọng thể lễ Truyền Tin Thiên Chúa nhập thể. Nói cách khác, hôm nay, chúng ta long trọng mừng biến cố Thiên Chúa chính thức thực hiện lời hứa cứu độ với nhân loại khi trao ban Con của Người xuống thế và nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria.
Qua biến cố vĩ đại này, tinh thần phụng vụ hướng chúng ta về hai mẫu gương vâng phục của Đức Giêsu và Mẹ Maria,  đồng thời cũng mời gọi mỗi người chúng ta noi gương Đức Giêsu và Mẹ Maria để sống sự vâng phục trong cuộc sống đạo hôm nay.
1. Vâng phục để cứu độ
Khi nói đến sự vâng phục, chúng ta nhớ ngay đến đoạn Kinh Thánh mà thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Philípphê, ngài viết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” ( Pl 2, 6-7).
Sự vâng phục này là khởi đầu của nguồn ơn cứu độ, vì nếu Đức Giêsu không vâng phục Thiên Chúa để trở thành Đấng Emmanuen, nhằm cứu chuộc nhân loại tội lỗi, thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ phải chọn con đường khác. Tuy nhiên, con đường tự hủy mà Đức Giêsu đã chọn là con đường tuyệt vời nhất, bởi vì nó diễn tả trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Điều này đã được thánh Gioan nhắc đến, ngài nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Sự vâng lời của Đức Giêsu hoàn toàn được diễn ra trong tự do và tự nguyện, vì thế, Ngài đã nói:  “Lạy Chúa, này con xin đến để thi hành thánh ý Chúa”  Tv 39, 8a – 9a) ; hay: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34 ). Chính nhờ sự vâng phục tuyệt đối trong tự do này, mà Đức Giêsu trở thành nguồn ơn cứu độ đến muôn ngàn đời. Tại sao vậy? Thưa! Bởi vì Ngài đã vâng lời và vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự và đã chấp nhận đổ máu mình ra nhằm cứu chuộc con người.
Chính vì sự vâng phục này, mà nhân loại đón nhận được ơn cứu chuộc của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật.
2. Vâng phục để đồng công cứu chuộc
Khi nói đến sự vâng phục của Đức Giêsu, chúng ta không thể không nói đến sự vâng phục của Đức Maria. Mặc dù phụng vụ canh tân ngày nay không còn tập trung nơi Đức Maria như trước kia vào thời Trung Cổ. Tuy nhiên, khi nói đến ơn cứu chuộc của Đức Giêsu nhờ sự vâng phục mà có, thì Giáo Hội cũng luôn đề cao sự cộng tác của Mẹ Maria trong công cuộc ấy cũng bằng chính sự vâng phục nơi Mẹ.
Sự vâng phục của Mẹ Maria được đánh giá rất cao trọng, bởi vì khi Mẹ vâng phục thánh ý Thiên Chúa, kế hoạch riêng tư của Mẹ hoàn toàn sang trang và chuyển hướng khác, để nhường cho chương trình và ý định của Thiên Chúa trên toàn thể nhân loại.
Nói như thế, là vì Đức Mẹ ngay từ khi còn nhỏ đã khấn giữ mình đồng trinh để thuộc trọn về Chúa và phụng sự Người. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại có chương trình riêng cho người thiếu nữ Sion này, đó là muốn Mẹ nhận lời và cưu mang Con Thiên Chúa làm người để cứu chuộc nhân loại.
Biết được ý định ngàn đời của Thiên Chúa, nên sau khi đã nghe lời giải thích của sứ thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà,và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà,vì thế,Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35 ), Mẹ Maria đã mau mắn trong tự do để thưa lên với Thiên Chúa ngang qua sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa,xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38 ). Nhờ hai tiếng xin vâng của Mẹ, nhân loại tràn đầy niềm hân hoan, vì từ nay, Con Thiên Chúa đã đến và ở với loài người.
Khi chọn Mẹ Maria, người thiếu nữ Sion để cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc, Thiên Chúa đã khai mở một kỷ nguyên mới, thiết lập một dân tộc mới thay thế cho dân cũ đã bị cái chết bao phủ do tội bất tuân của Evà. Từ nay, muôn đời sẽ khen Mẹ diễm phúc, vì từ cung lòng Mẹ đã cưu mang Đấng là Nguồn Ơn Cứu Độ, Nguồn Mạch Sự Sống.
Cũng chính lời xin vâng này, mà cuộc đời của Mẹ đã kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu trọn vẹn. Mẹ đã trở thành Đấng đồng công cứu chuộc với Con Chí Ái của mình.
