Chúng ta chưa thấy tội lỗi khi sự bất cẩn chưa dẫn đến cái chết?
Nỗi đau cùng cực của gia đình em bé bị bỏ quên trên xe, nỗi thống khổ vì ân hận của những người có trách nhiệm, sự hoang mang và đau đớn của xã hội… tất cả chỉ vì một sự bất cẩn. Nhưng chúng ta vẫn đang bất cẩn hàng ngày, chỉ là chưa nhận thấy sự khủng khiếp của nó khi chưa có ai đó… phải chết.
Cái chết…
của một em nhỏ…
nên trở thành khởi đầu mới cho một sự trưởng thành…
của mỗi chúng ta!
Người Việt luôn tự hào về phẩm chất dũng cảm của mình. Nhưng đôi khi cái không màng sống chết ấy lại trở thành sự bất cẩn dẫn đến hậu quả tồi tệ không cần thiết. Hay khi nó được lặp lại nhiều lần đến vô thức, sự lạnh lùng vô cảm sẽ hình thành.
Có những người trong chúng ta vẫn đang trèo qua dải phân cách, băng sang đường ở chỗ không có vạch kẻ trắng, bất chấp dòng xe cộ đang ào đến.
Có cảnh sát giao thông sẵn sàng nhảy ra chặn xe vi phạm đang tẩu thoát với tốc độ cao.
Có nhiều ngôi nhà để chậu cây cảnh trên ban công mà không có đai nịt giữ.
Có trường hợp bác sĩ mổ nhầm vì không thực hiện đúng các quy trình kiểm tra trước khi phẫu thuật.
Có những chiếc xe buýt phóng nhanh, ép làn, lạng lách để đi cho kịp lịch trình định sẵn.
Có nhiều vụ tai nạn thương tâm chỉ vì chút vui thú bên bàn nhậu.
Có cả những mớ rau được rửa vội dưới cái cống cạnh đường trước khi đem ra chợ bán.
…
Có người mạnh miệng nói rằng những kẻ không coi trọng mạng sống của người khác là bất nhân, bất nghĩa. Nhưng rất có thể người trong cuộc lại thật lòng không muốn bản thân trở thành kẻ bất nhân, bất nghĩa. Đôi khi nó chỉ là sự bất cẩn, tùy tiện và không thường trực khái niệm “trách nhiệm” trong mọi vấn đề nhỏ nhất của cuộc sống, khiến hậu quả thảm khốc làm ngỡ ngàng chính người gây ra.
Nhưng người trưởng thành khác đám trẻ con tung tẩy vô tư ở việc biết suy xét và cẩn trọng, biết hình dung ra hậu quả và nhận thức được trách nhiệm trong mọi hành động của mình.
Chúng ta có thể lựa chọn ‘cẩn thận’ hay ‘tùy tiện’ để làm mọi điều. Kết quả đôi khi không mấy khác biệt, nhưng đôi khi lại như giữa Thiên đường và Địa ngục. Để tránh Địa ngục, chỉ có cách là phải luôn ý thức thực hành sự cẩn thận để hình thành thói quen, loại trừ nguy cơ.
Trong cuộc sống tấp nập vội vã, đôi khi là quá tải và rất nhiều áp lực, chúng ta có thể hợp lý hóa sự tùy tiện của mình và thỏa hiệp rằng “chỉ lần này thôi”.
“Nhưng thực tế là, không có cách nào đúng để làm điều sai cả!” – Becky Craven
Khi những cái sai chưa gây ra hậu quả khủng khiếp nào, ta rất khó nhận ra lỗi, và cứ như thế, ta thỏa hiệp… rồi lại thỏa hiệp… tùy tiện… rồi lại tùy tiện… cho đến khi cái chết của ai đó làm ta bừng tỉnh.
Để ngăn chặn nguy cơ đó, ngăn chặn cái sai, chỉ có thể hình thành thói quen cẩn thận trong từng việc nhỏ mình làm.
Tôi còn nhớ một phóng viên quốc tế đã mô tả cảnh con tàu Shikansen của Nhật Bản nhẹ nhàng lướt vào nhà ga, cùng lúc đó một nghi thức kỳ lạ bắt đầu. Trong một khoảng thời gian ngắn, người điều khiển con tàu thực hiện các thao tác cuối cùng, anh ấy độc thoại với bản thân, đọc to rõ ràng rành mạch về từng quy trình nhiệm vụ, về các thao tác làm việc của mình, và hành động mạnh mẽ theo từng bước trong quy trình đó.
Người Nhật gọi “nghi thức” kỳ lạ đó là Shisa kanko (hay còn gọi là kiểm tra và điểm danh). Theo một nghiên cứu vào năm 1994 của Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Đường sắt Nhật Bản đăng trên Nhật Bản Thời báo, khi được yêu cầu thực hiện một nhiệm vụ đơn giản thì tỷ lệ công nhân mắc lỗi là 2,38%. Tuy nhiên sau khi áp dụng Shisa kanko thì con số này giảm xuống còn 0,38%.
Đặt ra những quy trình và thực hiện nghiêm khắc theo các bước là cách làm truyền thống nhất để hình thành thói quen cẩn trọng.
Người Nhật có Shisa kanko cũng bởi chất Thiền thấm đẫm trong văn hóa truyền thống của họ. Thiền thấm sâu trong mọi hành động, sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, nấu ăn, dọn dẹp. Eriko Gugoagaki ở đền Shinshoji tỉnh Hiroshima chia sẻ rằng: “Tất cả những hành vi và thói quen trong cuộc sống hằng ngày là một sự rèn luyện về Thiền”.
Nói Thiền nghe cao siêu, nhưng có lẽ đó đơn giản chỉ là cách loại bỏ tạp niệm, ham muốn bột phát, dục vọng truy cầu sự thuận tiện cho bản thân trong mọi việc mình làm. Loại bỏ sự nhảy nhót của tâm trí, lơ đãng và hời hợt thông qua các quy trình và thực hành kỷ luật thì cái sai sẽ khó xuất hiện.
Nhưng tất cả phải bắt đầu từ nhận thức.
Đã đến lúc chúng ta phải nhận ra vai trò quan trọng của sự cẩn trọng. Thiếu nó, những phẩm đức tinh hoa của người Việt như hiếu học, sáng dạ, khéo léo chân tay đều trở thành yếu nhược mà không phát huy được hết tiềm năng.
Sự tùy tiện, hời hợt khiến chúng ta không thể làm gì cho đến nơi đến chốn, việc gì cũng sẽ dễ bị rơi vào hình thức bề mặt. Rồi từ việc chỉ chú trọng hình thức, sẽ dễ hình thành việc sợ mang tiếng, chứ không sợ cái xấu, cái sai.
Chữ “tùy tiện” (隨便) có hai tiếng gốc Hán đều là thể hiện sự thuận lợi, thuận theo. Trong đó chữ “tiện” lại có một nghĩa nữa là chất thải của con người. Nếu làm gì cũng chỉ theo sở thích, sao cho thuận tiện, thì mọi việc ta làm có thể sẽ trở thành xú uế. Chú tâm vào những việc hiện tại, cũng chính là đặt tâm huyết, vượt qua những cám dỗ của sự thuận tiện, cốt cho xong, nhanh gọn, dễ dãi, thì chúng ta sẽ luôn có cách đúng để làm điều đúng. Khi đã làm điều đúng thì sẽ không phải ân hận suốt đời.
Thuần Dương