Đón  Tuần Thánh Cách Ly Năm Nầy Nhớ lại Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh Tại Gia Năm Xưa.

print

Đón  Tuần Thánh Cách Ly Năm Nầy

Nhớ lại Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh Tại Gia Năm Xưa.

vô hạ

  1. Tuần thánh của đạo Công Giáo bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá tới chiều thứ bảy, chừng 6 giờ, trước nghi lễ mừng Chúa Phục Sinh. Đó là tâm điểm sức sống của Giáo Hội gồm mọi thành phần dân Chúa. Ngay từ đầu, sau khi Chúa về Trời rồi, Cộng Đoàn Kitô Hữu sơ khai luôn họp lại, làm lễ Bẻ Bánh – cử hành Bí Tích Thánh Thể mỗi Chúa Nhật – cũng thêm với mục đích ghi nhớ ngày vinh thắng của Chúa mình Sống Lại hiển vang từ trong cõi chết.

So ra, ngày nay  thế giới Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh 25 tháng 12  trong không khí ồn ào náo nhiệt vui vẻ với ánh đèn muôn màu muôn vẻ, cùng với lời ca tiếng hát bao thể loại, trong tâm tình tôn giáo đơn thuần cũng có, song cũng thêm phần lớn trên cơ sở thương mại không thiếu.   Nhưng Lễ quan trọng nhất của Kitô  Giáo vẫn là Lễ Chúa Phục Sinh. Tại sao?  Xin thưa không sợ sai: vì Thánh Phaolô đã công bố trong thư 1 Côrintô 15:17 : nếu Chúa Kitô không chỗi dậy (sống lại) thì đức tin của anh em (chúng ta nữa) thật hão quyền (vô ích). Nói rõ hơn, vì nếu Chúa ta không sống lại thật,  thì mình cũng thế, chết hết luôn,  có nghĩa là chết thành đất, nên những cố gắng hi sinh, khốn cực ghe đàn, để ăn ở ngay lành bây giờ,  thì thật là ngu ngốc đó mà!. 

