HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG
CỔ VŨ HIỆP NHẤT KITÔ GIÁO (PCPCU)
Đại Kết trong thời Đại Dịch :
Từ khủng hoảng đến cơ hội
Tài liệu làm việc
Tổng hợp các câu Trả Lời của các Hội Đồng Giám Mục
và các Công Nghị của Công Giáo Đông Phương
gửi cho Khảo Sát 2021 của PCPCU
về COVID-19
Bản dịch tiếng Việt : Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên. 2022.
Nhập đề
- Phong trào đại kết thời hiện đại đã luôn luôn gắn liền với các phát triển về chính trị, xã hội và văn hoá…..
- Không nghi ngờ gì nữa, đại dịch COVID-19 với những hậu quả bi thảm toàn cầu của nó trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá và tôn giáo, và nói chung, với hiệu ứng của nó trên mọi hoạt động của con người, sẽ là một trong những phát triển lịch sử định hình cho con đường đại kết. Các Kitô hữu thuộc mọi truyền thống đang buộc phải có những biện pháp chưa từng có trước đây, ảnh hưởng sâu xa đến đời sống đức tin và các mối quan hệ của họ, như việc phải đóng cửa các nhà thờ và huỷ bỏ các cuộc cử hành phụng vụ có sự hiện diện trực tiếp, thậm chí cả đối với lễ Phục Sinh và các thánh lễ An Táng. Tuy nhiên, đại dịch cũng là một cơ hội để tái khám phá một số chiều kích thiết yếu của đức tin Kitô giáo, như vị trí trung tâm của Lời Chúa, chiều kích cộng đồng của đức tin và “Hội Thánh tại gia”. Cuộc khủng hoảng này đã làm dấy lên những câu hỏi đầy thách thức cho mọi Kitô hữu, chẳng hạn như: Nhận thức đúng của Kitô giáo về đại dịch là gì? Làm thế nào có thể cử hành phụng vụ và các bí tích mà đồng thời vẫn tuân giữ luật giãn cách xã hội? Làm thế nào để rao giảng và nghe Tin Mừng trong tình trạng phong toả? Làm thế nào Hội Thánh có thể tiếp tục cung cấp việc chăm sóc mục vụ cho những người cần đến nó? Làm thế nào có thể bảo vệ tự do tôn giáo giữa những biện pháp hạn chế của ngành y tế công cộng? Làm thế nào có thể duy trì tổ chức đại kết?
- Cuộc khủng hoảng này sẽ là một điểm ngoặt trong lịch sử nhân loại không chỉ vì những hiệu ứng của đại dịch, nhưng vì nó đã đẩy nhanh sự xuất hiện của “kỷ nguyên số”. Tiến trình số hoá toàn cầu rõ ràng cũng đã ảnh hưởng đến phong trào đại kết, bị thách thức và biến đổi bởi sự xuất hiện của các hình thức mới về truyền thông và hiệp thông. Tiến trình này đã khơi dậy những câu hỏi về giáo hội học, như: Các hình thức truyền thông mới ảnh hưởng thế nào đối với sự hiệp thông giáo hội? Các hình thức mới của sự hiệp thông (koinonia) được trải nghiệm trong và giữa các giáo hội có nghĩa là gì đối với đời sống giáo hội? Hiệp thông “ảo” có nghĩa là gì trong việc tìm kiếm sự hiệp nhất “thật” hoàn toàn có thể nhìn thấy được?
- Các hoạt động của Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hiệp Nhất Kitô Giáo (PCPCU) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch………Tuy nhiên, một số cuộc đối thoại đã khám phá ra những cách làm việc mới, gặp gỡ thường xuyên hơn, đôi khi với những nhóm ít người hơn để soạn thảo và lập kế hoạch; một số văn kiện thậm chí được hoàn tất và nhất trí online; và một số sáng kiến mới về đại kết thiêng liêng đã được trải nghiệm trực tuyến.
- Để suy tư tốt hơn về sự trải nghiệm này và các câu hỏi được đề cập ở trên, PCPCU đã cố gắng tìm hiểu những trải nghiệm và những nhận xét của các địa phương.…
- Ngày 19.1.2021, một bản câu hỏi đã được gửi cho các giới chức đại kết của tất cả các Hội Đồng Giám Mục Công Giáo và các Công Nghị của Công Giáo Phương Đông… Bản khảo sát nhan đề “Hiểu sự hiệp thông giáo hội trong thời kỳ giãn cách xã hội”, các câu hỏi liên quan đến: 1. Suy tư của địa phương về các vấn đề thần học và giáo hội học được khơi dậy bởi đại dịch; 2. Các cơ hội mới được cung cấp bởi đại dịch; 3. Các cơ hội để rút ra nguồn cảm hứng từ các cộng đồng Kitô giáo khác; 4. Các vấn đề hay các mối căng thẳng mới phát sinh như là kết quả các phản ứng của các Giáo Hội khác nhau đối với đại dịch; và 5. Ảnh hưởng trên công việc của các uỷ ban đối thoại liên kết.
- Từ 142 bản câu hỏi gửi đi, PCPCU đã nhận được 88 bản trả lời đến từ tất cả các châu lục…. Nhìn chung, các bản trả lời thường sâu rộng và vô tư, thẳng thắn, và đánh giá cao sáng kiến này. Trong tinh thần hiệp nghị, dự án này đã là dịp để tăng cường sự hợp tác giữa PCPCU và các giám mục phụ trách đại kết…
- Tài liệu làm việc này cống hiến một tổng hợp các câu trả lời của các giám mục cho cuộc khảo sát của PCPCU về tác động của đại dịch đối với phong trào đại kết, đồng thời đề xuất một quan điểm công giáo ở cấp thế giới….
- Tài liệu làm việc này có ba mục. Mục một trình bày các cơ hội mà đại dịch cống hiến cho chúng ta để tăng cường và canh tân các mối quan hệ giữa các Kitô hữu. Mục hai, trái lại, tập trung vào tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng COVID-19 đối với phong trào đại kết. Mục cuối nhận diện các câu hỏi đại kết thách thức mọi Kitô hữu, cũng như những thách thức cụ thể mà phong trào đại kết phải đối diện trong thời đại dịch này và trong thế giới sau đại dịch.
Mục 1: “Trong hoạ có phúc”
- Trong khi đại dịch đã ngăn trở nhiều cuộc tiếp xúc và nhiều dự án đại kết, nó cũng là một cơ hội để tăng cường và đổi mới các mối quan hệ giữa các Kitô hữu, thậm chí tạo ra những hình thức mới cho sự hiệp thông giữa họ. Thực vậy, như nhiều bản tường trình chỉ ra, tại các vùng khác nhau, đại dịch đã tỏ ra là “một phúc lành cải trang”, thậm chí đưa người ta vào “một mùa xuân đại kết mới”, dẫn đến “cái có thể gọi là một sự chuyển đổi lịch sử trong các mối quan hệ ở cấp quốc gia giữa các giáo hội (Ai Len). Bản tổng hợp này phác thảo ba khía cạnh quan trọng với những sự phát triển tích cực: một ý thức mới về mình như là một gia đình; khởi động các dự án và các sáng kiến phối hợp; và sự xuất hiện của “đại kết dạng số”.
1.1. Là một gia đình
Một ý thức mới
- Xét từ quan điểm đại kết, một kết quả đầu tiên của đại dịch là, như bản tường trình từ Slovenia diễn tả bằng những lời của ĐGH Phanxicô: “Dù muốn hay không, tất cả chúng ta ‘ở trên cùng một con thuyền’”. Đại dịch đã “tỏ ra hữu ích một cách trớ trêu là cống hiến một ý thức mới về sự hiệp nhất và mục đích bị quên lãng trong các mối quan hệ đại kết” (Tô Cách Lan), giúp chúng ta “tái khám phá tầm quan trọng của đối thoại và nhu cầu hợp tác với nhau để vượt qua những khủng hoảng như thế này” (USA). Thực vậy, “Covid-19 cho thấy rằng không chỉ những con người mà cả những giáo hội và những cộng đồng giáo hội cũng lệ thuộc lẫn nhau”, như bản tường trình từ Hungari khẳng định, đồng thời ghi nhận rằng, trong đại dịch, “mạng lưới đại kết đã trở nên dễ thấy và dễ cảm nhận hơn rất nhiều”. Trong cùng một tâm trạng ấy, bản tường trình từ Bờ Biển Ngà làm chứng rằng “đại dịch đã kiện cường sự hiệp thông Kitô giáo mà trong đó Hội Đồng Giám Mục, thông qua các uỷ ban của mình, đã có sự hiện diện rất rõ rồi”.
- Ý thức là một gia đình này đã ăn rễ sâu trong trải nghiệm về một số phận chung được làm nổi bật bởi đại dịch. Số phận này đôi khi từng được coi như là một cảnh lưu đày chung, nhưng cảnh lưu đày cũng có thể được hiểu như là một nơi của mặc khải, như bản tường trình của Na Uy bình luận: “Trong một cách hiểu dựa trên tường thuật Kinh Thánh, […] phạm trù lưu đày có vẻ rất thích hợp. Bằng nhiều cách, chúng ta bị loại trừ khỏi mái nhà chung của mình, Hội Thánh. Nhưng phải chăng cảnh hoang vắng mà chúng ta đang sống trong đó cũng là một nơi của mặc khải, của ơn gọi?”
- Ý thức mình là một gia đình Kitô giáo cũng ăn rễ sâu trong trải nghiệm về tính dễ tổn thương chung. “Trải nghiệm tính dễ tổn thương và tương thuộc lẫn nhau của hành vi ở cấp độ toàn cầu […] giúp chúng ta sẵn sàng cho một sự đối thoại từ quan điểm đức tin” (Argentina). Những người Công Giáo ở Zambia đã trải nghiệm rằng “Các Kitô hữu thuộc các tín phái khác nhau đều giống như chúng ta […] chúng ta cần lẫn nhau, […] chúng ta là một: cùng nhau, chúng ta có thể làm được nhiều hơn.” Trải nghiệm về tính dễ tổn thương này đã được cảm nhận một cách cụ thể tại những nước có tỷ lệ cao các gia đình gồm các thành viên thuộc các tín phái khác nhau. Về tình liên đới thiêng liêng của các gia đình này trong đại dịch, bản tường trình của Belarus tin tưởng nhận định: “Hi vọng những dấu hiệu này, tuy vẫn còn yếu, có thể tạo sức sống mới và làm cho tiến trình đại kết trong bối cảnh địa phương của chúng ta trở nên trưởng thành và hiệu quả hơn.”
Một cơ hội để sống thân thiện với nhau
- Tình trạng phong toả đã trở thành một cơ hội để hiểu biết nhau hơn. Bất chấp, hay có lẽ nhờ giãn cách xã hội, các Kitô hữu đã biết nhìn nhau bằng một cái nhìn mới. “Không chỉ là những mối tiếp xúc mới”, nó đã là “một cơ hội để làm sâu đậm hơn tình thân thiện giữa chúng ta”, như phát biểu của bản tường trình từ Pêru. Chính việc những hoạt động khác nhau thực hiện trên các diễn đàn ảo cống hiến khả năng vừa nhìn vào các thực tại Kitô giáo khác và vừa nhậy bén với cách thức chúng ta bày tỏ bản thân mình (xem số 1.3 dưới đây). Cuộc khủng hoảng thúc đẩy các Kitô hữu quan tâm tới nhau nhiều hơn, như bản tường trình từ Hungari khẳng định: “Tình hình Covid-19 giúp tăng cường thói quen quan tâm đến nhau”. Theo nghĩa này, đại dịch đã tăng cường “tinh thần trách nhiệm hỗ tương” giữa các Kitô hữu trước các thách thức chung. Bản tường trình từ Tô Cách Lan ghi nhận rằng “Có một sự ý thức mạnh về tính hiệp nghị và sự chia sẻ các giải pháp cho các vấn đề khi chúng phát sinh”.
- Có sự nhấn mạnh về mối quan tâm cụ thể là các Kitô hữu khác phản ứng với đại dịch như thế nào…
- Đại dịch tạo điều kiện thuận lợi để có một sự quan tâm lớn hơn không chỉ về việc các Kitô hữu khác đang phản ứng khủng hoảng thế nào, nhưng cũng quan tâm về bản thân họ và các cộng đồng của họ. Người ta đã cổ vũ các sáng kiến để phát triển tình thân thiện với nhau, như “Các cuộc thăm viếng trực tuyến giữa các Giáo Hội để cổ vũ sự Hiệp Nhất” tại Mexicô; hay “Các chuyến đi dạo đại kết” tại Đức. Như bản tường trình từ Hungari nhận xét, đại dịch “đã cung cấp một cơ hội lớn hơn cho các giáo hội và các cộng đồng giáo hội để họ đến gần nhau hơn, nhờ sự quan tâm đến nhau nhiều hơn”.
