Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 17 Thường Niên, Năm B

print

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 17 Thường Niên, Năm B

  1. LÍ DO NGHÈO ĐÓI TRÊN THẾ GIỚI

Ở các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, hơn 500 triệu người đang sống trong điều mà Ngân hàng Thế giới gọi là “nghèo tuyệt đối”. Mỗi năm có 15 triệu trẻ em chết vì đói. Tiểu lục địa Ấn Độ có gần một nửa số người đói trên thế giới. Châu Phi và phần còn lại của Châu Á cộng lại khoảng 40%, và những người đói nghèo còn lại được tìm thấy ở Châu Mỹ Latinh và các khu vực khác trên thế giới. Gần 1/4 dân số thế giới, khoảng 1,5 tỷ người – phần lớn nhân loại – sống với mức dưới 1 đô la mỗi ngày, trong khi 358 tỷ phú trên thế giới có tài sản vượt quá thu nhập hàng năm của 45% dân số thế giới hợp lại. Có ba lý do giải thích cho tình trạng này: 1) Người giàu và các nước giàu có không sẵn lòng chia sẻ của cải của họ với người nghèo và người thiếu thốn. 2) Sự phân phối của cải không công bằng, tạo điều kiện cho người giàu trở nên giàu hơn và để cho người nghèo bị nghèo hơn. 3) Chi tiêu quân sự khổng lồ của các quốc gia giàu và nghèo. Hầu hết các quốc gia chi hơn một nửa thu nhập quốc dân cho quân đội. Ví dụ, Hoa Kỳ chi 54% thu nhập cho quân đội trong khi chỉ phân bổ 6% cho giáo dục, 6% cho nhà ở và 3% cho an sinh xã hội và trợ cấp thất nghiệp. Chi phí quân sự hàng năm của Hoa Kỳ trong giai đoạn 2014-15 là 581 tỷ USD; trong cùng khoảng thời gian đó, chi phí quân sự của Trung Quốc là 129 tỷ USD và của Nga là 70 tỷ USD. Chúng ta phải nhớ rằng với giá của một tên lửa hành trình (1,41 triệu USD), một ngôi trường đầy trẻ em đói có thể ăn trưa mỗi ngày trong 5 năm. 100 triệu người chết có thể được ngăn chặn với cái giá của mười máy bay ném bom tàng hình, hoặc những gì thế giới chi cho quân đội của họ trong hai ngày. (Mỗi máy bay ném bom tàng hình có giá 2,1 tỷ USD). Mặc dù lương thực trên thế gian đủ để nuôi con cái Thiên Chúa, nhưng nó sẽ không bao giờ đủ để lấp đầy lòng tham của loài người.

* Khi trình bày Chúa Giêsu cho năm nghìn người ăn một cách kỳ diệu, Tin Mừng hôm nay thách thức chúng ta thay đổi lối sống tham lam để có thể phục vụ những người nghèo đói xung quanh chúng ta.

  1. MỘT BAO GẠO CHIA SẺ

Từ kinh nghiệm cá nhân của mình, Mẹ Têrêsa kể lại một câu chuyện để giáo huấn, nói đến lòng rộng rãi của một người nghèo xuất thân từ trải nghiệm đói nghèo của bản thân, tương phản với những người giàu không phải sống hoàn cảnh ấy. Biết tin một gia đình nghèo theo đạo Hindu ở Calcutta bị đói nhiều ngày, Mẹ Têrêsa đến thăm họ và mang một bọc gạo lớn cho người mẹ. Bà rất ngạc nhiên khi thấy người mẹ này chia gạo thành hai phần bằng nhau và mang một bao nhỏ đưa cho người hàng xóm Hồi giáo của bà. Khi bà quay trở lại, Mẹ Têrêsa hỏi bà tại sao bà lại làm một hành động hào phóng như vậy, người phụ nữ trả lời: “Gia đình tôi có thể xoay sở với một nửa số gạo trong túi này. Còn gia đình hàng xóm của tôi có vài đứa trẻ đang chết đói”.

* Tin Mừng hôm nay kể câu chuyện về một cậu bé cũng thể hiện lòng rộng rãi như vậy. Bằng cách chia sẻ bữa ăn trưa nhỏ của mình (gồm năm cái bánh lúa mạch và hai con cá), cậu đã trở thành một dụng cụ để Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi sống hàng ngàn người.