3. Người Kitô hữu sống tinh thần vâng phục
Sứ điệp Lời Chúa và tinh thần phụng vụ ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hướng về Đức Giêsu và Mẹ Maria như là mẫu gương tuyệt hảo cho sự vâng phục trong đời sống đức tin hằng ngày của mỗi người.
Nếu trước kia, nơi Đức Giêsu, Ngài đã tự nguyện trút bỏ vinh quang để vâng phục Thiên Chúa Cha qua việc đến trần gian trong thân phận là một con người nhằm cứu chuộc nhân loại; và nếu Mẹ Maria khi vâng lời Thiên Chúa và sẵn sàng để cho thánh ý của Người được thực hiện, thì đến lượt chúng ta, nếu muốn trở nên người môn đệ đích thực của Chúa trong lòng Giáo Hội hôm nay, thiết nghĩ con đường tự khiêm tự hạ và vâng phục trong lòng mến của Đức Giêsu và Mẹ Maria chính là lựa chọn của chúng ta.
Tuy nhiên, với sự yếu đuối của con người và với những trào lưu hiện sinh của nhân loại ngày nay, chúng ta rất khó có thể vâng phục, nhất là sự vâng phục của đức tin!
Nhiều khi chúng ta biện hộ cho việc bất tuân của mình bằng những chuyện như: vâng phục là mất tự do; vâng phục làm cho con người bị lệ thuộc. Hiểu theo nghĩa tâm lý hay triết học thì thật đúng như vậy. Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa đức tin dưới ánh sang Lời Chúa thì không phải vậy, bởi vì: “Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Chỉ có tự do đích thực khi con người phục vụ cho điều thiện và công bằng. Khi bất tuân ý Chúa và chọn điều ác, con người lạm dụng tự do và trở nên “nô lệ tội lỗi”(SGLHTCG. Số 1733).
Thực tế cho thấy, những ai trung thành với Chúa, người đó đạt tới đích trong sự viên mãn. Những ai biết gắn bó cuộc đời của mình với Thiên Chúa trong sự vâng phục, cuộc sống của người ấy vui tươi bình an và hạnh phúc. 
Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con tạ ơn Cha đã ban cho chúng con chính người Con Một duy nhất của Cha đến trần gian qua cung lòng Mẹ Maria, để chúng con được hưởng dồi dào ơn cứu chuộc của Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật. Xin Cha ban cho chúng con biết noi gương Con Một Cha và Đức Trinh Nữ Maria để sẵn sàng hiến dâng cuộc đời của mình trong sự vâng phục nhằm cộng tác vào công trình cứu chuộc mà Thiên Chúa đang thực hiện trong thế giới hôm nay. Amen.
 

Jos. Vinc. Ngọc Biển

14. Theo Chân Mẹ Cất Tiếng Xin Vâng

(Lc 1, 26 – 38)
 

Lễ Truyền Tin là cơ hội để chúng ta nhìn vào Nagiaret hầu cảm nhận được sự hiện diện của một trinh nữ mà muôn đời khen là có phúc (x. Lc 1, 48). Thánh Augustinô viết: “Ngài đã chọn một người mẹ mà Ngài đã tạo dựng, Ngài đã tạo dựng người mẹ mà Ngài đã chọn “(x. Bài giảng 69, 3, 4).
Hôm nay, chúng ta cử hành mầu nhiệm cao cả tuyệt vời đã hoàn tất cách đây hơn hai ngàn năm. Sự kiện ấy diễn ra trong không gian và thời gian: “Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đa-vít, Trinh nữ ấy tên là  Maria ” (Lc 1 , 26 – 27 ). Tuy nhiên, để hiểu được những gì đã xảy ra tại Nagiaret hơn hai ngàn năm về trước, chúng ta lần giở lại Thư gửi tín hữu Do thái. Bản văn này thuật lại cuộc trò chuyện giữa Chúa Cha và Chúa Con về kế hoạch đời đời của Thiên Chúa. “Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội . Nên tôi nói : “ Lạy Chúa, này tôi đến để thi hành thánh ý Chúa ” (Dt 10, 5-7). Như thế, vì vâng ý Chúa Cha, Ngôi Lời đã đến cư ngụ giữa chúng ta, dâng chính thân mình làm của lễ hy sinh vượt trên mọi hy lễ đã dâng trong Cựu Ước. Lễ hy sinh của Chúa Giêsu là lễ vĩnh viễn và hoàn hảo cứu chuộc thế gian.
Kế hoạch của Thiên Chúa dần dần được thể hiện trong Cựu Ước, lời tiên tri Isaia là bằng chứng: “Vì thế chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu, này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là Immanuel ” (Is 7, 14). Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Khi thời gian tới hồi viên mãn như đã báo trước, những lời trên được thực hiện, ngày hôm nay chúng ta cử hành với hạnh phúc và niềm vui.
