Đức Ki-tô là niềm hy vọng cho nhân loại – Chúa nhật XXX Thường niên – Năm B
Thế giới hôm nay đang bị xâu xé vì xung đột. Những chiến dịch quân sự ngày một leo thang đến nỗi nhiều người tiên đoán một cuộc chiến tranh bằng vũ khí nguyên tử, hoặc chiến tranh thế giới lần thứ ba. Nhân loại đã kinh nghiệm đau thương vì những cuộc chiến tranh trong quá khứ, hiện nay lại bị lôi kéo vào những tranh chấp cam go khốc liệt, khiến máu chảy đầu rơi và cướp đi mạng sống nhiều dân lành. Làm sao chúng ta có thể nói về hy vọng trong một thế giới đầy bất ổn này?
Vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên, người Do Thái bị bắt đi lưu đày tại Babylon. Trong cảnh nước mất nhà tan, họ luôn than khóc đau buồn. Giữa cảnh tha hương, họ vẫn kêu cầu Thiên Chúa, xin Ngài giải phóng họ khỏi ách lưu đày. Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a hôm nay là lời hứa của Thiên Chúa cho dân lưu đày. Qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Ngài báo cho mọi người biết: họ sẽ được về quê hương xứ sở trong niềm vui vỡ òa. Trong đoàn người hồi hương ấy, có đủ mọi thành phần, kể cả những người tàn tật, nghèo khó, vì Chúa là Thiên Chúa của tình thương.
Nếu Thiên Chúa của Cựu ước đã giải phóng dân riêng khỏi ách lưu đày thể xác, thì Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể, lại đến trần gian để giải phóng con người thoát khỏi ràng buộc của tội lỗi. Bằng giáo huấn của Người, Chúa Giê-su đưa con người thoát ra cảnh mù tối thiêng liêng. Đó là sự hận thù, ích kỷ, ghen tương, tham lam đố kỵ. Đó cũng là sự vô cảm dửng dưng trước nỗi khổ của đồng loại. Qua phép lạ chữa lành người mù ở cổng thành Giê-ri-cô, Chúa Giê-su muốn khẳng định: Người là Thiên Chúa quyền năng, và thời Thiên sai đã đến. Đây là lúc những gì các ngôn sứ đã tiên báo trong Cựu ước đạt tới mức thành toàn. Lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a nói trước kia, đã được thực hiện trong cuộc hồi hương của người Do Thái, và hôm nay đang được thực hiện nơi Đức Giê-su, vị Ngôn sứ có uy quyền trong hành động và lời nói.
Đức Ki-tô là niềm hy vọng cho thế giới. Đó là khẳng định và là niềm xác tín của đức tin Ki-tô giáo. Chúng ta có thể khẳng định chắc chắn như thế vì chúng ta tin Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, là Đấng có thể làm được mọi sự, vào lúc Ngài muốn và theo cách Ngài muốn. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô đã viết trong Thông điệp Spe Salvi “Đức Ki-tô nói cho chúng ta biết con người là gì, phải làm gì để trở nên người đích thực. Người chỉ cho chúng ta thấy con đường và con đường này là chân lý. Người là con đường và là chân lý, vì thế là sự sống mà chúng ta trông mong (số 6).” Thư gửi tín hữu Do Thái (Bài đọc II) đã khẳng định sự gần gũi yêu thương của Thiên Chúa qua Đức Giê-su Ki-tô. Người là vị Thượng tế cảm thông những yếu đuối của chúng ta. Người vẫn đang tiếp tục dâng chính thân mình làm của lễ để tôn vinh tình thương của Chúa Cha và xin ơn an bình cho nhân loại. Qua mầu nhiệm Nhập thể, Thiên Chúa không còn xa cách con người. Đức Giê-su là Thiên Chúa. Người đến gặp gỡ con người và mang cho họ sự đỡ nâng tinh thần thể xác. Ngày hôm nay, Chúa Giê-su vẫn đang đi ngang qua cuộc đời chúng ta. Người gõ cửa tâm hồn chúng ta để mời gọi chúng ta thực hiện đức công chính, cùng nhau xây dựng một thế giới huynh đệ. Nếu mọi người biết lắng nghe và thực hành thông điệp do Chúa nhắn gửi, thì thế giới sẽ bình an và lòng nhân ái sẽ lan toả trong cuộc sống của chúng ta.
Sống trong thế giới hôm nay, người Ki-tô hữu không dửng dưng với những mối bận tâm của thế giới. Trái lại, mỗi người phải cầu nguyện cho hòa bình và cố gắng góp phần xây dựng hòa bình. Hòa bình khởi đi từ mỗi cá nhân, khi chúng ta sống hài hòa với anh chị em, cổ võ nền văn minh tình thương, tôn trọng sự sống và phẩm giá của người khác. Đó là những hạt giống của niềm hy vọng mà các Ki-tô hữu được mời gọi hãy nỗ lực tung gieo vào mọi môi trường xã hội.
Ki-tô hữu là người tin cậy vào Thiên Chúa. Họ tin Ngài có thể làm được mọi sự. Thiên Chúa của Người Do Thái cũng là Thiên Chúa của người Kitô hữu. Ngài là Đấng làm cho điều không thể thành điều có thể.
“Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được!”. Đó là lời van xin của người mù ở cổng thành Giê-ri-cô. Đó cũng là lời cầu nguyện của mỗi chúng ta. Hãy xin Chúa mở mắt tâm hồn để chúng ta thấy những nhu cầu của công ích, của những người bị bỏ rơi, người nghèo khổ và những người đang bị dồn vào ngõ cụt của cuộc đời. Xin Chúa cũng mở mắt khai trí để chúng ta biết mình là ai trong cuộc sống hằng ngày.
Chúng ta hãy cầu nguyện với thánh Phan-xi-cô Át-si-di: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa!”. Khi thiện chí sống theo giáo huấn của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ trở nên khí cụ bình an và là người thắp lên niềm hy vọng trong cuộc đời.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên