Tham dự Đại hội Gia đình Thế giới 2018 tại Dublin Ireland, chỉ có bốn anh em linh mục chúng tôi là: Giuse Hoàng Ngọc Dũng, Gioan Baotixita Nguyễn Quang Tuyến, Giuse Nguyễn Hữu An và cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ từ Italia qua.

Từ sân bay Dublin, anh chị em Volunteer đón và đưa chúng tôi về Maynooth University Campus; một làng đại học rộng mênh mông, nhiều cây xanh rợp bóng toàn khuôn viên. Đang mùa hè nên không gian nơi đây thật tĩnh lặng.

Nước Cộng Hòa Ireland có 4,75 triệu dân, người Công Giáo với 84% dân số. Ireland còn gọi là Ái Nhĩ Lan hay Ai Len, được xem là một trong những quốc gia có điều kiện sống tốt nhất thế giới và vừa được xếp thứ 5 toàn cầu về chỉ số phát triển con người. Đây là một đất nước thuộc Châu Âu nhưng không nằm trong khối 28 nước Schengen. Đất nước nổi tiếng với vẻ đẹp yên bình và những lâu đài tráng lệ như cổ tích.

1. Tham quan

Ba anh em chúng tôi đến trước vài ngày và đi xe lửa, xe buýt tham quan một số nơi về đất nước thanh bình và xinh đẹp này. Phương tiện di chuyển công cộng ở Ai Len không có metro như một số nước châu Âu mà chỉ có xe buýt, xe điện (tại đây gọi là Luas) và xe lửa là chủ yếu.

Xem Hình

Ngày 21/8, chúng tôi đi 2 chặng xe buýt hơn 200km về phía tây bắc của hòn đảo Ai len, hành hương đến Knock Shrine, nơi Mẹ Maria hiện ra vào năm 1879. Thánh Gioan Phaolô II đã đến viếng đền thánh này vào năm 1979. Chúng tôi hiệp thông Thánh Lễ khai mạc đại hội và tham dự cuộc rước kiệu Đức Mẹ. Chúa Nhật 26.8, Đức Thánh Cha Phanxicô đến kính viếng đền thánh Đức Mẹ Knock. Đây là trung tâm kính Đức Mẹ và cũng là điểm hành hương của các tín hữu Ai Len. Mỗi năm có hơn 1,5 triệu tín hữu đến kính viếng đền thánh.

Đức Mẹ hiện ra với 15 tín hữu Ai len

Ngày 21/8/1879, trong khi trời mưa như trút nước tại ngôi làng Knock, thì có 15 người dân làng, tuổi từ 6-75, đã được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra tại ngôi nhà thờ nhỏ đơn sơ của giáo xứ. Họ cũng thấy hai nhân vật khác mà họ tin là thánh Giuse và thánh Gioan thánh sử ở bên cạnh Đức Mẹ. Theo lưu truyền, những người được thị kiến đã cầu nguyện hai tiếng đồng hồ dưới trời mưa mà không bị ướt, trong khi ba nhân vật im lặng và sau đó biến đi.

Vài tuần sau sự kiện lạ thường gây xôn xao khắp Ai len đó, giáo quyền đã thành lập một ủy ban để đánh giá “sự đáng tin” của các nhân chứng. Một thời gian không lâu sau, Knock đã trở thành địa điểm hành hương quan trọng đối với người dân Ai len. Mỗi năm có hơn 1,5 triệu tín hữu hành hương đến nơi này.

Đền thánh Đức Mẹ cũng có liên quan đến những thời khắc lịch sử hiện đại của Ai len: tháng 8/1940, 50 ngàn người Ai len đã tham gia cuộc hành hương vì hòa bình thế giới và Ai len. Năm 1954, nhân Năm Thánh mẫu do ĐGH Pio XII công bố, hơn 1 triệu tín hữu hành hương đã đến Knock, nơi mà ĐGH muốn đội triều thiên cho tượng Đức Trinh nữ Maria.

Đền thánh mới

100 năm sau sự kiện Đức Mẹ hiện ra, một đền thánh lớn được xây dựng tại Knock. Viên đá đầu tiên được ĐGH Phaolô VI làm phép vào năm 1973 và 6 năm sau, ngày 18/7/1979, đền thánh được hoàn thành.

Đền dựa trên 32 cây cột, tượng trưng cho 32 quận của ai len. Bên cạnh còn có 5 nhà nguyện nhỏ dâng kính “Đức Bà Knock, thánh Giuse, thánh Gioan thánh sử, Thánh Tâm Chúa Giêsu và thánh Columbus.

Trung tâm thánh mẫu Knock phát triển là nhờ có công sức của đức ông James Horan, giám đốc đền thánh từ năm 1967-1986, người được xem như người thợ xây của Knock. Đức ông không những là người xây dựng đền thánh hiện đại nhưng còn đóng góp vào việc xây dựng phi trường quốc tế Knock.

Đức Mẹ Knock trong trái tim của những người di dân Ai len

Ngày 30/9/1979, khi đến viếng đền thánh Đức Mẹ Ai len, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Mỗi lần một khách hành hương đến nơi này, nơi từng là một ngôi làng tăm tối sình lầy ở Quận Mayo, mỗi lần một người nam, hay người nữ hoặc một đứa trẻ vào trong ngôi nhà thờ cũ – nơi Đức Mẹ hiện ra, hay vào trong đền thờ mới của Đức Mẹ Ai len, là để canh tân đức tin của mình vào ơn cứu độ do Chúa Giêsu mang lại, Đấng đã biến đổi tất cả chúng ta thành con cái của Thiên Chúa và những người thừa kế Nước Trời”. Đó là một đức tin mà những người con của Ai len, di tản khắp nơi trên thế giới, luôn mang trong lòng mình, qua hình ảnh Knock Muire, “ngọn đồi của Đức Maria”, nhắc nhở các người con Ai len, dù cho họ ở bất cứ nơi đâu.(Hồng Thủy).

