Cùng Tân Phúc Âm Hóa Với Đức Giáo Hoàng Phanxicô

print

CÙNG TÂN PHÚC ÂM HÓA

VỚI ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

Dẫn nhập:

          Tôi mới có dịp nói chuyện qua điện thoại với Đức Cha Chủ Tịch Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, ngài nói: “Không hiểu sao mà đến bây giờ nhiều người vẫn còn lẫn lộn Phúc Âm Hóa với loan báo Phúc Âm. Nhìn mặt chữ thì đã thấy khác nhau rồi”. Thưa Đức Cha đúng như vậy: phúc âm hóa là biến đổi, biến hóa cho đúng với Phúc Âm; còn loan báo Phúc Âm là rao giảng truyền bá Phúc âm cho người khác. Biến đổi hoặc biến hóa thì khác với rao giảng và truyền bá, đơn giản là thế. Riêng tôi cũng không thể không lấy làm lạ. Và tôi đi tìm hiểu. tôi tìm ra được “Những điều trông thấy mà…” sau đây:

  1. Điều trông thấy thứ nhấttrong nhiều bản dịch Tiếng Việt.

Vào thập niên 2000 tôi đi dự lễ giỗ tổ Xuân Bích ở Tòa Giám Mục Đà Lạt đến thăm cha Thư Ký Văn Phòng là bạn cùng học triết, tôi thấy cha có cuốn in Roneo Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, tôi rất muốn có và ngài tặng tôi. Tôi thấy có nhiều danh từ mới cần hiểu nên tìm trong google. May thay, google có bản tiếng Pháp, tôi in ra để đối chiếu và cũng thấy trong google nhiều bản dịch tiếng Việt. Không thể đối chiếu cả bản dịch, ở đây tôi chỉ chọn ba chữ trong bản tiếng pháp là: évangile, évangélisation, évangélisateur, để đối chiếu với 4 bản dịch của 4 trung tâm có thế giá cao về học vấn, xem họ đã dịch ba chữ đó thế nào:

  1. a)Bản dịch của Đại chủng viện Xuân Bích (2011)

Évangile = Tin Mừng

Évangélisation = Việc rao giảng Tin Mừng, Phúc Âm Hóa

Évangélisateur = Người rao giảng Tin Mừng.

  1. b)Bản dịch của Xuân Lộc

Évangile = Tin Mừng

Évangélisation = Việc truyền bá Phúc Âm

Évangélisateur = Người truyền bá Phúc âm hóa.

  1. c)Bản dịch của học viện Đa Minh Tam Hiệp (2012)

Évangile = Tin Mừng

Évangélisation = Việc Tin Mừng hóa

Évangélisateur = Người được phái đi Tin Mừng hóa

  1. d)Bản dịch của Đà Lạt

Évangile = Tin Mừng

Évangélisation = Phúc Âm hóa, việc phúc âm hóa

Évangélisateur = Sứ giả Tin Mừng, và còn có các bản khác dịch là: các người làm công việc Phúc âm hóa, các người hoạt động phúc âm hóa, các người tin mừng hóa, các người được phái đi tin mừng hóa, những nhà truyền giáo…( xem google).

          Điều trông thấy thứ nhất cho biết chỉ 3 tiếng pháp cùng một gốc được dịch ra 10 tiếng Việt khác nhau, chưa phân biệt Phúc âm hóa, với rao giảng, truyền giáo…

  1. Điều trông thấy thứ hai, trong nhiều bản tin Hiệp thông của Hội đồng Giám Mục Việt Nam.
  2. a)Bản tin số 73, năm 2012, đăng bài của Đ.Ô Giuse Đinh Đức Đạo, về truyền giáo và Tân phúc âm hóa, cuối trang 42 có viết “Đức Thánh cha Phaolo thường dùng từ “Evangeligatio”, có thể dịch là phúc âm hóa hay loan báo Tin Mừng”.

