Đức Thánh Cha: chúc lành cho con người không phải cho sự kết hợp, chúc lành không đòi hỏi sự hoàn hảo về mặt luân lý

print

Đức Thánh Cha: chúc lành cho con người không phải cho sự kết hợp, chúc lành không đòi hỏi sự hoàn hảo về mặt luân lý

  
Đức Thánh Cha: chúc lành cho con người không phải cho sự kết hợp, chúc lành không đòi hỏi sự hoàn hảo về mặt luân lý

Đức Thánh Cha tiếp kiến ​​với tham dự viên phiên họp toàn thể của Bộ Giáo lý Đức tin

TGPSG / VATICAN NEWS – Đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp đón những tham dự viên phiên họp toàn thể của Bộ Giáo lý Đức tin vào ngày 26.1.2024, ngài nhắc nhở họ nhiệm vụ chính là “bảo vệ đức tin” nhưng cũng là công bố đức tin cho thế giới ngày nay, trong đó, như Đức Bênêđíctô XVI đã nói, nó thường bị “phủ nhận, gạt ra ngoài lề xã hội và chế giễu”. Sau đó, ngài tập trung vào văn kiện Fiducia Supplicans: “Với các chúc lành này, hãy thể hiện sự gần gũi của Thiên Chúa và Giáo hội đối với những ai đang cầu xin sự giúp đỡ để bắt đầu hoặc tiếp tục hành trình đức tin”.

Thể hiện một cách hữu hình sự gần gũi của Thiên Chúa và Giáo hội đối với những người cầu xin sự giúp đỡ; không đòi hỏi “sự hoàn hảo về mặt luân lý” để ban chúc lành; chúc phúc cho những người yêu cầu nó chứ không phải sự kết hợp. Đức Thánh Cha Phanxicô làm sáng tỏ những ý định và những điểm cơ bản của “các chúc lành mục vụ và tự phát” mà tuyên ngôn Fiducia Supplicans – do Bộ Giáo lý Đức tin soạn thảo và công bố, với sự chấp thuận của chính Đức Thánh Cha – cũng cho phép chúc lành cặp đôi “bất quy tắc” đối với luân lý Công giáo.

Tiếp đón các bề trên và các quan chức của Thánh Bộ trước đây tại Điện Tông tòa, quy tụ trong phiên họp toàn thể ở Rôma, Đức Thánh Cha trong bài phát biểu của mình nói về việc “truyền giáo” như một nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu đối với Bộ được kêu gọi “bảo vệ đức tin”, ngài nói rằng ngài muốn “nhấn mạnh ngắn gọn hai điều” về văn kiện tín lý vốn đã tạo ra nhiều cuộc thảo luận. Trước hết, Đức Thánh Cha làm rõ ý định của nó:

“Thể hiện một cách hữu hình sự gần gũi của Chúa và Giáo hội đối với tất cả những ai đang ở trong những hoàn cảnh khác nhau, xin được giúp đỡ để tiếp tục – đôi khi bắt đầu – một hành trình đức tin.”

Những suy tư về Fiducia Supplicans

Sau đó Đức Thánh Cha giải thích: “Những chúc lành này, bên ngoài bất kỳ bối cảnh và hình thức phụng vụ nào, không đòi hỏi sự hoàn hảo về mặt luân lý để được lãnh nhận”. Điểm thứ hai ngài nhấn mạnh là “khi một cặp đôi tự phát đến gần để xin điều đó, ta không chúc lành sự kết hợp, nhưng chỉ đơn giản là những người đã cùng nhau yêu cầu điều đó”.

“Không phải sự kết hợp mà là con người, tất nhiên có tính đến bối cảnh, sự nhạy cảm, nơi sinh sống và những cách phù hợp nhất để thực hiện điều đó.”

Cam kết về “trí tuệ đức tin”

Những đề xuất của Đức Giám mục Rôma là một phần trong cam kết rộng rãi mà Bộ Giáo lý Đức tin được kêu gọi thực hiện “trong bối cảnh trí tuệ đức tin trước sự thay đổi của thời đại vốn là đặc tính của thời đại chúng ta”. Trên thực tế, có nhiều nhiệm vụ được giao cho Bộ, trong đó có hai phân bộ riêng biệt được thành lập với tự sắc Fidem servare: Giáo lý và Kỷ luật. Đức Thánh Cha giải thích rằng sự phân chia này, khi nhắc lại bức thư gửi cho Đức Hồng y Víctor Manuel Fernández nhân dịp ngài được bổ nhiệm vào ngày 1.7.2023, đã được thực hiện để “xác định rõ hơn” vai trò của chính vị bộ trưởng và sứ mệnh của Bộ.

Một mặt, “tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện của các chuyên gia có thẩm quyền trong Phân bộ Kỷ luật, để đảm bảo sự chú ý và chặt chẽ trong việc áp dụng giáo luật hiện hành, đặc biệt trong việc quản lý các trường hợp giáo sĩ lạm dụng trẻ vị thành niên, và thúc đẩy các sáng kiến ​​đào tạo giáo luật cho giáo dân và những người thực hành luật”, Đức Giáo Hoàng giải thích.

Mặt khác, ngài nói thêm: “Tôi nhấn mạnh đến sự cấp bách của việc dành nhiều không gian và sự quan tâm hơn cho Phân bộ Giáo lý, nơi không thiếu các nhà thần học được đào tạo và nhân sự có trình độ, cũng như cho công việc tại Văn phòng Hôn nhân và trong Văn khố”. Đức Thánh Cha nhắc thêm văn phòng đó kỷ niệm 25 năm ngày mở cửa cho công chúng bởi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Đức Hồng y Tổng Trưởng Joseph Ratzinger vào dịp Năm Thánh 2000.

Những ngôn sứ của cuộc sống mới và những chứng nhân của đức ái

Do đó, có ba hướng dẫn mà Đức Thánh Cha đưa ra cho các thành viên của Bộ Giáo lý Đức tin: “Các bí tích, phẩm giá và đức tin”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: Nhờ qua các bí tích đời sống của Giáo hội “được nuôi dưỡng và phát triển”. Vì lý do này, ngài nhấn mạnh, “các thừa tác viên cần có sự quan tâm đặc biệt trong việc quản trị chúng và biểu lộ cho các tín hữu những kho tàng ân sủng mà họ truyền đạt”.

“Qua các Bí tích, các tín hữu trở nên có khả năng về ơn ngôn sứ và làm chứng. Và thời đại chúng ta đặc biệt cần đến những vị ngôn sứ của cuộc sống mới và những chứng nhân của đức ái: do đó chúng ta hãy yêu mến và trân trọng vẻ đẹp cũng như quyền năng cứu độ của các Bí tích!”


Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng y Bộ trưởng Víctor Manuel Fernández

Một văn kiện về phẩm giá con người sắp được ban hành

Từ thứ hai là phẩm giá, được hiểu là “tính ưu việt của con người và bảo vệ phẩm giá của con người trong mọi hoàn cảnh”. Đức Thánh Cha cho biết Bộ đang soạn thảo một văn kiện về chủ đề này, kèm theo thông báo với hy vọng rằng văn kiện tiếp theo này “có thể giúp chúng ta, với tư cách là một Giáo hội, luôn gần gũi với tất cả những người trong cuộc sống cụ thể hằng ngày mà không cần phải rao giảng, họ chiến đấu và trả giá bằng chính cá nhân họ để bảo vệ quyền lợi của những người không được tính đến”. Và cũng để đảm bảo rằng, “khi phải đối mặt với những cách thức khác nhau hiện nay để loại bỏ hoặc phớt lờ người khác, chúng ta có thể phản ứng bằng một giấc mơ mới về tình huynh đệ và tình bạn xã hội mà không giới hạn ở những ngôn từ”.

Loan báo và truyền thông đức tin cho người trẻ

Cuối cùng, Đức Thánh Cha tập trung vào chủ đề đức tin. Điều mà, như Đức Bênêđíctô XVI đã nói, ở nhiều khu vực rộng lớn trên hành tinh ngày nay “không còn là điều kiện tiên quyết hiển nhiên của đời sống chung nữa, thậm chí nó còn thường bị phủ nhận, chế giễu, gạt ra ngoài lề và cười nhạo”. Từ quan điểm này, Đức Giáo Hoàng kêu gọi một động lực mới trong việc loan báo và truyền thông đức tin trong thế giới ngày nay, đặc biệt cho các thế hệ mới. Về vấn đề này, ngài nhắc lại kỷ niệm 10 năm tông huấn Niềm vui Tin Mừng và Năm Thánh sắp đến gần.

Việc ‘tân phúc âm hóa’ này phải đi kèm với “việc hoán cải truyền giáo của các cơ cấu giáo hội và các tác nhân mục vụ; các nền văn hóa đô thị mới, với gánh nặng thách thức nhưng cũng có những câu hỏi mới về ý nghĩa”. Cuối cùng và trên hết, Đức Giáo Hoàng nói, “vị trí trung tâm của kerygma trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”. Và ở đây sự “giúp đỡ” được mong đợi từ chính Bộ Giáo lý Đức tin.

“Bảo vệ đức tin” ngày nay chuyển thành một cam kết suy tư và phân định, để toàn thể cộng đồng làm việc hướng tới một cuộc hoán cải mục vụ và truyền giáo thực sự, điều này cũng có thể giúp ích cho cuộc hành trình hiệp hành đang diễn ra.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: “Điều thiết yếu nhất, đẹp nhất, hấp dẫn nhất và đồng thời cần thiết nhất đối với chúng ta là niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Tất cả cùng nhau, nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ long trọng đổi mới nó trong Năm Thánh sắp tới và mỗi người chúng ta được mời gọi loan báo nó cho mọi người nam nữ trên trái đất”.


Buổi tiếp kiến tại Hội trường Clementine, Thành Vatican.

Salvatore Cernuzio (vaticannews.va)
Tâm Bùi (TGPSG) chuyển ngữ