Christus Vivit: Chương 7 Số 230-238

print

Christus Vivit: Chương 7 Số 230-238

Mục vụ giới trẻ “đại chúng”

  1. Bên cạnh sứ vụ mục vụ thông thường, được lập trình chặt chẽ, mà các giáo xứ và các phong trào thực hiện, cũng quan trọng việc dành chỗ cho một sứ vụ giới trẻ có tính “đại chúng”, với một phong cách, chương trình, nhịp độ và phương pháp mới. Nó mở rộng hơn và uyển chuyển hơn, nó mở ra đến với những nơi mà người trẻ thực tế đang tác động, và nó thúc đẩy những phẩm chất lãnh đạo tự nhiên cũng như những đặc sủng được Chúa Thánh Thần gieo vãi. Nó cố gắng tránh áp đặt các chướng ngại, các qui tắc, các sự kiểm soát và những cơ cấu bắt buộc trên các tín hữu trẻ vốn là những người lãnh đạo tự nhiên trong khu xóm của họ và trong các khung cảnh khác. Chúng ta chỉ cần đồng hành và khích lệ họ, tin tưởng hơn vào Chúa Thánh Thần, Đấng hành động như Ngài muốn.
  2. Chúng ta đang nói về những người lãnh đạo có tính “đại chúng” thực sự, không phải những thành phần ưu tú hay những người đóng kín trong các nhóm nhỏ được chọn lọc. Để có thể kiến tạo một sứ vụ “đại chúng” cho giới trẻ, “họ cần học biết lắng nghe cảm thức của dân chúng, trở thành người phát ngôn cho dân chúng và làm việc phục vụ cho sự thăng tiến dân chúng”. [124] Khi chúng ta nói về “dân chúng”, chúng ta không đang nói về những cơ cấu xã hội hay Giáo hội, nhưng về tất cả những con người đang bước đi, không phải như những cá nhân riêng rẽ mà như một cộng đoàn gắn bó chặt chẽ, bao gồm mọi người và cho mọi người, một cộng đoàn không chấp nhận bỏ người nghèo và những người yếu đuối lại phía sau. “Dân chúng muốn mọi người chia sẻ trong thiện ích chung và vì thế chấp nhận bước theo nhịp của các thành viên bé nhỏ nhất của mình, để mọi người có thể cùng đi đến nơi”. [125] Những người lãnh đạo “đại chúng”, vì thế, là những người có thể làm cho mọi người – bao gồm người nghèo, những người yếu đuối, những người bị thương tích – cùng tham dự vào nhịp bước đi tới của người trẻ. Họ không lẩn tránh hay sợ những người trẻ đã từng kinh nghiệm thương tổn hay đã mang vác gánh nặng của thập giá.
  3. Cũng vậy, nhất là đối với những người trẻ không đến từ các gia đình hay các cơ chế Kitô hữu và đang chậm chạp trong trưởng thành, chúng ta phải khích lệ tất cả những gì tốt đẹp có thể. [126] Đức Kitô cảnh giác chúng ta đừng chỉ nhìn thấy hạt giống tốt (x. Mt 13,24-30). Có những lúc, trong cố gắng phát triển một sứ vụ giới trẻ tinh thuần và hoàn hảo, được đánh dấu bởi những ý tưởng hoàn hảo, được bảo vệ khỏi thế gian và được giữ khỏi mọi nhược điểm, chúng ta có thể biến Tin Mừng thành một lời tuyên bố mù mờ, vô nghĩa và chán ngắt. Một sứ vụ giới trẻ như vậy rốt cục sẽ hoàn toàn bị rứt khỏi thế giới người trẻ, và chỉ phù hợp với một thành phần người trẻ Kitô giáo ưu tú tự xem mình như khác biệt, trong khi sống trong một sự cô lập trống rỗng và không có năng lực sinh sản. Khi tẩy chay các hạt giống, chúng ta cũng làm trốc rễ hay làm ngạt các mầm chồi đang cố gắng vươn lên bất chấp những giới hạn của chúng.
  4. Thay vì “áp lên người trẻ một mớ luật lệ, làm cho Kitô giáo bị thất đoạt và nặng tính nệ luật, chúng ta được mời gọi vận dụng sự gan dạ của họ và hướng dẫn họ đảm nhận các trách nhiệm của mình, trong ý thức rằng lầm lỗi, thất bại và khủng hoảng là những kinh nghiệm có thể giúp họ phát triển lòng nhân”. [127]
