Chuẩn Bị Cho Lễ Giáng Sinh

print

 

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C

Lm Giuse Trần Đình Thụy

 Chủ đề chính của Chúa nhật IV Mùa Vọng đó là lời sấm của Mikha: “Đến khi người nữ phải sinh, sẽ sinh con” (Mk 5,3). Giuse đã chấp nhận Maria đang mang thai vì ngài biết đó là thai nhi do quyền năng của Thiên Chúa (x.Mt 1,18-24). Và chính bà Isave đã phải thốt lên: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43). Tất cả những lời tiên báo và những người trực tiếp chuẩn bị cho Mùa Giáng sinh đều đã xảy ra. Mừng kỷ niệm ngày trọng đại đó, mỗi người chúng ta đều vừa vui mừng vì kỷ niệm, vừa trở thành hình ảnh của các ngài “tiếp tục” giới thiệu Chúa cho mọi người.

  1. Gợi ý các bài đọc:

CHUẨN BỊ CHO LỄ GIÁNG SINH[1]

a) Cái nhìn qua hiện tượng

Các bài đọc hôm nay, nối kết chúng ta với những nhân vật chuẩn bị cho sự hạ sinh của Đấng Mêsia. Nếu suy nghĩ sâu xa, chúng ta thấy đâu có khó khăn gì cho việc Thiên Chúa chuẩn bị cho Con Ngài một môi trường tốt hơn. Nhưng nghĩ như vậy là ý tưởng “xem ra” không đúng và có tính hời hợt. Thiên Chúa có đủ thời gian và quyền năng để thực hiện chọn lựa của Ngài; ý định của Ngài khác với chúng ta. Chúng ta đã nghe quá nhiều về một ngôi làng nhỏ âm thầm ở Bethlehem. Một ngôi làng nhỏ, một bác thợ mộc và vị hôn thê tầm thường… Đó là mái nhà của Con Thiên Chúa. Rồi khi sinh ra, nhóm mục đồng nghèo hèn, vài món quà đơn sơ dâng Hài Nhi…

Trong hoàn cảnh ngày nay, có lẽ ngày và nơi sinh của chúng ta còn đoàng hoàng hơn thế.

Những sự kiện nghèo đó muốn nói lên rằng: Thiên Chúa hoàn toàn tự do để chọn thời gian, nơi chốn và những con người cho con Chúa hạ sinh. Sự nghèo hèn, đơn sơ chẳng phải là tai họa hoặc chẳng phải là bối cảnh khốn khó. Không, Thiên Chúa có chương trình từ muôn đời của Ngài đó là:

  • Tình yêu Ngài dành cho chúng ta
  • Lòng tín thác của người nghèo hèn tin yêu Ngài.

b) Ý nghĩa sâu thẳm về chương trình của Chúa

Dọc dài theo lịch sử cứu độ, chúng ta toàn thấy người nghèo, người khiêm tốn… như ông Abraham, bà Ruth và nhiều ngôn sứ, những người đã dấn thân để cộng tác thực hiện ơn cứu độ cho nhân loại. Và còn nhiều người khác nữa… Thật tuyệt vời và không lời diễn tả về những con người có niềm tin vững chắc vào Chúa. Chính lòng tín thác của những nhân vật đã làm cho Lễ Giáng Sinh trở thành ý nghĩa quan trọng với những trẻ thơ (tín thác) hơn là những người trưởng thành (dùng lý trí). Vào thời đại của Chúa Giêsu, bao nhiêu loại người chẳng hiểu gì về Đấng Mêsia, vì họ quá dựa vào hiểu biết của họ; còn những tâm hồn tin tưởng chân thành lại thu được “mùa lúa” bội thu. Như Đức Maria, họ được thuyết phục bởi lời Chúa báo trước đã được thực hiện.

c) Phải đóng vai giới thiệu Chúa Giáng Sinh cho người khác

Còn một vài ngày Mùa Vọng, Giáo hội muốn chúng ta tập và sống tâm tình tin tưởng, phó thác để mở ra và thu hút người khác thực thi chương trình của Chúa. Đức Maria đã sống trọn Mùa Vọng của Mẹ. Bà Isave như đã thấu hiểu rằng Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Trải qua Mùa Vọng, hỏi rằng người khác có nhận ra Chúa Kitô ở trong chúng ta qua mùa Giáng Sinh này không?

 

  1. Sống tâm tình của Thánh Giuse

a) Ơn gọi và đời sống Thánh Giuse là chương trình của Chúa

Từ khi vâng lời đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần (Mt 1,20), Thánh Giuse hoàn toàn vâng phục để thực hiện những gì Chúa soi cho. “Đón nhận Maria về” là tiền đề cho việc thực thi chương trình của Chúa.

Vì cuộc hôn phối của thánh Giuse và Đức Maria mà việc Chúa Giêsu Kitô sinh ra một cách đồng trinh ma quỷ không biết được. Thánh Giêrônimô thuộc thế kỷ IV giải nghĩa: Tại sao Chúa Giêsu không chỉ sinh ra bởi một trinh nữ mà bởi một người đã đính hôn? – Một cách đặc biệt, nhờ lịch sử của thánh Giuse mà lịch sử của Maria cũng được xác định; và cũng để Mẹ không bị ném đá như một người ngoại tình bởi người Do Thái” (Thánh Inhaxiô Antiokia).[2]

Như thế, ơn gọi và đời sống của Thánh Giuse hoàn toàn phù hợp với chương trình của Chúa. Ơn gọi và đời sống của chúng ta, chúng ta đã “định vị” như thế nào trong chương trình của Chúa? Không xác định hoặc chưa xác định được, thật khó để chúng ta hoạt động đúng ý Chúa.

Hãy chuẩn bị để Chúa Giáng Sinh hình thành trong hồn ta. Với Ngài, ta sẽ là nhân chứng của mầu nhiệm Giáng sinh.

b)Yêu thương, gắn bó, kính phục

Mọi chuẩn bị đã sẵn sàng, chu đáo hết sức có thể. Việc phải đến đã đến. Mẹ Maria sinh hạ Chúa Giêsu.

“Giuse âu yếm ẵm bồng con Thiên Chúa, biểu hiện dưới hình dạng Hài Nhi với xiết bao cung kính, vì biết rõ Ngài là Thiên Chúa. Về hồng ân ấy, ông cảm tạ Thiên Chúa khôn cùng… Lúc nào ông cũng nửa mừng nửa sợ. Có lúc ông đã kêu lên: ‘Ai ngờ tôi được vinh dự lớn này là Con Đấng Tối Cao đã hóa thành con tôi!’” (Thánh Ephrem).[3]

Hài Nhi thật dễ thương. Thánh Giuse cũng rất mãn nguyện trong lòng như thầm thì với những tâm tình yêu thương, gắn bó, kính phục.

Vì yêu thương mà Thánh Giuse cũng đã làm tất cả vì Maria và bây giờ lại thêm Chúa Hài Nhi. Gắn bó, vì dù không phải con ruột theo máu huyết, nhưng cũng là đối tượng mà Giuse đã phải chấp nhận mọi khó khăn thử thách từ khi “nhận Maria về”. Kính phục bởi vì: Hài Nhi bé bỏng này lại là Con Thiên Chúa.

Đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta cũng cần có ba tâm tình đó của Thánh Cả. Nhìn kỹ lại: Đời sống và cách sống của ta, kể cả những người tận hiến, nhiều khi đã trở thành đơn điệu, thói quen (routine). Hãy cố đem tâm tình dạt dào kèm theo những công việc “gọi là” đạo đức thiêng liêng; kẻo không có được sự tiến bộ đâu.

c)Tất cả vì tình yêu Giêsu

  • Trong biến cố Giáng sinh, không ai bằng Đức Maria khi chấp nhận lời “xin vâng” (Lc 1,38); kể từ lúc đó, tâm hồn và thân xác Mẹ “gắn chặt” lấy Hài Nhi đang lớn dần và sẽ ra đời. Ôi, Mẹ diễm phúc! Tình yêu của Mẹ dành hết cho Hài Nhi, hay nói cách khác: Hài Nhi là hạnh phúc của Mẹ.
  • Thánh Giuse cũng không kém. Ngài cũng đã làm tất cả những gì “phải làm” từ khi nhận Maria về (x.Mt 1,24). Thánh Giuse đón nhận Hài Nhi và Mẹ Người trong hạnh phúc. Tâm tình này đã được Đấng đáng kính Gioan Gerson tán tụng: “Nếu bà Isave được Mẹ Maria chào hỏi có một lần mà được ơn nói tiên tri, và Gioan con bà nhảy mừng trong dạ, thì Thánh Cả Giuse thường xuyên chung sống và chuyện vãn với Đức Mẹ, biết ông được an ủi, soi sáng đến chừng nào? Ai sẽ cho tôi nghe giọng du dương của Trinh Nữ hát thánh ca nơi lưu địa? Ai sẽ cho tôi ngắm bà bồng trên tay Đấng đẹp nhất loài người, hôn kính khi con cười, thảm não khi con khóc, rồi trao cho Giuse bồng bế vuốt ve?”.[4] Tất cả chỉ vì yêu Hài Nhi.
  • Cũng có thể học bài học từ đám mục đồng, chiên bò. Truyền thống làm máng cỏ – hang đá từ Thế kỷ XIII không thể thiếu đám mục đồng và mấy chú chiên bò. Chiên bò có biết gì đâu. Chúng đi vào hang theo lệnh của mục đồng. Mục đồng có tính toán gì đâu. Chúng tò mò theo dấu sao và bản đồng ca trên trời của các thiên thần. Mục đồng và chiên bò đến để cho hoạt cảnh Giáng sinh thêm sinh động. Dường như có một thúc đẩy âm thầm nào đó từ bên trong: đó là tình yêu muốn chúc mừng, an ủi Hài Nhi cô đơn.

Đức Maria, Thánh Giuse, đoàn mục đồng và đám chiên bò hiện diện khi Chúa sinh ra. Những con vật, những nhân vật âm thầm khiêm tốn được chứng kiến Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Hài Nhi là Con Thiên Chúa được ca đoàn thiên thần vang ca chúc tụng.

Con bò, con chiên chỉ đi theo lệnh vì là loài vật. Chúng ta là những con người, có người lại là người tận hiến cho Chúa. Chẳng lẽ tâm tình và cuộc sống của ta không diễn tả được tình yêu đáng phải có với Hài Nhi Giêsu? Chẳng lẽ chúng ta lại thua cả đám chiên lừa?

  1. Suy nghĩ và cầu nguyện
  • Mùa Vọng: trải qua bốn tuần lễ, giờ đây sắp chứng kiến Thánh lễ Giáng sinh. Ta đã chuẩn bị thế nào và sẽ dự lễ Giáng sinh thế nào? Máng cỏ thiêng liêng được đan kết bằng những cỏ rơm “hy sinh, bác ái” ta đã chuẩn bị thế nào? Lễ, nhạc hoành tráng đấy. Nhưng coi chừng Chúa Hài Đồng vẫn thấy tẻ lạnh trước hồn chúng ta!
  • “Rồi cũng qua”. Dịp lễ trọng đại với Mùa Vọng, lễ Giáng Sinh rồi cũng qua. Có lẽ chúng ta phải lặp lại lời thánh Bênađô: “Chúa đến với mỗi người chúng ta” (ân sủng, giờ chết). Điều đó xem ra lại cần thiết và phải ứng dụng mỗi ngày. Chúa đã xuống thế, Chúa vào hồn ta, ta lại phải: “làm cho Chúa sinh ra với những người sống xung quanh ta”.

[1] Lược dịch KEPHAS, sđd.

[2] Lm Giuse Trần Đình Thụy, Để Hiểu và Yêu Mến Thánh Cả Giuse Hơn, ĐCV Thánh Quý, trang 8.

[3] Lm Giuse Trần Đình Thụy, Sđd, trang 11-12.

[4] Lm Giuse Trần Đình Thụy, Sđd, trang 24-25.