Đức Maria, Hình Ảnh Của Giáo Hội Hiệp Hành: Bài 1 – Bài 5
Kulandaisamy và Y. Karunanidhi
Chuyển ngữ: Nt. Têrêsa Kiều Thị Yến Ly, SPC
Trích từ: Tác phẩm “Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành”
Nguyên tác: Mary Icon of the Synodal Church: Biblical Reflections
WHĐ
BÀI 1 – ĐẦY ƠN SỦNG VÀ THIÊN CHÚA Ở CÙNG.
BÀI 03 – ĐƯỢC RỢP BÓNG BỞI CHÚA THÁNH THẦN.
BÀI 05 – VUI MỪNG VỚI NGƯỜI KHÁC.
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM
Ngay từ buổi sơ khai, Đức Maria đã chiếm một vị trí quan trọng trong lòng các Tông đồ và các tín hữu đầu tiên, với một lòng yêu mến và tôn kính đặc biệt. Riêng đối với người tín hữu Việt Nam, lòng sùng kính ấy đã thấm nhập sâu xa vào đời sống đức tin và được thể hiện qua các việc đạo đức rất thường xuyên như: lần chuỗi, dâng hoa, rước kiệu, ca hát, khấn xin, kính nhớ Đức Mẹ vào mỗi thứ Bảy hằng tuần, cử hành hằng tháng cách long trọng các ngày Đức Mẹ hiện ra…
Chính vì thế, trong bối cảnh của toàn thể Giáo Hội đang hướng về Thượng Hội Đồng Giám Mục về Hiệp Hành cấp hoàn vũ sẽ được tổ chức vào tháng 10.2023 sắp tới tại Rôma, Khoa Thánh Mẫu của Học Viện Giáo hoàng tại Vatican đã xuất bản tác phẩm “Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội Hiệp Hành”.
Tác phẩm gồm 12 bài giải thích và suy niệm dựa trên nền tảng Thánh Kinh về các nhân đức của Đức Maria, đặc biệt là các nhân đức thể hiện tinh thần hiệp hành mà toàn thể Giáo hội đang hướng tới. Đó là các nhân đức trong việc phân định ý Chúa, lắng nghe và thi hành Lời Chúa, ngoan ngùy với Chúa Thánh Thần, thinh lặng chiêm niệm, bước đi với mọi người, yêu thương nâng đỡ những người bé nhỏ, và cộng tác loan báo Tin mừng… Những bài suy niệm này dễ đọc và mang tính thực hành rất cao, sẽ giúp mọi tín hữu đi vào sâu vào “tiến trình Hiệp Hành” đã khởi sự từ hai năm qua.
Thật vậy, “Trong cuốn sách mang tính thiêng liêng, giáo dục và rất sâu sắc này, D. Kulandaisamy và Y. Karunanidhi giúp chúng ta suy tư về Đức Maria, hình ảnh của Giáo hội Hiệp Hành. Và cùng với Thượng Hội đồng năm 2021 – “Vì một Giáo hội Hiệp Hành: Hiệp Thông, Tham Gia và Sứ Vụ” – chúng ta đã bước vào một tiến trình hiệp hành, cả hai đều đề nghị với chúng ta việc chiêm ngắm Đức Maria như là một hình ảnh truyền cảm hứng để hướng dẫn chúng ta bước vào con đường hoán cải để trở thành một Giáo hội Hiệp Hành” (trích Lời Kết của tác phẩm).
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15.8.2023
+ Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Giám mục Phan Thiết
Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam
LỜI TỰA
“Đức Maria, Hình ảnh của Giáo hội hiệp hành” là tựa đề tác phẩm quan trọng của hai linh mục: Denis Kulanadaisamy và Yesu Karunanidhi. Tác phẩm giới thiệu với độc giả về ý nghĩa Thánh Kinh của mẫu gương Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Khi Mẹ đứng dưới chân thập giá, thì chính Đức Kitô đã đặt Mẹ là người mẹ thiêng liêng của các môn đệ yêu quý của Người. Đây là lý do vì sao Giáo hội nhận Mẹ của Chúa Giêsu cũng là Mẹ của Giáo hội và chỉ ra chính Mẹ là khuôn mẫu của mỗi người môn đệ, người biết lắng nghe Lời Thầy và đem ra thực hành.
Nhờ đức tin, Đức Maria đã đón nhận Con Thiên Chúa, Đấng trở thành người anh của chúng ta. Chính Mẹ là người đã đưa Chúa vào lịch sử, vào văn hóa, và vào đời sống nhân loại trong cuộc sống thường ngày tại Nazareth và là người đã bước theo Chúa Giêsu trong sứ mạng của Chúa. Như Mẹ đã từng chăm sóc cho Chúa Giêsu, thì Mẹ cũng sẽ tiếp tục chăm sóc những anh chị em của Con mình, những người mà chính Chúa Giêsu đã cứu chuộc bằng chính mạng sống của Ngài.
Đức Maria đã được chính Chúa Giêsu trên Thánh giá giới thiệu như là người Mẹ quy tụ tất cả con cái Israel lại với nhau, chính là Giêrusalem mới, là hình ảnh sống động của Giáo hội. Đây là lý do chúng ta thấy Đức Mẹ Đồng Trinh đã ở cùng với các tông đồ trong phòng Tiệc ly: một dấu chỉ của sự gặp gỡ và tính hiệp nhất! Giáo hội sơ khai quy tụ chung quanh Mẹ và Giáo hội ngày nay cũng vậy: Mẹ ở lại trong lịch sử như là nguyên lý cho tính hiệp hành của Giáo hội.
Đối với Giáo hội Công giáo, Đức Maria vẫn luôn là một khía cạnh nền tảng trong suy nghĩ của Kitô hữu, nhưng về giá trị thì vượt khỏi ranh giới Kitô giáo. Nơi Đức Maria chúng ta có thể tìm thấy một trong những biểu tượng văn hóa phổ biến và mạnh mẽ nhất trong hai ngàn năm qua.
Hình ảnh Đức Maria là biểu tượng cho mọi nền văn hóa về sự dịu dàng của người Mẹ, một sự dịu dàng muốn đón nhận tất cả mọi người vào trong cung lòng của Mẹ.
Trách nhiệm không ngừng của Giáo hội là luôn phải xem xét kỹ lưỡng những dấu chỉ của thời đại và giải thích chúng dưới ánh sáng Lời Chúa. Trong sứ mạng mang tính quyết định này của Giáo hội, vị thế và vai trò trung tâm của Đức Trinh nữ Maria luôn nổi bật. Để có thể hiểu được chính con người của Mẹ và để bắt chước các nhân đức của Mẹ, chúng ta cần chiêm ngắm Mẹ từ nền tảng vững chắc của Thánh Kinh.
Chúng ta cảm ơn hai tác giả của bộ sách này vì đã cung cấp những nền tảng chắc chắn, giúp chúng ta hiểu một cách chính xác và hữu ích về nguồn gốc Thánh Mẫu cho tính hiệp hành của Giáo hội.
Lm. Stefano Cecchin, OFM,
Viện trưởng Học viện Giáo hoàng Quốc tế về Đức Maria
DẪN NHẬP
Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Giáo hội và Thượng Hội đồng là đồng nghĩa với nhau”[1]. Tái khám phá chiều kích hiệp hành của Giáo hội là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với tất cả những người đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy.
Tính hiệp hành nghĩa là bước đi cùng nhau. Như một Giáo hội lữ hành, chúng ta xem Đức Maria như người đồng hành trong hành trình thiêng liêng của chúng ta, bởi vì Mẹ là Mẹ và là Khuôn mẫu của Giáo hội. Giáo hội luôn luôn được soi sáng bởi chính sự hiện diện của Đức Maria. Đức thánh Giáo hoàng Phaolô VI nhận xét: “Tình mẫu tử thiêng liêng của Đức Maria vượt không gian, thời gian và thuộc về lịch sử của Giáo hội hoàn vũ, bởi Mẹ luôn hiện diện trong Giáo hội với sự trợ giúp từ mẫu.… Mọi giai đoạn lịch sử của Giáo hội đã được và sẽ được hưởng lợi từ sự hiện diện của Mẹ Thiên Chúa vì Mẹ luôn gắn bó bền chặt với mầu nhiệm của Nhiệm Thể, mà Đầu của Nhiệm Thể là Chúa Giêsu Kitô, Đấng vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời (Dt 13,8)”[2].