  1. CHO NGƯỜI NGHÈO ĂN

Một vị tu sĩ già nhiều năm cầu nguyện cho mình được nhìn thấy Chúa để củng cố đức tin, nhưng điều đó chưa bao giờ xảy đến. Ông gần như từ bỏ hy vọng đó, tuy nhiên một ngày nọ, hình ảnh khuôn mặt rạng ngời của Chúa Giêsu bất ngờ xuất hiện trong phòng của ông. Vị tu sĩ vui mừng khôn xiết. Nhưng ngay giữa lúc được thấy thị kiến thì tiếng chuông tu viện vang lên. Tiếng chuông ngân lên có nghĩa là đã đến giờ ăn của những người nghèo khổ tụ tập hàng ngày ở cổng tu viện. Làm sao ông có thể rời đi bây giờ? Ông nên làm gì đây – ở lại với Vị khách Thần linh của mình, hay là đi làm nhiệm vụ phân phát thức ăn cho những người đói khổ? Nếu ông không xuất hiện với những túi thức ăn, thì những người bất hạnh sẽ lặng lẽ rời đi, vì họ nghĩ rằng tu viện không có gì cung cấp cho họ ngày hôm đó. Vị tu sĩ già bị giằng co giữa nghĩa vụ từ thiện cấp bách và thị kiến thần linh bất ngờ. Nhưng trước khi tiếng chuông ngừng kêu, vị tu sĩ đã đưa ra quyết định của mình. Với trái tim nặng trĩu, ông đi trao thức ăn cho những người nghèo. Gần một giờ sau, “lão sư” trở về phòng. Khi mở cửa ra, ông thật khó tin vào mắt mình. Căn phòng tràn ngập ánh sáng như thiên đường. Ở đó, Chúa Giêsu sáng ngời như mặt trời, Người mỉm cười với ông bằng sự dịu dàng yêu mến. Khi vị tu sĩ quỳ gối tạ ơn, Thị kiến nói với ông: “Con của ta à, nếu con không đi trao thức ăn cho người nghèo, thì Ta đã không ở lại.”

  1. KHÔNG VÀO NHÀ THỜ TIN LÀNH

Trở lại khoảng năm 1950, trước khi Công đồng Vaticanô II kêu gọi người Công giáo nên có mối tương giao thân thiện hơn với những anh chị em li khai thuộc các Giáo hội Kitô khác, thì người Công giáo thường được nhắc nhở rằng họ không nên tham dự các buổi thờ phượng ngoài Công giáo trừ khi có một bổn phận nào đó đòi hỏi. Năm đó, Douglas Woodruff, người viết chuyên mục hóm hỉnh và dí dỏm của một tạp chí Công giáo nổi tiếng của Anh, The Tablet, đã kể câu chuyện về một tên cướp lúc ấy bị bắt vì lấy trộm tiền từ một thùng tiền của Nhà thờ Westminster (Đây là Nhà thờ Chính tòa của Tổng Giáo phận Công giáo Westminster, nằm ở Luân Đôn). Khi thẩm phán thẩm vấn anh ta, thủ phạm thừa nhận rằng anh ta cũng đã lấy trộm tiền từ những thùng tiền của một số nhà thờ khác ở London. Hắn đã đưa ra một danh sách đầy đủ về chúng. Thẩm phán bối rối hỏi: “Tất cả đều là nhà thờ Công giáo!” “Làm sao anh lại không ăn cắp trong bất kỳ nhà thờ Tin lành nào?” Kẻ trộm đã vênh váo nói: “Tôi…mà đi vào một nhà thờ Tin lành sao? Đó là một điều tội lỗi! Tôi là một người Công giáo tốt, tôi luôn là vậy!”

* Thánh Phaolô chắc chắn đã nhấn mạnh đến sự hợp nhất trong Đức Tin của những người con Chúa: “Chỉ có một Chúa, một Đức tin, một Phép Rửa” (Ep 4, 6). Tuy nhiên, còn có những điều nghiêm trọng làm tổn hại đến Thân Thể mầu nhiệm Chúa Kitô vì sự chia rẽ giữa những người tin.