  5. Thượng hội đồng mời gọi phát triển một sứ vụ giới trẻ có tính bao gồm, có chỗ cho mọi tầng lớp người trẻ, cho thấy rằng chúng ta là một Giáo hội mở rộng cửa. Người ta cũng không phải chấp nhận tất cả các giáo huấn của Giáo hội thì mới được tham dự vào một số hoạt động giới trẻ của chúng ta. Chỉ cần mở ra cho tất cả những ai khát khao và sẵn sàng gặp gỡ chân lý mặc khải của Thiên Chúa. Một số hoạt động mục vụ của chúng ta giả định rằng một hành trình đức tin vốn đã bắt đầu, nhưng chúng ta cần một sứ vụ giới trẻ “đại chúng” có thể mở cửa và dành chỗ cho mọi người, với những nghi nan và chán nản của họ, những vấn đề, những cố gắng tìm kiếm căn tính, những lỗi lầm trong quá khứ, những kinh nghiệm tội lỗi và tất cả các nỗi khó của họ.
  6. Cũng cần dành chỗ cho “tất cả những ai có cái nhìn khác về cuộc sống, những người thuộc các tôn giáo khác hay những ai tự tách mình ra khỏi mọi tôn giáo. Tất cả mọi người trẻ, không trừ ai, đều ở trong trái tim của Thiên Chúa, và vì thế họ ở trong trái tim của Giáo hội. Chúng ta thẳng thắn nhìn nhận rằng tuyên bố này trên môi miệng chúng ta không luôn luôn được thể hiện trong các hoạt động mục vụ: Chúng ta thường vẫn đóng kín trong các khung cảnh của mình, nơi mà tiếng nói của họ không vào được, hoặc giả chúng ta miệt mài với những sinh hoạt dễ dàng hơn và thích thú hơn, kìm nén cái thao thức mục vụ lành mạnh thúc đẩy mình đi ra khỏi tình trạng được cho là an toàn của mình. Tin Mừng kêu gọi chúng ta mạnh dạn – và chúng ta muốn – làm chứng cho tình yêu của Chúa và dang rộng đôi tay đón mọi người trẻ trên thế giới, mà không hề tự phụ, cũng không cố lôi kéo cải giáo người ta”. [128]
  7. Sứ vụ giới trẻ, khi nó không có tính lựa lọc mà sẵn sàng trở thành “đại chúng”, thì nó là một tiến trình tiệm tiến, đầy tôn trọng, nhẫn nại, hy vọng, nhiệt thành và đầy trắc ẩn. Thượng hội đồng gợi ví dụ về các môn đệ Emmau (x. Lc 24,13-35) như một mẫu thức về điều diễn ra trong sứ vụ giới trẻ.
  8. “Đức Giêsu bước đi với hai môn đệ vốn không hiểu ý nghĩa của tất cả những gì đã xảy ra cho Người, và họ đang bỏ Giêrusalem và cộng đoàn lại đằng sau. Muốn đồng hành với họ, Người đến với họ trong hành trình. Người hỏi họ những câu hỏi và kiên nhẫn lắng nghe cách họ tường thuật các biến cố, bằng cách này Người giúp họ nhận ra những gì mà họ đang kinh nghiệm. Rồi, với tình thương và với uy lực, Người giảng lời cho họ, hướng dẫn họ diễn dịch các biến cố mà họ đã kinh nghiệm trong ánh sáng của Thánh Kinh. Người chấp nhận lời họ mời Người ở lại với họ khi ngày đã sắp tàn; Người đi vào trong đêm tối của họ. Khi họ lắng nghe Người nói, lòng họ bừng cháy lên và tâm trí họ mở ra; và họ nhận ra Người khi Người bẻ bánh. Chính họ quyết định lên đường ngay lập tức, nhưng theo hướng ngược lại, trở về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục Sinh”. [129]
  9. Những cách biểu hiện khác nhau của lòng đạo đức bình dân, nhất là các cuộc hành hương, hấp dẫn những người trẻ vốn không cảm thấy thoải mái trong các cơ chế Giáo hội, và đó là một dấu hiệu cụ thể cho thấy lòng tín thác của họ vào Thiên Chúa. Những cách tìm kiếm Thiên Chúa như vậy được thấy cách riêng nơi các bạn trẻ nghèo, nhưng cả nơi những người thuộc các tầng lớp khác trong xã hội nữa. Không được xem thường những cách ấy, trái lại cần khuyến khích và quảng bá. Lòng đạo đức bình dân “là một cách hợp lệ để sống đức tin” [130] và là “một sự diễn tả hoạt động sứ mạng thừa sai tự phát của dân Thiên Chúa”. [131]