2. Chương trình đại hội

Hàng ngày có xe bus đưa đón, 7 giờ sáng đi và hơn 8giờ tối mới về tới nhà. Ai len thuộc Bắc Âu nên dù đang mùa hè nhưng tiết trời rất lạnh, sáng sớm 7độ đến trưa chiều khoàng 12-15độ, suốt ngày trời nhiều mây và chất chợt có những cơn mưa rào, gió lạnh nên rét buốt, đôi khi có nắng nhẹ tiết trời có ấm lên đôi chút.

Tại trung tâm đại hội, có nhiều hội trường rộng lớn với sức chứa hàng ngàn người. Nhiều đề tài do các diễn giả nổi tiếng trên thế giới trình bày. Ai muốn chọn chuyên đề nào thì lấy phiếu tham dự. Có những phòng hội thảo. Có phòng cầu nguyện, nhiều người đến quỳ gồi chầu Thánh Thể; đủ mọi màu da, ngôn ngữ, cùng thinh lặng thờ phượng Chúa với lòng sốt mến. Có nơi dành riêng cho mọi người đến xưng tội. Có phòng dành cho các nhóm quy tụ chia sẻ Lời Chúa. Có những sinh hoạt dành cho giới trẻ. Có công viên rộng thoáng dành cho thiếu nhi sinh hoạt. Một hội trường rộng lớn, nhiều gian hàng triển lãm, trưng bày, mọi người đến tham quan mua sắm.

Thánh lễ mỗi ngày lúc 4g30 chiều tại sân vận động. Các vị Hồng Y, hơn 200 Giám mục và khoảng 500 linh mục đồng tế, hàng chục ngàn giáo dân dự lễ. Trời lạnh và những cơn mưa bất ngờ. Đoàn đồng tế và cộng đoàn đều mặc áo mưa dự lễ, bầu khí thánh thiêng và sốt sắng.

3. Đại hội gồm có 4 mốc thời gian chính.

– Ngày 21/8: Khai mạc Đại hội Gia đình đồng thời tại tất cả các giáo phận ở Ai len.

– Từ 22–24/8: có 3 ngày Hội nghị diễn ra tại Cung thể thao Dublin (RDS, Ballsbridge, Dublin 4), với các bài thuyết trình, hội thảo và thảo luận; triển lãm và các hoạt động văn hoá nghệ thuật, cử hành Thánh Lễ hàng ngày, các hoạt động phụng vụ và cầu nguyện. Mỗi ngày suy tư về chủ đề đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn: “Tin Mừng của Gia Đình: Niềm vui cho thế giới”.

– Tối 25/8: Lễ hội gia đình. Đây là thời gian của lễ hội, nơi mọi người quy tụ lại để mừng hồng ân của gia đình từ viễn tượng chủ đề cụ thể của Đại hội Gia đình Thế giới. Một lễ hội văn hoá, âm nhạc, khiêu vũ, ca hát trong khung cảnh cầu nguyện và vui tươi, có những câu chuyện kể của các gia đình từ khắp nơi trên thế giới.

– Chiều 26/8: Thánh lễ bế mạc. Đại hội Gia đình Thế giới 2018 kết thúc bằng một Thánh Lễ trọng thể tạ ơn Ba Ngôi Thiên Chúa, vì hồng ân gia đình và cho sự thánh hóa gia đình.

Cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ tóm kết những sinh hoạt đại hội mỗi ngày.

a. Ngày 22.8.2018: Chủ đề, Gia đình và Đức tin

(Chương 1-3 của Tông Huấn AMORIS LAETITIA)

Nhóm chính do ĐHY Christoph Schonborg, Tổng giám mục Vienna, Áo quốc, chủ tọa cuộc tọa đàm về đề tài: Dưới ánh sáng Lời Chúa, cử hành gia đình trong truyền thống Do thái-Kitô từ 10-11g, tại phòng hội số 8C. 

Nhóm thứ hai tại phòng số 2 nói về chủ đề Thông truyền Đức tin trong gia đình hôm nay, Đức cha Brendan Laehy, Giám mục Limerick, Irlanda, chủ toạ và có nhiều những chứng từ khác nhau đến từ mọi Châu lục.

Các gia đình chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Người già truyền Đức tin cho con cháu, chú trọng đến trẻ con, nói cho chúng biết về Thiên Chúa ngay từ nhỏ. Tập cho chúng gặp Chúa mỗi ngày bằng việc cầu nguyện trong gia đình.

Tất nhiên việc đó không dễ dàng trong đời sống gia đình hôm nay. 

Một đôi vợ chồng đã kể kinh nghiệm của gia đình mình:”Vợ chồng chúng tôi tập tha thứ cho nhau. Làm gương cho con cái. Khi cầu nguyện, chẳng hạn, chúng tôi bảo đứa con nhỏ đốt lên một ngọn nến để cầu nguyện. Tập cho chúng nó biết sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình. Ngay cả khi hai anh em chúng nó buồn giận nhau, cần giúp chúng xin lỗi nhau. Muốn vậy, vợ chồng chúng tôi cũng làm gương, biết nói lên lời xin lỗi nhau. Chúng tôi cảm thấy việc truyền Đức tin cho con cái và làm gương sống Đức tin là vẻ đẹp của gia đình hôm nay”.

