Chí Nhiệt Thành

print

Chí Nhiệt Thành

Lm. Gioakim Mai Xuân Triết

Phỏng theo Cha Millet SJ. trong cuốn

 “Jésus vivant dans le prêtre” trang 154-186

 

LỜI TỰA.

I. CHÍ NHIỆT THÀNH RẤT CẦN THIẾT.

II. CHÍ NHIỆT THÀNH RẤT CAO QUÝ.

III. ĐỨC TÍNH CỦA CHÍ NHIỆT THÀNH.

LỜI TỰA

Đức mến là lửa. Chí nhiệt thành là độ nóng của lửa ấy. Độ nóng hừng hực biểu lộ đức mến nồng nàn.

Lửa không nóng là lửa vẽ.

Không lúc nào bằng lúc này, linh mục phải có chí nhiệt thành cao, ảnh hưởng sâu rộng.

Trong thiên nhiên, những gì sáng chói nhất, uy hùng nhất đều đã được Chúa Thánh Thần sử dụng như biểu tượng phác hoạ nên hình ảnh chí nhiệt thành, lòng hăng hái, sự sốt sắng của con người độ lượng mà Ngài đã gây dựng để lo cải hoá dân gian, cứu rỗi các linh hồn.

Có khi Chúa trình bày họ như các hành tinh với tốc độ nhanh không tưởng, đã nói lên và loan truyền quyền năng Thiên Chúa: “Bầu trời vang dội vinh quang Thiên Chúa” (Tv 18,2).

Có khi Chúa sánh ví họ như mặt trời. Vì như mặt trời chiếu sáng trên khắp vũ trụ (Ecc 42,16), ảnh hưởng người nhiệt thành cũng lan tràn khắp nơi.

Đây Chúa gọi họ là đám mây mưa xuống sức sống và màu mỡ. “Họ là ai mà lởn vởn bay như đám mây” (Tv 76,19).

Hành động của họ còn như mũi tên bén nhọn phóng đi từ tay thiện xạ, đâm thủng tâm can địch thù của Chúa, khuất phục họ suy tôn quyền bính Ngài (Tv 126,4).

Hành động của họ cũng được hình dung như cơn gió bão với sức mạnh trổi vượt, thổi đi khắp nơi, xâm nhập mọi chỗ.

Sau hết hành động của họ được ví như những ngọn lửa bốc cháy, càng hành động càng được bồi thêm và trở thành đám cháy lớn. “Chúa làm cho các thiên thần và các trợ tá của Ngài nên như lửa nung nấu” (Ps 103,4).

Đó là hình ảnh linh mục có chí nhiệt thành.

 

I. CHÍ NHIỆT THÀNH RẤT CẦN THIẾT

Tận dụng mọi sức lực để cứu các linh hồn, đem họ về với Đấng Tạo Hoá, theo ngôn từ của Giáo Hội thì đó là con người.

Chí nhiệt thành là một nhân đức không thể thiếu được nơi linh mục. Thời nào, hoàn cảnh nào, cũng nhắc nhớ linh mục thấy sự khẩn thiết của nó.

– Chúa Giêsu chọn linh mục để tiếp nối công việc của Ngài là cứu rỗi nhân loại.

– Nhân loại mong chờ đón nhận được ở linh mục lời huấn giáo và những giúp đỡ thiết yếu cho phần rỗi.

– Giáo Hội kêu gọi linh mục nhập ngũ đã trao cho linh mục trọng trách phải bênh vực Giáo Hội, phải chăm lo đến lợi ích của đoàn con yêu quý.

1/ Trước hết Chúa Kitô sai linh mục như sai nhà trồng tỉa đi làm vườn nho, là để linh mục chăm sóc tưới bón cho các cây nhỏ trổ sinh hoa ơn sủng và trái thánh thiện.

“Ta cắt đặt cho anh em đi đem hoa trái về và hoa trái anh em tồn tại” (Ga 15,16).

Đời sống linh mục phải ra, là khá lao nhọc. Bàn tay ngài không thể nhàn nhã mà không bị dư luận kiểm điểm.

Tất cả những danh hiệu Chúa Cứu Thế dành cho linh mục đều nói lên linh mục là con người luôn thao thức hoạt động.

Linh mục là:

– lính Chúa Kitô, nên không bao giờ được ngưng chiến đấu để dành lấy các linh hồn.

– ngư phủ chài lưới người, nên phải vượt sóng gió ra khơi thả lưới lôi kéo người ta ra khỏi vực thẳm.

– bác nông phu, để được mùa thì phải có gan dầm sương giãi nắng, lặn lội chân lấm tay bùn.

– người quản lý phải tính sổ rất nghiêm minh về cách hành sự của mình.

– mục tử, phải vượt suối băng ngàn tìm đưa các chiên lạc về đoàn.

– Và theo ý thánh Phaolô, linh mục là con nợ của mọi người: người giàu cũng như người nghèo, người khoẻ mạnh cũng như người đau yếu, người thông thái cũng như người dốt nát, người văn minh cũng như người quê mùa, người khôn ngoan cũng như người khờ dại.

Con người linh mục là thế đó.

Vậy linh mục là người của Chúa có trách nhiệm làm vinh danh Chúa, nên tôi phải làm người cho người ta nhận biết và yêu mến Chúa, dẫn về Chúa các linh hồn đã bị ma quỷ cướp đi.

Tôi không thể chỉ cứu rỗi lấy mình. Phần rỗi của tôi gắn liền với phần rỗi nhiều người khác.

Như vậy nếu tôi cố gắng hết sức, vận dụng hết khả năng tinh thần thể xác để mở mang Nước Chúa, tìm về cho Chúa các linh hồn, thì đó không là một hoạt động nghiệp dư, song là sòng phẳng một món nợ, hoàn thành một nhiệm vụ thiết yếu. “Nếu tôi rao giảng Tin Mừng thì đó không phải là lý do để vênh vang. Nhưng tôi phải chuyên chăm vì đó là nhiệm vụ khẩn thiết. Nên khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 10,16).

Một trợ tá của Chúa Kitô được sai đi làm công việc của người ở trần gian là mở mang Nước Thiên Chúa, thì lẽ nào ngài có thể điềm nhiên nhìn quyền lực ma quỷ thắng thế ngay trong đoàn chiên được trao phó cho mình?

Làm sao ngài có thể yên lòng chỉ vì lương tâm không trách cứ tội gì riêng, đang khi giữa bổn đạo đầy dẫy những tệ nạn và gương xấu. Ngài không áy náy gì sao?

Chúa Kitô mà ngài là hiện thân đang bị xỉ vả ngay trước mắt, đang bị đóng đinh lại mỗi ngày bởi đoàn người ngài sẽ phải trả lẽ sau này. Thấy thế ngài vô cảm được sao? Ngài tự xưng mình mến Chúa hết lòng, là môn đệ hợp ý Chúa cơ mà!

Ôi! Tôi không thể là linh mục kiểu đó được. Vì như vậy thì tôi không còn là dụng cụ của Thiên Chúa cứu chuộc. Tôi là kẻ mưu đoạt làm ô danh một tước vị cao quý. Tôi giả bộ đạo đức cách vô ích. Tôi là người đáng nguyền rủa, đầy bỉ ổi trong đền thánh Chúa. Tôi là người hèn, thiểu bổn phận, đã bội tín với Thầy mình.

Lửa mến Chúa chỉ âm ỉ trong lòng thôi, không đủ, phải mở lối cho nó cháy lan ra tới các người xung quanh nữa.

Hãy nhìn ngắm gương Chúa Kitô mà ta đang tiếp nối chức vụ linh mục.

Ngài đã quyết định những gì trong suốt cuộc đời ở trần gian? Ngài đã tìm kiếm gì, ham muốn những gì?

Vinh danh Thiên Chúa Ngôi Cha và mong thấy Cha được mọi người nhận biết mến yêu tôn thờ. Đó là lẽ sống của Người. Lẽ sống ấy là nhu cầu liên lỷ, là cơn đói cào ruột, là cơn khát cháy cổ. Ngài không còn nghe ai, không kể chi đến những ngại ngùng bản thân.

