Có Bao Nhiêu Quân Dữ Làm Thánh?

Có Bao Nhiêu Quân Dữ Làm Thánh?

Lm. Phan Tấn Thành, O.P.

Bài Phúc Âm của ngày lễ kính Thánh tâm Chúa Giêsu thuật lại cảnh một tên lính lấy đòng đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu sau khi người đã tắt thở. Nghe đâu là về sau, tên lính đã ăn năn trở lại và đã làm thánh, có đúng như vậy không?

Phúc Âm Thánh Gioan nói tới một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Chúa Giêsu, ở chương 19 câu 34. Thánh sử không cho chúng ta biết gì hơn về tông tích của người lính đó: chúng ta không biết anh ta tên gì, và rồi số phận của anh ra sao. Tuy nhiên, truyền thống đã thêu dệt thêm nhiều huyền thoại, đặt tên cho anh ta cũng như đã phong thánh cho anh ta. Thực ra, lý do của những huyền thoại đó không có chi là khó hiểu. Trước khi tắt thở, Chúa Giêsu đã chẳng xin Chúa Cha tha thứ cho những người đã hành hình mình đó sao? Các Kitô hữu tiên khởi ra như muốn chứng minh rằng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã phát sinh hiệu quả cụ thể, qua việc cho quân dữ trở lại và làm thánh. Trước khi đi lục lọi tài liệu về những tên quân dữ được truyền thống phong thánh, chúng ta hãy dừng lại ở một tên đã được chính Chúa Giêsu phong thánh, đó là tên trộm lành. Chắc là bạn còn nhớ, trong số hai tên gian phi cùng chịu treo trên thập giá với Chúa Giêsu, một anh đã được Chúa hứa sẽ được vào Thiên đàng với Người ngay vào ngày hôm ấy. Đó là điều mà chúng ta đọc thấy ở Phúc Âm theo Thánh Luca, chương 23, câu 43. Vài ngụy thư đã thêm thắt vào Thánh Luca, và đặt tên cho anh ta là Đimas (hay là Đismas), với đầu đuôi câu chuyện như thế này. Hồi Thánh Gia sang lánh nạn qua Ai cập, họ bị rơi vào tay một toán cướp. Nhưng anh Dimas này đã đứng ra can thiệp, để giải thoát cho Thánh Gia. Đâu có ai ngờ rằng, 33 năm sau, hai bên tái ngộ trên núi Golgota. Vài Giáo hội địa phương còn kính thánh Đimas ngày 25/3, và được đặt làm bổn mạng các tử tội.

Thế còn người lính đâm vào cạnh sườn Chúa tên là gì?

Truyền thuyết đặt tên cho anh ta là Longinô. Nhưng mà có học giả đã giải thích rằng đó không phải là tên riêng, mà chỉ là phiên âm của danh từ Hy-lạp Longke, có nghĩa là cây giáo. Có người khác thì cho rằng Longinô bởi tiếng La-tinh longa lancea, có nghĩa cái giáo cán dài (longus, dịch thành “long” tiếng Anh và tiếng Pháp, có nghĩa là dài). Theo truyền thuyết đó, khi lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Chúa thì máu vọt ra, trúng vào mắt anh ta, khiến cho anh ta bị mù. May cho anh ta, bởi vì cái mù con mắt thể xác đã mở ra con mắt tinh thần. Anh ta đã ăn năn hối hận, được các thánh tông đồ rửa tội, và sau đó đi giảng đạo ở Cesarea bên Cappađocia, nay thuộc lãnh thổ của nước Thổ nhĩ kỳ. Tại đây, anh ta bị tổng trấn Octavô bắt. Anh ta đã tuyên xưng đức tin, và được phúc lấy máu đào để làm chứng cho Đức Kitô. Lịch của vài Giáo hội địa phương kính thánh Longinô vào ngày 15/3. Tuy nhiên, không thiếu người đã đưa ra những giả thuyết về nguồn gốc lịch sử của thánh Longinô. Chẳng hạn như có lẽ đã có một thánh Longinô thực sự, đã được tử đạo ở Cappađôcia. Nhưng vì tên của người có nghĩa là cái giáo, cho nên người ta mới liên tưởng anh lính đã dùng giáo đâm vào sườn Chúa. Ngoài ra, có người thì lại cho rằng Longinô lại là anh đội trưởng đã chỉ huy tốp lính dẫn Chúa Giêsu ra pháp trường.

Anh đội trưởng đó có làm công đức gì mà được phong thánh?