Một đội vợ chồng khác nói tiếng Tây ban Nha.Bà vợ một giáo sư tâm lý giới thiệu gia đình với 10 người con. Bà nói:”Giáo dục là trao ban cả cuộc đời cho chúng, làm chứng cho chúng, cho chúng thấy hạnh phục thật sự của gia đình”.

“Cha mẹ cần đón nhận con cái với cả niềm vui”. Nhiều lần việc giáo dục quả thật là khó khăn, nhưng chúng ta phải học hỏi mỗi ngày. Cha mẹ là nhà giao dục đầu tiên của chúng. Đó là ơn gọi của cha mẹ mà mỗi người chúng ta phải đápn trả”.

“Bài học đầu tiên về tình yêu, về Đức tin từ trong gia đình.”.

“Chứng nhân là chính chúng ta. Tôi đã đón nhận từ cha mẹ tôi, tức là ông bà ngoại của chúng, tôi cảm thấy cần truyền lại cho con cái chúng tôi.”.

“Đọc kinh cầu nguyện chung mỗi ngày một cách tự nhiên.”.

“Cảm nhận Thiên Chúa luôn gần gũi con người. Luôn yêu mến Đức Mẹ, noi gương Đức Mẹ”.

“Tham dự các nhóm gia đình, thân hữu, trao đổi kinh nghiệm giao dục.”

“Tạo niềm tin cho con cái, gần gũi chúng qua các giai đoạn khi chúng lớn lên.”

“Yêu thương chúng, quan tâm đến đời sống của chúng, nói cho chúng biết về Thiên Chúa, kể cho chúng về các thánh.”.

Một bà khác nói: Chúng tôi đã 40 năm cưới nhau. Bây giờ đã có 3 đứa con và 5 đứa cháu. “Chúng tôi đọc Tông huấn AMORIS LAETITIA, GLHTCG. Nói về Đức tin và tìm cách truyền lại cho con cháu. Tham dự vào phong trao gia đinh, xây dựng gia đình như Giáo hội tại gia. Cần có 4 chiều kích: cộng đoàn, huấn luyện, loan truyền bằng đời sống và cầu nguyện; như một chiếc xe bốn bánh, không để cho bánh xe nào bị xì hơi!

Trong các phòng khác, chẳng hạn phòng 3 nói về bổn phận của gia đình và giáo xứ trong việc hỗ trợ những gia đình đang cần sự giúp đỡ; phòng 8D nói về mục vụ gia đình dưới ánh sáng của AMORIS LAETITIA. Đặc biệt tại Phòng 2, hội trường kín hết chỗ ngồi, ĐHY TAGLE nói về sự chọn lựa trong đời sống: ĐGH Phanxico và văn hoá hoang phí. “Đừng phí phạm, hãy xử dụng cho đúng”. Ngài kể câu chuyện chiếc đồng hồ mà mẹ ngài đã tặng cho đến bây giờ ngài vẫn còn mang trong tay mặc dù nhiều người bảo ĐHY mà lại mang chiếc đồng hồ như vậy ư! Là người, cần sống mối tương quan, ngay cả với người xa lạ, đối với người tỵ nạn cũng vậy. Là thành viên của Caritas quốc tế, khi tôi thăm viếng họ, tôi luôn nhìn như một con người.

Một tệ nạn xã hội hôm nay là việc mua bán người. Người tỵ nạn là anh chị em của chúng ta.

Chồng, vợ là những ân huệ, món quà cho nhau. Một món quà chứ không phải một vấn đề! Cùng chia sẻ cho nhau tất cả mọi sự trong nhà: vui buồn, khổ nhọc, cùng cộng tác với nhau trong cuộc hành trình.

Ngài hỏi: Trong phòng này có bao nhiêu bà vợ? Nhiều người đưa tay lên. Thế có bao nhiêu bà vợ hanh phúc, ngài hỏi tiếp. Cũng nhiều người đưa tay lên….Những tiếng cười và những tràng vỗ tay làm căn phòng ấm lên, chan hòa niềm vui.

Buổi chiều cũng có nhiều bài thuyết trình với nhiều chủ đề khác nhau. 

Đến 4g30, thánh lễ do ĐHY Oswald, Gracias, Tổng giám mục Bombay chủ tế và thuyết giảng về Thánh Gia nhân lễ Đức Mẹ Trinh Nữ Vương.

b. Ngày 23.08: Chủ đề: Tình yêu mang lại hoa trái: AMORIS LAETITIA về việc đón nhận ân huệ sự sống mới. 

Chủ tọa là Đức Tổng Giám Mục Aemon Martin và các thuyết trình viên đến từ Mỹ, Anh và Bắc Ái nhĩ Lan. Cùng một giờ còn có bài nói chuyện về kho tàng bị chôn dấu: Thần học thân xác của thánh Gioan Phaolô II, do giáo sư Rocco Buttiglione, dạy trong các học viện Âu châu về triết học và lịch sử, giáo sư chính của Học Viện Gioan Phaolô II. 

Niềm vui và khó khăn của cha mẹ hôm nay

Không có gia đình nào là hoàn hảo,vì vậy chúng ta phải học biết luôn.Các bậc làm cha làm mẹ cũng phải học.Khi sinh con, rửa tội cho con…rồi chúng lớn lên.

Dưới ánh sáng của AMORIS LAETITIA, chúng ta hãy tìm hiểu để giáo dục con cái mình, để truyền đạt đức tin cho con cái mà ĐGH đã viết ra sau hai THĐGM về gia đình.