Sự hiện diện của Đức Maria trong Giáo hội thì mang tính từ mẫu, tích cực và công hiệu, nguyện cầu, vĩnh cửu, nữ tính, gương mẫu, bí tích, linh thiêng, riêng biệt, cá vị, và đặc trưng[3]. Khi sống tính hiệp hành của Giáo hội, chúng ta có Đức Maria là mẫu gương để chúng ta noi theo. Để noi theo Mẹ, chúng ta cần hiểu biết và thấm nhuần trong tâm hồn chúng ta những giá trị và tinh thần của Mẹ nhiều hơn. Thánh Kinh là nguồn đáng tin cậy và lâu đời nhất để chúng ta biết về cuộc sống của Đức Maria và sự cộng tác của Mẹ với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đọc và suy niệm những sứ điệp Thánh Kinh về Đức Maria, chúng ta có thể học nơi Mẹ cách sống linh đạo của Mẹ trong tiến trình hiệp hành.
Đức Maria rất thân quen và vâng phục Lời Thiên Chúa. Về việc Mẹ thân quen với Lời Chúa, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói, “điều này được minh chứng rõ ràng trong Kinh Magnificat. Ở đây, theo một nghĩa nào đó, ta thấy Đức Maria đã tự đồng hoá với Lời, đi vào trong Lời; trong bài thánh ca đức tin đầy tuyệt diệu này, Đức Trinh Nữ đã ngợi khen Đức Chúa bằng chính lời của Ngài… Ở đây, chúng ta thấy với Lời Thiên Chúa, Đức Maria tỏ ra thật sự thân quen như ở trong nhà mình, Mẹ thoải mái đi ra, đi vào. Mẹ nói năng và suy nghĩ với Lời Thiên Chúa; Lời Thiên Chúa trở thành lời của Mẹ, và lời của Mẹ phát sinh từ Lời Thiên Chúa. Hơn nữa, ta thấy tư tưởng của Mẹ hoà điệu với tư tưởng của Thiên Chúa, ý muốn của Mẹ nên một với ý muốn của Thiên Chúa. Vì được Lời Thiên Chúa thấm nhuần sâu xa, Mẹ có thể trở thành Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể”[4]. Đức Maria mời gọi chúng ta hãy yêu mến và sống với Lời Thiên Chúa.
Liên quan đến tính trung tâm của Lời Chúa trong hành trình hiệp hành, Tài liệu “những nguồn Thánh Kinh cho tính hiệp hành” nói rằng: “Nhờ hành động thầm lặng và tinh tế của Chúa Thánh Thần, Lời trong Thánh Kinh đã trở thành Lời trong Giáo hội. Lời đối mới, truyền cảm hứng và nâng cõi lòng cùng trí tưởng tượng của chúng ta, để nhìn thấy ơn cứu độ và tình yêu chữa lành của Chúa trong cuộc sống, trong Giáo hội và trong thế giới của chúng ta. Lời của Chúa thực sự là ‘lương thực cho cuộc hành trình’ của chúng ta, để dù có khó khăn và mệt mỏi đến đâu, thì tâm hồn trĩu nặng vẫn được bồi dưỡng và tâm hồn sầu muộn vẫn được an ủi (Gr 31,25). Vì Lời của Chúa như nguồn nước tưới cho đất đang khô hạn, vươn tới sự sống đời đời (Ga 4,14). Đây là lý do tại sao Thánh Kinh là trung tâm của tiến trình hiệp hành”[5].
Và thực sự vì lý do này mà sách này mời gọi người đọc suy niệm những đoạn văn về Đức Maria trong Tân ước và học với Mẹ cách để sống tính hiệp hành trong Giáo hội. Vì thế, Thánh Kinh, Đức Maria và Giáo hội hiệp hành là 3 yếu tố then chốt cấu thành nội dung cuốn sách. Hơn nữa, Lời Chúa và Đức Maria là những chủ đề cung cấp cho người đọc những hướng dẫn thực tế cho tiến trình hiệp hành.
BÀI 1 – ĐẦY ƠN SỦNG VÀ THIÊN CHÚA Ở CÙNG
Thiên thần Gabriel vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28).
Nền tảng Thánh Kinh
Trong Tin mừng Matthêu, thánh Giuse được biết đến như một người công chính (tiếng Hy Lạp là ‘dikaios’) (x. Mt 1,19), và trong Tin mừng Thánh Luca, Đức Maria được giới thiệu với hai cụm từ: “Đầy ân sủng” (kecharitomene) và “Thiên Chúa ở cùng” (kyrios-meta-sou) (x. Lc 1,28). “Đầy ân sủng” thường được dùng ở một vài nơi trong Tân ước, như thư Êphêsô 1,16. Thành ngữ “đầy ân sủng” gợi lên nhiều vấn đề về văn bản và dịch thuật. Bản Vulgata dịch từ này là “gratia plena”, trong khi những bản dịch khác là “gratia cumulata” hoặc “đã được chấp nhận”. Điều này ngụ ý rằng Đức Maria là đấng đầy ân sủng và được Thiên Chúa chấp nhận. Được ưu ái trong mắt một người có nghĩa là người đó trở thành lựa chọn và mong muốn duy nhất. Đức Maria đã đón nhận được nhiều ân sủng từ Thiên Chúa và Mẹ luôn tràn đầy những tập quán hoặc giá trị cao quý. Ân sủng đặc biệt làm cho Mẹ trở thành người được chọn giữa những người nữ để làm Mẹ Đấng Mêssia. Việc Đức Maria hạ sinh Chúa Giêsu cách diệu kỳ (x. Lc 1,31-33) là một ví dụ về ân sủng của Thiên Chúa. Chính Đức Maria đã nhận ra điều này (x. Lc 1,46-47). Trong khi Mẹ luôn sẵn sàng và trung thành, thì Mẹ cũng giống như mỗi người chúng ta, thường gặp rắc rối ở bước khởi đầu (x. Lc 1,29), và Mẹ luôn tự hỏi Thiên Chúa làm thế nào để hoàn thành kế hoạch của Ngài (x. Lc 1,34), không giống Dacaria (x. Lc 1,18), câu hỏi của Mẹ là “làm thế nào để những Lời này trở nên hiện thực, không phải là câu hỏi theo kiểu “Nếu như”.
Cụm từ “Thiên-Chúa-ở-cùng” là một lời chào phổ biến của người Do Thái (x. Tl 6,12; Ruth 2,4). Trong Thủ lãnh 6,12, khi Ghiđêon được Thiên thần của Thiên Chúa gửi lời chào, thì ông đã hỏi vặn lại: “Ôi, thưa Ngài, nếu Đức Chúa ở với chúng tôi, thì sao chúng tôi đến nông nỗi này? Đâu cả rồi những kỳ công mà cha ông đã kể lại cho chúng tôi nghe” (Tl 6,13). Cụm từ “Thiên Chúa ở cùng ngươi” được ban như là một sự bảo đảm và là một dấu hiệu cho Akhát: “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Thiên Chúa ở cùng chúng ta) (x. Is 7,14). Câu này đã được Thánh Matthêu trích dẫn trong trình thuật Thời Thơ Ấu khi việc sinh hạ Chúa Giêsu được thông báo cho thánh Giuse (x. Mt 1,23).
Trong hai cách diễn đạt “đầy ân sủng” và “Thiên Chúa ở cùng”, Thiên Chúa là trung tâm. Thiên Chúa là nhân vật chính của câu chuyện. Thiên Chúa chọn Đức Maria và Thiên Chúa ở cùng Mẹ.
Ý nghĩa hiệp hành
Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội lữ hành. Thiên Chúa là nguồn gốc và đích đến của hành trình cùng nhau. Và Ngài đồng hành với chúng ta suốt quãng đường đi. Tuy nhiên, Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như những đồ vật. Thiên Chúa bước vào mối tương quan liên vị với từng người chúng ta trên thế giới. Thế giới này trở thành nơi quy tụ ân sủng và sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong thế giới hôm nay, “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” đã bị giải thích sai theo ba cách:
Thiên Chúa không ở cùng chúng ta
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã rời bỏ một số người trong một số điều kiện. Tại thung lũng Sorek, khi Samson phá vỡ lời thề Nazirite, Đức Chúa đã rời bỏ ông: “Nhưng Samson không hề hay biết Thiên Chúa đã rời xa ông” (Tl 16, 20). Khi Saul không vâng lời Đức Chúa, Thần Khí Chúa đã rời xa ông: “Bấy giờ, Thần khí Đức Chúa rời khỏi vua Saul và một thần khí xấu từ Đức Chúa đến ám vua” (1 Sm 16,14). Khi vua Nabucôđônôso của Babylon phá hủy thành Giêrusalem, đốt Đền thờ, và đưa dân Israel đi lưu đày thì vinh quang của Chúa đã rời Giêrusalem (x. Ed 11,23). Vì thế, một số cá nhân và cộng đoàn đã cảm nghiệm được sự vắng mặt của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ. “Thiên Chúa không ở cùng chúng ta” là một kinh nghiệm hiện sinh cho những người này.
