“Đạo Đức Giả”
Trong tuần thường huấn nhóm I tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận vừa qua, đa phần là quý cha sở cùng học hỏi, lắng nghe, thảo luận và đóng góp ý kiến nhiều điều. Mỗi tiết học, chương trình đều có giá trị và ý nghĩa. Tuy nhiên, qua thông báo nhỏ nhưng để lại trong tôi dư âm lớn như sau: Giữa 2 tiết học có 30 phút nghỉ giải lao và trước khi nghỉ có thông báo “Tại hành lang khu D có ít sách miễn phí, quý cha nào có nhu cầu, đến lấy tự do”. Sau khi nghỉ ngơi ít phút, tôi cũng đến khu sách miễn phí để xem như thế nào. Tôi thấy có khá đông các cha đến xem và lấy những loại sách như: Cùng học Thánh Kinh, Giáo huấn của Giáo hội, Cẩm nang Loan Báo Tin Mừng v.v nhưng có ít quyển sách có tựa đề Đạo Đức Giả của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy, MSV, Trung Tâm Mục Vụ, Tổng Giáo Phận Hà Nội, thì còn nguyên đó, thấy vậy nên tôi lấy 1 quyển và bước đi.
Sau tuần thường huấn trở về nhiệm sở có nhiều việc làm, mãi đến những ngày gần đây, tôi mở quyển sách ra đọc và thấy có nhiều điều hữu ích trong việc mục vụ giáo xứ, giảng dạy và giao tiếp… cụ thể cách nhận biết những ai có lòng đạo đức thật; những ai có lòng đạo đức giả trong Giáo hội và xã hội hôm nay. Tác giả đưa ra 60 biểu hiện giúp chúng ta nhận ra thật giả; Xin được chia sẻ đến mọi người; Cách riêng là các đấng bậc, các nhà đào tạo, hướng dẫn, cũng như những ai đang phục vụ tại xứ đạo và cộng đoàn như sau:
- Những biểu hiện của kẻ đạo đức giả:
- Kẻ thích nịnh hót.
- Kẻ qua cầu rút ván.
- Kẻ chuyên đặt điều, thích chuyện thị phi.
- Kẻ hay mang người khác ra làm trò cười.
- Kẻ khiêu khích ly gián.
- Kẻ đạo đức giả ngồi lê đôi mách.
- Ngôn hành bất nhất.
- Họ không hề giữ bí mật.
- Kẻ vô trách nhiệm.
- Kẻ đạo đức giả luôn đổ lỗi cho người khác.
- Kẻ đạo đức giả thường biện minh.
- Kẻ đạo đức giả hay lấy lòng cấp trên.
- Chỉ tốt và nhiệt tình với những người có quyền lực.
- Những người bạn giả dối thích khiến bạn có cảm giác tội lỗi.
- Sự thăng tiến của bạn khiến cho những người bạn giả dối ghen tỵ.
- Khen đằng trước, chê đằng sau.
- Kẻ đạo đức giả thường không giữ lời hứa.
- Muốn thể hiện mình khác biệt.
- Cuộc sống phóng đại trên mạng xã hội.
- Bất kỳ sự bất đồng hay chỉ trích nhỏ nào đối với họ đều được coi như một cuộc tấn công cá nhân.
- Trong mọi trường hợp, họ mặc định mình luôn đúng.
- Họ cho mình luôn luôn hoàn hảo.
- Họ không thể tách biệt mình là ai khỏi những khiếm khuyết và sai lầm trong quá khứ, với họ.
- Không ai có thể đưa ra những lời góp ý, giúp họ sửa sai.
- Họ không bao giờ xin lỗi về những điều sai trái họ đã làm.
- Kẻ đạo đức giả thích khoe thành tích.
- Kẻ đạo đức giả chỉ xuất hiện khi có lợi.
- Kẻ ích kỷ.
- Một con người luôn cáu kỉnh.
- Có dấu hiệu của sự thao túng.
- Phẩm chất của những con người đạo đức đích thực:
- Người đạo đức thật có một ánh mắt luôn yêu thương.
- Người đạo đức thật luôn tỏa ra năng lượng tích cực.
- Giúp người khác nhiệt tình mà không mong cầu sự đền đáp.
- Người đạo đức thật luôn giữ đầu óc tỉnh táo ngay cả khi bị dụ dỗ hay mê hoặc.
- Cho đi nhiều hơn là nhận lại.
- Không đòi hỏi quá nhiều.
- Thoải mái khi được là chính mình.
- Có cá tính của riêng bản thân.
- Người đạo đức thật luôn nhận ra khuyết điểm của bản thân.
- Không nịnh bợ.
- Luôn vị tha trong đối xử.
- Luôn rộng lượng.
- Không cố lấy lòng người khác.
- Tôn trọng mọi người.
- Sống thật là chính mình.
- Tôn trọng và tiếp thu ý kiến của người khác.
- Làm việc tốt một cách thầm lặng.
- Không khoe khoang, khoa trương khoe mã.
- Dù có được yêu mến hay không, người đạo đức thật cũng không quan tâm.
- Không cố gắng thu hút sự chú ý.
- Không tự mãn nhưng cũng không tự ti.
- Người đạo đức thật không bị cám dỗ bởi vật chất.
- Đáng tin cậy.
- Tính khí kiên định.
- Người đạo đức thật có bản lĩnh.
- Luôn luôn giữ đúng lời hứa.
- Nói được làm được.
- Không che giấu cảm xúc thật và thừa nhận khi làm sai.
- Không sống đạo đức giả.
- Người đạo đức thật luôn khiêm tốn.
60 dấu hiệu trên đây trích trong sách Đạo Đức Giả từ trang 241-245.
Hãy tạ ơn Chúa nếu chúng ta có những phẩm chất đạo đức đích thực và tiếp tục sống sự thật đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta rơi vào nhóm A hãy can đảm nhận ra mình sống đạo đức giả chỉ nhất thời hay là đạo đức giả mãn tính. Nếu đạo đức giả tạm thời vì yếu đuối, cám dỗ hãy thành khẩn xin ơn Chúa Thánh Thần và quyết tâm hoán cải để mỗi ngày hoàn thiện hơn (Mt 5,48). Ngược lại, nếu những ai rơi vào đạo đức giả mãn tính thì theo tác giả, Chúa Thánh Thần cũng đành ‘bó tay’ như những người Pharisêu và các Kinh sư (Mc 7,6-8).
Hy vọng một chút dư âm của tuần thường huấn 2024 năm nay, đặc biệt qua quyển sách này, giúp chúng ta dễ dàng nhận ra những điều tích cực cũng như tiêu cực trong Giáo hội và xã hội. Từ đó giúp Giáo hội ngày một trở nên hình ảnh sống động của Chúa Ki-tô “là đường là sự thật và là sự sống”; để đem ánh sáng của Chúa chiếu giãi vào bóng tối ‘gian dối’ của trần gian (Ga 14,6; Mt 5,14); Hầu Tin Mừng của Chúa được lan rộng khắp nơi.
Lm. Biển Xanh.