Truyền cảm hứng cho nhau
- Trong tinh thần “trao tặng cho nhau”, đại dịch cũng cống hiến cơ hội để trân trọng các việc thực hành và các sáng kiến của các Kitô hữu khác. Như bản tường trình từ Slovakia phát biểu: “Chúng tôi được các giáo hội khác truyền cảm hứng trong việc rao giảng Tin Mừng qua các phương tiện trực tuyến”. Tương tự, các Giám Mục tại Ba Lan nhận xét: “Có lẽ các hình thức hành động của người Công Giáo đã được đưa gần hơn với những hình thức được sử dụng rộng rãi trong các cộng đồng thuộc hệ phái Phúc Âm, đặc biệt các cộng đồng mới, v.d., các cộng đồng tân-đoàn sủng, vốn không có các nhà thờ riêng của mình”. Tương tự, tại Châu Phi, bản tường trình từ Tanzania phát biểu: “Chúng tôi ngưỡng mộ khi nhận ra rằng các cộng đồng khác đã sử dụng các phương tiện truyền thông một cách hiệu quả để tạo ra sự ý thức về đại dịch. … Từ tất cả những nguồn cảm hứng này, chúng tôi cập nhật thường xuyên các chiến lược riêng của mình”. Một số bản tường trình nhắc đến các sáng kiến và các khía cạnh cụ thể đã gợi hứng cho người Công Giáo: Chiến dịch của phái Thanh Tẩy “Đức tin không tạo ra miễn dịch” tại São Paolo, Brazil; các cố gắng liên đới và cộng đoàn của các giáo hội Chính Thống tại Úc; các truyền thống ca nhạc của các cộng đoàn giáo hội ở Ai Len.
- Ở chiều ngược lại, các bản tường trình cũng ghi nhận rằng các Kitô hữu khác đã được gợi hứng bởi các việc thực hành của Công Giáo trong thời đại dịch, đặc biệt liên quan đến việc thực thi các qui luật y tế đối với các cuộc cử hành phụng vụ và bí tích. Tờ tường trình của Hoa Kỳ viết: “Một số đối tác đại kết của chúng tôi, gồm các tín đồ phái Lutherô Phúc Âm, phái Thánh Công Hội, Chính Thống Giáo Hi Lạp, và phái Tin Lành Cải Cách đã tìm hiểu xem chúng ta đang đáp ứng các nhu cầu bí tích của người Công Giáo như thế nào trong thời kỳ giãn cách xã hội.” Tương tự, bản tường trình từ Colombia chỉ ra rằng “các Giáo Hội khác, đặc biệt các giáo hội thuộc Uỷ Ban Đại Kết, đã theo dõi rất sát các hành động và các cách thức tiến hành của Giáo Hội Công Giáo nhằm sao chép lại trong các cộng đồng của chính họ khi có thể”. Các qui trình được thiết lập bởi một số Hội Đồng Giám Mục Công Giáo đôi khi cũng được chấp nhận bởi các giáo phái Kitô khác, như đã xảy ra tại Bồ Đào Nha.
Trường hợp các hệ phái Phúc Âm và Ngũ Tuần
- Các tín đồ Phúc Âm và Ngũ Tuần là một trường hợp đặc biệt trong tiến trình gia tăng hiểu biết lẫn nhau này. Họ thường được mô tả trong các bản tường trình như là một mối thách thức đặc thù đối với sự hiểu biết về đại dịch và thái độ đối với các qui định về y tế (v.d., xem bản tường trình Korea dưới đây, số 2.3). Tuy nhiên, một số bản tường trình ghi nhận rằng đại dịch cũng đã khích lệ những mối quan hệ mới với các tín đồ Phúc Âm và Ngũ Tuần. Bản tường trình từ Pháp nhìn nhận rằng các cộng đồng giáo phái này đã bị người ta miệt thị một cách bất công: “Bị miệt thị, bị cáo buộc gây ra một chùm lây nhiễm tại miền đông nước Pháp, nhưng thực ra các Kitô hữu này đã hoàn toàn tuân thủ các qui định bắt buộc về y tế trong các cuộc tụ tập của họ để cầu nguyện vào tháng 2 năm 2020”. Cũng bản tường trình này chỉ ra rằng tình hình đại dịch đã là cơ hội để người Công Giáo đào sâu mối quan hệ của mình bằng cách công khai đứng về phía các tín đồ phái Ngũ Tuần và phái Phúc Âm: “Chúng tôi đã chứng tỏ tình liên đới và ủng hộ đối với các cộng đoàn thuộc giáo phái Phúc Âm. Đại dịch cũng giúp cho các giám mục, linh mục và cộng đồng Công Giáo hiểu biết rõ hơn về hệ phái Phúc Âm của Tin Lành”. Bản tường trình từ Lithuania cũng chia sẻ một kinh nghiệm tích cực tương tự khi phát biểu rằng: “Trước đây, chúng ta rất khó tiếp xúc với các giáo hội Kitô thuộc phái Ngũ Tuần. Bây giờ chúng ta có thể thấy rằng bầu khí đang được cải thiện”. Tương tự, bản tường trình từ Argentina làm chứng rằng các dự án bác ái đã cải thiện mối quan hệ với các tín đồ Ngũ Tuần, trong khi tại Gabon, việc một mục sư thuộc phái Ngũ Tuần làm đại diện cho toàn thể các cộng đồng Kitô giáo trước mặt chính quyền là dấu chỉ cho thấy các mối quan hệ mới mẻ của sự tin cậy đã được thiết lập.
Cần có một sự phân biệt
- Tuy nhiên, trong mô tả chung này về việc cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau, cần có sự phân biệt giữa các bối cảnh đại kết khác nhau. Tại các quốc gia vốn có truyền thống đại kết vững chắc, đại dịch đã giúp đào sâu các mối quan hệ, mặc dù vẫn khó thiết lập các mối tiếp xúc mới, như trường hợp tại Phần Lan: “Đại dịch đã không tạo thêm các mối tiếp xúc mới, nhưng một cách nào đó nó giúp đào sâu sự hiểu biết lẫn nhau”. Tại những quốc gia có cơ sở đại kết yếu hơn, các mối quan hệ đại kết đã không phát triển, đúng hơn là đã dừng lại, như các bản tường trình từ Hi Lạp, Bosnia-Herzegovina, và Togo đã diễn tả với sự tiếc nuối. Tương tự, bản tường trình từ Iceland khẳng định: “Đại dịch đến bây giờ đã là một Thời Kỳ Băng Giá cả trong các hoạt động của Giáo Hội cũng như các quan hệ đại kết”. Sự phân biệt các bối cảnh đại kết khác nhau cắt nghĩa tại sao, chẳng hạn, bản tường trình từ Rwanda đã vạch ra những vấn đề với chính bản câu hỏi, vì “nó chỉ về một bối cảnh khác, nên thật khó để trả lời thoả đáng cho nó”. Sự phân biệt này cũng được áp dụng cho các cuộc đối thoại song phương về thần học: các cuộc đối thoại được khởi xướng gần đây gồm nhiều thách thức hơn trong việc xây dựng các mối quan hệ, trong khi các cuộc đối thoại đã được thiết lập vững chắc thì có thể tiếp tục công việc đào sâu các mối quan hệ. Như bản tường trình của Hoa Kỳ khẳng định: “Các cuộc đối thoại vững chắc đã có những chuyển biến tương đối dễ dàng, trong khi các cuộc đối thoại mới thiết lập sau này gặp nhiều thách thức hơn trong việc xây dựng các mối quan hệ.”
1.2. Các cơ hội mới: cùng nhau cầu nguyện, làm việc và suy tư
“Từ khủng hoảng tới cơ hội”
- Ngoài việc khơi dậy ý thức mới là một gia đình Kitô giáo, khủng hoảng cũng cống hiến những cơ hội mới để cầu nguyện, làm việc và suy tư chung với nhau. Người công giáo Tô Cách Lan ghi nhận cái nghịch lý của nạn đại dịch này là, “xét từ quan điểm đại kết, nó đã được biến đổi từ một khủng hoảng thành một cơ hội cho sự gặp gỡ, đối thoại và cầu nguyện đại kết,” khi tường thuật rằng 31 phần trăm các cộng đoàn Kitô giáo báo cáo họ đã gia tăng sự hợp tác với các hệ phái Kitô giáo khác trong thời đại dịch. Tại Ai Len cũng thế, sự hợp tác Kitô giáo đã “thường xuyên và hợp nhất trong thời đại dịch hơn bất cứ thời nào khác, với những mức độ hợp tác chưa từng có xoay quanh những vấn đề liên quan đến đại dịch”. Tương tự, tại Ukraina, cuộc khủng hoảng đã “tạo nên một tinh thần liên đới và cung cấp những khả năng cho một sự đối thoại giữa các Kitô hữu thuộc các tín phái khác nhau” trong khi bản tường trình từ Zambia diễn tả niềm xác tín rằng: “Nếu chúng ta dồn các nguồn lực và tài năng của chúng ta chung lại với nhau vì một chính nghĩa chung, chúng ta có thể làm được nhiều hơn những gì chúng ta hiện đang làm […] Có một nhu cầu nhìn ra những dự án chung mà chúng ta có thể cùng nhau thực hiện.” Tại Ý cũng vậy, cuộc khủng hoảng “đã tạo điều kiện thuận lợi để đào sâu và mở ra những mối quan hệ đại kết, như được phản ánh trong việc chia sẻ các trải nghiệm hằng ngày”. Bằng chứng của sự gia tăng các hoạt động đại kết này là sự kiện “nhiều giới chức chuyên trách đại kết và nhiều lãnh đạo giáo hội đã nói rằng bây giờ trong đại dịch, họ còn bận bịu hơn trước đại dịch” (tường trình của các Giám Mục Công Giáo tại Canađa).
Các bản tường trình chỉ ra ba lãnh vực có những cơ hội mới được mở ra cho sự hợp tác: cầu nguyện chung, làm việc chung, và suy tư chung.
Cùng nhau cầu nguyện
- Đại dịch đã là dịp để nhận ra một cách mới mẻ tầm quan trọng của lãnh vực đại kết thiêng liêng và khám phá ra những cách thức mới để cầu nguyện chung với nhau. “Khi các Kitô hữu cầu nguyện chung với nhau, mục tiêu hiệp nhất có vẻ đến gần hơn… Khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện, Đức Kitô hiện diện thực sự; Người cầu nguyện ‘trong chúng ta và ‘cho chúng ta’” (Ut unum sint 22). Trên thực tế, một số lượng rất lớn các buổi cầu nguyện đại kết đã được tổ chức. Nhiều cuộc cầu nguyện đã được tổ chức chung để cầu cho các nạn nhân của đại dịch, các gia đình của họ, và cho những người hoạt động ở tuyến đầu, ở cấp quốc gia…
- Một số cuộc cử hành thiêng liêng khác của đại kết được dành để cầu xin cho đại dịch kết thúc, cầu xin niềm hi vọng trong thời khốn khó. Ví dụ, bản tường trình của Tô Cách Lan khẳng định: “Có lẽ sự phát triển đại kết có ý nghĩa nhất trong khủng hoảng Covid-19 chính là việc soạn thảo và phát hành một Kinh Nguyện được đồng thuận bởi các bên đại kết cho các tối Chúa Nhật”, một sáng kiến nhan đề “Kêu gọi Cầu Nguyện” cho đại dịch kết thúc, được tung ra bởi Diễn Đàn các Lãnh Đạo Bốn Quốc Gia, được lập bởi Các Giáo Hội Cùng Nhau tại Anh và Ai Len, với sự tham gia của các lãnh đạo quốc gia Kitô giáo từ 14 Giáo Hội. Các sáng kiến tương tự cũng đã được tổ chức ở cấp quốc gia tại Peru, giữa những người Công Giáo và những người thuộc phái Phúc Âm); tại Ấn Độ (“Kinh Nguyện Quốc Gia: Một Âm Thanh, Một Niềm Hi Vọng”); và tại Zambia (Kinh Nguyện Đại Kết Quốc Gia “Chúng ta tin cậy Chúa”).
- Nhiều sáng kiến cầu nguyện đại kết được tổ chức trực tuyến. Chẳng hạn, một cuộc tĩnh tâm đại kết Mùa Chay dạng kỹ thuật số” được giảng bởi Hồng Y Arborelius và Giám Mục phái Lutherô Karin Johannesson, có 600 người đăng ký tại Thuỵ Điển. Cũng tại Thuỵ Điển, một cuộc tĩnh tâm đại kết trên ứng dụng podcast đã được chuẩn bị mỗi ngày Chúa Nhật bởi một linh mục Dòng Đaminh và một mục sư phái Lutherô. Tại Đức, đã có một cử hành đại kết trực tuyến về Hiện Xuống, gọi là “Gemeinsam vor Pfingsten”, và tại Cộng Hoà Séc, đã có những cuộc cầu nguyện đại kết trực tuyến để xin ơn kết thúc đại dịch.