Liên quan đến nhiều loại khủng hoảng toàn cầu khác nhau như đại dịch Covid-19, Tài Liệu Chuẩn Bị cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, ngay từ đầu đã làm rõ: “Tình trạng này, bất kể nhiều dị biệt rất lớn, liên can đến toàn thể gia đình nhân loại, thách thức khả năng của Giáo hội trong việc đồng hành cá nhân và cộng đồng để nhìn lại những kinh nghiệm tang thương, qua đó cho phép chúng ta vạch trần vô số những an toàn giả tạo và vun trồng niềm hy vọng và tin tưởng nơi lòng nhân hậu của Đấng Tạo Hóa và sự tốt lành trong công trình tạo dựng của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta không thể che dấu một thực tế rằng Giáo hội đang phải đương đầu với sự thiếu đức tin và suy đồi của chính mình”[6]. Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng: “Đấng Tạo hóa không bỏ rơi chúng ta; Ngài chưa bao giờ từ bỏ kế hoạch yêu thương của Ngài hoặc hối hận vì đã tạo dựng nên chúng ta. Nhân loại vẫn có khả năng làm việc chung với nhau để xây dựng ngôi nhà chung”[7].
Khi trình bày về cách tiến hành thỉnh ý ở cấp giáo phận, Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành nhấn mạnh rằng cần đặc biệt quan tâm đến những người có nguy cơ bị loại trừ như phụ nữ, người khuyết tật, người di dân, người tị nạn, người già, người nghèo đói, những người Công giáo ít khi hay không bao giờ thực hành đức tin, v.v…. Những người đã mất niềm tin vì sự mất mát, mất người thân yêu, thất vọng, sầu muộn, mắc bệnh nan y, không thể vượt qua nghiện ngập, thiên tai, chiến tranh, và bạo lực. Trong những khoảng thời gian này, chúng ta cảm nhận mạnh mẽ Thiên Chúa không còn ở cùng chúng ta. Đôi khi, chúng ta rơi vào tuyệt vọng rằng Thiên Chúa đang trừng phạt chúng ta vì tội lỗi của mình. Kết thúc bài giáo lý về lòng thương xót trong Cựu Ước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích về thánh vịnh 51, được gọi là Miserere (xin thương xót) như sau: “Tình yêu Chúa là đại dương của lòng thương xót và tha thứ vô tận, cho dù tội lỗi chúng ta có tồi tệ đến đâu cũng được rửa sạch”[8]
Thiên Chúa không cần ở cùng chúng ta
Từ thời Khai sáng, khi lý trí con người được tôn vinh, thì niềm tin vào Thiên Chúa đã bị loại trừ. Những gì không thể cảm nhận được bằng lý trí hay giác quan thì không có ý nghĩa gì đối với con người. Quan điểm này xem tôn giáo là một điều gì thuộc về thế giới siêu nhiên hoặc mê tín dị đoan. Hơn nữa, khi thấy bạo lực, chiến tranh và những sai lạc về luân lý đã xảy ra nhân danh Thiên Chúa, thì những người trí thức xem tôn giáo là dư thừa và lỗi thời. Những người ủng hộ lối sống tự do thì coi sự hiện diện của Thiên Chúa là mối đe dọa. Khi gặp đau khổ, Gióp cũng đã suy nghĩ theo khuynh hướng này, nhất là khi đau khổ của ông đã vượt quá sức chịu đựng: “Ngày đời con, nào có được bao nhiêu! Xin Ngài nương tay, để con được đôi phần thanh thỏa, trước khi con ra đi, không hẹn ngày trở lại, đi về nơi tăm tối, dưới bóng tử thần” (G 10, 20-21). Gióp nghĩ rằng Thiên Chúa ngăn cấm hạnh phúc của ông. Kinh nghiệm về Thiên Chúa vượt trên cảm nhận của con người. Mặc dù người ta vẫn nhân danh Thiên Chúa hoặc tôn giáo để sử dụng bạo lực, nhưng tôn giáo vẫn là một sức mạnh hợp nhất và giải phóng. Giáo hội hiệp hành nên tin chắc rằng sự hiện diện của Thiên Chúa luôn giúp giải thoát Giáo hội. Còn xu hướng loại trừ Thiên Chúa của chúng ta sẽ gây hại cho chính chúng ta mà thôi.
Thiên Chúa ở cùng một mình chúng ta
Khi quan điểm ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta’ trở thành quan điểm ‘Thiên Chúa ở cùng một mình chúng ta’, thì chủ nghĩa cực đoan tôn giáo bắt đầu nổi lên. Điều này trở thành một hệ tư tưởng muốn loại bỏ những người theo tôn giáo khác. Hệ tư tưởng này tạo ra một sự chia rẽ giữa mọi người. Nó dành thời gian và năng lượng trong việc bảo vệ Thiên Chúa. Chính hệ tư tưởng này dẫn đến việc theo đạo hàng loạt và chính sách thực dân hóa ở nhiều quốc gia, điều đó vẫn còn để lại những vết sẹo. Chính do khái niệm này mà sự phân tầng xã hội cách xấu xa vẫn còn tồn tại mãi. Con người bị phân loại là trong sạch và ô uế, cao và thấp, đụng chạm được và không đụng chạm được. Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội quy tụ, nơi đó tất cả mọi người đều được tôn trọng và chào đón. Giáo hội biểu dương sự đa dạng của các tôn giáo và nhiều cách thức diễn tả mạc khải của Thiên Chúa.
Hãy vui lên, vì Thiên Chúa ở cùng chúng ta
Lời chào của Thiên thần Gabriel gửi tới Đức Maria (chaire) có thể dịch là “Mừng vui lên”, bởi vì đó là nghĩa đen của động từ chairein (x. Lc 1,28). “Bình an” (Shalom) là một cách chào bình thường, nhưng lời chào đặc biệt của Thiên thần gửi tới Đức Maria là một lời mời gọi mừng vui lên. Tại sao Đức Maria được chào là mừng vui lên? Bởi vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Các học giả Thánh Kinh đề nghị chọn đoạn văn Xôphônia 3,14-17 làm nền tảng cho Luca 1,28-30. Dân Israel được mời gọi mừng vui lên vì Thiên Chúa ở với họ: “Mừng vui lên… Thiếu nữ Sion… Vua Israel là Đức Chúa ở với ngươi” (Xp 3, 14-17).
Trong hành trình hiệp hành, chúng ta hãy cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa đối với chúng ta giống như sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài qua việc đồng hành đối với dân Israel và Đức Maria. Là Giáo hội hiệp hành, chúng ta cũng hãy mừng vui với Đức Maria, vì Thiên Chúa đang bước đi cùng chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi bất kỳ ai. Sự hiện diện yêu thương của Ngài vượt qua những rào cản tôn giáo, sắc tộc và văn hóa. Chúng ta hãy cùng nhau bước đi trong niềm xác tín này.
—
[1] Εκκλησία σύνοδος έστίv όvoμα, Giải thích Thánh vịnh 149,1: PG 55, 493.
[2] Đức Phaolô VI, Tông huấn Signum Magnum – Dấu hiệu Vĩ đại, 13.05.1967, Phần II, số 6.
[3] Pontifical International Marian Academy (Học viện Giáo hoàng Quốc tế về Đức Maria), Mother of the Lord. Memory, Presence, Hope (Mẹ Thiên Chúa. Ký ức, Hiện tại, Hy vọng), Số 66, St. Pauls, New York 2007, trang 101-102.
[4] Đức Bênêđictô XVI, Tông huấn Verbum Domini – Lời Chúa, ngày 30.10.2010, số 28
[5] Thượng Hội đồng Giám mục, Biblical Resources for Synodality (Những nguồn Thánh Kinh cho tính hiệp hành), trang 6
[6] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 6
[7] Đức Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’, ngày 25 tháng 5 năm 2015, số 13
[8] Đức Phanxicô, Lòng thương xót xoá bỏ tận gốc tội lỗi, Buổi Tiếp Kiến Chung, 30.03.2016.
BÀI 02 – ĐỐI THOẠI
Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34)
Kinh Thánh trình bày ơn gọi của các ngôn sứ và các môn đệ dưới hình thức đối thoại. Ơn gọi của Đức Maria cũng được cấu thành từ sự đối thoại. Trong khung cảnh mở đầu, Đức Maria và sứ thần Gabriel đã được Thánh sử Luca giới thiệu. Sau đó, cuộc đối thoại đã được triển khai, chúng ta lưu ý cách thức kế hoạch của Thiên Chúa được mạc khải cho Đức Maria và cách thức Mẹ chấp nhận ý Chúa qua tiếng “Xin vâng” trong cuộc đối thoại cởi mở với sứ thần.
Cuộc đối thoại của Đức Maria với Sứ thần[1]
Thánh Luca kể lại rằng: “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: ‘Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà’. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1,28-29). Sứ thần Gabriel mở cuộc đối thoại với Đức Maria, trong đó tin vui về mầu nhiệm Nhập thể của Chúa Giêsu được thông báo cho Mẹ, và Mẹ được yêu cầu cộng tác với Thiên Chúa, để Ngài có thể thiết lập một giao ước mới với chúng ta. Vì Đức Maria không thể hiểu làm sao mình có thể sinh hạ một con trai khi đang là một trinh nữ, nên Mẹ đã hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34).
Một số người đã thắc mắc tại sao Đức Maria lại không bị phạt khi đặt câu hỏi như vậy với sứ thần, ngược lại ông Dacaria lại bị phạt vì đã hỏi lại: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi” (Lc 1,18). Tại đây, chúng ta phải hiểu ngụ ý đằng sau những câu hỏi của họ.
Câu hỏi của Đức Maria không nằm ngoài niềm tin của Mẹ vào lời sứ thần Gabriel. Mẹ đặt câu hỏi này như một dấu hiệu Mẹ khao khát muốn biết nhiều hơn về kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Mẹ, mặc dù Mẹ là một trinh nữ. Ngược lại, ông Dacaria, một người lớn tuổi với nhiều kinh nghiệm tôn giáo và đang phục vụ như là tư tế trước mặt Thiên Chúa, ông đặt câu hỏi này bởi vì ông không tin. Đó là lý do sứ thần nói với ông: “Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được… bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi” (Lc 1,20). Do đó, cuộc đối thoại của Đức Maria với sứ thần là dấu chỉ cho thấy Mẹ ước muốn biết nhiều hơn về ý Chúa và sự sẵn sàng của Mẹ để phục vụ Ngài. L.T Johnson bình luận rằng: “Cách thức Đức Maria trả lời thì tích cực hơn ông Dacaria. Thay vì hỏi ‘dựa vào đâu mà tôi biết được’, vốn là một yêu cầu cần được chứng minh, thì Đức Maria chỉ đơn giản hỏi rằng việc ấy sẽ xảy ra cách nào để lời hứa có thể trở thành sự thật trong khi Mẹ đồng trinh”[2]. Đó là lý do tại sao Mẹ đã đáp lại trong sự vâng phục của đức tin: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
Thánh Ambrôsiô thành Milan (mất năm 397) nhận xét về câu hỏi Đức Maria đã đặt ra (x. Lc1,34) như sau: “Có vẻ Mẹ không nghi ngờ biến cố này, nhưng muốn hỏi nó sẽ được diễn ra như thế nào. Rõ ràng, nếu Mẹ đã hỏi nó sẽ diễn ra như thế nào, hẳn Mẹ đã tin lời hứa sẽ được ứng nghiệm. Vì thế, Mẹ xứng đáng được nghe lời này từ bà Êlisabeth: ‘Em thật có phúc, vì đã tin’ (Lc 1,45). Vâng, Mẹ thật có phúc vì đã vượt qua tư tế Dacaria, trong khi vị tư tế đã chối bỏ, thì Đức Trinh nữ Maria đã khắc phục sự khó hiểu. Không lạ gì khi Thiên Chúa muốn cứu độ thế giới này, thì Ngài đã bắt đầu công trình của Ngài với Đức Maria. Vì thế, nhờ Mẹ mà ơn cứu độ đã được chuẩn bị cho tất cả mọi người, và Mẹ cũng là người đầu tiên lãnh nhận hoa trái ơn cứu độ”[3].
Đức Maria dạy chúng ta đối thoại
Cuộc đối thoại giữa sứ thần Gabriel và Đức Maria mở ra kế hoạch của Thiên Chúa, nhằm thiết lập giao ước mới với dân Ngài. Đối thoại của chúng ta với Thiên Chúa có thể làm nên những điều kỳ diệu và phép mầu cho thế giới này. Tiến trình hiệp hành đặt nền tảng trên sự đối thoại với Thiên Chúa và với dân Ngài. Chỉ qua đối thoại, chúng ta mới có thể để cho Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu cho hành trình cuộc đời chúng ta.
Mặc dù, Đức Maria bối rối bởi lời chào của sứ thần, Mẹ vẫn không ngừng lắng nghe sứ thần. Thánh Luca nói rằng: Mẹ đã bắt đầu phân định lời chào này có ý nghĩa gì (câu 28). Cần lưu ý động từ “phân định”. Rất quan trọng để hiểu được rằng việc Mẹ lắng nghe sứ thần đã dẫn Mẹ đến sự phân định. Không có lắng nghe, thì không có đối thoại. Không có đối thoại, thì không có phân định.
Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội lắng nghe
Nếu chúng ta muốn Giáo hội là một Giáo hội hiệp hành thì Giáo hội phải biết lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần và tiếng nói của anh chị em chúng ta: một Giáo hội không biết lắng nghe, không phải là một Giáo hội hiệp hành. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng: “Thượng Hội đồng cho chúng ta cơ hội để trở thành một Giáo hội biết lắng nghe, thoát ra khỏi thói quen và tạm ngừng các mối quan tâm mục vụ của chúng ta để dừng lại và lắng nghe. Để lắng nghe Thánh Thần trong sự tôn thờ và cầu nguyện. Ngày hôm nay, chúng ta thiếu việc cầu nguyện tôn thờ biết bao; rất nhiều người đã đánh mất không chỉ thói quen mà còn cả ý tưởng về ý nghĩa của việc thờ phượng Thiên Chúa! Lắng nghe các anh chị em của chúng ta nói về hy vọng của họ và về những khủng hoảng đức tin hiện diện ở những nơi khác nhau trên thế giới, về nhu cầu canh tân của một đời sống mục vụ và về những tín hiệu mà chúng ta đang nhận được từ những người trên mặt đất”[4].
Học từ Giáo hội sơ khai để lắng nghe
Trong hành trình cùng nhau của chúng ta, chúng ta phải học từ Giáo hội sơ khai cách lắng nghe nhau và sống đức tin Kitô giáo của mình. Khi có bất kỳ vấn đề nào xảy ra trong cộng đoàn Kitô giáo sơ khai, họ đều triệu tập toàn thể cộng đoàn để lắng nghe nhau và cùng nhau đưa ra quyết định với sự đồng tâm nhất trí. Điều này được thể hiện rất rõ ràng qua hai biến cố: việc chọn bảy phó tế (x. Lc 6,1-7) và Công đồng Giêrusalem (x. Cv 15,1-35). Mọi thứ đều được thực hiện thông qua lắng nghe và đối thoại. Như chúng ta biết rõ, đó là “chính Chúa Giêsu giới thiệu Ngài ‘là con đường, là sự thật và là sự sống’ (Ga 14, 6), và “các Kitô hữu, những người đi theo Ngài, ban đầu được gọi là ‘Những người theo Đạo (con đường)’ (x. Cv 9,2; 19,9.23; 22,4; 24,14.22)”[5].
