Chúa Yêu Thương Và Giải Thoát

print

Chúa Yêu Thương Và Giải Thoát

Chúa Nhật 5 Mùa Chay Năm C  03.04.22


vo ha

Chúa Nhật thứ 5 nầy dẩn vào tuần cuối cùng của mùa chay. Theo Lịch Phụng Vụ, chủ đề chính của những ngày nầy là ơn Giải Thoát của Thiên Chúa qua việc tha tội. Tội lỗi trói buộc con người như tình cảnh nô lệ, được lịch sử và Thánh Kinh ghi lại, của dân Chúa năm xưa tại Ai cập (thế kỷ  17 – tk 13 TC)  Assyria 721 TCN  và Babylon (586 – 538 TCN). 

Đã có ít nhất ba lần dân Do Thái bị ngoại bang bắt làm tôi mọi vì bỏ Chúa, chưa kể thời kỳ nô lệ Hy lạp và Roma (#325 TCN – 70 CN).  Nhưng Chúa vẫn thương yêu dân, tha thứ cho họ, cụ thể bằng sự giải thoát khỏi nơi giam cầm.   
 
Truyện xưa tích cũ của dân Chúa thời trước, vẫn còn tái diển cho dân mới của Chúa trong gia đình Hội Thánh hôm nay. Mỗi lần chúng con phạm tội, là tự ý hoang phí cuộc đời, tự ý nổi loạn chống lại Chúa. Nhưng Chúa luôn trung thành. Mỗi lần con đi hoang, Chúa như cha mẹ luôn canh cửa giữa đêm khuya, chờ đợi  con mau mau quay về. Chúa luôn tha thứ, vì Chúa yêu thương,  cũng là đưa tới sự giải thoát cho linh hồn chúng con luôn một thể. Vậy ta cùng đọc chính nguyên văn Lời Chúa cùng xin thêm ơn soi sáng. 
 

BÀI ĐỌC I: Is 43, 16-21 “Đây Ta sẽ làm lại những cái mới và sẽ cho dân Ta nước uống”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa là Đấng mở đường dưới biển, mở lối đi dưới dòng nước; Chúa là Đấng dẫn dắt xe, ngựa, quân binh và dũng sĩ. Tất cả đều ngủ và không chỗi dậy nữa; chúng bị ngộp thở và tắt đi như tim đèn.

 Người phán: “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa. Đây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện, như các ngươi sẽ biết; Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan. Thú đồng, muông rừng và chim đà sẽ ca tụng Ta, vì Ta đã làm cho hoang địa có nước và đất khô khan có sông, để dân yêu quý của Ta có nước uống; Ta đã tác tạo dân này cho Ta, nó sẽ ca ngợi Ta”.

 

BÀI ĐỌC II: Pl 3, 8-14  “Vì Đức Kitô, tôi đành chịu thua thiệt trong mọi sự, và tôi trở nên giống Người trong sự chết”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, 

tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Người, tôi đành chịu thua thiệt, và coi mọi sự như phân bón, để lợi được Đức Kitô, và được ở trong Người, không phải do sự công chính của tôi dựa vào lề luật, nhưng do sự công chính bởi tin Đức Giêsu Kitô: sự công chính bởi Thiên Chúa là sự công chính bởi đức tin để nhận biết Người và quyền lực phục sinh của Người, để thông phần vào sự đau khổ của Người và trở nên giống Người trong sự chết, với hy vọng từ cõi chết được sống lại. Không phải là tôi đã đạt đến cùng đích, hoặc đã trở nên hoàn hảo, nhưng tôi đang đuổi theo để chiếm lấy, bởi vì chính tôi cũng đã được Đức Giêsu Kitô chiếm lấy. 

Anh em thân mến, chính tôi chưa tin rằng tôi đã chiếm được, nhưng tôi đinh ninh một điều là quên hẳn đàng sau, mà hướng về phía trước, tôi cứ nhắm đích đuổi theo để đoạt giải ơn kêu gọi Thiên Chúa đã ban từ trời cao trong Đức Giêsu Kitô.

 

PHÚC ÂM: Ga 8, 1-11 “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy.

 Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. 

Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. 

Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

 

ĐÔI DÒNG GHI CHÚ VÀ TÂM TÌNH.

