Cách Thiên Chúa yêu thương người yếu thế

Cách Thiên Chúa yêu thương người yếu thế

 

Lúc còn là một thiếu niên, một lần, tôi được cha dẫn đi xem xiếc. Khi nhập vào hàng người đang xếp dài trước quầy vé, tôi chú ý đến một gia đình đứng ngay trước chúng tôi. Họ có đến những 8 đứa trẻ mà đứa lớn nhất có lẽ chưa đến 12 tuổi. Nhìn dáng vẻ những đứa bé ấy có thể đoán được gia đình chúng không giàu có. Quần áo chúng không phải loại đắt tiền nhưng sạch sẽ và tươm tất. Và đó là những đứa trẻ biết cách cư xử. Cứ nhìn cái cách từng 2 đứa một nắm tay nhau xếp hàng sau bố mẹ chúng thì rõ. Chúng nói huyên thuyên một cách đầy phấn khích về những chú hề, những con voi và những trò xiếc khác mà chúng sẽ được xem tối nay. Rõ ràng chúng chưa từng đến rạp xiếc bao giờ. Buổi tối ngày hôm nay thật sự rất đặc biệt với cả 8 đứa trẻ ấy. Cha mẹ chúng đang đứng ở đầu hàng với vẻ mặt hãnh diện nhất mà họ có thể. Người phụ nữ nắm lấy tay chồng, nhìn ông một cách dịu dàng. Ngay lúc ấy, người bán vé ngẩng lên và hỏi người đàn ông số vé ông ta cần.

Người đàn ông trả lời đầy hứng khởi: “Cho tôi 8 vé trẻ con, 2 vé người lớn để tôi có thể dẫn cả nhà mình vào xem xiếc.” Nhưng, khi người bán vé báo giá của 10 chiếc vé, bàn tay người vợ đột ngột rời khỏi tay chồng, đầu bà ta gục xuống. Mặt người đàn ông hơi tái đi. Ông ta tiến lại quầy vé gần hơn và hỏi : “Anh nói giá bao nhiêu?” Người bán vé bình thản lập lại giá của 10 chiếc vé, nhưng người đàn ông không có đủ tiền. Làm sao ông ta có thể quay lại và bảo với 8 đứa con của mình rằng ông ấy không đủ tiền để dẫn chúng vào xem xiếc?

Chứng kiến tất cả những gì xảy ra, cha tôi lặng lẽ lấy từ trong túi ra tờ 200 ngàn và thả xuống đất. Sau đó, ông cúi xuống nhặt lên và vỗ vai người đàn ông, nói rất tự nhiên: “Xin lỗi, thưa ông, cái này vừa rơi ra từ túi ông”.

Người đàn ông hiểu những gì đang diễn ra. Ông có thể đoán đây là sự giúp đỡ trong một tình huống ngặt nghèo. Bối rối trong giây lát rồi ông ấy nhìn thẳng vào mắt cha tôi, chụp lấy tay ông, một giọt nước mắt rơi lặng lẽ xuống má, đôi môi mấp máy một cách khó khăn: “Cảm ơn, cảm ơn ông rất nhiều”. Sau khi nhìn cả gia đình người đàn ông khuất sau cánh cổng rạp xiếc, tôi và cha đón xe buýt về nhà, đơn giản bởi vì số tiền còn lại trong túi cha không đủ để mua vé cho hai cha con. Nhưng tôi không hề giận cha. Những gì cha đã làm lúc đó đáng giá hơn cả ngàn buổi xem xiếc.

Kính thưa quý vị và các bạn thân mến,

Thật ra, nếu chúng ta nghèo vật chất không có gì là ghê gớm. Điều đáng sợ nhất, chính là lúc chúng ta không biết mình nghèo hay không chấp nhận mình nghèo. Vì vậy, nghèo không phải là cái cớ để chúng ta trốn tránh nhiệm vụ, thực thi tình bác ái yêu thương, chia sẻ với những người bạn hữu của mình khi họ đang phải đối diện với những khó khăn về bệnh tật, ốm đau, phá sản… và nhiều những khó khăn khác đang bủa vây đời sống gia đình họ.