Cũng bản tin số 73, đăng bài của Linh mục Phan Tấn Thành, về loan báo Tin Mừng, trang 58 có viết: “Ta nhận thấy rằng Evangeligatio có thể hiểu vừa rất chặc vừa rất rộng: Rất chặt là công bố Tin Mừng cho người ngoài Kitô giáo; rất rộng là đem men Tin Mừng vào trong hết mọi lãnh vực của cuộc sống, nghĩa là biến đổi mọi thực thể nhân loại cho phù hợp với Tin Mừng, từ lối suy tư cá nhân cho đến các lối sinh hoạt của các dân tộc. (hiểu theo nghĩa này thì có thể dịch là “Phúc âm hóa”).

          Như vậy điều trông thấy thứ hai là cũng trong một số 73, Bản tin của Hội Đồng Giám Mục cho biết:

          Evangeligatio trang 42 có thể dịch là Phúc âm hóa hay loan báo Tin Mừng, chưa phân biệt Phúc âm hóa với rao giảng và Evangeligatio trang 58 có thể hiểu rất chặt là công bố Tin Mừng cho người ngoài Kitô giáo; rất rộng là đem Tin Mừng vào trong hết mọi lãnh vực của cuộc sống, nghĩa là biến đổi mọi thực thể nhân loại cho phù hợp với Tin Mừng, đó là “Phúc âm hóa”.

          Bài này đã có phân biệt Phúc âm hóa với công bố Tin Mừng theo tông huấn Loan báo Tin Mừng.

  1. b)Bản tin số 92 năm 2016, đăng bài “Học hỏi và thi hành niềm vui Tin Mừng” của Linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên, trang 8 có viết: “Trong tông huấn này, Đức Thánh cha trình bày một giai đoạn mới của Hội thánh trong sứ mạng hàng đầu của mình làLoan báo Tin Mừng(hay Phúc âm hóa) trong thế giới hôm nay”. Trang 9 có viết: “Trong Tông huấn (Loan báo Tin Mừng) muốn khai triển đề tài Loan báo Tin Mừng (hay Phúc âm hóa) trong thế giới hôm nay”. Cũng trong trang 9 sau 5 dòng thì viết: “Loan báo Tin Mừng” hay “Phúc âm hóa” chỉ về mọi khía cạnh hoạt động của Hội Thánh. Đến trang 13 có viết: chính Đức Phanxicô đã cắt nghĩa mối tương quan mật thiết giữa niềm vui đón nhận tình thương của Chúa và niếm vui Loan báo Tin Mừng tức là hoạt động truyền giáo của Hội Thánh. Như vậy bài này chưa có phân biệt Phúc âm hóa với loan báo Tin Mừng, truyền giáo.

Cũng trong bản tin số 92, đăng bài “Tân phúc âm hóa hay tân phúc âm hóa”? của Linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ, có nhắc lại mấy ý chính:

“Evangelium” được dịch là Phúc Âm hay Tin Mừng, nhưng theo chúng tôi, thuật từ Phúc Âm có nội dung phong phú và sâu sắc hơn, bao hàm mọi điều thiện hảo mà con người mơ ước theo triết lý Đông Phương, như vậy có tính hội nhập văn hóa cao hơn” (trang 226).

Evangelisation là “đem Phúc Âm đến cho tất cả mọi tầng lớp nhân loại, để rồi, nhờ tác động của Phúc Âm, biến đổi nhân loại từ bên trong và làm cho nhân loại nên mới” (Tông huấn loan báo Tin Mừng 18) (trang 226) Evangelisatio thường được dịch là (việc, cuộc, công cuộc) Phúc âm hóa, truyền bá Phúc Âm, truyền giảng Phúc Âm, loan báo Tin Mừng, rao giảng Tin Mừng, việc truyền giáo… Tuy nhiên theo chúng tôi, các từ truyền bá, truyền giảng, rao giảng, loan báo, loan truyền… không có ý nghĩa tổng quát như chữ “hóa” trong từ Phúc âm hóa… Do đó, so với các cụm từ truyền bá Phúc Âm, truyền giảng Phúc Âm hay loan báo Tin Mừng, rao giảng Tin Mừng… Thì thuật từ Phúc âm hóa vừa ngắn gọn lại có nội dung bao quát, phong phú và diễn tả ý niệm Evangelisatio thích hợp hơn”. (trang 227)

Bài của cha Trụ này đã phân tích ý nghĩa nội dung các từ và đã phân biệt rõ ràng hơn Phúc âm hóa với các từ loan báo rao giảng…