Anh ta chẳng có công cũng chẳng có tội gì. Anh ta chỉ là một quân nhân, lệnh từ trên xỉa xuống thì phải thi hành. Tuy vậy, Phúc Âm cũng cho chúng ta biết rằng ngoài người trộm lành đã nhìn nhận Đức Giêsu vô tội và đã tuyên xưng Người là Đấng Mêssia, thì người đầu tiên tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa là viên đội trưởng (Mc 15,39; Mt 27,54). Như vừa nói, có truyền thuyết đã đồng hóa viên đội trưởng với ông Longinô, kẻ đã đâm vào cạnh sườn Chúa. Nhưng có truyền thuyết khác thì đặt tên cho viên đội trưởng là ông Cornêliô, được sách Tông Đồ Công Vụ nói ở chương 10. Ông ta được Thánh Phêrô rửa tội, đánh dấu một bước tiến mới trong việc truyền giảng Tin Mừng. Trước đó, Thánh Phêrô ra như chỉ giảng đạo cho những người Do Thái, chứ không quan tâm tới người ngoại. Do một thị kiến trên trời, Thánh Phêrô đã tới gặp ông đội trưởng Cornêliô, đã rửa tội cho ông và cho toàn gia đình. Thánh Luca đã dừng lại ở đó; nhưng truyền thuyết muốn đi xa hơn nữa. Sau khi trở lại đạo, ông Cornêliô được đặt làm Giám mục, lo việc truyền giáo cho dân ngoại. Đó là công lao của ông đội Cornêliô, và vì vậy được tôn kính như vị thánh vào lễ hằng năm 2/2.

Ngoài anh lính đã đâm cạnh sườn Chúa và viên đội chỉ huy toán lính hành hình Chúa Giêsu, có còn quân dữ nào được làm thánh nữa không?

Theo như tôi biết, thì không còn ai nữa, tuy dù không thiếu những tiểu thuyết hay truyện phim đã được viết ra chung quanh các nhân vật mà chúng ta gặp vào hồi Chúa Giêsu chịu tử nạn, chẳng hạn như anh chàng Barabba đã được tổng trấn Philatô tha chết. Sau đó anh ta làm gì? Đó là đầu đề cho các tiểu thuyết gia. Và chính tổng trấn Philatô nữa: ông ta được thuyên chuyển đi đâu? Dù sao, không thấy ai đã phong thánh cho hai ông. Nhưng mà có hai ông thánh có lẽ quen thuộc với chúng ta hơn, đó là hai ông Giuse Aritmatea và ông Nicôđêmô, mà vài nơi tại Việt Nam đã gọi là thánh khi họ đi ngắm đàng thánh giá ở chặng thứ 13. Theo Thánh Luca (23,51),

Ông Giuse Aritmatea là một thành viên của Hội đồng kỳ mục; nhưng ông ta đã không tán đồng công việc của Hội đồng này. Thậm chí Thánh Matthêu (27,57) thêm rằng ông ta đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng mà Thánh Gioan cho biết ông không chỉ là môn đệ chui (19,38). Tất cả 4 thánh sử đều xác nhận rằng ông ta đã can đảm đến xin Tổng trấn Philatô được phép mai táng Chúa Giêsu, chứ không để quẳng vào hố chung dành cho các tử tội. Ông ta đã được hạ xác Chúa Giêsu xuống, và chôn cất trong mộ mà ông đã xây cất cho mình. Phúc Âm chỉ nói có thế. Và từ đây về sau là truyền thuyết. Trước tiên là tấm khăn liệm Chúa Giêsu đã trở thành một đề tài mà các nhà khảo cổ còn đang tranh luận, xem có phải là tấm khăn liệm đang giữ ở thành phố Torinô bên Italia hay không. Một truyền thuyết nữa là trước khi mai táng, ông Giuse đã cho rửa xác Chúa cho khỏi các vết thương máu me. Nước rửa xác được cất giữ cẩn thận và truyền lại cho con cháu. Bình nước đó còn được nói tới vào thời Trung Cổ, rồi sau đó biến đi đâu? Ai đang giữ? Ngoài câu chuyện có vẻ hoang đường ấy, truyền thuyết cho rằng ông Giuse bị người Do Thái trả thù, tống giam vào ngục. Nhưng vào ngày sống lại, Chúa Giêsu đã đến giải thoát ông. Ông ta đi giảng đạo bên Pháp cùng với ông Ladarô và hai chị em bà Marta và Maria. Ở đền Thánh Phêrô tại Rôma, nơi còn giữ một cánh tay của Thánh Giuse Aritmatea, lễ kính vào ngày 17 tháng 3. Bên Hy-lạp, lễ kính vào 31/7.

Thế còn Thánh Nicôđêmô thì sao?

Phúc Âm Thánh Gioan đã nói ông Nicôđêmô ở chương 3, khi mà đang đêm ông mò tới nhà Chúa Giêsu để trò chuyện. Không hiểu dụng ý ban đầu là để đấu lý hay là để do thám, nhưng xem ra cuộc nói chuyện đó không phải là vô ích, bởi vì ông Nicôđêmô đã có thiện cảm với Chúa. Sang đến chương 7, câu 45-52, Thánh Gioan cho biết rằng khi Hội đồng kỳ mục đòi thanh toán Chúa, thì ông Nicôđêmô đã lên tiếng phản đối, bởi vì thấy chuyện đó trái với pháp luật. Sau cùng theo Thánh Gioan, chương 19 (câu 39-42), ông Nicôđêmô đã cùng với ông Giuse Aritmatê đến xin tổng trấn Philatô được mai táng Chúa. Thế là hết phần của Phúc Âm! Bây giờ truyền thuyết tiếp nối thêm. Ông ta đã được Thánh Phêrô và Thánh Gioan rửa tội; sau đó ông ta bị trục xuất khỏi Hội đồng kỳ mục, và bị giết cùng lúc với Thánh Stêphanô. Tử đạo thư kính Thánh Nicôđêmô vào ngày 3/8.

Như vậy, thì sau khi chết trên thập giá, thay vì báo oán trả thù, Chúa Giêsu đã ban cho nhiều địch thủ được trở lại và nên thánh. Nhưng mà toàn là đàn ông không à! Còn các bà thì sao?

Lẽ ra bạn phải mừng thì mới phải, bởi vì chỉ có đàn ông mới nhúng tay vào việc giết Chúa, còn các bà hoàn toàn vô can. Thậm chí bà vợ của tổng trấn Philatô đã can thiệp để xin chồng hãy tha cho Chúa. Và đang khi mà các ông môn đệ kẻ thì chối Chúa người thì bỏ chạy, các bà vẫn im lặng theo Chúa tới thập giá, chẳng hạn như bà Maria Mađalêna, bà Maria Salômê, bà Maria Clêôpha. Ba bà cũng phụ vào việc tẩm liệm Chúa.

Còn bà nào đã lau mặt Chúa trên đường thập giá?

Phúc Âm không có nói tới chuyện bà nào đã lau mặt Chúa trên đường lên núi Calvariô. Vì thế lại càng không có nói tới tên của bà. Những truyền thuyết về tấm khăn in khuôn mặt của Chúa ra đời vào thế kỷ V. Trong số các truyền thuyết đó, có cả chuyện vua Tibêriô (hoàng đế Rôma), sau khi nghe thuật lại cái chết bi đát của Đức Giêsu, đã sai sứ giả Voluxianô qua Palestina điều tra. Sứ giả bắt ông Philatô, và khi biết rằng có một bà còn giữ được chân dung của Đức Giêsu, đã cho lính tới khám nhà của bà, và tịch thu tấm khăn đem về Rôma. Cho tới thế kỷ XV, người ta còn nói tới bức chân dung đó được lưu giữ ở đền Thánh Phêrô. Nhưng vào năm 1527, khi thành phố bị cướp phá, bức chân dung đó đã biến đi luôn. Dĩ nhiên, nếu đã có một truyền thuyết về bức chân dung của Chúa Giêsu thì cũng phải có truyền thuyết về nguồn gốc của nó chứ. Người ta cắt nghĩa là Chúa đã in khuôn mặt của mình vào lúc một phụ nữ đã lau mặt trên đường thập giá. Bà ấy tên là gì? Chắc bạn đã biết rồi: bà Verônica. Vào thời Trung Cổ, người ta đã đồng hóa bà ta với người phụ nữ được Chúa chữa cho khỏi bệnh xuất huyết (Marcô 5,25-34) và vợ của ông Dakêu (nói ở Luca 19,5). Nhưng mà có sử gia cho rằng Verônica chẳng phải là tên riêng của ai hết. Verônica ráp từ hai tiếng “vera icona”, để chỉ tấm khăn in hình dung trung thực (icon thực, đối lại với icôn giả) của Đức Giêsu. Dù sao cũng nên biết là vài nơi kính bà Verônica vào ngày 4/2.

 

print