- Đại dịch đã đưa đến một kết quả quan trọng: tái khám phá tính bí tích của Lởi Chúa. Nhấn mạnh nguồn cảm hứng từ các cộng đồng Kitô giáo khác, bản tường trình của Pháp phát biểu: “Chúng tôi bắt đầu khai triển suy tư và xem xét cụ thể về tính bí tích của Lời Chúa và sự hiện diện thật của Đức Kitô trong Sách Thánh. Chúng tôi đã cụ thể giới thiệu các trải nghiệm về các cử hành phụng vụ tại gia của Tin Lành và Chính Thống Giáo cho các Văn Phòng Quốc Gia của Hội Đồng Giám Mục Pháp đặc trách huấn giáo và dự tòng”. Các giám mục Ý cũng ghi nhận cùng một hiện tượng, liên quan đến các gia đình: “Một sự tái khám phá vị trí trung tâm của Lời Chúa trong đời sống hằng ngày […] với dấu nhấn đại kết, đươc quyết định bởi một sư suy tư và đào sâu theo cách khác, về mối tương quan giữa Lời Chúa và gia đình”. Tại Gabon cũng vậy, các giám mục Công Giáo ghi nhận rằng “việc chia sẻ Lời Chúa hằng ngày đã là một công cụ thiết yếu cho sự hiệp thông với các anh em Tin Lành của chúng tôi”; trong khi các giám mục ở Puerto Rico xác tín rằng “đại dịch đã là một cơ hội để chúng tôi tái khám phá bản thân mình, và đối diện với tình trạng khẩn cấp toàn cầu, không sao nhãng việc giao tiếp với từng người giáo dân trong các giáo xứ của chúng tôi đang đói khát Lời Chúa.” Cùng một trải nghiệm như thế đã diễn ra ở Úc, nơi mà những tín đồ thuộc nhiều hệ phái khác nhau đã tham dự một cuộc cử hành trực tuyến 24 giờ trên toàn quốc, và tại Zambia với sáng kiến gọi là “Ở nhà với Sách Thánh”.
- Sau cùng, các bản tường trình ghi nhận rằng Kinh Lạy Cha, kinh nguyện tuyệt vời của mọi môn đệ Đức Kitô, đã giữ vị trí trung tâm trong các sáng kiến thiêng liêng chung trong thời đại dịch. Nhiều vị đứng đầu các Giáo Hội và nhiều lãnh đạo Kitô giáo từ các truyền thống khác nhau đã tích cực hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô cùng nhau cầu nguyện Kinh Lạy Cha đồng thời vào ngày 25.3.2020 để xin cho đại dịch kết thúc. Kết quả tích cực của sáng kiến này được nhấn mạnh trong nhiều bản tường trình, đặc biệt từ các nước Ý, Tây Ban Nha, và Hà Lan, với câu trích dẫn của vị mục sư Tin Lành Hà Lan: “Chính trong những thời buổi khó khăn ấy, tôi đã thấy rõ được Kinh Lạy Cha quan trọng như thế nào.”
Tình liên đới mới giữa các Giáo Hội
- Ngoài việc cầu nguyện chung, các khó khăn thực tế của một số cộng đồng Kitô giáo cũng thúc đẩy sự hợp tác huynh đệ đại kết bằng những cách thức bất ngờ. Bản tường trình từ Hungari khẳng định rằng “sự gia tăng đau khổ, buồn phiền, chết chóc và nhiễm bệnh đã gia tăng tình huynh đệ giữa các giáo hội và các cộng đồng Kitô giáo”. Do những yêu cầu của việc giãn cách xã hội, một số cộng đồng này xin được sử dụng các cơ sở Công Giáo. Về vấn đề này, HĐGM Pháp khẳng định: “Việc sử dụng này chỉ có thể dẫn đến một mối quan hệ và hợp tác đại kết về lâu về dài. Vì vậy đây là một khía cạnh tích cực của tình trạng y tế.” Bên cạnh vấn đề chia sẻ các cơ sở nhà cửa, các nhu cầu tài chính của các nhà thờ nhỏ, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng phong toả, cũng khơi dậy tình liên đới đại kết. Bản tường trình từ Thuỵ Sĩ phát biểu: “Một phần (không có trong kế hoạch) các sinh hoạt của chúng tôi là hỗ trợ các nhà thờ nhỏ (thường là các nhà thờ di dân) trong việc đáp ứng các hướng dẫn của chính quyền (các kế hoạch bảo vệ, v.v…). Đáng lưu ý là các nhà thờ “nhỏ” chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi việc cấm (hay hạn chế) các cuộc tụ tập để thờ phượng. Họ tự lo tài chánh cho mình duy chỉ nhờ các cuộc quyên góp”. Tương tự, bản tường trình từ Đức nói đến việc hỗ trợ tài chánh và pháp luật cho các nhà thờ nhỏ chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi dịch COVID-19. Về cùng chủ đề này, các giám mục Canađa nhận xét: “Đã có một sự gia tăng hợp tác đặc biệt giữa một số nhóm tín hữu Tin Lành tại Canađa, ví dụ, các tín đồ phái Trưởng Lão, phái Lutherô, Giáo Hội Hợp Nhất Canađa và thậm chí cả các tín đồ Anh Giáo. Các thách thức tài chánh phần nào đó đang đưa họ lại gần nhau hơn và COVID-19 đang đẩy nhanh tiến trình này tới một sự kết hợp lớn hơn”.
- Trong một số bối cảnh, thế đứng thiểu số của Giáo Hội Công Giáo đã thúc đẩy tình liên đới đại kết với các cộng đồng thiểu số Kitô giáo khác, như trường hợp tại Phần Lan: “Một điều cũng đã kết nối tại Phần Lan Giáo Hội Công Giáo với các cộng đồng Tin Lành thiểu số khác: vì là một nhóm thiểu số, chúng tôi đã gặp một vấn đề kinh tế rất chung, do việc các cộng đoàn không thể tụ tập lại với nhau.”
Các Tuyên bố chung
- Ngoài tình liên đới, nhiều thách thức do đại dịch cũng là một cơ hội để đưa ra những tuyên bố chung. Đây là một trong những cách diễn tả hữu hình nhất về sự hợp tác đại kết trong đại dịch COVID-19. Các lãnh đạo giáo hội nhận ra một cách mới mẻ tầm quan trọng của việc nói lên cùng một tiếng nói, như bản tường trình từ Anh và xứ Wales phát biểu: “Điều cũng rất rõ là chúng tôi đã nhận ra rằng một tiếng nói chung của sự hiệp nhất nói cho người khác một cách rõ ràng hơn là tiếng nói riêng rẽ của sự chia rẽ.”
- Một số các tuyên bố chung này nói với những người Kitô hữu như là một tập thể để nâng đỡ niềm hi vọng của họ trong thời khủng hoảng. Tại Ai Len, hơn mười tuyên bố chung ở cấp quốc gia đã được tung ra. Tại Đức, các lãnh đạo Công Giáo, Tin Lành và Chính Thống Giáo đã tung ra một tuyên bố chung nhan đề “Nâng đỡ, an ủi và hi vọng” [20.3. 2020]. Lễ Phục Sinh 2020 là một lực đẩy đặc biệt cho các sứ điệp chung, như trường hợp tại Đức với “Lời cho Ngày Chúa Nhật”, hay tại Ý với “Sứ điệp Đại Kết cho Phục Sinh ‘Đừng Sợ’”. Đôi khi những sáng kiến này cũng bao gồm các đại diện của các tôn giáo khác, như “Tuyên Bố của các Lãnh Đạo Tôn Giáo tại Bỉ”.
- Các tuyên bố chung khác nói với các giới chức chính quyền để bênh vực tự do tôn giáo. Ví dụ, tại Na Uy, một lời kêu gọi chung được đưa ra bởi giám mục Công Giáo và giám mục phái Lutherô của Oslo trong một thư ngỏ nhan đề “Thưc thi đức tin của mình với người khác là một quyền con người” (17.2.2021). Tương tự, các lãnh đạo của tất cả các tôn giáo được nhìn nhận đã ký một thư chung gửi cho chính phủ Bỉ (1. 2021). Tại Ba Lan, một lời kêu gọi chung của các giáo hội và các hiệp hội tôn giáo, nhan đề Chúng ta hãy nhớ đến những người đã chết, chúng ta hãy kín trọng phần mộ của họ, đã được công bố ngày 1.11. 2020; và tại Myanmar, lần đầu tiên một Tuyên Bố Chung của các Giáo Hội Kitô đã được công bố sau vụ đảo chánh ngày 1.2.2021.
Bênh vực quyền lợi
- Cũng liên quan đến các tuyên bố chung này, một lãnh vực lớn của sự hợp tác giữa các lãnh đạo Giáo Hội là mối quan hệ của họ với các chính phủ quốc gia. Trên thực tế, nhiều bản tường trình cho thấy rằng các Kitô hữu bị thách thức bởi sự kiện là trong thời đại dịch, tôn giáo đã bị coi là một dịch vụ “không thiết yếu”. Như bản tường trình từ Na Uy phát biểu: “Các chính quyền dân sự không coi tôn giáo là một cái gì có ý nghĩa và các nhu cầu tôn giáo của người dân trong thời kỳ đau đớn này hiếm khi được xét đến khi đưa ra các qui định kiểm soát sự lây nhiễm […] Có một sự thiếu cân xứng rõ rệt khi nhìn vào những qui định mềm dẻo hơn nhiều được dành cho những nơi buôn bán mà ở đó sự di chuyển lại bị kiểm soát ít nghiêm ngặt hơn”. Thách thức chung này đã thúc đẩy các Kitô hữu hợp tác với nhau không chỉ thông qua các tuyên bố chung (xem ở trên) nhưng cũng trong việc khiếu nại với chính quyền để bảo đảm các quyền của tôn giáo. Các sáng kiến chung này thường không thành công (như được tường trình bởi Na Uy và Bỉ), tuy nhiên tại một số nơi các chính quyền cũng đã phát triển một cách tiếp cận quân bình hơn, đặc biệt ở cấp địa phương. Như tác giả của bài tường trình từ Thuỵ Sĩ viết: “Tôi có cảm tưởng các nhà chức trách của chúng ta đã ngày càng chú ý nhiều hơn tới khía cạnh tôn giáo trong các suy nghĩ của họ”. Tương tự, bản tường trình từ Bờ Biển Ngà khẳng định rằng “đại dịch Covid 19 là một cơ hội để chính quyền coi trọng sức mạnh của các giáo hội Kitô giáo và các tôn giáo ngoài Kitô giáo, và để thúc đẩy một thời kỳ trao đổi và hành động chung của các giáo hội Kitô giáo.” Ngược lại, tại những nước như Brazil, các giáo hội đã phải đáp ứng tình trạng nhà nước thiếu chính sách y tế chính thức và một số cộng đồng Kitô giáo đã phản ứng lại bằng những lập trường tương phản, thậm chí mâu thuẫn nhau.
Liên kết để phục vụ
- Số lượng ngày càng tăng những người gặp khó khăn đã thúc đẩy các Kitô hữu cùng nhau làm việc để giúp đỡ những người chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này. Các bản tường trình mô tả cách mà đại dịch đã tạo thuận lợi đáng kể cho việc phục vụ của phong trào đại kết. Trên thực tế, các chương trình bác ái liên kết đã được tung ra ở cấp quốc gia tại nhiều nước, như “Chiến dịch Huynh Đệ Đại Kết”, ở Brazil, và ở cấp địa phương như: “Các dự án nhỏ đại kết” ở Ukraina; “Mạng lưới Hành Động Đại Kết” được đề xướng bởi Hội Đồng các Giáo Hội Nam Phi; và sự hợp tác giữa giáo phận Bratislava của Công Giáo Phương Đông và Nhóm Phục Vụ của giáo hội Phúc Âm. Đôi khi, những dự án này cũng bao gồm các tôn giáo khác, như “Chương trình tài trợ liên tôn” được đề xướng bởi Giáo Hội Công Giáo Malankara cho một trăm gia dình thuộc các cộng đồng Công Giáo, Ấn Giáo và Hồi Giáo. Các chương trình liên kết đôi khi giải quyết các thách thức cụ thể của đại dịch Covid-19, như bạo lực gia đình (Ukraina), di dân (Ấn Độ, Nhật Bản), người già (Ấn Độ), sinh viên (Hà Lan), người neo đơn (Ấn Độ, Hà Lan), trẻ em (Áo), trẻ em mắc HIV (Bờ Biển Ngà), và các bất bình đẳng chủng tộc (USA).