Điều trông thấy thứ hai là Bản Tin số 73 và số 93 đăng 4 bài, hai bài thì không phân biệt Phúc âm hóa với rao giảng Tin Mừng, hai bài kia thì có suy nghỉ và phân tích ý nghĩa evangelium và e vangelisatio để chọn dịch là Phúc Âm và Phúc âm hóa, cũng phân biệt Phúc âm hóa với các cách dịc khác là Tin Mừng, rao giảng, loan báo, truyền giáo…

Vậy bài nào đúng với Tông Huấn về Phúc âm hóa của đức giáo hoàng Phaolo VI? Tôi có email cho Hiệp Thông và được hồi âm: “Mong cha thông cảm”.

  1. Điều trông thấy thứ ba:

Bức xúc về những điều trông thấy thứ nhất là một bản gốc Tông huấn mà ở Việt Nam được dịch ra quá nhiều bản dịch khác nhau, lẫn lộn với bản gốc chính. Bức xúc về những điều trông thấy thứ hai là chính Bản tin Hiệp Thông của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, với ban biên tập đàng hoàng đã đăng những bài vừa lẫn lộn với bản gốc, lại vừa cố gắng đúng với bản gốc, không biết có phải để độc giả tùy chọn? Vì thế, độc giả quen như tôi phải tìm về bản gốc bằng tiếng Pháp (google) và tôi thấy như sau:

  1. a)Đầu đề của Tông Huấn.Các nghị phụ đã chọn đầu đề của Tông Huấn là: “Evangelii Nuntiandi, Tông Huấn Loan Báo Phúc Âm của Đức Thánh Cha Phaolô VI gửi hàng Giám Mục giáo sư và tín hữu trong toàn thể giáo hội về Phúc Âm Hóa trong thế giới hôm nay, Rôma 8 – 12 – 1975”. Nguyên đầu đề đã rõ ràng phân biệt loan báo Phúc âm (evangelii nuntiandi) với Phúc Âm Hóa (evangelisation).
  2. b)Toàn bộ Tông Huấn, từ lời mở đầu, qua 7 chương và kết luận đều tập trung vào Phúc Âm Hóa, các nghị phụ mở đầu rằng . Phúc Âm Hóa là “nỗi ray rứt hàng ngày… là mối bận tâm lo cho tất cả giáo hội” (2 Cr 11, 28). (Tông Huấn số 5). Rồi quản diễn trong các chương như sau:

–            Chương I. Cho biết nền tảng và nguồn gốc của Phúc Âm hóa là chính Đức Giêsu, Người chính là Phúc Âm của Thiên Chúa, Người vừa là người Phúc Âm Hóa đầu tiên và vĩ đại nhất được Chúa Cha sai đi (liên hợp với Chúa Thánh Thần) để Phúc Âm Hóa Giáo Hội. Rồi Giáo Hội sau khi được Chúa Giêsu Phúc Âm Hóa, lại được người sai đi Phúc Âm Hóa muôn dân (số 7 và số 13).

–            Chương II đưa ra một định nghĩa chính xác về Phúc Âm Hóa: Phúc Âm Hóa là mang chính Phúc Âm đấn môi trường nhân loại, và nhờ năng động của Phúc Âm làm biến đổi từ bên trong, đổi mới chính nhân loại, Phúc Âm Hóa là một thực tại phong phú, phức tạp, bao quát nhiều yếu tố, không dễ gì tổng hợp đầy đủ được. Nó có mục đích chính yếu à thay đổi từ bên trong, nghĩa là hoán cải cùng lúc lương tâm cá nhân và tập thể của con người, rồi mọi sinh hoạt trong đó con người đang dấn thân, và hoán cải đời sống à hoàn cảnh cụ thể của họ (môi trường, văn hóa) (số 18, số 20)

–            Chương III trình bày nội dung của việc Phúc Âm Hóa, đó là: – Làm chứng về tình yêu của Chúa Cha, được Chúa Giêsu mạc khải trong Chúa Thánh Thần – công bố ơn cứu rỗi do Chúa Giêsu thực hiện cho mọi người để họ được giải phóng toàn diện. (số 26, 27)