Lắng nghe và phát biểu
Trong ngày Truyền tin, cả Đức Maria và sứ thần Gabriel đều lắng nghe nhau. Khi chúng ta đối thoại với nhau, với con tim tự do và cởi mở hướng đến quan điểm và ý kiến của nhau, thì chúng ta có thể cảm nghiệm được sự mới mẻ. Chúng tôi trích dẫn ở đây hai đoạn văn trong chuyên đề về Lắng nghe và Phát biểu:
“Lắng nghe là bước đầu tiên, đòi hỏi khối óc và con tim rộng mở, không thành kiến. Giáo hội đặc thù của chúng ta “cần lắng nghe” ai? Làm thế nào để thành phần giáo dân, đặc biệt là giới trẻ và phụ nữ, được lắng nghe? Làm thế nào để đón nhận sự đóng góp của những người nam và nữ thánh hiến? Đâu là chỗ để những nhóm thiểu số, những người bị loại bỏ và bị loại trừ cất lên tiếng nói của họ? Chúng ta có nhận ra những định kiến và khuôn mẫu cản trở chúng ta lắng nghe hay không? Bối cảnh xã hội và văn hóa trong đó chúng ta đang sống được chúng ta lắng nghe thế nào? Mọi người đều được mời gọi can đảm và mạnh dạn (parrhesia) lên tiếng, nghĩa là, phải bao gồm cả sự tự do, chân lý và bác ái. Làm thế nào để thúc đẩy trong cộng đồng và các tổ chức của nó một phong cách trao đổi tự do và đích thực, không giả dối và cơ hội chủ nghĩa? Và trong mối tương quan với xã hội mà chúng ta là thành phần? Khi nào và cách nào để chúng ta nói lên được những gì là quan trọng đối với chúng ta? Mối tương quan với hệ thống truyền thông (không chỉ truyền thông Công giáo) thì thế nào? Ai nói thay cho cộng đồng Kitô hữu, và họ được chọn ra sao?”[6]. Lắng nghe ai đó không chỉ đơn thuần là nghe những lời của người đó. Chú ý lắng nghe là bước đầu tiên để đi vào đối thoại.
Tầm quan trọng của đối thoại trong Giáo hội hiệp hành
Trong tiến trình hiệp hành, đối thoại giữa linh mục và giáo dân là điều cơ bản. Liên quan vấn đề này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nếu chúng ta muốn nói về một Giáo hội hiệp hành, chúng ta không thể chỉ thoả mãn với vẻ bề ngoài; chúng ta cần nội dung, phương tiện và cấu trúc có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc đối thoại và tương tác trong Dân Chúa, đặc biệt là giữa các linh mục và giáo dân. Tại sao tôi nhấn mạnh vào điều này? Bởi vì đôi khi có thể có một thứ giai cấp ưu tú nào đó trong chức linh mục khiến họ tách rời khỏi giáo dân; cuối cùng linh mục trở thành một “ông chủ” hơn là một mục tử của toàn thể cộng đoàn đang tiến bước. Điều này sẽ đòi hỏi phải thay đổi một số tầm nhìn về Giáo hội chỉ từ trên xuống, méo mó và cục bộ, về chức vụ linh mục, vai trò giáo dân, trách nhiệm Giáo hội, vai trò quản trị, v.v…”[7]
Đối thoại trong Đại kết và Liên tôn
Vì Đức Maria là người nữ của đối thoại, lắng nghe tiếng Chúa và mọi người, nên Mẹ truyền cảm hứng cho chúng ta để lắng nghe những người ngoài tôn giáo và tiến đến sự đối thoại với họ. Đức Maria là người Mẹ của hiệp nhất, chớ không phải Mẹ của chia rẽ. Nếu Giáo hội muốn trở thành một Giáo hội hiệp hành, thì Giáo hội phải thúc đẩy sự hiệp thông với các Giáo hội khác thông qua lắng nghe và đối thoại.
Đức Maria là một người phụ nữ Do thái, trung thành với các thực hành và giáo lý của Do thái giáo. Mẹ là cầu nối giữa dân Israel cũ và Israel mới. Mẹ truyền cảm hứng cho chúng ta tiến đến việc đối thoại với Do thái giáo. Đức Maria cũng được Kinh Quran miêu tả là một người nữ thánh thiện, tinh tuyền và đạo đức. Đức Maria rất được tôn vinh và nhìn nhận là một người nữ của đức tin trong Kinh Quran. Do đó, Đức Maria có thể được xem là cầu nối giữa Hồi giáo và Kitô giáo để lắng nghe lẫn nhau và đối thoại hiệu quả, để thúc đẩy hòa bình và tình huynh đệ.
Chúng ta hãy kết thúc suy tư của mình bằng một tuyên bố quan trọng: “Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội “ra đi”, một Giáo hội truyền giáo với “những cánh cửa luôn rộng mở” (EG, 46). Điều này bao hàm lời mời gọi làm sâu sắc thêm mối tương quan với các Giáo hội và các cộng đoàn Kitô hữu khác mà chúng ta được liên kết bởi một phép Rửa duy nhất. Đàng khác, viễn tượng ‘cùng nhau cất bước hành trình’ thì rộng rãi hơn và bao trùm toàn thể nhân loại, trong đó chúng ta cùng chia sẻ ‘vui mừng và hy vọng, u sầu và lo âu của con người ngày nay’ (GS, 1)”[8]. Trong tiến trình hiệp hành, chúng ta hãy học với Đức Maria để mở rộng đối thoại với Thiên Chúa và toàn thể nhân loại.
—
[1] Xem M. Isabell Naumann, Luca 1, 26-38 như một “kiểu mẫu đối thoại”, Thánh Mẫu Học đầu thiên niên kỷ Thứ Ba, do Kevin Wagner và những người khác biên tập, Eugene (OR) 2017, 1-31.
[2] Sacra Papina. The Gospel of Enke, vol. 3, Liturgical Press, Collegeville (MN) 2006, p. 39.
[3] Expositio in Encam 2,17; PL 15,1640.
[4] Đức Phanxicô, Diễn văn Khai mạc của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI, 09.10.2021.
[5] Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội, số 3.
[6] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 30.
[7] Đức Phanxicô, Diễn văn Khai mạc của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI, 09.10.2021.
[8] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 15.
BÀI 03 – ĐƯỢC RỢP BÓNG BỞI CHÚA THÁNH THẦN
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. (x. Lc 1,35).
Nền tảng Thánh Kinh
Khi Thánh Phaolô hỏi các môn đệ ở Êphêsô rằng: “Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa?” Họ trả lời, “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói” (Cv 19,2). Chúa Thánh Thần có lúc trở thành người bị lãng quên trong đời sống của Giáo hội và đời sống của người tín hữu. Vào lúc Truyền tin, Đức Maria được báo trước rằng đời Mẹ sẽ được rợp bóng và chìm ngập trong Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,35).
Trong Thánh Kinh, Chúa Thánh Thần được hiểu theo 4 cấp độ: (i) Thần Khí của Thiên Chúa (Ruah trong tiếng Do thái). Thần Khí của Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước từ buổi đầu trong công trình tạo dựng (x. St 1,2). Thiên Chúa thổi Thần Khí của Ngài vào Ađam. Thần Khí của Chúa ngự xuống trên các vua và các ngôn sứ. Thần Khí ấy cũng ngự xuống trên Chúa Giêsu khi Ngài chịu phép rửa tại sông Giođan. Tại Caphanaum, khi Chúa Giêsu nói, ‘Thần Khí Chúa ngự trên tôi’, thì Người ám chỉ đến chính Thần Khí này (x. Lc 4).
(ii) Thánh Thần của Chúa Giêsu. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các tông đồ, thổi hơi và nói: “Anh em hãy nhận lãnh Thánh Thần” (Ga 20,22). Ở đây, Chúa Thánh Thần chính là hồng ân mà Chúa Giêsu trao tặng cho các tông đồ.
(iii) Ngôi Thứ Ba trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong diễn từ cáo biệt (x. Ga 13-16), Chúa Giêsu hứa với các tông đồ rằng, Người sẽ cử Đấng bào chữa, trợ giúp, và an ủi đến với các ông. Ở đây, Chúa Giêsu chỉ Ngôi Thứ Ba trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Công thức Thiên Chúa Ba Ngôi thời kỳ đầu cũng ủng hộ điều này. Thánh Phaolô thường kết thúc các thư của ngài với những dòng sau đây: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2 Cr 13,13) và
(iv) Trong văn phẩm của Thánh Phaolô, đặc biệt trong thư gửi tín hữu Galata, chúng ta đọc được những cách diễn tả ‘ham muốn của xác thịt’ và ‘ước muốn của Thần Khí’. Thánh Phaolô dùng những thành ngữ này để chỉ ra tính phân cực vẫn tồn tại trong chúng ta và kết luận rằng Thần Khí vốn là bẩm sinh nơi chúng ta.
