Gặp gỡ 18 – Chúa Giê-su lập bí tích Truyền chức thánh
I. DẪN VÀO LỜI CHÚA
– Cầu nguyện đầu giờ.
– Trong sách Xuất Hành, Thiên Chúa nói với Mô-sê : “Hãy tách A-a-ron, anh con, và các con ông ta ra khỏi hàng ngũ con cái Ít-ra-en, để ông ta ở bên cạnh con mà thi hành chức tư tế phục vụ Ta… con sẽ mặc áo dài cho các con ông và làm đai lưng cho họ. Con sẽ làm cho họ những chiếc mão để họ được vẻ uy nghi… Con sẽ xức dầu, tấn phong và thánh hiến họ làm tư tế phục vụ Ta” (Xh 28, 1.40-41).
Như vậy, ngay từ đầu, Thiên Chúa đã chỉ thị cặn kẽ cho ông Mô-sê việc thiết lập và phong chức tư tế. Đến thời Chúa Giê-su và Hội Thánh Công giáo thì sao ? Chúng ta tìm hiểu qua Lời Chúa sau :
II. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Do thái (Dt 5, 1-4) :
“Quả vậy, Thượng Tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội…Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi…”.
Đó là Lời Chúa (Tạ ơn Chúa).
III. DIỄN GIẢI LỜI CHÚA
A/ Nguồn gốc, ý nghĩa, hiệu quả của bí tích Truyền Chức :
1/ Nguồn gốc bí tích Truyền Chức Thánh :
- Cựu Ước : qua sách Xuất Hành, ta thấy : theo lệnh truyền của Thiên Chúa, dân Ít-ra-en đã dành riêng nhà A-ha-ron, chi tộc Lê-vi làm tư tế để loan báo Lời Thiên Chúa (Ml 2, 7-9), và lo việc tế tự bằng các hy lễ và lời cầu nguyện…Tuy nhiên, lễ tế Cựu Ước không đủ khả năng đem lại ơn cứu độ, vì chức tư tế của Cựu Ước chỉ là hình bóng của chức tư tế thánh trong Tân Ước do Chúa Giê-su thiết lập.
- Tân ước, Chúa Ki-tô là Thượng Tế duy nhất :
. Chỉ có Đức Ki-tô là Đấng “thánh thiện, vẹn toàn, vô tội” (Dt 7, 26), nên cũng chỉ có Người là vị Thượng tế duy nhất, và trên thập giá, Người đã hoàn tất hy lễ duy nhất cứu độ nhân loại.
. Tuy nhiên, Người cũng đã trao quyền cử hành Hy Lễ duy nhất của Người cho các Tông Đồ trong Bữa Tiệc Ly. Rồi các Tông Đồ lại đặt tay trao quyền lại cho những người kế vị các Ngài liên tục qua các thời đại, đó là các Giám Mục.
Các Giám Mục lại đặt tay trao ban chức Linh Mục và Phó Tế, cho những người mà các ngài tuyển chọn để lập thành Hàng Giáo Sĩ.
Như vậy, khi trao quyền cho các Tông Đồ, chính Chúa Ki-tô đã thiết lập bí tích Truyền Chức Thánh.
2/ Hai cách tham dự chức Tư Tế duy nhất của Chúa Ki-tô :
– Bằng chức Tư Tế Cộng Đồng : mọi tín hữu được lãnh nhận chức Tư tế Cộng đồng khi họ lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Họ thi hành chức Tư tế Cộng đồng này qua việc sống đức tin, cậy, mến, biến cuộc sống họ thành lễ tế đẹp lòng Thiên Chúa, nhất là nhờ việc tham dự phụng vụ, cách riêng là Thánh lễ.
– Bằng chức Tư Tế Thừa Tác : chỉ một số người được tuyển chọn qua bí tích Truyền Chức Thánh. Với vai trò là mục tử, các ngài có bổn phận phục vụ Dân Chúa bằng việc giảng dạy, tế tự và điều hành mục vụ. Nhờ đó các ngài giúp mọi tín hữu thực thi và phát triển chức Tư tế cộng đồng của họ.
3/ Hiệu quả, ba cấp bậc của bí tích Truyền Chức Thánh :
Bí tích Truyền Chức ban “Chức Thánh” cho những người lãnh nhận; có ba cấp bậc khác nhau, đó là: Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế.
a. Giám Mục, chức tư tế tối cao : ……..….“
– là những người kế vị các Tông đồ, khi được tấn phong, các Giám mục lãnh nhận trọn vẹn bí tích Truyền Chức Thánh với chức tư tế tối cao.
– Nhờ Thánh Thần mà các ngài lãnh nhận, các Giám mục trở thành Thầy dạy đức tin, thành Thượng tế, thành Mục tử thực thụ và chính thức.
b. Linh mục, cộng sự viên của Giám Mục : ………………………….….“
– qua bí tích Truyền Chức, các linh mục trở thành cộng sự viên của Giám mục để chu toàn sứ mạng tông đồ…
– Hiệp nhất với Giám Mục, các Linh Mục được tham dự vào quyền bính của Chúa Ki-tô, nghĩa là có quyền thay mặt Chúa Ki-tô mà hành động (vd. Khi cử hành các bí tích); cũng qua bí tích Truyền Chức Thánh, các Linh Mục được thánh hiến để trở thành tư tế đích thực, lo việc rao giảng, tế tự và chủ chăn.
– Các ngài thực thi những chức vụ thánh của mình cách tuyệt hảo nhất khi dâng Thánh Lễ.
c. Phó Tế “để phục vụ” : ……………..….“
– Khi phong chức, chỉ một mình Giám Mục đặt tay trên đầu tiến chức phó tế, điều này nói lên : Thầy Phó Tế được liên kết đặc biệt với Giám Mục trong trách nhiệm “phục vụ”.
– Ấn tín vĩnh viễn làm cho các Phó Tế nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô “Đấng đến để phục vụ” (Mc 10, 45). Các Thầy thực hiện trách nhiệm này qua việc: phụ giúp các Giám Mục và Linh Mục khi cử hành Thánh Lễ; trao Mình Chúa; chứng hôn và chúc lành hôn phối; đọc và giảng Phúc Âm; chủ tọa lễ nghi an táng; và chuyên lo những việc bác ái.
B/ Bổn phận của các tín hữu đối với các vị Chủ Chăn :
Các Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế đã được Thiên Chúa tuyển chọn giữa loài người. Với chức thánh các ngài gánh vác những trách nhiệm nặng nề đối với Hội Thánh và mọi người, tuy nhiên các ngài vẫn mang phận người yếu đuối, có giới hạn. Vì vậy, trong tình hiệp thông, mỗi Ki-tô-hữu có những bổn phận:
- Cầu nguyện cho các ngài luôn được nhiều ơn Chúa.
- Tôn kính, mến yêu, vâng lời các ngài vì các ngài là các vị thay mặt Chúa.
- Cộng tác với các ngài trong việc xây dựng Hội Thánh, xây dựng Họ Đạo.
C/ Ơn Kêu Gọi.
- Ơn Kêu Gọi là gì ? Chữ “Ơn Kêu Gọi” hoặc “Ơn Thiên Triệu” vẫn được hiểu là “tiếng Chúa mời gọi một số người dâng mình cho Chúa trong bậc Giáo Sĩ hay Tu Sĩ”. Họ được thánh hiến cho Thiên Chúa cách đặc biệt, để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh cách hoàn hảo hơn.
- Bổn phận đối với Ơn Kêu Gọi : Cha mẹ nói riêng và gia đình nói chung, có vai trò quan trọng trong việc khám phá và nuôi dưỡng Ơn Kêu Gọi của con cái. Khi nhận ra dấu chỉ Thiên Chúa gọi con cái mình, cha mẹ cần cổ võ (vd. cho đi dự các khóa Dự Tu), khích lệ, tạo điều kiện (vd. lo cho được học văn hóa), để con cái sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi.
IV. NÓI VỚI CHÚA :
Con sốt sắng đọc 1 kinh Lạy Cha, cầu nguyện cho các Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế.
V. NHỚ LỜI CHÚA
1/ H. Bí tích Truyền Chức Thánh là gì ?
T. Là bí tích Chúa Giê-su đã lập để thông ban chức linh mục cho những người được tuyển chọn, hầu phục vụ dân Chúa bằng việc giảng dạy, tế tự và điều hành mục vụ.
2/ H. Có những cấp bậc nào trong bí tích Truyền Chức Thánh ?
T. Từ ban đầu, bí tích Truyền Chức Thánh đã gồm ba cấp bậc: Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế.
3/ H. Người tín hữu có bổn phận nào đối với các Chủ Chăn ?
T. Người tín hữu có bổn phận cầu nguyện, tôn kính, vâng lời các vị Chủ Chăn trong các điều hợp lẽ đạo, tích cực cộng tác xây dựng Nước Chúa, đồng thời cũng phải giúp đỡ các ngài tinh thần và vật chất.
VI. SỐNG LỜI CHÚA
Cầu nguyện cuối giờ : Cám ơn Chúa về giờ Gặp Gỡ, dâng Chúa Điều Quyết Tâm : Ý thức về bổn phận và các trách nhiệm cao trọng của các Giám mục, Linh mục và Phó tế…con siêng năng cầu nguyện cho các ngài, và hết tình quí mến, cộng tác với các ngài.