Dân Làng Hồ: Phụ lục I, II, III.

print

PHỤ LỤC 1

THƯ CỦA CHA DOURISBOURE

Cha Dourisboure, sau một thời gian tĩnh dưỡng, đã rời nước Pháp vào tháng 7 năm 1870 và trở lại với anh em dân tộc vào tháng 11 cùng năm đó. Sau đây là một vài trích đoạn từ bức thư mà ngài viết một năm sau đó, gửi cho Cha Bề trên và Ban Giám Đốc Chủng Viện Hội Thừa Sai Paris. Bạn đọc sẽ thấy nơi điểm truyền giáo cao nguyên này vẫn chưa có một viễn tượng sáng sủa nào và vẫn đầy dẫy thử thách.

Xứ Ba Na, ngày 12 tháng 12 năm 1871

Kính thưa quý Cha và quý đồng nghiệp,

Các tân tòng của con gần tưởng như đã mất hết hy vọng gặp lại con; cho nên khi con trở lại, họ đã thật sự vui mừng như sống trong ngày hội. Con thấy mọi sự vẫn tốt đẹp, và trong ba hay bốn tháng, con đã cố gắng ổn định lại một vài thứ lộn xộn do con vắng mặt quá lâu. Con cũng đã rửa tội thêm một số dự tòng. Nhưng Chúa nhân lành muốn thử thách chúng con thêm một lần nữa. Vào tháng ba vừa qua đã xảy ra một cơn đại họa làm cho công cuộc truyền giáo thêm phần khốn đốn.

Dân chúng đang chuẩn bị gieo lúa, thì một trong những tai ương mà xưa kia Thiên Chúa đã dùng để trừng phạt sự kiêu ngạo của các Pharaô, đã ập đến gieo rắc nỗi kinh hoàng cho khắp xứ dân tộc. Thoạt tiên, đàn đàn lớp lớp châu chấu giăng mịt cả bầu trời, rồi phủ đầy mặt đất. Những cánh đồng lúa mới, những đồng cỏ xanh tươi, cả những lá cây rừng xum xuê, tất cả trong vài ngày đã trở thành mồi ngon cho loài côn trùng này. Người ta buộc phải gieo đi gieo lại hai ba lần, và khi lũ châu chấu bay đi tàn phá nơi khác, thì mùa gieo hạt đã quá trễ, chẳng còn chút hy vọng thu hoạch được gì nữa. Nhưng may thay cho những người dân tộc tội nghiệp đang lo phải đối mặt với cơn đói kém khủng khiếp, thì Chúa nhân lành liền ban xuống trên những vùng bị trễ vụ mùa, những cơn mưa xối xả làm cho các đồng lúa tưởng chừng đã bị huỷ hoại lại được hồi sinh tươi tốt ngoài sức tưởng tượng. Và mùa đó, họ đã thu hoạch được dồi dào lúa thóc để sinh sống.

Chúng con những tưởng đã thoát khỏi nỗi sợ hãi, thì ma quỷ vẫn không bỏ lỡ một cơ hội thuận lợi nào để làm hại chúng con. Vì trong ký ức của con người, người ta chưa bao giờ thấy loài châu chấu ấy xuất hiện trong vùng này, nên kẻ xấu được dịp vu cáo cho chúng con là nguyên nhân duy nhất của tai hoạ khác thường này, rằng chính chúng con đã thả (từ họ dùng) lũ châu chấu này. Lời vu khống thật vô lý, nực cười và ngu xuẩn đến thế, nhưng dân chúng sống xung quanh trong vòng hai mươi dặm vẫn tin như thật, và bỗng chốc chúng con trở thành đối tượng cho sự đay nghiến của dân làng trong khắp xứ. Duy chỉ những người sống gần chúng con mới không tin những lời vu khống đầy ác ý này, bởi họ cũng đã tận mắt thấy đồng lúa do chính tay chúng con làm, bọn châu chấu cũng chẳng chừa ra. Thế nhưng, do những kẻ thù nghịch đang phẫn nộ và có thế lực hơn, còn chúng con thì quá yếu thế, nên những người ủng hộ chúng con cũng không dám đứng về phía chúng con. Nguyên tắc bất can thiệp mà!

Chẳng mấy chốc, cuộc tấn công bằng vũ lực bắt đầu lan nhanh khắp vùng. Lúc đầu, chúng bắt năm Kitô hữu trẻ tuổi đi làm nô dịch. Một dịp khác, chúng giết hại bảy người, gây thương tích cho bốn mươi người, trong số đó có những người bị thương rất nặng. Trong suốt nhiều tháng liền, chúng con đã sống trong nỗi sợ hãi triền miên. Hằng đêm phải có người canh gác, và con luôn đi ngủ với ý nghĩ rằng mình có thể sẽ bị sát hại trong lúc ngủ say. Trước kia, con vẫn thường ước ao được phúc tử đạo, thậm chí bây giờ con vẫn say mê lý tưởng đó. Nhưng nếu con phải chết, thì phải là cái chết vì đạo cơ! chứ chết vì chuyện mấy con châu chấu thì thú thật là con chẳng ham tí nào! Dù vậy, nếu Chúa nhân lành muốn cuộc sống vô dụng của con kết thúc như thế, thì xin cho Thánh ý Chúa được thể hiện!

Hôm nay, mối nguy hiểm gần như đã biến mất. Chẳng còn mấy ai nghĩ rằng chính chúng con đã thả lũ châu chấu. Còn con vẫn luôn tin rằng miền truyền giáo khốn khổ này vẫn còn mong manh lắm! Bao lâu những Kitô hữu của chúng con chưa được trang bị đúng mức để có thể đẩy lùi những cuộc tấn công như thế, thì họ vẫn có nguy cơ bị tận diệt; nên từ lâu con đã nghĩ đến việc trang bị súng ống cho họ. Nhưng với tình hình hiện tại trong xứ An Nam, Đức Cha Charbonnier không dám chuyển súng đạn qua cửa ngõ Trung Châu, cho nên ngày qua ngày chúng con vẫn sống dưới sự che chở của Chúa Quan Phòng.

Khi chúng con bắt đầu cảm thấy dễ thở hơn một chút, thì Cha Hugon, một người bạn đồng nghiệp mới, đã đến sống chung với chúng con ở miền dân tộc. Con nghĩ chắc là Cha Geoffroy cũng đến nữa, nhưng Đức Cha đã đổi ý và giữ ngài ở lại An Nam. Trong những lúc khốn khó, chung quanh con chỉ toàn các Cha người Kinh, chỉ mỗi mình con là người Âu, nên con cảm thấy cô độc, tủi thân. Điều này đã góp phần không nhỏ làm cho hoàn cảnh của con càng thêm khốn cùng. Lòng con chất chứa đầy nỗi ưu phiền và nhiệt khí gần như lụi tàn. Nhưng chính trong những tình cảnh ấy con mới nhận ra sự yếu đuối và nỗi khốn cực của chính mình. Các Cha thấy đấy, mặc dù con đã không được chung chia số phận bị quân Phổ công hãm tại Paris như các Cha, con cũng chưa từng trải qua những điều khủng khiếp thời Công Xã Paris; nhưng phần con, con cũng gánh lấy những phần đau khổ và thử thách của riêng mình. Xin các Cha hãy cầu nguyện và nhắn nhủ mọi người cầu nguyện cho con nữa …

  Pierre Dourisboure

DÂN LÀNG HỒ – Phụ lục II

DÂN LÀNG HỒ – Phụ lục III