Đạo Làm Con Chúa

print

Chúa Nhật XV Thường Niên Năm C 2019

Đạo Làm Con Chúa

Lm. Giuse Nguyễn

Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn khi còn làm Tổng Giám mục Sài Gòn đã từng đưa ra câu hỏi: “Người Công Giáo là ai?” Ngài đã trả lời từ cái nhìn bên ngoài về người công giáo: “Là người theo đạo yêu thương”, “là người đi nhà thờ”, “là người của Thiên Chúa”… Tuy nhiên Ngài cũng đưa ra một “định nghĩa mới” về người công giáo: Căn cứ vào những trải nghiệm ở chiều sâu đời sống đạo, người công giáo còn được định nghĩa là người cảm nhận mình được Chúa thương, đồng thời ý thức ân huệ đó đã trở thành luật căn bản cho cuộc sống làm người. Nói cách khác, trọng tâm của đạo làm người là yêu thương người khác như Thiên Chúa yêu thương. Vì thế, trong quan hệ với Thiên Chúa, cũng như trong quan hệ với đồng đạo, đồng bào, đồng loại, người công giáo chân chính là người chu toàn bổn phận hàng đầu là lấy tình thương đáp trả tình thương”. Trọng tâm của đạo làm người, nhất là đạo làm người Công giáo là yêu thương người khác.

Đoạn Tin Mừng này là lời giải đáp cho những người muốn thử thách Đức Chúa. Ông luật sĩ đã biết con đường để lên trời là mến Chúa, yêu người mà còn hỏi thử ĐG. ĐG hỏi ngược lại để chính ông nói lên điều răn của Đức Chúa: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi… và yêu người thân cận như chính mình”. Ông luật sĩ lại muốn thử xem người thân cận trong đạo của ông Giêsu này là ai, vì đối với người Do Thái quan niệm người thân cận rất hạn hẹp, chỉ là những người bà con và đồng đạo. Thay vì định nghĩa “người thận cận” là ai, ĐC đã chứng minh “người thân cận” là thế nào: là người không phân biệt bà con, lương giáo, quan điểm, thành phần xã hội… mà là người biết thực thi tình bác ái.

Tư Tế và Lêvi trong đoạn Tin Mừng này chính là Phó Tế và Linh mục ngày hôm nay. Luca ghi rất rõ, Thầy Sáu thấy người bị cướp: “Trông thấy người này, ông tránh qua một bên”. Linh mục, cũng vậy, “cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi”. Phải chi người Samari, là một người dân ngoại “cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi”, thì đỡ xấu hổ biết bao nhiêu. Đằng này ông ấy cũng đi ngang con đường đó, cũng thấy, nhưng khác nhau ở chỗ là “chạnh lòng thương”. Vì vậy ông đã dừng lại làm những hành động mà Tư Tế và Lêvi của đạo Do Thái không dám làm vì sợ vi phạm lề luật khi nghĩ rằng mình đụng đến xác chết, hoặc sợ trễ công việc của mình. Còn người Samari thì chỉ biết tìm cách giúp đỡ nạn nhân mà không sợ mất giờ, mất công, mất của. Rõ ràng Thầy Sáu và Linh Mục giữ luật trên sách vở, còn người Samari giữ luật trong tim.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em có biết không? để gió cuốn đi”. Tấm lòng chính là đạo yêu thương, không bám víu, không nặng nề, mà rất nhẹ nhàng, thanh thoát để gió có thể cuốn đi bất cứ nơi nào cần tình yêu thương. Tấm lòng đó còn có thể gọi là lòng tốt. Lòng tốt được nhận thấy ở những điểm sau đây:

  1. Lòng tốt tự phát là lòng tốt đã ăn sâu vào con tim, đã trở thành máu thịt và hơi thở của con người, để gặp một hoàn cảnh đáng thương, nó sẽ bộc lộ một cách hết sức tự nhiên và dễ dàng.

Lòng tốt này chúng ta nhận thấy nơi ĐG, tự nhiên thấy đám đông bơ vơ cũng “Chạnh lòng thương”,  tự nhiên thấy chiều tới là kêu các môn đệ: “Các con hãy cho họ ăn”

Lòng tốt này chúng ta thấy nơi hình ảnh của người Samari nhân hậu trong bài Tin Mừng hôm nay. Tự nhiên thấy người ta bị nạn, nhào xuống lấy dầu, lấy rượu xức, băng bó vết thương, còn chở vào quán trọ, bỏ tiền ra nhờ người ta chăm sóc vì mình có việc gấp phải đi.