Hàng ngày chúng ta coi tivi, đọc báo hay lướt website, chúng ta đã chứng kiến nhiều những “Shark Tank” hay các tỷ phú, đa số xuất thân của họ đều từ những gia đình nghèo. Có thể nói, xuất phát điểm của họ là hai bàn tay trắng, nhưng với nỗ lực học hành, làm việc, cuối cùng họ đã thành công. Ai trong chúng ta bước vào đời chẳng với đôi bàn tay trắng? Có thể nói, chẳng ai trong chúng ta chọn cho mình được một điểm xuất phát “vàng”, nhưng ai trong chúng ta cũng có thể chọn cho mình được điểm kết thúc “vàng”. Tất cả là nhờ vào sự nỗ lực, nhẫn nại trong công việc và cung cách ứng xử.

Câu chuyện của 2 cha con trên đây cho chúng ta nhiều bài học và suy nghĩ. Bài học thứ nhất về cách ứng xửNgười cha trong câu chuyện trên đã cho chúng ta thấy, “của cho không bằng cách cho”. cách ông ta trao ban thật tế nhị và tự nhiên, giúp cho người nhận được cảm thấy được tôn trọng và được yêu thương chân thành. Bài học thứ hai về tình yêu thương sẻ chia, không phải chỉ khi chúng ta có dư thừa mới nghĩ đến việc chia sẻ với người khác nhưng ngay cả khi chúng ta đang thiếu thốn miễn là người khác đang cần hơn chúng ta, chúng ta sẽ sẵn sàng.

Thế nhưng, thực tế cuộc sống quanh chúng ta lại trái ngược với những gì chúng ta mong ước, người nghèo thường là đối tượng để áp bức, để xem thường, để đối xử bất công, hay dễ bị bỏ lại phía sau và tệ hại hơn là khi họ bị thế giới lạm dụng trong một xã hội ngày càng vô cảm, thờ ơ.

Bên cạnh những gam màu tối của cuộc sống ấy, nhưng người nghèo lại được Chúa quan tâm cách đặc biệt, Thiên Chúa đối xử với họ không giống như cách chúng ta nghĩ và hành động với họ, suốt dọc dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn bênh vực và lắng nghe tiếng họ kêu “kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhậm lời; cứu họ khỏi mọi cơn nguy khốn” (Tv 33,7); Thật vậy, Thiên Chúa biết và hiểu hết nỗi thống khổ của họ, và Ngài yêu thương họ đến nỗi Ngài đã đồng hóa mình như những người nghèo “vì xưa Ta đói, các người đã cho ăn, Ta khát, các ngươi đã cho uống”. Ngài đã yêu thương họ như chính Mình Ngài. Cho nên khi chúng ta làm cho một trong những người hèn mọn nhất dù một chén nước lã thôi, thì chúng ta đang làm cho chính Chúa vậy.

Lạy Chúa, cũng như Chúa khi bước vào đời với đôi bàn tay trắng: không nơi gối đầu, không nơi trú ngụ. Ngài đến trần gian trong khung cảnh đơn sơ nghèo hèn. Chính sự giản dị, trần trụi ấy đã sưởi ấm thế giới và đem đến sự bình an cho con người. Cũng vậy, lạy Chúa, mỗi người chúng con đến với thế giới này bằng sự trần trụi và thanh thản: trần trụi trong thân phận con người. Thanh thản đến với mọi người bằng đôi bàn tay không. Vì vậy, chúng con đều tay trắng nhưng không giống nhau trước mặt Chúa, xin cho chúng con biết yêu thương nhau, chia sẻ và dắt dìu nhau trên hành trình dương thế này. Amen.

Bích Liễu

print