Trong Cựu ước, Thần Khí Thiên Chúa được hiểu trong một nghĩa hạn hẹp: (i) Thần Khí của Thiên Chúa chỉ được tuôn đổ trên những cá nhân được chọn. Ngài ngự trên các vua và các ngôn sứ, nhưng không ở nơi những người bình thường. (ii) Ngài được ban với điều kiện. Thần Khí được ban cho có thể bị thu hồi, nếu cá nhân không xứng đáng. Ví dụ, Thần Khí của Chúa đã rời bỏ Samson và Saul, (iii) Thần Khí là sức mạnh. Thần Khí thì không ngôi vị. Nhưng trong Tân Ước, chúng ta có một cách hiểu rộng hơn: (i) Thần Khí được tuôn đổ trên tất cả mọi người. Các tông đồ và Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, đều nhận được Chúa Thánh Thần. Khi các tông đồ cầu nguyện cho những người khác, Chúa Thánh Thần cũng được ban xuống trên họ, (ii) Chúa Thánh Thần là hồng ân vô điều kiện. Chúa Thánh Thần sẽ không bị thu hồi một khi được ban cho. Ngài trở thành dấu ấn không thể xóa nhòa trong lòng các tín hữu, (iii) Chúa Thánh Thần là một ngôi vị. Ngài là ngôi thứ ba trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài tương quan với mỗi người như là đấng trợ giúp và an ủi.
Trong Cựu Ước, vinh quang của Thiên Chúa đã rợp bóng trên Lều Hội Ngộ. Đức Maria cũng được rợp bóng bởi Chúa Thánh Thần và toàn thể con người Mẹ cũng được chìm ngập trong Chúa Thánh Thần.
Ý nghĩa của Hiệp hành
Tài liệu Chuẩn bị có 44 điểm quy chiếu về Thần Khí. Tiến trình thỉnh ý hiệp hành là một tiến trình thiêng liêng. Ưu tiên trước nhất của việc thỉnh ý là lắng nghe Chúa Thánh Thần[1]. Không có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, thì Thượng Hội đồng Giám mục chỉ là một quốc hội[2]. Giữa các mục tiêu mà Tài liệu Chuẩn bị nhắc đến, có hai mục tiêu hướng đến Chúa Thánh Thần: “Nhắc nhở cách thức trước đây, trong lịch sử Chúa Thánh Thần đã mở đường dẫn lối cho Giáo hội và ngày nay kêu gọi chúng ta cùng nhau làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa;… Nhận biết và trân quý tính đa dạng phong phú của những ân huệ và đặc sủng mà Chúa Thánh Thần rộng rãi tặng ban vì lợi ích của cộng đoàn và toàn thể gia đình nhân loại”[3]. Tài liệu Chuẩn bị cũng thêm rằng: “Bất chấp những bất trung của chúng ta, Chúa Thánh Thần tiếp tục hoạt động trong lịch sử và biểu lộ quyền năng tác sinh của Ngài”[4]. Tài liệu còn thêm: “Trong bối cảnh này, hiệp hành được coi là con đường chính yếu dành cho Giáo hội, vốn được kêu gọi canh tân dưới tác động của Chúa Thánh Thần và nhờ lắng nghe Lời Chúa… Để “cùng nhau cất bước hành trình”, chúng ta cần để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn, nhờ đó có được tinh thần hiệp hành thực sự, bằng cách can đảm và tự do dấn bước vào tiến trình hoán cải vốn là điều thiết yếu”[5]; “Đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ lấy (1 Tx 5,19-21)”[6]. “Để Giáo hội được lớn lên trong việc ‘cùng nhau cất bước hành trình’, Thần Khí đang mời gọi chúng ta thực hiện những bước đi nào?… Tiếng Chúa Thánh Thần vang dội nơi đâu qua những kinh nghiệm này?”[7]; “Theo phong cách hiệp hành, các quyết định có được qua việc biện phân, dựa trên sự đồng thuận xuất phát từ lòng vâng phục Thần Khí của cả cộng đoàn”[8].
Theo chân Đức Maria, chúng ta có thể nhận ra Chúa Thánh Thần cư ngụ trong mỗi người chúng ta, và nhờ lắng nghe Ngài, chúng ta có thể phân định “những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4,8).
—
[1] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 2.
[2] Đức Phanxicô, Diễn văn Khai mạc của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI, 09.10.2021.
[3] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 2
[4] Ibid., số 7
[5] Ibid., số 9
[6] Ibid., số 14
[7] Ibid., số 26
[8] Ibid., số 30
BÀI 04 – PHÓ DÂNG
Đức Maria hoàn toàn phó dâng cho Thiên Chúa
Tiếng “xin vâng” của Đức Maria đối với ý Chúa đã làm thay đổi cuộc đời Mẹ và vận mệnh của toàn thể nhân loại. Đức Maria đã không chạy trốn khi sứ thần Gabriel đề nghị Mẹ trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa. Dù không dễ để hiểu, nhưng Mẹ đã chấp nhận bằng sự tự do hoàn toàn và sẵn lòng cộng tác với Thiên Chúa. Chính nhờ sự phó dâng vô điều kiện của Mẹ mà Thiên Chúa đã làm người.
Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Thật vậy, trong buổi Truyền Tin, Đức Maria đã phó dâng trọn vẹn chính mình cho Thiên Chúa với sự “vâng phục hoàn toàn của lý trí và ý chí”, chứng tỏ một sự “vâng lời bằng đức tin” với Đấng đã phán dạy cùng Mẹ qua vị sứ thần. Vì thế Mẹ đã đáp lại với tất cả cái “bản ngã” vừa nhân tính, vừa nữ tính của mình, và câu trả lời đầy đức tin này đã sẵn có một sự hợp tác toàn vẹn với “ơn Chúa đến trước và phù trợ”, và một sự hoàn toàn sẵn sàng đón nhận tác động Chúa Thánh Thần, là Đấng “không ngừng kiện toàn đức tin qua các hồng ân của Ngài”. Lời Thiên Chúa hằng sống do Sứ thần loan báo cho Đức Maria đã quy hướng về Mẹ: “Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai” (Lc 1,31). Bởi chấp nhận lời truyền tin này, Đức Maria đã trở thành “Mẹ Thiên Chúa” và mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể đã được hoàn thành trong Mẹ. “Chúa Cha rất nhân từ đã muốn Đấng được tiền định làm Mẹ phải ưng thuận trước khi Chúa Con Nhập Thể”. Và Đức Maria đã bằng lòng ưng thuận sau khi nghe mọi lời Sứ thần loan báo. Đức Mẹ thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Tiếng “Xin Vâng” (Fiat) của Đức Maria đã quyết định về phía nhân loại, cho mầu nhiệm Thiên Chúa được hoàn thành. Nó hoàn toàn hòa hợp với lời của Chúa Con thưa với Chúa Cha khi xuống thế gian: “Cha đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể… Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5-7). Mầu nhiệm Nhập Thể đã được hoàn thành khi Đức Maria thưa tiếng Xin Vâng: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”, lời xin vâng này làm cho ước muốn của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, có thể thực hiện được, theo mức độ mà Mẹ tham dự vào trong kế hoạch của Thiên Chúa”[1].
Việc phó dâng là một tiến trình thiêng liêng
Việc hoàn toàn phó dâng cho Thiên Chúa không thể được thực hiện một cách đột ngột. Đó là hoa quả của một tiến trình thiêng liêng dài lâu. Vào lúc Truyền tin, Đức Maria không chỉ thưa tiếng “xin vâng” ngay lập tức. Nhưng Mẹ đã trải qua hàng loạt những kinh nghiệm: trước tiên, Mẹ rơi vào bối rối, sau đó Mẹ đã hỏi sứ thần một câu hỏi, Mẹ cũng suy tư, phân định và nhận ra ý Chúa; và cuối cùng Mẹ phó dâng hoàn toàn cuộc đời cho Thiên Chúa khi thưa rằng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
Cẩm nang cho Thượng Hội đồng về Tính hiệp hành nói rằng: “Trước hết và trên hết, Tiến trình hiệp hành là một tiến trình thiêng liêng. Đây không phải là chuyện cứ máy móc thu thập dữ liệu hay tổ chức hàng loạt những cuộc hội họp và thảo luận. Mục đích của việc lắng nghe mang tính chất hiệp hành là phân định, vì thế đòi hỏi chúng ta phải học biết và sử dụng nghệ thuật phân định cá nhân và cộng đoàn. Chúng ta lắng nghe nhau, lắng nghe truyền thống đức tin của chúng ta và lắng nghe các dấu chỉ thời đại để nhận biết những gì Chúa đang nói với chúng ta”[2].