Sư phạm gia đình theo Đức Thánh Cha Phanxico là việc đầu tiền cần có một cái nhìn, cái nhìn Đức tin. Dạy cho con cái biết tại sao phải tin vào Thiên Chúa. Giúp con cái nhận biết ngay từ nhỏ, với sự giúp đỡ của giáo xứ, của ông bà nội ngoại…, nhất là bằng việc làm chứng.

Thiên Chúa hằng yêu chúng ta. Ngài làm nên mọi sự cho chúng ta. Ngài là Chúa của sự sống.

Sự sống là kết quả của tình yêu Thiên Chúa và với sự cộng tác cua con người, là một giá trị tuyệt đối. Chỉ có Thiên Chúa mới là chủ của sự sống. Cho nên cần phải chống lại việc phá thai.

Bổn phận của cha mẹ cũng phải dạy cho con cái, hướng dẫn chúng về ơn gọi tu trì. Cùng phân định với con cái để có sự chọn lựa. Phân định để nhận biết tiếng của Thiên Chúa nói gì trong lòng mình….ngay cả việc giải trí, thể thao, chẳng hạn mình thích chơi bóng rỗ nhưng không bao giờ chơi…. Vậy phải làm gì? Dạy cho con cái có tiếng nói của mình, biết chọn lựa với cả trách nhiệm. Dạy cho con cái biết làm việc bác ái, hướng về người khác…

Phần chia sẻ lắng nghe các nhân chứng.

Một gia đình có ba đứa con. Vợ làm y tá, chia sẻ niềm vui của một người mẹ có con cái. Vì con cái là ân huệ của Thiên Chúa, là kết quả tình yêu. Tôi cảm thấy trách nhiệm dạy Đức tin cho con cái… Nói chuyện với con cái về các vấn đề đức tin, ngay cả trên xe, trong bữa ăn…khi cầu nguyện… Dành thời gian cho con cái… Con cái có các phương tiện truyền thông, điện thoại, TV… Dạy cho chúng biết cách dùng. ĐGH nhắc chúng ta đó là một thách đố cần khôn ngoan dạy cho con cái, biết đặt đúng nơi đúng chỗ máy vi tính để cho chúng biết sử dụng, thời gian sử dụng. Dạy cho con cái cả về tình yêu và tính dục. Đó là một ân huệ.

Làm cha làm mẹ hôm nay quả là một thách đố. ĐGH khuyến chúng ta hãy kiên vững.

– Tôi là một người cha… Niềm vui khi thấy con cái lớn lên trong đức tin, trước hết trong gia đình… Chúng tôi dạy con cái biết sử dụng mọi thứ như quà tặng của Thiên Chúa. Nhắc nhở con cái khi đến tuổi lớn, biết yêu thương thế nào cho đúng, nhất là khi chúng nó có bạn trai, bạn gái….

– Niềm vui của chúng tôi khi cầu nguyện chung, trên xe hay trong gia đình…

– ĐGH Phanxico nhắc chúng ta có những giây phút tĩnh tâm, sống niềm vui của bữa tiệc cưới Cana.

– Giáo dục con cái về Đức tin là việc quan trọng không thể tin tưởng phó thác cho trường học, nhất là ngày nay.

Một người khác chia sẻ kinh nghiệm về phong trào Focolare về gia đình. Khi tôi biết vợ mình đang mang thai, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu và mong đợi mỗi ngày đứa con ngay từ trong bụng….cho đến khi sinh con, chúng tôi càng vui mừng hơn và tất nhiên chúng tôi phải hy sinh nhiều. Sự hy sinh đi cùng gắn kết để con cái được lớn lên trong tình yêu, trong hạnh phúc. Hạnh phúc của cha mẹ cũng là hạnh phục của con cái.

Tin mừng là nguồn cảm hứng trong việc giáo dục con cái, ngay cả khi chúng còn nhỏ. Chúng tôi cũng mang đến nhà thờ tập cho con biết chào Chúa trong nhà tạm.

– Gìn giữ tình yêu đối với nhau rất là quan trọng để có được tình yêu cho con cái.

– Xin lỗi con cái ngay cả khi mình sai lầm để làm gương cho chúng biết xin lỗi.

– Tắt TV khi bữa ăn

– Cùng đi dạo chung.

– Lo lắng nhưng không tỏ ra cho con cái biết.

– Sinh ra con cái mỗi ngày khi giáo dục chúng.

Một người mẹ đơn thân khác cùng bày ửo niềm vui vì luôn có Thiên Chúa là Cha.

Người mẹ đơn thân cũng là mẹ thật cho dù có thể bị đối xử puấn biệt, nhưng chính Tin mừng bênh vực. Hoàn canh cần được hỗ trợ. Cần đến sự quan tâm của giáo hội. Tôi cũng gặp khó khăn trong cuộc sống đời thường vì đơn thân. Tôi cảm nghiệm được điều đó, nhất là nhiều lúc cô đơn. Tuy nhiên, tôi nhận được nhiều sự trợ giúp. Cám ơn Chúa… Tôi muốn nói lên điều này để bày tỏ lòng biết ơn với Giáo hội là một gia đình lớn. Biết ơn ĐTC vì ngài thông hiểu hoàn cảnh và đã khuyên dạy các giáo xứ quan tâm đến hoàn cảnh của họ.

Một người khác chia sẻ đến từ Tây ban nha, có 14 đứa con và 10 đứa cháu, đã thành lập một viện đại học cho những người gặp khó khăn. Tôi muốn chia sẻ về việc truyền Đức tin cho con cái, cho chúng cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa. Làm thế nào để gia đình trở thành một Giáo Hội tại gia nơi đó cũng là đền thờ. Gia đình là cái rốn của mọi tương quan. Cần cầu nguyện luôn trong gia đình. Giáo dục con cái là trách nhiệm chính của cha mẹ.

Lúc 11giờ 30: Chủ đề: thái độ phải có đối với người đồng tính.

Hoàn cảnh: Nếu ở thành phố lớn thì họ không gặp nhiều vấn đề, nhưng tại các giáo xứ nhỏ thì quả thật họ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nói chung phai làm gì đối với họ.

Trước hết là tiếp đón. Sau đó là: 

– Không đối xử phân biệt. Giáo xứ là một gia đình. Gia đình của các gia đình.

– Gần gũi. Phần lớn người trẻ đồng tính muốn tự tử, nhất là đối với Giáo hội, họ thường xa lánh vì có mặc cảm, sống xa Giáo hội.

– Hòa giải, tha thứ, nếu biết gần họ, thì họ sẽ cộng tác tích cực.

Thái độ phải có:

– Không phán đoán, không nghĩ xấu về họ.

– Cảm thông

– Tìm hiểu

– Nơi họ có nhiều khả năng.

– Cần gặp gỡ, thân thiện.

– Tổ chức nói chuyện về vấn đề này trong giáo xứ.

– Bắt chước Chúa Giêsu tiếp đón Giakêu, một người bị khinh miệt, nhưng được Chúa đến gần.

– Chúng ta cũng vậy đứng nghĩ họ có tội hơn chúng ta.

– Tôi cũng cần có ý muốn đến với họ.

Chuẩn bị hôn nhân là thời để khám phá, chỉ là bắt đầu và sẽ tiếp tục. Học biết yêu thương. Quan trọng là phải hiểu biết để phận định để nghe tiếng Chúa, sẵn sàng để nói với nhau.Suy nghĩ và kiên nhẫn khám phá nơi người khác điều tốt đẹp.

– Chuẩn bị hôn nhân là tập gần nhau từng giai đoạn

– Tập cầu nguyện chung

– Học biết ý nghĩa nghi lễ thành hôn.

– Luôn là một ân huệ cua Thiên Chúa

– Gia đình nơi chuẩn bị hôn nhan đầu tiên

– Lòng thương xót ủua Chúa luôn gần con người để nâng đỡ

– Trong đời sống gia đình luôn cần đến cầu nguyện.

Ban chiều: đề tài Gia đình và tình yêu.

Sau khi nghe bài thuyết trình của Đức Tổng Giám Mục, các đôi bạn từ trẻ đến già chia sẻ trước một cử tọa cả hàng chuục ngàn người.

Chia sẻ của một đôi bạn trẻ quen biết nhau trong một đại hội giới trẻ. Bây giờ đã có hai con. Hai người có cùng một Đức tin mạnh, gặp nhau và hợp nhau trong nhiều lãnh vực. Chúng tôi nhìn nhận rằng chúng tôi chưa phải là một cặp đôi hoàn hảo, nhưng chúng tôi cố gắng để trở nên tốt hơn. Chúng tôi cầu nguyện mọi nơi và mọi lúc để xin Chúa tiếp sức.

Xem một đoạn phim kể lại hai người già nhớ lại cuộc tình của mình từ khi mới quen nhau với những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống và không thiếu nụ cười. Một cuộc đời không thể thiếu tình yêu, từ những cử chỉ thân thương nhất, từ những mẵc cỡ thẹn thùng của buổi ban đầu đến tình yêu nồng nàn. Họ nhắc lại những kỷ niệm của cuộc đời khi MC hỏi làm mọi người vỗ tay đồng tình.

Một cặp khác tuổi ngoài năm mươi nhớ lại những ngày đầu mới yêu nhau với những cuộc hẹn hò vào thời chưa có điện thoại đi động…cuộc sống đơn giản, nghèo khó, tiết kiệm mới có được kỳ nghỉ hè… Chúng tôi đã qua 25 cưới nhau cách đây mấy năm, con cái chúng tôi đã lớn. Bà vợ nói, tôi nghỉ làm khi sinh đứa thứ ba, nhưng rồi cũng phải đi làm lai để có thể chi trả mọi thứ. Bây giờ chúng tôi đã khá ổn định và bớt lo lắng nhiều chuyện. Chúng tôi có được một cuộc sống vợ chồng hoà hợp, chia sẻ mọi việc trong nhà, biết kính trong nhau với cả tình yêu. Ban đầu có nhiều khó khăn nhưng đã vượt qua, bây giờ chúng tôi rất hạnh phục. Cám ơn Chúa và cám ơn các bạn hữu đã có lời khen cặp đôi hạnh phục, con cái đẹp….

Làm thế nào để có dược 50 năm hôn phối hạnh phúc. Mọi cặp vợ chồng già được hỏi. Ông trả lời, dù tính tình khác nhau, nhưng chúng tôi cố gắng hoà hợp. Đức tin giúp chúng tôi rất nhiều, tình yêu là kiên nhẫn. 

Ông bà nhớ gì hạnh phúc nhất? Tôi nhớ lại một chuyến đi để cám ơn tình yêu. Thế nào là tình yêu? Tình yêu là hy sinh, bí mật của tình yêu là gì? Trong tay của Thiên Chúa, bà trả lời, chúng tôi luôn cầu nguyện.

Thánh lễ lúc 4g30 chiều. ĐHY Rodriguez, chủ tịch HĐGH về giáo dân, gia đình và sự sống chủ tế và giảng về Tình yêu trong gia đinh.

Tin mừng là niềm vui trong thế giới. Ngài ước ao gia đình đào sâu Tông huấn AMORIS LAETITIA để hiểu biết về niềm vui của tình yêu. Cám ơn Đức Tổng Giám Mục Dublin đã tổ chức ĐHGĐ thế giới để giúp mọi người hiểu thêm tình yêu, một tình yêu nối kết người nam và người nữ để tiếp tục sự sống. Gia đình là tiếng xin vâng của tình yêu. Không tình yêu thì người ta không thể sống.

AMORIS LAETITIA xác quyết không ai có thể nói rằng tình yêu trong gia đình không giúp gì cho xã hội. Nhiều người hôm nay không còn nghe Tin mừng sau thời gian dài sống vì họ muốn sống theo các giá trị khác như tiền tài, quyền lực..

Tình yêu trong gia đình không thể thiếu để phục vụ gia đình. Vì thế mục tử và gia đình cần cộng tác để làm cho tình yêu lớn lên. Cùng đồng hành để phục vụ cho tình yêu.

Xây dựng nói tương quan trong gia đình.Người Kitô hữu cần hiểu rõ về mục đích của hôn nhân không chỉ quan tâm đến việc sinh sản, nhưng phải đồng hành cho tình yêu lớn lên để hai người nên một.

Nhờ bí tích Thánh Thể và Lời Chúa nuôi dưỡng, Thiên Chúa luôn nuôi dân Ngài và hứa làm cho họ một trái tim mới thay cho trái tim bằng đá. Chúng ta phải làm cho gia đình trở nên thánh thiện trong tình yêu.

Tất cả mọi gia đình đều có ít nhiều khó khăn đều được mời gọi đến tiệc cưới, ước gì Đại Hội Gia òinh tại Dublin trở nên một tin mừng cho gia đình.Ước gì mọi gia đình học hiểu bài ca Đức mến mà các Nghị Phụ đã nói nhiều trong THĐ và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết rõ ràng trong Tông huấn AMORIS LAETITIA .

Buổi chiều tối còn nhiều sinh hoạt khác nữa cho gia đình.

c. Ngày 24.08: Nhiều đề tài

– Phòng 8C: Làm thế nào để bao vệ trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương nhất.

– Phòng 8D: Những quan hệ về giáo dục tính dục dưới anh sáng của AMORIS Laetitia.

– Phòng B: Cử hành ngày của Chúa trong gia đình.

– Phòng 8B: Ảnh hưởng chuyện nhà tù trên gia đình.

– Phòng 3: Phá tan sự thinh lặng! Lam thế nào để đối đầu với bao lực gia đình?

– Phòng Merrion: nâng đỡ gia đình vượt qua thời kỳ ly dị

– Phòng 8A: Đồng hành, phân định và hội nhập: sự yếu đuối mỏng dòn theo AMORIS LAETITIA.

– Phòng 2: ĐGH Phanxico về Tin mừng Gia đình – Đức Giêsu mời gọi chúng ta phai làm gì như là gia đình?

– Phòng 7: Làm thế nào để chiếm được thiên đàng?

Bài nói chuyện của ĐHY chủ tịch HĐGM Italia: đồng hành, phân định và hội nhập: sự yếu đuối mỏng dòn theo Amoris Laetitia.

Bắt đầu từ ý tưởng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các đôi bạn đính hôn trong một bài giáo lý: hôn nhân là gì? Là hai người giúp nhau để trở nên vợ nên chồng mỗi ngày một hơn.

Cần đến Đức ái vợ chồng trong cuộc sống hằng ngày. Nếu vợ chồng không sống Đức ái thì ngày nào đó sẽ gặp vấn đề khó khăn trong tương quan rồi dẫn đến tình trạng ly thân, ly dị, tình yêu bị thương tích.

THEO GƯƠNG NGƯỜI SAMARITANO NHÂN HẬU

Để chữa lành những trường hợp do yếu đuối mỏng dòn ấy thì Giáo Hội qua các mục tử, các tác viên phải làm gì? Phải theo gương người Samaritano nhân hậu, nghĩa là cần có ba động từ: Đồng hành, phân định và hội nhập để chữa lành, mà ĐGH Phanxicô đã dùng làm tựa đề cho chương tám của Tông Huấn AMORIS LAETITIA. 

Theo một ý nghĩa nào đó, ĐHY dùng một động từ khác nữa, đó là khâu vá như ngài đã dùng để diễn tả tình trạng của nước Ý hôm nay, chẳng hạn như vụ sập cầu vừa rồi tại GENOVA kêu mời mọi người chung nhau nối lại thay vì chỉ trích và lên án nhau.

Trở lại vấn đề hôn nhân và gia đình. Cần tim hiểu lý do tại sao xảy ra tình trang hiện nay của gia đình, ly thân, ly dị tái hôn ngay càng nhiều. Chúng ta thử tim hiểu lý do tại sao? Phải chăng nhiều đôi bạn đã cưới trong nhà thờ mà xem ra họ chưa bao giờ uống được rượu mới, nghĩa là họ không tìm được niềm vui của tình yêu, chưa khi nào cảm nghiệm được hạnh phúc trong cuộc sống gia đình!

Thế thì trách nhiệm do đâu? Trước hết, về phía chúng ta, chúng ta cần nhìn lại thời gian chuẩn bi hôn nhân, chúng ta đã giúp họ hiểu biết thật sự về ý nghĩa của việc cử hành không? Chuẩn bị hôn nhân như thế nào trong hành trình Đức tin của họ?

