Chiếc Ví Một Đô La

print

CHIẾC VÍ MỘT ĐÔ LA

Có một nhà từ thiện nhân lúc đi qua khu nhà ổ chuột, ông vô ý đánh rơi chiếc ví. Trong ví có tấm danh thiếp, ông hy vọng người nhặt được sẽ liên hệ và trả lại cho ông. Người trợ lý của ông cho rằng đừng hy vọng có được sự tử tế nơi những người nghèo. Ông đợi từ sáng cho tới tối thì bỗng chuông điện thoại vang lên. Đó là giọng một cậu bé hẹn trả ví lại cho ông. Người trợ lý cảnh báo ông rằng đây rất có thể là một cái bẫy để tống tiền ông.

Nhà từ thiện đến chỗ hẹn. Trước mặt ông là một cậu bé đen nhẻm, áo quần cũ rách. Cậu trao cho ông chiếc ví với đầy đủ tiền và giấy tờ. Cậu ngậρ ngừng nói: “Thưa ông, cháu có một mong muốn. Ông có thể cho cháu một đô-la không ạ?” Ông ngạc nhiên hỏi: “Cháu cần một đô-la để làm gì?” Cậu nói: “Cháu đã mất cả một ngày đi tìm điện thoại công cộng và phải mượn một đô-la của người khác để gọi điện cho ông, bây giờ cháu phải trả lại tiền cho họ”. Ông ôm cậu vào lòng, nói lời cám ơn và trao cho cậu một đô-la. Từ đó, ông quyết định lên kế hoạch xây dựng một cơ sở bác ái để giúρ trẻ em nghèo ở các khu ổ chuột. Ông thầm nhủ: “Đừng vội xét đoán người khác. Thái độ trung thực của cậu bé thật đáng trân trọng”.

Quý vị và các bạn thân mến,

Trung thực là một đức tính quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Trung thực được thể hiện qua sự ngay thẳng thật thà trong suy nghĩ, lời nói và hành động với chính mình và với mọi người. Người trung thực là người đón nhận hiện trạng của chính mình với tất cả những ưu khuyết điểm. Họ luôn sống ngay thẳng liêm khiết và tạo được sự tin tưởng nơi người khác. Trái lại, những ai sống thiếu trung thực thường gây ra sự bất tín và không thể tạo dựng những mối tương quan bền vững. Trong thực tế, để sống trung thực không phải là điều dễ, nhất là trước sức cám dỗ của tiền bạc. Cổ nhân ta đã từng khuyên nhủ, “đói cho sạch, rách cho thơm”, hay “giấy rách phải giữ lấy lề”. Đừng vì tiền bạc mà bán rẻ nhân phẩm và lương tri.  

Trong một xã hội mà sự dối trá đã trở thành một lẽ thường tình thì trung thực càng trở thành luật vàng trong xử thế. Tính trung thực bắt nguồn từ khiêm tốn. Thái độ khiêm tốn giúp người ta dám nhìn nhận khả năng hạn hẹp và những khuyết điểm của chính mình. Trái lại, thói tham lam ích kỷ dễ đưa đến lừa lọc dối trá, trục lợi cá nhân. Chúa Giêsu đã từng khuyên chúng ta cần phải trung thực trong lời nói “có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Lời nói là thước đo của tính trung thực, nó không chỉ cần thiết trong cách cư xử, mà còn cần thiết đặc biệt trong tình yêu. Ai đã từng yêu đều cảm nhận sự cần thiết của tính trung thực. Sự gian dối như độc dược hủy hoại tình yêu thế nào thì trung thực như một thứ dưỡng chất bảo vệ tình yêu bền vững như vậy.

Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người không vì sự bất trung của loài người mà quên thực hiện lời hứa cứu độ. Đức Giêsu đã được sai đến trần gian mang lấy thân phận con người với tất cả sự mỏng giòn yếu đuối để cảm thông với con người. Con người càng bất trung bao nhiêu, Thiên Chúa càng gia tăng ân sủng để thể hiện lòng thương xót bấy nhiêu. Tình thương ấy sâu hơn mọi yếu đuối, rộng hơn mọi cố gắng, xa hơn mọi ước muốn của con người. Ân sủng của Thiên Chúa được biểu hiện qua sự tha thứ không mệt mỏi. Thiên Chúa bày tỏ tình yêu thương của Người qua lời các ngôn sứ, nhất là qua cuộc hiến tế trên thập giá của Đức Giêsu: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã đặt Người làm hy lễ xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin” (Rm 3,23-25).

Lạy Chúa Giêsu là nguồn cội của tình yêu thương, xin cho chúng con yêu mến tuân giữ những điều Chúa khuyên dạy. Xin cho chúng con đừng sa vào những cám dỗ của thế gian để trung thành sống cho Chúa và được tận hưởng niềm hạnh phúc đích thực là chính Chúa. Amen.

Nt. Anh Thư