ĐỪNG BAO GIỜ TÁCH RA LÀM ĐÔI
Trong thời gian mục vụ của tôi, biết bao lần anh chị giáo dân đến hỏi han cũng như tâm sự: Cha ơi! Cho con hỏi: con vẫn đi lễ hằng ngày, siêng năng lần chuỗi Mân Côi, đọc kinh Lòng Chúa thương xót…, nhưng sao con chẳng thể yêu mến người con không ưa hoặc người không ưa con!!!??? Tương tự, không ít giáo dân cũng than thở, đặt câu hỏi cho tôi: Cha ơi! con đi làm từ thiện nhiều, con đi giúp đỡ người này người kia, nhưng sao con vẫn không thể nào yêu mến giáo xứ con, chưa cảm thấy thích thú đến với Chúa qua Thánh lễ, cầu nguyện và những hoạt động chung của giáo xứ!!!???
Đối với vấn đề trên, có thể tôi không đưa ra lời giải đáp thoả đáng nhất được, nhưng thiết nghĩ, qua các bài đọc hôm nay, đặc biệt bài Tin Mừng, chúng ta sẽ tìm thấy điều gì thiếu thốn, chưa đủ đầy trong đời sống đạo, đời sống đức tin của chúng ta!
Chắc chẳng cần phải nói nhiều, chúng ta cũng biết nội dung chính của các bài đọc hôm nay, đó là: giới răn yêu thương, cụ thể: Mến Chúa và yêu người. Từ nhỏ được học kinh bổn (giáo lý vỡ lòng), ai trong chúng ta đều thuộc nằm lòng câu tóm gọn sau khi đọc kinh Mười điều răn: ‘…Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà chớ, trước kính mến một Chúa trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen!’ Lời kinh thật vắn tắt, gãy gọn, dễ nhớ, giúp chúng ta thực hành mỗi ngày trong đời; thế nhưng, trên thực tế, chúng ta thường có khuynh hướng tách biệt hai điều răn này ra. Cho nên, nhiều người Công Giáo vẫn nghĩ: ‘yêu mến Chúa hết lòng qua việc đi tham dự Thánh lễ hằng ngày, siêng năng đọc kinh cầu nguyện là đủ rồi, không cần yêu thương anh chị em nữa. Vả lại, việc thương yêu tha nhân, làm việc bác ái chỉ là một lựa chọn, làm cũng được, mà không làm cũng chẳng sao!’. Chúng ta thường nghĩ: ‘giới răn yêu mến Chúa thì phải giữ, phải sống; còn giới răn yêu thương tha nhân chỉ là phụ, là thứ hạng, chẳng phải là đòi hỏi của Tin Mừng!’ Tương tự, chúng ta nại vào lí do: đạo tại tâm, nên không cần đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, không cần tham gia các sinh hoạt chung của giáo xứ, cộng đoàn, không cần đọc kinh cầu nguyện nhiều, mà chỉ tập trung vào giúp đỡ người khác, đi làm từ thiện là đủ đầy cho đời sống đạo của chúng ta!
Chính vì chúng ta tách rời giới răn yêu thương mà Chúa dạy, chỉ chú trọng hoặc đánh giá cao một giới răn, mà bỏ qua hoặc lãng quên giới răn kia, nên mới dẫn đến những vấn đề, cũng như hiện tình đời sống đức tin của chúng ta, được nêu ra ở đầu bài suy niệm này. Trong Tin Mừng theo Thánh Mác-cô, Chúa Giê-su dạy rất rõ ràng bằng cách trích dẫn Cựu ước (sách Kinh Thánh mà hầu hết người Do Thái nào cũng biết rõ, nhất là các nhà thông luật, Biệt phái, kinh sư): “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Is-ra-el, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi (x. Đnl 6, 5). Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi (x. Lv 19, 18). Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó” (Mc 12, 29-31). Đây tuy là hai giới răn, nhưng thực chất là một. Chúa Giê-su đã đồng hình đồng dạng giới răn yêu người (tha nhân) với giới răn mến Chúa. Ngài đặt tầm quan trọng của giới răn yêu thương tha nhân ngang bằng với giới răn yêu mến Thiên Chúa, như chính Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu thuật lại: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa ngươi…Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (x. Mt 22, 37-39). Lẽ dĩ nhiên, Thiên Chúa luôn luôn cao trọng, quyền năng, chúng ta phải tôn thờ, tôn kính hơn con người, hơn tha nhân; nhưng không bởi vậy mà việc sống bác ái đối với anh chị em bị cho là phụ phần, chẳng cần thực hành. Trái lại, giới răn ‘yêu mến tha nhân như chính mình’ có một vị thế quan trọng như việc chúng ta dành trọn con người mình để kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực vậy.