Bỏ trời xuống thế sống nghèo, sống khiêm hạ và chết trên thập giá. Đó là một nhục nhã ghê tởm. Nhưng nhờ đó Ngôi Cha được hiển vinh, loài người mà Cha yêu quý được chuộc lại, được cứu rỗi, thế là đủ rồi.

Vậy thưa linh mục của Thiên Chúa hằng sống, ta cũng hãy quảng đại hy sinh, và sẵn sàng chết cho công việc của Chúa.

“Hãy ngắm nhìn và làm theo mẫu gương” đã được tỏ bày trên đỉnh đồi Canvê.

 

2/ Vì phần rỗi giáo dân mà linh mục được sai đến đảm trách một giáo xứ. Chính giáo dân cũng nhắc nhở linh mục luôn phải nhiệt thành sốt sắng.

 

Thánh hoá các linh hồn là nhiệm vụ số một nhiệm vụ chính yếu của người mục tử.

Nhiệm vụ ấy linh mục phải thi hành mọi ngày mọi lúc. Nhiệm vụ ấy phải là động lực cho mọi sinh hoạt, điều hành mọi sử dụng năng quyền, trở nên đích điểm nhất định và duy nhất cho mọi hành sự.

Được đức tin soi dẫn, đức ái thúc đẩy, nếu linh mục không cố gắng kéo người tội lỗi ra khỏi bước đường lầm lạc, không khuyên nhủ họ, không cảnh giác họ lúc thuận cũng như khi nghịch, không dạy dỗ người u mê, không yên ủi giúp đỡ người nghèo khổ, không kiên vững người lành, không giơ cánh tay thanh sạch lên trời như Môsê đã làm trên núi cao, để làm dịu cơn nghĩa nộ của Chúa, để hứng lấy những giọt sương của lòng Chúa xót thương đổ xuống đoàn dân đã được trao phó cho ngài chăm sóc. Lúc ấy linh mục không còn là mục tử, mà là ngẫu tượng, không còn là người cha, song là kẻ xa lạ và người mưu lợi.

Biết bao người mục tử thay vì nóng lòng băn khoăn khi nhìn thấy những tệ nạn, những gương xấu rải rác đó đây, các ngài đã như vô cảm, đã thị thường cảnh tượng đáng buồn ấy, đến nỗi không còn thấy chướng tai gai mắt. Rồi cuộc các ngài đã vô vọng nhìn thận các tệ nạn ấy thuộc loại cố đế không thể có và vô phương chữa trị.

Được Mục Tử Tối Cao sai đến một giáo xứ nhà quê, linh mục thấy gì?

Một đoàn người kém văn hoá, u mê, lao động làm ra thực phẩm cung cấp cho thành thị, để rồi lây nhiễm những đồi truỵ đáng trách, và ngút ngàn những thôn xóm làng mạc chưa nhận biết Chúa!

Thưa người của Thiên Chúa, đó thực là cánh đồng bao la mở rộng cửa đón nhận chí nhiệt thành hăng hái của ngài đó.

Xin người khai hoá người dân kém mở mang, nâng cao lớp người đang tự gắn mình vào vật chất đến quên cả định mệnh bất tử của mình.

Tôi có thể thoái thác bằng những vấn nạn:

* Các tệ nạn đã quá trầm trọng và lâu ngày thành tật thì phỏng tôi làm gì được đây? Tôi bất lực, các chúng lại bất trị thì làm sao?

– Nhưng tôi đã thử chạy chữa chưa? Và thời gian chạy chữa được bao lâu mà tôi đã vội cho là bất lực bất trị?

* Các vị tiền nhiệm tôi đã nỗ lực nhiều mà đều đã thất bại. Vì họ là lớp người đã bị tục hoá, không muốn nghe những nhiệm vụ về tôn giáo, lòng khô đạo đã biến họ thành liều lĩnh cố thây.

* Trong đám người lỡ bước ấy, hẳn không phải ai cũng khước từ lời khuyên. Thế nào cũng còn có người sẵn sàng cởi mở cho thấy vết thương để được băng bó chữa lành. Cần tôi phải gây thiện cảm và khích lệ họ.

* Người ta khinh rẻ tác vụ của tôi. Người ta cười nhạo sự năng nổ và hành động bác ái của tôi?

– Sao, họ dám xua đuổi những hành động sơ khởi ấy?

Cứ cho là có xảy ra thật như vậy đi, tôi cũng không được biệt ly họ, để mặc họ vẫy vùng trong vũng bùn nhơ. Tôi cũng không được nghi ngờ sức khuất phục của đức ái thực tiễn và khôn khéo.

Cho nên tôi cứ đến thăm họ, gây thiện cảm với họ bằng những cử chỉ thân tình, lời nói nhã nhặn. Chính nhờ thái độ êm đềm tình nghĩa ấy tôi vạch ra được con đường vào tâm hồn họ.

Tôi không được có thái độ như muốn trả thù. Gặp họ tôi phớt lờ họ đi. Thay vì nói lời đon đả thắm tình cha con, tôi tỏ ra lạnh lùng như không hề quen biết.

Trái lại tôi nên nắm lấy cơ hội thăm hỏi đến những toan tính của họ, để rồi lựa dịp nói chen vào Lời Chúa dạy: “Chỉ có một việc cần…”. Hỏi han đến công ăn việc làm của họ để thừa cơ nhắn nhủ họ đừng để mất lợi ích bất diệt sau này. Cũng đừng quên đề cập đến nỗi buồn đang đè nặng tâm can họ, để chỉ cho họ thứ dầu thơm có sức xoa dịu cơn buồn.

* Thì tôi đã nói với họ mỗi ngày Chúa nhật. Từ trên giảng đài tôi đã giáo huấn họ, đã kêu gọi và khuyên nhủ họ. Lời tôi loãng tan trong không khí như tiếng kêu vô nghĩa. Lời tôi như hạt giống rơi trong sỏi đá!

– Phiền trách giáo dân là một việc, nhưng tưởng cũng nên rà xét lại bài giảng của tôi.

Vậy bài giảng của tôi có được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhắm một chủ đề thực tại và viết theo lối văn bình dị sáng sủa vắn gọn?

Bài giảng của tôi có phải là kết quả một buổi nguyện ngắm và được ươm trong lời cầu nguyện thiết tha khẩn khoản?

Bài giảng của tôi có dựa trên Lời Chúa, hay hoàn toàn do óc suy tưởng của tôi?

Trái lại nếu tôi không chuẩn bị gì cả, đến giảng đài rồi mà cũng chưa biết phải nói gì. Rồi gặp gì nói nấy, tào lao thiên địa, thì tôi rất dễ mắc phải tội nói dài và nói dai nói dở. Phải nghe bài giảng kiểu đó thì ai mà không ngán. Biết đâu có người lại bực bội nữa, vì cảm thấy mình như bị khinh khi.

Vậy đấy, mà người mục tử vô lo phải gạt lương tâm sứ sống yên hàn cách trớ trêu. Họ yên hàn vì kể mình đã khá hợp thức.

Mà hợp thức thế nào được khi hành động chỉ có mẽ bên ngoài, còn toàn thể cách sống đều vi phạm tinh thần của chức vụ.

Không thế thì tại sao là sáng thế gian mà lại dập tắt ngọn lửa chính ra phải sáng soi cảnh tối tăm.

* Tại sao là muối đất lại để sự ngây thơ thanh sạch bị hư hỏng, lòng đạo ra lạnh nhạt.

* Tại sao được sai đến canh tác cánh đồng hoang dại mà lại không làm gì để khai hoang phá thảo.

* Tại sao đã trở thành vị cứu độ dân gian mà lại điềm nhiên để người ta hư mất.

Chúa ôi, nếu vậy thì làm linh mục mà chi!

Có phải để cho có cuộc sống an nhàn cách vô bổ, vô nghĩa, vô vị!

Có phải để mỗi ngày bước lên bàn thờ thi hành một việc chí thánh, nhưng cũng có phần dành cho tôi sống khoẻ, sống tiện nghi?