Trước hết bài đọc 1, trong sách Ngôn Sứ I-sa-i-a (thế kỷ 8 – 7) TCN.  

 Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, nên đầy quyền năng cao cả.  Người là chủ thiên nhiên mà không ai làm được, như vạch con đường  giữa đại dương và lối đi giữa sóng nước. Với binh hùng tướng mạnh, Chúa dư quyền năng buộc họ nằm xuống và bị tắt ngấm  như tim đèn – không còn chút khói. Trong trường hợp, quan quân Ai Cập cùng chiến xa kỵ mã đuổi theo dân Do Thái xuống lòng biển đỏ, tất cả đã nằm gọn dưới đáy biển (Xh 14: 15-31). Rồi Chúa cũng đã giải thoát dân khỏi cảnh lưu đày, đưa họ về xứ từ Babylon (538 TCN) 

Theo  Lời Chúa hôm nay qua tiên tri Isaia ở đây, những việc trên là “nhỏ thôi” đừng nhớ nữa. Mà Chúa sắp làm việc mới “lớn lao” hơn, là mở con đường giữa sa mạc, khai dòng suối tại vùng đất khô cằn. Công trình nầy đã manh nha rồi, để dẩn vào  thời Tân Ước.

Lúc đó, Chúa Cha cùng  Thánh Linh, đưa dẩn  Chúa Giêsu vào sa mạc với 40  đêm ngày – là con số nhiều và đủ – để chay tịnh mà  hoạch định cụ thể và rò ràng  thêm cho đường nầy  – con đường cứu độ giải thoát muôn dân. Đó là thành lập dân mới, là Giáo Hội của Chúa, bằng cuộc xuất hành mới qua cái chết và phục sinh của Đấng yêu thương. 

Khi Thiên Chúa đã đưa dân trở về xứ, là giải thoát họ như năm xưa. Vài thời tân ước,  Chúa Giêsu thêm giải thoát  dân Người, như cho người phụ nữ  phạm tội trong truyện bên trên – kiện toàn luật cũ – để dạy cho mọi người bài học của lòng nhân hậu bao la của Chúa.  Đây là ý nghĩa chính của bài Phúc Âm

 

Qua Bài Phúc âm theo Thánh Gio-an.

Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời công khai tại trần thế, qua bài Phúc Âm Chúa nhật tuần trước,  Chúa Giêsu cho nhân loại biết tấm lòng yêu thương bao la vô điều kiện  của Thiên Chúa đối với con người  tội lỗi, trong dụ ngôn người con hoang phế và người cha nhân hậu. Chúa nhật tuần nầy, Chúa Giêsu thêm minh họa tấm lòng yêu thương  trên, bằng mẩu gương có thật trong câu truyện người nữ bị bắt quả tang tôi ngoại tình.

Khi ấy, Chúa Giêsu đang giảng dạy công khai trong đền thờ Giêrusalem, thì luật sĩ và biệt phái dẫn đến một thiếu phụ bị bắt quả tang tội ngoại tình. Họ đặt cô đứng trước mọi người, với ý định đặt chiếc bẫy há mồm, để coi Chúa Giêsu giải quyết ra sao. Làm sao cho Ông Giêsu mất uy tín để dân chúng không tới với Người nữa. Nếu Ông Giêsu bảo tha, thì phạm luật nghiêm trọng của Thiên Chúa tối cao. Còn bảo áp dụng luật ném đá thì không có từ tâm, không là tiên tri thật.

Dựa vào luật Môsê, Lv 20: 10; Đnl  22: 22-24 và Ed 16: 38-40, nam nữ ngoại tình đều phải chết ném đá, cũng là hình phạt phổ thông của các dân tộc trong cả vùng Trung Đông thời đó, mà bây giờ nhiều nơi vẫn còn. Nhưng ở đây, họ chỉ mang riêng người phụ nữ tới. Coi như có sự sắp xếp mua chuộc một người “phụ nữ” đang là  trinh nữ chỉ đã đính hôn, theo sách vở giải thích? vì rõ ràng luật sĩ và biệt phái  giữ lề luật, chỉ một nửa. 

Không trả lời ngay với phe nhóm tố cáo, Chúa Giêsu dùng ngón tay viết trên đất, theo nhiều nhà chú giải Thánh Kinh,  là thái độ từ chối, không muốn chú ý, không muốn tiếp chuyện. Vì chưng, Chúa hiểu rõ lòng họ từ bên trong (1Sm 16:7).