Nếu biết thực thi song hành giới răn mến Chúa yêu người, chứ không tách biệt hoặc xem trọng một điều, lại bỏ mặc điều kia, thì có lẽ rất nhiều người Công Giáo sẽ sẵn sàng sống chia san, sống bác ái, yêu thương, tha thứ, trở nên chứng nhân (đây là những biểu hiện cụ thể của việc thực thi giới răn yêu người thân cận như chính mình), đồng thời năng đến với Chúa qua Thánh lễ, tham dự các sinh hoạt chung của giáo xứ, siêng năng cầu nguyện hằng ngày, hăng say tìm hiểu-sống Lời Chúa, yêu mến Giáo Hội và giáo xứ của mình (đây là những biểu hiện cụ thể của việc thực thi giới răn mến Chúa). Nếu thực hành giới răn mến Chúa yêu người song song thế này, thì chúng ta sẽ được cảm nghiệm sâu sắc tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, cho mỗi người; và nhờ tình yêu này mà chúng ta càng mến yêu Chúa hơn vì ‘chỉ có tình yêu đáp lại tình yêu mà thôi’. Hơn nữa, nhờ cảm nghiệm này mà chúng ta dám ra đi chia san, dám tha thứ, dám yêu thương tha nhân như thương yêu bản thân vậy. Cũng nhờ tình yêu này, chúng ta đủ nhạy cảm, tinh tế nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa nơi anh chị em. Vì Chúa yêu thương tôi, tha thứ cho tôi, mời gọi-chờ đợi tôi những lúc tôi sa ngã, đón nhận tôi quay về với Ngài, nên cảm nghiệm sống động này thúc giục tôi cũng biết sống chan hoà yêu thương, tha thứ anh chị em, biết nhẫn nại, biết rộng lượng cho người khác cơ hội ‘trở nên tốt hơn’, biết chấp nhận con người yếu đuối của tha nhân, biết sống bác ái, làm việc bác ái đúng nghĩa, chứ không chỉ dừng lại ở công tác từ thiện. Theo lẽ thường tình, chúng ta nghĩ tưởng: làm việc từ thiện cũng chính là làm việc bác ái! Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lưỡng, chúng ta sẽ thấy được sự khác biệt lớn lao; cũng nên nói ở đây: nhận ra sự khác biệt này chẳng phải để đánh giá thấp công tác từ thiện, hay bác bỏ việc làm từ thiện. Đúng hơn, nó giúp chúng ta hiểu đúng, sống đúng và làm những việc mà Chúa Giê-su mời gọi, cũng như đòi hỏi mỗi người Ki-tô hữu chúng ta.
Thoạt nhiên nhìn qua cách thức hoạt động, những tổ chức bác ái khắp thế giới trên phương diện Giáo Hội hoàn vũ như Caritas Internationalis (Tổ chức Bác ái Thế giới), ở cấp Giáo hội địa phương như Caritas Việt Nam, Caritas Nhật Bản…, tại mỗi Giáo phận như Caritas Hưng Hoá, Caritas Tô-ky-ô…, và xuống các giáo xứ như Caritas Gx. Tân Phước (thuộc Địa phận Sài Gòn), Caritas Gx. Ishigaki (thuộc Giáo phận Naha, Nhật Bản)…dường như giống với những tổ chức từ thiện quốc tế như NGO (tổ chức từ thiện phi chính phủ), NPO (tổ chức từ thiện phi lợi nhuận), v.v…Nhưng thật ra, công tác từ thiện xuất phát từ tình người, từ tình tương thân tương ái, tương trợ lẫn nhau căn bản chỉ dựa trên mối dây yêu thương giữa người với người. Còn công việc bác ái không đơn thuần chỉ xuất phát từ con tim, từ tình người, từ mối tương quan gắn kết con người với nhau, mà là một ơn gọi, một lời cam kết dấn thân phục vụ-chia san với tha nhân theo khả năng cụ thể của bản thân. Hơn nữa, tôi sống bác ái, thực thi công việc bác ái không chỉ vì tình người, mà vì Chúa yêu tôi, thương tôi đến nỗi tự hiến mạng sống của Ngài để cứu rỗi tôi, vì Ngài mời gọi tôi sống trọn vẹn như Ngài, nên tôi vui vẻ, sẵn sàng, can đảm đến với người khác, chia sẻ với tha nhân không chỉ vật chất, hiện vật, hiện kim (theo khả năng của mình), mà còn cho đi những gì quý giá nhất của bản thân mà không tính toán, đòi hỏi trả công như sức khoẻ, thời gian, tài năng, trí lực, nguồn liệu, ân sủng được lãnh nhận từ Chúa (như ơn tha thứ, lòng vị tha, nhẫn nại, điều độ, khôn ngoan, đặc biệt ba nhân đức đối thần: tin – cậy – mến…). Không chỉ dừng lại ở việc từ thiện, từ tâm, làm việc phước đức…, mà chúng ta hăng hái, nhiệt thành làm việc và sống bác ái vì chính tình yêu Chúa thúc giục tôi như Thánh Tông đồ Phao-lô đã từng quả quyết: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi” (x. 2Cr 5, 14). Tuy nhiên nhìn vào thực tế, có lẽ vẫn còn không ít người Công Giáo chưa dám cho đi theo khả năng, chưa sẵn sàng chia san và sống bác ái như Chúa mong muốn. Chúng ta thường nại vào lí do: tôi chẳng có gì để cho cả, tôi vẫn còn túng thiếu, chưa dư giả gì để chia sẻ với người khác, tôi chỉ có thể cầu nguyện cho những ai cần giúp đỡ, mà nếu tôi không giúp, thì khối người ngoài kia sẽ giúp đỡ họ thôi…! (rất rất nhiều lí do khác nữa). Quả thật, Chúa nào nỡ bắt chúng ta phải cho hết như bà goá nghèo, Chúa nào khắc khe buộc chúng ta phải bán hết tài sản của mình mà cho người nghèo, giúp đỡ những ai túng thiếu, cần hỗ trợ đâu! Chúa chỉ vui thích, hài lòng khi nhìn thấy chúng ta đến với Chúa chân thành, trung tín sống lời cam kết khi được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, hăng say làm chứng tá yêu thương, sống bác ái, biết tha thứ, chia san với anh chị em khác theo khả năng và lòng quảng đại của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con đã thuộc nằm lòng giới răn yêu thương ‘mến Chúa, yêu người’, nhưng lắm lúc chúng con chưa nỗ lực thực hành. Xin cho chúng con biết dùng thời gian, tài năng, nguồn lực, trí lực, những của cải chóng qua này, mà hân hoan sống giới răn ‘mến Chúa, yêu người’ như lòng Chúa mong muốn. Xin cho chúng con ý thức thực hiện giới răn yêu thương này, chẳng phải tách ra làm đôi, nhưng luôn thực thi song hành ‘mến Chúa, yêu người’ một cách cụ thể trong đời sống thường nhật, nơi công sở, giữa hàng xóm láng giềng với nhau, trong gia đình, giáo xứ, hội dòng, Giáo hội, và xã hội. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng