Đôi Dòng Kỷ Niệm – Tác giả: Lm Nguyễn Huy Tưởng

print

WCT: Có nhiều độc giả trẻ không biết cha Aug. Nguyễn Huy Tưởng là ai, chúng tôi xin giới thiệu một bài của chính cha Nguyễn Huy Tưởng viết khi ở Hoa Kỳ.

Đôi Dòng Kỷ Niệm

Tác giả: LM Nguyễn Huy Tưởng

 

Về lại Garland đã lâu, có người đề nghị viết ít dòng về lịch sử những họ đạo đã thành lập trên đất Mỹ, nên thử viết về mấy họ đạo để cám ơn Chúa đã ban cho mình, đồng thời cũng muốn ôn lại những kỷ niệm thân yêu của thuở ban đầu lưu luyến.

Xứ đầu tiên là An bình, khi được bài sai về, “Ông nội Quang” (Đức Cha Quang) bảo tên cũ của nó là Rau Răm. Tục truyền rằng đây là nơi Hoàng tử Cảnh, con của Vua Gia long trú ngụ khi chạy loạn Tây Sơn với vua cha tới đây, sau đó địa danh Rau Răm này là nơi chôn xác giặc Xiêm, khi Xiêm la đem quân qua tiếp viện Nguyễn Ánh, để lại một vết nhơ lịch sử. Vì thế khi hoàng tử Cảnh chết sớm thì có câu thơ: ”Gió đưa cây Cải về trời, rau Răm ở lại chịu lời đắng cay.”

Họ đạo thứ hai có tên là Láng sen. Không biết có phải vì có nhiều cây sen dại không, nhưng khi khánh thành nhà thờ mới, “Ông nội Quang” đổi tên là nhà thờ Phụng Tường. Nhà thờ này ở tại một ấp nhỏ gần Cần thơ.

Sau một thời gian coi mấy họ đạo như Cà mau (Quản Long), Rau Răm, Lộ 19, rồi Phụng Tường và Phụng hiệp, ngoài ra còn Nhơn mỹ, Mỹ phước, Đại ngãi. Cũng do Chúa định mà sang được nước Mỹ, do nhu cầu, và do hoàn cảnh đưa đẩy, cũng lập được cộng đòan Wichita, Garden City, Dodge City, không kể những họ nhỏ như Liberal và Colorado Spring. Cám ơn Chúa thật nhiều, vì khi rời Việt nam đâu có nghĩ rằng mình sẽ làm được gì, vì tuổi già sức yếu, lại thêm “tiếng Anh tiếng em” yếu ớt. Tất cả đều là do thánh ý Chúa, nên phải luôn cám ơn Chúa và lập lại câu thánh vịnh “Non nobis, Domine Sed nomini tuo da gloriam. – Lạy Chúa không phải cho chính con, nhưng để danh Chúa được cả sáng”

Hồi đầu mới đến Mỹ, được Đức Ông ở Grand Rapids bảo lãnh về làm việc ở Michigan; sau đó đi lần xuống Wichita lập họ đạo, để lại cho cha Hùng rồi xuôi nam lập họ đạo ở Garland. Sau một thời gian ở Dodge City, Garden City, Liberal, Colorado Spring, được may mắn về Cali, ở xứ của cha cháu là cha Sơn, đó là xứ Đức Mẹ Lavang. Cuối cùng về hưu tại Dallas cho đến ngày nay.

Cuộc đời linh mục từ khi sang Mỹ có cái nhìn mới về vũ trụ quan và nhân sinh quan, mới thấy việc nhà Chúa trở thành việc business, và hình như bị ảnh hưởng bởi triết lý đồng tiền. Cũng tự hào đã lập được hai xứ đạo là Wichita, và Garland, và cũng có nhiều kỷ niệm vui buồn tại đó.

Cám ơn Chúa đã giữ gìn và ban ơn trợ lực để sau một thời gian làm việc đã được ngơi nghỉ trong bàn tay quan phòng của Chúa, và lại muốn đọc lên câu thánh vịnh “Non nobis, Domine sed nomini tuo da gloriam.” Cũng cám ơn Chúa vì tuy có ra đi, nhưng để lại những giáo xứ vững mạnh, có cha quản nhiệm thay thế làm sáng danh Chúa nhiều hơn thay cho mình, chỉ là một người sống theo trực giác hơn lý trí. Nhớ ngày về Cần thơ đã bị “Ông nội Quang” phê bình là người tưởng tượng nhiều hơn là thực tế. Điều này làm cho mình lại nhớ đến câu thánh vịnh: “Non nobis, Domine sed nomini tuo da gloriam”. Nhiều cha còn cho mình không bình thường, nhưng biết sao được, nhưng nhờ ơn Chúa, nay vẫn còn tỉnh táo, và cám ơn mọi người vẫn còn thông cảm yêu thương. Tuy vậy vẫn chỉ mong làm đầy tớ thấp hèn trong nhà Chúa. Cám ơn Chúa đã gìn giữ con yên hàn tỉnh táo trong đời linh mục.

Nhớ lại câu ca dao nơi xứ đạo đầu tiên của cuộc đời linh mục: “Gió đưa cây cải về trời, Rau Răm ở lại chịu lời đắng cay.” Có thể vì thế mà cuộc đời mình luôn có những đắng cay, và cũng thật phù hợp với khẩu hiệu mình chọn khi chịu chức là “Zelus Domus tuae comedit me – Lòng nhiệt thành nhà Chúa làm tim con hao mòn.”

Nguồn Đặc San Xin Vâng