Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 14 Thường Niên, Năm B

print

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 14 Thường Niên, Năm B

  1. TẠI CỔNG THIÊN ĐÀNG

Một tài xế xe taxi chết, đến Cổng Thiên Đàng và báo cho thánh Phêrô biết mình mới đến. Thánh Phêrô tìm tên anh ta trong Sách Hằng Sống. Khi thấy tên anh có trong danh mục, thánh nhân mời anh mặc một chiếc áo choàng trắng bằng vải lụa, cầm một cây quyền trượng bằng vàng và long trọng tiến vào Thiên Đàng. Một nhà giảng thuyết xếp hàng tiếp theo sau người tài xế xe taxi đã chú tâm theo dõi tất cả diễn tiến này. Anh ta mạnh dạn tiến lên và trình diện với thánh Phêrô. Khi thấy tên của nhà giảng thuyết trong Sách Hằng Sống, thánh Phêrô hơi nhíu mày và nói: “Được rồi, chúng tôi mời bạn vào, nhưng hãy lấy chiếc áo choàng vải sô và cầm cây gậy gỗ đó!” Nhà giảng thuyết ngạc nhiên hỏi lại: “Nhưng sao ngài lại cho con áo vải trơn, còn người lái xe taxi đó lại được một cây quyền trượng bằng vàng và một chiếc áo choàng lụa? Chắc chắn con phải đáng giá hơn tài xế taxi chứ?” Thánh Phêrô đã trả lời một cách thực tế: “Ở đây chúng tôi quan tâm đến kết quả: khi bạn giảng, mọi người đều ngủ gật. Còn khi người tài xế lái xe, mọi người đều cầu nguyện”.

  1. KHÔNG ĐƯỢC VINH DỰ

Có một câu chuyện vui về một giám mục khảo vấn một đại chủng sinh trước khi ngài quyết định phong chức phó tế cho anh. Đức giám mục hỏi anh ta muốn được nhận chức phó tế để thực tập mục vụ ở đâu. Người chủng sinh đáp khá mạnh dạn: “Thưa đức cha, đức cha cứ gửi con đến bất cứ nơi nào, ngoại trừ giáo xứ…!” Đức giám mục hỏi: “Tại sao lại không thể ở đó?” Người chủng sinh trả lời: “Đức cha biết đấy, đó là giáo xứ nhà quê của con – và đức cha cũng đã biết rằng “không một tiên tri nào được vinh dự nơi quê hương của mình.” Đức giám mục nhẹ nhàng đáp: “Đừng lo lắng, con ạ! Không ai ở quê hương của con nhầm lẫn con với một tiên tri đâu!”

  1. NHỮNG THIÊN TÀI BỊ KHƯỚC TỪ

Đức cha Fulton Sheen, nhà giảng thuyết tài năng và nổi tiếng, đã bị giáo viên hướng dẫn thuyết trình ở trường đại học của ngài nói rằng: “Anh đúng là người ăn nói kém nhất mà tôi từng thấy.” (Mark Link S.J.). Còn Ruth Graham cảm thấy không thể kìm hãm được sự thôi thúc muốn chạy ra khỏi buổi lễ lần đầu tiên bà nghe Billy Graham (một mục sư nổi tiếng) giảng. Bà không cảm thấy chút thuyết phục nào về khả năng thuyết giảng của ông. Kiểu giảng giải của ông làm bà chán ngán. Billy phải cải thiện phong cách  giảng thuyết của mình trước khi Ruth trở thành vợ ông. Nhà thần học lỗi lạc người Anh G.K. Chesterton không biết đọc mãi cho đến khi ông tám tuổi. Một giáo viên nói, nếu đầu của Chesterton được mở ra, người ta chỉ có thể nhìn thấy một cục mỡ chứ không phải bộ não. Người giáo viên đó đã hoàn toàn sai. Ernest Hemingway, tiểu thuyết gia vĩ đại, nhận giải Nobel văn chương năm 1954, đã bị các giáo viên của ông nói rằng: “Hãy quên việc viết lách đi; bạn không có đủ tài năng đâu.” Cuốn sách “The Tale of Peter Rabbit” của Beatrix Potter đã bị bảy nhà xuất bản từ chối (chú thích: một cuốn truyện tranh thiếu nhi in năm 1902, được dịch ra 36 thứ tiếng trong đó có tiếng Việt, với 45 triệu bản, được coi là một trong các sách bán chạy nhất trong lịch sử). Richard Bach đã nhận được hai mươi thư từ chối trước khi cuốn sách  “Jonathan Livingston Seagull” được xuất bản. Cuốn tiểu thuyết hài hước về chiến tranh của Richard Hooker, MASH đã bị 21 nhà in từ chối trước khi nó trở thành một cuốn sách bán chạy nhất, một bộ phim và một loạt phim truyền hình dài tập. Tiến sĩ Seuss, một trong những tác giả việt truyện thiếu nhi nổi tiếng nhất mọi thời đại, đã nhận được hơn hai chục phiếu từ chối trước khi cuốn sách “The Cat in the Hat” được in ra.

* Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu gặp phải sự từ chối như thế nào tại quê hương của Người. Vì vậy chúng ta không nên ngạc nhiên nếu chúng ta, những người tin theo Chúa Giêsu, cũng bị phân biệt đối xử trong cuộc sống.

  1. MỘT CÁI NHÌN MỚI

Một cậu bé 9 tuổi ngồi trong xưởng thợ của cha mình để xem cha mình làm việc sản xuất ra những bộ yên ngựa. Cậu Louis nói với cha: “Một ngày nào đó, thưa cha, con muốn trở thành một nhà sản xuất yên ngựa giống như cha.” “Tại sao con không bắt đầu ngay bây giờ?” Người cha hỏi. Rồi ông lấy một tấm da và vẽ một thiết kế trên đó. Ông nói: “Bây giờ con hãy đục lỗ cho hình vẽ này nhưng cẩn thận đừng để đóng vào tay nhé.” Quá phấn khích, cậu bé bắt đầu làm việc, nhưng khi cậu bấm lỗ, một mảng da bay ra khỏi tay và phóng vào mắt cậu! Cậu đã mất thị lực trong con mắt đó. Sau đó ít lâu, vì thần kinh mắt bị ảnh hưởng, con mắt kia cũng không hoạt động nữa. Louis bây giờ đã hoàn toàn bị mù. Vài năm sau, Louis đang ngồi trong khu vườn của gia đình thì một người bạn đưa cho anh một quả tùng. Khi anh lướt những ngón tay nhạy cảm của mình trên vật thể hình nón, một ý tưởng nảy ra trong đầu. Anh trở nên hăng hái và bắt đầu tạo ra một bảng chữ cái gồm các chấm nổi trên giấy để người mù có thể cảm nhận và giải thích sự vật. Vì vậy, vào năm 1818, Louis Braille đã mở ra một thế giới hoàn toàn mới cho người mù.

* Chúa Giêsu cũng đã làm điều này trong những năm thi hành sứ vụ: mở ra một tầm nhìn hoàn toàn mới cho bạn và cho tôi, tức là khôi phục lại thị lực mà chúng ta đã đánh mất từ ​​lâu.

  1. BỊ CỘNG ĐỒNG TỪ KHƯỚC

Cuốn sách Crossing Over (Bước qua), một tác phẩm văn học nổi tiếng, là câu chuyện về sự loại trừ mà một phụ nữ đã trải nghiệm khi yêu một người ngoài Cộng đồng Amish (một giáo phái Mennonite) và bỏ trốn để lấy anh ta. Tác giả, bà Ruth Garrett qua đó muốn thể hiện sự nổi loạn, nhưng quả thật bà không thể tưởng tượng được nỗi đau mà mình phải trải qua khi bị gia đình và cộng đồng xa lánh. – Khước từ: ngay từ ngữ này thôi cũng đã mang âm hưởng một “điềm báo”. Đáng buồn thay, đó là một trải nghiệm mà hầu hết, nếu không phải tất cả chúng ta, đều quen thuộc một cách đau đớn. Ai cũng có lúc bị từ chối. Nó có thể đến từ ông chủ, từ đồng nghiệp, từ người yêu, từ Giáo hội, thậm chí từ những người xa lạ, những người tỏ thái độ công khai rằng bạn không được chào đón trong một nhóm kết nối nào đó.

* Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu trải qua sự từ chối của gia đình và đồng hương tại quê nhà Nazareth.

  1. NHỮNG NGƯỜI NỔI TIẾNG BỊ KHƯỚC TỪ

Albert Einstein là một nhà vật lý lý thuyết được nhiều người coi là nhà khoa học quan trọng nhất của thế kỷ 20. Ông đã được trao giải Nobel Vật lý năm 1921 cho công trình của ông về giải thích hiệu ứng quang điện vào năm 1905 và “vì những đóng góp của ông đối với Vật lý lý thuyết.” Hầu hết chúng ta coi tên của Albert Einstein đồng nghĩa với thiên tài, nhưng không phải lúc nào ông cũng được như vậy. Einstein không biết nói khi đã bốn tuổi và không biết đọc cho đến khi lên bảy, khiến giáo viên và cha mẹ của ông nghĩ rằng ông bị thiểu năng trí tuệ, chậm chạp và chống đối xã hội. Cuối cùng, ông ta bị đuổi khỏi trường và bị từ chối nhận vào Trường Bách khoa Zurich. Năm 1905, Đại học Bern đánh trượt luận án tiến sĩ của ông bởi vì họ thấy nó có vẻ hão huyền và không thích hợp. Chàng sinh viên trẻ Ph.D (tiến sĩ) nhận được tin xấu đó chính là Albert Einstein.

Thomas Edison đã phát minh nhiều thiết bị có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống trong thế kỷ 20. Edison được coi là người có nhiều phát minh nhất trong lịch sử, nắm giữ 1093 bằng sáng chế ở Hoa Kỳ mang tên ông. Nhưng trong những năm đầu học hành, các giáo viên nói với Thomas Edison rằng ông “quá ngu ngốc không thể học bất cứ thứ gì.” Việc làm cũng chẳng khấm khá hơn, vì anh đã bị sa thải khỏi hai công việc đầu đời do không đủ năng suất. Ngay cả khi đã là một nhà phát minh, Edison đã thực hiện việc chế tạo ra bóng đèn với 1000 lần không thành công. Tất nhiên, tất cả những nỗ lực không thành công đó cuối cùng đã dẫn đến kết quả mỹ mãn.

Isaac Newton là nhà toán học người Anh vĩ đại nhất trong thời đại của ông. Công trình nghiên cứu về quang học và lực hấp dẫn đã khiến ông trở thành một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất mà thế giới từng biết đến. Nhiều người nghĩ rằng Isaac sinh ra đã là một thiên tài, nhưng không phải vậy! Khi còn nhỏ, ông ta học rất kém ở trường, kém đến mức các giáo viên không biết phải làm thế nào để cải thiện điểm số của ông. Khi được giao trọng trách điều hành trang trại của gia đình, ông đã thất bại thảm hại, rồi sống thiếu thốn đến nỗi một người chú phải gửi ông đến Cambridge, nơi cuối cùng ông đã trở thành một nhà khoa học mà chúng ta biết ngày nay.

Trong những năm đầu của mình, Charles Darwin từ bỏ sự nghiệp y tế và thường bị cha trừng phạt vì lười biếng và quá mơ mộng. Chính Darwin đã viết: “Tôi bị tất cả thầy giáo và cha tôi coi là một cậu bé rất tầm thường, thấp hơn tiêu chuẩn thông thường về trí tuệ.” Có lẽ họ đã phán đoán quá sớm, vì ngày nay Darwin nổi tiếng với những nghiên cứu khoa học của ông về sinh học, về địa chất và về thuyết tiến hóa. Nhưng hầu hết mọi người đều thấy rằng cuối cùng thì ông ấy đã được nhìn nhận xứng đáng. Ông giành được những phần thưởng, không phải giải Nobel (được trao lần đầu tiên khoảng 30 năm sau khi ông qua đời) mà là Huân chương Copley, Huân chương Wollaston, và Huân chương Hoàng gia và được phong làm Thành viên của Hiệp hội Hoàng gia, nhờ giá trị của những cuốn sách nổi tiếng của ông.

