Cầu Nguyện Để Làm Gì?

print

CẦU NGUYỆN ĐỂ LÀM GÌ?

Linh mục Phêrô Huỳnh Thế Vinh

Vấn nạn:

“Thiên Chúa biết điều chúng ta cần trước cả khi chúng ta cầu nguyện. Ngài còn là Cha yêu thương, hằng muốn ban điều tốt lành cho chúng ta. Vậy chúng ta cầu nguyện để làm gì?”

Trả lời:

  1. Lý do thứ nhất, chúng ta phải cầu nguyện vì Thiên Chúa tôn trọng tự do của chúng ta.Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như một con robot, để Ngài ban ơn, sắp đặt, lập trình sẵn, rồi chúng ta cứ vậy mà làm theo, không được chọn lựa. Không, Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như vậy. Thiên Chúa đối xử với chúng ta như một con người trưởng thành, có tự do, có sự chọn lựa. Về phần Thiên Chúa, Ngài biết chúng ta cần điều gì, và Ngài cũng sẵn sàng ban điều tốt lành đó cho chúng ta. Về phần mình, chúng ta cũng phải cầu nguyện để thể hiện thái độ ưng thuận, muốn nhận điều tốt lành từ Thiên Chúa.
  2. Lý do thứ hai, chúng ta phải cầu nguyện với Thiên Chúa là vì lời cầu nguyện không có tác động nhiều lên Chúa cho bằng tác động nhiều lên chúng ta.Lời cầu nguyện không phải là những câu “thần chú” mà con người sử dụng đối với Thiên Chúa. Đọc đúng những câu thần chú đó bao nhiêu lần thì Thiên Chúa sẽ ban ơn. Không, không phải như vậy! Hành vi cầu nguyện không phụ thuộc vào việc kể lể dài dòng hoặc phát minh ra một vài công thức phép thuật cho phép con người có thể điều khiển Thiên Chúa theo ý của mình. Chúa Giêsu đã dạy rất rõ về điểm này: “Khi cầu nguyện anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời”(Mt 6, 7). Xin nhắc lại: Lời cầu nguyện không tác động nhiều trên Thiên Chúa, nhưng nó lại tác động nhiều lên chúng ta.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu, và các Thánh Tông đồ kêu gọi chúng ta “cầu nguyện luôn” (1Tx 5, 17). Phải cầu nguyện luôn để chúng ta luôn quay về với Thiên Chúa, mở lòng hướng về sự hiện diện của Chúa, để lắng nghe điều Chúa nói với chúng ta, để đặt Chúa vào trong cuộc sống chúng ta và anh chị em chúng ta; nhất là để kết hiệp chúng ta với Thánh ý Chúa. Khi đó, nhờ cầu nguyện liên lỉ, chính chúng ta sẽ được biến đổi trở nên tốt lành hơn, và khi chúng ta được biến đổi trở nên tốt lành hơn, thì mọi việc cũng sẽ được biến đổi trở nên tốt đẹp hơn.

Khi cầu nguyện, ơn Thiên Chúa ban cho mỗi người không theo dạng “mì ăn liền”, nhưng là một tiến trình, cần sự cộng tác của mỗi người chúng ta. Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng:

“Một ngày nọ, có một lỗ thủng nhỏ xuất hiện trên một chiếc kén. Một người đàn ông ngồi quan sát hàng giờ cảnh một chú bướm đang cố vật lộn để ép mình chui qua lỗ nhỏ đó. Rồi dường như chú bướm đã bị mắc kẹt lại, không tiến triển được thêm gì nữa. Có vẻ như con bướm đã cố hết sức và không thể nào chui ra xa hơn nữa.

Và thế là người đàn ông quyết định giúp đỡ chú bướm. Ông ta lấy một cái kéo và cắt tổ kén ra. Chú bướm thoát ra ngoài một cách dễ dàng. Nhưng nó có một cơ thể sưng phồng, đôi cánh nhỏ bé và cong queo. Người đàn ông tiếp tục quan sát vì ông ta hy vọng rằng, đến một lúc nào đó, đôi cánh cong queo ấy sẽ mở ra và dang rộng để có thể nâng đỡ thân chú bướm và bay lên.

Nhưng chuyện đó đã không xảy ra! Thực tế là chú bướm phải sống quãng đời còn lại bằng cách bò loanh quanh với một cơ thể sưng phồng và đôi cánh cong queo. Nó sẽ chẳng bao giờ bay lên được!

Điều mà người đàn ông làm với tất cả lòng nhân hậu và thiện chí của mình đã không giúp được gì cho chú bướm, mà còn làm hại chú bướm. Ông đã không hiểu được rằng: Chiếc kén chắc chắn và cuộc vật lộn mà chú bướm phải trải qua để chui ra ngoài lỗ hổng nhỏ của chiếc kén, chính là cách mà Tạo Hóa đã làm ra để buộc chất lỏng trong mình chú bướm tràn ra đôi cánh, nhờ đó nó có thể bay bổng tận hưởng sự tự do khi thoát ra ngoài”.

Đôi khi, những hy sinh vất vả trong cuộc sống, những cuộc chiến đấu chống lại các cơn cám dỗ, những cuộc vật lộn vượt qua gian khó thử thách, chính là cái mà chúng ta cần có trong cuộc đời. Nếu Thiên Chúa cho phép chúng ta sống một cuộc đời mà không gặp trở ngại nào, điều đó sẽ làm chúng ta què quặt. Chúng ta không thể trở nên mạnh mẽ như chúng ta cần phải có, và sẽ không bao giờ có thể bay lên.

Nếu ta khẩn cầu sức mạnh… thì Thiên Chúa sẽ trao những khó khăn để ta mạnh lên.

Nếu ta khẩn cầu trí thông minh… thì Thiên Chúa trao những điều rắc rối cho ta giải quyết.

Nếu ta khẩn cầu sự giàu có… thì Thiên Chúa cho ta sức mạnh của cơ bắp và trí tuệ để làm việc.

Nếu ta cần tính dũng cảm… thì Thiên Chúa trao cho ta những trở ngại để vượt qua.

Nếu ta khẩn cầu tình yêu… thì Thiên Chúa cho ta có những người trong cơn hoạn nạn, đau khổ để chúng ta giúp đỡ.

Ta chẳng nhận được những gì ta muốn… Nhưng ta sẽ có tất cả những cái ta cần, khi biết cộng tác với Thiên Chúa trong các cố gắng, chiến đấu và vươn lên hằng ngày.

Để lời cầu nguyện thành hiện thực, chúng ta không chỉ dùng lời, mà còn dùng chính cuộc sống của mình.

  1. Lý do thứ ba, chúng ta cần cầu nguyện để chúng ta xứng đáng nhận ơn Chúa và sử dụng ơn Chúa cho nên.Ơn của Chúa không chỉ là sức khỏe, tiền bạc, danh dự, chức tước, mà còn là những điều trọng đại cao quý thiêng liêng như Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến ; hay như ơn Khôn Ngoan, Thông Hiểu, Lo Liệu, Sức Mạnh, Suy Biết, Đạo Đức và Kính Sợ Chúa… đây là những ơn thường trái với suy nghĩ của con người, nhưng những ơn này thực sự giúp chúng ta sống hạnh phúc không chỉ ở đời này mà còn hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau. Không phải dễ dàng mà lãnh nhận được những ơn này. Chúng ta phải cầu nguyện để mình được biến đổi, hầu xứng đáng lãnh nhận ơn Chúa, vì như lời Chúa nói:“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé” (Mt 7,6).

Hơn nữa, chúng ta cũng phải cầu nguyện để biết sử dụng những ơn Chúa cho nên. Ví dụ như một người cha, người mẹ muốn trao cho con cái mình một phương tiện nào đó, chiếc xe chẳng hạn, nhưng trước khi trao xe cho con, cha mẹ cũng phải dạy con mình sử dụng chiếc xe đó rồi mới trao, nếu trao mà không hướng dẫn kỹ, khi sử dụng, đứa con không biết lái thì không những làm hại chính mình mà còn hại cả người khác.

Ơn của Chúa là những điều cao quý thiêng liêng, không phải ai nhận cũng được, ai dùng cũng được. Chúng ta cần cầu nguyện để biến đổi mình hầu xứng đáng nhận ơn Chúa và sử dụng ơn Chúa cho nên, kẻo khi lãnh nhận ơn Chúa rồi, chúng ta không sử dụng ơn Chúa cho nên, chúng ta vừa làm hại chính mình, vừa làm hại người khác.

  1. Để minh họa cho ba lý do cầu nguyện này, chúng ta có rất nhiều mẫu gương trong Kinh Thánh. Kinh Thánh thật sự là quyển sách dạy cầu nguyện tuyệt vời, vì nơi đó chúng ta thấy được cách rõ ràng nhất tương quan của con người với Thiên Chúa. Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ XVI đã có loạt bài giáo lý nói về các mẫu gương cầu nguyện trong Kinh Thánh trong các buổi tiếp kiến chung của Ngài. Trong bối cảnh của đại dịch covid-19 hiện nay, xin được trình bày lại một vài mẫu gương cầu nguyện đáng để chúng ta noi theo.
  2. Mẫu gương Thứ nhấtlà Tiên tri Êlia, vị tiên tri cầu nguyện để xin Chúa thực hiện điều Chúa muốn.

Một cuộc thi đấu cầu nguyện nổi tiếng nhất được ghi trong Kinh Thánh, đó là cuộc thi đấu giữa tiên tri Êlia và 400 thầy tư tế của Baal trên núi Carmelo (x. 1 V 18). Hai bên sẽ chuẩn bị một lễ vật sát tế và cầu nguyện. Vị Thiên Chúa thật sẽ tỏ hiện bằng cách lấy lửa từ trời thiêu đốt của lễ. Đây không chỉ là cuộc chiến giữa Thiên Chúa của dân Israel là Thiên Chúa cứu độ và hằng sống, với thần Baal của dân Canaan là ngẫu tượng câm lặng và không vững bền (x. Gr 10, 5), mà còn là cuộc chiến giữa hai lối cầu nguyện khác nhau.

Các ngôn sứ của thần Baal kêu van, lắc mình, nhảy khập khiễng, rơi vào trạng thái kích động đến mức cào xước cả người “bằng gươm giáo đến chảy máu” (1 V 18, 28). Họ dùng thân mình mà kêu nài thần linh, tin mình có khả năng khiến vị thần linh ấy đáp lời. Việc này cho thấy tính chất lừa mị của ngẫu tượng: ngẫu tượng do con người nghĩ ra, là sản phẩm do con người xếp đặt và dùng sức riêng mình mà cai quản, ngẫu tượng phát xuất từ chính con người thì con người có thể dùng nội lực của mình mà điều khiển. Chính vì thế, các ngôn sứ của Baal lao vào hành động gây hại cho bản thân, làm thương tổn thân xác bằng cử chỉ nực cười đến thảm hại: mong thần linh đáp lời để chứng tỏ thần minh của mình sống động, họ đã phải để máu mình chảy ra, mà máu chảy ra là biểu tượng của sự chết. Đây là một lối cầu nguyện sai lầm.

Trái với lối cầu nguyện đó, Êlia cầu nguyện không phải xin Chúa làm theo ý mình mà xin Chúa thực hiện điều Chúa muốn. Dân Israel lúc đó đang lầm lạc chạy theo ngẫu thần. Êlia xin Chúa tỏ uy quyền để cho dân Chúa nhận biết Thiên Chúa là Thiên Chúa thật và phải tìm lại căn tính mình là dân của Chúa. Những lời cầu khẩn của Êlia dồi dào ý nghĩa và chứa đầy sự tin tưởng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Israel! Ước chi hôm nay người ta biết rằng trong Israel, Chúa là Thiên Chúa và con là tôi tớ của Chúa. Cũng vì lời Chúa phán mà con đã làm tất cả các việc này. Xin đáp lời con, lạy Chúa, xin đáp lời con, để dân này nhận biết Chúa là Chúa, là Thiên Chúa thật, và Chúa đã làm cho trái tim họ được hoán cải” (1V 18, 36-37; x. St 32, 36-37). Lời cầu xin của Êlia là lời cầu xin cho dân nhận biết ai đích thực là Thiên Chúa của họ, và cũng xin cho họ biết chọn lựa dứt khoát mà trở về với Chúa. Qua lời cầu xin của mình, Êlia xin với Thiên Chúa điều mà chính Thiên Chúa muốn thực hiện. Và Chúa đã thực hiện, Kinh Thánh thuật lại, sau lời cầu nguyện của Êlia thì “bấy giờ lửa của Chúa ập xuống, thiêu rụi của lễ toàn thiêu, củi, đá và bụi, cả nước trong mương cũng hút cạn luôn. Toàn dân thấy vậy, liền phủ phục sát đất và nói: ‘Chúa quả thật là Thiên Chúa! Chúa quả thật là Thiên Chúa!” (1V 18, 38-39). [1]

  1. Mẫu gương thứ hai là mẫu gương cầu nguyện của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. Trong cơn thử thách khó khăn, cộng đoàn Kitô hữu sơ khai không cầu nguyện cho mình thoát khỏi thử thách khó khăn, mà cầu nguyện cho mình có đủ sức để làm chứng cho Chúa trong thử thách khó khăn.

Sách Công vụ Tông đồ thuật lại, sự việc hai tông đồ Phêrô và Gioan bị bắt (Cv 4, 1) bởi các ngài đã rao giảng cho toàn thể dân chúng về Chúa Giêsu đã sống lại (x. Cv 3, 11-26). Lúc đó, không chỉ có Phêrô và Gioan đang lâm cảnh hiểm nguy mới cầu nguyện, mà tất cả cộng đoàn cùng cầu nguyện, bởi những gì đang xảy ra cho hai tông đồ cũng liên quan đến toàn thể Hội Thánh. Chịu bách hại vì rao giảng Đức Giêsu, cộng đoàn Kitô hữu không những không sợ hãi hoặc chia rẽ, mà lại càng hiệp nhất sâu đậm với nhau trong cầu nguyện, muôn người như một, họ cùng nài xin Chúa. (Cv 4, 24). Nhờ cầu nguyện chuyên chăm, sự hiệp nhất của các tín hữu ngày càng bền chặt, không chút suy giảm. Giáo Hội Công Giáo không hề sợ những cuộc bách hại đã từng phải chịu đựng trong suốt dòng lịch sử. Như Đức Giêsu tại vườn Ghếtsêmani, Giáo Hội vẫn luôn vững tin rằng Thiên Chúa luôn ở cùng, ban ơn trợ giúp và thêm sức cho Giáo Hội.

Ở đây, chúng ta thấy một điểm tuyệt vời trong lời cầu nguyện của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. Khi gặp thử thách đau khổ, cộng đoàn Kitô hữu đã không xin Chúa cho mạng sống họ được an toàn, cũng không xin Chúa báo thù những kẻ đã giam giữ Phêrô và Gioan, mà chỉ xin được “mạnh dạn loan báo Lời Chúa” (Cv 4, 29), nghĩa là xin cho mình đừng để mất lòng can đảm sống theo niềm tin và can đảm tuyên xưng đức Tin vào Chúa trong cơn thử thách.  [2]

  1. Mẫu gương thứ ba là mẫu gương của Chúa Giêsu, Đấng cầu nguyện để lắng nghe lời Chúa Cha nói trong im lặng.

Thiên Chúa Cha cũng nói trong sự im lặng của Người. Sự im lặng này là giai đoạn quyết định trong hành trình dương thế của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Bị treo trên cây thập giá, Chúa Giêsu than vãn về sự đau khổ do sự im lặng của Chúa Cha tạo ra: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ con?” (Mc 15,34; Mt 27,46).

Cảm nghiệm trên của Chúa Giêsu phản ảnh hoàn cảnh của tất cả mọi người cầu nguyện phải giáp mặt, đó là sự im lặng của Thiên Chúa. Đó vốn là cảm nghiệm của muôn vàn thánh nhân, các nhà huyền bí và cả con người ngày nay nữa. Sự thinh lặng của Thiên Chúa là một phần trong hành trình cầu nguyện của Kitô hữu. Bằng sự vâng lời phó thác cho đến những hơi thở cuối cùng, và trong cõi âm u của sự chết, Chúa Giêsu đã nghe được ý của Chúa Cha nói trong im lặng, và phó mình cho Chúa Cha: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Đây là thời khắc của sự vượt qua, đi từ cái chết đến chiến thắng phục sinh.

Nếu không có ngày thứ Sáu đau thương thì cũng sẽ không có ngày Chúa Nhật phục sinh vinh quang. Chúa Giêsu – “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). “Và vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2,18). Và thánh Phaolô bảo đảm với chúng ta rằng: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta sau này” (Rm 8,18). “Một khi cùng chịu đau khổ với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang phục sinh với Người” (Rm 8,17). [3]

Kính chúc mọi người, trong Mùa Chay rất đặc biệt này, nhận ra mục đích của việc cầu nguyện để cầu nguyện sao cho hợp ý Chúa, hầu trở nên chứng tá của Chúa trong lúc khó khăn do đại dịch covid-19 gây ra hiện nay.

Nguồn: Truyền thông HĐGMVN 

­­­­­­­­­­­­­­­__________________

[1] Bài giảng Giáo lý của Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, ngày 15-06-2011, Bản tin Hiệp thông số 66

[2] Bài giảng Giáo lý của Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, ngày 18-04-2012, Bản tin Hiệp thông số 71

[3] Bài giảng Giáo lý của Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI, ngày 07-03-2012, Bản tin Hiệp Thông số 70