Lòng tốt này tôi cũng nhận thấy nơi hình ảnh bà già trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Tự nhiên dựng một cái chòi lá sát mé lộ, để một sạp tre, một lu nước mưa. Con cháu hỏi để chi vậy? Bà nói để người ta đi đường có mỏi vào nghỉ, có khát vào uống. Ban đêm đốt cái đèn dầu treo toòng teng trong cái chòi. Người ta hỏi treo chi vậy? Bà nói treo cho người đi đường khỏi sợ ma, đi đêm mà thấy ánh sáng cũng an tâm, cũng ấm lòng hơn.

Lòng tốt này không nhiều nhưng chúng ta cũng thấy trong cuộc sống. Tự nhiên thấy người ta nghèo cũng thương, nghe người ta kể khổ cũng khóc, có nhiêu tiền cũng móc cho người ta. Tôi đang đi với một người, bỗng thấy anh hối hả qua bên kia đường, không biết chuyện gì? À, thì ra anh đi qua cho bà già ăn xin ít tiền. Bà đâu có kêu la, vậy mà anh vẫn thấy.

Lòng tốt tự phát này, người đời có thể gọi là “lòng tốt lãng xẹt”. Lòng tốt này không phải muốn là được, không phải tập một ngày một bữa là có, mà nó là kết quả của những việc tốt nho nhỏ hằng ngày được dệt kết trong ý thức mình là con Chúa, phải sống đạo yêu thương. Phần thưởng của lòng tốt tự phát này không gì khác hơn là niềm vui được làm thêm “những việc lãng xẹt”. Ví dụ, một đám bạn đi trước sân nhà thờ, một đứa nhào tới lấy miếng giấy hốt cục phân chó. Mấy đứa kia cười ha hả: “Thứ gì thấy cứt chó như thấy bánh!” Đối với người đời đó là “chuyện lãng xẹt”, còn đối với những ai có được lòng tốt tự phát đó, lại là một niềm vui, một niềm hạnh phúc. Một đám bạn chạy xe trên đường. Một đứa bỗng dừng lại, qua lộ, dắt bà già qua đường. Mấy đứa kia nói: “Rãnh quá hé!” Họ không mong chờ phần thưởng nào khác hơn là được làm nhiều những “chuyện lãng xẹt!”

  1. Lòng tốt không giới hạn là không phân biệt thành phần, đối tượng, đẳng cấp; không ranh giới gia đình, họ đạo, có đạo hay không có đạo… nhưng là lan tỏa cho tất cả mọi người, mọi thành phần, mọi ranh giới.

Đụng xe cái rầm trong xóm đạo, mọi người nhào ra xem, hai người bị thương như nhau. Bỗng một người la lên: “Thằng này đeo thánh giá, đem nó đi trước, còn thằng kia đeo ông Phật, để đó tính sau”. Đó là giới hạn của tình yêu.

Cha Piô Ngô Phúc Hậu kể chuyện: Ông Năm có hai bà vợ, người ta gọi là bà Năm lớn, bà Năm nhỏ. Từ khi ông Năm chết, hai bà Năm về sống chung nhà. Một hôm cha Hậu lại thăm bà Năm nhỏ, tặng bà một xâu chuỗi. Bà xin thêm một xâu nữa cho bà Năm lớn. Ai nói tình yêu không thể san sẻ đâu?!

Họ đạo nọ cha sở khó lắm, nên có người không thương cha. Ngược lại cha phó rất vui vẻ, hoạt bát, dễ thương. Một hôm cha phó đi thăm một bà già bệnh tật trong họ đạo. Khi cha về, bà nói: “Con sẽ cầu nguyện cho cha”. Cha phó nói: “Cầu nguyện cho cha sở nữa”. Bà già trả lời: “Không, cha sở khó quá, con không cầu nguyện cho cha sở. Cha phó dễ thương, con cầu nguyện cho cha phó!” Cha phó bảo: “Nếu bà không cầu nguyện cho cha sở thì tôi không đến thăm bà nữa!” Bà già nói: “Vậy con sẽ cầu nguyện cho cha sở, cha phó luôn, nhưng cha phó nhiều hơn!”. “Vậy cũng được!”– cha phó trả lời cho bà ta. Cha phó đang tập cho giáo dân mình biết sống tình yêu thương không giới hạn.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay làm nỗi bật chủ đề yêu thương, đó là đạo làm người, và nhất là đạo làm con Chúa. Tình yêu thương này phải là một tình yêu thương tự phát và không có giới hạn. Nghĩa là nó trở thành nhịp thở của trái tim ta, nó trở thành phản ứng tự nhiên của ta.

Xin ơn Chúa giúp qua lời bầu cử của Mẹ Maria, thánh cả Giuse và cha Phanxicô Trương Bửu Diệp cho mỗi người chúng ta luôn ý thức để sống đạo làm người, đạo làm con Chúa qua việc trau giồi đời sống yêu thương.f