Các Sáng kiến mục vụ chung
- Đáp ứng các thách thức mục vụ do đại dịch gây ra cũng đã là một mối quan tâm đại kết lớn và một cơ hội cho sự hợp tác hiệu quả nhằm cung cấp việc chăm sóc mục vụ chung. Như mô tả trong bản tường trình của Phần Lan: “Mọi tín phái đã chia sẻ mối quan tâm về câu hỏi làm thế nào nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng cho các cộng đoàn thuộc các tín phái khác nhau”. Tại Tô Cách Lan, mối liên kết mật thiết giữa sứ vụ và đại kết của Kitô giáo đã là một điểm nhấn mới: “Hệ thống đối tác đại kết đã là một công cụ hữu hiệu để duy trì hay tăng trưởng sứ vụ Kitô giáo trong thời đại dịch […]; các khác biệt có thể vẫn tồn tại, và có thể ngăn trở sự thống nhất thể chế, nhưng có vẻ như nhiều lãnh đạo giáo hội không coi chúng như là một chướng ngại cho sự hợp tác mật thiết trong truyền giáo”.
- “Thừa tác mục vụ của việc lắng nghe” đã là yếu tố đặc biệt quan trọng qua việc thiết lập “”Đường dây hỗ trợ Coronavirus” được khởi xướng bởi các Kitô hữu thuộc nhiều truyền thống khác nhau, như “Mục vụ Lắng Nghe” ở Brazil; “Đường dây mục vụ lắng nghe” ở Hà Lan; và “Đường dây hỗ trợ” tại Ấn Độ. Các cử chị biểu tượng đại kết như kéo chuông đã được sử dụng tại nhiều nước như một dấu chỉ của tình liên đới đối với những người bị cách ly, những bệnh nhân, và nhân viên y tế, và cũng là một tiếng gọi cầu nguyện, như ở Đức hay “Tiếng Chuông Hi Vọng và An Ủi” ở Hà Lan. Đại dịch cũng đã tạo thuận lợi cho sự hợp tác giữa các Kitô hữu tại Úc qua các khoá “Alpha Courses” nổi tiếng. Tại một số bối cảnh khác, khủng hoảng đã làm phát sinh những vấn đề liên quan đến các nghĩa trang đòi hỏi sự hợp tác liên tôn, như tại Myanmar, một “Uỷ Ban nghĩa trang liên kết” đã được thành lập.
Phát huy trách nhiệm dân sự
- Trong một khủng hoảng toàn cầu đòi hỏi sự cam kết phối hợp của nhiều nhân tố xã hội, các giáo hội được kêu gọi kết hợp các cố gắng của mình trong việc phát huy trách nhiệm dân sự không chỉ giữa các tín đồ của mình, nhưng cả giữa những người không thuộc một giáo phái nào. Kinh nghiệm tại Anh và xứ Wales là: “Điều đã trở nên rõ ràng là nhiều người không thuộc một giáo phái nào đã tìm đến các giáo hội để xin sự hướng dẫn và vì thế các cộng đồng giáo hội đã phải thích nghi và đã có những đường lối mới mẻ trong việc dấn thân cùng với xã hội.”
- Nhiều sáng kiến liên kết nhằm cổ vũ trách nhiệm dân sự đã được thực hiện, như “Lời kêu gọi người dân Ukraina liên quan tới việc phòng ngừa lây lan coronavirus” được tung ra bởi Hội Đồng các Giáo Hội và các Tổ Chức Tôn Giáo Ukraina; hay các chiến dịch liên kết được tung ra để gây ý thức cho người dân chống đại dịch (Burundi), ý thức về các nguy cơ của đại dịch (Uganda, Zambia), và khuyến khích người dân tiêm vắcxin (Gambia). Một lãnh vực hợp tác cụ thể (tại Nhật Bản, Bangladesh, Brazil) cũng bao gồm nhu cầu sửa sai những cách diễn giải mang tính khải huyền, các thuyết âm mưu hay phủ nhận Covid-19, và cung cấp một sự hiểu biết Kitô giáo về đại dịch, đồng thời khuyến khích người dân tin tưởng chính sách y tế công cộng.
Suy tư chung
- Đại dịch đã không chỉ cống hiến cơ hội để cầu nguyện và làm việc, nhưng cũng để cùng suy tư chung với nhau. Nhiều chủ đề thần học và giáo hội học đã được thảo luận chung về các đề tài như truyền giáo, sứ vụ, phụng vụ và các vấn đề y tế. Một số sáng kiến được các bản tường trình nhắc đến, mặc dù các suy tư này vẫn còn ở tình trạng sơ lược. Ví dụ, Diễn Đàn các Lãnh Đạo Giáo Hội Tô Cách Lan đã uỷ nhiệm một dự án nghiên cứu nhan đề “‘Thích Nghi và Linh Động – Sứ Mạng không dừng lại’, Giáo Hội Tô Cách Lan và Đại Dịch COVID-19” về tính dễ tổn thương và lệ thuộc lẫn nhau trên thế giới dựa trên 350 câu trả lời từ 26 hệ phái. Điều thú vị là, trong bản khảo sát này, khi trả lời câu hỏi “Đâu là những khía cạnh làm quí vị mãn nguyện nhất khi thi hành sứ vụ trong thời đại dịch COVID-19?”, các thừa tác viên từ các hệ phái khác nhau đều xác định rằng “sự hỗ trợ đại kết và các quan hệ đối tác’, cùng với việc “học những kỹ năng mới, đến được với những người mới, chia sẻ các hình thức phụng tự mới”, và kết luận rằng “sứ vụ chúng ta phải được thi hành nhiều hơn ở ngoài các cơ sở của chúng ta”. Bản tường trình của Hoa Kỳ nói về các sáng kiến khác nhau của việc suy tư chung, như một cuộc hội thảo đại kết trên mạng được tài trợ bởi Hội Đồng Quốc Gia các Giáo Hội về nghĩa vụ đạo đức Kitô giáo của việc tiêm vắcxin, một cuộc đối thoại trực tuyến được cổ vũ bởi Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Thống Giáo của Đại Học Fordham nhan đề “COVID-19 và những thách thức hiện nay đối với Cộng Đồng Đại Kết”, và việc xuất bản trực tuyến các suy tư của các Giáo Hội khác được post lên trang web của HĐGMCG Hoa Kỳ.
Cần có một sự phân biệt
- Từ cái nhìn khái quát này về các cơ hội để cầu nguyện, làm việc và suy tư chung với nhau, cần có sự phân biệt giữa các cấp độ địa phương và quốc gia. Một số bản tường trình chỉ ra rằng có ít sự tham gia đại kết ở cấp địa phương hơn ở cấp quốc gia, như trường hợp tại Ai Len: “Ở cấp địa phương, do bị hạn chế, đã không có nhiều sự dấn thân đại kết đúng nghĩa giữa các giáo hội”. Bản tường trình từ Bỉ cũng nói rằng sự hợp tác đã được thực hiện trước hết ở cấp quốc gia: “Trong thời đại dịch, các tiếp xúc giữa các lãnh đạo giáo hội đã được tăng cường, đặc biệt trong các mối quan hệ với Nhà Nước”. Ngược lại, các bản tường trình khác chứng kiến các phát triển đại kết đa phần là ở cấp địa phương, như trường hợp tại Canađa. Tương tự, bản tường trình từ Thuỵ Sĩ khẳng định: “Ở cấp địa phương, đã có nhiều sáng kiến được tung ra trong các lãnh vực liên đới và phục vụ… Hơn nữa, các tiếp xúc địa phương với chính quyền nhằm thương lượng và truyền đạt các chính sách y tế thường được thực hiện trong tinh thần đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Cải Cách của hệ phái Phúc Âm, đôi khi cũng phối hợp với các cộng đồng Chính Thống Giáo khác”. Một điểm đáng chú ý là bản tường trình từ Bolivia chỉ ra rằng đại dịch đã tạo thuận lợi cho một sự liên kết rõ rệt hơn giữa các sáng kiến và dự án của địa phương và của châu lục.
Đại kết trong thời đại số
- Đại dịch đã tỏ lộ và đẩy nhanh bước tiến số hoá toàn cầu đang làm biến đổi các xã hội và các giáo hội của chúng ta. Như bản tường trình từ Na Uy viết : “Dịch bệnh và các nỗ lực phòng ngừa lây nhiễm bằng cách hạn chế tiếp xúc xã hội không phải là cái gì mới. Tuy nhiên, cái độc đáo trong đại dịch hiện nay là các tiến bộ kỹ thuật giúp cho có những phương tiện mục vụ mới mà không cần sự gần gũi thể lý. Đã có một đường cong học tập sâu cho mọi tín phái trong việc khám phá ra rằng là một Giáo Hội trong thời đại số là như thế nào”. Trên thực tế, “một ‘văn hoá trực tuyến’ mới là một hiện tượng đã được chấp nhận”, cả trong các nước đang phát triển, như bản tường trình từ Ấn Độ nói: “Bước nhảy vọt trong việc sử dụng các phương tiện số đã giúp Giáo Hội tại Ấn Độ lấp đầy khoảng cách một cách hiệu quả”. Với những hiệu quả cả tích cực (gồm những lợi ích sinh thái và tài chánh) cũng như tiêu cực của nó, “văn hoá trực tuyến” mới này đã tác động tới mọi khía cạnh của đời sống giáo hội, bao gồm cả phong trào đại kết.
Các tiếp xúc đại kết mới
- Nhiều bản tường trình chỉ ra rằng các phương tiện số đã giúp ích cho các mối tiếp xúc đại kết mới. Như bản tường trình từ Ecuador phát biểu: “Chúng tôi đã nhận ra rằng các sáng kiến kỹ thuật số đã cung cấp cơ hội cho những cuộc hội họp và những mối quan hệ mới mà trước đây không có”. Điều trớ trêu là nhu cầu giữ giãn cách xã hội lại có hiệu quả là vượt qua được những chướng ngại hay sự giới hạn của khoảng cách thể lý nhờ các phương tiện số. Các khoảng cách giữa “trung tâm” và “các vùng ngoại vi” đã trở thành không đáng kể, như được ghi nhận trong bản tường trình của Thuỵ Điển: “Bây giờ gặp bất cứ ai trên khắp đất nước thì dễ dàng hơn nhiều, hay nếu bạn sống tại vùng quê. Vì vậy với một số người, bây giờ gặp nhau dễ hơn nhiều, và thường xuyên hơn”. Khoảng cách giữa các thế hệ cũng giảm bớt nhờ việc gia tăng sự tham gia vào các hoạt động đại kết của những người trẻ, được lôi cuốn bởi các phương tiện xã hội hiện đại, như được ghi nhận trong các bản tường trình từ Slovenia, Beni và Nhật Bản.
Gia tăng việc tham dự các sáng kiến đại kết
- Một kết quả khác nữa của việc sử dụng các công cụ số là sự tham dự các sáng kiến đại kết ngày càng tăng. Nhìn chung, sự tham dự các chương trình trực tuyến do các giáo hội tổ chức đã gia tăng đáng kể so với các sáng kiến thể lý thông thường diễn ra trong các cơ sở giáo hội―một hiện tượng cũng được thuận lợi nhờ thực tế là nhiều người đã phải đối diện với tình trạng tự cách ly và bắt đầu khám phá lại đức tin của họ. Các bản tường trình thường xuyên nhắc đến cùng một kết quả này đối với các hoạt động đại kết. Các chương trình ‘livestream’ đã được tiếp cận bởi một lượng khán thính giả đông đảo hơn khi họ không thể tham dự trực tiếp. Một vị giám mục Úc ghi nhận: “Trong giáo phận của tôi, Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo chưa bao giờ được tham dự tốt như thế”. Bản tường trình từ Canađa ghi nhận: “Mức độ và số lượng người được thu hút đến các chương trình này khá ấn tượng, một cuộc tụ tập trực tuyến thường đông đảo hơn là một cuộc tụ tập trực tiếp thể lý.
- Sự gia tăng tham dự các sinh hoạt đại kết không chỉ liên quan đến việc thờ phượng, mà cả các dự án đào luyện, vì đại dịch đã kích thích một nhu cầu lớn các chương trình học tập. Các bản tường trình từ Brazil, Malta và Bolivia chỉ ra rằng đại dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án mới và sự gia tăng sự quan tâm và tham dự các khoá học trực tuyến về đại kết được tổ chức ở các cấp địa phương, quốc gia và quốc tế.
Một cơ hội để hiểu biết sâu hơn về các Kitô hữu khác
- Một kết quả đại kết thứ ba của việc số hoá đời sống Kitô giáo không liên quan trực tiếp đến các hoạt động đại kết. Sự kiện quá nhiều sinh hoạt của Giáo Hội được tiếp cận trực tuyếng là một cơ hội để các cộng đồng Kitô hữu có một sự hiểu biết tốt hơn về nhau.Như bản tường trình từ Belarus phát biểu: “Là Hội Thánh Công Giáo, chúng tôi ý thức rằng các anh chị em Chính Thống, Tin Lành và các Kitô hữu khác cũng tiếp cận được những chương trình mạng trực tuyến này, đó là một cơ hội tuyệt vời để giúp họ hiểu biết chúng ta hơn”. Bản tường trình từ Bờ Biển Ngà cắt nghĩa cách thức mà một chương trình trực tuyến của một ca đoàn Công Giáo đã giúp thiết lập các mối tiếp xúc với những Kitô hữu khác. Tương tự, các giám mục Áo khẳng định: “Nhiều cộng đồng Kitô hữu có các nguồn lực trực tuyến (các bản văn phụng vụ, các tờ tin tức, viđêo, các cuộc cử hành phụng tự trực tuyến). Đây cũng là một cơ hội để có một sự hiểu biết cơ bản về các hình thức cử hành khác, các hệ phái và các cộng đồng khác”.
Một sự nhạy cảm hơn về đại kết
- Một hậu quả của việc tiếp cận này qua các phương tiện đại chúng là có được một sự nhạy cảm hơn trong tinh thần đại kết. Sự kiện nhiều sinh hoạt của Giáo Hội được phát trên mạng và được theo dõi bởi các Kitô hữu khác dẫn đến một sự gia tăng ý thức về đại kết. Như một bản tường trình từ Belarus phát biểu: “Điều này đòi hỏi một sự chú ý và nhạy cảm hơn đối với các Kitô hữu không phải Công Giáo. Không chỉ là vấn đề tránh các câu hỏi có thể làm tổn thương tính nhạy cảm của những người ngoài Công Giáo, nhưng cũng là chứng tỏ một cách tích cực sự cởi mở của chúng ta đối với những người ngoài Công Giáo và mời gọi họ đối thoại trong tình huynh đệ”.
Gặp gỡ trực tiếp có thiết yếu cho đại kết không?
- Tuy nhiên, việc số hoá cũng có những giới hạn của nó trong lãnh vực đại kết. Các hạn chế đi lại và giãn cách đã cản trở nhiều cuộc gặp gỡ đại kết và đã khiến nhiều người lại đề cao tầm quan trọng của các cuộc gặp gỡ trực tiếp. Theo một số người, cuộc khủng hoảng đã tăng cường niềm xác tín rằng các cuộc gặp gỡ trực tiếp là thiết yếu để thúc đẩy sự hiệp nhất Kitô giáo, như bản tường trình của Hoa Kỳ phát biểu: “Có một sự đồng thuận phổ quát giữa tất cả các đối tác của chúng tôi và chính chúng tôi rằng sự tương tác trực tiếp người với người là cách tiếp cận tốt nhất cho đối thoại đại kết”.
- Sự thiếu tương tác cá nhân ảnh hưởng đặc biệt tới đối thoại thần học. Cũng bản tường trình của Hoa Kỳ ở trên mô tả cụ thể những khó khăn mà các uỷ ban đối thoại trực tuyến phải đối diện: “Liên quan đến các cuộc đối thoại thần học, các nhà thần học phải mất nhiều thời gian hơn để có thể hiểu nhau và thoải mái đi vào những cuộc trao đổi trí thức. Không luôn luôn có sẵn những chìa khoá ngôn ngữ hay thể lý để chỉ cho thấy khi nào một đối tác đã kết thúc một tư tưởng để đến lượt người khác có thể bắt đầu nói. Vai trò của một người điều hành khách quan và vô tư có tính chất quyết định hơn nhiều trong các cuộc trao đổi trực tuyến. Sự thiếu những khung cảnh tương tác thông thường, như những lúc giải lao hay những bữa ăn, cũng như những giờ kinh nguyện và phụng vụ trực tiếp, đã gây ra một sự thiếu hụt mối quan hệ cần thiết để đi vào những cuộc trao đổi thiêng liêng và trí thức cần thiết cho đối thoại thần học và khám phá ra những lãnh vực có điểm chung giữa các bên.” Bản tường trình từ Canađa cũng chia sẻ cùng một quan điểm: “Tuy các cuộc họp qua video cũng hữu ích để tiếp tục công việc hay sự tiếp xúc của đối thoại, các cuộc họp trực tiếp vẫn là thiết yếu cho nhiệm vụ của đại kết và đối thoại”.
- Cần lưu ý rằng một số cuộc đối thoại có tính nhạy cảm hơn các cuộc đối thoại khác đối với tầm quan trọng của các cuộc họp có sự hiện diện trực tiếp. Tại Canađa cũng như tại các nước khác, tất cả các cuộc đối thoại thần học đều đã tiếp tục công việc của chúng, ngoại trừ cuộc đối thoại giữa Chính Thống Giáo và Công Giáo “vì dành một tầm quan trọng cao hơn cho các cuộc họp trực tiếp nên đã từ chối sử dụng hình thức hội nghị qua video”.
Cần có một sự phân biệt
- Số hoá không phải là một hiện tượng chung. Cần có sự phân biệt giữa những quốc gia và những dân đã đi vào kỷ nguyên số và những quốc gia và những dân chưa đi vào. Sự bất bình đẳng này đã được nhấn mạnh trong bản tường trình từ Madagascar, khẳng định rõ ràng rằng: “Chúng tôi chưa ở trong kỷ nguyên số”. Hơn nữa, ngay cả những nước đã hoàn toàn ở trong kỷ nguyên số, không phải ai cũng có thể “kết nối”, vì các lý do kinh tế hay văn hoá, hay vì khoảng cách thế hệ.
Mục 2: Các khác biệt được nhấn mạnh bởi đại dịch
- Khi tóm lược những câu trả lời cho bản khảo sát, mục một của tài liệu này đã nhận ra một số kết quả tích cực của đại dịch đối với các mối quan hệ đại kết. Mục tiếp theo bây giờ sẽ tập trung vào ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng COVID-19 đối với hoạt động đại kết. Giống như với các kết quả tích cực, các khía cạnh tiêu cực cũng cho thấy thực tế rằng cuộc khủng hoảng đã tỏ lộ, hơn là gây ra, những thách thức vốn đã hiện hữu. Dựa trên cơ sở các bản tường trình, có thể nhận diện được ba thách thức chính: sự nhấn mạnh vào các dị biệt thần học giữa các truyền thống Kitô giáo khác nhau, các cách hiểu khác nhau về đại dịch, và các thái độ khác nhau đối với chính sách y tế công cộng.
2.1. Các dị biệt thần học và phụng vụ được nhấn mạnh
- Một tác động tiêu cực đầu tiên của đại dịch đối với các vấn đề đại kết là sự kiện cuộc khủng hoảng đã cho thấy rõ một lần nữa những dị biệt thần học sâu xa giữa các truyền thống Kitô giáo khác nhau. Những sự dị biệt này chủ yếu liên quan đến các vấn đề phụng vụ và bí tích, như nhu cầu hiện diện thể lý trong phụng vụ và sự liên kết giữa cử hành Thánh Thể và việc rước lễ. Trên thực tế, như bản tường trình của Hoa Kỳ ghi nhận: “Do các khác biệt thần học, một số hệ phái đã có thể uyển chuyển hơn với cuộc khủng hoảng này so với các hệ phái khác […] Đại dịch đã làm nổi bật một số điểm dị biệt”.
Hiểu khác nhau về không gian thánh
- Vì biện pháp phong toả đã ngăn cản việc tụ tập tại các nhà thờ, các lãnh đạo giáo hội đã đưa ra lời khuyên tham dự các cuộc cử hành được phát hình trực tuyến để bảo đảm sự an toàn công cộng. Cách thực hành này đã làm bộc lộ những điểm nhấn khác biệt về thần học và lòng sùng mộ liên quan đến ý nghĩa của không gian thánh. Về phương diện này, bản tường trình từ Anh và xứ Wales phát biểu rằng “trong một thời kỳ nhất định, chỉ có Giáo Hội Công Giáo đã phát hình trực tiếp từ một nhà thờ. Mặc dù cách làm này đã không gây ra căng thẳng đặc biệt, nhưng nó làm nổi bật một cách thức mà chúng ta đã không thống nhất trong thời kỳ này”. Tương tự, bản tường trình từ Hà Lan phát biểu rằng “khủng hoảng coronavirus bộc lộ rằng việc cử hành phụng vụ bởi người Công Giáo và người Tin Lành thì khác nhau và được trải nghiệm khác nhau… Khủng hoảng coronavirus cho thấy rằng người Tin Lành không có một thần học về nơi (thánh)”. Khủng hoảng COVID-19 cho thấy rõ tầm quan trọng của những nơi thánh đối với người Công Giáo, như được chỉ ra trong bản tường trình của Bỉ: “Cho dù người tín hữu sống đời sống đức tin của mình không chỉ ở trong nơi thờ phượng, nhiều người cảm thấy biện pháp [phong toả] này, về lâu về dài, là một sự hạn chế nặng nề đời sống ấy.” Tương tự, bản tường trình từ Benin nhận xét: “Phong toả cũng cho thấy rõ tầm quan trọng của việc các tín hữu tụ họp tại một nơi thờ phượng, nó tạo sự gần gũi và tình liên đới của đức tin”, trong khi bản tường trình từ Albania khẳng định: “Điều quan trọng là phải cố gắng hiểu làm thế nào để đơn giản hoá việc giao tiếp mà không đánh mất tầm quan trọng của các nơi thánh”.
Các khái niệm và cử hành khác nhau về bí tích
- Liên kết mật thiết với vấn đề nơi thánh là phụng vụ và khái niệm về bí tích. Cuộc khủng hoảng đã làm rõ thêm sự khác biệt giữa các Giáo Hội “bí tích” và “phi-bí tích”. Như bản tường trình từ Hà Lan khẳng định: “Khủng hoảng Covid tỏ rộ rằng việc cử hành phụng vụ bởi người Công Giáo và người Tin Lành thì khác nhau và được trải nghiệm khác nhau”. Cùng bản tường trình này thêm: “Trong hầu hết các cuộc cử hành Tin Lành, không có nghi thức Rước Lễ; tiêu điểm được tập trung chủ yếu vào việc công bố Lời Chúa. Nếu điều quan trọng chỉ là nghe, thì lắng nghe trong cuộc cử hành có thể là đủ rồi”.
- Một vấn đề khác là việc rước lễ thế nào cho đúng. Một sự tương phản giữa các tín hữu Công Giáo Hi Lạp và các tín hữu Chính Thống Giáo đã được ghi nhận bởi bản tường trình từ Giáo Hội Công Giáo Byzantin tại Slovakia, do đòi hỏi thi hành các qui định về y tế công cộng: “Căng thẳng đã phát sinh về sự không phù hợp―đã có một sự hiểu lầm như thế―các tín hữu (?) Chính Thống Giáo cử hành Phụng vụ thánh với các tín hữu và nhận Thánh Thể dưới cả hai hình (trong khi các linh mục [Công Giáo-Hi Lạp] của chúng ta và các tín hữu tuân theo luật nghiêm ngặt của Phụng vụ thánh không có giáo dân tham dự, và nếu được phép, thì chỉ có một số giới hạn; họ lãnh nhận Thánh Thể bằng tay và chỉ dưới một hình bánh)”. Cùng một vấn đề được nêu lên bởi bản tường trình từ Croatia, nơi có sự hiện diện của một thiểu số tín đồ Chính Thống Giáo rất mạnh. Trong các cộng đồng Kitô giáo của Phương Tây, nhiều bản tường trình khác nhau nhắc đến những việc thực hành tương phản nhau về cách rước lễ, được liên kết mật thiết với sự hiểu biết thần học về Thánh Thể, bao gồm cả việc “rước lễ số/trực tuyến” với việc rước tại nhà bánh và rượu đã được truyền phép tại một lễ phụng vụ trực tuyến (Đức); và trong các trường hợp cực đoan là “phát Thánh Thể bằng thư cho những người không thể tham dự phụng vụ bằng sự hiện diện thể lý” (Mỹ). Mặt khác, trong một số bối cảnh, cuộc khủng hoảng đã là một cơ hội để đến gần nhau về phụng vụ với một số người Tin Lành và để có được ý thức rằng các thay đổi thường được thúc đẩy bởi nhu cầu. Ví dụ, bản tường trình từ Thuỵ Điển, trong khi ghi nhận rằng các giáo hội Lutherô Thuỵ Điển đã bắt đầu cho rước lễ chỉ dưới một hình (bánh), nhận xét rằng “một số tín đồ Lutherô đã nhắc đến điều này như là một điểm mà ở đó giáo hội Lutherô ở đây đã đến gần hơn với Giáo Hội Công Giáo trong việc thực hành này. Trong trường hợp khẩn cấp, một số hình thức có thể được thay đổi (bề ngoài) và không được ghi tạc lại trên đá.”
2.2. Hiểu khác nhau về đại dịch
- Một vấn đề khác gây chia rẽ giữa các Kitô hữu với nhau là những sự khác biệt trong cách cắt nghĩa về đại dịch. Các bản tường trình thường nhắc đến chuyện các lý thuyết phủ nhận hay âm mưu về khủng hoảng, các loại thông diễn về sự trừng phạt khải huyền/thần linh, từ chối vắcxin, và đề nghị những cách chữa bệnh thần tiên hay phi khoa học, những chuyện như thế đã dẫn đến các mối căng thẳng giữa các cộng đồng Kitô giáo và các hậu quả tiêu cực cho các cộng đồng này, như trường hợp của Công Hoà Séc, Ecuadọ, Guatemala, và Myanmar. Như bản tường trình từ Guatemala phát biểu: “Có lẽ cái khó khăn chính đã trở nên sâu sắc hơn chính là cách tiếp cận của các hệ phái Kitô giáo khác nhau này đối với những sự dữ xảy ra cho loài người, đặc biệt từ phía những người có quan điểm cực đoan, họ cắt nghĩa chúng như là sự trừng phạt của Thiên Chúa và kêu gọi người ta nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa.” Những cách tiếp cận cực đoan này chủ yếu được cổ vũ bởi một số lãnh đạo hay một số nhóm của phái Phúc Âm và phái Ngũ Tuần. Tại những nước mà các mối quan hệ đại kết mang đậm nét căng thẳng này giữa những người Kitô hữu, như tại Honduras, các căng thẳng đã gia tăng do những cách thông diễn này.
2.3. Các thái độ khác nhau đối với các hạn chế ý tế công cộng
Việc thực thi các biện pháp hạn chế chính thức
- Mặc dù việc bênh vực tự do tôn giáo đã là một cơ hội để có sự hợp tác đại kết (xem số 1.2 ở trên), nhưng đôi khi các mối căng thẳng phát sinh liên quan đến việc thực thi các biện pháp hạn chế của chính quyền. Các đòi hỏi tranh chấp nhau giữa sự an toàn công cộng và việc thờ phượng cộng đồng thì phức tạp và tất nhiên các Kitô hữu cũng có những quan điểm khác nhau khi cân nhắc những lợi ích tương ứng và cắt nghĩa các khuyến cáo của chính quyền. Bản tường trình từ Hàn Quốc nói đến sự lây nhiễm đại trà xảy ra trong một số cuộc cử hành phượng tự của phái Phúc Âm, dẫn đến một ý kiến tiêu cực nói chung về tôn giáo và dẫn đến mối căng thẳng giữa các Kitô hữu; ngược lại, bản tường trình từ Pêru nhìn nhận rằng, đại đa số tín hữu phái Phúc Âm đều tuân thủ các qui định chung, chỉ có một số ít không tuân thủ. Tại Ý, một số căng thẳng được ghi nhận xung quanh việc thực thi khác nhau các qui định này bởi các tín đồ Chính Thống Giáo sử dụng các nhà thờ Công Giáo. Tương tự, bản tường trình từ Canađa nói: “Một số cộng đồng giáo hội (chủ yếu từ dòng Tin Lanh) chống lại các qui định y tế (chống đeo khẩu trang, chống đóng cửa nhà thờ) khiến có thể gây vấn đề cho các giáo hội và các nhóm tín ngưỡng khác nhau đang tìm cách tuân thủ các qui định và tách mình ra khỏi các nhóm, cả trong con mắt của công chúng và các giới chức chính quyền”.
Các cuộc tụ tập thể lý có cần thiết không?
- Đôi khi các mối căng thẳng phát sinh xung quanh câu hỏi là thậm chí các cuộc tụ tập thể lý có cần thiết hay không. Như bản tường trình của Hoa Kỳ nhận định: “Một số lãnh đạo giáo phái phát biểu công khai rằng họ không thấy việc tụ tập thể lý là thiết yếu và điều này gây khó khăn hơn cho các giáo phái khác (đặc biệt Chính Thống Giáo Phương Đông) vốn đặt nặng sự tham gia thể lý của người tín hữu trong phụng vụ thánh. Những ưu tiên khác biệt này gây ra sự lộn xộn khi chính quyền tìm cách đưa ra những biện pháp hạn chế gây khó khăn cho một số giáo phái Kitô hơn những giáo phái khác”.
Các quyền bình đẳng giữa các Giáo Hội
- Các căng thẳng cũng phát sinh xung quanh các quyền bình đẳng giữa các Giáo Hội khác nhau trong việc thi hành mục vụ cho các tín hữu của họ, ví dụ trong việc đi vào các bệnh viện trong thời phong toả. Như bản tường trình từ Canađa nhận xét: “Một số đối tác liên tôn đã nhận thấy họ không đường hưởng những quyền lợi bình đẳng như các nhóm tín phái khác. Cũng đã có nhiều sự cảnh giác giữa một số nhóm giáo phái để bảo đảm không xảy ra tình trạng một nhóm được phép/được hưởng nhiều tự do hoạt động hơn những nhóm khác trong thời đại dịch.”
Một vài sự phân biệt quan trọng
- Tuy nhiên, rõ ràng những bối cảnh khác nhau của các Kitô hữu đã tác động tới cách cư xử của họ với chính quyền trong thời đại dịch và do đó ảnh hưởng tới mối quan hệ của họ với các cộng đồng Kitô hữu khác. Điều này có liên quan đặc biệt tới một số Kitô hữu di dân. Ví dụ: bản tường trình từ Thuỵ Điển phát biểu: “Nhiều người Công Giáo và Chính Thống Giáo ở đây không sinh ra tại Thuỵ Điển, nơi mà nhìn chung có sự tin tưởng cao đối với chính quyền, và nhiều người trong số họ đã coi những biện pháp hạn chế của chính quyền như là một cách để bách hại hay đàn áp các Kitô hữu và người Công Giáo tại các quê hương của họ, giống như tại Đông Âu trong thời cộng sản hay tại Trung Đông”. Cùng bản tường trình này nói tiếp: “Một số người Công Giáo từ Irắc (phái Chalđê), chẳng hạn, cũng đã đặt câu hỏi tại sao họ đang đóng cửa nhà thờ ở đây chỉ vì một con virút (bé xíu), trong khi họ vẫn thường đi lễ tại Irắc trong thời bom đạn”.
- Một sự phân biệt khác liên quan đến tư thế của một cộng đồng Kitô hữu đa số/thiểu số ở một nơi cụ thể, nó cũng quyết định mối quan hệ của họ với chính quyền. Người Công Giáo tại Na Uy tường trình: “Đối với một Giáo Hội thiểu số như của chúng tôi, sẽ là vô ích và gây chia rẽ nếu đối đầu với Nhà Nước giống như các giám mục Công Giáo Pháp đã làm liên quan đến việc đi đến nhà thờ và tham dự các cuộc cử hành phụng tự. Một hành động như thế, nếu muốn hiệu quả, phải có một quyết tâm chung giữa các lãnh đạo Kitô giáo, nhưng điều này không có ở đây”
Một thực tế có mặt khắp nơi
- Những cách hiểu và những thái độ khác nhau về đại dịch đã thường xuyên được hiểu như là một sự chia rẽ giữa các hệ phái Kitô giáo “tự do” và “bảo thủ”, như bản tường trình của Mỹ chỉ ra: “Các ý kiến rất khác nhau: trong khi một số Kitô hữu bảo thủ coi những biện pháp hạn chế như là một sự tấn công tự do tôn giáo, thì các hệ phái tự do lại không coi nó là mối đe doạ gì cả”. Tuy nhiên cần lưu ý rằng những cách hiểu và những thái độ khác nhau này không chỉ có trong các Giáo Hội khác nhau, nhưng cũng tồn tại trong mỗi cộng đồng. Theo nghĩa này, sự chia rẽ theo hướng “tự do” và “bảo thủ” đã xâm nhập khắp nơi, bởi vì, chẳng hạn, các cách diễn giải khải huyền hay chống đối vắcxin đã từng tồn tại trong mọi cộng đồng Kitô giáo, như được ghi nhận bởi các bản tường trình từ Hoa Kỳ, Cộng Hoà Séc, Guatemala, và Brazil. Tương tự, một thái độ không tin tưởng việc các giới chức Giáo Hội tuân thủ nghiêm ngặt các qui định về y tế đã được chia sẻ bởi các Kitô hữu bất kể họ thuộc hệ phái nào, như bản tường trình từ Hà Lan phát biểu: “Một số tín hữu trong các giáo hội khác nhau tự hỏi liệu có phải các lãnh đạo giáo hội đang quá tập trung vào các thủ tục của việc thờ phượng và cử hành không”.
Mục 3: Các thách thức và câu hỏi chung cho tương lai
- Sau khi trình bày những cơ hội và những khó khăn phát sinh từ đại dịch, mục cuối cùng của tài liệu làm việc này sẽ tập trung cả vào những câu hỏi về đại kết đang thách thức mọi Kitô hữu, cũng như những thách thức cụ thể mà phong trào đại kết phải đối diện. Trên thực tế, như bản tường trình từ Na Uy phát biểu: “Các trải nghiệm chung từ đại dịch chắc chắn sẽ làm phong phú các suy tư đại kết trong những năm sắp tới”.
Nhu cầu một sự suy tư chung
- Mọi người đều đồng ý rằng đại dịch đòi hỏi một sự suy tư thần học và thiêng liêng. Một số báo cáo nhấn mạnh thực tế là sự suy tư này cần được thực hiện trong tinh thần đại kết. Như bản tường trình Mỹ khẳng định: “Sẽ cần thời gian để phân định rõ tác động thiêng liêng của đại dịch đối với mọi cộng đồng và mọi giáo hội của chúng ta. Thực tế tràn lan của đại dịch trên toàn thế giới đã kết hợp tất cả chúng ta lại với nhau. Mặc dù không dễ dàng, nó chắc chắn sẽ dẫn tới những suy tư thần học nghiêm túc trong tương lai. Suy tư thần học ấy sẽ thực sự được phong phú nếu mọi Kitô hữu cùng nhau tham gia vào.”
3.1. Các câu hỏi đại kết
Các câu hỏi thách thức mọi Kitô hữu được nhắc đến bởi các bản tường trình chỉ về bốn lãnh vực cụ thể, tinh thần, giáo hội học, phụng vụ và truyền giáo
Thách thức mới về tinh thần
- Đại dịch và phong toả đã đặt ra một thách thức mới cho đời sống tinh thần của các Kitô hữu thuộc mọi truyền thống. Nhiều người cảm thấy phải đối diện với những câu hỏi về chính cuộc sống họ, như được diễn tả bởi bản tường trình từ Nhật Bản: “Đại dịch đã nêu lên nhiều câu hỏi về cách sống của chúng tôi và cách mà mọi người đang đối mặt với những câu hỏi nền tảng liên quan đến cuộc đời và ý nghĩa của nó”; hay từ Bờ Biển Ngà: “Đại dịch đã là cơ hội để chúng tôi nhìn lại và định hướng lại cuộc đời mình một cách sâu xa hơn”. Bản tường trình từ Slovenia kết luận rằng “con virút đã “bắt chúng tôi quì gối” và cho chúng tôi thấy một cách cụ thể rằng chúng tôi không phải là những ông chủ, nhưng chỉ là những người đầy tớ của thế giới này.” Tương tự, bản tường trình từ Bỉ nhận định rằng các Kitô hữu trong chính những niềm xác tín và những ưu tiên của mình: “Chúng tôi đã quen nghĩ rằng mình là chúa, là chủ, chúng tôi là bất khả xâm phạm. Con virút Covid-19 đã loại bỏ ảo tưởng này: chúng tôi không kiểm soát mọi thứ, chúng tôi là những con người dễ vỡ, dễ bị tổn thương, không chỉ ở đây hay ở kia, nhưng ở mọi nơi trên thế giới […] Nhưng chúng tôi cũng hi vọng rằng một khi cơn khủng hoảng qua đi, chúng tôi sẽ không quên quá nhanh những gì đã xảy đến cho chúng tôi. Vì hễ ai quên, người ấy càng thêm mong manh hơn. Khủng hoảng này có thể mở mắt cho chúng tôi xét lại các ưu tiên của mình, cả trong đời sống cá nhân cũng như trong xã hội.”