  1. CÙNG NHAU ĐỂ VƯỢT QUA

Tu sĩ Ấn giáo Sunder Singh và một người bạn hôm đó đi khất thực qua một vùng núi phía Bắc Ấn Độ. Những cơn bão mùa đông gào thét xung quanh họ, và chẳng mấy chốc họ bị cuốn vào một trận bão tuyết lớn, mà họ phải chiến đấu rất vất vả. Tuy nhiên ngay lúc ấy, họ nhìn thấy một người đàn ông nằm bên vệ đường, có vẻ như đã chết. Tu sĩ Sunder Singh muốn ở lại để cứu giúp người xấu số, nhưng bạn của anh phản đối, cho rằng nỗ lực này sẽ không đi đến đâu, và anh đã bỏ đi để tiếp tục hành trình của mình. Thể hiện tinh thần của người Samaritanô nhân hậu, vị tu sĩ đã ghì chặt tay chân của người đàn ông lại, nhấc anh ta lên lưng và lê bước qua thảm tuyết một cách khó khăn. Hơi ấm của cơ thể người đàn ông đã tạo thêm hơi ấm cho cơ thể vị tu sĩ, có tác dụng hồi sinh và duy trì sự sống. Sau khi tiến thêm một dặm nữa, họ nhìn thấy một thi thể khác nằm bên lề đường. Đó chính là bạn đồng hành của vị tu sĩ, anh đã bị chết cóng. Một mình anh không đủ ấm để chống chọi với cái lạnh của cơn bão.

* Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta chia sẻ các ơn lành Chúa ban với người khác.

  1. CHÚNG TA NGHÈO THẾ NÀO

Một ngày nọ, một người cha của một gia đình rất giàu có dẫn con trai mình đi du lịch đến một vùng quê với mục đích là cho con trai mình nhìn thấy cuộc sống của người dân quê nghèo khổ như thế nào. Họ đã dành vài ngày đêm trong trang trại của nơi được coi là một gia đình rất nghèo. Khi họ trở về, người cha hỏi con trai mình: “Chuyến đi thế nào, con?”- “Thật tuyệt vời, bố ạ.” Người cha hỏi: “Con có thấy người nghèo sống như thế nào không?” Cậu con trai nói: “Thưa có,” người cha lại hỏi: “Vậy, hãy cho cha biết, con đã học được gì từ chuyến đi ấy”. Người con trai trả lời:  “Con thấy rằng chúng ta chỉ có một con chó, nhưng họ có một bầy. Chúng ta chỉ có một cái hồ bơi rộng đến giữa khu vườn, còn họ có một cái ao rộng ngút mắt. Chúng ta chỉ có những chiếc đèn lồng treo trong vườn, còn họ được ngắm nhìn muôn vàn ngôi sao vào ban đêm. Sân của chúng ta chỉ vỏn vẹn ở phía đằng trước, còn họ có cả một đường chân trời bao la. Chúng ta chỉ có một mảnh đất nhỏ để sống, còn họ có những cánh đồng bát ngát vượt quá tầm mắt của chúng ta. Chúng ta có những đầy tớ phục vụ chúng ta, còn họ phục vụ những người khác. Chúng ta mua thức ăn cho mình, còn họ tự trồng lấy. Chúng ta có những bức tường rào bảo vệ tài sản; còn họ có những người bạn bảo vệ họ”. Cha của cậu bé không nói nên lời. Sau đó, con trai ông nói thêm: “Cảm ơn bố, đã cho con thấy chúng ta nghèo như thế nào.”

  1. BÁNH ĂN CHO NGÀY MAI

Ngay sau khi Thế chiến thứ hai ngừng lại, những người lính Mỹ đã gom nhiều trẻ em đói khát và vô gia cư, đưa chúng vào các lán trại dựng tạm trong thành phố. Nhiều đứa trong số chúng bị suy dinh dưỡng nặng, cần phải được chăm sóc y tế riêng. Những người lính đã chia sẻ khẩu phần bánh của họ với chúng. Tuy nhiên, những người lính nhận thấy bọn trẻ sợ đi ngủ vào ban đêm. Một trong những người lính đã thử làm một thí nghiệm sau bữa tối: anh ta đưa cho đứa trẻ một ổ bánh mì để nó ôm vào lòng. Kết quả thật đáng kinh ngạc: khi chúng có được ổ bánh mì cho ngày mai, chúng đã ngủ một cách dễ dàng. Sự an tâm đã xua đi nỗi sợ hãi.

