Cái nhìn đầy tình thương yêu – Chúa Nhật 31 Thường Niên C
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
https://daminhtamhiep.net/
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca (Lc 19, 1-10):
Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
************
Có lẽ ai trong chúng ta cũng thuộc lòng chuyện ông Da-kêu. Ðây là một trong nhiều cuộc gặp gỡ qua đó Chúa Giêsu hoán cải hoặc thay đổi đời sống một người nào đó. Chúng ta nhận thấy giữa các nhân vật trong bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay có nhiều cái nhìn khác nhau: cái nhìn chê bai và lên án, cái nhìn khiêm tốn, cái nhìn đầy tình yêu thương, v.v… Lời Chúa hôm nay sẽ giúp chúng ta suy nghĩ về cái nhìn của chính mình đối với anh chị em chúng ta.
Trước tiên, cái nhìn của ông Da-kêu về Chúa Giêsu. Giê-ri-khô là một thành phố gần biên giới. Tại đây có một trạm thu thuế. Ông Da-kêu làm nghề thu thuế cho người La-mã, hằng ngày tiếp xúc với những người ngoại bang. Vì thế, theo luật Mô-sê, ông bị liệt vào thành phần ô uế, bị khai trừ ra khỏi cộng đoàn Do Thái. Khi biết tin Chúa Giêsu, người được đám đông dân chúng coi như một vị tiên tri, sắp đi ngang qua thành phố, ông tò mò muốn xem Người là ai. Là một người với hình dạng thấp bé, nên ông phải trèo lên cây sung. Một cái nhìn tò mò, hiếu kỳ…
Tiếp đến là cái nhìn của Chúa Giêsu về ông Da-kêu. Xét theo bề ngoài, ai cũng nghĩ là ông Da-kêu nhìn thấy Chúa Giêsu trước, nhưng chính Chúa thấy ông trước và tìm kiếm ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông.”
Không phải những người thông thái, giàu có hoặc quyền thế thu hút cái nhìn của Chúa, nhưng chính là những người tội lỗi. Vì họ mà Chúa xuống trần gian: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” Bài đọc thứ nhất, trích trong sách Khôn Ngoan, đã xác tín điều đó: “Chúa xót thương hết mọi người… Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải” (Kn 11, 23). Cái nhìn của Chúa là cái nhìn đầy tình yêu thương và nhân hậu. Chúa kiên nhẫn đợi chờ, sửa dạy từ từ những kẻ tội lỗi để họ hoán cải và trở về với Người.
Tiếp theo đó là cái nhìn của đám đông về ông Da-kêu. Ai cũng ghét ông Da-kêu vì ông là thủ lãnh những người thu thuế, thường hay bóc lột và bớt xén thâm lạm tiền thuế. Ai cũng xa lánh ông vì họ quan niệm rằng: ai lui tới giao thiệp với người tội lỗi, người đó cũng bị nhiễm uế. Ðó là cái nhìn lên án.
Rồi cái nhìn của đám đông về Chúa Giêsu. Ðó là cái nhìn chê bai và lên án. Khi Chúa Giêsu vào nhà ông Da-kêu, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ.” Ðám đông không chấp nhận Chúa Giêsu làm chuyện đó!
Sau cùng là cái nhìn của ông Da-kêu khi Chúa Giêsu vào nhà ông. Cái nhìn của ông về người khác đã thay đổi hoàn toàn. Sau khi đón nhận ơn tha thứ và ơn cứu độ, ông trở nên quảng đại. Lúc trước ông ta tham lam tiền của, bây giờ biết chia sẻ cho người nghèo. Ðó là cái nhìn bác ái và huynh đệ, cái nhìn của một người đã được ân sủng Chúa biến đổi.
Cái nhìn của ông Da-kêu về chính con người của ông cũng thay đổi. Cái nhìn của ông trở nên khiêm tốn vì là cái nhìn sáng suốt. Dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, ông Da-kêu thấy rõ con người của ông. Nhưng ông không tuyệt vọng vì biết mình được Chúa thứ tha. Ông còn vui vẻ hăng say thực thi công bình và bác ái.
Bài Tin Mừng hôm nay mặc khải cho chúng ta nhiều điều:
1. Nhiều khi chúng ta tưởng mình đi tìm kiếm Chúa, nhưng thực ra, chính Chúa đi bước trước, Người tìm kiếm chúng ta, bởi vì Người luôn luôn yêu thương con người.
2. Cái nhìn của Thiên Chúa khác với cái nhìn của chúng ta. Người không nhìn qua bề ngoài mà nhìn sâu trong tâm hồn chúng ta. Cái nhìn của Người làm cho chúng ta thêm tin tưởng, thay đổi tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta sống an vui và nhất là cái nhìn của Người cứu độ chúng ta.
3. Sự hoán cải của ông Da-kêu như là một dấu chỉ và mục đích của sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu: vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất. Chúng ta cảm nghiệm được niềm vui của Chúa Giêsu, vì trước đó Người đã tuyên bố: “Trên trời, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15, 7). Tin Mừng này trở thành niềm hy vọng tràn trề cho những ai nghĩ rằng mình bị loại ra khỏi Nước Trời, khỏi Giáo Hội vì hoàn cảnh và hành động của mình. Ơn cứu độ không dành riêng cho một số người có đặc quyền, mà cho hết mọi người, và hơn nữa, ơn cứu độ dành ưu tiên cho những ai nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ được hưởng ơn đó!
4. “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này.” Ơn cứu độ dành cho ông Da-kêu khi xưa cũng là ơn cứu độ cho chúng ta hôm nay. Nhưng để ơn cứu độ trở thành hiện thực, chúng ta cần phải hoán cải, và việc hoán cải này phải được diễn tả qua những phương cách cụ thể đối với tha nhân, nhất là đối với những người bé mọn là những người được Chúa thương yêu.