–            Chương IV. Nhắc đến một số đường lối Phúc Âm Hóa: trước hết là làm chứng bằng đời sống: “người thời nay sẵn sàng nghe những chân lý hơn là những thầy dạy, hoặc họ có nghe các thầy dạy là bởi vì chính các thầy dạy cũng là chứng nhân” – sau đó là rao giảng, loan báo, bài giảng, huấn giáo, gặp gỡ, ban các bí tích (số 41, 42, 43, 44, 46, 47)

–            Chương V những người nhận được việc Phúc Âm Hóa, đó là tất cả mọi người (số 49), những người chưa biết Phúc Âm (số 52) những người theo các tôn giáo ngoài Kitô giáo (số 53), những người không còn hiệp thông với giáo hội (số 54), những người không tin (số 55).

–            Chương VI những người thợ Phúc Âm Hóa, đó là toàn thể giáo hội được Chúa Giêsu Phúc Âm Hóa, rồi Người sai đi và trao cho sứ mệnh Phúc Âm Hóa. Như thế toàn thể giáo hội được sai đi và công việc Phúc Âm Hóa là nghĩa vụ căn bản của giáo hội (số 59). Tuy nhiên Tông Huấn nhắc nhớ rằng giáo hội được sai đi, và ủy nhiệm cho ai được Phúc Âm Hóa thì họ phải xác tín 2 điều: Thứ nhất, không một người Phúc Âm Hóa nào được tự gán cho mình hoặc coi sứ mệnh đó là tùy hứng cá nhân của mình; Thứ hai, không một người Phúc Âm Hóa là chủ tuyệt đối của hoạt động Phúc Âm Hóa của mình với quyền tự ý cá nhân mình quyết định, nhưng phải hiệp thông với giáo hội và các chủ chăn của mình. Tông Huấn nói “Toàn thể giáo hội là người Phúc âm hóa” (số 60) và vẫn dùng “evangelisateur chứ không dùng ambassadeur, như các bản dịch đã dùng sứ giả phúc âm thì cũng đúng nhưng bất lợi vì không nêu bật được việc biến đổi và việc hoán cải theo Phúc âm.

–            Chương VII tinh thần của việc Phúc âm hóa. Tông huấn muốn nói lời sau cùng liên quan đến thái độ nội tâm đó là cần thổi hồn” cho những thợ Phúc âm hóa, những người làm việc Phúc âm hóa để họ trở thành những người Phúc âm hóa đích thự (số 74). Như trong chương I và chương VI đã nhấn mạnh: chỉ có Chúa Giêsu là “Người Phúc âm hóa đầu tiên và vĩ đại nhất”, Người đã được Chúa Thánh Thần dẫn đưa, sai đi, thúc đẩy việc Phúc âm hóa; và Chúa Thánh Thần giúp giáo hội được Phúc âm hóa cũng như khởi công và làm việc Phúc âm hóa muôn dân. Cho nên “lời nói sau cùng” của Tông huấn là “thổi hồn” cho những người Phúc âm hóa, nghĩa là cho họ biết: sẽ không bao giờ có thể Phúc âm hóa được nếu không có tác động của Chúa Thánh Thần nghĩa là “Chúa Thánh Thần’ chính là linh hồn của Giáo hội, hoạt động trong những người Phúc âm hóa (số 75). Vì thế người Phúc âm hóa phải được chuẩn bị nghiêm chỉnh, phải đã được Phúc âm hóa với Chúa Thánh Thần. Ngày thiên hạ luôn vặn hỏi chúng ta: các người có thực sự tin điều các người loan báo không? Các người có sống điều các người tin không? Các người có rao giảng điều các người sống không? Phải chăng vì chúng ta chưa tin, chưa sống thực sự điều chúng ta rao giảng, mà việc truyền giáo dậm chân tại chổ? (số 76).

