Dòng Sông Thanh Tẩy (6)

print

DÒNG SÔNG THANH TẨY (6)

 Làm trong sự điềm đạm

Điềm đạm là điềm tĩnh, bình lặng, an nhiên. Người điềm đạm là người đã làm chủ được mọi cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực, không để cho bất cứ hoàn cảnh hay đối trọng nào ảnh hưởng tới thân tâm. Điềm đạm là cách thái hành động của Đức Giêsu, nhất là khi đứng trước những tình trạng gay go, như trường hợp người đàn bà ngoại tình; việc đóng thuế cho César; đứng trước tòa án của Philatô và Hêrôđê… Điềm đạm là thái độ ứng xử của một tâm hồn siêu thoát, không câu nệ hay nô lệ cho những biến động và những ảnh hưởng lợi hại bên ngoài.

Trong thần thoại Nhật bản có câu chuyện về việc thi thố quyền lực của các vị thần, xem thần nào có thể làm bá chủ thế gian. Nào là Thần Lửa, Thần Sấm Sét, Thần Bão Tố, thần Âm Nhạc… Vị thần nào cũng có sức mạnh kinh hoàng làm điên đảo và hoảng loạn các thần khác. Không còn thần nào nghĩ là mình là đấng bất khả xâm phạm nữa. Thế nhưng lại có một vị thần “như như bất động”, sắc mặt vẫn điềm nhiên trầm tĩnh lạ thường trước mọi biến động. Hỏi ra thì vị thần này xưng mình là “Điềm Đạm”. Thế là vị trọng tài tuyên bố quyền bá chủ thuộc về vị thần này, vì đã hoàn toàn làm chủ mọi cảm xúc của mình, không còn bị dao động trước mọi tình thế. Đang khi các thần khác có thể chế ngự được nhau nhưng lại không thể chế ngự được chính mình.

Bất kỳ thế lực nào còn bị một thế lực khác đánh ngã thì không còn mạnh nữa. Chinh phục người khác mà không khuất phục được mình thì còn nghĩa lý gì. Chỉ là sức mạnh phô trương bên ngoài thì cũng chỉ là hành động của một nhân cách non yếu. Sức mạnh tâm hồn của sự điềm đạm mới là nhân cách cao vượt, vì không còn nao núng gì trước mọi hiện trạng của đời sống.

Chuyện kể rằng, Khổng Tử bị vây ở đất Khuông, không còn phương thế nào thoát ra được, nên ngồi chơi đàn và ca hát. Tử Lộ hỏi:

“Phu Tử làm sao vui được thế?”

Khổng Tử nói: “Ta đã làm hết sức để tránh mà không được, không còn tại ta nữa, nên tuân theo ý Trời. Xưa Nghiêu, Thuấn không bị cự cùng như ta, chẳng phải do có tài thận trọng mà được, mà là tại cái Mạng của họ không như của ta. Kiệt, Trụ, không phải tại họ tài ba ít hơn Nghiêu, Thuấn mà họ bị hại chỉ vì cái Mạng của họ không giống như hai người kia. Lặn xuống đáy biển, mà không biết sợ giao long, đó là cái Dũng của bọn chài lưới. Vào rừng mà không biết sợ hổ báo, đó là cái Dũng của bọn thợ săn. Thấy gươm bén mà không biết sợ, xem tử như sanh, ấy là cái Dũng của người liệt sĩ. Biết được chỗ cùng thông là Thời, Mạng, và bất cứ là ở vào cảnh nguy hiểm nào cũng không biết sợ, đó là cái Dũng của Thánh nhân…”. Cái Dũng của Thánh nhân, tức là chỗ cùng cực của Điềm Đạm.

Điềm đạm thì mới tạo được cái tâm yên tĩnh. Tâm tĩnh mới có thể sản sinh trí tuệ. Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, Gia Cát Lượng sau khi bị thất thủ ở Nhai Đình, lại nghe được tin Tư Mã Ý dẫn theo mười lăm vạn đại quân tấn công Tây Thành. Trong tay Gia Cát Lượng lúc ấy chỉ có vẻn vẹn 2.500 quân lính giữ thành. Nhưng Gia Cát Lượng vẫn bình tâm tĩnh khí dẫn hai tiểu đồng cầm đàn, dựa vào lan can trong thành ngồi gảy đàn. Tư Mã Ý dẫn quân kéo đến Tây Thành, thấy tình cảnh như vậy lấy làm lạ, đăm chiêu nghe Gia Cát Lượng gẩy đàn một lúc, rồi hạ lệnh cho quân nhanh chóng tháo lui. Tiếng đàn “bình tĩnh bất loạn” của Gia Cát Lượng đã hù dọa được Tư Mã Ý thoái lui. Đây được gọi là “núi Thái Sơn sụp đổ ngay trước mắt mà sắc mặt không thay đổi, con nai có nhảy múa bên cạnh thì mắt vẫn không liếc”. 