Bởi vậy, Việc quan trọng mà trong THĐ và cả HĐGM vùng cũng đã nhấn mạnh đến là cần huấn luyện cho các mục tử, tác viên đồng hành ngay từ trong chủng viện về mục vụ gia đình để những ứng viên này có khả năng đồng hành và phân định, huấn luyện lương tâm con người thời nay.

Hôn nhân chính là lời loan báo cho mọi người tin mừng tình yêu. Chúng ta phải làm sao cho con người cảm nghiệm được niềm vui của tình yêu trong đời sống để họ trở nên nhân chứng của tình yêu. Tất nhiên cần sự huấn luyện, cần việc đồng hành.

Theo AMORIS LAETITIA thì Giáo hội phải mở ra để đến với con người thời nay.

Đồng hành là tiếp nhận, là mở rộng con tim mình cho mọi người. GIáo Hội là căn nhà của mọi người, để mỗi người được vào và nhận thấy Giáo Hội là một người Mẹ. Đức Giáo Hoàng nhiều lần gọi Giáo Hội là một nhà thương dã chiến để chữa lành cho những ai mang thương tích trong cuộc sống, không đối xử phân biệt bất cứ một ai.

Đức tin phải có việc làm! Nếu không thì Đức tin chết!

Thánh Gioan XXIII khai mạc Công đồng với ý tưởng làm sao cho Giáo Hội thể hiện được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Ý tưởng này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại ngay từ đầu triều đại của ngài và trước đó nữa, khi còn là mục tử bên Angentina, ngài đã luôn nói đến Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Vì Linh đạo của Công Đồng VATICAN II là đi theo đường lối của Người Samaritano nhân hậu!

THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU PHỤC SINH

Giáo Hội, Hiền Thê của Đức Ki-tô, cần bắt chước và sống theo gương của Người để biết dùng lòng thương xót, chứ không theo luật. Luật là để phục vụ cho con người chứ không phải con người vì luật! 

Bắt chước Chúa Phục Sinh trên con đường về Emmaus (Lc 24,13…)

– Đồng hành cách khôn ngoan. Như Các tông đồ lúc đầu chưa hiểu thì, nhưng Chúa Giêsu giúp cho họ hiểu, vì họ đang sợ hải, đang lo âu, đang thất vong, chán chường.

– Đồng hành là gần gũi họ, cùng bước đi với họ, cùng ngồi đồng bàn với họ, để dần dần giúp cho họ hiểu.

– Tiếp đến là Phân định, giải thích cho họ về biến cố mà họ đang sống mà nhièu lúc vì chủ quan họ chưa nhận ra, thì hướng dẫn họ, cùng cầu nguyện với họ, để họ biết nghe theo tiếng nói của Chúa Thánh Thần.

– Hội nhập cũng chính là việc huấn luyện lương tâm. Đức giáo hoang viết trong AMORIS LAETITIA và ĐGH cũng đã nói nhiều lần về việc này: Huấn luyện lương tâm con người chứ không thay thế lương tâm của họ. Điêu đó rất quan trọng. Làm sao cho họ biết lắng nghe tiếng Chúa nói trong lương tâm mình.

– Vậy phai làm sao? Theo gương Chúa Phục Sinh, bắt đầu bằng Lời Chúa, để nhờ ánh sáng bằng Lời Chúa soi dẫn. Ngài bắt đầu từ Ông Maisen…để giúp các ông biết Con Người phải chết đi để sống lại…

– Khi các ông hiểu được rồi, thì các ông trở về hội nhập lại với hàng ngũ các tông đồ khác.

– Cũng vậy, đối với hai người ly thân ly dị, người mục tử cần đồng hành, phân định và hội nhập họ vào Giáo Hôi.

– Hai môn đệ Emmau buồn phiền, đau khổ, nhưng nhờ Lời Chúa Họ trở về… Thì những người ly dị cũng thế.

– Hai tông đồ trốn chạy, nhưng rồi trở về.

– Hôm nay trong Giáo Hội có biết bao chiên lạc, người mục tử phải làm gì? 

– Kết luận: Chúa Giêsu không để ai bị hư mất. Những người đang gặp thử thách, những người mang thương tích, những người có tâm hồn chai đá,… Cũng tông đồ lúc đầu không tin…nhưng rồi được Lời Chúa hướng dẫn làm họ phải thay đổi.

– Một cha người Messico hỏi: Làm thế nào để huấn luyện lương tâm? 

Đáp: trong thời gian qua, nhiều nơi đã làm việc này, nhưng tựu trung lại, thì cũng cần việc đồng hành. Đồng hành là luôn ở bên cạnh. Điều cần là người mục tử đừng có thái độ như người anh trong Tin mừng luôn lên án ngươi khác thế này, thế kia, là “đã tiêu pha hết sản nghiệp”,… Nhưng thái độ cần thiết phải như người Samitano nhân hậu. Cần có lòng khiêm nhường, lắng nghe khi đồng hành, khi phân định… Trong THĐ cũng đã nói đến việc Huấn luyện chủng sinh để rồi họ có thể hướng dẫn người khác.

– Một Đức ông Thuỵ sĩ cũng góp ý là đừng phê phán ngay lập tức về sự bất khả phân ly thì không được rước lễ. Nhưng cần phân định từng trường hợp. Vậy thì phải phân định làm sao?

Trả lời: Trước hết cần tránh hai thái độ: quá dễ dàng (lasimo) và quá nghiêm khắc (rigorismo). Cả hai đều trái với lòng thương xót của Chúa, tức là chống lại Tin Mừng.

Cần đồng hành và phân định. Tất cả đều do Đức giám mục, ngài có quyền quyết định với sự đồng hành và phaân định. Giám mục cũng cần gần gũi. Tiếc là Giáo Hội đang thiếu sót trong việc làm này”. Nhiều mục tử đã không đồng hành.

