CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C
DẤU CHỈ NIỀM HY VỌNG
Lm. Giuse Nguyễn
Thư Mục vụ Mùa Vọng – Giáng Sinh 2024 của Đức Giám Mục Giáo phận Cần Thơ có đoạn như sau: “Lời Chúa phán được thực hiện nơi Chúa Giêsu Giáng Sinh đã 2024 năm… Nhưng lời Chúa phán chỉ thực sự được thực hiện nơi mỗi chúng ta qua việc chúng ta tin nhận, gặp gỡ và nhất là làm chứng hữu hiệu cho Tin mừng Hy Vọng của Người cho mọi người, nhất là cho những người còn xa cách và chưa biết Chúa”.
Chủ đề của Chúa Nhật III Mùa Vọng luôn luôn là niềm vui, nhưng năm C, đặc biệt là năm Mục vụ mới – Năm Thánh 2025 thì niềm vui xuất phát bởi những con người là dấu chỉ của niềm hy vọng vì chính họ đã sống niềm hy vọng đó.
Bài đọc I (Xp3, 14-18a): vào khoảng thế kỷ thứ VII trước công nguyên, trong hoàn cảnh đất nước Do Thái thật tồi tệ, bên ngoài thì bị kẻ thù vây hãm để xâm lăng, bên trong thì đời sống đạo đức suy đồi. Trong hoàn cảnh như vậy, nhưng tiên tri Xôphônia vẫn có tinh thần lạc quan và mời gọi dân chúng “Hãy reo vui lên! Hãy hò vang dậy đi nào!”. Tại sao? thưa vì: “Án lệnh phạt ngươi Đức Chúa đã rút lại”, vì “Thù địch ngươi Đức Chúa đã đẩy lùi xa”. Tại sao nữa? Thưa tại vì: “Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa người”. Tiên tri Xôphônia mời gọi dân chúng vui lên vì niềm hy vọng vào Đức Chúa sẽ cứu thoát dân, do đó ông trở thành chứng nhân của niềm hy vọng.
Còn trong bài Tin Mừng (Lc 3, 10-18): Luca giới thiệu cho chúng ta một trong những khuôn mặt nổi bật trong mùa Vọng, đó chính là Gioan Tẩy Giả. Sự xuất hiện của ông trở thành dấu chấm hỏi cho những người thời bấy giờ, vì ông được thành hình trong khi cha mẹ ông đã già nua. Ông vào hoang địa sống một đời sống khắc khổ trong khi gia đình ông thuộc hạng trung lưu, và người thời đó đang tìm cách để sống hưởng thụ… Chính vì vậy khi ông xuất hiện, mọi người đã tuôn đến với ông để nhờ ông hướng dẫn, chỉ bảo. Một câu hỏi được lặp lại nhiều lần trong bài Tin Mừng hôm nay là: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Mọi hạng người đều hỏi Gioan như vậy, chứng tỏ mọi người đều mong muốn cho mình được một niềm vui, hạnh phúc thực sự. Và tùy theo đối tượng mà Gioan đã chỉ dạy họ phải làm những việc cụ thể để có được niềm vui đích thực. Thực tế đó cho thấy Gioan trở thành dấu chỉ niềm của hy vọng.
Khi sự xuất hiện của một người hoặc một nhóm người làm cho cuộc sống người khác xáo trộn theo hướng tiêu cực thì đó là dấu chỉ của sự thất vọng. Ví dụ những ngày cận Tết, người ta nghe có những nhóm tội phạm về những vùng quê để trộm cắp, để lường gạt… điều đó làm cho cuộc sống của người dân bất an. Chính họ trở thành dấu chỉ của sự thất vọng, vì họ làm những điều đáng thất vọng.
Ngược lại khi một ai đó xuất hiện khiến người khác phải đặt dấu chấm hỏi vì họ quay trở về nơi sâu thẳm của tâm hồn để thúc bách họ phải thay đổi, phải hướng về điều lành… thì đó là dấu chỉ của niềm hy vọng.
Chẳng biết Gioan nói gì, làm gì mà từ dân chúng đến những người thu thuế, các quân nhân và nơi khác còn liệt kê cả những cô gái điếm đều đến để hỏi Gioan: “Chúng tôi phải làm gì?” Rõ ràng Gioan đã khuấy động tâm hồn họ và họ hoàn toàn đã thay đổi theo hướng tích cực.
Gioan đến để làm chứng cho Đấng Messia, Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu Kitô. Chính Ngài sẽ giải thoát con người khỏi những đau khổ và sự chết của thế gian này để đưa họ đến với hạnh phúc thuở ban đầu, hạnh phúc trong vườn địa đàng mà tổ tông loài người đã đánh mất vì bất phục tùng.
Mỗi dịp Mùa Vọng là mỗi lần chúng ta được nhắc lại về niềm hy vọng. Do đó hơn ai hết chính chúng ta phải là những người bị khuấy động tâm hồn để chấn vấn lại về lối sống chính mình: “Tôi phải làm gì?”
Người đời dựa vào tầm ảnh hưởng để kết thân. Nếu đó là một người có thế giá, người có thể giúp tôi được việc này việc nọ, hay đơn giản chỉ là người nổi tiếng… thì họ cảm thấy vui, hạnh phúc, dù đôi khi họ cũng phải đánh đổi rất nhiều.
Niềm vui, hạnh phúc của Kitô hữu là ở nơi Chúa. Do đó, họ không cần cậy dựa vào bất cứ thế lực nào, mà chỉ cần nép mình bên Chúa, xem mình đã sống đúng với những gì Chúa hướng dẫn chưa? Người đời sợ làm phiền lòng người khác, sợ người khác giận, người khác buồn, người khác nghỉ chơi với mình… Còn Kitô hữu phải sợ khi mình sống sai, sống khác với Tin mừng của Chúa Giêsu.
Kế đến Kitô hữu còn phải trở thành dấu chỉ của niềm hy vọng khi họ sống trọn vẹn niềm hy vọng đó để trở thành dấu hỏi cho người khác. Cách sống của Kitô hữu phải làm khuấy động những người bên cạnh.
Những dấu hỏi rất thường tình: Tại sao người Công giáo đi lễ hàng tuần? Tại sao người Công giáo không gian dối? Tại sao người Công giáo không ly dị? Hoặc tại sao “những người có đạo” sống đoàn kết yêu thương? Họ sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn?… Những dấu hỏi này ngày hôm nay coi chừng không còn nữa hoặc nếu có còn cũng không còn sức hấp dẫn, không đủ khuấy động đời sống người khác, đơn giản vì người Công giáo cũng giống hệt, thậm chí thua những người lương dân.
Dấu chấm hỏi về niềm hy vọng mai sau nơi cách sống của Kitô hữu mới là quan trọng. Họ không mê tín dị đoan, không coi ngày giờ mỗi khi gia đình có sự kiện; Họ không hoảng loạn khi gặp những tai ương; Họ khước từ những nguồn lợi bất chính; Họ sống vui tươi, hòa nhã với những người xung quanh; Họ sống tốt tư cách một người công dân và góp phần làm cho xã hội thêm lành mạnh…
“Chúng tôi phải làm gì?” là câu hỏi khuấy động mỗi người chúng ta trong Mùa Vọng năm nay để chỉnh sửa lối sống của mình và nhất là để góp phần làm khuấy động đời sống người khác vì chúng ta đã sống đúng niềm hy vọng của mình.
Xin Mẹ Maria là Sao Mai dẫn đường chúng con bước đi theo Đức Giêsu Kitô, Con của Mẹ giúp chúng con trở thành ánh sao lạ để dẫn mọi người đến với Chúa.