Thái độ của Gia Cát Lượng rõ ràng là một cách đánh lừa Tư Mã Ý, chẳng đẹp đẽ gì. Tuy nhiên, đứng trước sự sống chết thì đây lại là một chiến trận mang tính “cân não”. Phải làm hết khả năng mình trước khi buông tay. Ngoài ra, ta phải nhận ra rằng, khí độ siêu phàm như vậy chỉ có nơi những tâm hồn siêu thoát, chẳng còn sợ gì khác, dám phó thác tất cả cho mệnh trời.

Trong cuốn “U song tiểu ký” có câu đối rằng: 

“Sủng nhục bất kinh,

 khán đình tiền hoa khai hoa lạc.

 Khứ lưu vô ý,

vọng thiên không vân quyển vân thư”.

Tạm dịch:

“Không quan tâm điều hơn lẽ thiệt,

 ngắm trước sân hoa nở hoa tàn.

Tùy ý ra đi hay ở lại,

nhìn khung trời mây tụ mây tan”.

Câu đối này đã nói lên cảnh giới siêu phàm thoát tục của các bậc cao nhân. Nếu có thể xem vinh nhục cũng nhẹ nhàng như đóa hoa sớm nở tối tàn, thì mới có thể giữ cho nội tâm được bình lặng. Và nếu có thể xem công danh lợi lộc đến rồi đi cũng như mây tụ mây tan, thì mới có thể giữ nội tâm được vô vi thanh tịnh. Do đó, được mà không hoan hỉ, mất cũng không ưu phiền, vinh mà không kinh động, nhục cũng không bận lòng. Giữ được tâm an bình và siêu thoát như thế là vì đã nhận ra sự thật về cuộc đời:

Ngoảnh nhìn cuộc đời như giấc mộng,
Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không.
Đường về khép bóng trần gian,
Lợi danh gói một hành trang vô thường.
Phú quí vinh hoa như mộng ảo,
Sắc tài danh lợi tựa phù du.
Tất bật hơn thua rồi cũng bỏ,
Ung dung tự tại thế mà vui. 
(Bùi Giáng)

Mọi thứ trong thế gian này là giả tạm: “Vanitas vanitatum et omnia vanitas” (Phù vân nối tiếp phù vân…). Do đó, bậc trí giả không bao giờ coi hạnh phúc hay đau khổ, được hay mất là quan trọng. Họ hiểu rằng “vạn sự vạn vật đều có nhân duyên”. Cứ an nhiên mà sống, cứ điềm đạm mà làm. Vì biết rằng cuối cùng, mọi sự đều tiến triển theo đường nẻo của Thiên Chúa, Đấng quan phòng tuyệt diệu, Đấng vẽ nên đường thẳng từ những đường cong, nên ta không mong theo ý mình mà mong theo ý Chúa. Kinh nghiệm sống với Chúa, khiến ta cũng ung dung và điềm đạm khi sống với mọi người, mọi vật.

Tóm lại, con đường siêu thoát trước tiên là con đường thanh tẩy tâm hồn khỏi những vướng bận u mê, khỏi những động cơ u ám, khỏi những tư tưởng và hành động u tối, để bước vào đời sống hồn nhiên, tươi sáng, chan hòa tình yêu trong thanh tịnh, an bình. 

Tuy nhiên, con đường thanh tẩy không phải là một giai đoạn cần làm cho xong, nhưng là một cuộc hành trình suốt đời để đạt tới mức độ sâu rộng hơn trong sự hoàn thiện. Mỗi ngày ta cần đào luyện thêm khả năng đón nhận và trao ban theo ơn gọi của mình, để Chúa trở nên tất cả trong mọi ý muốn, hành vi, lựa chọn và quyết định. Chỉ như vậy, sự thanh tẩy mới trở nên trong suốt, vì do chính Chúa làm nên để cho ta được hòa nhập vào sự thánh thiện vô biên của Ngài. Điều đó cho ta hiểu rằng, càng siêu thoát thì lại càng thánh thiện; càng thánh thiện lại càng siêu thoát.

Lm. Thái Nguyên