Giáo Lý 5 Phút GPCT Tháng 2/2019: Giáo Huấn 10-13 (Có Giải Thích)

print

GIÁO HUẤN SỐ 10

CÁC NHÂN ĐỨC

H. Nhân đức là gì ? (398)

T. Nhân đức là một xu hướng thường xuyên, và bền vững để làm điều thiện.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa, xác định nhân đức là “những gì chân thật, cao quý, chính trực, tinh tuyền, đáng mến, đem lại danh thơm tiếng tốt, là đức hạnh, đáng khen”. Như vậy, nhân đức không những giúp ta thực hiện những hành vi tốt, mà còn giúp ta cống hiến hết khả năng thể xác và tinh thần của mình, để cố gắng theo đuổi điều thiện, và dứt khoát thực hiện bằng những hành động cụ thể. Vì như Thánh Grê-gô-ri-ô thành Nixê xác định: “Mục đích của đời sống nhân đức là nên giống Thiên Chúa”.

Chúng ta có gương sáng của thánh An-tôn Quỳnh : Đời sống nhân đức đã khiến Ngài hết tình muốn nên giống Chúa, nên trước giờ tử đạo, Ngài nhắn nhủ: “Hai con hãy yêu thương

nhau và sống đạo đức, các con sẽ gặp lại cha trên Thiên đàng”. Rồi nằm xuống trên chiếu, vui mừng vì được nên giống Chúa Giê-su, Ngài hồn nhiên nói: “Xưa Chúa cũng chịu giang tay như thế này để chịu đóng đinh”.

 

GIÁO HUẤN SỐ 11

NHÂN ĐỨC NHÂN BẢN

H. Nhân đức nhân bản là gì? (400)

T. Là nhân đức giúp con người điều chỉnh các hành vi, điều tiết các đam mê, hướng dẫn nếp sống của mình, cho phù hợp với lý trí và đức tin.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa: “Hãy mặc lấy Chúa Giê-su Kitô… 

Đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng”. Để thực hiện Lời Chúa kêu mời trên, ta cần rèn luyện:

+Một là đức khôn ngoan, giúp ta nhận ra việc tốt cần làm, và biết dùng những phương tiện chính đáng để thực hiện.

+ Hai là đức công bằng, giúp ta dâng về Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài, và trả cho người khác những gì thuộc về họ.

+ Ba là đức can đảm, giúp ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện.

+ Bốn là đức tiết độ, giúp ta kiềm chế sức lôi cuốn của những thú vui, làm chủ bản năng, và sử dụng chừng mực những của cải đời này.

Các thánh Tử đạo Việt Nam đã thực thi tuyệt vời các nhân đức:

Các Ngài công bằng dâng về cho Thiên Chúa hồng ân sự sống; Các Ngài tiết độ, can đảm trước cực hình tù ngục; Các Ngài khôn ngoan chọn điều tốt nhất, như thánh Phêrô Truật đã nói thẳng với nhà quan: “Chưa chắc là tôi dại. Ai khôn ngoan mới biết hiến mình cho chân lý, để chiếm lấy gia nghiệp muôn đời”.

GIÁO HUẤN SỐ 12

NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN

H. Nhân đức đối thần là gì? (407)

T. Là nhân đức siêu nhiên Thiên Chúa ban cho người Kitô hữu, giúp họ trực tiếp đến với Thiên Chúa, hành động như con cái Ngài, và đáng hưởng sự sống đời đời.

Lời Chúa kể ra các nhân đức đối thần: “Hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là đức cậy trông ơn cứu độ”. Ba nhân đức tin-cậy-mến “rất quý báu và trọng đại, nhờ

đó, ta được thông phần bản tính Thiên Chúa” vì hướng thẳng tới Thiên Chúa, như con đường dẫn người Ki-tô hữu trực tiếp gặp gỡ, và sống với Ba Ngôi chí thánh. Thiên Chúa phú ban

các nhân đức này khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, để chúng ta có khả năng hành động như con cái Chúa, và đáng hưởng sự sống muôn đời.

Các Thánh Án Khảm, Cai Tả, Cai Thìn nêu cao gương tin cậy mến đến hơi thở cuối cùng: ngày 13.01.1859, trên đường ra pháp trường Bảy Mẫu, cùng với 7 giáo dân làng Quần Cống,

ba Ngài lớn tiếng cầu nguyện. Và khi đến nơi xử, các Ngài đọc kinh tin, cậy, mến và nhiều lần kinh Ăn năn tội, rồi lớn tiếng kêu Tên cực trọng Giê-su.

GIÁO HUẤN SỐ 13

ĐỨC TIN

H. Đức tin là gì? (409)

T. Là ơn Thiên Chúa ban, giúp chúng ta tin vào Ngài, vào tất cả những gì Ngài đã mạc khải và Hội thánh truyền dạy, vì Thiên Chúa chính là Chân Lý.

Giáo huấn này dựa trên Lời Chúa về Áp-ra-ham: “Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng hề nghi ngờ lời Chúa hứa; nhưng nhờ niềm tin, ông đã vững mạnh tôn vinh Thiên Chúa”. Theo gương tổ phụ Áp-ra-ham, cha của tất cả những kẻ tin, trước nhất, Người tín hữu tự nguyện phó thác toàn thân cho Thiên Chúa , nhờ đó mà được sống. Sau nữa, ta còn phải can đảm tuyên xưng, làm chứng, và truyền bá đức tin. Đây là nghĩa vụ cần thiết để được ơn cứu độ, vì Chúa đã truyền: “Ai nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng nhận người ấy trước mặt Cha Thầy…”

Chúng ta có gương đặc biệt của 2 Thánh Phê-rô Hiếu và Gioan Bao-ti-xi-ta Thành đã tuyên xưng: “Dù sống dù chết, chúng tôi không bao giờ bỏ đức tin”. Hai thầy còn cùng với cha thánh Phao-lô Khoan, làm chứng và truyền bá đức tin qua lời cầu nguyện: “Ngợi khen Chúa trời đất. Chúng con hiến dâng mạng sống cho Chúa…Xin Chúa biến đổi trái tim vua, để vua tin theo đạo thật, đạo duy nhất đem lại phúc thật”.