– Một linh mục khác nói rằng những gì ĐHY nói mới là nguyên tắc, nhưng trong thực hành phải thế nào? Bắt đầu từ đâu vì giáo xứ hôm nay có quá nhiều trường hợp như thế? Quá nhiều việc…

Trả lời: Nhấn mạnh đến việc huấn luyện các tác viên chủng sinh và linh mục hôm nay và cả tác viên giáo dân chuyen môn. Chủng viện còn thiếu lãnh vực này dưới ánh sáng AMORIS LAETITIA hôm nay. Hội nhập rất quan trọng. Làm thế nào? Ngài nói: Ngay từ trong Familiaris Consortio, thánh Gioan Phaolo II đã nói đến những người ly dị vẫn thuộc về GH, nhưng vì thiếu sự đồng hành và hội nhập họ vào GH. Tất nhiên, AMORIS LAETITIA không thay đổi giáo lý, nhưng thay đổi cách làm việc, áp dụng. Hai tông huấn FC và AL ăn khớp hoàn toàn với nhau.

– Một cha hỏi về số 84 FC về tiết dục. Nhưng khó áp dụng và dễ dẫn đến nguy cơ ngoại tình.

ĐHY chỉ trả lời ngắn gọn vì hết giờ và sợ đi qua xa. Ngài lặp lại nguyên tắc của thanh Tôma: Không phải mỗi hành động mất trật tự đều là tội trọng, tội nặng. Đó là điểm then chốt cần việc đồng hành và phân định.

Thánh lễ chiều lúc 4g30: ĐHY Kevin Farrell chủ sự và thuyết giảng.

Bài giảng trong thánh lễ

Nazzaret có gì hay?

Trước đó không ai biết Nazaret ở đâu cả, nhưng rồi Thiên Chúa đã chọn làm nơi cho Con của Ngài xuống trong một gia đình để rồi từ đó sau này người ta mới biết đến. Hôm nay cũng vậy biết bao người, bao nhiêu đôi bạn đang ở một nào đó không ai biết, nhưng Chúa biết mỗi người. Chúng ta hãy tự hỏi:Tại sao Chúa lại tạo dựng con người và cho con người sống mối tương quan gia đình?

Tại Sao chúa không để con người tự do?

Philipp nói với Natanaen đến mà xem!

Vừa rồi chúng tôi vừa tổ chức một hội nghị về mục vụ với chủ đề “Hãy đến mà xem”

Hôm nay cũng vậy, chúng ta hãy đến nà xem!

Xem tình yêu của Chúa đối với con người trong gia đình như thế nào?

Đại hội Gia Đình thế giới cũng muốn cho con người biết tình yêu gia đình.

Biết gia đình sống như thế nào trong tình yêu hỗ tương, vì hôm nay có nhiều quan niệm khác nhau về gia đình.

Gia đinh là một thực rại không thể chối cãi. “Gia đình là một thiện ích tuyệt hảo mà Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại” (FC).

Người Kito hữu cần nhận biết tình yêu của Thiên Chúa vì yêu thương mà Ngài đã tạo dựng chúng ta và mời gọi chúng ta sống cho tình yêu.

Chúng ta cần xác tín Chúa đang cần chúng ta làm chứng tình yêu ấy.

Tương quan tình yêu ấy giữa mọi người trong gia đình để rồi trao ban tình yêu cho nhau. Trở nên người biết trao ban cho nhau. Làm cho nhau cảm nghiệm được niềm vui hạnh phúc của tình yêu, nhất là đối với người mỏng dòn, dễ bị tổn thương, người nhỏ bé…người yếu đau, bệnh tật, già cả…

Mọi người đều cần cảm nghiệm được tình yêu Thiên chúa cho con người và con người cần nhận biết mình là người cộng tác với Thiên Chúa. Cần nhận biết sự sống là ân huệ của Thiên Chúa ban cho để gìn giú, để bảo vệ.

Sự sống và tình yêu ấy từ nơi cha mẹ và thông truyền lại tình yêu lại cho con cái. Con cái đến lượt mình học hỏi tình yêu ấy từ cha mẹ.

Hãy đến mà xem!

Xem tình yêu trong gia đình!

Nhờ lời cầu bàu của Đức Mẹ và thánh Barttôlômêô tông đồ mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay, cho mỗi gia đình cảm nhiệm được tình yêu và làm chứng cho tình yêu. Amen.

d. Lễ hội gia đình và thánh lễ bế mạc

Sau 3 ngày Hội nghị với nhiều đề tài phong phú, chúng tôi được nghỉ ngơi buổi sáng. Chiều nay 25.8, chúng tôi đi tham dự lễ hội gia đình. Đức cha Diamuid Martin, TGM Dublin, cho biết trong cuộc họp báo giới thiệu lễ hội hôm 19 tháng 7 là sẽ có sự tham dự của hàng ngàn nghệ sĩ, trong đó có nhóm Riverdance và 500 vũ viên của trường dạy vũ Ailen, một ca đoàn gồm 1.000 ca viên, diễn văn của ĐTC Phanxicô và chứng từ của 5 gia đình đại diện cho 5 châu liên quan tới các khía cạnh khác nhau của cuộc sống gia đình.

Ngày Chúa Nhật sẽ tham dự thánh lễ bế mạc lúc 3 giờ chiều tại Phoenix Park và sau đó lên đường trở về nhà.

Những sinh hoạt của đại hội đều được cập nhật trên trang web: worldmeeting2018.ie và trên điện thoại: WMOF2018, App store – Android play store.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An