Vị Chủ Chăn Tối Cao đã chả nói với tôi: “Cả con nữa hãy đi làm vườn nho cho Ta”.

Thế mà sao trong giáo xứ, tôi chỉ chăm chú vào nguồn vốn có thể khai thác có lợi về đàng vật chất?

Thánh Grégorio than phiền: “Nhận nhiệm vụ thánh rồi ta liền biến đổi nói thành lợi khí cho tham vọng của ta. Bỏ bê lợi ích của Chúa, ta say mê lợi nhuận thế trần, không đếm xỉa gì đến phúc lợi các linh hồn”.

* Tôi phàn nàn và kêu ca: Trách vụ linh mục đã quá khó khăn, bổn phận chăn chiên lại là gánh nặng và cực khổ.

– Là trợ tá và là cộng sự viên của Đức Giêsu Kitô trong việc cứu rỗi các linh hồn mà tôi dám có giọng điệu ấy trước ảnh Chúa chuộc tội sao?

Khi gặp dịp kéo ta ra khỏi hiểm nguy hoả ngục. Thầy chí thánh đã không từ nan một hy sinh nào.

Nếu Ngài ngưng tay hoạt động vì muốn nghỉ ngơi, vì sợ mệt nhọc gian lao, thì nhân loại đã ra sao?

Nếu Ngài không gan dạ và hào hiệp dấn thân chấp nhận mọi sỉ nhục khổ hình, cả đến sự chết, thì đâu có ơn cứu chuộc giàn giụa mà ta múc kín được nơi các vết thương đáng tôn vinh của Ngài?

* Có thể tôi viện lẽ: Cần phải giữ gìn sức khoẻ.

– Không ai lên án sự khôn ngoan phải lẽ ấy của tôi, trái lại người ta còn đòi buộc tôi nữa.

Nhưng giữ gìn sức khoẻ để làm gì? Có phải để rồi nó lại tắt dần đi trong nếp sống vô vị èo uột? Song chính là để tăng thêm nghị lực cho công việc phụng sự Chúa và tha nhân.

Còn việc nào cao quý hơn việc khai sáng người dốt nát, thăm viếng người nghèo khổ, an ủi người tật bệnh và ngày đêm miệt mài với sứ mạng Chúa đã trao phó.

* Nhưng nếu cứ hăng say dấn thân như thế, sợ không bao lâu tôi sẽ kiệt sức và tuổi thọ bị giảm.

– Không ai đòi tôi phải quá đáng, hoặc bắt tôi phải quá sức như vậy.

Mà giả như sự nhọc nhằn cao quý của việc Tông đồ có giảm thọ vài năm về cuộc sống tạm bợ này thì đâu có phải là một tai hoạ đáng sợ. Mặt trời đâu có tắt lịm đi với tôi. Vũ trụ đâu có bị đảo lộn vì tôi lìa đời.

Tôi đâu có mà linh mục để kéo lê dài ngày sức nặng của một cuộc đời vô ích.

Các Tông đồ và các thánh đã sống như thế mà đâu các ngài có những tính toán bi thảm như tôi, đâu các ngài có chùn chân trước những lo sợ không đâu ấy.

Trong chiến trường có tinh binh nào lại đào ngũ chỉ vì sợ tử nạn?

Hằng ngày những người ham của phù vân đã liều mạng trong những nguy hiểm trông thấy, đã hiến mình mặc cho sónggió vùi dập. Phần tôi lại nhát gan hơn họ khi tranh thủ đưa các linh hồn về trời và chuẩn bị cho tôi ngai toà bất diệt trên ấy?

Về vấn đề này người ta thường dễ lừa dối mình: Khi còn trẻ người ta tự nhủ: Lúc ngày cần thu thập nhiều kinh nghiệm, đến tuổi chín chắn sẽ ra tay hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Đến tuổi chín chắn lại tự nghĩ: Phải thử nghiệm các điều đã thu lượm được. Vào tuổi năm sáu mươi có uy hơn hành động cũng chưa muộn. Cứ thế cuộc đời trôi đi không làm nên công trạng gì.

Luôn để mất hiện tại, chỉ mơ về tương lai, mà tương lại lại không tuỳ thuộc ở ta. Và có thể đối với ta không bao giờ có tương lai ấy.

Ôi linh mục, người nắm trong tay kho tàng Lời Chúa, hành xử các bí tích, nói tóm là trọn huân nghiệp máu thánh Chúa Giêsu Kitô, lẽ nào người đang tâm chôn vùi kho tàng phong phú và châu báu ấy?

Có được những điều kiện rất hiệu lực giúp ích người ta, mà sao người không sử dụng cho phúc lợi các linh hồn đang lâm nguy?

Đó thật là một thiếu sót không thể tha thứ, một sự bất công với tha nhân và là một phản bội với Giáo Hội.

 

3/ Giáo Hội ở trần thế là như một đạo quân luôn phải chiến đấu để sống còn.

 

Giáo Hội cắm lều ở trần gian nhưng không vĩnh viễn lưu lại đó, mà luôn tiến về trời là quê hương, chỉ ở đó mới được an nghỉ.

Sống nơi dương gian Giáo Hội luôn bị đối phương vừa nhiều lại vừa mạnh không ngừng quấy phá, mỗi người giáo dân phải là một tinh binh võ trang đầy đủ để chiến đấu thắng lợi.

Nhưng khi tai hoạ gần kề, đối phương gia tăng sức tấn công có được ngủ yên và buông khí giới không.

Xem kìa giặc dốt còn rải rác khắp nơi, giặc đói còn làm khổ nhiều vùng, nạn rượu chè cờ bạc đĩ điếm đang khuynh gia bại sản nhiều gia đình, tệ bất công hận thù đang còn gây nên bao tang tóc đau thương, và tội khô đạo đáng bắt đi từng đoàn thanh thiếu niên, giam hãm họ trong nếp sống luôn chúi xuống.

Sống mang danh đạo và ít trổ sinh hoa trái nhân đức, thói hư tật xấu lại nhiều.

Gặp cảnh ấy thánh Đaminh, thánh Vincentê Ferrier đã dấn thân chịu mọi gian khổ để chấn chỉnh lại những đổ nát trong Giáo Hội, kêu gọi con cái đã thoái hoá trở về với sự trong sáng của nếp sống nguyên thuỷ. Thánh Phanxicô Salesiô, đã liều thân vượt núi non hiểm trở vùng Savoie tìm đưa về các người phản giáo. Và thánh Phanxicô Xaviê đã đổ mồ hôi trên đất Ấn Độ và Nhật Bản nhằm rao truyền Phúc Âm cho lương dân.

Các vị Tông đồ ấy và bao nhiêu vị khác có nhận lãnh chức vụ linh mục khác chúng ta không? Hoặc các vị ấy có đăng ký vào một Giáo Hội khác với Giáo Hội của ta không?

Mỗi thời đều có những nguy khốn riêng khiến nhu cầu thêm bức thiết, đòi hỏi các thừa tác viên của Giáo Hội phải tận tâm hơn, nhiệt tình hơn.

Thời lạc giáo chỉ một tín điều nào bị tấn công chỉ một cành nào trong toàn thân cây bị nhắm chặt bỏ.

Ngày nay thuyết vô thần nhắm chặt từ gốc rễ. Người ta phủ nhận quyền bính Thiên Chúa, chối bỏ tín ngưỡng, thần thánh hoá lý trí con người. Lạc giáo lớn nhất, mạnh nhất hiện nay là thuyết duy lý, nó như một vực thẳm đã cuốn hút vào đấy niềm tin và lòng ngưỡng mộ.

Nhìn thảm trạng ấy mà lòng ta không bị ray rứt sao?

Chí nhiệt thành ta không bừng cháy lên sao?

Ta nên xả thân làm nên như con đê vững chắc chặn lại dòng thác phá hoại đang cuốn theo nó cả tín ngưỡng, cả thuần phong mỹ tục, cả đến những phần cuối cùng còn sót lại của trật tự xã hội.

