Chân Trời Hy Vọng – Đạo yêu thương

Chân Trời Hy Vọng

Bạn thân mến,

Sâu xa trong lòng người, vẫn còn đó những câu hỏi không dễ trả lời:

– Tôi là ai?
– Tôi từ đâu đến?
– Tôi sẽ đi về đâu sau cuộc đời này?

Những câu hỏi có khi bị lãng quên trong dòng đời bận rộn, nhưng một lúc nào đó lại xuất hiện vì là vấn nạn muôn thuở của con người.

Từ rất lâu, truyền thống văn hóa Việt Nam đã nói:

– “Sinh ký, tử quy”,
– “Sống là gửi, thác mới là về”.

Nói theo ngôn ngữ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì mỗi chúng ta đều có “Một cõi đi về”.

“Đi về” chứ không phải “đi tới”. Nghĩa là chúng ta đã từ một nơi nào đó đến trần gian này, rồi sẽ về lại nơi ấy và chỉ nơi ấy mới là nhà của mình, ngôi nhà vĩnh cửu.

Đó là câu trả lời theo văn hóa Việt Nam trước câu hỏi ở sâu thằm lòng người về ý nghĩa của hiện hữu và vận mệnh cuối cùng của đời người.

Quan niệm ấy rất gần gũi với đạo lý Công Giáo, vì thế khi nghe tin một người thân qua đời, người Công Giáo bảo là họ “về nhà Cha”, tức là về nhà của Cha ở trên trời.

Chúng ta từ Thiên Chúa mà đến và sẽ về lại với Thiên Chúa.

Chân trời hy vọng của chúng ta không chỉ là những thành đạt và hạnh phúc trong  cuộc đời này, mà còn hướng đến hạnh phúc vĩnh hằng, vượt qua cả biên giới của sự chết.

Thế nhưng “cõi đi về” ấy thế nào, “nhà của Cha” ra sao?

Trong một số tôn giáo, thời gian và lịch sử được nhìn như một vòng tròn, những chu kỳ lặp đi lặp lại như bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trong vận hành của thiên nhiên.

Còn đạo Công Giáo quan niệm thời gian và lịch sử như một đường thẳng: Có khởi điểm và có chung cục tuyệt đối.

Vũ trụ này có một khởi điểm (tạo dựng) và sẽ tiến đến chung cục (tận thế).

Cuộc sống con người cũng thế, có một khởi điểm (sinh ra) và kết thúc (chết đi).    

Chúng ta chỉ sống cuộc đời này một lần duy nhất, sau đó là vĩnh cửu.

Vận mệnh vĩnh cửu của mỗi người ra sao tùy thuộc cách sống của họ trong cuộc đời hiện tại.

Ngay sau khi chết, mỗi người phải đối diện với Thiên Chúa Tình Yêu, cũng là Thẩm phán chí công, và mỗi người sẽ được xét xử đúng theo những gì mình đã sống và đã làm.

Với người Công Giáo, hình ảnh phán xét này thúc giục họ sống cho đúng với lương tâm ngay thẳng.

Đồng thời diễn tả niềm hy vọng vào sự công bằng của Thiên Chúa.
Chỉ nơi Thiên Chúa, sự công bằng tuyệt đối mới được thực hiện trọn vẹn.

Những ai sống trọn vẹn tình yêu trong cuộc đời này, tình yêu ấy sẽ nở hoa hạnh phúc trong cuộc sống mai sau.

– Họ là những người đã để cho Thiên Chúa thấm nhập hoàn toàn cuộc sống của mình, do đó họ cũng hoàn toàn mở lòng ra với người lân cận.

– Họ là những người luôn gắn bó với Thiên Chúa và để cho Ngài hướng dẫn toàn bộ cuộc đời họ ngay từ bây giờ, vì thế giờ chết là lúc họ “về nhà Cha”, đạt đến sự hoàn tất cuộc sống yêu thương họ đã sống. Họ được chia sẻ hạnh phúc trọn vẹn với Thiên Chúa Tình Yêu, và đó là Thiên Đàng.

Những ai đã cố gắng yêu thương, nhưng tình yêu nơi họ chưa hoàn hảo vì còn chen lẫn nhiều ích kỷ, hận thù, ghen ghét; những ai đã cố gắng sống theo sự thật, nhưng vẫn có nhiều khi yếu đuối và thỏa hiệp với tội lỗi, thì sau khi chết, họ cần được thanh luyện để xứng đáng với Tình Yêu tinh ròng và chí thánh nơi Thiên Chúa. Người Công Giáo gọi tình trạng đó là Luyện Ngục, nghĩa là tình trạng được thanh luyện, sau đó mới được hưởng hạnh phúc trọn vẹn với Thiên Chúa.

Ngoài ra, đáng tiếc thay, có thể có những người đã phá hủy hoàn toàn khát vọng sự thật và khả năng yêu thương, những người mà nơi họ tất cả đã trở thành giả dối, những người chỉ sống cho thù hận và chà đạp lên tình yêu ngay trong chính bản thân mình. Một vài nhân vật trong lịch sử đã để lại hình ảnh đáng sơ đó. Đây chính là ý nghĩa của từ Hỏa Ngục, tình trạng của những tâm hồn tự tách mình ra khỏi thế giới của yêu thương mãi māi.

Văn hào Fedor Dostoievski nói rằng: “Tôi tự hỏi hỏa ngục là gì? Và tôi quả quyết rằng hỏa ngục là không thể yêu thương”. Tuy nhiên, tình trạng này không doThiên Chúa, nhưng do sự cố chấp của con người như thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Thiên Chúa nhân lành vô cùng sẽ không bao giờ loại bỏ những ai không muốn loại bỏ Ngài”.

Niềm tin vào sự sống vĩnh hằng thúc đẩy người Công Giáo sống cuộc đời hiện tại với tất cả ý thức trách nhiệm.

– Làm sao sống thật đúng, thật tốt, thật đẹp, phù hợp với Chân, Thiện, Mỹ.

– Làm sao để cho Tin Mừng tình yêu của Đức Giêsu Kitô hướng dẫn và chi phối toàn bộ cuộc đời mình, vì cuộc sống này quyết định vận mệnh vĩnh cửu của tôi.

Niềm tin vào thế giới mai sau cũng không làm cho người Công Giáo lãng quên trách nhiệm xây dựng trần thế, trái lại càng thúc đẩy họ góp phần với mọi người thiện chí, xây dựng xã hội hiện tại ngày càng tốt đẹp hơn theo định hướng của thế giới mới, thế giới ngập tràn chân lý, yêu thương và an bình.

*****

Bạn thân mến,

Cảm ơn bạn đã vui lòng nghe tôi kể chuyện về đạo Công Giáo. Nếu có những từ khó hiểu, bạn có thể xem thêm ở phần Phụ Lục. Để tìm hiểu thêm về Công Giáo, bạn có thể đọc:

1. Kinh Thánh Tân Ước
2. Youcat (viết tắt của Youth Catechism – Giáo lý Công Giáo cho người trẻ).

Những sách này đều được bán tại các Nhà sách Công Giáo. Bạn cũng có thể đến gặp bất cứ linh mục, tu sĩ, tín hữu Công Giáo nào để hỏi thêm về đạo Công Giáo. Tôi tin rằng họ sẽ sẵn sàng đón tiếp và chia sẻ với bạn về niềm tin Công Giáo.

print