Từ Abraham đến Đức Maria
Hành trình truyền tin khởi đi từ Abraham “cha chúng ta trong đức tin” (x. Rm 11, 12). Đưa chúng ta về Nagiaret, gặp Đức Maria nữ tử Sion thuộc dòng dõi Abraham. Hơn ai hết, Đức Maria là người có thể dạy cho chúng ta sống đức tin với “Cha chúng ta”.
Abraham và Đức Maria, cả hai đều nhận được từ Thiên Chúa lời hứa tuyệt hảo. Abraham sẽ trở thành cha một cậu con trai, sinh ra một quốc gia vĩ đại. Đức Maria sẽ trở thành Mẹ Đấng Thiên Sai, Đấng Được Xức Dầu của Chúa. Sứ thần Gabriel nói , “Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai […] Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người […] và triều đại Người sẽ vô tận ” (Lc 1, 31-33).
Lời hứa của Thiên Chúa đến với Abraham và Đức Maria thật bất ngờ, làm thay đổi cuộc sống hàng ngày và đảo lộn những trật tự bình thường của hai đấng. Lời hứa ấy là hoàn toàn khổng thể đối với Abraham và Đức Maria. Sara vợ của Abraham đã già, Maria còn trinh nữ nên đã thưa với Thiên Thần: “Việc đó xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam ” (Lc 1, 34).
Lời “xin vâng” của Abraham và Đức Maria
Cả Abraham và Đức Maria đều được yêu cầu trả lời “xin vâng” cho một điều mà từ trước tới nay chưa từng thấy thế bao giờ. Sara, người đàn bà son sẻ đầu tiên trong Kinh Thánh thụ thai bởi ân sủng quyền năng của Thiên Chúa, giống như người phụ nữ sau cùng là bà Isave. Thiên Thần Gabriel nói về Isave để trấn an Đức Maria: “Này Isave, chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già ” (Lc 1, 36).
Như Abraham, Đức Maria cũng phải bước đi trong đêm tối, tin tưởng vào Đấng đã kêu gọi Maria. Tuy nhiên, câu hỏi ” việc đó xảy ra thế nào được?” chứng tỏ Đức Maria đã sẵn sàng thưa “xin vâng” bất chấp mọi hoàn cảnh. Maria không đặt câu hỏi liệu lời hứa có được thực hiện hay không, nhưng chỉ hỏi việc đó xảy ra thế nào và đã thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc 1, 38). Với những lời trên, Đức Maria chứng tỏ mình là nữ tử thuộc dòng dõi Abraham đã trở thành Mẹ Chúa Kitô và Mẹ của tất cả những người tin.
Để hiểu rõ hơn mầu nhiệm này, chúng ta nhìn lại hành trình của Abraham khi đón ba vị khách lạ vào nhà mình (x. St 18, 1-5) ông đã nhận được lời hứa. Cuộc gặp gỡ nhiệm mầu ấy báo trước buổi Truyền Tin cho Đức Maria. Sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần lôi kéo Mẹ. Nhờ lời thưa “xin vâng” của Đức Maria tại Nagiaret mà mầu nhiệm Nhập Thể hoàn tất cuộc gặp gỡ của Abraham với Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta hát mừng người nữ “đem vầng hồng rực rỡ xuống trần gian” ( Hymne Ave Regina Caelorum ).
Chúng ta xin gì cùng Mẹ Thiên Chúa ?
Chúng ta nhờ Mẹ xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta, để chúng ta ý thức và can đảm tuyên xưng như vẫn đọc trong Kinh Tin Kính: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người “.
Tại Nagiaret, Chúa Giêsu “đã ngày càng tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52). Chúng ta xin Thánh Gia bảo vệ khỏi các mối đe dọa hiện nay đang đè nặng trên các gia đình. Chúng ta phó thác cho Thánh Gia tất cả những ai đang nỗ lực bảo vệ sự sống và cổ võ việc tôn trọng phẩm giá con người. Chúng ta phó dâng cách riêng các gia đình trẻ, những đôi bạn chuẩn bị kết hôn trên thế giới cho Mẹ Maria.
Tại Nagiaret, nơi Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai, chúng ta xin Đức Maria giúp Hội Thánh rao giảng “Tin Mừng” khắp mọi nơi. Chúng ta xin Mẹ dạy chúng ta khiêm tốn, vâng phục và niềm vui Phúc Âm để phục vụ anh chị em.
Nhờ lời “xin vâng” của Mẹ lúc Truyền Tin, cánh cửa ơn cứu rỗi đã mở ra cho nhân loại. Xin Mẹ giúp chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa và mau mắn thưa “xin vâng” với Chúa như Mẹ. Amen.
 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