Đêm Trung Thu Nói Chuyện Con Thỏ
(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 313)
Bạn thân mến,
Truyện cổ tích Trung Hoa, có kể lại sự tích “Con Thỏ Ngọc” trên mặt trăng như sau:
Thuở ấy, Ngọc Hoàng Thượng Đế, muốn biết dân cư dưới trần gian sinh sống ra sao, nên đã sai một ông Tiên xuống trần gian để quan sát.
Ông Tiên giả dạng làm một người ăn mày, ăn xin, già yếu, ăn mặc rách rưới, đi lang thang khắp đó đây, vào một buổi chiều mùa đông, trong mưa dông giá lạnh.
Nhà đầu tiên mà ông lão ăn xin, đến gõ cửa để xin trọ, là nhà của con chó sói.
Vừa hé cửa ra, trông thấy ông lão già nua, ăn mặc rách rưới, chó sói ta bèn nhe nanh ra, trợn mắt lên, và sủa thật to, để xua đuổi ông già đi.
Sợ quá, ông lão bèn vội vàng rút lui, mau mau ra khỏi chốn nguy hiểm đó.
Nhà thứ hai, ông lão ăn xin gõ cửa, để xin trọ, là nhà của con cáo.
Vừa hé cửa ra, trông thấy ông lão già nua, ăn mặc rách rưới, con cáo ta chửi mắng liên hồi, rất thô lỗ, với những lời lẽ thậm tệ thật khó nghe, với những lý lẽ không đâu, rồi cuối cùng đã đuổi ông lão đi, mà chẳng cho tí gì.
Buồn tủi quá, ông lão lại tiếp tục lang thang trong cơn mưa dông giá lạnh, mong tìm kiếm được một nhà khác để trọ.
Nhà thứ ba, ông lão ăn xin gõ cửa, để xin trọ, là một căn nhà bé nhỏ của con thỏ trắng.
Thấy ông lão run rẩy trong cơn rét run, Thỏ trắng vội vàng mở rộng cửa ra, mời ông lão vào nhà, và dìu ông đến ngồi bên lò lửa, để sưởi cho ấm. Thỏ lấy chăn mền phủ lên mình ông, và lấy quần áo ướt của ông, đem hong bên lò sưởi cho mau khô.
Một lúc sau, ông lão rên rỉ: “Cậu thỏ ơi, tôi đang đói lắm. Đã mấy ngày nay rồi, tôi đã không có một cái gì để cho vào bụng, cậu có gì cho tôi ăn được không? Nếu không, chắc là tôi chết mất”.
Thỏ trắng nhanh miệng thưa: “Thưa ông, mùa đông năm nay kéo dài quá lâu, cho nên rau cỏ, và mọi thứ lương thực dự trữ trong nhà, cháu đã ăn hết sạch rồi.
Nhưng mà thưa cụ, cụ cứ yên tâm đi, thế nào cháu cũng tìm được thức ăn cho cụ”.
Nói xong, Thỏ trắng, đến bên đống củi, ôm từng bó củi, liên hồi thảy vào lò sưởi, làm cho ngọn lửa cháy bùng lên thật cao, khối lửa cháy thật to.
Ông lão thắc mắc mãi việc con thỏ đang làm, mà chẳng hiểu tí gì. Bởi ngọn lửa thì đã quá lớn, quá cao, đâu có cần thiết cho một căn phòng quá bé nhỏ như thế này.
Đang lúc ông lão miên mang suy nghĩ, thì bỗng, ông lão thấy con thỏ nhảy thẳng vào đống lửa đang cháy bầng bầng.
Vì quá bất ngờ, ông lão cứ loay hoay mãi mới tìm thấy một thanh củi dài, và đã đưa được con thỏ ra ngoài. Nhưng đã quá muộn. Con thỏ đã bị chết cháy. Toàn thân đen ngòm. Và da thịt của thỏ đã chín, mùi thơm xông lên khắp cả nhà.
Thì ra, con thỏ đã tự ý, tự nguyện, hy sinh chính bản thân của mình, để làm một món ăn cho ông lão ăn mày ăn xin, đang trong cơn đói lã sắp chết.
Khi về trời, ông lão mới tường trình tất cả mọi sự với Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Ngọc Hoàng Thượng Đế liền cho triệu hồi con chó sói và con cáo tới, để hạch tội, để trừng phạt, và phạt một cách nặng nề. Phạt vì cái tội khinh người. Phạt vì cái tội coi thường người khác, nhất là phạt vì cái tội khinh dễ người nghèo, tội không kính trọng người già yếu.
Còn con thỏ trắng, thì cũng được Ngọc Hoàng Thượng Đế triệu hồi tới, nhưng là để khen thưởng. Khen vì đã biết sống quảng đại với người khác. Khen vì biết nghĩ đến người khác, nhất là khen vì biết hy sinh cho người khác, hy sinh đến quên cả chính bản thân mình.
Thế là Ngọc Hoàng Thượng Đế bèn tưởng thưởng con thỏ, phong cho nó làm thần, cai quản Cung Trăng.
Do tích chuyện đó, mà người Trung Hoa ngày nay, vẫn gọi mặt trăng là Ngọc Thố.
Đây chỉ là một câu chuyện cổ tích, không có thực. Nhưng ý nghĩa của câu chuyện rất đáng cho chúng ta suy nghĩ:
Con chó Sói và Con cáo, khi đến trước mặt Ngọc Hoàng Thượng đế, thì mới biết ông lão ăn mày ăn xin, già yếu, ăn mặc rách rưới đó là ông Tiên, nên chúng rất hối tiếc, rất ân hận, vì đã đối xử rất tệ bạc đối với ông lão trước đây. Chúng đã hối tiếc, vì đã đối xử thiếu ân cần, thiếu lịch sự, thiếu tình người, và nhất là thiếu đạo đức đối với ông lão.
Nhưng, giờ đây sự hối tiếc của chúng đã quá trễ, đã quá muộn. Những hối tiếc của chúng, đã không giúp ích gì được cho chúng. Thế là chúng đã không còn có cơ hội, để chuộc lại những lỗi lầm của mình, để có thể trở thành thánh, thành thần, thành tiên. Cơ hội qua đi rồi, không bao giờ trở lại được nữa.
***
Bạn thân mến,
Chuyện con chó Sói và Con cáo trên đây, đã làm cho chúng ta liên tưởng đến câu chuyện Chúa Giêsu trở về quê quán của mình, đã bị mọi người xua đuổi, đã bị mọi người chối từ.
Phúc âm theo thánh Marcô đoạn 6 câu 1, kể lại như sau:
Vào ngày Sa-bat. Chúa Giêsu vào Hội đường, và bắt đầu giảng dạy. Nhiều người rất đỗi ngạc nhiên, và nói lên sự thán phục của mình:
– Bởi đâu, ông ta lại được như thế.
– Sao ông ta được khôn ngoan đến như vậy.
– Bởi đâu ông ta làm được những sự lạ thể ấy?
Nhưng rồi, khi nhìn lại dáng vẻ bên ngoài của Chúa Giêsu, họ lại thấy: sao ông ta tầm thường quá như vậy.
– Ông ta chỉ là con của bác thợ mộc Giuse và bà Maria đây mà.
– Trước kia ông ta cũng đã từng là thợ mộc ở địa phương này.
– Anh em của ông là Giacôbê, là Giuse, là Giuđa, là Simon … Tất cả họ, đều đang ở giữa chúng ta đây mà.
Thế là, vì những dáng vẻ bên ngoài tầm thường đó, nên họ đã không tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, đã giả dạng làm một con người bình thường, đến sống giữa họ.
Bởi, họ chỉ biết, đó là ông thợ mộc, con của ông thợ mộc Giuse.
Họ chỉ biết gia đình Chúa Giêsu rất là nghèo, một gia đình chẳng có danh giá gì ở trong làng.
Họ coi thường Người. Họ không tin Người là Đấng Cứu Thế. Họ hất hủi Người. Họ đã bỏ lỡ cơ hội nghìn năm một thuở, để đón tiếp Chúa Giêsu, một Vị Cứu Thế đến với họ.