* Nhưng tôi biết làm gì bây giờ?

Đâu có phải ai cũng là Tông đồ, là tiên tri, là tiến sĩ? Và đâu có phải ai cũng được ơn gọi truyền giáo, canh tân bộ mặt Giáo Hội?

– Đúng vậy, tất cả chúng ta không lãnh được những năng khiếu như nhau, cũng không được chỉ định làm cùng một việc. Nhưng mỗi người đều phải hành động theo mức độ ơn Chúa đã ban.

Đối với tôi, diễn giảng cách đơn sơ vắn gọn sáng sủa những mầu nhiệm về đức tin, những đòi hỏi của Phúc Âm đâu có khó. Hoặc dạy giáo lý trẻ em, âu yếm gieo vào tâm hồn chúng chân lý Phúc Âm, lòng kính mến Chúa, tình yêu thương nhau, thì làm sao mà khó.

* Hay là tôi ngao ngán vì lúc này người ta không còn thích nghe giảng, trẻ em không còn muốn học giáo lý, toà hoà giải vắng bóng người đến lãnh nhận ơn tha thứ.

– Thì ít ra tôi hãy tự hạ, phủ phục trước nhan thánh Chúa, than van khóc lóc, lấy lời cầu nguyện làm như khiên thuẫn bảo vệ Giáo Hội.

Nhiệt tình, có có nhiệt tình đi, ắt tôi sẽ có trăm nghìn kế để hoàn thành lời cam kết với Giáo Hội hiền thể của Chúa Giêsu Kitô.

Nếu tất cả các linh mục đều sốt sắng và nhiệt tình thì sự trong sáng từ buổi đầu và sự trân trọng từ xa xưa có thể đã được trả lại cho đạo thánh Chúa.

Không biết sự an bài của Chúa thế nào về Âu Châu. Một châu đã được Phúc Âm khai sáng và giúp kiến tạo một cuộc đời phồn thịnh lâu dài. Thế mà hiện nay đang bị các tệ nạn soi mòn, lòng khô đạo và tính dửng dưng tàn phá.

Tuy nhiên nếu Âu Châu chưa bị kết án là hết phương cứu vãn, nếu ngọn lửa đức tin chưa bị dập tắt, mặc dầu chỉ còn toả ra những tia sáng non yếu nhạt nhoà, thì vẫn còn hy vọng có ngày sẽ bừng sáng lên. Sự bừng sáng diễm phúc ấy chỉ có thể xuất hiện khi các thừa tác viên bàn thờ bằng lòng thực sự nhận Chúa làm gia nghiệp, từ bỏ mọi lợi lộc trần gian, nên giống các thiên thần nhiệt tình lanh lẹ mà tiên tri Isaia đã diễn tả trong đoạn 3 câu 2: “Các vị rảo khắp thành thị thôn quê, với cây thập tự bằng gỗ cầm tay, các vị bày tỏ cho đám dân dã già cỗi vì những sa đoạ, nhìn thấy tình yêu thương, sự vô vị lợi của các Tông đồ trước đây”.

 

II. CHÍ NHIỆT THÀNH RẤT CAO QUÝ

Đức ái cao trọng nhất trong các nhân đức. Nhưng chí nhiệt thành còn là sự hoàn bị của đức ái. Bởi vì nhờ chí nhiệt thành, đức ái sẽ nguyên tuyền hơn về tôn chỉ, siêu thăng hơn về đối tượng và mãnh liệt hơn trong hành động.

 

1/ Nguyên tuyền hơn về tôn chỉ.

– “Chí nhiệt thành là sự lưu xuất đức tin, là biểu lộ sự tận tâm, là sức nóng của lòng mến” (St. Ambroise).

Ông Guillaume de Paris nói: “Chí nhiệt thành là sức nóng ran từ chính lò lửa Chúa Thánh Thần, âm nóng lòng các Tông đồ, và từ lòng họ lan ra xa gây nên những đám cháy tình yêu mến Chúa và tha nhân. Đó là những tâm hồn giàn giụa đức ái khiến phải thốt lên như thánh Augutinh: “Anh chị em hãy cùng ca tụng Chúa với tôi. Tôi không muốn ca tụng và yêu mến Chúa một mình, cũng không muốn một mình ôm ẵm lấy Chúa”.

Linh mục nhiệt tình là người mãnh liệt ham muốn cho Chúa được nhận biết mến yêu tôn thờ và cho mọi người được cứu rỗi.

Linh mục còn sẵn sàng hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả để mở mang Nước Chúa và hoàn thiện tín hữu. Đó là lối sống thường ngày của thánh Phaolô: “Tôi vui lòng chịu tiêu hao và chịu tiêu hao nhiều hơn nữa vì linh hồn anh em” (2Cr 12,15).

Cướp linh hồn người ta ra khỏi quyền lực ma quỷ và trao trả về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã cứu chuộc họ bằng máu mình. Đó là tư tưởng duy nhất đã chiếm đoạt con người thánh Phaolô. Ngoài ra chỉ là bé nhỏ tầm thường, ngài không quan tâm chú ý nhiều.

Xem ngài đến Athènes, cái gì thuộc thành phố tráng lệ ấy đập vào mắt ngài mạnh nhất. Có phải sự huy hoàng của những công trình vĩ đại? Hay là những thành quả vẻ vang của các bậc thiên tài?

Không, ngài chỉ nhìn vào những lầm lạc và thói hư đang ghìm sâu nó vào một tai hoạ đáng kinh hãi.

Ruột gan ngài như bị nát tan, một sự xúc động mạnh mẽ bùng lên trong tâm hồn, thúc bách ngài muốn lôi kéo dân tộc còn lạc đường ấy ra khỏi sự tối tăm thờ ngẫu tượng và làm nô lệ cho tình vật dục.

Tâm tư ngài thổn thức. Ngôn từ thổn thức đã nói lên sức mạnh của cả câu. Bạn lại không thấy tâm can ngài sôi lên muốn bay đi đón đưa những người bất hạnh ấy ra khỏi vực thẳm. Tâm tư ngài thổn thức khi nhìn thấy cả thành như đã hiến dâng cho ngẫu tượng.

Không phải thánh Phaolô mà vị nào khác không có lòng thao thức như vậy, đến quê hương nghệ thuật ấy. Hẳn là vị ấy chỉ vui thú nhìn ngắm những lâu đài lộng lẫy, những dinh thự cao kỳ, lối sống lịch thiệp xa hoa của dân thành.

Khác với tình thường, thánh Phaolô còn nhìn thấy những thứ đó tàng ẩn một lợi điểm cho những quá đáng. Lập tức ngài hướng về Chúa, Đấng bị người ta bỏ quên, và ước muốn loan truyền Chúa cho họ. Do đó ngài đã diễn thuyết giảng một bài hùng hồn sâu sắc vang dội óc hiệu quả nơi Án Toà.

Cũng lòng nhiệt thành ấy đã nung nâu1 tâm hồn thánh Phanxicô Xaviê, khiến ngài đã từ Ấn Độ biên thư về nhà bằng những lời lẽ nảy lửa như sau: “Lòng trí tôi luôn mường tưởng đi khắp Âu Châu gào thét lên giữa các Đại học nhất là Paris, nói với lớp người thông thái nhiều mà ít bác ái rằng: Có biết bao linh hồn bạn cứu rỗi được. Các linh hồn ấy có ngày sẽ nguyền rủa bạn, vì bạn đã để mặc họ lao đầu xuống vực thẳm”.

Lòng mến Chúa càng nồng nàn, chí nhiệt thành càng hăng hái.

Thánh Madalena đệ Pazzi trong tình bác ái sôi sục đã viết: “Ôi, lạy Chúa, ước gì con được đi Ấn Độ, đến Thổ Nhĩ Kỳ loan báo Tin Mừng cho trẻ em, cho người già, hầu chiếm đoạt lớp người con đơn thật ấy về cho Chúa”.

Lao tâm lao lực cho công việc cao đẹp ấy cũng đượm vị ngọt cả.

