Đừng ép dòng sông chảy

print
 

Đã là người, ai cũng mong muốn mình có một cuộc sống bình yên hạnh phúc. Đó là khát vọng cháy bỏng của con người. Thế nhưng, nếu chúng ta làm một cuộc khảo sát thực sự toàn thể nhân loại, chắc hẳn con số những người khẳng định mình hạnh phúc sẽ là không nhiều. Làm thế nào để mình thoát khỏi căng thẳng và áp lực của cuộc sống? Làm thế nào để cái tâm của mình tĩnh lặng? Làm thế nào để mình có một cuộc sống ung dung và tự tại? Làm thế nào để mình có hạnh phúc thực sự? Đó là những câu hỏi mà tôi thường được nghe nơi những người trẻ.

Tôi không muốn đưa ra một câu trả lời trực tiếp cho những câu hỏi trên. Tôi muốn đi tìm nguyên nhân thực sự của vấn đề. Điều gì khiến chúng ta lo âu và căng thẳng? Cái gì khiến cho chúng ta cảm thấy ngột ngạt? Cái gì khiến chúng ta lúc nào cũng như quay cuồng? Nói một cách đơn giản hơn, Cái gì cướp đi hạnh phúc của đời ta? Gặp gỡ nhiều người, tôi thấy họ thường đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài. Nào là do môi trường làm việc; nào là do áp lực của dư luận; nào là do con người bây giờ trở nên đáng sợ khiến ta mất lòng tin vào nhau. Thực tế có cả trăm ngàn lý do khác nhau. Tôi hoàn toàn không đồng thuận với những ý kiến này. Nếu chúng ta đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài, chúng ta sẽ chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề. Có những người đã thay đổi môi trường làm việc nhưng vẫn không thấy dễ chịu hơn vì ở chỗ làm mới vẫn có những người mình không ưa thích. Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề?

Câu trả lời nằm ở ngay chính lòng mỗi người chúng ta. Không phải môi trường hoàn cảnh bên ngoài là nguyên nhân khiến mình căng thẳng mà ở chính lòng người. Con người tham lam quá. Lòng tham của con người là vô đáy. Chẳng bao giờ con người cảm thấy đủ. Có người nói một câu thật hay rằng con người cố gắng đạt cho đủ bằng cấp nhưng lại quên mất tấm bằng lòng nên lúc nào cũng thấy mệt mỏi. Mệt mỏi là dấu hiệu của sự gồng mình. Gồng mình là dấu hiệu của sự tham luyến muốn đạt cho được một cái gì đó mà khả năng tự nhiên không có. Vì thế mà lúc nào mình cũng thấy đuối sức, lúc nào cũng thấy mệt mỏi. Nhưng vì sao con người cứ phải gồng mình lên như vậy? Câu trả lời là vì chúng ta đã được giáo dục như vậy. Ngay từ khi đứa nhỏ cắp sách đến trường, nó đã bị nhồi nhét vào đầu óc đủ thứ. Dần dần đứa trẻ đánh mất đi sự hồn nhiên ban đầu. Nó được dậy để có được điều mình muốn thì phải tranh đoạt. Nó khao khát được khẳng định bản thân, được mọi người nể trọng. Nó sợ bị khinh miệt. Nó sợ tiếng nói của dư luận. Đôi lúc nó phải che đậy để có thể phô ra bên ngoài những gì tốt đẹp nhất cho người ta kính nể. Nó đã mất đi cái nền tảng ban đầu. Nó giống như một ngôi nhà không có chân móng. Và thế là bắt đầu cái vòng tua khốn khổ.

Để thoát ra cái vòng tua khốn khổ này, chúng ta được mời gọi lắng nghe sứ điệp của các vị sáng lập các tôn giáo lớn trên thế giới. Đức Phật dậy để hết khổ, con người cần phải diệt dục nghĩa là bỏ đi cái tham sân si của mình. Lão Tử thì dậy “Tuyệt học vô ưu” nghĩa là nương theo tự nhiên mà làm việc. Chúa Giê-su thì dậy phải từ bỏ chính mình. Từ bỏ chính mình nghĩa là giữ cho mình ở trạng thái tự nhiên sáng suốt nhất. Một nhà tư tưởng đã nói: “Đừng ép dòng sông chảy”. Dòng sống chảy thế nào cứ để nó chảy. Ép nó chảy, nó sẽ có lúc tràn bờ. Cuộc sống con người cũng vậy. Chúng ta đừng bắt ép mình quá. Hãy để cho năng lực tự nhiên lên tiếng. Hãy nương theo Tự nhiên mà tiến bước. Nói theo ngôn ngữ của chúng ta thì hãy nương theo Thần Khí mà tiến bước. Tại sao chúng ta lại không ngồi lại để nhìn vào bản thân mình? Ta có sao có vậy. Ta không cần phải ăn xin lời khen của kẻ khác. Năng lực mà Thượng đế trao ban cho ta, ta sẽ phát huy hết, nhưng không phải trong âu lo căng thẳng mà trong sự bình an của tâm hồn, không phải trong sự gồng mình nhưng là trong sự dịu dàng của tình yêu thương. Khi cái nền móng đã vững chắc rồi, ta có thể trang trí cho tòa nhà cuộc đời mình sao cũng được.

Cầu chúc mọi người luôn an yên và tự tại.

Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa

tonggiaophanhanoi.org