Và Kinh Thánh nói: Chúa Giêsu đã không làm một phép lạ nào ở đó. Người đã rời bỏ Nagiarét, quê hương của mình, để đi đến những làng chung quanh. Và Chúa đã không bao giờ trở lại Nagiarét nữa.
Hằng ngày, chúng ta cũng đã từng bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội giống như thế.
Ta đã bỏ lỡ cơ hội không tiếp đón Chúa đến thăm, khi ta bịt mắt, để không nhìn thấy những hoàn cảnh khổ đau của những người sống chung quanh ta.
Ta đã bỏ lỡ cơ hội không tiếp đón Chúa đến thăm, khi ta bưng tai, không chịu nghe những tiếng kêu than khóc lóc của những người đau khổ, đang sống bên cạnh ta.
Ta đã bỏ lỡ cơ hội không đón tiếp Chúa đến thăm, khi ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã của những người đau khổ, khi ta ngoảnh mặt quay lưng, trước những nạn nhân bị thiên tai dịch bệnh, hay gặp hoạn nạn tai ương này khác.
Nhất là ta đã bỏ lỡ cơ hội không nghe thấy tiếng Chúa cảnh báo ta, để lo mà ăn năn sám hối, để ta tử bỏ con đường cũ thiếu lương thiện của ta, để mà sớm lo cải tà qui chánh.
Chúa đã nhắc nhở ta rất nhiều lần, và qua rất nhiều cách khác nhau: nào là qua cha mẹ, nào là qua các vị bề trên, nào là qua lời khuyên của những người thân, nào là qua những lời phê phán của những kẻ thù ghét ta, nào là qua các tai nạn này khác, Chúa gởi tới để cảnh tỉnh ta.
Hôm nay, Chúa vẫn còn tiếp tục nhắc nhở ta. Nếu ta không nghe, nếu ta không chịu làm theo, thì biết đâu hôm nay sẽ là lần cuối cùng, và sẽ là cơ hội chót cho cuộc đời ta.
Chúa sẽ không bao giờ nhắc nhở ta nữa. Coi chừng Chúa sẽ bỏ ta mà đi, như đã từng bỏ làng Nagiarét và không bao giờ trở lại.
Nếu như thế thì nguy hiểm biết chừng nào cho linh hồn ta, cho phần rỗi đời đời của ta.
Ta nên nhớ: Để nhận ra Chúa, chúng ta phải lo rèn luyện cho mình có được một đức tin thật vững mạnh, bằng những việc đạo đức chúng ta cố gắng làm hằng ngày, bằng việc lãnh nhận các bí tích.
Chúng ta biết: Ánh mắt đức tin, sẽ giống như ngọn đèn, soi chiếu vào đêm tối, sẽ giúp ta nhận ra Chúa trong anh em, hay trong những biến cố Chúa gửi đến.
Rồi, để đón tiếp Chúa, chúng ta còn phải lo rèn luyện cho mình có được một trái tim luôn biết yêu thương, luôn biết rộng mở đối với mọi người, rộng mở một cách quảng đại.
Với một trái tim yêu thương và quảng đại như thế, chúng ta sẽ có một tâm thức bén nhạy, để nghe được tiếng Chúa nói với ta, dù tiếng nói ấy có khi chỉ là tiếng thầm trong sâu thẳm lòng mình, có khi tiếng nói đó được nói lên trong đêm tối.
Với một trái tim yêu thương và quảng đại như thế, chúng ta sẽ hiểu được những dấu chỉ của Chúa muốn nói với ta, dù những dấu chỉ ấy, có khi chỉ xuất hiện một cách mơ hồ và thoáng qua, trong một biến cố nào đó.
Và cuối cùng, với một trái tim yêu thương và quảng đại như thế, chúng ta sẽ nhận ra được khuôn mặt của Chúa thật rõ nét, dù cho khuôn mặt ấy, có khi đã bị biến dạng, do những đau thương thê thảm của cuộc đời.
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết tỉnh thức, luôn ở trong tư thế sẵn sàng, để có thể nhận ra Chúa đang đến với con, trong mọi tình huống của cuộc sống. Amen.