  1. Trở lại với chủ đề trên, Tuần Thánh và Lễ Chúa Phục sinh cách ly năm nầy, làm cho kẻ trong cuộc thêm phần nhớ lại, dù chỉ một lần trong đời, nhưng rất đặc biệt đậm nét về Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh tại gia  45 năm trước.  Đó là Tuần Thánh 1975 với nhóm nhỏ 10 người của Cha Piô Ngô Phúc Hậu và Cố Linh Mục Nguyễn Văn Hoạch, tại một Xóm nhỏ quê nghèo, chưa đến nỗi điêu tàn,  được dân chúng gọi là ấp Bến Bọng, Xã Vàm Đình, Quận Cái Nước, Cà mau, An Xuyên cũ thời đó.
  1. Quý Vị nào có đọc Nhật Ký Truyền Giáo của Cha Piô Ngô Phúc Hậu, thì có cơ hội biết thêm những hoạt động truyền giáo. Chỉ mới hơn ba năm từ mùa hè 1971, đang ló dạng những mẻ cá linh hồn con người rất hứa hẹn trong một tương lai khá gần. Nhưng vào cuối 1974  và nữa năm sau nữa, có những biến động gần như thời khí lan ra bất thường quá mau,  làm cho một phần nhóm nhỏ theo hai Cha, phải bị cách li vào những chỗ xa xôi, nơi có nhiều cây mắm cây đước cao to, mọc lên như những đám rừng. Rồi sau đó cũng được cách ly  tạm trú lẻ tẻ nhà dân, dọc theo bờ sông của thôn  nhỏ bên trên, suốt Mùa chay, sang Tuần Thánh và qua Lễ Chúa Phục Sinh luôn.
  1. Những ngày ấy, mình chỉ mới theo Cha, làm thầy giáo làng chừng hơn 4 tháng, nhưng cũng được thu gọn vào chung với nhóm bị cách li tại gia. Mình như khách không mời mà tới, chỉ được đi lẩn quẩn trong khu nhà vườn của ông bà chủ nhà có lòng tốt, cho mình và anh đồng bạn tạm trú một cách bằng lòng chịu vậy.
  1. Tới Hôm Lễ Tro năm đó, ăn chay dễ ợt, vì chỉ có bữa đói bữa no với rau cải nhà vườn. Rồi đồng dạng đồng mệnh, ta ra đồng giúp gia chủ canh tác tận tình, trên cánh đồng miệt U Minh, Năm Căn đất thấp. Cơ cực chăng? Xin thưa,  vào dạng hai mươi mấy tuổi, người nào  cũng hầu như  cảm thấy  mọi chuyện dễ dàng, dễ chịu đựng và dễ vượt qua những nổi gian truân  một cách vui vẻ.
  1. Rồi tuần Thánh tới với Chúa Nhật lễ lá khai màn. Sau buổi làm tiếp chủ nhà dọn dẹp đất gieo mạ, mình trèo lên cây dừa, tước vài cọng lá, thắt thành cánh chim cò, quơ lên trong gió, gởi lòng ra muôn phương, cùng chung con tim với bao người khắp chốn tay cầm cành lá, miệng vang lời ca, tung hô vạn tuế, Vua ngồi lưng lừa, đến với chúng dân, nhân danh Thiên Chúa.
  1. Tới thứ Năm Tuần Thánh, cùng cuốc cỏ dại trên nương rẫy với gia đình nhà chủ, nhưng lòng  gởi về nhà thờ Chính Toà Địa Phận, cùng dự Thánh lễ Làm Phép Dầu, cũng là Thánh Lễ kỷ niệm Chúa Giêsu lập nên Chức Linh Mục qua Bí Tích Truyền Chức Thánh. Cầu cho hàng giáo Sĩ các cấp sống xứng đáng đấng bậc của mình.
  1. Buổi chiều khi mặt trời sắp đi ngủ, đáng lẽ ngày đó mình tới nhà thờ, mừng Kính Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Sau đó cùng chầu Chúa tới lúc nửa đêm. Các đoàn thể  giáo xứ của mình, luân phiên chầu lượt , ca hát, đọc kinh, suy niệm Phúc Âm Gioan chương 18,  19 về cuộc thương khó, rồi cầu nguyện chung. Nhưng ngày đó, phải thu mình trong một gốc nhà, tự truyện, tự nguyện,  tự cảm, tự tình khúc nôi với Chúa tại tâm.
  1. Thứ sáu tuần thánh. Giữ chay khó chi. Buổi chiều, tôn vinh thánh giá, nhờ gổ của kệ thánh nầy, chúng sinh được ơn cứu chuộc. Sau đó là những lời cầu nguyện và hát Phúc Âm Gioan về cuộc thương khó của Chúa. Rồi giáo dân chịu lễ và lần lượt hôn kính thánh giá của Chúa mình, nhắc ta nhớ thêm tình yêu vô biên của lòng Chúa. Nhưng vì hoàn cảnh tự cách ly tại gia, mình chỉ suy niệm từng bước trong lòng.
  1. Thứ Bảy tuần Thánh, cả ngày hôm nay, nhà thờ không nghi lễ, bàn thờ không bông hoa trang hoàn, không kinh kệ công khai, để mọi người in lặng, tự cảm thông với Chúa đang yên nghĩ trong mồ đá. Cám tạ Chúa đã thương con người, đến cả dám hi sinh mạng sống vì ai. Sau sáu giờ chiều, mọi người cùng tụ họp mừng Chúa Phục Sinh. Nghi lễ làm Phép lửa. Kiệu nến Phục sinh, hình ảnh Chúa là ánh sáng giữa u tối tội lỗi. Rồi những bài đọc Cựu và Tân Ước sơ lược nhiệm cục cứu chuộc. Công bố Chúa ta Phục sinh. Cồng chiêng inh ỏi, trống đánh thùng thùng, đèn đuốc sáng choang…Cùng nhau hiệp lễ. Nhưng hôm đó con đã ca khen mừng Chúa, Amen và Alleluiah trên cảnh Nương Chiều của nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) khi bóng tà đã ngã về tây, nơi miền cuối cùng của vùng U Minh hạ Nước Việt.
  1. Sau Lễ Chúa Sống lại vài tuần, cơn mơ qua đi, gió mưa không còn. Mỗi năm kế tiếp mình có thể tham dự tuần thánh với cộng đoàn tại nhà thờ Họ Đạo đó đây, trừ ra năm 2020 nầy. Qua cớ sự Côrôna u buồn năm ni, mình đã được học rằng ở đâu cũng có Chúa. Chúa hiện diện khắp mọi nơi mà. Nhưng đó là Chúa bao la trong trời đất. Chúa tại ngoại qua hình tướng được mô tả.  Mùa phục sinh tại gia năm đó, giúp mình gặp Chúa tại tâm, để rồi ráng đem tâm của mình ít nhiều gần với tâm Chúa, có được chút nào”Chúa tánh”. Chúa Tánh ở đây chỉ dám giới hạn trong hai đặc tính nhỏ thôi. Đó  là mến Chúa và yêu người. Con chỉ dám xin yêu người trong phạm vi tầm tay hạn hẹp của con.
  1. Sau những ngày truân chuyên đó, Giáo Điểm mẹ, Giáo điểm con không còn. Phải tự lo sinh sống. Rồi thời gian qua mau. Khó khăn bớt dần, một số thành viên trong nhóm của hai Cha, có dịp trở lại cảnh cũ, thăm lại những người xưa là những gia chủ, đã cho mình tá túc trong thời gian loạn lạc, hoạn nạn, mà không tỏ ra vẻ mặt khinh thường. Ngày tháng cách ly tại gia,  chủ nhà của mình là ông Mã Văn Sô thường hay khuyên nhủ mình và anh bạn đồng hành: hai cháu ráng coi thời gian nầy, như thời gian thử thách của Thầy Tam Tạng cùng với  Tề Thiên khi đi Tây Trúc thỉnh kinh…  Thú thật, khá mắc cỡ, vì những ngày đó, mình chưa đọc được, chưa có dịp xem qua bộ phim Tây Du Ký của Tác Giả  Ngô Thừa Ân, trong khi một nông dân chân chất miệt vườn U Minh Hạ,  lại dùng mẩu gương nầy mà khuyên nhủ ngược cho mình. 

Trở lại vùng nói trên, với mục đích chính là tri ân những người có lòng ngay, miền cuối cùng của nước Việt, bằng lời chân thành kèm theo lễ nghĩa.  Những việc trên làm cho  chủ nhà ãã cho mình tá túc ngày ấy, có thêm cớ sự để so sánh công khai với nhiều người:  trong quá khứ tao và vợ tao đã nấu cơm ngày đêm cho nhiều người, nhưng rồi 45 năm qua không thấy mấy ai trở lại, chỉ có nhóm mấy “”ông đạo” (người của hai Cha) coi như dân Samari  ngoại tộc nầy, người ngoài “đoàn thể”, trở lại mà thôi.

Rồi ông liên lạc với Cha Ngô Phúc Hậu xin theo đạo cùng với người con gái út bị khiếm thị, do một mùa đau mắt lúc em bảy, tám tuổi. Mới chỉ ghi danh học giáo lý,  mà ông đã khoe với mình và nhiều người: “tao đã có đạo rồi”. Khoãng chừng 1998, ông chịu ba Bí Tích  khai tâm cùng với đứa con gái.    Dịp đó Cha Hậu có thư cho mình  biết: “Ca tụng Chúa đi. Hoa Trái đầu mùa Phục Sinh đó …”.

Cũng đã có ít nhất một lần, ông mời cha Ngô Phúc Hậu và nhóm Hội Đồng Giáo Xứ Bảo Lộc Cà mau, tới nhà ông qua một buổi chiều, tâm sự một buổi đêm, và qua một buổi sáng hôm sau, Cha làm lễ giỗ, có ca đoàn hát,  cho Thân phụ của ông là một chức sắc đạo Cao Đài vùng đó và cho cả gia tộc nữa.

Rồi ngày tháng cũng qua đi,  hồn ông bay bổng lên với Chúa. Thân xác gởi về lòng đất mẹ. Trên  mộ bia khắc hình cây Thánh Giá với dòng chữ tên Thánh & tên gọi:  Phêrô Mã Văn Sô. Trên mộ bia chỉ lẻ loi một Thánh Giá đơn độc, cô bóng, tại một xã ấp khó tìm thấy, trong khi chờ đợi nhiều Thánh Giá vinh quang trên nhiều nóc nhà cao, tại vùng đất mướt mồ hôi sôi nước mắt của cả hai Cha và luôn của nhóm cán bộ bình dân Giáo Điểm ngày cũ.  

Thêm một người nữa, là ông thông gia (xuôi gia) của Dì chín Nữa. Dì là gia chủ đã cho Cha tá túc trong thời gian khó khăn nói trên. Dì đã được Cha dành hẳn một trang  trong tập Nhật ký Truyền Giáo. Khi nghe  được tin lành từ nhóm “ông đạo” thì  ông xuôi nhà gái của dì chín, có biểu lộ tâm tình với gia chủ nhà mình là ông Mã Văn Sô: ” biểu (bảo) mấy ông đạo đó tới đây, tao cho đất cất nhà thờ”. Mình nghe được chút dư âm lẻ tẻ từ xa. Nhưng cũng là tin tốt. Đó chính là niềm khích lệ lớn lao, khi mùa Xuân đang tới rất gần. 

Gói lại.  Tuần Thánh năm nầy, bệnh dịch Côrona Vũ Hán đang hoành hành, hầu hết các nhà thờ đều ra thông cáo tự cách ly tại gia, theo chỉ dẫn của ban Y Tế chính Phủ.  Nhưng nhờ kỹ thuật truyền thông tân tiến, không cần dùng trí tưởng tượng như xưa, mà mình có thể dự những nghi lễ tuần Thánh tại nhà với hình ảnh âm thanh rõ ràng,  qua máy thu hình hay điện thoại thông minh.

Cá nhân mình thấy việc Chúa làm, có khi  hàng chục hay mấy chục năm sau, may ra mới có ló dạng chút nào dư âm  ngoạn mục, nhưng ít ra đời mình cũng may mắn có dịp tri nhận.  Riêng người dân Hồ Bắc có câu ngạn ngữ: nếu Trời lấy đi cái nầy, thì Trời đã chuẩn bị  và sẽ trao cái khác  hay hơn, cao đẹp hơn, lớn lao hơn. Và có lẽ ai ai  cũng tin hoặc cầu mong   câu tục ngữ nầy hiện thực với chính mình, để thêm hi vọng, thêm nghị lực, thêm  tin tưởng vào Đấng Quan phòng mà vui sống và chuẩn bị cho mình.

Mùa Chúa Phục sinh năm Corona Vũ Hán nầy, xin cho con, một con người mới, quả tim mới,  với tinh thần mới. Vì chưng mỗi ngày qua đi, con cũng đã rất gần ngày đi tới Chúa quá rồi.