Sẳn cơ hội hiếm có nầy, Chúa Giêsu muốn lưu lại bài học quí giá cho hết mọi người mọi nơi mọi thời, là ráng có tấm lòng khoan dung cải dữ về lành, bằng cách nhìn lại chính mình trước nhất: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”.  

Cũng theo nhiều nhà chú giải và riêng Ông Jean Guitton (1901-1999) nhân sĩ Công Giáo trong Hàn Lâm Viện Pháp, Ông có trí tưởng tượng rất phong phú khi giải thích rằng Chúa Giêsu viết trên đất tên từng vị của bên nguyên cáo, ngày giờ và địa điểm của từng chức sắc cao thấp trong đạo ngoài đời phạm tội ngoại tình từ tâm tới thể,  cũng như những lúc liều mình phạm nhiều tội khác? – Do đó mà họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất.

Theo thánh Augustinô (354-430) cuối cùng chỉ còn lại hai người: Đấng đầy lòng thương xót và con người yếu hèn. “Họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? – Thưa ông, không ai cả”. 

Theo bản văn Phúc Ngôn  đây, người phụ nữ không giải thích chi hơn về trường hợp của mình, thí dụ như thiếu phụ Samaria  bên bờ giếng Giacop (Gn 4: 5-42). Riêng Chúa Giêsu vẫn coi như chị như có tội – không tội nầy, thì tội khác –  Nhưng như lòng thương yêu và thương xót của người cha, riêng của Đấng Thiên Chúa Tạo Thành, Người nói: “tôi cũng vậy, không  lên án chị.  Chị  cứ về  và đừng phạm tội nữa”. 

Xin cho con học được và thực hành một chút thái độ rộng lượng khoan dung hải hà của Chúa, trong việc giao tế với đại gia đình, lối xón, cộng đồng và xã hội chung quanh. 

 

Trở lại Bài Đọc 2, trong thư viết cho tín hữu thành Philippê,

Thánh Phaolô dám chịu hi sinh mọi sự, coi mọi sự đời nầy như phân bón (rẽ tiền) để đạt được Đức Kitô và sự công chính của Người. 

 
Muốn được như vậy, chỉ với phương pháp đức tin, mới giúp Người thông phần vào sự đau khổ, sự chết, và phục sinh của Chúa Giêsu  mà được công chính.  
 

Mặc dù Thánh Phaolô chưa đạt đến cùng đích hoặc  trở nên hoàn hảo, nhưng quyết tâm  đuổi theo để chiếm lấy, như Đức Giêsu Kitô chiếm lấy thánh nhân.  Nên phải quên hẳn đàng sau, mà hướng về phía trước,  cứ nhắm đích đuổi theo để đạt ơn gọi Thiên Chúa đã ban từ trời cao trong Đức Giêsu Kitô.

 

Xin Dâng Lời Cầu

Chỉ mình Chúa là quan toà xét xử công minh, nhưng đầy lòng từ bi thương xót. Chúng con tin tưởng vào tình thương yêu bao la của Chúa như người cha mở rộng vòng tay đón đứa con đi hoang  trở về

Xin cho mọi thành phần dân Chúa trong Hội Thánh luôn mau chóng thực hành lối sống giao hoà với Chúa và với nhau.

Xin cho chúng con hiểu rằng chỉ trích do đố kị, lên án vì ghen tương, là tội phạm chống Chúa. Vì duy chỉ mình Chúa mới có toàn quyền xét xử nghiêm minh và công bằng bề ngoài bề trong .

 Xin cho mọi thành phần trong họ đạo chúng con ý thức mình yếu hèn tội lội, mà biết dùng lời lành thánh nâng đỡ nhau, đặc biệt hướng tới những anh chị em còn xa cách gia đình giáo hội của Chúa.
 

Xin cho chúng con biết sống lời Chúa dạy hôm nay, bằng cách tha thứ cho người, để Chúa cũng tha thứ cho mình như vậy.

Xin cho chúng con thêm sức mạnh ý chí và tinh thần, để biết quay về với Chúa, khi lỡ sa ngã và quyết tâm không  phạm tội nữa. Amen