Tính chất trung tâm của Thiên Chúa
Nhiều lần chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể làm mọi thứ bằng chính khả năng của mình. Chúng ta đặt lợi ích cá nhân và sức mạnh con người lên hàng đầu. Chúng ta thường quên rằng không có Thiên Chúa thì chúng ta không làm được gì. Trong trạng thái tâm trí bối rối và ích kỷ, con người không thể đặt Chúa lên trên hết. Trật tự ưu tiên mà chúng ta tạo ra rất quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta nên dành cho Chúa vị trí đầu tiên trong cuộc đời mình. Đó chính là dấu chỉ của hoàn toàn phó dâng.
Sau khi lắng nghe sứ thần Gabriel, Đức Maria không hiểu ý nghĩa của việc trở thành mẹ của Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Mẹ không sợ hãi những thách đố. Mẹ không suy nghĩ đến sự thoải mái và an toàn cá nhân, nhưng Mẹ dành ưu tiên cho Chúa. Mẹ hoàn toàn phó dâng bản thân mình cho ý Chúa. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có thường để bản thân bận rộn với những dự án và lịch trình cá nhân hơn là dành cho Chúa tầm quan trọng đúng mức không?
“Tính chất trung tâm của Thiên Chúa” trong đời sống người tín hữu là một chủ đề quan trọng trong hành trình hiệp hành của chúng ta. Ở điểm này, J. Kuttianimattathil viết: “Mỗi thành viên của cộng đoàn phải cắm rễ sâu hơn nữa trong Chúa, tin chắc rằng chúng ta được chính Thiên Chúa kêu gọi và được Ngài biến thành một phần của chính cộng đoàn cụ thể. Không có niềm tin này, chúng ta không thể có một cộng đoàn hiệp hành. Tuy nhiên, vì những động cơ sai lầm, ảnh hưởng thái quá của quá trình thế tục hóa, khát vọng vinh quang cá nhân và nhiều yếu tố khác nữa, khiến một số người đã không thể chia sẻ niềm tin này hoặc nó đã trở nên yếu nhược”[3].
Thiên Chúa ban tất cả cho ai phó dâng tất cả
Các tông đồ đã từ bỏ tất cả để đi theo Chúa Giêsu. Trong bài giảng, Chúa Giêsu nói: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,29-30). Khi thực hiện hiệp hành trong Giáo hội, chúng ta không chỉ từ bỏ những gắn bó quá mức của chúng ta với của cải trần thế, nhưng còn bỏ cả những xác tín sai lạc, những ước muốn vị kỷ, những thái độ ích kỷ và những suy nghĩ chia rẽ. Khi chúng ta thoát khỏi những điều này, chúng ta có thể phó dâng bản thân chúng ta cho Thiên Chúa và Ngài sẽ ban gấp trăm cho chúng ta phúc lành của Ngài.
_______
[1] Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater – Mẹ Đấng Cứu Thế, 25.03.1987, số 13.
[2] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Cẩm nang Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, phần 2.2.
[3] Characteristics of a Synodal Community (những đặc tính của một cộng đoàn hiệp hành), trong Magnet 6 (2022/3), trang 10.
BÀI 05 – VUI MỪNG VỚI NGƯỜI KHÁC
“Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,39-45).
Nền tảng Thánh Kinh
Chúng ta bắt đầu suy tư bằng việc xác định ý nghĩa của từ ‘người khác’. Chữ ‘người khác’ chỉ đơn giản là ‘một người nào đó’, (‘không phải chính mình’). Mỗi ngày, chúng ta đều gặp gỡ cách cá vị với người khác, gặp gỡ một ngôi vị khác, dù họ là ai, trực tiếp hay gián tiếp. Dù chúng ta có gặp gỡ nhiều ‘người khác’, nhưng cuộc gặp gỡ luôn xảy ra ‘từng lần một, diện đối diện’. Gặp ‘diện đối diện’, điều này nói lên ‘sự hiện diện sống động của một ngôi vị khác’. Khi chúng ta gặp “diện đối diện” với một ngôi vị khác, trải nghiệm này là một trải nghiệm mang tính xã hội và đạo đức (chứ không chỉ mang tính trí tuệ, thẩm mỹ hoặc thể chất đơn thuần). Ngôi vị khác như một ‘hiện diện sống động’ là sự hiện diện dễ bị tổn thương trước ta, hoặc bị phơi bày trước ta. Anh ấy/ cô ấy biểu lộ bản thân anh ấy/ cô ấy đơn giản bằng cách hiện diện ở đó. Ta không thể giảm thiểu anh ấy/ cô ấy thành một hình ảnh hay một ý tưởng. “Mặc dù chúng ta hiện diện và biểu lộ bản thân chúng ta thông qua diện mạo của mình, tức là qua lời nói, cử chỉ, hành động, tư thế cơ thể,… thì khuôn mặt là khía cạnh bị bộc lộ nhiều nhất, dễ bị tổn thương nhất và biểu cảm nhất trước sự hiện diện của người khác”[1].
Ngay khi sứ thần Gabriel từ biệt ra đi. “Bà Maria trỗi dậy và vội vã lên đường tiến lên miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa, bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth” (Lc 1,39-40). Sự kiện này đã được mô tả như là cuộc thăm viếng. Nhưng ở đây còn hơn một cuộc thăm viếng bình thường. Nơi cuộc thăm viếng này cả hai người đều trải qua một sự biến đổi mạnh mẽ, bởi vì một cuộc thăm viếng bình thường thì không có sự biến đổi mạnh mẽ như vậy. Cuộc thăm viếng bình thường có thể không có mục đích, nhưng cuộc thăm viếng này lại có. Mục đích thăm viếng của Đức Maria đối với bà Elisabeth là gì? Phải chăng là để xác định lời Thiên thần đã nói với Mẹ – “Kìa bà Elisabeth, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng” (Lc 1,36)? Hoặc chỉ để phục vụ người chị họ Elisabeth trong lúc bà cần, như lời giải thích của những nhà giảng thuyết? Mục đích hành trình viếng thăm của Đức Maria để gặp người chị họ Elisabeth không được trình bày rõ ràng trong Phúc âm. Tuy nhiên, từ Lc 1,56 chúng ta có thể suy luận rằng mục đích của Đức Maria là để “cư ngụ” hoặc để “ở lại” đó (trong tiếng Hy lạp meno). Cùng một động từ đã được dùng trong Ga 1,39, nơi mà Đức Giêsu mời gọi các môn đệ đầu tiên của Ngài hãy “đến và xem”. Lưu lại hoặc ở lại có nghĩa là người này ở trong sự hiện diện của người kia. Đức Maria chọn lựa ở lại trong sự hiện diện của bà Elisabeth.
Cuộc thăm viếng của Đức Maria xảy ra qua ba giai đoạn: thứ nhất, Đức Maria lắng nghe Lời Chúa qua sứ thần Gabriel; thứ hai, là phân định. Và thứ ba là hành động, Mẹ chọn đi gặp bà Elisabeth. Đức Maria đã thực sự đến thăm bà Elisabeth.
Ba giai đoạn này quan trọng trong những cuộc gặp gỡ của chúng ta với người khác: trước hết, chuyển động của chúng ta hướng về người khác được đặt nền tảng trên chuyển động của chúng ta hướng về Thiên Chúa; thứ hai, trong mỗi khoảnh khắc chúng ta gặp gỡ với người khác, chúng ta thực hiện sự phân định và đưa ra một chọn lựa; và thứ ba, chúng ta thực sự gặp gỡ người khác.
Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo chúng ta rằng: “Sự sợ hãi tước đi trong chúng ta ước muốn và khả năng gặp gỡ người khác”[2]. Đức Thánh Cha còn thêm: “Thật là nghịch lý, có những nỗi sợ hãi từ bao đời truyền lại dẫu cho kỹ thuật có phát triển thế nào cũng không vượt thắng được; ngược lại, chúng có thể ẩn nấp và lan truyền đằng sau những kỹ thuật tân kỳ. Ngày nay cũng thế, bên ngoài các bức thành cổ xưa là vực thẳm, là lãnh địa xa lạ, là sa mạc hoang vu. Bất cứ điều gì phát xuất từ đó đều không thể tin cậy, vì đều xa lạ, không quen biết, không quen thuộc, không thuộc thành phần ngôi làng của chúng ta. Đó là vùng đất của “man dân”, là kẻ chúng ta phải lo phòng thủ đối địch bằng mọi giá. Do đó, các bức tường mới được dựng lên để tự vệ, để rồi thế giới bên ngoài không còn tồn tại mà chỉ còn thế giới “của tôi”, đến nỗi những người khác, không còn được xem là con người với phẩm giá không thể tước bỏ, nhưng chỉ là “bọn chúng” mà thôi. Chúng ta lần nữa lại đương đầu với “cơn cám dỗ tạo ra nền văn hóa xây tường, dựng lên những bức tường, những bức tường trong tim, những bức tường trên thực địa, để ngăn ngừa cho khỏi giáp mặt với các nền văn hóa khác, với các dân tộc khác. Và rốt cuộc những người xây tường sẽ thành nô lệ bên trong chính những bức tường họ đã dựng xây. Họ không có chân trời để hướng tới, bởi thiếu vắng sự đổi trao với các nền văn hóa khác, với những người khác”[3].
Ý nghĩa hiệp hành
Làm thế nào chúng ta có thể vượt qua sự sợ hãi? Cách thứ nhất để vượt qua sợ hãi đó là nhờ vào khả năng ngồi lại và lắng nghe người khác[4]. Điều này sẽ thực hiện được khi có sự tin tưởng. Cách thứ hai, thông qua sự sẵn sàng để dự phần vào trong đau khổ của những người xung quanh như Thánh Phaolô khuyên nhủ, “Vui với người vui! Khóc với người khóc” (Rm 12,15). Thông qua những điều này chúng ta sẽ cảm nghiệm được người khác là “anh em cốt nhục” của mình[5].
Làm thế nào để chúng ta có thể vui mừng với người khác? Đức Thánh Cha Phanxicô quả quyết rằng tha nhân trở thành một nhu cầu bắt buộc để chúng ta sống cuộc đời mình tốt hơn: “Con người được tạo dựng cách nào đó, sao cho họ không thể sống, phát triển và đạt đến mức thành toàn nếu không “chân thành trao ban chính mình”. Con người cũng không thể hiểu biết tường tận sự thật về chính mình, nếu không gặp gỡ người khác: “Tôi chỉ thực sự thông hiệp với chính mình trong mức độ tôi thông hiệp với người khác”. Điều đó giải thích tại sao không ai có thể cảm nghiệm được giá trị của cuộc sống nếu không có những khuôn mặt cụ thể để yêu thương. Điều này tỏ lộ bí ẩn của kiếp nhân sinh đích thực, vì “sự sống tồn tại nơi nào có mối liên kết, có sự hiệp thông, có tình huynh đệ; và sự sống mạnh hơn cái chết khi nó được xây dựng trên những mối quan hệ chân thực và sự gắn bó thủy chung. Ngược lại, sự sống không tồn tại nơi nào người ta cho rằng mình chỉ thuộc về mình và sống như những ốc đảo: cái chết đã thắng thế nơi những thái độ này”[6].
Trong vở kịch No Exit (Không lối thoát) (1945), triết gia Jean-Paul Sartre, đã nói rằng ‘tha nhân là hỏa ngục’. Khi quan niệm này ăn sâu trong suy nghĩ của chúng ta, nó sẽ dẫn chúng ta đến phản ứng ‘bất khoan dung’ và ‘vô cảm’. Phản ứng bất khoan dung chính là bạo lực trong tâm hồn chúng ta. Nó không khoan dung cho sự hiện diện của người khác. Nó cố gắng loại bỏ người khác ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Ở đây, người khác trở thành một ai đó phải bị loại bỏ. Phản ứng thứ hai có thể xảy ra đó là sự vô cảm. Sự vô cảm còn tồi tệ hơn cả sự bất khoan dung, vì đối với sự bất khoan dung thì người khác còn được xem như là một đối thủ, nhưng đối với sự vô cảm thì người khác hoàn toàn bị phớt lờ, và “nhân vị người khác không tồn tại”.
Làm cho Giáo hội sống động
Đặt cuộc sống trong bối cảnh đại dịch, Tài liệu Chuẩn bị khẳng định sự cấp thiết trong việc chúng ta thực hiện hành trình cùng nhau: “Thảm kịch toàn cầu như đại dịch Covid-19, “có lúc đã khơi lại rõ ràng cái cảm thức chúng ta là một cộng đồng thế giới đang chèo chống trên cùng một con thuyền, ở đó điều gây tổn hại cho người này cũng gây tổn hại cho người khác. Phải nhớ rằng nếu có được cứu, thì tất cả cùng được cứu, chứ chẳng có chuyện chỉ riêng ai đó được cứu” (Thông điệp Fratelli Tutti, 32). Đồng thời, đại dịch đã phơi bày rõ nét những bất bình đẳng và bất công vốn đã hiện hữu: nhân loại dường như càng bị chao đảo bởi những tiến trình đại chúng hóa và phân mảnh; thân phận bi thảm của các di dân trên khắp mọi miền thế giới chứng tỏ những hàng rào phân rẽ gia đình nhân loại duy nhất vẫn sừng sững dương cao”[7]. Chúng ta cần phải hoán cải chính mình. ‘Hoán cải’ là bước đầu tiên trong hành trình cùng nhau. Thông qua hoán cải, chúng ta quay về với Chúa và với người khác.
Tài liệu Chuẩn bị đặt trước chúng ta hai khung cảnh[8]: một là ‘Khung cảnh Cộng đoàn’, nơi Đức Giêsu, đám đông, và các môn đệ được hiệp nhất với nhau trong mối dây mang tính hòa hợp và bao gồm lẫn nhau. Cái này không có ý nghĩa gì nếu thiếu cái kia. Khung cảnh thứ hai là câu chuyện về ông Cornêliô. Thánh Tông đồ Phêrô đã bước ra khỏi sự an toàn của bản thân để đi đến và ôm lấy ông Cornêliô. Thánh Phêrô đã trải qua một cuộc hoán cải bản thân và ông Cornêliô phải cần mở rộng tâm hồn. Kết quả là sự tuôn đổ của Chúa Thánh Thần. Đặt vào một hình ảnh ẩn dụ trong nông nghiệp, thánh Phêrô nghĩ rằng với cái xuổng trên tay, ông có thể điều khiển được dòng nước chảy như thế nào và chảy đến đâu. Nhưng sau đó, ông nhận ra rằng Thiên Chúa, Đấng toàn năng hơn khi Ngài làm cho toàn cánh đồng được ngập nước nhờ một cơn mưa lớn, và thánh Phêrô đã bỏ cái xuổng xuống và tận hưởng cơn mưa. Việc vui mừng với người khác có nghĩa là chúng ta buông bỏ cái xuổng của mình. Cái xuổng khiến chúng ta có thái độ tự đủ cho mình, chỉ dựa vào khả năng bản thân, và đóng kín lòng mình.
Trong Giáo hội hiệp hành, chúng ta cần biết vui mừng với người khác. Khi chúng ta khép kín lòng mình, thì chúng ta cũng đóng cửa với người khác trong sự không tin tưởng. Cuộc gặp gỡ của Đức Maria với bà Elisabeth diễn ra trong căn nhà. Sau khi nhận được lời chào từ bà Elisabeth, Đức Maria không chào lại, nhưng Mẹ dâng lời chúc tụng lên Thiên Chúa qua lời kinh Magnificat. Chính Đức Maria, người đã được Thiên Chúa thúc đẩy đi thăm bà Elisabeth, đã kết thúc bằng lời ngợi khen Thiên Chúa. Những chuyển động cùng lúc hướng về người khác làm cho Giáo hội sinh động.
________
[1] Emmanuel Levinas, Totality and Infinity: An Essay on Extraordinary Exteriority (Tính toàn thể và tính vô hạn: Một tiểu luận về ngoại cảnh phi thường), (bản dịch của Alphonso Lingis), Nhà xuất bản Đại học Duquesne, Pittsburg 1969, trang 150.
[2] Đức Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti về Tình huynh đệ và Tình bằng hữu xã hội, 03.10.2020, số 41.
[3] Ibid., số 27
[4] x. Ibid., số 48
[5] x. Ibid., số 84
[6] Ibid., số 87
[7] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021), số 5
[8] Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ. Tài liệu Chuẩn bị (2021), các số 17-21 và các số 22-24.