* Carl Jung, một trong những bác sĩ tâm thần vĩ đại nhất thế kỷ của chúng ta, cho rằng các thể loại tâm bệnh của thời đại hiện nay, đó là sự trống rỗng. Vấn đề của nhân loại hôm nay là một vấn đề thuộc linh. Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã đáp ứng nhu cầu đó cho con người.

  1. ĐÓ LÀ PHÉP LẠ

Danh họa Rembrandt có thể lấy một khung vải trị giá chỉ hai đô la, vẽ một bức tranh lên đó và biến nó thành một kiệt tác vô giá. Đó là nghệ thuật. John D. Rockefeller có thể lấy một tấm séc vô giá trị, ký tên vào nó và khiến nó trị giá một triệu đô la. Đó là vốn. Một người thợ cơ khí có thể lấy một mảnh kim loại vụn uốn cong lại và tạo hình nó thành một bộ phận xe ô tô trị giá 500 đô la. Đó là kỹ năng.

* Chúa Giêsu đã lấy bánh và cá là thức ăn thông thường nhất, chúc lành và nhân lên gấp bội, làm thành bữa tiệc cho 5000 người! Đó là một phép lạ.

  1. CHIA SẺ MỌI THỨ

(Chuyện vui)

Một người thanh niên nhìn thấy một cặp vợ chồng già đang ngồi ăn trưa tại một tiệm ăn. Anh thấy họ gọi một cái bánh mì thịt và một chai nước ngọt. Khi quan sát, anh thấy người đàn ông cẩn thận chia đôi cái bánh mì, đếm số miếng thịt, miếng giò, dưa leo… một cho ông, một cho bà, cho đến khi mỗi người được đúng một nửa. Sau đó, ông rót một nửa chai nước ngọt vào cái ly phụ và đặt nó trước mặt vợ. Tiếp theo ông già bắt đầu ăn, còn vợ ông ngồi xem với hai tay khoanh vào lòng. Người thanh niên thấy vậy hỏi liệu anh muốn mua một chiếc bánh khác cho họ để họ khỏi phải chia phần, có được hay không. Ông già nói: “Ồ không. Chúng tôi đã kết hôn được 50 năm, mọi thứ đã và sẽ luôn được chia sẻ, tỷ lệ năm mươi/ năm mươi.” Sau đó, người thanh niên hỏi người vợ tại sao bà không ăn, và bà ấy trả lời: “Đến lượt ông ấy làm việc với hàm răng của mình!”

  1. KHÔNG PHẢI PHÉP LẠ

(Chuyện vui)

Tôi nghe nói về một cha mới giảng bài giảng đầu tiên của mình, và ngài giảng đúng bài Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay. Khi mở lời, ngài luống cuống nói: “Tôi muốn chia sẻ với anh chị em về phép lạ Chúa Giêsu cho năm người đàn ông ăn năm nghìn chiếc bánh và hai nghìn con cá.” Ngay lúc đó, một người đàn ông trong nhà thờ vốn hay chỉ trích các linh mục, nhảy dựng lên và nói: “Giảng kỳ cục! Đó không phải là phép lạ, tôi cũng có thể làm được điều đó!” Vị linh mục trẻ này cảm thấy như vỡ tan cõi lòng, muốn khuỵu xuống trên tòa giảng, và rốt cuộc không thể giảng bài giảng đó. Chúa nhật tiếp theo, ngài bắt đầu lại với bài giảng tương tự và lần này giới thiệu chính xác: “Hôm nay tôi muốn trình bày với anh chị em về phép lạ Chúa Giêsu cho năm ngàn người ăn năm cái bánh và hai con cá”. Ngài nhìn xuống người đàn ông nổi tiếng chỉ trích giáo hội và nói: “Tôi đoán ông cũng có thể làm điều đó chứ?” Người đàn ông đáp: “Chẳng có gì khó khăn, tôi có thể làm điều đó dễ dàng!” Vị giảng thuyết hỏi: “Làm thế nào?” Người ấy nói: “Với những gì còn sót lại từ Chúa nhật tuần trước!”

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm