Cha Sở, Dây Liên Kết Tình Hiệp Nhất

print

 Cha Sở, Dây Liên Kết Tình Hiệp Nhất

Tôma Đoàn Vạn Nguyên, Họ đạo Sóc Trăng

Họ Đạo Sóc Trăng đã trên 100 năm tuổi, qua nhiều đời cha sở khác nhau, mỗi vị có cách điều hành và lèo lái họ đạo thăng tiến bằng nhiều cách. Với tuổi đời của tôi, thì hình ảnh của vị cha sở gầy gầy, miệng luôn điểm nụ cười, gặp bất cứ ai ngài đều mở lời chào hỏi trước. Nơi cha còn là một kho tàng các câu truyện nhân văn, kể trong các bài giảng hay trong những buổi đồng áng hoặc các buổi họp…

Tài năng của cha Alpongso Nguyễn Tấn Thinh thì không cần phải nhắc đến, ở đây tôi chỉ muốn nói đến một đôi nét sống nổi bật của cha…

Người cha hăng say lao động, sống khó nghèo giản dị giữa đoàn chiên lam lũ, chân lấm tay bùn… Mỗi khi cha cùng cha phó ra ruộng thì phải nói rằng : phía sau ngài là cả một đội quân hùng hậu, người lớn có và trẻ con cũng lẽo đẽo theo sau.

Cha sở là thuyền trưởng lèo lái chỉ dẫn; cha phó, chưa từng biết việc ruộng đồng, thì lo đem cơm; thầy xứ, với chiếc máy cày gắn rơ-moọc, chạy đi gom phân về ủ, bón ruộng. 

Nhà xứ còn nghèo, nên cái ăn cũng phải tính toán ghê lắm… Mỗi sáng, Tùa Chế chuẩn bị sẵn một thau xôi; trưa thì kho cá, nấu cơm để cha phó đem ra ruộng cho mọi người cùng ăn. Cha sở bảo là cứ kho mặn mặn vào, khó ăn quá thì thêm nước, còn nhạt quá thì bỏ thêm chút muối là ăn hoài không hao…

Rồi đã qua đi giai đoạn khó khăn…, nhưng cha sở vẫn với lối sống tiết kiệm. Cha không quên dặn : mỗi ngày phải nhín bớt chút gạo, bỏ vào hũ gạo tiết kiệm ở nhà xứ, để giúp người nghèo. Dù khó khăn chồng chất khó khăn, cha vẫn cố công lập lại các hội đoàn, các nhóm… hướng về tương lai lâu dài của Họ đạo…

Hình ảnh vị cha già ốm tong teo, mỗi chiều Chúa nhật vẫn xuống nói chuyện, chia sẻ và tập hát cho Giới Trẻ … đến nay, có người trong chúng tôi đã làm ông làm bà… vẫn còn nhớ như in !

Cha thường thức thật khuya để dịch và soạn bài dạy cho các nhóm, nên cha thường phải phì phà điếu thuốc, mà cha vẫn gọi đùa là “ nhựa sống”.

Có người khá giả vào xin lễ, cha lấy ngay khoản tiền trong bì thư đưa cho anh trưởng nhóm dự tu và dặn : “Con mua cho cha 1 gói nhựa sống, còn lại thì mua gỗ và mica, đóng một cái tủ sách cho chủng sinh…”.

Cha chẳng giữ lại thứ gì cho riêng mình, có gì là cha dành hết cho họ đạo.

Vị linh mục sống và chết giữa đoàn chiên.

Lao động quá sức, cha lâm bệnh… Bệnh thì đi viện, khoẻ lại chút xíu là cha lại về ngay với đoàn chiên. Cha hay kể về giấc mơ của cha ngày cha chuẩn bị chịu chức linh mục : Đêm đó, cha mơ thấy mình cầm cương một cỗ xe ngựa, xe đi qua một khúc cua trên một triền núi, không may xe rơi xuống vực sâu ! một tay cha nắm được cành cây, tay kia thì giữ lấy xe ngựa với những người ngồi trong xe. Cha nghĩ, nếu buông xe thì cha sống, nhưng những người kia sẽ chết… nên cha phải cố giữ chặt cỗ xe cho đến khi sức tàn lực kiệt mới thôi !

Và cha kết luận, đó chính là trách nhiệm của một cha sở, phải sống giữa đoàn chiên và sẽ chết vì đoàn chiên !.. 

Và rồi căn bệnh lao đường tiêu hoá đã cướp đi sinh mạng của cha ! Ngày an táng cha, bà con lương dân ai cũng trầm trồ : “Ổng là ai mà con cháu nhiều quá !”. Người đội khăn tang trắng cả sân nhà thờ, ra đến ngoài lộ.

Nhiều gia đình ở Sóc Trăng đã rọi hình cha ‘để thờ’, và chúng tôi hay nhắc nhau về ông thánh “Thinh”. Những câu chuyện cha thường kể trong Thánh lễ, ngày nay vẫn được các bậc ông bà cha mẹ kể lại để dạy con cháu : Dù khó đến đâu cũng phải giữ đức tin !.

Thời của ‘ông thánh Thinh’, ít ai cãi vã nhau lắm, mọi va chạm trong họ đạo, cha nắm bắt sớm… cha gọi ngay đến để phân tích và hoá giải.

Cha nhẹ nhàng, nhưng cũng rất cương quyết… với cha, đã làm là phải hoàn thành, còn không thì đừng bao giờ nhận việc.

Hơn 30 năm cha đã về cùng Chúa, nhưng biết bao bài học từ cha ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, và mãi mãi họ đạo Sóc Trăng sẽ không quên được vị cha sở tài đức. Cha đã là mối dây liên kết từng người trong họ đạo, để người người nhà nhà cùng hiệp thông với nhau trong đời sống đạo. Như một ngọn đèn sáng, chiếu giãi cho hết mọi người cùng tiến bước trên đường lữ hành trần thế… và mai ngày trên thiên quốc, chắc chắn cha con chúng tôi sẽ được đoàn viên… cha vẫn mãi là điểm tựa, là người thuyền trưởng lèo lái dẫn dắt chúng tôi…