Dẫn Vào Thánh Lễ Và Suy Niệm CN IV Chay – Năm C

print

Chúa Nhật 4 Mùa Chay – C

Gs 5, 9a. 10-12; 2 Cr 5, 17-21; Lc 15, 1-3, 11-32

Chủ đề: NIỀM VUI SÁM HỐI

Lời Chúa: “Phải ăn tiệc và vui mừng vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy” (Lc 15, 32).

Nhập lễ:

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 4 mùa chay hôm nay cho chúng ta thấy, Thiên Chúa là người Cha nhân hậu và giàu lòng thương xót trước thái độ sám hối trở về của hối nhân. Sự trở về của người con thứ nói lên niềm vui sám hối khi được đón nhận vào Nhà Cha, được gọi là con và lãnh lấy phần gia nghiệp của Cha:

Khổ đau bởi tội gây ra,

Người con xin được thứ tha lỗi lầm.

Cha già đâu có nhẫn tâm,

Hằng chờ hằng đợi lỗi lầm tha ngay.

Điều cần ghi khắc đêm ngày,

Trở về với Chúa hôm nay đừng chờ.

Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa đầy yêu thương tha thứ, để chúng ta tin tưởng bước ra khỏi nơi tội lỗi và trở về cùng Thiên Chúa mỗi khi lỗi phạm. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.

Sám hối:

1. Lạy Chúa, Chúa đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

2. Lạy Chúa Kitô, Chúa là Đấng nhân hậu và giàu lòng thương xót. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

3.Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con hối cải để được sống. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

Suy niệm:

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Mùa chay không phải là một cuộc lữ hành buồn thảm nhưng là một hành trình xuyên qua tăm tối, u sầu, chết chóc để tiến tới ánh sáng vui mừng và sự sống. Chính vì thế, phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 4 mùa chay hôm nay Giáo hội vén bức màn niềm vui sám hối của sự trở về. Niềm vui ấy khi mọi người được đón nhận vào miền Đất Hứa. Dân Do thái xưa trong cuộc hành trình 40 năm chịu thử thách đầy gian khổ, đã có một kinh nghiệm rõ rệt khi đặt chân vào Đất Hứa.

Thưa anh chị em, để thực hiện lời hứa, Thiên Chúa đã yêu thương tuyển chọn một dân riêng: Dân Do thái. Ngài đã dẫn dắt họ ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ vào miền Đất Hứa. Nơi chảy sửa và mật. Suốt 40 năm lữ hành trong sa mạc, mặc dù được hưởng bao hồng ân Thiên Chúa ngay cả việc ăn uống, Thiên Chúa đã nuôi dưỡng dân Do thái bằng manna, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ thích, không bị hạn chế, nhưng khi đã đặt chân vào miền Đất Hứa rồi, manna đã trở nên món ăn nhàm chán. Nay được Thiên Chúa cho hưởng quyền tự do sau khi Ngài giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ Ai Cập. Thiên Chúa phán cùng Giosuê rằng: “Hôm nay, Ta đã cất sự dơ nhớp của Ai Cập khỏi các ngươi!”. Niềm vui sau những ngày gian khổ. Nhìn về tương lai sáng lạn chứ không còn rầu rĩ với quá khứ. Cuộc xuất hành về Đất Hứa đã kết thúc. Để kỷ niệm ngày tự do này, họ long trọng ăn mừng lễ Vượt Qua đầu tiên để tạ ơn Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa trong giai đoạn quyết định vừa qua. Thiên Chúa không còn nuôi họ bằng bánh manna từ trời nữa, nhưng Ngài cho phép họ dùng chính hoa màu của vùng đất mới làm và dân bắt đầu ăn thổ sản trong xứ. Để có được niềm vui hoan lạc đó, dân Do thái đã phải chấp nhận thanh luyện, chấp nhận giao hòa, chấp nhận trở về với Thiên Chúa và luôn nhớ đến lòng thương xót của Ngài đối với họ. Niềm vui bởi cuộc trở về với Thiên Chúa của dân Do thái xưa, thì đó cũng là niềm vui của người Kitô hữu chúng ta hôm nay qua hình ảnh người con thứ trong dụ ngôn bài Tin mừng càng lớn lao hơn: những ân hận về cuộc sống dĩ vãng, những lo lắng về thái độ của người cha giờ đây đã biến tan hết, tất cả là niềm vui khi được gặp lại người cha nhân từ và yêu thương, không một lời trách móc, không một thái độ từ rẫy: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy”. Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, niềm vui này chưa tàn niềm vui khác đã khởi sắc. Thiên Chúa là người Cha nhân hậu và giàu lòng thương xót trước thái độ sám hối trở về của người con. Một Thiên Chúa yêu thương, quảng đại và hay tha thứ. Một Thiên Chúa không thích dùng hình phạt nhưng luôn tỏ lòng khoan dung.

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Sự trở về của người con thứ nói lên niềm vui sám hối khi được đón nhận vào Nhà Cha, được gọi là con và lãnh lấy phần gia nghiệp của Cha. Chúng ta đang sống trong mùa chay thánh. Giáo hội mời gọi chúng ta sám hối và trở về với Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Sám hối để nhận biết mình yếu đuối lầm lỗi mà hối lỗi và biết xin lỗi. Nếu chúng ta không có khả năng xin lỗi, thì có nghĩa là chúng ta cũng không có khả năng tha thứ. Là con người không ai tránh khỏi những sai sót, lầm lỗi nhưng tất một điều, chúng ta có khả năng thấy được sai sót, lầm lỗi của mình để sửa chữa, để xin lỗi. Đức Thánh Cha Phaxicô khuyên rằng: đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hòa với nhau. Và để làm điều đó thì chỉ cần một cử chỉ bé nhỏ, một lời nói qúy báu này “Xin lỗi”. Người con thứ đã biết sám hối nên anh đã nhận ra những sai sót, lầm lỗi của mình và quyết tâm trở về cùng cha để xin lỗi: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhờ đó anh được đón nhận vào Nhà Cha, được gọi là con và lãnh lấy phần gia nghiệp của Cha. Phần chúng ta, chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không sám hối, trở về giao hoà với Chúa qua Bí tích Hoà giải?

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết đứng dậy trở về với tình thương khoan dung của Chúa, để chúng ta cảm nếm biết Chúa thiện hảo nhường bao. Amen.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.