Đói Khát – Thèm Khát – Khao Khát

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Đói Khát – Thèm Khát – Khao Khát

Lm. Giuse Nguyễn

Theo thống kê của tổ chức lương nông thế giới (FAO), hiện nay thế giới có khoảng 1 tỉ người thiếu đói, chủ yếu ở châu Phi và châu Á; và cứ mỗi 6 giây lại có thêm một người chết vì nguyên nhân thiếu lương thực. Trong khi đó, theo thống kê của một tổ chức chuyên về hoạt động xã hội, thì Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia có tỉ lệ người tự tự hoặc có ý định tự tử cao nhất thế giới. Đối tượng tự tử ở hai quốc gia này cũng thật đặc biệt, có tới 40% các vụ tự tử ở Hàn Quốc là các nghệ sĩ, và ¼ những vụ tự tử ở Nhật Bản là các doanh nhân thành đạt. Như vậy rõ ràng không phải họ tìm đến cái chết vì thiếu thốn về vật chất, và tỉ lệ thống kê của những người tự tử vì đói là dường như không có, mà điều họ thiếu là giá trị tinh thần, tình yêu thương, sự thông cảm, tha thứ… ; nhưng trên hết là giá trị vô biên, tuyệt đối, giá trị mà chỉ một mình Đấng Tuyệt Đối, Đấng Vô Biên mới có thể làm cho con người thỏa mãn mà thôi. Khi giải quyết được khao khát này, con người sẽ giải quyết được tất cả, giống như những lời bộc bạch của thánh Augustinô: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa, linh hồn con khắc khoải khôn nguôi, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa, nguồn hạnh phúc đời con”. Phụng vụ lời Chúa ngày hôm nay sẽ cho chúng ta thấy đâu là khao khát đúng đắn của con người.

Trong bài đọc 1, dân Israel đã kêu trách ông Môsê và ông Aharon chỉ vì cái đói, cái khát trong sa mạc. Họ đã quên đi công trình kỳ diệu Chúa đã làm trước mặt muôn dân, là cho họ được vượt qua biển đỏ, thoát ách nô lệ của người Ai Cập một cách lạ lung. Họ đòi quay trở lại Ai Cập để tiếp tục làm nô lệ cho người ta nhưng được ngồi bên nồi thịt với mùi hành, mùi tỏi quyện vào nhau làm cho họ sung sướng. Đây không chỉ đơn thuần là cám dỗ về thức ăn, nhưng sâu xa là cám dỗ về niềm tin, vì họ không tin tưởng vào Chúa. Cám dỗ này xuất phát từ việc họ chọn một giá trị quá tầm thường: giá trị vật chất để thỏa mãn cuộc sống của mình; trong khi Thiên Chúa muốn đưa họ đến một giá trị cao hơn: giá trị tinh thần, và nhất là để họ từ từ tiến tới giá trị tuyệt đối, nguồn sống của mình là chính Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong “diễn từ về bánh” của Gioan. Trong phần này, Gioan muốn hướng con người từ thứ bánh vật chất nuôi dưỡng phần xác đến của ăn cao trọng hơn là Thịt, Máu Chúa để nuôi dưỡng linh hồn con người. Cụ thể sau phép lạ hóa bánh ra nhiều cho 5000 người ăn, dân chúng đi theo Chúa chỉ vì muốn có bánh ăn. Đức Giêsu đã nói thẳng với họ: “Các ông tìm tôi không phải vì dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Rồi Ngài dạy họ: “Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn, đem lại phúc trường sinh”.

Từ 2 bài đọc lời Chúa này, tôi suy tư về 3 nhu cầu của con người: ĐÓI KHÁT – THÈM KHÁT – KHAO KHÁT.

ĐÓI KHÁT là chuyện tự nhiên của con người, vì Chúa dựng nên con người là xác, là hồn; phần xác cần phải được nuôi dưỡng bằng lương thực. Chính vì thế nếu không có thức ăn, nước uống họ sẽ đói khát, và đói khát.

Cuộc sống của con người phần lớn để giải quyết vấn đề đói khát, vì muốn sống thì phải có lương thực, thực phẩm. Người ta làm lụng vất vả cũng chỉ vì miếng ăn. Những công việc từ thiện, bác ái một phần cũng vì những người nghèo đói. Ngược lại, những sự dữ trong thế gian một phần cũng do đói khát.

Dân Do Thái ngày xưa cũng chỉ vì đói khát mà kêu trách ông Môsê và ông Aharon. Quả thật với sức tự nhiên của con người, họ không thể lo cho dân ăn uống đầy đủ. Chính Thiên Chúa đã ban manna và chim cút cho dân làm lương thực để không còn đói; và nơi khác, chính Thiên Chúa đã cho nước từ tảng đá chảy ra để dân không còn khát.

Chính Chúa Giêsu cũng gặp cảnh đói khát này khi Ngài ăn chay phải nhịn đói trong thời gian dài. Nhưng Chúa Giêsu không để cho cơn đói này chế ngự, vì “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4)

 Nói chung để giải quyết vấn đề ĐÓI KHÁT, Chúa muốn con người lao động chân chính để có của nuôi thân. Ngoài ra Ngài mong muốn nhân loại biết chia sẻ cơm bánh, vì lương thực không bao giờ thiếu, nhưng chỉ vì người ta không biết san sẻ.  nhưng trên hết Ngài muốn họ tin tưởng vào Ngài, vì Chúa đã nói: “Hãy xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý hơn chúng sao?” (Mt 6, 26).

THÈM KHÁT không phải là nhu cầu bình thường liên quan đến lương thực, vật chất, nhưng nó được hiểu theo nghĩa xấu, là những thứ ham muốn thái quá. Chính ma quỷ đã cám dỗ để Eva thèm khát trái cây giữa vườn, dù bà không hề thiếu thốn; sâu xa của cơn thèm khát đó là sự phản bội.

Từ cái thèm khát của bà Eva đã dẫn đến nhiều thứ thèm khát khác khiến con người trở nên hư hoại. Một trong những thèm khát làm băng hoại một số thành phần không nhỏ giới trẻ hôm nay chính là thèm khát chất kích thích, mà nguy hiểm nhất chính là xì ke, ma túy.

Thèm khát thứ hai chính là thèm khát dục vọng. Nhiều những gia đình đã đánh mất hạnh phúc khi thèm khát cơn khát dục vọng này, dù họ đã có gia đình. Rõ ràng đó không phải là thứ “khát” bình thường, nhưng là “thèm khát” nên đã dẫn đến những sai trái trong hôn nhân và gia đình. Cũng chính cơn khát dục vọng này mà một số bạn trẻ nếu không biết giữ mình sẽ làm mất đi sự trong sáng của tâm hồn và hoen ố thể xác.

Thèm khát thứ ba là thèm khát quyền lực. Ý cầu nguyện tháng 8/2024 của Đức Thánh Cha Phanxicô là “Cầu nguyện cho những nhà lãnh đạo chính trị trên toàn thế giới, để họ biết toàn tâm toàn ý phục vụ dân tộc của mình, đặc biệt là chăm lo cho những người nghèo khổ và những ai đang thất nghiệp”. Ý  của Đức Thánh Cha là muốn những ai có quyền lực phải biết phục vụ. Người thèm khát quyền lực là muốn thống trị người khác. Thứ thèm khát này sẽ làm cho cuộc sống thêm nặng nề và đầy bạo lực vì lúc nào người ta cũng muốn khẳng định mình.

Để giải quyết vấn đề THÈM KHÁT này, Chúa Giêsu  đã nói: “Loại đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay” (Mc 9, 28). Quả thực, chính Chúa Giêsu còn bị cám dỗ để thể hiện chính mình, không làm theo thánh ý Chúa Cha, nhưng Ngài đã vượt qua được khi ăn chay 40 đêm ngày trong sa mạc và cầu nguyện liên lỉ với Chúa Cha. Chỉ khi ăn chay để làm chủ mình và cầu nguyện để gặp gỡ Chúa, thì người ta mới lấp đầy được cơn khát của chính mình.

KHAO KHÁT là trạng thái của tâm hồn thiếu vắng một giá trị chân chính nào đó, như thánh Augustinô: “Tâm hồn con khắc khoải khôn nguôi, cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa”. KHAO KHÁT còn là mong muốn làm những điều tốt đẹp, mong muốn đến mức cháy bỏng. Ví dụ mong được đến vùng đất nghèo khổ để phục vụ những trẻ em nghèo, thất học. Điều đó cứ ấp ủ, trở thành động lực để tôi học tập, rèn luyện… Mong muốn sau này trở thành một linh mục, tu sĩ để đi truyền giáo bên Châu Phi. Mong muốn này đi vào cả trong giấc mơ, mọi cuộc nói chuyện, mọi ưu tư của tôi…

Nhưng quan trọng nhất là KHAO KHÁT những giá trị linh thánh, được cảm nghiệm về Chúa, được hiểu Lời Chúa, được no thỏa bởi các Bí tích… KHAO KHÁT nên thánh trong cuộc sống thường ngày để cố gắng sống theo những gì Chúa dạy…

Đây là thứ con người cần tìm đến, vì tất cả những đói khát, thèm khát rồi sẽ qua đi, chỉ thỏa mãn cơn khao khát trong Chúa con người mới hạnh phúc thật sự. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6, 35b).

Lạy Mẹ Maria, xưa Mẹ đã khao khát lắng nghe và thực hành lời Chúa, thì nay xin Mẹ cũng giúp chúng con chế ngự thân xác để vượt qua những thèm khát của kích thích, của dục vọng, của quyền lực, để chỉ khao khát một mình Chúa mà thôi. Amen.

print