Còn gì trong sáng từ nguồn cội hơn là lòng nhiệt thành chân thật. Vì nó là bông hoa của bác ái, là sức bật của lòng mến Chúa. Như vậy còn đối tượng nào cao quý hơn đối tượng của chí nhiệt thành.

2/ Đối tượng của chí nhiệt thành là hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa đối với người ta.

Người ta mà bạn đang tất bật lo cho họ được ơn cứu độ là ai?

– Là những con người bất tử, đó là sự cao quý của họ.

– Là những con người được mua chuộc bằng máu của Con Thiên Chúa, đó là giá trị tuyệt vời của họ.

– Là những con người được dự liệu chiếm lành Thiên Chúa và hưởng vinh quang Nước Trời đời đời, đó là mục đích siêu vượt của họ.

Giúp người ta đạt được mục đích vinh hiển ấy, phỏng còn việc gì lớn lao cao cả hơn?

Nhà vua chỉ làm cho dân được hạnh phúc một thời. Còn bạn, bạn làm cho người ta được hạnh phúc muôn thuở.

Bố thí là việc rất đáng tôn trọng, nhưng chỉ giảm nhẹ đau khổ được mọt lúc. Còn linh hồn bạn đã chữa lành các vết thương tội lỗi, sẽ không bị hư mất mà được vui hưởng muôn đời thành quả việc lành của bạn.

Một viên quan chức, một vị tướng lãnh làm nên nhiều công ích, vì đã góp phần vào việc bảo vệ quê hương, vào việc phát triển làm giàu xứ sở.

Nhưng phải nói thế nào về người Tông đồ hoạt động cứu độ các linh hồn thêm rạng rỡ cho Nước Trời.

Sống chiêm niệm cũng quý trọng thật. Như Môsê lên núi chiêm ngưỡng diện đối diện với Thiên Chúa, nhận điều Chúa chỉ dạy và chuyện trò với Chúa như bạn với bạn. Hiện tượng đó thật là cao cả.

Nhưng nối tiếp việc chiêm niệm bằng ra khỏi đám mây, xuống khỏi núi Sinai trong tay mang bia khắc 10 giới răn, giới thiệu và dẫn giải cho cộng đồng dân chúng, đó lại không phải là đỉnh cao nhất người ta có thể được nâng lên sao?

Thiên Chúa hoạt động ra bên ngoài chỉ vì vinh danh Ngài và cho nhân loại được ơn cứu độ.

Linh mục được cộng tác vào kế hoạch cao cả của sự khao khát vĩnh hằng ấy thì thật là một vinh dự không nhỏ.

Pierre de Blois có một nhận xét khá đẹp: “Trong công cuộc sáng tạo, không ai được gọi để góp ý hay cố vấn kỹ thuật cho Chúa cả, mà trong mầu nhiệm cứu độ thì Chúa lại muốn có những trợ tá”. Thánh Denys l’Aréopagite đã có lý khi gọi linh mục là người cộng tác thần linh hơn ai hết của Thiên Chúa.

Đúng thật không gì cao quý bằng lòng nhiệt thành trong đối tượng của nó. Và tôi xin nói thêm “Không gì anh dùng bằng hành động của chí nhiệt thành”.

 

3/ Người miệt mài với ơn Chúa thì con người của họ hăng say, bất khuất, vượt thời gian không gian và không khi nào no chán.

 

Nơi nhà tiệc ly Chúa Thánh Thần ngự vào lòng các Tông đồ, đốt lên trong ấy ngọn lửa bừng bừng cháy, không kìm hãm nổi nên vừa ra khỏi đó, các ngài đã rao giảng về thiên tính Đức Kitô, cho cả những người còn vấy máu thánh Chúa. Hội đường xao xuyến giận dữ cách vô ích. Họ cấm các ngài nói đến tên đó, nếu không khổ hình khủng khiếp sẽ trút trên đầu các ngài.

Các Tông đồ đã đáp lại thế nào?

– Chúng tôi không thể không tuyên dương danh thánh ấy.

Thưa quý ông Biệt phái, quý vị thượng tế, đừng uổng công doạ nạt chúng tôi.

Các vị cứ việc xiềng xích, xộ khám đánh đòn và hành hình chúng tôi cho đến chết. Nhưng bao lâu còn hơi thở, quý vị không thể cấm chúng tôi loan truyền những gì chúng tôi đã thấy, thực hiện việc Thầy chúng tôi đã truyền dạy là hoạt động cho anh em chúng tôi được ơn cứu độ.

Xứ Giuđa không là môi trường đủ rộng cho chí nhiệt thành hăng say của các ngài.

Các ngài đã chia nhau cả vũ trụ, đem Tin Mừng cứu độ đến mọi dân mọi nước.

Hoả ngục gầm thét, trái đất vùng dậy, các dân tộc liên minh với nhau chống lại các ngài.

Người ta đốt lửa trên giàn thiêu, người ta dựng lên những đoạn đầu đài, người ta thả những thú dữ nơi hý trường.

Mặc kệ, các ngài vẫn phóng đi qua gian khổ gông cùm lửa đốt, đến mọi nơi có các linh hồn cần được ơn cứu độ.

Kể cũng lạ, mười hai ngư phủ nghèo nàn dốt nát chỉ có Phúc Âm và cây thập tự bằng gỗ mà dám đương đầu với thế quyền, với những đam mê hung dữ, mà giảng sự nghèo khó cho người giàu sang, đức khiêm nhu có người thông thái, sự sám hối cho những người đang trầm mình trong cảnh đời sa đoạ.

Thật các ngài đã muốn đảo lộn tất cả, lật đổ tất cả.

Các ngài tính thay đổi cả tư duy, cả lề thói đã ăn rễ sâu và cắm chặt vào lòng người, để tạo cho thế giới một một mặt mới.

Cơn bách hại vừa lâu dài vừa quyết liệt khủng khiếp. Đó thực sự là sự xung đột, một thứ hỗn mang, một cuộc sát hại kinh hoàng.

– Ngẫu giáo cổ xưa sụp đổ, các tà thần bị lật đổ khỏi bàn thờ, và thánh giá được cắm trên đỉnh đồi Capitole.

Thế giới trút được cảnh mục nát. Người ta thấy sự tinh khiết, lối sống lương thiện đắc thắng diễn hành trên miền đất vừa được tẩy uế.

Ở đây ta nhận thấy đức dũng cảm của chí nhiệt thành chẳng những không lùi trước các khó khăn, mà còn không bao giờ nói là đủ rồi. Bao lâu còn có những gì phải làm nói không ngưng nghỉ.

Các nhân đức khác có thể sản sinh, có thể trở thành điều xấu khi nó vượt quá làn ranh, nhảy qua hàng rào. Vì thế trong sách Giảng Viên Chúa Thánh Thần cấm hành thiện quá lố: “Ngươi đừng tỏ ra lành thánh cách quá đáng, cũng đừng phô mình khôn ngoan ngoài sự cần kẻo ngươi trở thành con người hấp” (Gv 7,17).

Thánh Phaolô cũng muốn ta luôn giữ sự vừa chừng: “Đừng tự cao quá liều lượng được về mình, mà phải tự lượng sao cho khiêm tốn” (Rm 12,3).

Nhưng chí nhiệt thành, tức là ý chí muốn Thiên Chúa được tôn vinh, người ta được ơn cứu độ thì không biên giới. Vì nó là sức mạnh hăng say nhất, sôi động nhất phát xuất từ con tim, bay đi xa xôi ôm ấp cả vũ trụ.

Thánh Phanxicô Xaviê ở Ấn Độ, sau khi đã thu phục cho Chúa Kitô nhiều vùng rộng lớn, đã kêu lên: “Ước gì tôi được chết cho Chúa để mọi miền trái đất nhận biết Chúa”.

Ôi, lạy Chúa, ước chi tấm thân con được nhân thêm lên, cho hành động con được thêm gấp bội, cho con có nghìn mạng sống để hiến dâng, cho con được chết nghìn lần, để làm cho mọi dân tộc trên thế giới nhận biết và yêu mến Chúa.

Ôi, Âu Châu yêu quý, xa bạn, nhưng bạn luôn hiện diện trong tâm trí tôi. Tôi thổn thức than van xin Chúa cho các lạc giáo được ơn trở lại, các lạc giáo đang xâu xé tâm can bạn. Tôi đã muốn huấn giáo đồng bào Ấn Độ, tôi đã loan truyền giáo lý về ơn cứu độ cho Nhật Bản, tôi đã giang tay mời gọi đồng bào hẩm phận Trung Hoa, nhưng họ đang ngăn chặn hạnh phúc đến với họ bằng cách xua đuổi các thừa tác viên Tin Mừng.

Ôi, lạy Chúa, nếu biết còn có dân tộc nào nữa, con sẽ bay tới đó, chấp nhận mọi gian lao nguy khốn để làm cho họ nhận biết và yêu mến Chúa.

Thế thì con tim linh mục nhiệt thành là gì?

Tôi không thể diễn tả cách nào hơn là áp dụng vào vị ấy lời hay ý đẹp của Cassiodore: “Thân hình bé nhỏ mà bao trùm cả vũ trụ. Con tim ấy khác nào thiên đàng nhỏ rải phép lành ơn Chúa đến mọi nơi như mặt trời chiếu sáng và toả ấm nóng đi khắp nơi. Con tim ấy quả là vũ trụ thu gọn”.

Bên cạnh những điểm son ấy, tôi tự biết mình thế nào? Trong tôi có được phần nào chí nhiệt thành hăng say mênh mang ấy?

Thực ra, tôi chưa bao giờ dám đặt vấn đề, vì nó quá sức tôi.

Nhưng dầu sao cũng phải đặt vấn đề, vì nó liên can đến sống chết của tôi.

Thánh Ambrosio nói: “Ai không nhiệt tình là dấu không yêu mến”. Không yêu mến thì tôi chẳng là gì cả. Tôi đã tử vong. Tôi ngã xuống như một thây ma. “Ai không yêu mến là ở trong sự chết” (Ga 3,14).

Ôi, lạy Chúa, con biết đối với linh mục không có chỗ nào ở giữa nhiệt tình và bội phản. Xin Chúa nhúm lên trong con lửa nhiệt tình. Chỉ lửa ấy mới thông truyền sức sống hành động của con, mới công hiệu hoá thừa tác vụ của con nơi giáo dân.

Xin làm nảy nở trong con chí nhiệt thành, chí nhiệt thành thực chất linh mục mà thánh Bernard đã diễn tả trong ba lời sau đây: Chí nhiệt thành.

– được đức ái đốt nóng

– được trí sáng suốt hình thành

– được chí can trường kiên vững.

III. ĐỨC TÍNH CỦA CHÍ NHIỆT THÀNH

1/ Gương Chúa Giêsu

Cuộc đời Chúa Giêsu là gì, nếu không phải là một thực hiện liên lỷ con người hăng say nhất, trọn hảo nhất.

Mẹ thánh Ngài là người đầu tiên cảm nghiệm được những hoa trái hồng phúc của chí nhiệt thành ấy.

Từ khi đầu thai trong lòng trinh nữ, Chúa đã làm giàu cho trinh nữ bằng những đặc ân mới, đã nâng Người lên chóp đỉnh sự trọn lành.

Chúa đã đem phước lành đến cho nhà Zacharia, đã thánh hoá vị tiền hô của mình khi còn trong lòng mẹ.

Vừa sinh ra trong máng cỏ Belem, Chúa đã gọi đến bên Ngài các mục đồng, các nhà đạo sĩ. Như thế trong các vị này Chúa đã gọi dân Do Thái và cả dân ngoại.

Còn là thơ nhi Chúa đã sang Ai cập nơi thờ ngẫu tượng, chiếu rọi vào đó sự hiểu biết về Thiên Chúa thật, hầu gạt tan bóng tối dày đặc đang bao phủ cả một dân tộc.

Trong ba năm loan báo Tin Mừng, ngày thì giảng dạy trong các nhà hội cũng như khắp nơi, đêm đến thì cầu nguyện thường là một mình nơi vắng vẻ.

Gặp bệnh nhân hay tội nhân, Ngài đã ra tay cứu giúp bất cứ lúc nào và ở đâu, thành thị cũng như làng mạc thôn quê, nơi tư gia cũng như chỗ công cộng, và đối với hết mọi thứ hạng người, các vị vọng cũng như thứ dân, người giàu kẻ nghèo, bậc già cả cũng như thanh thiếu niên.

Phần rỗi của một thiếu phụ kém giá nhiều tai tiếng đã cầm giữ Ngài đến quên cả ăn uống.

Nhưng chính lúc chịu khổ hình và chịu chết trên thập giá lòng nhiệt thành của Ngài mới hiện hình sáng chói nhất, phóng ra những tia lửa nóng bỏng nhất.

Những gì người ta có thể nghĩ ra là đau đớn khổ nhục thì Ngài đã đón chịu hết cho phần rỗi các linh hồn.

Tự tình đón nhận nên đã không oán hờn bực tức với kẻ làm khổ mình.

Bị phỉ nhổ, Ngài chúc lành.

Bị đâm thủng trái tim, Ngài đổ dốc giọt máu cuối cùng còn đọng lại.

Hấp hối trên thập giá, Ngài lên tiếng cầu nguyện xin tha cho đám lý hình. Và Ngài kêu lớn tiếng: “Tôi khát…”. Ngài khát phần rỗi linh hồn của họ.

Tóm lại để cứu ta khỏi lửa hoả ngục, bảo đảm cho ta ơn thành và phần vinh hiển đời đời, Ngôi Lời đã nhập thể, trải qua biển cả sầu đau, và lãnh chịu những khổ nhục không thể tưởng từ hang Belem đến đỉnh đồi Calve.

Thánh Phaolô nói: “Đức Kitô đã cứu ta khỏi án chúc dữ của lề luật, khi vì ta Ngài đã nên đồ chúc dữ, như có lời chép: Phàm ai bị treo trên thập giá là đồ chúc dữ” (Gl 3,13).

Thánh nhân nói tiếp: “Đấng không hề biết tội, vì ta Ngài đã lãnh án của tội, để trong Ngài ta được nên công chính của Thiên Chúa” (2Cr 5,21).

Chí nhiệt thành hăng say quảng đại là thế. Nên tự kiểm tra xem chí nhiệt thành của ta có được phần nào những đức tính ấy?

2/ Áp dụng

Chí nhiệt thành được biểu lộ qua hành động. Đâu có lửa, đấy phải nóng. Nếu ngọn lửa đức ái còn cháy trong ta, người xung quanh ắt phải cảm thấy nóng.

Vun trồng thửa ruộng đã trao cho ta là:

– Giáo huấn người còn yếu kém

– Hoàn lương người bê tha tội lỗi

– Kiên vững người ngay lành thiện chí

– Chăm sóc bệnh nhân, người già cả

– Giúp đỡ người nghèo khó

– Nâng cao đời sống đạo đức văn minh

– Phát triển về kinh tế xã hội.

Đó là những đích điểm nổi bật, hành động và toan tính của ta phải nhắm tới.

Tôi than phiền là: Trong giáo xứ tôi đức tin hầu như đã chất. Ít người còn muốn lãnh nhận các bí tích. Giới răn Chúa và luật Giáo Hội bị khinh thường, bị chà đạp. Tệ nạn lên ngôi thay cho nhân đức. Tất cả đã rũ liệt. Tất cả đã ngã quỵ. Tất cả đang tan rã từng mảng.

– Bầy chiên bị sói rừng tàn phá như thế, có phải tự mục tử ăn không ngồi rồi, hay mục tử ngủ mê?

* Không phải, tôi làm việc chớ. Tôi đầy đủ khít khao mọi việc theo nhiệm vụ. Như vậy chưa phải là nhiệt thành sao?

– Cũng có thể là nhiệt thành. Nhưng sợ rằng nhiệt thành ấy mới chỉ có dáng vẻ bề ngoài kiểu như công chức làm xong một dịch vụ. Còn thiếu lửa mến bên trong ảnh hưởng đến hành động, lây lan sang người xung quanh.

* Đôi khi, nhất là trong những dịp đặc biệt, tôi cũng năng nổ và miệt mài lắm chứ.

– Trong những dịp như thế, tôi càng phải nhận định rõ sự năng nổ ấy phát xuất từ đâu? Từ tinh thần siêu nhiên? Hay từ tính hiếu động tự nhiên? Hay từ tính tự nhiên muốn phô trương?

Năng nổ thiếu tinh thần siêu nhiên, tôi dễ vấp phạm những lỗi lầm khác. Như đang lúc miệt mài, người ta đến xin ngồi toà. Thay vì dịu dàng ngon ngọt với họ, tôi cằn nhằn tỏ vẻ khó chịu.

Gặp sự trái ý, tôi dễ mất bình tĩnh, tỏ rõ thái độ là con của sấm sét, chỉ muốn pháo vào đầu đám người Samaritano ấy.

* Dầu sao tôi cũng ghét tội lắm chứ. Tôi chưa bao giờ làm thinh trước những phóng túng, nhưng gương mù gương xấu.

– Phải rồi, Chúa cùng ghét tội lắm, ghét vô cùng. Nhưng xem kìa, Chúa nhẫn nhục và khoan dung tội nhân biết chừng nào.

Ngài chờ họ ăn năn hối cải. Hơn nữa Ngài đi tìm họ, kêu gọi họ, ban ơn dọn lòng họ. Adam trốn, Chúa đã tìm kiếm.

Chúa đã xoay tội nhân trở lại, phục kính họ, đặt rào cản để bắt gặp họ ngay trên đường đi.

Thiên Chúa của luật cũ là Thiên Chúa của khiếp sợ, nhưng Thiên Chúa của luật mới khác rồi. Ngài tận dụng mọi sáng kiến của tình yêu thương, mọi hạ cố của lòng thương xót để dẫn đưa tội nhân trở về. Ngài chuyện trò ăn uống với họ, bảo họ gọi mình là bạn hữu, ôm ghì họ vào trái tim mình.

Cũng không còn phải là Thiên Chúa đến với sấm chớp chói loà nổ vang trên núi Sinai. Song là con của Trinh Nữ lấy ơn nghĩa và ngôn từ hiền dịu phấn khởi lòng người. Ngài đón tiếp tội nhân với lòng nhân hậu khôn tả, kêu mời họ trở về cho các thần thánh trên trời được mừng rỡ hân hoan.

Đến đây hẳn tôi đã nhận ra thế nào là chí nhiệt thành chân chính.

Vậy đức ái trong tôi có mang hết các hình thức ấy? Có dang tới mọi anh em lầm lạc? Có quan tâm đến phần rồi của họ? Có đon đả đón tiếp họ, bất cứ họ thuộc thành phần nào, hoặc quan điểm họ làm sao về các vấn đề không liên can đến cốt lõi đức tin.

Tôi đã có chí nhiệt thành ư? Vậy tôi đã làm gì để đưa về chính lộ phần rỗi các người đang lầm đường lạc bước. Tôi đã dùng những biện pháp nào để thức tỉnh đức tin trong giáo xứ tôi?

Giờ nào trong ngày, giáo dân tôi cũng nghe nhìn những tật xấu, điều vô luân được loan truyền.

Phần tôi họ chỉ nhìn và nghe một tuần lễ có một lần và về những vấn đề có khi xa xôi với họ.

Tôi không đến từng nhà bẻ bánh Lời Chúa cho họ như các Tông đồ xưa đã làm, và hiện nay các linh mục thực sự nhiệt thành do lòng bác ái thúc đẩy vẫn còn làm.

Tôi đã dùng những phương thuật nào để lôi kéo giáo dân đến gần Chúa?

Có thể trong giáo xứ tôi không có một tổ chưa lạc thiện nào, một hội đoàn nào?

Có chăng thì tôi lại để nó dở sống sở chết, không yểm trợ, không nâng đỡ. Những gì có thể cung cấp của ăn nuôi lòng đạo đức đều bị gạt ra ngoài, bị khinh thị.

Nếu được nhắc nhở về những sinh hoạt phụ trội ấy, tôi khẳng định lập trường: Giáo dân tôi hoàn thành những đòi buộc thông thường và chính yếu là đủ rồi.

Tôi không nhận ra rằng họ sẽ bỏ những đòi buộc thông thường và chính yếu ấy nếu lòng nhiệt thành của họ không được duy trì nuôi dưỡng bằng những sinh hoạt phụ trội kia.

Giáo xứ lớn gồm nhiều gia đình. Các cá nhân thường mất hút hay chìm lặng trong số đông ấy. Nếu muốn thúc giục họ mưu tìm lợi ích phải vạch cho họ một đích điểm riêng, để sinh hoạt của họ cụ thể hướng về đấy. Nên cần quy tụ họ thành từng nhóm, nắm mục đích và sinh hoạt riêng.

Tôi được sai đến một giáo xứ nổi tiếng vì nhiều tiêu cực khô khan.

Tôi bắt tay vào việc, nắm bắt từng người, liên kết chặt chẽ họ lại. Rồi chính những người này sẽ chiêu mộ người khác.

Với thời gian nhờ lòng nhiệt thành và đức ái, tôi hy vọng sẽ liên hợp được cả xứ. Trong việc tái sinh này tôi nên chăm sóc cách riêng các em và giới trẻ.

Tôi có chí nhiệt thành? Nhưng chí nhiệt thành ấy có lan xa và phổ cập như đức ái không?

Nhiều khi chân trời của tôi quá hẹp, tầm nhìn của tôi quá ngắn, nó khựng lại ở cây tháp nhà thờ xứ tôi. Những gì xảy ra đây đó, đối với tôi như không có. Chí nhiệt thành của tôi đứt hơi và tắt thở ngay ở bờ ranh giáo xứ tôi. Tệ hơn nữa, có khi tôi còn tỏ ra khó chịu về những thành công của ông bạn cạnh tôi.

Tôi hãnh diện về chí nhiệt thành của tôi chăng?

Cũng được thôi. Nhưng phải sợ chí nhiệt thành ấy của tôi không tìm vinh danh Chúa, không nảy sinh từ đức mến Chúa.

Đức mến chỉ nhằm tôn vinh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Thấy tật xấu, sự lầm lạc được nhiều người tham gia loan truyền, số các Tông đồ rao giảng chân lý lại ít thì họ băn khoăn. Họ cầu cứu Chúa như Môsê xưa: “Xin Chúa cho xuất hiện ở mọi nơi nhiều người hăng say hoạt động và giảng dạy khôn ngoan”.

Xin Chúa sai nhiều vị thánh hơn, thông thạo hơn đến tái sinh giáo xứ con, chia sẻ và giảm nhẹ trách nhiệm của con, và giúp con cứu rỗi các linh hồn, mà con phải trả lẽ về họ trong ngày thẩm phán.

Chí nhiệt thành phải năng nổ, hăng hái, phải luôn có lửa. Nhưng lửa ấy không thiêu rụi, không tàn phá. Song là lửa đun sôi, chiếu sáng và sinh động.

Đàng khác chí nhiệt thành lại phải mềm mỏng dễ cảm thông, dịu hiền cách khôn khéo. “Đối thoại mềm mỏng đánh ta cơn giận” (Pr 15,1).

Dịu hiền vượt thắng mọi cản trở, khuất phục tội nhân cố chấp nhất dưới chân thánh giá Chúa. “Đức dịu hiền biến chớp thành mưa” (Tv 136,7).

Chí nhiệt thành còn phải cao thượng và quảng đại. Bởi vì linh mục, như các Tông đồ xưa, luôn sẵn sàng hy sinh tài sản và cả mạng sống cho vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. “Tôi vui lòng tiêu hao tất cả và tiêu hao nhiều nữa cho các linh hồn anh em” (2Cr 12,15).

Sau hết chí nhiệt thành phải bao quát.