Doanh nhân bị từ chối: Henry Ford (vua xe hơi): Hai công ty ô tô đầu tiên của ông đã thất bại. Điều đó không ngăn cản ông thành lập Ford Motor Company và là người đầu tiên áp dụng dây chuyền lắp ráp vào sản xuất ô tô với giá cả phải chăng trên thế giới. Ông không chỉ cách mạng hóa sản xuất công nghiệp ở Hoa Kỳ và châu Âu, ông còn có ảnh hưởng to lớn đối với nền kinh tế và xã hội thế kỷ 20. Sự kết hợp giữa sản xuất hàng loạt, lương cao và giá thấp cho người tiêu dùng đã khởi xướng một trường phái quản trị được gọi là “Chủ thuyết Ford”. Ông đã trở thành một trong ba người đàn ông nổi tiếng và giàu nhất thế giới trong thời của mình. Nhưng những công việc kinh doanh ban đầu của ông đã thất bại và khiến ông bị phá sản 5 lần trước khi thành lập Công ty Ford Motor thành công.

Ludwig van Beethoven, một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức, được nhiều người coi là một trong những nhà soạn nhạc xuất sắc nhất trong lịch sử âm nhạc. Danh tiếng của ông đã truyền cảm hứng- và trong nhiều trường hợp là sự nhắc nhở – cho các nhà soạn nhạc, nhạc sĩ và khán giả, những người thuộc thế hệ sau. Trước khi bắt đầu sự nghiệp của mình, giáo viên âm nhạc của Beethoven từng nói về ông “nếu ông theo nghề soạn nhạc, thì ông ta chẳng mang lại hi vọng gì”. Và trong suốt sự nghiệp của mình, ông bị mất thính giác và với thể chất ốm yếu, nhưng ông đã sáng tạo ra được âm nhạc tuyệt vời – một người khiếm thính lại sáng tác nhạc! Thật là kỳ diệu, phải không!

  1. RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO NGƯỜI NGHÈO

Câu chuyện được kể về một tu sĩ dòng Phanxicô ở Australia được chỉ định làm người hướng dẫn và đồng hành với Mẹ Têrêsa khi bà đến thăm New South Wales. Hồi hộp và vui mừng trước ý nghĩ được gần gũi người phụ nữ tuyệt vời này, anh hi vọng mình sẽ học hỏi được nhiều điều từ bà và sẽ nói với bà về nhiều vấn đề khác nữa. Nhưng trong chuyến thăm này anh cảm thấy thất vọng. Mặc dù thường xuyên ở gần bà, vị tu sĩ không có cơ hội nói một lời nào với Mẹ Têrêsa. Luôn có những người khác rất cần gặp gỡ bà. Cuối cùng, chuyến lưu thăm của bà kết thúc và bà sẽ bay đến New Guinea. Trong sự thất vọng, tu sĩ dòng Phanxicô nói với Mẹ Têrêsa: “Nếu tôi tự trả tiền vé máy bay đến New Guinea, tôi có thể ngồi cạnh mẹ trên máy bay để có thể nói chuyện với mẹ và học hỏi từ mẹ không?” Mẹ Têrêsa nhìn anh, bà hỏi: “Bạn có đủ tiền để trả tiền vé máy bay đến New Guinea à? “Vâng,” anh ta háo hức trả lời. Bà nói: “Vậy bạn hãy trao số tiền đó cho người nghèo, bạn sẽ học được nhiều thứ từ đó hơn bất cứ những gì tôi có thể nói với bạn”.

* Mẹ Têrêsa hiểu rằng sứ vụ của Chúa Giêsu là phục vụ người nghèo và bà cũng thực hiện sứ vụ của mình theo gương Người. Bà biết rằng hơn ai hết người nghèo cần Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm