Dẫn Vào Thánh Lễ Và Suy Niệm Chúa Nhật 22 Thường Niên – B

print

Chúa Nhật 22 Thường Niên B

Đnl 4,1-2.6-8; Gc 1,17-18.21b-22.27; Mc 7,1-8a.14-15.21-23

Chủ đề: CHÚA KITÔ VỚI TẬP TỤC

Lời Chúa: “Các ngươi gác bỏ một bên giới răn Thiên Chúa để nắm giữ tập tục phàm nhân” (Mc 7,8).

Nhập lễ:

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 22 thường niên hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu cảnh cáo những người chỉ biết chú trọng lo giữ những tập tục loài người mà bỏ qua các tập tục của Thiên Chúa, và mời gọi chúng ta nhận ra giá trị đích thực giới luật Thiên Chúa giúp ta đạt đến cứu cánh là hạnh phúc Nước Trời:

Mô – sê căn dặn dân riêng:

Đừng theo tập tục mà quên luật truyền.

Hôm nay Chúa dạy y nguyên,

Tin yêu giữ luật trở nên giả hình.

Còn ta ghi nhớ đinh ninh,

Thực thi luật Chúa với tình con ngoan.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta đừng nghe suông mà lừa dối chính mình, nhưng biết khôn ngoan sáng suốt trung thành tuân giữ và thực thi luật Chúa truyền dạy. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.

Sám hối:

  1. Lạy Chúa, Chúa đã ban lề luật để dẫn chúng con đi trong đường lối của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

  1. Lạy Chúa Kitô, Chúa đã để lại cho chúng con mẫu gương về sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

  1. Lạy Chúa, Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

Suy niệm:

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Thiên Chúa là tình yêu. Ngài yêu thương và tuyển chọn Israel làm dân riêng của Ngài, Ngài đã ký kết với họ một giao ước qua trung gian ông Môsê, theo đó, họ phải tin theo, yêu mến, trung thành với Ngài, với lề luật của Ngài. Thế nhưng, đứng trước nguy cơ làm lung lạc dân riêng khi họ vào đất hứa, Môsê đã căn dặn dân chúng rằng: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi”. Những lề luật và huấn lệnh Môsê truyền đạt cho Israel có nguồn gốc từ Thiên Chúa nên có giá trị tuyệt đối: đó là sự khôn ngoan và sáng suốt khiến mọi dân nước phải cảm phục. Những lề luật và huấn lệnh này không những bởi Thiên Chúa nhưng còn là một bảo chứng đồng hành của Thiên Chúa bên cạnh dân. Thiên Chúa của Israel không là Thần linh xa lạ, cao vời, nhưng là Thiên Chúa gần gũi, đồng hành với dân Ngài. Vì thế, Môsê kêu mời dân hãy tuân giữ và thực hành, chớ thêm bớt điều gì trong các điều đã truyền, kẻo sinh thêm nặng nề sai lạc hay thiếu sót. Vì, luật của Thiên Chúa đã trọn hảo.

Thưa anh chị em, từ Môsê đến Chúa Giêsu, giới lãnh đạo Do thái không những bất tuân mà đã thêm bớt nhiều điều, đưa ra nhiều luật theo kiểu cách của Thiên Chúa. Họ rất trọng những lề luật theo hình thức bề ngoài. Đặc biệt là luật thanh sạch. Người Do Thái có nhiều cấm kỵ ô uế, dơ bẩn: rửa tay trước khi ăn, tắm rửa khi ở chợ về, rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Ai tiếp xúc với những người ô uế sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ngay cả những đồ vật bị người ô uế động đến cũng trở thành ô uế. Ai động đến những đồ vật đã bị ô uế cũng sẽ bị lây nhiễm ô uế. Trang Tin Mừng cho chúng ta thấy, con người đã lấy luật của con người để áp đặt cho Đấng đã ra luật cho con người. Bởi thế, những người biệt phái và mấy luật sĩ thấy vài môn đệ của Chúa Giêsu dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước, họ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?”. Nhận thấy họ chỉ chú trọng vào những hình thức đạo đức bên ngoài, còn nội tâm thì trống rỗng, chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm nên Chúa Giêsu đã thẳng thắn chê trách họ là những người đạo đức giả: “Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta”. Chúa Giêsu đã kết án việc làm sai trái của họ, lấy tập tục của loài người để thay thế lệnh truyền của Thiên Chúa. Thiên Chúa không thay đổi và cũng không có bóng dáng thay đổi. Vì, lề luật là để dẫn con người tới tương quan chân thật với Thiên Chúa và người khác.

Có câu truyện kể rằng, có hai nhà sư xuống núi. Dọc đường các ngài gặp một thiếu nữ đứng bên vũng nước sâu. Thiếu nữ muốn đi qua mà không sao đi được. Thấy vậy, một nhà sư liền bế thiếu nữ vượt qua vũng nước. Trở về gần đến chùa, nhà sư kia trách bạn: “Sao anh lại bế một thiếu nữ như thế?” Nhà sư trả lời: “Tôi đã để cô ta lại bên vũng nước, sao anh còn mang cô ta về đến tận chùa”.

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Câu chuyện trên đã minh họa rõ nét về hai lối sống đạo. Lối sống đạo theo hình thức và lối sống đạo theo nội tâm. Nội tâm con người là nguồn mạch của mọi hành vi. Nội tâm có tốt thì hành vi mới tốt. Nội tâm có chân thật thì hành vi mới có giá trị. Kitô giáo không phải là Đạo hình thức mà là Đạo tình yêu. Tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ Đạo. Thánh Giacôbê cũng nhắc nhở chúng ta phải biết đón nhận Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống bằng việc khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, để được sinh hoa kết quả.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn biết vâng nghe, trung thành tuân giữ luật Chúa và làm mọi sự bằng một tình yêu phát xuất từ đáy lòng để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.