- Tình thế này đòi hỏi một sự thay đổi cách sống đôi khi dẫn đến những cái nhìn quan phòng và cánh chung luận. Chẳng hạn, bản tường trình từ Giáo Hội Syro-Malabar phản ánh: “Sự hiểu biết của Kitô giáo về đại dịch vẫn đang được thảo luận giữa dân chúng. Nhưng cách hiểu chung bây giờ là Thiên Chúa đã cho phép có đại dịch này như là một sức mạnh chữa trị cho nếp sống thế tục và là một thách thức mà Giáo Hội và Xã Hội phải đối diện để đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của dân chúng.” Tương tự, bản tường trình từ Slovenia nhấn mạnh chiều kích cánh chung luận: “Con virút đặt chúng ta ở ‘bên bờ vĩnh cửu’ và mời gọi chúng ta giải quyết các vấn đề toàn cầu của cuộc sống, bao gồm cả các thực tại cánh chung.”
Là Hội Thánh một cách mới mẻ
- Ngoài các vấn đề tinh thần, nhiều bản tường trình nhấn mạnh các thách thức giáo hội học của đại dịch. Như bản tường trình từ Ukraina phát biểu: “Hội Thánh xét như là một thể chế đang đối diện một số thách thức và đang trải qua một sự biến đổi trong thế giới mới hậu-covid”.
Đại dịch đã thách thức cách hiểu về Hội Thánh như là một cộng đồng. Các giám mục Ai Len nhận định rằng đã có một sự tái khám phá ra rằng Hội Thánh xét như là một cộng đồng tín hữu thì “không chỉ là một toà nhà”, đồng thời chỉ ra rằng “một trong những chuyển biến có ý nghĩa được nhấn mạnh mà đại dịch đã làm nổi bật lên chính là chiều kích cộng đồng của đức tin”. Sự phát hình trực tuyến việc phụng tự Kitô giáo đặt ra các câu hỏi về ý nghĩa của cộng đồng trong bối cảnh có vẻ như là một sự thay đổi mau lẹ của mô hình Giáo Hội của Kitô giáo, bao gồm cộng đồng ảo. Trên thực tế, mạng Internet không chỉ là một nguồn thông tin nhưng cũng hoạt động như là một không gian xã hội. Tính kết nối số giữa những người Kitô hữu vì thế được nhìn như là một sự hiệp thông thực sự, như bản tường trình từ Bờ Biển Ngà làm chứng: “Trải nghiệm này về việc kiến tạo tình hiệp thông giáo hội nhờ các công nghệ truyền thông khác nhau đã tỏ ra quá hiệu quả khiến một số giáo xứ đang theo đuổi nó để thay thế cho cùng một sự trải nghiệm hiệp thông qua các cuộc cử hành và hội họp trực tiếp thông thường”. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng “tham dự” không nhất thiết hàm ý “thuộc về”, yếu tố thiết yếu cho bản tính của Hội Thánh. Một người có thể thuộc về một cộng đồng Hội Thánh ở mức độ nào nếu chỉ nhờ các phương tiện trực tuyến, đây vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Vì vậy, một trong những vấn đề giáo hội học là tìm hiểu sâu rộng hơn về bản chất và tác động của sự “hiệp thông ảo” đang được trải nghiệm bởi các Kitô hữu thuộc mọi truyền thống, đồng thời đào sâu ý nghĩa của “cộng đồng” và phát triển một đời sống giáo xứ/cộng đoàn mang tính “cộng đồng” sâu xa hơn.
- Trong những suy tư đại kết này về Hội Thánh như là một cộng đồng các tín hữu, một số bản tường trình nhận xét rằng đại dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham dự ngày càng gia tăng của giáo dân. Bản tường trình từ Pakistan ghi nhận một “sự tham dự độc lập hơn của giáo dân”, và bản tường trình từ Ai Len phát biểu rằng “có một điểm nhấn khi nhìn đại dịch như là một cơ hội để rời bỏ mô hình quá giáo sĩ trị của giáo hội, đồng thời khích lệ sự tham gia lớn hơn của thành phần giáo dân”.
- Một kết quả giáo hội học đại kết của đại dịch là vấn đề “Hội Thánh tại gia”. Tầm quan trọng của gia đình như là một hạt nhân của đức tin và phựng tự đã được nhìn nhận một cách mới mẻ. Như bản tường trình từ Anh và xứ Wales phát biểu: “Mỗi nhà và mỗi gia đình đều quan trọng trong các cộng đồng giáo hội của chúng tôi và cuộc khủng hoảng này đã giúp tái định hướng đức tin trong gia đình hơn là trong Giáo Hội, và vì thế chúng tôi đã cùng nhau tìm ra những cách thức và sẽ tiếp tục làm như thế, tiếp tục hỗ trợ những “nhà thờ tại gia’”. Tương tự, bản tường trình từ Ai Len nhìn nhận rằng “với sự tiếp cận trực tuyến gia tăng, một “nhà thờ tại gia” dựa trên khung cảnh gia đình đã có được một tầm quan trọng mới.” Tại một số nơi, trải nghiệm “nhà thờ tại gia” đã là một cơ hội cho sự hoà giải trong các gia đình liên giáo phái, như tại Bờ Biển Ngà, tại đây các gia đình ấy “đã bắt đầu tụ tập các thành viên quanh một buổi cầu nguyện chung, bất chấp việc họ thuộc về các tín phái khác nhau”, và điều này “đã góp phần rất lớn cho tinh thần hiệp nhất và đối thoại trong các gia đình, cho sự bao dung và thông cảm, một số gia đình đã đạt được sự hoà giải”.
Một cách mới để tham dự phụng tự
- Một khía cạnh quan trọng của cách thức mới để là Hội Thánh trong kỷ nguyên số là các câu hỏi về phụng vụ và bí tích đã được nêu lên trong mọi cộng đồng Kitô hữu. Việc phong toả đã dẫn đến một cách tham dự thờ phượng mới, tham dự “ảo”, là điều đã không thể được dự liệu trước, chẳng hạn, trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, trong đó nói rõ giá trị của sự tham dự việc cử hành Thánh Thể cộng đoàn ngày Chúa Nhật là “một bằng chứng về sự thuộc về” trong đó các tín hữu “củng cố lẫn nhau dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” (2182). Một giám mục Canađa hỏi: “Đại dịch thách thức thế nào sự hiểu biết của chúng ta về vai trò của các bí tích trong đời sống Kitô giáo?”, và ông vạch ra một số vấn đề được đề cập đến trong giới thần học Công Giáo, gồm “ý nghĩa của việc xem lễ trên Internet hay việc nhìn một bánh thánh được trưng trong một nhà thờ ở xa; mối nguy tách rời việc rước lễ khỏi việc cử hành Thánh Thể, tập trung vào đời sống cầu nguyện cá nhân gây phương hại cho cầu nguyện cộng đoàn; các hệ luỵ của các cách thờ phượng lai tạp (pha trộn sự hiện diện thể lý và hiện diện ảo)”.
- Từ quan điểm đại kết, một vấn đề đầu tiên là khả năng tham dự “vắng mặt” trong phụng vụ. Như bản tường trình từ Canađa phát biểu: “Nhiều đối tác đối thoại của chúng tôi, trong các giai đoạn khác nhau của đại dịch, đã chuyển sang cung cấp các chương trình phụng tự trực tuyến cho tín hữu của họ. Đối với một số người, cách làm này đặt ra một câu hỏi phụng vụ và thần học liên quan đến ý nghĩa của Thân Thể Chúa Kitô là gì trong phụng tự, khi chúng ta thấy mình không có sự hiện diện thể lý.” Bản tường trình từ Ấn Độ khẳng định: “Tham dự “vắng mặt” có khiếm khuyết vì [thiếu] các quan hệ giữa người với người”.
- Một câu hỏi đại kết quan trọng khác là sự hiểu biết và thực hành “rước lễ thiêng liêng” trong các truyền thống Kitô giáo khác nhau. Trên thực tế, như bản tường trình từ Ai Len chỉ ra: “Trong các truyền thống của cả Công Giáo và của Giáo Hội Ai Len, đã có một sự nhấn mạnh mới về rước lễ thiêng liêng”. Về vấn đề này, bản tường trình từ Canađa nhận xét: “Thần học về ‘rước lễ thiêng liêng’ trong một số trường hợp cần được đào sâu thêm, nhưng xem ra các tín hữu có sự hiểu biết khá rõ về ý niệm này”.
- Một câu hỏi đại kết thứ ba được nêu lên bởi một số hệ phái Tin Lành là khả năng cử hành Thánh Thể tại gia mà không có thừa tác viên có chức thánh. Bản tường trình từ Đức nhắc đến một cuộc thảo luận về đề tài này trong EKD [Hội Thánh Phúc Âm tại Đức], cũng sẽ có những hệ luỵ nghiêm trọng về đại kết: “Về mặt đại kết, câu hỏi đang được thảo luận là liệu tình hình Corona có tạo thành một tình trạng khẩn cấp để cho phép cử hành việc rước lễ tại gia mà không có một người có chức thánh hay cho rước lễ trên mạng với việc ăn bánh và uống rượu tại nhà. Văn phòng Giáo Hội của EKD, trong thư đề ngày 3 tháng 4, 2020 nói về Bữa Tiệc của Chúa trong khủng hoảng Corona, đã nhấn mạnh nhu cầu làm sáng tỏ về mặt thần học trong EKD và vạch ra rằng việc này cần thời gian. Các hệ luỵ đại kết của cách tiếp cận này cũng được trình bày và khuyến cáo rằng, khi tìm kiếm các cách thức mới trước một nhu cầu thiêng liêng khẩn cấp, cần hết sức cẩn thận và tôn trọng các truyền thống Tin Lành và trong tình liên đới đại kết tốt đẹp.”
Một nghị trường mới
- Ngoài các vấn đề giáo hội học và phụng vụ, đại dịch cũng đặt ra một thách thức truyền giáo. Thực vậy, như đã thấy ở trên, trong khủng hoảng này đã có sự gia tăng số lượng người tham dự các chương trình phụng tự hay các hoạt động trực tuyến. Một câu hỏi đầu tiên là những người đang tham dự trực tuyến có sẽ vẫn tiếp tục tham dự online khi họ có thể tham dự trực tiếp bằng sự hiện diện thể lý hay không. Như bản tường trình từ Thuỵ Điển nêu câu hỏi: “Tuy nhiên, có một mối lo sợ chung trong các giáo hội là liệu người ta có sẽ trở lại nhà thờ sau đại dịch, hay họ đã quen ngồi ở nhà và xem lễ trực tuyến trên màn hình máy tính.” Bản tường trình muốn nói đến mối lo của nhiều linh mục rằng “những người được gọi là các Kitô hữu ‘hình thức’, những người có thể cũng đi lễ nhưng nói chung không tham gia vào hoạt động nào khác, sẽ mất kết nối với giáo hội và không trở về”, và đây là một mối lo sợ chung của nhiều giáo hội và cộng đồng”.
- Một mối lo ngại khác là những người đã bắt đầu dự các chương trình phụng tự online nhưng trước đó chưa bao giờ dự các chương trình ở nhà thờ, họ có thể được mời gọi thế nào để gia nhập cộng đoàn giáo hội một khi việc thờ phượng ở nhà thờ được mở trở lại. Câu hỏi này đòi hỏi những cách tiếp cận sáng tạo từ các Giáo Hội, đặc biệt liên quan đến việc rao giảng Tin Mừng, và có thể được thảo luận trong khung cảnh đại kết. Như một giám mục Úc phát biểu: “Chúng ta đã dành nhiều nỗ lực cho việc phụng tự trực tuyến và số, đây là một sự nâng đỡ lớn cho nhiều người, dẫn đến một số lượng ‘những người thờ phượng’ đông đảo chưa từng có, nhưng nó cũng thách thức chúng ta phải có sự sáng tạo trong các giáo xứ của chúng ta khi các cánh cửa nhà thờ có thể mở trở lại”. Tương tự, bản tường trình từ Phần Lan kêu gọi có những cách thức mới để rao giảng Tin Mừng: “Thời kỳ đại dịch đã bộc lộ tính dễ tổn thương của các cộng đồng chúng ta, trong việc vươn ra ngoài các kênh truyền thống thông thường của công việc mục vụ.”
3.2. Các câu hỏi cho đại kết: một đại kết số?
- Đại dịch không chỉ thách thức các Giáo Hội với các câu hỏi đại kết, nó cũng thách thức phong trào đại kết bới các câu hỏi giáo hội học. Trên thực tế, ngoài những câu hỏi nội bộ được nêu lên trong mọi cộng đồng Kitô giáo, đại dịch cũng thách thức chính phong trào đại kết. Sự tăng tốc của qui trình số hoá trong các Giáo Hội đã là một chìa khoá không chỉ trong việc duy trì các mối quan hệ đại kết, nhưng cũng biến đổi các mối quan hệ ấy. Tình trạng bình thường mới là tình trạng số hoá, và đại dịch đã tăng tốc một “phong trào đại kết số”.
Các phương tiện truyền thông mới
- Cần phải suy tư về việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới trong phong trào đại kết. Thực vậy, vì truyền thông là nhân tố thiết yếu để duy trì hiệp thông, các cách thức truyền thông tác động đến các hình thức và cách hiểu về sự hiệp thông. Ví dụ, phát minh máy in vào thế kỷ 16 đã là một công cụ làm xuất hiện một ý thức khác về cộng đồng, nó đóng một vai trò chủ chốt trong thời Cải Cách. Tương tự, tiến trình số hoá được đẩy nhanh nhờ đại dịch có thể tác động sâu xa tới các hình thức và cách hiểu về sự hiệp thông Hội Thánh. Việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới cũng nều lên những câu hỏi thực tiễn cho phong trào đại kết, như: “Phải có mức độ cân đối nào giữa các cuộc hội họp và các sinh hoạt online và trực tiếp, vì đối thoại không chỉ là trao đổi các ý tưởng, nhưng cũng là “trao tặng cho nhau’ (x. Ut unum sint 28)?” và “có hay không mối nguy của sự hời hợt và ngộ nhận trong việc dễ dãi tiếp cận các Kitô hữu [thuộc các hệ phái] khác và các thực tại giáo hội của họ?”
Các hình thức mới cho sự hiệp thông đại kết
- Rõ ràng sự hiệp thông có liên hệ mật thiết với truyền thông. Một câu hỏi đầu tiên liên quan đến chính khái niệm hiệp thông đại kết. Nếu các hoạt động cộng đồng trực tuyến đặt ra những vấn đề về sự hiệp thông của giáo hội nói chung, chúng cũng đặt ra những câu hỏi về sự hiệp thông giữa các giáo hội. Trong khi tại Bờ Biển Ngà “đại dịch đã làm xuất hiện các hình thức thành viên Kitô giáo”, thì bản tường trình từ Benin ghi nhận “có nhu cầu khám phá ra các hình thức hiệp thông đại kết khác”. Về phương diện này, các vấn đề về ý nghĩa của sự hiệp thông được nêu lên trong mỗi Giáo Hội cũng áp dụng cả cho phong trào đại kết. Bản tường trình từ Úc phát biểu: “Một cách nào đó, tư cách thành viên đại kết là một trong những công việc đơn sơ và dễ dàng nhất để tiếp tục, được sự trợ giúp của các công cụ internet và kỹ thuật số”. Tuy nhiên, nếu sự kết nối bằng số đã được nhận ra như là một sự hiệp thông trong mỗi giáo hội, thì đâu là ý nghĩa và giá trị của các hình thức mới của sự hiệp thông được trải nghiệm giữa các Giáo Hội trong thời đại dịch? Một sự “tham dự” mà không nhất thiết bao hàm sự “thuộc về” thì có ảnh hưởng như thế nào đối với toàn thể phong trào đại kết? Đâu là ảnh hưởng của cộng đồng ảo đối với sự hiệp nhất hoàn toàn và hữu hình trên thực tế, vốn là mục tiêu của phong trào đại kết?
Các tác nhân mới của đại kết
- Sau cùng, đại dịch cũng đã thách thức các cơ cấu đại kết và khả năng phản ứng của chúng trong những bối cảnh khủng hoảng. Tính mỏng dòn của một số cơ cấu ấy đã được quan sát bởi bản tường trình từ Brazil: “Chúng tôi đã nhận ra những điểm yếu của các tổ chức đại kết, chúng đang trải nghiệm một sự đấu tranh bên trong về khả năng hành động, và về các động năng tự quản trị và diễn đạt của chúng.” Đồng thời, tầm quan trọng của các tác nhân đại kết mới đã được thấy hiển nhiên trong cuộc khủng hoảng, đặc biệt một số phong trào Công Giáo, như được nhắc đến trong bản tường trình từ Bờ Biển Ngà. Về phương diện này, bản tường trình từ Pháp nhấn mạnh một sự tương phản quan trọng giữa các giáo xứ và các phong trào của Công Giáo, là những tổ chức có khả năng vượt ra ngoài những hoạt động thuần tuý bí tích: “Có một sự tách rời tương đối giữa các giáo xứ và các phong trào. Điều này đặt ra những câu hỏi về khả năng của các giáo xứ trong việc cống hiến một cái gì đó khác hơn là những cuộc cử hành, thường bị giản lược vào việc tham dự thụ động Thánh Lễ ngày Chúa Nhật.”
Kết Luận
Phát huy sự hiệp thông trong bối cảnh giãn cách xã hội
- Đọc các dấu chỉ thời đại luôn luôn là một phần quan trọng của hành trình tiến tới hiệp nhất của người Kitô hữu. Lời kêu gọi của Công Đồng Vaticanô II “tìm hiểu các dấu chỉ thời đại và cắt nghĩa chúng trong ánh sáng của Tin Mừng” đã được đưa ra không chỉ trong Gaudium et Spes (GS 4), nhưng cũng trong Unitatis redintegratio khuyên nhủ “mọi người Công Giáo nhận ra những dấu chỉ của thời đại” (UR 4). Chắc chắn rồi, với những hậu quả thê thảm toàn cầu của nó trong mọi lãnh vực, đại dịch COVID-19 là một trong những dấu chỉ này.
- Đại dịch đã có một tác động nghịch lý đối với phong trào đại kết. Mặc dù nó đã ngăn trở nhiều sự tiếp xúc và dự án, cuộc khủng hoảng này cũng đã cống hiến cơ hội để tăng cường và đổi mới các mối quan hệ giữa những người Kitô hữu với nhau, thậm chí tạo ra những hình thức hiệp thông mới giữa họ. Một kết quả đại kết đầu tiên của đại dịch là sự ý thức mới về tư cách là một gia đình Kitô, nó ăn rễ sâu trong trải nghiệm cùng chung một số phận, cùng chung bản tính dễ tổn thương. Khủng hoảng đã trở thành cơ hội để hiểu biết lẫn nhau: Các Kitô hữu chú ý tới nhau hơn, nhìn nhau với một cái nhìn tươi mới, không chỉ để ý xem các Kitô hữu khác phản ứng thế nào với đại dịch, nhưng cũng xem họ thực sự là ai dưới danh xưng Kitô hữu. Trong tinh thần “trao tặng cho nhau”, đại dịch đã cống hiến cơ hội để trân trọng những việc thực hành và những sáng kiến của các Kitô hữu khác, và kín múc nguồn cảm hứng từ nhau.
- Khủng hoảng cũng đã cống hiến những cơ hội mới để chia sẻ các sáng kiến cho nhau. Các cách thức mới của hoạt động đại kết thiêng liêng đã được khai thác và tính bí tích của Lời Chúa được khám phá mới mẻ. Tình liên đới và các hình thức hợp tác mới giữa các giáo hội đã được thiết lập trong các lãnh vực khác nhau. Đại dịch cũng cống hiến cơ hội để cùng nhau suy tư, thảo luận đại kết về các vấn đề thần học và giáo hội liên quan đến truyền giáo, sứ vụ, phụng vụ và các vấn đề y tế.
- Một kết quả đại kết thứ ba của đại dịch liên quan mật thiết với sự tăng tốc tiến trình số hoá toàn cầu, ảnh hưởng tới toàn bộ đời sống giáo hội. Trong khi đa số ghi nhận những giới hạn của việc số hoá trong bối cảnh đời sống giáo hội, nhiều bản tường trình cũng nhận thấy những hậu quả tích cực của sự xuất hiện một “kỷ nguyên số” về các mối quan hệ giữa các Kitô hữu: các sự tiếp xúc đại kết mới, sự gia tăng việc tham dự các sáng kiến đại kết, hiểu biết lẫn nhau và một sự nhạy cảm đại kết sâu xa.
- Mặt khác, khủng hoảng cũng đã làm bộc lộ, hơn là phát sinh, những thách thức đại kết đã hiện hữu. Nó một lần nữa cho thấy rõ những bất đồng thần học giữa các truyền thống Kitô giáo, như sự hiểu biết về không gian thánh và khái niệm cũng như việc thực hành bí tích. Nó cũng làm nổi bật những khác biệt trong việc cắt nghĩa đại dịch và các thái độ khác nhau liên quan đến các biện pháp hạn chế y tế công cộng.
- Đại dịch nêu lên những vấn đề nội bộ trong tất cả các Giáo Hội, liên quan đến bốn lãnh vực: 1) thiêng liêng: các câu hỏi đã được đặt ra cho lối sống Kitô giáo, dẫn đến những cách tiếp cận theo hướng quan phòng và cánh chung luận; 2) giáo hội học: một cách mới để là giáo hội đã được phát triển, nhờ một sự hiểu biết sâu hơn về Giáo Hội như là một cộng đồng, một sự tham dự gia tăng của giáo dân và một trải nghiệm mạnh hơn về “Giáo Hội tại gia”; 3) phụng vụ/bí tích: phong toả đã dẫn đến một cách mới để tham dự thờ phượng dưới dạng “ảo”, thách thức sự hiểu biết về vai trò của các bí tích trong đời sống Kitô giáo; và 4) truyền giáo: người ta có sẽ đến nhà thờ trở lại không? những người mới đang theo các lễ nghi trực tuyến có thể được hội nhập vào cộng đồng Giáo Hội như thế nào? Những câu hỏi này liên quan đến tất cả các giáo hội.
- Ngoài những vấn đề nội bộ được nêu lên trong mọi hệ phái Kitô giáo, đại dịch cũng thách thức chính phong trào đại kết, với ba câu hỏi chính:
1) việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới trong phong trào đại kết: cách thức truyền thông ảnh hưởng tới các hình thức hiệp thông và sự hiểu biết về hiệp thông;
2) các hình thức mới của sự hiệp thông đại kết: vì cách người ta hiểu sự hiệp thông giáo hội đã bị thách thức, cho nên chính khái niệm về sự hiệp thông của các Giáo Hội cũng bị thách thức;
3) tính mỏng dòn của các cơ cấu đại kết hiện hữu và sự xuất hiện của các tác nhân đại kết mới.
- Cần lưu ý rằng những kết quả tích cực và tiêu cực, cũng như những thách thức đại kết, thay đổi tuỳ theo các bối cảnh địa lý và đại kết. Cần phải có một số sự phân biệt: 1) giữa các nước đã có truyền thống đại kết vững chắc và những nước chưa có nền tảng đại kết vững chắc; 2) giữa cấp địa phương và cấp quốc gia; 3) giữa các nước và các nhóm dân số đã tiến cao trong kỷ nguyên số và các nữa chưa đi vào kỷ nguyên số; 4) liên quan đến các bối cảnh văn hoá khác nhau của các Kitô hữu ảnh hưởng tới cách cư xử của họ với chính quyền; và 5) liên quan đến tình trạng đa số/ thiểu số của các cộng đồng Kitô hữu tại một nơi nhất định.
- Một câu hỏi thích hợp được nêu lên bởi HĐGM Pháp có thể được dùng để kết luận: “Tự bản chất của nó, đại kết không phải là một chuyên gia trong việc cổ vũ hiệp thông trong hoàn cảnh giãn cách xã hội hay sao?” Như bản tường trình từ Pháp phát biểu: “Phong trào đại kết có một phép xử thế hữu ích để suy nghĩ về sự hiệp thông trong thời kỳ giãn cách xã hội.” Cũng theo bản tường trình này: “Các sáng kiến đại kết là hệ hình của những gì các Giáo Hội sẽ và có thể trải nghiệm trong tình trạng giãn cách xã hội”. Như bản tường trình kết luận: “Khi vẫn còn chia rẽ, các Kitô hữu hiện nay không thể thông hiệp cùng nhau trong Thân Thể Chúa Kitô. Tình huống này vẩn phải là một nỗi đau lớn và là động lực thúc đẩy công trình hiệp nhất Kitô giáo. Tuy nhiên, các Kitô hữu biết họ đã là một Thân Thể nhờ Phép Rửa. Họ thuộc về Đức Kitô, Đấng không bị chia cắt. Phong trào đại kết đã phát triển những sáng kiến khác nhau để tập hợp lại Thân Thể các Kitô hữu cho dù họ không thể lãnh nhận Thân Thể Đức Kitô. Xét cho cùng, phong trào đại kết là nhà chuyên môn tuyệt vời trong Hội Thánh còn xa cách nhưng dù sao vẫn hiệp nhất.”