Có những linh mục nhiệt thành thật, nhưng quá hạn hữu nhỏ hẹp, không bao trùm cả giáo xứ. Các ngài chỉ hy sinh và chịu hao tốn cho nhóm mấy bà đạo đức. Đó là đám con cưng, họ được các ngài chăm sóc lắng lo. Ngoài ra, nhất là nam giới thường bị dửng dưng quên lãng. Chính ra nam giới mới cần được mục tử chăm sóc vun trồng hơn.

Có những linh mục tưởng mình đã khá nhiệt thành. Nhưng nhiệt thành của các ngài chỉ là con đẻ của tính hiếu động tự nhiên và của tính khí bốc đồng.

Có cha sở tự chất lên mình gánh nặng quá sức. Thì đấy có phải là nhiệt thành?

Ngài coi một xứ lớn mà lại muốn một mình làm hết mọi việc: Giảng dạy, ngồi toà, ban hành các bí tích, quản trị việc đời, hướng dẫn hội đoàn v.v… Việc gì cũng phải qua tay ngài. Ngài nắm quyền chỉ huy tất cả, ban bổ mệnh lệnh, chỉ thị thi hành. Ngài cho đó là thuộc quyền và nhiệm vụ của ngài.

Nhưng có bao giờ cái đầu lại làm các việc của chân tay? Để đến nỗi linh mục phụ tá và các ban ngành phải héo hon trong cảnh nhàn cư, nhìn cha sở chìm ngập trong man vàn công việc, mà thường không việc nào được giải quyết dứt điểm.

Phần linh mục phụ tá, có khi thay vì làm việc hoà hợp với cha sở, chịu sự chỉ đạo của ngài thì lại tìm cách nhóm lên một đám đệ tử, một bầy chiên nhỏ, quy tụ một số người xung quanh như là lập nên một giáo xứ trong một giáo xứ, dựng nên một bàn thờ đối diện với một bàn thờ. Hành động như vậy có phải là lòng nhiệt thành?

Có vị giữ giáo dân không cho đi xưng tội với linh mục ngoài giáo xứ, để họ có dịp cởi mở lương tâm cách dễ dàng, nhận được những lời chỉ bảo cho một nố tế nhị, và lật bỏ được một khối lớn đang đè nặng tâm can họ.

Có vị coi xứ đã 10 năm, 20 năm mà không khi nào mời linh mục khác đến ngồi toà và giảng giải cho giáo dân được tấn ích hơn.

Như thế lòng nhiệt thành của linh mục ấy có đúng không?

Các vị nhiệt thành chân chính dê dàng mời các linh mục được giáo dân tín nhiệm về thánh đức đến giảng giải ngồi toà thức tỉnh các tâm hồn ngủ mê, giơ tay đón tiếp các tội nhân bất hạnh, dẫn đưa họ vào con đường phần rỗi.

Nhưng phần tôi lại không muốn mời, vì sợ các vị ấy làm lu mờ tôi đi, và giáo dân cũng giảm dần lòng quý mến và sự tín nhiệm tôi.

Đó thật là một tính toán hắc ám không thể chấp nhận.

Mà làm sao những ý nghĩ hạ đẳng tầm thường ấy lại xâm nhập được vào trí óc vị chính uỷ, người đại diện Chúa Kitô được?

Thật ra ta phải than khóc về lòng người hèn yếu đến thế, rồi phải khiêm hạ mà tự thẹn.

Người ta thường phàn nàn rằng đức tin đã mất chỗ đứng, hoạt động của giáo sĩ ít kết quả. Tuy nhiên linh mục công giáo vẫn nắm trong tay nguồn hiệu lực khá cao, tuyệt hảo.

– Nguồn hiệu lực ấy phát xuất từ cội gốc, mục đích và phương pháp hoạt động.

– Cội gốc ấy phát nguyên từ núi Canvê. Từ đây nó chia thành hai dòng sông lớn.

Một trở ngược lên qua các tiên tri, các tổ phụ tới nguyên tổ và tới cung lòng Thiên Chúa. Đó là đạo cũ nơi dân tộc Do Thái.

Một đi trở xuống cho tới ta qua con kênh Thánh Truyền, Tân Ước và sự nối tiếp không ngừng các mục tử hợp pháp. Đó là đạo mới hay Giáo Hội.

* Mục đích của nó là thánh hoá, là hạnh phúc nhân loại trong thời gian và trong vĩnh cửu.

Giáo Hội được thành lập để phát triển nơi con người tất cả những gì là cao cả, là thánh thiêng, để nhờ trung gian Đức Giêsu Kitô, nâng cao con người lên tới Thiên Chúa là đích điểm tối cao, là sự sung mãn và là sự thiện tuyệt hảo của họ.

* Phương tiện hoạt động là chân lý, ơn sủng và bác ái.

Với sức mạnh ấy lẽ ra phải chinh phục được cả thế giới. Vậy bởi đâu đã không đạt được kết quả ấy? Phần lớn lý do là tự ta. Điều đó thật khó nghe, nhưng mà là sự thật.

Thế kỷ trước đây, cái gì đã hư hoại hàng giáo sĩ mở đường cho thù địch của Chúa và xã hội phá hoại ghê gớm như vậy?

Nào lại không phải tự thiếu nhất trí, lòng nhiệt thành, sự tận tuỵ nơi các người có nhiệm vụ bảo về chân lý đó sao?

Thay vì hợp nhất xiết chặt hàng ngũ tạo cho đối phương một chiến tuyến đáng gờm, thì binh sĩ Chúa Kitô hành động bừa bãi.

Nhóm thì có vũ khí trong tay, xông chiến nhưng vô trật tự, thiếu chỉ huy nhất quán, nên ít thắng lợi.

Phần đông thì chia rẽ chỉ vì lòng tham, tính ghen tỵ và vì những đam mê nhỏ nhen, tính kèn cựa ấu trĩ.

Sức mạnh của kỷ luật bị suy yếu. Những ràng buộc của sự phục tùng bị nới lỏng.

Đây một nhóm người muốn vượt quyền giám mục. Nhóm khác lại muốn có nhiều luật trừ, ơn chuẩn.

Giữa lúc đối phương xâm chiếm cơ sở, tốp bảo vệ còn đang mải giành giật nhau lợi nhuận cơ sở ấy đem lại.

Đối phương bàn chuyện canh tân cuộc sống, thì họ còn vội tranh giành ngôi thứ.

Đến khi giông bão thổi đến lột trần, xua đuổi chà đạp, nghiền nát hàng giáo sĩ, lúc ấy họ mới đấm ngực: Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…

Ước chi không bao giờ ta quên bài học đáng ghê sợ ấy.

Đường lối chính trị của hoả ngục là chia để phá. Nếu để sự chia rẽ xâm nhập hàng ngũ ta, là đã tạo dịp cho hoả ngục thắng lợi trong mưu lược của nó.

Lạy Chúa, nếu các linh mục hiểu rõ sức mạnh của sự hiệp nhất về giáo lý, về phẩm trật và trên hết là sức mạnh của sứ mạng được Chúa sai đi.

Nếu các linh mục tin tưởng vào Đấng sai mình, đồng tâm nhất trí trong hành động. Hành động với lòng nhiệt thành, với tình bác ái và sự vô tư như các thánh Tông đồ thì cả thế giới đã được chinh phục.

Các linh mục có thể mạnh hơn quan quyền với tất cả xảo thuật chính trị của họ.

Ảnh hưởng của linh mục mạnh hơn cả quyền lực vua chúa. Vì linh mục nắm trong tay sức mạnh luân lý là đòn bẩy nâng cả thế giới lên.

Vậy thưa linh mục của Chúa, hãy tiến lên với thanh gươm Lời Chúa, với lá chắn đức tin. Hãy xếp hàng dưới cờ thánh giá, tuân hành lệnh của một chỉ huy, hành động theo một tinh thần.

Triều Dòng già trẻ tất cả cùng tiến lên như một người.

Sự lầm lạc và tật xấu sẽ trốn chạy và thế giới sẽ được ơn cứu độ.