Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm C – Trả Lại Tên Cho Em

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM C

TRẢ LẠI TÊN CHO EM

Lm. Giuse Nguyễn

Tập cuối của bộ phim “Biệt Động Sài Gòn” nổi tiếng một thời mang tên: TRẢ LẠI TÊN CHO EM, kể về câu chuyện để che mắt kẻ thù địch, Huyền Trang – một chiến sĩ đã phải cải trang thành ni cô, dù cuối cùng cô cũng đã phải hy sinh, nhưng điều quan trọng nhất là mọi người đã biết được sự thật về cô, trả lại cho cô đúng tên gọi Huyền Trang chứ không còn gọi cô là ni cô nữa.

Sống đúng với phẩm giá, với bản chất, với tên gọi của mình là điều mà mỗi Kitô hữu phải chiến đấu, đôi khi liên lỉ cho đến cuối cuộc đời để được trở lại là mình với phẩm giá tốt đẹp Chúa đã dựng nên.

Mùa Chay là hành trình “lột xác” để “trả lại tên cho em”, để trở về với ngôi nhà hạnh phúc, để được sống là chính mình trong ân tình cha – con với Thiên Chúa.

Sau khi vào Đất Hứa, dân Israel đã ăn mừng lễ Vượt Qua trọng thể vì “Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai Cập” (Gs 5, 9a). Thiên Chúa đã trả lại tự do cho dân Israel, giải phóng họ khỏi sự áp bức của người Ai Cập. Sự tự do này phải được đánh đổi bởi hy sinh, mất mát; và chắc chắn sẽ có một số người không chấp nhận hy sinh, thà làm nô lệ nhưng được những thứ họ thèm khát.

Dụ ngôn đứa con trai hoang đàng là hình ảnh của một người mất tự do khi chạy theo những đam mê của thế gian, những thú vui phù phiếm và hậu quả là anh phải đau khổ. Đau khổ không phải vì anh lao động vất vả, mệt nhọc, hay không còn được sung sướng, hưởng thụ… nhưng tận cùng của sự đau khổ là anh mất đi cả nhân tính của mình, người ta xem anh còn thua thú vật: “Anh ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng cũng chẳng ai cho”  (Lc 15, 16). Anh hoàn toàn mất đi tự do.

Tạ ơn Chúa như hồi kết của bộ phim, Huyền Trang đã được trả lại tên của mình, người con trai hoang đàng đã được trả lại tự do.

Sự tự do đó trước hết do anh muốn muốn quay trở về. Nó khởi sự từ toan tính muốn tìm tự do theo kiểu thế gian để bớt đi những cực khổ anh đang gánh chịu, anh biết nhà cha anh dư thừa những thứ anh đang thèm khát. Anh lên chương trình, anh có kế hoạch và soạn sẵn “bài phát biểu” để chỉ mong được làm đứa ăn đứa ở trong nhà thôi: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.” (Lc 15, 18-20).

Nhưng chính người cha đã trao lại cho anh tự do đúng nghĩa: bỏ đi những lỗi lầm, dẹp tan những xấu hổ, cho anh quyền làm con và nhất là ăn mừng vì chính ông đã tìm lại được điều ông yêu quý. Ông đã trao hy vọng cho người con, hy vọng về một tương lai được tự do thực sự trong chính căn nhà của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói: “Đối với người Công giáo, tương lai có một cái tên, và cái tên đó là Hy vọng. Hy vọng không có nghĩa là lạc quan một cách ngây thơ và bỏ ngoài tai những bất hạnh mà loài người đang phải đối mặt, nhưng hy vọng là nhân đức của trái tim không bị giam cầm trong bóng tối, không hoài niệm quá nhiều về quá khứ, không dễ dàng bị hiện tại thuyết phục, nhưng có niềm tin mạnh mẽ vào tương lai”.

Mùa Chay trong năm thánh 2025 – Năm Thánh Hy Vọng mở ra cho mỗi người chúng ta một tương lại được “trả lại tên cho em”, được sống đúng với căn tính của chính mình, không còn là nô lệ nữa.

Là Kitô hữu, những người thuộc về Đức Kitô, nhưng đôi khi như người con thứ, chúng ta đòi “chia gia tài”, đòi sống theo tự do của chính mình. Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người, nhưng chính vì tự do đó mà chúng ta không sống đúng với căn tính của mình, đánh mất đi tự do đích thực và hậu quả là phải xa lìa Thiên Chúa, xa cách anh chị em, và mất bình an trong tâm hồn, phải đau khổ và phải chết.

Quên đi căn tính, quên đi ơn gọi, quên đi bậc sống của chính mình để sống phóng túng, đó chính là kiểu đi hoang của thời đại hôm nay được con người khoác cho chiếc áo tự do. Từ đó gây ra những phản bội trong mọi bậc sống, và hậu quả là những đổ vỡ.

“Đứng lên, đi về cùng cha” là hành động phản tỉnh để hoán cải, ăn năn sám hối. Đó là hành động ý thức mình là ai để sống cho đúng vị trí của mình, tránh xa những cám dỗ “rời bỏ vị trí”. Đó là những hấp dẫn khiến những người sống đời sống hôn nhân gia đình quên đi mình đã có chồng, có vợ ; Đó là những cám dỗ khiến Kitô hữu cũng sống giống hệt những người không biết Chúa, vẫn gian lối, lọc lừa, nói năng khiếm nhã…

Bí tích Giải tội là hành động người cha trả lại cho đứa con của mình sự tự do đích thực. Ông sẵn sàng quên đi quá khứ để mở ra cho nó tương lại ngập tràn hy vọng.

Cẩn trọng hơn với những gì đã qua trong quá khứ để cố gắng sống tốt giây phút hiện tại bằng sự nổ lực dấn thân phục vụ cho Nước Chúa chính là sống tốt trong căn nhà mà mình đã từng bỏ đi.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã sống trọn vẹn tiếng Xin Vâng bằng cả cuộc đời của Mẹ. Xin cho chúng con sống trọn căn tính Kitô hữu của mình, đừng chạy theo những cám dỗ với tên gọi khác.

print