–            Điều trông thấy thứ ba này chính là Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, bản gốc bằng tiếng Pháp đăng trong google, và bản dịch tiếng Việt của Đà Lạt khá đúng và sát nghĩa. Cả hai tài liệu này đã giúp tôi giải tỏa mọi bức xúc, vì tôi nhận ra dễ dàng và rõ ràng: “Phúc âm hóa là cụm từ mà Tông Huấn đã khám phá ra để chỉ một thực tại vừa “phong phú phức tạp và năng động” để biến đổi, để hoán cải từ bên trong cá nhân, xã hội, mọi người (số 18), vừa tổng hợp mọi yếu tố, mọi khía cạnh chính yếu của Phúc âm hóa như: Loan báo, rao giảng, huấn giáo, ban các bí tích (số 17). Phân biệt Phúc âm hóa với các yếu tố, phương tiện, khía cạnh của Phúc âm hóa là loan báo, rao giảng, truyền giáo, nhưng lại liên kết hữu cơ với tất cả các khía cạnh, yếu tố, phương tiện ấy thành một.

Để kết:

          Đức Thánh Cha Phaolo VI sau khi kết thúc Công Đồng Vatican II đã cùng các nghị phụ họp Thượng hội đồng Giám mục thế giới bàn về vấn đề Phúc âm hóa là một vấn đề chủ yếu và quan trọng liên quan đến sự cứu rỗi của mọi người (số 5). Suốt hơn 50 năm sau Công Đồng nhiều người đã hỏi: Công Đồng Vatican II đã biến đổi Giáo hội như thế nào? Năm 2012 sử gia Philippe chenanse đã trả lời rằng: “Công Đồng đã biến đổi bằng việc Tân Phúc âm hóa”. Quả là đúng như vậy, suốt 2000 năm qua Giáo hội đã quan tâm đến từng yếu tố, từng khía cạnh, từng đường lối mà Chúa Giêsu và các Tông Đồ đã quan niệm và thực hiện, như loan báo, rao giảng, huấn giáo, làm các phép lạ, làm các bí tích… Thì từ Đức Thánh Cha Phaolô VI, giáo hội đã gom gọn lại trong một thực tại phong phú, phức tạp và có sức năng động, đó là Phúc âm hóa. Rồi ngày nay, trước một sân khấu xã hội và văn hóa đang biến đổi nhanh chóng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói đến việc giáo hội cũng phải biến đổi việc Phúc âm hóa mới mẻ hơn cho phù hợp và kịp thời, đó là Tân Phúc âm hóa. Sau đó Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và đức giáo hoàng Phanxicô họp Thượng Hội Đồng giám mục thế giới để bàn về vấn đề Tân Phúc âm hóa, rồi đã chọn Tân Phúc âm hóa như “tầm nhìn”, như “khẩu hiệu” rõ ràng cho mục vụ bây giờ và tương lai trong giáo hội (tài liệu số 166). Và mới đây, tháng 3 – 2018 Đức Giáo hoàng Phanxicô công bố tông huấn “Hãy vui mừng và hớn hở”, như một kho tàng các kinh nghiệm của ngài để giúp Tân Phúc âm hóa.

          Tác giả Macco Poletti trong cuốn “Cuộc cách mạng của Đức Phanxicô” (2015) đã viết về Đức Phanxicô như sau: Không có cuộc cách mạng nào mà không có đau đớn, mỗi cuộc cách mạng đều gặp một đối kháng trong chính hàng ngũ của mình… Xét về mặt đối kháng, giáo hoàng Panxicô không  cô đơn, giáo hữu rất nhiệt thành với ngài… nhưng bộ máy đồ sộ của hàng giáo sĩ lúc này bỏ rơi ngài như một viên tướng tiến qúa xa sang phía bên kia chiến tuyến, trong khi đoàn quân vẫn án binh bất động phía sau lưng (sách kể trên trang 403). Kitô hữu chúng ta ngày nay hãy vui lên và hân hoan cùng với Đức Phanxicô can đảm, âm thầm, lội ngược dòng để theo ngài, sẵn sàng biến đổi, hoán cải bản thân mình theo tinh thần Phúc âm của Chúa Giêsu, bởi vì bản thân mình có được Phúc âm hóa thực sự, mới có thể Phúc âm hóa người khác và thế giới. (Đón xem bài Phúc âm hóa bản thân theo Tông Huấn “Hãy vui mừng và hớn hở” của Đức Phanxicô).

Linh Mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Cần Thơ

Lễ Thánh Antôn 13 – 6 – 2018.