Christus Vivit: Chương 6 Số 179-191

Christus Vivit: Chương 6 Số 179-191

CHƯƠNG SÁU

NGƯỜI TRẺ VỚI NHỮNG GỐC RỄ

  1. Đôi khi tôi nhìn những cây nho nhỏ xinh xinh, cành chúng vươn lên trời, cứ vươn lên cao hơn mãi, và thấy chúng như một bài ca hy vọng. Rồi, sau một cơn bão, tôi thấy chúng ngã gục và đã chết. Chúng thiếu những bộ rễ sâu. Chúng vươn cành lên trong khi không được cắm chặt dưới đất, và vì thế chúng ngã gục ngay khi thiên nhiên nổi cơn tam bành. Vì thế tôi ái ngại khi nhìn các bạn trẻ đôi khi được khuyến khích xây dựng một tương lai mà không có gốc rễ, như thể thế giới chỉ mới vừa xuất hiện! Vì “chúng ta không thể lớn lên nếu không có bộ rễ mạnh nâng đỡ và giữ vững mình. Thật dễ trôi giạt, khi không có gì để níu bám vào”. [98]

Đừng để mình bị bật rễ

  1. Đây là một vấn đề quan trọng, và tôi muốn dành một chương ngắn để thảo luận về nó. Nếu chúng ta trân trọng vấn đề này, chúng ta có thể phân biệt niềm vui của tuổi trẻ với một sự sùng bái tuổi trẻ đầy sai lầm vốn có thể được lợi dụng để lôi kéo và dẫn dụ người trẻ.
  2. Thử nghĩ, nếu có kẻ nào đó bảo giới trẻ phớt lờ lịch sử của họ, tẩy chay những kinh nghiệm của các bậc tiền bối, xem thường quá khứ và hướng tới một tương lai do y vẽ ra cho, thì như vậy há không dễ trở thành chuyện kẻ ấy lôi kéo giới trẻ để họ chỉ làm điều mà y bảo họ làm đó sao? Kẻ ấy muốn các bạn trẻ nông cạn, trốc rễ và nghi nan, để họ chỉ tin vào những lời hứa của y và hành động theo các kế hoạch của y. Đó là cách mà các ý thức hệ khác nhau vận hành: chúng tàn phá (hay làm phân rã) mọi sự khác biệt để chúng có thể cai trị mà không bị phản kháng. Tuy nhiên để được vậy, chúng cần những người trẻ coi thường lịch sử, những người vứt bỏ các kho tàng nhân bản và thiêng liêng thừa hưởng từ các thế hệ đi trước, những người không ý thức gì về mọi sự xảy ra trước mình.
  3. Những bậc thầy lừa mị này cũng dùng một mánh khóe khác: sự sùng bái nét trẻ, đó là thái độ loại trừ tất cả những gì không còn trẻ, xem đó như lỗi thời và đáng khinh. Thân thể thanh xuân trở thành biểu tượng của sự sùng bái này; những gì gắn với thân thể ấy sẽ được thần tượng hóa và thèm khát, trong khi bất cứ gì không còn trẻ sẽ bị khinh miệt. Nhưng sự sùng bái nét trẻ này chỉ là một chiêu bài rốt cục được thấy là hạ cấp đối với giới trẻ; nó tước sạch khỏi người trẻ mọi giá trị thực, và sử dụng họ cho những lợi ích cá nhân, tài chánh hay chính trị.
  4. Các bạn trẻ thân mến, các con đừng cho phép người ta khai thác tuổi trẻ của các con để quảng bá một lối sống nông cạn vốn nhập nhằng lộn xộn giữa cái đẹp và dáng vẻ bên ngoài. Các con hãy nhận ra rằng có vẻ đẹp nơi người lao động đang trở về nhà với đầy bụi bẩn và vẻ phờ phạc, nhưng với niềm vui vì đã kiếm sống cho gia đình mình. Có vẻ đẹp tuyệt vời nơi sự quây quần của một gia đình tại bàn ăn, quảng đại chia sẻ cho nhau bữa ăn của mình. Có vẻ đẹp nơi người vợ, hơi nhếch nhác và không còn trẻ nữa, vẫn tiếp tục chăm sóc người chồng ốm đau của mình, dù cho sức khỏe của chính mình đang sa sút. Rất lâu sau khi đã trôi qua mùa xuân của thuở mới yêu và tán tỉnh nhau, có vẻ đẹp nơi sự chung thủy của các đôi vợ chồng vẫn yêu nhau trong mùa thu của cuộc đời, nơi những cụ già vẫn nắm tay nhau khi sánh bước. Cũng có một vẻ đẹp, không liên quan gì đến ngoại hình hay thời trang, nơi tất cả những người nam và nữ theo đuổi ơn gọi riêng của mình với tình yêu, nơi sự phục vụ quên mình đối với cộng đoàn hay đất nước, nơi công việc cam go là xây dựng một gia đình hạnh phúc, nơi sự nỗ lực không hề dễ dàng để thăng tiến hòa điệu trong xã hội. Tìm kiếm, bộc lộ và biểu dương vẻ đẹp này, giống như vẻ đẹp của Đức Kitô trên thập giá, đó là đặt nền tảng cho tình liên đới xã hội đích thực và cho nền văn hóa gặp gỡ.
  5. Bên cạnh những mưu chước của một sự sùng bái nét trẻ và ngoại hình có tính lừa mị, chúng ta cũng đang thấy những cố gắng quảng bá một linh đạo mà không có Thiên Chúa, một sự nhạy cảm mà không có cộng đoàn hay không có mối quan tâm đối với những người đau khổ, một nỗi sợ người nghèo vì xem người nghèo là mối nguy hiểm, và rất nhiều hứa hẹn về một thiên đàng tương lai nhưng thiên đàng ấy hóa ra ngày càng xa vời. Cha không muốn mời chào các con những điều như thế, và với cả tấm lòng, cha xin các con đừng để mình bị tác động bởi ý thức hệ ấy. Nó không làm các con trẻ trung hơn chút nào, nhưng thay và đó nó biến các con thành nô lệ. Cha đề nghị một con đường khác, con đường của tự do, hăng hái, sáng tạo và những chân trời mới, trong khi đồng thời chăm sóc những gốc rễ nuôi dưỡng và nâng đỡ mình.
  6. Về phương diện này, tôi muốn ghi nhận rằng “nhiều Nghị phụ Thượng hội đồng đến từ những bối cảnh không phải phương Tây đã chỉ ra rằng tại các quốc gia của mình hiện tượng toàn cầu hóa đang mang đến những hình thức thực dân văn hóa, tách người trẻ ra khỏi các gốc rễ tôn giáo và văn hóa của mình. Giáo hội cần quan tâm đồng hành với những người trẻ này, để trong tiến trình, họ không đánh mất cảm thức về những nét quí báu nhất trong căn tính của họ”. [99]
  7. Quả thật, ngày nay chúng ta nhìn thấy một khuynh hướng “đánh đồng” người trẻ, làm mờ nhạt những gì là bản sắc riêng trong nguồn gốc và bối cảnh của họ, và biến họ thành một dòng hàng hóa mới dễ uốn ép. Điều này sinh ra một sự tàn phá văn hóa có tính nghiêm trọng không kém sự diệt chủng các loài động vật hay cây cỏ. [100] Vì lý do này, khi nói chuyện với các bạn trẻ thổ dân qui tụ ở Panama, tôi đã khuyến khích họ “chăm sóc các gốc rễ của mình, vì chính từ các gốc rễ ấy mà các con nhận được sức mạnh giúp các con lớn lên, triển nở và sinh hoa trái”. [101]

Tương quan của các con với các bậc cao tuổi

  1. Tại Thượng hội đồng, chúng ta nghe rằng “người trẻ hướng nhìn tương lai và họ đối diện cuộc sống với đầy sinh lực và sự năng động. Nhưng họ cũng bị cám dỗ… để không chú ý mấy đến ký ức về quá khứ vốn là nguồn gốc của mình, nhất là về những ân ban được thông chuyển cho họ qua các bậc cha mẹ, ông bà và kinh nghiệm văn hóa của xã hội nơi mình sống. Việc giúp người trẻ khám phá những kho tàng sống động của quá khứ, trân trọng ký ức về các kho tàng đó, và vận dụng chúng cho các chọn lựa và các cơ hội của mình, đó là hành động yêu thương đích thực đối với họ, nhằm giúp họ trưởng thành và biết đưa ra các quyết định”. [102]
  2. Lời Chúa khích lệ chúng ta giữ sự gần gũi với người già, để học hỏi từ kinh nghiệm của các vị: “ Hãy có mặt khi các bậc lão thành hội họp, thấy vị nào khôn ngoan, hãy hết lòng gắn bó… Thấy người học thức uyên thâm, con hãy năng lui tới, chân đi mòn ngưỡng cửa nhà họ”. (Hc 6,34.36). Dù gì đi nữa, chiều dài những tháng năm họ sống và tất cả những gì họ kinh nghiệm trong đời phải làm cho chúng ta kính trọng họ: “Thấy người đầu bạc, ngươi phải đứng lên” (Lv 19,32). Vì “sức mạnh là niềm tự hào của giới thanh niên, mái đầu bạc là vinh dự của hàng bô lão” (Cn 20,29).
  3. Thánh Kinh nói với chúng ta: “Hãy lắng nghe cha ngươi, người sinh ra ngươi, và đừng khinh thường mẹ ngươi khi người già đi” (Cn 23,22). Lệnh truyền tôn kính cha mẹ “là giới răn đầu tiên có kèm theo lời hứa” (Ep 6,2; x. Xh 20,12; Đnl 5,16; Lv 19,3), và lời hứa đó là: “để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,3).
  4. Điều này không có nghĩa rằng phải đồng ý với bất cứ gì người lớn nói hay phải chấp nhận mọi hành động của họ. Một người trẻ luôn cần có tinh thần phê bình. Thánh Basiliô Cả khích lệ người trẻ quí trọng các tác giả Hy lạp cổ, nhưng chỉ chấp nhận những gì tốt đẹp mà họ dạy. [103] Quả thật quan trọng việc cởi mở để đón nhận một sự khôn ngoan được chuyển trao từ thế hệ này qua thế hệ khác, một sự khôn ngoan gần gũi với thân phận con người và không nên bị quên lãng trước những cái mới lạ của xã hội tiêu thụ và của thị trường.
  5. Thế giới đã và sẽ không bao giờ nhận được ích lợi gì khi xảy ra sự đoạn tuyệt giữa các thế hệ. Đó chỉ là bài ca ru ngủ về một tương lai không có gốc rễ. Đó là một sự dối gạt làm cho các con tin rằng chỉ những gì mới thì mới tốt và đẹp. Khi có các tương quan giữa các thế hệ, một ký ức tập thể sẽ có mặt trong các cộng đồng, và mỗi thế hệ đón nhận các giáo huấn từ các thế hệ đi trước mình, rồi đến lượt mình sẽ chuyển trao cho các thế hệ theo sau. Bằng cách này, người ta có được những khung tham chiếu để xây dựng một xã hội mới cách vững chắc. Như có câu nói xưa: “Khi người trẻ có hiểu biết và người già có sức mạnh, thì không có gì mà họ không thể đạt được”.
print